2.4. Kế toán tài sản cố định
2.4.1. Đặc điểm và tiêu chuẩn nhận biết tài sản cố định
Tài sản cố định (TSCĐ) là các tư liệu lao động chủ yếu tạo nên cơ sở vật chất kỹ thuật cần thiết trong đơn vị HCSN, đảm bảo cho các đơn vị này hoạt động bình thường và hoàn thành nhiệm vụ do Nhà nước giao. TSCĐ tham gia vào hoạt động sự nghiệp cũng như hoạt động SXKD mang đặc điểm sau:
- TSCĐ là những tài sản có giá trị lớn, thời gian tham gia vào quá trình hoạt động của đơn vị HCSN dài.
- TSCĐ tham gia vào nhiều chu kỳ kinh doanh nhưng không thay đổi hình thái vật chất ban đầu từ khi sử dụng cho đến lúc tài sản bị hư hỏng.
- Trong quá trình tham gia vào các hoạt động của đơn vị sự nghiệp, TSCĐ bị hao mòn làm cho giá trị và giá trị sử dụng giảm dần.
Một tài sản được coi là TSCĐ phải thỏa mãn tiêu chuẩn như sau:
+ Thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên.
+ Tài sản có giá trị lớn theo quy định tài chính trong từng thời kỳ.
Có thể bạn quan tâm!
- Nguyên Tắc Kế Toán Nguyên Vật Liệu, Công Cụ, Dụng Cụ
- Kế Toán Tổng Hợp Nvl, Công Cụ Dụng Cụ
- Phương Pháp Kế Toán Sản Phẩm, Hàng Hóa
- Kế toán đơn vị sự nghiệp Phần 1 - 15
- Kế Toán Tổng Hợp Tăng, Giảm Tscđ
- Kế Toán Tổng Hợp Sửa Chữa Lớn Tscđ Trong Đơn Vị Sự Nghiệp
Xem toàn bộ 158 trang tài liệu này.
Đối với TSCĐ hữu hình (TSCĐHH) là những tài sản mang hình thái vật chất, có kết cấu độc lập, hoặc là một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, thoả mãn đồng thời cả 2 tiêu chuẩn về thời gian và giá trị theo quy định.
Đối với TSCĐ vô hình (TSCĐVH) là tài sản không mang hình thái vật chất cụ thể mà cơ quan, đơn vị phải đầu tư chi phí cho việc tạo lập như: Giá trị quyền sử dụng đất, bằng phát minh sáng chế, phần mềm máy vi tính, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, bản quyền tác giả..., thỏa mãn đồng thời cả 2 tiêu chuẩn quy định như đối với TSCĐ hữu hình.
Ngoài tiêu chuẩn chung được nêu trên, theo chế độ tài chính hiện hành trong một số trường hợp có những tài sản ở đơn vị sự nghiệp không đủ hai tiêu chuẩn trên nhưng vẫn được xếp vào TSCĐ:
- Những tài sản không thuộc nhóm “Nhà cửa, vật kiến trúc”: máy móc thiết bị, phương tiện vận tải truyền dẫn, thiết bị dụng cụ quản lý, súc vật làm việc, súc vật nuôi, cây lâu năm, tài sản đặc biệt, TSCĐ khác mà có nguyên giá từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng và có thời gian sử dụng trên một năm, được quy định là TSCĐHH.
- Tài sản không thể đánh giá được giá trị thực của tài sản (được gọi là tài sản đặc biệt), nhưng yêu cầu đòi hỏi phải quản lý chặt chẽ về mặt hiện vật (hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử,...), được quy định là TSCĐHH.
- Tài sản có nguyên giá từ 10 triệu đồng trở lên nhưng dễ hỏng, dễ vỡ (các đồ dùng bằng thuỷ tinh, bằng sành sứ...) thì không quy định là tài sản cố định, trừ các trang thiết bị thí nghiệm, nghiên cứu khoa học.
- Ngoài các quy định nêu trên, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào đặc thù tài sản của mình có thể quy định thêm các tài sản chưa đủ tiêu chuẩn quy định là tài sản cố định.
Riêng đối với các đơn vị sự nghiệp có thu, cũng giống như các đơn vị SXKD, TSCĐ là những tư liệu lao động phải đáp ứng đủ tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ theo quy định tài chính hiện hành.
2.4.2. Phân loại tài sản cố định
TSCĐ bao gồm nhiều loại, có tính chất, đặc điểm, công dụng khác nhau và quá trình hình thành khác nhau, do đó yêu cầu quản lý cũng khác nhau. Trong quá trình quản lý, sử dụng TSCĐ tại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, có thể phân loại TSCĐ theo những tiêu thức sau:
2.4.2.1. Phân loại theo kết cấu
a. Tài sản cố định hữu hình
- Nhà cửa, vật kiến trúc: Gồm nhà làm việc, nhà kho, nhà câu lạc bộ, nhà văn hoá, nhà tập và thi đấu thể thao, nhà bảo tồn bảo tàng, nhà trẻ, nhà mẫu giáo, trường học, giảng đường, ký túc xá, bệnh viện, trạm xá,... các công trình cơ sở hạ tầng như cầu cống, đường sá...
- Máy móc, thiết bị: gồm máy vi tính, máy in, thiết bị lọc nước, máy hút ẩm, thiết bị nghe nhìn, thiết bị lưu trữ thông tin dữ liệu, thiết bị phòng cháy chữa cháy, bộ bàn ghế, tủ, két sắt,... máy móc thiết bị dùng cho công tác chuyên môn như máy công cụ, máy móc thiết bị đo lường phân tích, máy móc thiết bị thí nghiệm,...
- Phương tiện vận tải, truyền dẫn: gồm phương tiện vận tải đường bộ (xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy, phương tiện vận tải đường bộ khác); phương tiện vận tải đường thuỷ (ca nô, xuồng máy các loại; tàu thuỷ các loại; ghe thuyền các loại, phương tiện vận tải đường thuỷ khác); phương tiện vận tải đường không (máy bay các loại),...
- Thiết bị, dụng cụ quản lý: Bàn, ghế, tủ, giá kệ đựng tài liệu,...
- Súc vật làm việc, súc vật nuôi phục vụ nghiên cứu hoặc lấy sản phẩm, cây lâu năm, vườn cây cảnh, cây ăn quả, hòn non bộ.
- Tài sản đặc biệt: Hiện vật bảo tàng, cổ vật, tác phẩm nghệ thuật, sách, lăng tẩm, di tích lịch sử,...
- Tài sản cố định khác: là tài sản chưa được quy định ở trên, chủ yếu là TSCĐ mang tính đặc thù như tác phẩm nghệ thuật, sách, báo khoa học, kỹ thuật trong các thư viện và sách phục vụ chuyên môn, các vật trưng bày trong các bảo tàng....
b. Tài sản cố định vô hình
- Giá trị quyền sử dụng đất;
- Giá trị bằng phát minh sáng chế;
- Giá trị bản quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích;
- Giá trị phần mềm máy vi tính.
2.4.2.2. Phân loại theo phương thức hình thành tài sản
- Tài sản cố định hình thành do mua sắm;
- Tài sản cố định hình thành do đầu tư xây dựng cơ bản;
- Tài sản cố định do được cấp, được điều chuyển đến;
- Tài sản cố định được tặng, cho.
2.4.2.3. Phân loại theo nguồn hình thành
- TSCĐ hình thành từ nguồn kinh phí do ngân sách cấp.
- TSCĐ được điều chuyển đến theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
- TSCĐ được tài trợ, biếu tặng từ các tổ chức, cá nhân trong nước.
- TSCĐ được viện trợ phi dự án hoặc theo dự án.
- TSCĐ hình thành từ nguồn thu sự nghiệp được phép sử dụng và thu từ bán, chuyển nhượng, thanh lý tài sản.
- TSCĐ hình thành từ các quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, quỹ phúc lợi.
- TSCĐ hình thành từ vốn huy động, liên doanh, liên kết theo quy định của pháp luật.
2.4.2.4. Phân loại theo mục đích sử dụng
- TSCĐ dùng cho hoạt động hành chính sự nghiệp.
- TSCĐ dùng cho hoạt động chương trình, dự án, đề tài.
- TSCĐ chuyên dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
- TSCĐ chờ xử lý (không còn sử dụng được hoặc không cần dùng).
2.4.3. Đánh giá tài sản cố định
TSCĐ có nhiều loại khác nhau, hình thành từ nhiều nguồn khác nhau nhưng nhìn chung, TSCĐ phải được quản lý chặt chẽ cả về mặt hiện vật, giá trị, theo dõi tình hình tăng giảm theo từng loại tài sản, từng bộ phận sử dụng tài sản; phải quản lý chặt chẽ tình hình sử dụng tài sản và hao mòn TSCĐ trong quá trình TSCĐ tham gia vào hoạt động của đơn vị. Quản lý TSCĐ phải theo 3 chỉ tiêu giá trị của tài sản, đó là nguyên giá, số khấu hao lũy kế và giá trị còn lại của TSCĐ.
Căn cứ vào đặc điểm và yêu cầu quản lý TSCĐ trong quá trình sử dụng, TSCĐ được đánh giá theo giá trị ban đầu của tài sản (nguyên giá) và giá trị sau khi ghi nhận ban đầu.
a. Xác định giá trị ban đầu - Nguyên giá TSCĐ
Nguyên giá của TSCĐ là giá trị thực tế ban đầu hình thành TSCĐ. Việc xác định nguyên giá TSCĐ phải tùy thuộc vào nguồn hình thành TSCĐ. TSCĐ trong đơn vị sự nghiệp có thể được hình thành do mua sắm, do đầu tư XDCB hoàn thành, do được cấp, được điều chuyển đến, do được tài trợ, biếu tặng….
Theo quy định tài chính hiện hành, nguyên giá của TSCĐ được xác định trong từng trường hợp cụ thể như sau:
a1. Xác định nguyên giá của TSCĐ hữu hình
* Nguyên giá TSCĐ hình thành từ mua sắm (kể cả TSCĐ mua mới và TSCĐ mua đã qua sử dụng) được xác định là giá mua thực tế (giá ghi trên hóa đơn trừ (-) đi các khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá - nếu có) cộng (+) với các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, các chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, chi phí lắp đặt, chạy thử đã trừ (-) đi các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử cộng (+) với các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có) mà cơ quan, đơn vị phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào sử dụng;
Riêng đối với trường hợp TSCĐ mua về dùng cho hoạt động SXKD hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thì nguyên giá TSCĐ gồm: giá mua (không có thuế GTGT) và cộng (+) các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, chi phí nâng cấp, chi phí lắp đặt, chạy thử, thuế và lệ phí trước bạ…
* Nguyên giá TSCĐ hình thành từ đầu tư xây dựng: được xác định là giá trị quyết toán công trình xây dựng đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp khác và lệ phí trước bạ (nếu có).
Đối với TSCĐ là súc vật làm việc, súc vật cảnh và cho sản phẩm, vườn cây lâu năm thì nguyên giá TSCĐ là toàn bộ các chi phí thực tế, hợp pháp đã chi ra cho con súc vật, mảnh vườn cây đó từ lúc hình thành cho tới khi đưa vào khai thác, sử dụng và các chi phí khác có liên quan, lệ phí trước bạ (nếu có).
* Nguyên giá TSCĐ do được cấp, được điều chuyển đến: được xác định là giá trị của tài sản ghi trong “Biên bản bàn giao tài sản điều chuyển” hoặc giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận cộng (+) với các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, các chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, chi phí lắp đặt, chạy thử đã trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử cộng (+) với các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có), mà cơ quan, đơn vị phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào sử dụng.
* Nguyên giá TSCĐ được tặng, viện trợ, tài trợ, biếu tặng: được xác định là giá trị của tài sản được cơ quan tài chính tính làm căn cứ để hạch toán hoặc giá trị do các tổ chức có chức năng định giá tài sản nhà nước đánh giá lại và được cơ quan tài chính cùng cấp thống nhất cộng (+) với các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, các chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, chi phí lắp đặt, chạy thử đã trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử cộng (+) với các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có) mà cơ quan, đơn vị phải chi ra tính đến thời điểm đưa tài sản cố định vào sử dụng;
* Nguyên giá tài sản đặc biệt: Được sử dụng giá quy ước làm căn cứ ghi sổ kế toán. Giá quy ước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ chuyên ngành quản lý quy định.
a2. Xác định nguyên giá của TSCĐ vô hình
* Giá trị quyền sử dụng đất: Đối với đất được giao có thu tiền sử dụng đất; đất nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp; đất được thuê mà đã trả tiền thuê đất cho cả thời gian thuê thì giá trị quyền sử dụng đất được xác định là tiền sử dụng đất phải nộp khi được nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc số tiền đã trả khi nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất hợp pháp hoặc số tiền thuê đất đã trả 1 lần cho toàn bộ thời gian thuê cộng (+) với các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có).
Trường hợp đất được giao không thu tiền sử dụng đất thì giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo quy định hiện hành về xác định giá trị quyền sử dụng đất để tính vào giá trị tài sản của các tổ chức
được nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cộng (+) với các khoản thuế, phí, lệ phí (nếu có).
* Giá trị bằng phát minh sáng chế: Là các chi phí cơ quan, đơn vị phải trả cho các công trình nghiên cứu, sản xuất thử được Nhà nước cấp bằng phát minh sáng chế hoặc đơn vị mua lại bản quyền bằng sáng chế của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài.
* Giá trị bản quyền tác giả, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích: Là tổng số tiền chi thù lao cho tác giả và được Nhà nước công nhận cho tác giả độc quyền phát hành và bán tác phẩm của mình.
* Giá trị phần mềm máy vi tính: Là số tiền chi trả cho việc thuê lập trình hoặc mua phần mềm máy vi tính theo các chương trình của đơn vị (khi thực hiện ghi chép, quản lý bằng máy vi tính).
Đối với giá trị phần mềm máy vi tính được tặng cho: nguyên giá được xác định là giá trị của tài sản được cơ quan tài chính tính làm căn cứ để hạch toán hoặc giá trị do các tổ chức có chức năng định giá tài sản nhà nước đánh giá lại và được cơ quan tài chính cùng cấp thống nhất.
b. Xác định giá trị sau khi ghi nhận ban đầu
Sau khi ghi nhận ban đầu TSCĐ theo nguyên giá, trong quá trình sử dụng TSCĐ luôn được xác định theo nguyên giá, khấu hao lũy kế và giá trị còn lại.
Giá trị còn lại TSCĐ = Nguyên giá TSCĐ - Số khấu hao lũy kế
Ngoài ra, nguyên giá TSCĐ có thể thay đổi trong một số trường hợp sau khi ghi nhận ban đầu như:
- Đánh giá lại giá trị TSCĐ theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Phát sinh các chi phí được ghi tăng nguyên giá TSCĐ mà các chi phí này chắc chắn làm tăng lợi ích kinh tế trong tương lai do sử dụng tài sản đó. Chi phí nhằm cải tạo, sửa chữa lớn TSCĐ, tháo dỡ một hay một số bộ phận nhằm mục đích nâng cấp TSCĐ sẽ được vốn hóa vào giá trị của TSCĐ; khi kết thúc quá trình đầu tư, công tác sửa
chữa làm tăng tính năng công dụng hoặc kéo dài thời gian sử dụng so với ban đầu của TSCĐ.
Khi thay đổi nguyên giá TSCĐ, đơn vị phải lập Biên bản ghi rõ các căn cứ thay đổi và xác định lại các chỉ tiêu nguyên giá, giá trị còn lại, số hao mòn luỹ kế của tài sản cố định trên sổ kế toán và tiến hành hạch toán theo các quy định hiện hành.
Trong mọi trường hợp tăng giảm TSCĐ đều phải lập “Biên bản giao nhận TSCĐ”, thực hiện đúng và đầy đủ các thủ tục theo quy định của Nhà nước, lập và hoàn chỉnh hồ sơ TSCĐ về mặt kế toán.
2.4.4. Phương pháp kế toán tài sản cố định
2.4.4.1. Kế toán tài sản cố định
a. Chứng từ kế toán
Mọi TSCĐ trong đơn vị sự nghiệp phải có bộ hồ sơ riêng và phải được theo dõi, quản lý, sử dụng, tính hao mòn theo đúng quy định, bao gồm:
- Hợp đồng, hóa đơn mua sắm TSCĐ.
- Biên bản giao nhận TSCĐ (Mẫu số 50 - HD).
- Biên bản thanh lý TSCĐ (Mẫu số C51 - HD).
- Biên bản đánh giá lại TSCĐ (Mẫu số C52 - HD).
- Biên bản kiểm kê TSCĐ (Mẫu số C53 - HD).
- Các chứng từ khác có liên quan.
b. Tài khoản kế toán
Tài khoản sử dụng chủ yếu là TK 211 - Tài sản cố định hữu hình: Dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của TSCĐHH trong đơn vị theo nguyên giá.
Nội dung và kết cấu của TK 211 - Tài sản cố định hữu hình:
Bên Nợ: Nguyên giá TSCĐ hữu hình tăng do:
- Nguyên giá TSCĐ hữu hình tăng do mua sắm, do XDCB hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, do được cấp, được tài trợ, tặng, biếu, viện trợ.