Yếu Tố Truyền Thống Qua Không Gian Di Sản


nét khắc chìm thể hiện họa tiết sóng nước, các hoa văn, đường nét trang trí bề mặt tác phẩm. Như vậy, YTTT biểu hiện rõ nét, đa dạng thông qua ngôn ngữ nghệ thuật và kỹ thuật thể hiện tác phẩm Sắp đặt Sông Tô. Trong đó, nổi bật là yếu tố trang trí trong tác phẩm này. Nó không chỉ có tác dụng làm đẹp cho hình thức mà còn tạo ý nghĩa cho nội dung tác phẩm. Giả sử tách riêng hệ thống đường nét, hoa văn ra khỏi tác phẩm Sắp đặt, nó hoàn toàn có thể là một bức tranh đồ họa độc lập, sinh động. Tổ hợp hiện vật và các họa tiết, màu sắc của tác phẩm đã tạo nên một bức tranh sống động của quá khứ trong hiện tại, vừa mang thông điệp tôn vinh giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống vừa đánh thức người xem về vấn đề ô nhiễm môi trường của cuộc sống đương đại.

Khả năng tương tác ở tác phẩm Sắp đặt này khá thú vị, các hộp đồng được thiết kế trục xoay, có thể tạo ra âm thanh đa dạng khi chúng đập vào tường bởi sự tác động từ phía công chúng. Âm thanh phát ra và chuyển động xoay của các hộp khi chạm tay vào cũng tạo cho người xem cảm giác tựa như chạm vào mặt nước vậy. Đặc biệt, khi số lượng lớn người tương tác cùng lúc tác động, những hộp đồng xoay đập vào tường, phát ra âm thanh sống động, vui nhộn như một dàn nhạc.

Khai thác ngôn ngữ đồ họa, giàu tính trang trí, vẽ các hoạ tiết điêu khắc đình làng trên chiếc diều cách cung trong tác phẩm Sắp đặt Chuyện của đình (H.3.2.3, tr.192) nhằm tái thiết lập một không gian văn hoá đình làng truyền thống. Trên cánh diều và dải lụa ngũ sắc còn được viết những câu ca dao, tục ngữ liên quan tới đình làng, kết hợp với thóc. Khai thác đa dạng họa tiết trang trí dân gian kết hợp với tổ hợp đồ vật, tác phẩm Sắp đặt này ẩn dụ về hình tượng ngôi đình làng truyền thống, nổi bật giữa trung tâm, xung quanh là những dải vải ngũ sắc buông thõng, bãi thóc tạo rãnh hình xoáy ốc. Các hình tượng người, cô tiên đang bay, rùa, hạc, họa tiết trang trí trống đồng, tạo dựng một không gian thẩm mỹ truyền thống, mang triết lý dân gian, đánh thức người xem về giá trị thẩm mỹ, giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống và vấn đề


ứng xử với di sản dân tộc thông qua hình thức Nghệ thuật Sắp đặt. YTTT với vai trò là thành phần kiến tạo nổi bật trong tác phẩm Sắp đặt này.

Tác phẩm Sắp đặt Chuyện của đình được bố cục phân lớp hướng dọc, tạo nên không gian tượng trưng (trời, người, đất) và có thể chuyển động tự nhiên khi có gió hoặc người xem tác động. Công chúng có thể tự do xoay, đọc, viết vẽ lên tác phẩm khi tương tác. Tổ hợp trong tác phẩm này là sự kết hợp giữa những hiện vật thủ công, họa tiết, màu sắc trang trí dân gian và ngôn ngữ văn học, ca dao truyền thống, tạo dựng một không gian đình làng từ những YTTT và quan niệm văn hóa, tín ngưỡng đậm triết lý dân gian.

Họa tiết mây cách điệu trang trí đồ thờ, công trình kiến trúc truyền thống, y phục cung đình, đồ gia dụng... đã trở nên phổ biến tại nhiều nước châu Á, chịu ảnh hưởng văn hóa, tư tưởng Trung Hoa. Trong vốn mỹ thuật truyền thống của người Việt, họa tiết mây được sử dụng phổ biến, tuy nhiên mỗi triều đại lại biểu hiện họa tiết mây theo phong cách riêng. Vốn là nước có văn hóa gắn liền với văn minh lúa nước, cuộc sống phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Do đó, tín ngưỡng bản địa cổ xưa của những cư dân nông nghiệp đã tôn thờ, sùng bái những hiện tượng thiên nhiên, nhân hóa thành những vị thần đầy quyền năng. Minh chứng là tín ngưỡng thờ Tứ pháp (Vân, Vũ, Lôi, Điện), tín ngưỡng bản địa kết hợp với Phật giáo, gắn liền với các vị thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp. Như vậy, trong quan niệm dân gian, mây là một vị thần oai linh, là tầng trời (đũa bông trong đám tang). Mặt khác, do có khả năng bay cao và biến đổi hình dạng liện tục nên theo quan niệm dân gian mây khói có thể mang theo ước nguyện của con người. Hình tượng mây cũng xuất hiện nhiều trong thơ ca, ẩn dụ các cung bậc tình cảm phong phú của con người, điển hình là trong Truyện Kiều: “mây trắng, “ngọn mây Tần”, “mây thua nước tóc”. “Lòng còn gửi áng mây vàng” hay “Đêm thâu đằng đẵng nhặt cài then mây” (Nguyễn Du); thậm chí ngành công nghệ thông tin thời 4.0 còn sử dụng làm thuật ngữ: Điện toán đám mây (Cloud computing). Ở góc nhìn mỹ thuật, họa


tiết mây chủ yếu được sử dụng để trang trí với nhiều ý nghĩa như làm đẹp bề mặt đồ vật, liên kết các cấu kiện, thể hiện sự linh thiêng, quyền uy, lãng mạn hoặc đơn thuần là trang trí khoảng trống trong bố cục nói chung.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 236 trang tài liệu này.

Cảm xúc bắt nguồn từ họa tiết mây thời Nguyễn trang trí trên cột biểu đình Lại Thế, trang trí trên tác phẩm Sắp đặt Những áng mây xưa (H.3.2.6, tr.193), tác giả Nguyễn Minh Thành đã tạo cho những đồ vật bình thường trở nên sống động, đẹp đẽ lạ thường. Sử dụng chất liệu sơn mài truyền thống, toàn bộ bề mặt tác phẩm phủ kín họa tiết mây cách điệu, màu sắc rực rỡ, kết hợp với những vật dụng phổ biến trong đời sống đương đại, tạo nên sự hòa quyện giữa truyền thống với hiện đại, giữa xưa và nay, với một giá trị thẩm mỹ mới.

Thiết lập từ chuỗi phù điêu, giàu tính trang trí, tác phẩm Sắp đặt Hành trình lịch sử (H.3.2.7, tr.194) của nhóm tác giả Nguyễn Thế Sơn, Vũ Xuân Đông, Phạm Khắc Quang, sử dụng hoàn toàn những hình tượng trong điêu khắc đình làng như cô tiên, rồng, phượng, xe ngựa, mây cách điệu để thực hiện ý tưởng tác phẩm. Các hoạ tiết trang trí được cắt từ những tấm thép với công nghệ CNC, tạo thành chuỗi phù điêu chạm lộng, treo dọc hai bên tường hầm nhà Quốc hội. Bề mặt phù điêu được patin tạo chất cảm với vẻ cổ kính từ màu trầm mặc của rỉ sắt. Sắp đặt Hành trình lịch sử đi sâu vào khai thác hình tượng, họa tiết truyền thống để làm nổi bật chủ đề về phương tiện giao thông của giới thần tiên và con người thời xưa. Các phương tiện di chuyển như rồng, phượng, xe ngựa…, được tạo hình đa dạng, nối tiếp nhau, gắn kết với nhau, đối thoại với nhau trong mối quan hệ nghệ thuật. Hình của những bức phù điêu, hoạ tiết trong Sắp đặt đổ bóng vào tường khi được chiếu sáng cũng tạo nên một không gian ấn tượng thị giác mới lạ, hấp dẫn.

Yếu tố truyền thống trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 - 9

Khả năng tương tác của tác phẩm này tuy không phải là điểm nổi bật, tuy nhiên người xem cũng có thể tương tác bằng cách xoay tròn những chiếc bánh xe được thiết kế trục từ các phương tiện, hình tượng trong tổ hợp hiện


vật. Sử dụng ngôn ngữ điêu khắc với các phù điêu chạm lộng giàu yếu tố trang trí truyền thống xây dựng tác phẩm Sắp đặt Hành trình lịch sử, bố cục trải dài theo hướng ngang, các hình tượng liên kết, đối thoại với nhau để kể về câu chuyện phương tiện di chuyển của thế giới thần tiên, của con người trong quá khứ và hiện tại, gợi sự liên tưởng, so sánh thú vị. Đồng thời, nó còn tương tác với những cổ vật lưu giữ ngay dưới tầng hầm nhà Quốc hội.

Nghi trượng là những khí cụ dùng nghi vệ thời phong kiến như: cờ xí, lọng quạt, vũ khí của vua quan ngày xưa. Nghi trượng được thờ phổ biến tại đình, đền, chùa, dinh thự, từ đường, thường được sơn son, thếp vàng lộng lẫy, uy nghiêm. Vì thế, trong những bức tranh cổ như: Vinh quy bái tổ, Đám cưới chuột hay điêu khắc đình làng liên quan đến cảnh đám rước vua quan, hình tượng nghi trượng, giá kiệu thường xuyên xuất hiện. Khai thác mạnh mẽ ngôn ngữ điêu khắc, tác phẩm Sắp đặt Nghi trượng (H.3.2.9, tr.195) của tác giả Trần Hậu Yên Thế cũng rất thành công khi sử dụng hoạ tiết chạm lộng phù điêu đình làng để kiến tạo tác phẩm. Mỗi chiếc nghi trượng được thể hiện, chạm khắc những hoạ tiết trang trí khác nhau theo lối tạo hình dân gian với hình tượng ẩn dụ về tên phố như: Hàng Cá, Hàng Gà, Hàng Hành.... Trong đó, hình tượng người vác lọng được trang trí bằng hình thức phù điêu chạm lộng trên nghi trượng, ẩn dụ về phố Hàng Lọng. Tác phẩm Sắp đặt này đã sử dụng trực tiếp hiện vật mỹ thuật kết hợp các YTTT như nghi trượng chạm lộng hình tượng người cầm lọng, trang trí họa tiết mây, vừa tôn vinh nét đẹp thẩm mỹ truyền thống vừa tạo lập những gợi ý về nội dung phản ánh, nhằm chuyển dịch ngôn ngữ (tên phố cổ gắn với chữ Hàng) thành hình tượng ẩn dụ, ký hiệu đại diện mang đậm dấu ấn văn hóa, thẩm mỹ truyền thống, có tính ứng dụng cao trong đời sống hằng ngày. Công chúng có thể tự do tương tác, chụp ảnh, cầm, vác, … những chiếc nghi trượng này theo ý muốn.

Khai thác họa tiết trang trí và kết cấu kiến trúc gỗ truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng tác phẩm Sắp đặt Âm hưởng đại ngàn


(2014) (H.3.2.11, tr.196). Những thanh gỗ được tạo hình giống với những cột thờ trong nhà truyền thống của người Kore ở Tây Nguyên, trang trí phủ màu đen, đỏ, bố cục phân chia không gian thành nhiều lớp cao thấp, trước sau. Hình trang trí được khắc chìm chủ yếu là những nét kỷ hà trên bề mặt thanh gỗ, tái hiện cuộc sống sinh hoạt của cộng đồng và các họa tiết hoa, lá, mặt trời được cách điệu, giản lược. Công chúng có thể tự do thâm nhập vào không gian của tác phẩm Sắp đặt khi thưởng thức và tương tác. Mỗi lớp không gian mang một quan niệm văn hóa riêng về triết lý âm dương, tam tài (thiên - địa - nhân), phản ánh nét đẹp, sắc màu nghệ thuật gắn liền với đời sống tín ngưỡng thường nhật của người Tây Nguyên.

Kết hợp ngôn ngữ điêu khắc, trang trí thủ công truyền thống để xây dựng tác phẩm Ngày và đêm (1996) (H.3.2.12, tr.197). Màu sắc trang trí mang đậm quan niệm dân gian, tác phẩm này được kiến tạo từ tổ hợp đồ vật như khay sơn mài, cách tay gỗ, bố cục phân lớp không gian hướng dọc. Sử dụng bảng màu theo quan niệm truyền thống, trang trí ba chiếc khay sơn mài ẩn dụ về tầng trời phía trên, những cánh tay ẩn dụ về sự có mặt của con người giữa trời và đất. Trong cõi người, con người thường tự định đoạt lấy mọi hành vi của mình trước Đất - Trời và bản thể vẹn nguyên. Song ở phần khác, họ phải trao lại mình cho tự nhiên bởi cái giới hạn nhỏ bé của chính mình. Mỗi người xem lại tìm thấy một hay nhiều lớp ý nghĩa mở ở từng tác phẩm trong quá trình thưởng thức, tương tác và suy ngẫm. Liên hệ với tượng Phật Quan Âm thiên thủ thiên nhãn, có thể thấy tác phẩm Ngày và Đêm chịu sự ảnh hưởng đáng kể về lối tạo hình. Đặc biệt là tác giả sử dụng những cánh tay gỗ với vẻ đẹp mộc mạc, mang biểu tượng cô đọng về triết lý âm - dương, về tâm linh và cuộc sống. Những chiếc khay sơn mài hình tròn màu đỏ, vàng, đen, tạo thành ký hiệu tượng trưng cho ngày và đêm, cho những tầng trời - nơi trú ngụ của những vị thần linh, của thế lực siêu nhiên huyền bí. Những cánh tay gỗ treo phía dưới khay sơn mài theo từng cặp (trái, phải) gợi cho người xem liên


tưởng đến ý nghĩa âm - dương mà triết học phương Đông coi là cội nguồn của sự kết hợp kì diệu hình thành vũ trụ, vạn vật sinh sôi, con người cũng nhờ đó mà tồn tại theo quy luật sinh, thành, dị, diệt. Biểu đạt thẩm mỹ tạo hình mộc mạc, dung dị kết hợp với yếu tố trang trí thủ công truyền thống và quan niệm triết lý dân gian đã tạo cho tác phẩm đặt Ngày và đêm, trở nên ấn tượng độc đáo và giàu ý nghĩa nhân văn.

Yếu tố trang trí truyền thống cũng biểu hiện rõ nét trong tác phẩm Sắp đặt Cội nguồn lịch sử dân tộc Việt (2018) (H.3.2.14, tr.198) của tác giả Triệu Khắc Tiến. Tác phẩm này được xây dựng trên cở sở ngôn ngữ điêu khắc kết hợp với yếu tố đồ họa trang trí và chất liệu sơn mài truyền thống. Lấy cảm hứng từ truyền thuyết Âu Cơ, Lạc Long Quân, tác phẩm là câu chuyện lịch sử được kể bằng chuỗi họa tiết trang trí, thông qua hình thức biểu hiện mới. Mỗi quả trứng sơn mài được vẽ một họa tiết dân gian truyền thống, từ hình tượng người, ngựa, chim muông, thú vật cho đến các biểu tượng, họa tiết hoa, lá. Tất cả các họa tiết trang trí toát nên một hành trình lịch sử mỹ thuât của dân tộc, các thời kỳ từ thời Đông Sơn cho tới nay. Các hình tượng, họa tiết được chắt lọc, trích đoạn chủ yếu từ nguồn mỹ thuật cổ như: điêu khắc đình làng, bản rập, tranh dân gian, tranh thờ miền núi...Tổ hợp hiện vật có họa tiết trang trí truyền thống, tương tác với nhau, kết hợp với màu sắc sơn mài truyền thống, được bố cục trong không gian đường hầm Nhà Quốc hội đã tạo nên một ấn tượng thị giác mạnh, mang đặc điểm nghệ thuật độc đáo, đậm giá trị văn hóa truyền thống, vừa gần gũi, dễ tiếp nhận, vừa mang tính đương đại. Tuy nhiên, tính tương tác của tác phẩm Sắp đặt này còn hạn chế.

Như vậy, YTTT biểu hiện rõ nét trong NTSĐVN qua hình thức tác phẩm. Nó có ảnh hưởng tích cực cả ở cả phương diện tư duy thẩm mỹ và ý nghĩa tượng trưng, ẩn dụ. Các thành tố này có thể nhận diện qua yếu tố tạo hình, trang trí, màu sắc dân gian trong hình thức tác phẩm. Bên cạnh đó, yếu tố không gian di sản cũng trở thành thành tố nổi bật trong NTSĐVN.


2.1.2. Yếu tố truyền thống qua không gian di sản

Nếu mục đích của hội họa là biểu hiện không gian ảo ba chiều trên mặt phẳng hai chiều, điêu khắc là tạo hình khối choán chỗ trong không gian vật lý ba chiều,...thì Nghệ thuật Sắp đặt là loại hình tổ chức không gian, tổ hợp đồ vật theo ý đồ, ý niệm, do người nghệ sĩ khởi xướng, qua đó công chúng có thể tự do thâm nhập vào không gian sắp đặt, tương tác và kết thúc cuộc chơi. Thông thường, một tác phẩm Sắp đặt có ít nhất là 2 không gian: không gian tổ hợp đồ vật (không gian tác phẩm) và không gian trưng bày. Trong trường hợp tác phẩm Sắp đặt tiếm đoạt không di sản - bối cảnh tạo nghĩa, nó sẽ bao gồm 3 không gian: không gian tổ hợp đồ vật, không gian trưng bày và không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa (mang tính ý niệm).

Việt Nam với bề dày lịch sử, có nhiều di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Các công trình kiến trúc cổ gắn liền với các chế độ quân chủ như Thành Cổ Loa, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng thành, Đại nội, chùa Một Cột, lăng tẩm; các công trình kiến trúc cổ gắn liền với tôn giáo, tín ngưỡng như đình, chùa, đền, miếu, đạo quán...phủ khắp các tỉnh thành trên cả nước, từ miền ngược tới miền xuôi, làng xã nào cũng có. Đó là một lợi thế lớn mà NTSĐVN có thể khai thác bằng cách “tiếm đoạt” không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa để thực hiện tác phẩm. Bản thân không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa, đặc biệt là công trình kiến trúc cổ đã mang sẵn vẻ đẹp thời gian, vẻ đẹp của đường nét, hình khối và nội hàm ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng truyền thống. Đây là một tiềm năng với trữ lượng lớn mà NTSĐVN có thể khai thác, tạo nên một ấn tượng thị giác độc đáo và sự nhận diện giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật riêng biệt trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế.

Nghiên cứu mối quan hệ giữa tổ hợp đồ vật với không gian trưng bày và không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa, có thể phân chia không gian kiến tạo Sắp đặt thành hai loại: không gian trưng bày tác phẩm Sắp đặt đơn thuần; và không gian tạo nghĩa cốt lõi cho tác phẩm Sắp đặt (H.3.3.1, tr.199). Qua đó,


Nghệ thuật Sắp đặt được phân chia thành hai loại tương ứng, mang đặc trưng của hai loại không gian đã nêu, đó là: Sắp đặt định trường (Site Specific Installation); và Sắp đặt phi định trường (Non Site Specific Installation). Trong luận án này, NCS xin phép tạm thời sử dụng cụm từ Hán - Việt, khi chưa tìm được cụm từ thuần Việt ngắn gọn thay thế, bản thân tiếng Anh cũng rất dài và khó nhớ, để gọi tên và tiện theo dõi trong quá trình làm việc.

Vẫn biết chẳng nên có công thức nào cho việc sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật. Nếu có, người ta cũng cần phải quên đi trong quá trình sáng tác và thưởng thức nghệ thuật. Tuy nhiên, ở góc độ nghiên cứu, việc đưa về công thức có tính chất qui ước tạm thời trong trường hợp này nhằm làm rõ hơn vấn đề cần chứng minh và thuận tiện hơn trong quá trình theo dõi. Nếu gọi nghĩa của tổ hợp đồ vật kiến tạo Sắp đặt là A; không gian vật lý trưng bày tác phẩm là Zero (không tạo nghĩa cho tác phẩm); không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa là B, ta có thể tạm qui ước và rút ra công thức sau:

A + Zero + B = AB (Sắp đặt định trường bao hàm tổng nghĩa của không gian tổ hợp đồ vật, không gian trưng bày và không gian di sản - bối cảnh tạo nghĩa do tiếm đoạt, 3 trong 1). Khi di chuyển, tách Sắp đặt loại này đến nơi khác, ý nghĩa sẽ thay đổi; Trường hợp này có thể liên hệ với ví dụ về không gian cồng chiêng trong văn hóa phi vật thể, chẳng hạn. Khi biểu diễn cồng chiêng ở không gian núi rừng, thì hiệu quả nghệ thuật và ý nghĩa sẽ khác hẳn so với khi tách biệt chúng khỏi không gian đó. Thêm một liên hệ nữa, khi chiếu phim, phông màu trắng đơn thuần chỉ làm nền để hiện thị hình ảnh; nhưng trong công nghệ truyền thông quảng cáo đương đại, người ta có thể tiếm đoạt toàn bộ bề mặt của một kiến trúc để chiếu những hình ảnh động, kết hợp với chuyển động của đồ vật thực (chiếc xe Vespa được treo cao, có thể di chuyển), các nhân vật trong đoạn phim, lúc được phóng to khi thu nhỏ đột ngột rồi mất hút vào khung cửa của kiến trúc (chương trình quảng cáo xe Vespa tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam). Trong trường hợp này, kiến trúc

Xem tất cả 236 trang.

Ngày đăng: 23/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí