Thí nghiệm của Smith và cs. (1993) cho biết trâu Địa Trung Hải được vỗ béo bằng cỏ, cám lúa mì và các chất khoáng bổ sung trong 140 ngày với khối lượng bình quân bắt đầu thí nghiệm là 213 kg, kết thúc là 333 kg đạt mức tăng tăng khối lượng 0,875 kg.
Nguyễn Văn Thưởng (2000) nuôi vỗ béo trâu bằng cách bổ sung thêm 5- 7 kg thức ăn xanh tại chuồng, 0,5 kg bột sắn, 0,5 kg cám/con/ngày (ngoài thức ăn ăn được khi chăn thả ngoài đồng), trâu nuôi 21-24 tháng tuổi đạt 266,70-288,92 kg ± 4,85, với tỷ lệ thịt xẻ 46,22%, tỷ lệ thịt tinh là 37,22%, tăng 2% so với trâu chỉ ăn thức ăn thô xanh ngoài bãi chăn thả.
Nguyễn Đức Chuyên (2004) thí nghiệm bổ sung thức ăn cho nghé vào ban đêm, ngoài thức ăn nghé thu nhận được khi chăn thả tự do ngoài bãi chăn, sau 6 tháng đã khẳng định: Tăng khối lượng của lô thí nghiệm cao hơn 10-12% so với lô đối chứng (không được bổ sung thức ăn vào ban đêm), chi phí cho 1 kg tăng khối lượng lô thí nghiệm thấp hơn so với lô đối chứng 8,11%.
Mai Van Sanh và cs. (2006) khi cho trâu ở các nhóm ăn lượng thức ăn tinh như nhau gồm 1 kg bột sắn, 1 kg bột lá sắn và 0, 5 kg rỉ mật, cỏ voi được thay thế bằng rơm có xử lý urê trong khẩu phần theo các mức 0, 25%, 50% và 75 %. Trâu cho tăng trọng từ 488 g đến 544 g/ngày.
Terzano và cs. (1995) đánh giá: Khẩu phần dinh dưỡng cao biểu hiện tốt nhất và có ý nghĩa (P<0,05) về tuổi phát dục (21 tháng so với 24 tháng trong nhóm dinh dưỡng thấp) đồng thời ảnh hưởng có ý nghĩa (P<0,05) đến tăng trọng ngày (678 g so với 530 g trong nhóm dinh dưỡng thấp). Dahlan (1996) kết luận: Khẩu phần và phương thức nuôi ảnh hưởng có ý nghĩa đến đặc điểm thịt xẻ và chất lượng thịt.
Qua những công bố trên, có thể khẳng định rằng: Ngoài yếu tố giống, thức ăn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp rất lớn đến quá trình sinh trưởng, phát triển và cho thịt của trâu. Chế độ nuôi dưỡng và hiệu quả sử dụng thức ăn phụ thuộc vào sự cân đối các thành phần trong khẩu phần ăn cụ thể. Thí dụ, nghé lúc 11 tháng
tuổi có khối lượng 110-120 kg thì tỷ lệ thịt xẻ là 44%, lúc 2 năm tuổi có khối lượng 250-300 kg thì tỷ lệ thịt xẻ là 50% còn trâu cái trên 5 tuổi có khối lượng 400-600 kg thì tỷ lệ thịt xẻ là 55% và khi so sánh tỷ lệ thịt xẻ và các tỷ lệ của các thành phần thịt, mỡ, xương giữa nghé và bê lai thì không có sự khác nhau đáng kể (Pasha và Malik, 1990). Thành phần hoá học của thịt trâu cũng tương tự như của thịt bò, còn độ mềm, tính ngon miệng thì không khác mấy so với thịt bò.
Tỷ lệ thô tinh thực tế trong mỗi khẩu phần quyết định khả năng tăng khối lượng của các nhóm trâu thí nghiệm (Wanapat và Wachirapakorn, 1990). Các tác giả thông báo rằng tăng khối lượng hàng ngày cao nhất thấy được ở 2 nhóm trâu sử dụng khẩu phần rơm đã xử lý hoặc không xử lý urea với thức ăn tinh có tỷ lệ 20/80. Nhưng tính đến lãi suất nuôi vỗ béo thì trâu ăn khẩu phần có tỷ lệ rơm xử lý urê và tỷ lệ thức ăn tinh 50% và 20% hiệu quả cao hơn, trâu ăn khẩu phần nhiều thức ăn tinh (tỷ lệ 80%) lợi nhuận thu được thấp nhất. Wanapat và cs. (1994) đã kết luận sử dụng thức ăn thô nuôi trâu như rơm lúa hiệu quả nhất ở tỷ lệ thô/tinh không quá 65/35. Đã có nhiều công trình nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng đối với thức ăn thô thì ngoài việc bổ sung nguồn ni tơ dễ phân giải ở dạ cỏ việc bổ sung thêm các loại protein thô ở dạng khó phân giải rất có lợi, bởi vì những loại thức ăn protein này sẽ "thoát qua" sự phân giải ở dạ cỏ và cung cấp axit amin trực tiếp cho vật chủ ở ruột để thoả mãn các nhu cầu sản xuất (Nguyễn Viết Hải, 1990), (Tiwari và Yadava, 1994), (Wanapat và cs, 1997). Như vậy, tăng mức bổ sung bột lá sắn vào khẩu phần cỏ xanh và rơm ủ urê để nuôi trâu, tăng khối lượng tăng cao, điều này là hoàn toàn phù hợp. Kết quả nghiên cứu trên cũng có sự tương đồng với nghiên cứu của Mullins và cs (1984), Perdok và Leng (1986), các tác giả trên đều cho rằng gia súc ăn khẩu phần đã bổ sung urê và có bổ sung protein "thoát qua" tăng khối lượng cao hơn gia súc ăn khẩu phần chỉ bổ sung urê.
Có thể bạn quan tâm!
- Các Quy Luật Của Quá Trình Sinh Trưởng
- Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Đến Sinh Trưởng Của Trâu
- Các Yếu Tố Ảnh Hưởng Tới Khả Năng Sản Xuất Thịt Của Trâu
- Nội Dung 1: Sử Dụng Trâu Đực Ngố Khối Lượng Lớn Nâng Cao Tầm Vóc Và Khả Năng Sinh Trưởng Của Đời Con
- Phương Pháp Sử Dụng Cho Nội Dung 2: Nghiên Cứu Các Khẩu Phần Có Mức Dinh Dưỡng Cao Để Nâng Cao Khả Năng Sinh Trưởng Và Sản Xuất Thịt Của Trâu
- Phương Pháp Sử Dụng Cho Phần Thí Nghiệm Về Giống:
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
Các tác giả Chave Israkul (1992); Leng và cs. (1994) cho biết sử dụng tảng thức ăn chất lượng cao (HQFB) trong khẩu phần làm cải thiện tình hình dinh
dưỡng và thể trạng ở bò và cừu. Thành phần trong tảng thức ăn chất lượng cao gồm bột hạt bông 15%, bột cá 10%, rỉ mật 35%, urê 10%, vitamin A, D3-E và hỗn hợp khoáng. Đối với trâu đầm lầy, việc bổ sung HQFB trong khẩu phần còn hạn chế. Tuy nhiên, Wanapat và Sommat (1993) từ một thí nghiệm vỗ béo với khẩu phần rơm có bổ sung HQFB đã thu được tăng khối lượng 0,680 kg/ngày. Trâu ăn khẩu phần rơm có bổ sung HQFB + thức ăn tinh với 2 mức 1% và 0,75% khối lượng cơ thể cho tăng khối lượng tương ứng 0,790 và 0,650 kg/ngày.
Ragheb và cs. (1989) tiến hành nuôi vỗ béo 100 trâu tơ với khẩu phần có tỷ lệ protein/năng lượng là 1/5 và 1/8 công bố tăng khối lượng tương ứng 625 và 805g/ngày, tỷ lệ thịt xẻ 50,9 và 60,0%. Baruah và cs (1990) cho biết protein và năng lượng khẩu phần ảnh hưởng đến tỷ lệ thịt lọc, khi vỗ béo trâu với mức protein 75 và 100% trong các khẩu phần có 90, 100 và 110% năng lượng theo
tiêu chuẩn NRC (1984), tỷ lệ thịt lọc lần lượt là 56,9; 58,5; 58,7; 52,2 57,0 và 59,1%. Các tác giả cho biết phần trăm mỡ dưới da và ở phủ tạng cao hơn chút ít trong nhóm trâu nuôi với khẩu phần cao năng lượng (Heing, 2001).
Wanapat và cs. (1991) thí nghiệm nuôi trâu đầm lầy chăn thả trên bãi cỏ Ruzy 7 giờ/ngày và chia làm 3 nhóm: Không bổ sung thức ăn, bổ sung thức ăn tinh hỗn hợp với 0,5% khối lượng cơ thể và bổ sung bột hạt bông với 0,2% khối lượng cơ thể thu được tăng khối lượng tương ứng 483, 594 và 515g/ngày. Terzano và cs. (1995) đánh giá khẩu phần dinh dưỡng cao ảnh hưởng tốt đến tuổi phát dục đồng thời ảnh hưởng có ý nghĩa đến tăng khối lượng ngày (678 g so với 530 g trong nhóm dinh dưỡng thấp). Dahlan (1996) cũng cho rằng khẩu phần và phương thức chăn nuôi ảnh hưởng có ý nghĩa đến đặc điểm thịt xẻ và chất lượng thịt .v.v..
Ở nước ta, đã có nhiều tác giả nghiên cứu về các lĩnh vực giống, sinh sản, cày kéo và bệnh của trâu. Tuy nhiên, những nghiên cứu về dinh dưỡng nhằm khai thác thịt trâu thông qua kỹ thuật vỗ béo từ nguồn thức ăn tại chỗ còn ít được đề cập. Nguyễn Đức Thạc (1983) đã thông báo rằng trong điều kiện nuôi dưỡng bình
thường, trâu nội loại hình to 2 năm tuổi cho tỷ lệ thịt xẻ 48,2%, trâu F1 (Murrah×Swamp) 18-24 tháng tuổi cho tỷ lệ thịt xẻ 49,1-50,1%. Nguyen Van Thu và cs. (1993) đã sử dụng nguồn thức ăn thô có sẵn gồm rơm lúa, bã mía và cỏ tự nhiên làm khẩu phần cơ sở để vỗ béo trâu tơ giống đầm lầy cho thấy tăng khối lượng của nhóm trâu có bổ sung bánh urea rỉ mật là 25,6 kg cao hơn (P<0,01) so với nhóm
đối chứng không bổ sung là 13,9 kg.
Trâu đã được nghiên cứu với điều kiện chăn thả quảng canh và thâm canh, sử dụng thức ăn thô xanh chất lượng hơn và thức ăn tinh để lấy thịt. Điều kiện đồng cỏ tương đối thuận lợi, ảnh hưởng đến cường độ sinh trưởng phát dục của trâu. Chăn thả trên bãi với thảm cỏ phong phú là yếu tố kinh tế quan trọng trong việc vỗ béo trâu. Intaramongkorl và cs. (1994) cho rằng trâu tơ 2 năm tuổi, vỗ béo qua chăn thả có bổ sung thức ăn tinh là thích hợp, nên tiến hành vào mùa mưa khi mà thức ăn xanh dồi dào. Tuy nhiên, trâu đầm lầy vỗ béo tại chuồng là hoàn toàn có khả năng và đem lại hiệu quả kinh tế (Wanapat và cs., 1994).
Sức sản xuất thịt của trâu phụ thuộc rất lớn vào mức dinh dưỡng và kỹ thuật nuôi dưỡng trước khi giết thịt. Khi nuôi dưỡng kém, tăng khối lượng thấp, trâu bò gầy và do đó tỷ lệ xương và dây chằng cao (25-30% thân thịt), tỷ lệ thịt thấp. Khi mức độ dinh dưỡng tăng± tỷ lệ mỡ và cơ trong thân thịt cao, mô liên kết và xương giảm, giá trị của thịt cao (Nguyễn Xuân Trạch và cs., 2005).
Chế độ dinh dưỡng cao rút ngắn quá trình nuôi dưỡng và làm thay đổi phẩm chất thịt. Hai loại dinh dưỡng quan trọng cần cho vật nuôi là năng lượng và protein. Năng lượng cần cho việc duy trì sự tồn tại của tổ chức cơ thể, hoạt động của cơ, hệ tiêu hóa và hình thành các tổ chức mới. Nhu cầu năng lượng chịu ảnh hưởng bởi khối lượng của con vật và khối lượng tăng lên của các tổ chức trong cơ thể. Năng lượng để sản xuất 1 kg mỡ gấp 7 lần năng lượng dùng để sản xuất 1 kg thịt nạc.
2.3.2.3. Tuổi vỗ béo và mổ thịt
Chất lượng của thịt trâu, ngoài bị ảnh hưởng bởi mức độ dinh dưỡng, tuổi giết thịt cũng rất ảnh hưởng. Sekhon và cs. (1996), cho rằng trâu mổ thịt ở tuổi 12-16 tháng khả năng cho thịt là có chất lượng và hiệu quả kinh tế nhất, đồng thời thịt trâu non hầu như không khác so với thịt bò về mặt vị giác và cảm quan. Thế nhưng, tuổi mổ thịt phụ thuộc vào khả năng sinh trưởng, tốc độ sinh trưởng của giống và các điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng. Trâu 18-24 tháng tuổi đưa vào vỗ béo lấy thịt là thích hợp vì tuổi này đang ở đỉnh của tăng khối lượng. Con vật chưa cày kéo và chưa có quá trình tích luỹ mỡ nên chất lượng thịt ngon, mặc dù mới đạt 2/3 khối lượng cơ thể của trâu trưởng thành (Sekhon và cs., 1996). Như vậy, khi tuổi càng tăng thì tỷ lệ tương đối của xương và mô liên kết giảm, khối lượng thịt và mỡ tăng (Nguyễn Xuân Trạch, 2004).
Xamedop (1962) (dẫn theo Agabayli, 1977) đã khẳng định lợi ích vỗ béo trâu tơ 15-30 tháng tuổi có ưu thế hơn trâu trưởng thành. Trâu non có thể tăng khối lượng 0,82 kg/ngày và có tỷ lệ chuyển hoá thức ăn tốt hơn bò địa phương (Ahmad và cs., (1995). Trâu hậu bị có thể tăng trưởng với mức 0,5 kg/ngày (Balock, 1995; Shahid và cs., 1995).
Trâu ở lứa tuổi 1 và 2 năm đưa vào vỗ béo tăng khối lượng tương tự nhau, 0,357 và 0,372 kg/ngày (nuôi tại chuồng); 0,674 và 0,735 kg/ngày (chăn thả có bổ sung thức ăn), nhưng trâu 1 năm tuổi có thời gian vỗ béo dài hơn trâu 2 năm tuổi để đạt khối lượng giết thịt 400 kg (Intaramongkorl và cs., 1994).
Ảnh hưởng của tuổi mổ thịt đến năng suất vật nuôi là rất rõ rệt vì tuổi không những ảnh hưởng đến khối lượng mổ thịt mà còn ảnh hưởng đến thành phần của cơ thể và thành phần hóa học của thịt. Khi tuổi của gia súc tăng thì thành phần của cơ thể sẽ biến đổi: dưới 1 năm tuổi thì sự phát triển của cơ thể chủ yếu là sự tích luỹ các mô cơ và xương, còn mỡ và mô liên kết ít. Đến 1,5 tuổi, sự tích luỹ protein đã tăng cao, tỷ lệ tương đối của mô xương giảm. Sau 1,5 tuổi tốc độ sinh trưởng của tế bào cơ giảm, hàm lượng nước giảm, tích luỹ mỡ tăng (giá trị năng
lượng tăng), mô liên kết giảm (Nguyễn Xuân Trạch và cs., 2005).
Thành phần hoá học của thịt cũng thay đổi theo tuổi mổ thịt: Khi con vật ở độ tuổi trên 18 tháng, do sự trao đổi chất thay đổi, làm giảm khả năng tích luỹ nitơ, cường độ hình thành protein giảm, sự sinh trưởng của tế bào cơ giảm tích luỹ mỡ tăng. Khi mổ thịt ở 18 tháng tuổi, mỡ tích luỹ trong cơ bắp cao hơn trong nội tạng. Tuổi càng cao thì mỡ sẽ tích luỹ nhiều trong nội tạng và dưới da. Như vậy, khi tuổi mổ thịt càng tăng thì tỷ lệ tương đối của xương và mô liên kết giảm, khối lượng thịt và mỡ tăng. Do các thành phần trong thân thịt thay đổi theo tuổi của gia súc nên chất lượng thịt cũng chịu ảnh hưởng của tuổi gia súc. Tuổi càng cao thì độ mềm của thịt càng giảm (Vũ Chí Cương và Nguyễn Xuân Trạch., 2005).
2.3.2.4. Tính biệt và thiến
Tính biệt cũng ảnh hưởng tới khả năng sản xuất thịt của gia súc. Thông thường, gia súc cái có thớ thịt nhỏ hơn gia súc đực, mô giữa các cơ ít hơn, thịt có vị đậm hơn, vỗ béo nhanh hơn. Ngược lại, gia súc đực có tỷ lệ thịt xẻ cao hơn gia súc cái cùng độ tuổi.
Thiến cũng ảnh hưởng tới khả năng sản xuất thịt của gia súc. Những trâu đực thiến non được nuôi trên đồng cỏ Pangola trong 28 ngày có mức tăng khối lượng trung bình là 0,67 kg/ngày (Bennett, 1973). Tuy nhiên, người chăn nuôi thường không cần phải thiến vì qua nghiên cứu cho thấy gia súc đực không thiến có tốc độ sinh trưởng cao hơn, hiệu quả sử dụng thức ăn cao, chi phí thức ăn/kg tăng khối lượng giảm hơn so với đực thiến và gia súc cái. Do không tiết ra hóc môn testosterone nên ở trâu bò đực thiến một phần khá lớn năng lượng từ thức ăn được sử dụng để tổng hợp mỡ.
2.3.2.5. Ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh
Một vấn đề quan trọng khi xây dựng chương trình phát triển chăn nuôi gia súc lấy thịt là phải hiểu biết về môi trường tiểu khí hậu chuồng nuôi. Các yếu tố môi trường ảnh hưởng tới sức sản xuất thịt của trâu và được chia làm 3 loại: Thời tiết khí
hậu (nhiệt độ, ẩm độ, ánh sáng…); lý hoá ( nước, chất lượng thức ăn, cấu trúc chuồng trại…) và sinh học (vi sinh vật gây bệnh, ký sinh trùng, côn trùng…).
Điều kiện môi trường khác nhau có sự tác động tới quá trình sinh trưởng, phát triển của gia súc. Vì vậy, trong chăn nuôi cần phải nghiên cứu sao cho sự tương thích giữa kiểu gen (giống gia súc) với môi trường, tạo nên sự cân bằng sinh học, giảm stress nhằm có tăng trưởng tốt, khối lượng lớn, tăng khối lượng nhanh, tỷ lệ sinh sản cao và sản xuất sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao với giá thành thấp nhất.
Các yếu tố môi trường trên có liên quan với nhau và ảnh hưởng đến sức khoẻ, sức sản xuất thịt của trâu bò. Trong các yếu tố này thì ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường là được quan tâm nhiều nhất. Ngoài ra stress trong quá trình vận chuyển và giết mổ cũng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng thịt, gia súc trước khi giết mổ bị stress do quá trình vận chuyển, dồn đuổi hoặc môi trường sống thay đổi đột ngột sẽ làm cho lượng đường trong cơ giảm thấp đột ngột. Không đủ đường trong cơ, độ pH không thể giảm xuống và giữ ở mức pH dưới 5,8. Thịt sẽ bị dai, mầu đỏ sậm, khô và chắc. Loại thân thịt này gọi là thịt có lát cắt sẫm (Burns và cs., 2001).
2.4. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
2.4.1 Tình hình nghiên cứu trong nước
Trại thí nghiệm trâu Ngọc Thanh, Vĩnh Phúc thuộc Viện Chăn nuôi đã được thành lập từ những năm 60 của thế kỷ 20 để nghiên cứu về trâu. Tại đây, đã tập trung được rất nhiều trâu tốt từ nhiều tỉnh khác nhau của miền Bắc nước ta về nghiên cứu. Những kết quả nghiên cứu về trâu khối lượng lớn miền Bắc đã chứng minh tiềm năng phát triển và khả năng sản xuất tốt của loại hình trâu này ở nước ta. Nguyễn Đức Thạc (1983) đã nghiên cứu về đặc điểm sinh trưởng, khả năng cho sữa thịt của loại hình trâu to (trâu Ngố) ở miền Bắc cho thấy: Loại hình trâu này có khả năng sinh trưởng tốt. Khối lượng của chúng ở các mốc tuổi là sơ sinh đực 28,8 kg, cái 27,8 kg, lúc 12 tháng tuổi đực 185,4 kg, cái 182,6 kg, lúc 24 tháng tuổi đực
266,8 kg, cái 254,3 kg, lúc 36 tháng tuổi đực 363,7 kg, cái 333, 7 kg và trâu cái trưởng thành đạt 451,6 kg.
Đặc điểm chung của trâu nội ở các địa phương nước ta là tầm vóc nhỏ, sinh trưởng chậm (khả năng tăng trọng thấp), thành thục muộn. Nhận xét này càng được chứng minh rõ hơn qua một số nghiên cứu gần đây đã công bố:
Mai Văn Sanh và cs. (1995), điều tra đàn trâu ở Bình Sơn, Thái Nguyên thấy rằng khối lượng trâu vùng này thấp, khối lượng trâu đực trưởng thành chỉ 326 kg và trâu cái trưởng thành là 312 kg.
Vũ Duy Giảng và cs. (1999) đã điều tra đánh giá tình hình phát triển đàn trâu miền Bắc và cho kết quả là khối lượng trâu hiện tại khá thấp so với những số liệu điều tra trước đây. Ví dụ khối lượng sơ sinh trung bình của trâu Sóc Sơn ở con đực 18,9 kg, cái 18,8 kg; lúc 1 năm tuổi đực 147,3 kg, cái 140,4 kg; lúc 24 tháng trâu đực chỉ đạt 234 kg, trâu cái 183 kg. Trâu ở Phổ Yên (Thái Nguyên) có khối lượng sơ sinh trung bình ở con đực là 21 kg, cái 19,4 kg; lúc 1 năm tuổi đực 141 kg, cái 138 kg; lúc 24 tháng trâu đực chỉ đạt 242 kg, trâu cái 236 kg; khi trưởng thành trâu đực là 334 kg và trâu cái là 306 kg.
Mai Văn Sánh (2005) điều tra phân loại đàn trâu nội tại xã Vân Hoà, Ba Vì, Hà Tây cũng cho thấy: Đàn trâu địa phương có tầm vóc nhỏ: khối lượng trung bình lúc 1 năm tuổi đực 134 kg, cái 121 kg, lúc 24 tháng trâu đực đạt 229 kg, trâu cái 212 kg, đến trưởng thành trâu đực 357 kg và trâu cái 322 kg.
Qua các nghiên cứu trên các tác giả trên đã đưa ra định hướng cải tiến phẩm giống trâu bằng phương pháp thuần chủng, chọn trâu đực to để phối với với đàn trâu cái được tuyển chọn ở diện rộng, loại thải trâu xấu, không đủ tiêu chuẩn, hình thành các vùng giống trâu, tận dụng tối đa các nguồn thức ăn sẵn có và sử dụng các kỹ thuật sinh sản cần thiết để nâng cao tỷ lệ đẻ của trâu. Trâu Ngố khối lượng lớn là nguồn gen bản địa quý sẵn có ở các tỉnh miền núi nước ta. Tiềm năng này cần được phát huy bằng cách sử dụng trâu đực này làm giống sẽ góp phần cải tạo tầm vóc trâu ngoại hình nhỏ được nuôi phổ biến ở các tỉnh đồng bằng.