Khái Quát Về Nghệ Thuật Sắp Đặt Việt Nam


1.2.2.2. Luận điểm khoa học

Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy ắp các ký hiệu, biểu tượng, ở bất cứ lĩnh vực nào, từ chữ viết, lời nói, cử chỉ, công thức hóa học, toán học, cho tới âm nhạc, đèn hiệu giao thông... Nghệ thuật Sắp đặt với khả năng thu nạp tất cả, phạm vi sử dụng chất liệu là vô hạn để kiến tạo tác phẩm, nên nó có thể sử dụng đa hệ thống ký hiệu, giàu ý nghĩa, biểu tượng,.. Do đó, khi khảo sát, nghiên cứu Nghệ thuật Sắp đặt cũng chính là nghiên cứu, mổ xẻ văn bản, giải mã hệ thống ký hiệu của nó, từ ký hiệu của đồ vật đơn lẻ cho tới tổ hợp ký hiệu mang thông điệp cốt lõi của tác phẩm.

Ký hiệu học (Semiotic) không phải là vấn đề mới ở phương Tây, nó đã được nghiên cứu từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, gắn liền với tên tuổi của một số học giả như: Ch. Peirce (1839 - 1914), Ch. Morris (1901 - 1979), F. De Saussure (1857 - 1913). Nổi bật là luận điểm của nhà văn hóa học người Nga Lotman, lấy văn bản làm trung tâm (textecentrisme) để xem xét hệ thống ký hiệu. Trong đó, văn bản chí ít được hai lần mã hóa, là tổ chức truyền đạt, lưu giữ và sáng tạo thông tin, bao giờ cũng có cái biểu đạt (signifiant) và cái được biểu đạt (signifié), tương tự như quá trình tạo nghĩa của ngôn ngữ. Luận điểm của Ký hiệu học với cách tiếp cận liên ngành, kết hợp tri thức của nhiều ngành khoa học khác như: Mỹ học, Văn hóa học, Lịch sử học nhằm làm nổi bật đặc điểm thẩm mỹ, ký hiệu ẩn dụ mang đậm ý nghĩa văn hóa, lịch sử và quan niệm tín ngưỡng dân gian của YTTT trong NTSĐVN.

Áp dụng luận điểm của Ký hiệu học vào nghiên cứu nghệ thuật là phương pháp tiếp cận đối tượng một cách trực tiếp để giải quyết vấn đề “đọc tác phẩm” - văn bản đã được nghệ sĩ mã hóa qua “ký hiệu biểu hình”, hay nói như quan điểm của tác giả Trần Lâm Biền là đọc được ý nghĩa “cái mật” thông qua “cái hiển” và “cái dụng” của nghệ thuật.

Tác phẩm nghệ thuật suy cho cùng là một hình thức giao tiếp, một tập hợp ký hiệu được nghệ sỹ mã hóa, biểu hiện thông qua một vật chất cụ thể


nào đó. Nghệ thuật Sắp đặt với khả năng thu nạp tất cả các loại hình, phương tiện, đồ vật...để kiến tạo tác phẩm, nên nó thuộc “ký hiệu biểu hình”. Nguyên lý cơ bản của Ký hiệu học nhằm xem xét, giải mã ý nghĩa tư tưởng nghệ thuật, ý nghĩa văn hóa, lịch sử theo phương thức đọc văn bản thông qua hệ thống ký hiệu đã được mã hóa.

Thực tế ở Việt Nam, luận điểm của Ký hiệu học hiện còn khá xa lạ, chưa được phổ biến rộng rãi và chưa được áp dụng nhiều trong các công trình nghiên cứu. Tuy nhiên, trên thế giới đã có những học giả nổi tiếng ở Bắc Mỹ và phương Tây nghiên cứu lý thuyết này từ cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX như đã liệt kê ở trên. Trong đó có thể kể đến một số công trình của các học giả quốc tế đã được chuyển ngữ gần đây như: Iu. M. Lotman (2015), Ký hiệu học văn hóa, do Lã Ngyên, Đỗ Hải Phong, Trần Đình Sử dịch; Erika Fischer - Lichte (1994), Ký hiệu học sân khấu, nguyên bản tiếng Đức do Bùi Khởi Giang dịch; I. Lotman, Ký hiệu học và mỹ học điện ảnh, nguyên bản tiếng Pháp do Bạch Bích dịch;...

Những năm gần đây, tài liệu về Ký hiệu học cũng đã được nhiều tác giả trong nước chuyển ngữ sang tiếng Việt, đồng thời một số công trình nghiên cứu đã áp dụng luận điểm này vào nghiên cứu đề tài như: Mai Thị Hồng Tuyết (2016), Hình tượng văn học như là kí hiệu, chuyên luận, Nxb. Khoa học Xã hội. Gần đây, tác giả Trịnh Bá Đĩnh chủ biên (2018), Từ kí hiệu đến biểu tượng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, là những tài liệu đáng chú ý.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 236 trang tài liệu này.

Trong công trình nghiên cứu Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật, Nxb. Mỹ thuật, tác giả Vũ Hiệp (2018) đã sử dụng luận điểm của Ký hiệu học để tiếp cận, phân tích các tác phẩm nghệ thuật. Tác giả đã sử dụng thuật ngữ Trường ký hiệu, trong đó có Trường thị giác gồm ký hiệu bề mặt của hình thức tác phẩm; và Trường văn hóa gồm ký hiệu chiều sâu của nội dung tác phẩm. Thuật ngữ Trường nơi chốn và Trường biểu tượng cũng được tác giả


Yếu tố truyền thống trong nghệ thuật sắp đặt Việt Nam giai đoạn 1995 - 2018 - 6

sử dụng để ám chỉ về không gian tinh thần của kiến trúc, không gian biểu tượng để phân tích, diễn dịch các tác phẩm nghệ thuật.

Ký hiệu học, được tác giả Iu.M.Lotman định nghĩa ngắn gọn trong cuốn Ký hiệu học văn hóa: “Ký hiệu học là khoa học về ký hiệu và các hệ thống kí hiệu” [40, tr.39]. Kí hiệu học xem xét văn hóa nói chung và tác phẩm nghệ thuật nói riêng đều qui đối tượng nghiên cứu vào dạng cấu trúc một văn bản, mang nhiều lớp ý nghĩa được mã hóa thông qua hệ thống ký hiệu. Nói cách khác, lý thuyết này giải mã văn hóa hay tác phẩm nghệ thuật theo phương thức đọc văn bản. Nghiên cứu về kí hiệu học văn hóa, tác giả Iu.M. Lotman cho rằng: “Theo nghĩa rộng, toàn bộ văn hóa là hiện tượng mang hình thức của văn bản, giữa văn bản với văn hóa có vô số đường song hành,... Các ký hiệu tạo thành văn bản, các văn bản tạo thành văn hóa...” [40, tr.57,59].

Nghệ thuật Sắp đặt là sản phẩm của xã hội đương thời, nên hình thức và chủ đề của nó, toát nên một tinh thần, tư tưởng gắn liền với cuộc sống đương đại. YTTT trong NTSĐVN có tiềm năng tạo nghĩa độc đáo, bởi ngoài ý nghĩa về mặt thị giác tạo hình, nó còn mang đậm ý nghĩa văn hóa lịch sử bản địa. Đó là những vấn đề không thể bỏ qua khi khảo cứu. Trong bài “Con người và ký hiệu”, Lotman viết: “Các kí hiệu được nghệ sĩ và nhà văn ứng dụng có những đặc điểm xã hội vô giá. Nghiên cứu xem nghệ thuật kết tụ trong bản thân thông tin có tầm quan trọng xã hội” [40, tr.70].

Đồng quan điểm với Lotman, tác giả Lichte, trong công trình Ký hiệu học Sân khấu, cũng đi sâu vào nghiên cứu cái cái biểu đạt (signifiant) và cái được biểu đạt (signifié), tương tự như quá trình tạo nghĩa của ngôn ngữ: “Mọi hệ thống thẩm mỹ đều gắn liền với môi trường văn hóa thông qua cái đặc trưng là chúng đều tạo ra những ký hiệu sản sinh ra từ văn hóa...Ở mỗi nền văn hóa thì con người cũng như đồ vật xung quanh thường được thể hiện chỉ trong những bối cảnh và sự tham chiếu” [114, tr.336,337]. Qua đó, có thể


thấy đặc trưng của tổ hợp hiện vật trong tác phẩm Sắp đặt cũng có thể được xem là nghệ thuật sử dụng ký hiệu của ký hiệu.

Tóm lại, bản chất của Nghệ thuật Sắp đặt là tổ hợp những hệ thống ký hiệu, được mã hóa, nên việc vận dụng luận điểm Ký hiệu học là cần thiết, nó sẽ là công cụ đắc lực trong quá trình thao tác nghiên cứu, giải mã các lớp ký hiệu “nén” trong tác phẩm. Vận dụng luận điểm của Ký hiệu học, phương pháp tiếp cận liên ngành, đối tượng nghiên cứu sẽ được làm sáng tỏ thông qua việc xem xét mối quan hệ của cái biểu đạt và cái được biểu đạt trong hình thức và chủ đề của NTSĐVN giai đoạn 1995 - 2018. Qua đó kết quả đề tài sẽ chỉ ra biểu hiện, đặc điểm và giá trị văn hóa nghệ thuật của tác phẩm.

1.3. Khái quát về Nghệ thuật Sắp đặt Việt Nam

Trước khi giới thiệu khái quát về NTSĐVN, xin điểm qua đôi nét về sự hình thành Nghệ thuật Sắp đặt trên thế giới, vì đây là loại hình nghệ thuật mới có nguồn gốc phương Tây được du nhập vào Việt Nam.

Hình thức Nghệ thuật Sắp đặt đã manh nha xuất hiện ở phương Tây từ thập kỷ thứ hai của thế kỷ XX, tuy chưa có tên gọi như ngày nay, phát triển mạnh từ thập kỷ 60, 70 tại nhiều quốc gia, châu lục trên thế giới. Trong đó, nước Mỹ được xem là trung tâm, là mảnh đất màu mỡ cho các thể loại nghệ thuật mới phát triển. Marcel Duchamp được xem là người tạo ra bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi lối tư duy và mở rộng quan niệm thẩm mỹ về nghệ thuật, thông qua việc sử dụng “vật liệu làm sẵn” (ready made) để kiến tạo tác phẩm. Ông nhận thấy: “Bất cứ vật làm sẵn nào tự thân nó cũng có thể được trưng bày như là “nghệ thuật” nếu nó được tách khỏi bối cảnh, công dụng và ý nghĩa nguyên thủy của nó”. Tư duy mở đường của Marcel Duchamp gắn liền với cảm thức hậu hiện đại, đã có ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến xu hướng nghệ thuật thế kỳ XX và nó vẫn không ngừng phát triển, phái sinh sang các loại hình nghệ thuật khác (như Điêu khắc Sắp đặt; Video Sắp đặt; Đồ họa Sắp đặt…) lan rộng trên phạm vi toàn cầu trong thế kỷ XXI. Lịch sử nghệ thuật


thế giới đã ghi nhận các tác phẩm tiêu biểu, xuất hiện cùng thời điểm thậm chí trước cả Chủ nghĩa Dada (1916 - 1924), đó là Giá đựng chai (1914) và chiếc Bồn tiểu bằng sứ ký tên R. Mutt (1917) của Marcel Duchamp như những cột mốc đầu tiên khẳng định loại hình Nghệ thuật Sắp đặt sử dụng đồ vật làm sẵn. Trong quá trình phát triển của nghệ thuật Trình diễn, Sắp đặt, Video Art trào lưu Fluxus cũng có đóng góp đáng kể, gắn liền với những cái tên như: Marcel Duchamp, John Cage, Nam June Paik...

Bên cạnh những nghệ sĩ xuất sắc đã nêu, trào lưu nghệ thuật Fluxus do nhà thơ người Mỹ George Maciunas sáng lập vào những năm cuối thập kỷ 1950, tiếp nối tinh thần, tư tưởng của chủ nghĩa Vị Lai và Dada, xóa bỏ sự độc quyền, chuẩn tắc của nghệ thuật hàn lâm, biến những vật dụng hằng ngày có cơ hội trở thành nhân tố nghệ thuật và bất cứ ai cũng có thể làm nghệ thuật ở mọi nơi. Nhóm nghệ sĩ của Trào lưu nghệ thuật này từng xuất hiện và triển lãm tại hàng loạt các nước như: Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Thụy Điển..., gây tiếng vang lớn và có ảnh hưởng mạnh mẽ tới tư tưởng nghệ thuật đương đại, trong đó có Nghệ thuật Sắp đặt trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, “năm 1967 Dan Flavin đã sử dụng thuật ngữ Sắp đặt Installation” ‘[97, tr.25] để ám chỉ những tác phẩm nghệ thuật của mình khi ông dùng hàng loạt những bóng đèn neon để kiến tạo tác phẩm Sắp đặt. Đến năm 1979, Lyotard công bố cuốn sách có tiêu đề Hoàn cảnh hậu hiện đại với hệ thống lý thuyết, công trình nghiên cứu đã chỉ ra nguyên nhân hình thành “tâm thức hậu hiện đại’ cũng như tính chất đặc trưng của nó. Công trình nghiên cứu lý luận của Lyotard được xem là bệ đỡ diễn giải lý do ra đời, tồn tại và phát triển của nghệ thuật hậu hiện đại nói chung trên thế giới. Mặc dù, Nghệ thuật Sắp đặt là sản phẩm nảy sinh từ xã hội hậu công nghiệp, tuy nhiên đến nay, loại hình nghệ thuật này đã lan tỏa, phát triển ở hầu hết các nước trên thế giới. Nhiều nghệ sĩ quốc tế đã khẳng định tên tuổi của mình gắn liền với Nghệ thuật Sắp đặt như: Marcel Duchamp, Dan Flavin, Walter de Maria,


Ngải Vị Vị, Từ Băng, Sài Quốc Cường, Lã Thắng Trung, Trương Đại Lực, Yumiko Ono,... Tựu chung, Nghệ thuật Sắp đặt xuất hiện và phát triển ở phương Tây được hình thành từ chính bối cảnh kinh tế, nảy sinh từ xã hội hậu công nghiệp với văn hóa tiêu thụ, bắt nguồn từ hoàn cảnh hậu hiện đại. Do đó, các tác phẩm Sắp đặt ở phương Tây thường sử dụng sản phẩm công nghiệp, sản xuất hàng loạt và phản ánh một thái độ thẩm mỹ mới lạ, vượt xa những chuẩn tắc thẩm mỹ truyền thống. Loại hình nghệ thuật này ở phương Tây thường mang tư tưởng hoài nghi, giễu nhại, giải thiêng, gây sốc... Tuy nhiên, khi Nghệ thuật Sắp đặt được du nhập vào Việt Nam, nó đã được tiếp biến - “Việt Nam hóa” tạo nên đặc điểm, giá trị nghệ thuật riêng biệt thông qua việc khai thác, kết hợp các YTTT để xây dựng tác phẩm.

Sau khi ra đời tại và phát triển ở phương Tây và Mỹ, Nghệ thuật Sắp đặt đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến hầu hết các châu lục, quốc gia trên thế giới. Theo nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng: “Nghệ thuật Sắp đặt (Installation Art), một loại hình nghệ thuật mới được du nhập vào Việt Nam từ thập kỷ 1990”.

Vậy nguyên nhân nào khiến cho Nghệ thuật Sắp đặt xuất hiện ở Việt Nam thập kỷ 1990? Thứ nhất, do nhu cầu nội tại của nghệ sỹ Việt Nam muốn vươn tới hình thức biểu đạt mới, vượt thoát ra khỏi giới hạn khung toan chật hẹp, tổ chức không gian qua một số thể nghiệm mang hình thức Sắp đặt, đáp ứng sự thay đổi của xã hội. Thứ hai, công cuộc Đổi mới của Nhà nước kể từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam (1986), đặc biệt sau khi chính phủ Mỹ dỡ bỏ lệnh Cấm vận (1994), đã tác động tích cực đến đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực nghệ thuật. Hơn nữa, thời kỳ này thế giới đã chứng kiến sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, thế giới trở nên phẳng, xóa nhòa ranh giới địa lý, con người có thể dễ dàng tiếp cận với mạng lưới thông tin toàn cầu, ảnh hưởng mạnh mẽ cả mặt tích cực lẫn tiêu cực đến mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội và nghệ thuật...Bên cạnh sách báo nghệ thuật nhập


ngoại, một số sách được dịch ra tiếng Việt, những dự án do các tổ chức nước ngoài hợp tác hoặc thực hiện độc lập tại Việt Nam, thì mạng internet cũng được xem là kênh thông tin có tác động mạnh mẽ đến nhận thức, quan niệm nghệ thuật và sự tiếp nhận các loại hình nghệ thuật đương đại ở Việt Nam. Năm 1997, Việt Nam chính thức hòa mạng internet quốc tể cũng là một nhân tố tích cực, mở ra một cơ hội mới cho việc giao lưu, tiếp nhận tri thức khoa học, nghệ thuật, góp phần thu ngắn khoảng cách địa lý giữa các quốc gia.

Bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội của Việt Nam như vậy đã không chỉ thúc đẩy một số thể loại nghệ thuật truyền thống, mà còn là động lực cho sự tiếp nhận, phát triển các loại hình nghệ thuật đương đại và quá trình hội nhập vào dòng chảy nghệ thuật thế giới. Nhiều Gallery nghệ thuật của tư nhân ra đời, nhiều trung tâm Văn hóa Nghệ thuật của nước ngoài hoạt động tại Hà Nội như Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Pháp, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc, Trung tâm Văn hóa Nhật Bản,Viện Goethe...là những địa chỉ đỡ đầu về không gian và một phần tài chính cho các loại hình nghệ thuật mới phát triển thời kỳ đầu. Bên cạnh những nỗ lực sáng tạo của cá nhân nghệ sỹ, thì sự hỗ trợ về tài chính từ một số quỹ nước ngoài dành cho nghệ thuật như Quỹ Sida (Thụy Điển), Quỹ Ford (Mỹ), Quỹ CDF (Đan Mạch)... đã góp phần nuôi dưỡng và thúc đẩy quá trình phát triển các loại hình nghệ thuật mới thời kỳ đầu ở Việt Nam. Hầu hết các nghệ sĩ thuộc thế hệ tiên phong làm Nghệ thuật Sắp đặt nhận được sự hỗ trợ tích cực về tài chính và không gian trưng bày tác phẩm từ các tổ chức Quỹ này.

Một số Gallery, Bảo tàng tư nhân như: Mai Bùi Gallery, Nhà Sàn Đức, Anh Khánh Studio, Ryllega Gallery (Hà Nội); Art Space Foundation (Huế); Blue Art Space (Tp. Hồ Chí Minh)..., đã tổ chức nhiều hoạt động nghệ thuật đương đại. Bên cạnh đó, còn phải kể đến Trung tâm Nghệ thuật đương đại, tuy hoạt động trong thời gian không dài, đã có tác động không nhỏ đến tiến trình phát triển nghệ thuật đương đại Việt Nam.


Tuy nhiên, triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005 vẫn chưa có danh mục cho các loại hình nghệ thuật mới tham dự: “Trong giấy mời gửi tác phẩm tham gia Triển lãm, gửi đến các nghệ sĩ đã ghi rõ ban tổ chức không nhận các tác phẩm Sắp đặt, Video Art hay Trình diễn!” [106, tr.114].

Trong cuộc chạy tiếp sức của quá trình phát triển nghệ thuật đương đại, không thể không kể vai trò tích cực của Nhà nước, tuy có hơi muộn, gắn liền với các sự kiện: Festival Mỹ thuật trẻ toàn quốc lần thứ nhất (2007); lần hai (2011); lần ba (2014), tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam; lần bốn (2017), lần năm (2020) tại Hà Nội. Các triển lãm định kỳ Biennial tại thành phố Hồ chí Minh...

Ngoài ra, các triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghệ thuật đương đại, Bảo tàng dân tộc học, Triển lãm 29 Hàng Bài, Gallery L’Atelier, Tràng An Gallery...Qua đó, NTSĐVN đã có cơ hội phát triển và đạt được những thành tựu nhất định.

Nghệ thuật Sắp đặt nói riêng, nghệ thuật hậu hiện đại nói chung là kết quả nảy sinh từ xã hội hậu công nghiệp phương Tây. Vậy xã hội Việt Nam mới chỉ là xã hội tiền công nghiệp lấy đâu ra cơ sở để nó tồn tại? Xét cho cùng, nghệ thuật là một bộ phận của văn hóa, một dạng “tri thức” đặc biệt. Nó là thứ “ngôn ngữ” quốc tế, phi lãnh thổ, không phụ thuộc vào biên giới hay dân tộc nên có sự cuốn hút kỳ diệu và sức lan tỏa mạnh mẽ. Khi đã là tri thức và phương tiện thì nó có tính nhân loại và phổ biến. Như vậy, Nghệ thuật Sắp đặt xuất hiện ở Việt Nam cũng là một dạng tiếp nhận “tri thức” đặc biệt trong dòng chảy tiếp biến văn hóa, là kết quả tác động tương hỗ giữa yếu tố nội sinh (truyền thống) và yếu tố ngoại sinh (hiện đại), trong bối cảnh toàn cầu hóa, giao lưu và hội nhập quốc tế.

Nghệ thuật Sắp đặt được tiếp nhận và phát triển tại Việt Nam do bối cảnh lịch sử, kinh tế, chính trị và yêu cầu của xã hội đương đại. Trong đó, có lý do khách quan và chủ quan.

Xem tất cả 236 trang.

Ngày đăng: 23/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí