nữ viết về người phụ nữ, với một thứ diễn ngôn nữ quyền đã hướng đến xác lập một nền tảng nữ quyền luận trong đời sống học thuật cũng như phong trào tranh đấu nữ quyền. Hoạt động nghiên cứu văn học nữ từ lí thuyết nữ quyền luận đã được tiến hành rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Ở Việt Nam, vấn đề nữ quyền và vai trò của người phụ nữ từ lâu đã được đề cao trong văn hóa và thực sự trở lại hồi đầu thế kỉ
XX. Văn học Việt Nam thời kì đổi mới nói chung, thơ nữ Việt Nam đương đại nói riêng là một giai đoạn mà cái tôi cá nhân được đề cao. Người phụ nữ cũng đặt ra nhiều vấn đề trong văn học mà vốn trước đây do hoàn cảnh nên còn e ngại. Ý thức nữ quyền bừng nở trong văn học nên hơn lúc nào hết, việc vận dụng lí thuyết nữ quyền luận vào tìm hiểu thơ nữ nói riêng và văn học nữ nói chung là hướng đi triển vọng ở nước ta hiện nay. Và có thể khẳng định rằng, những thành quả của các nhà nghiên cứu đi trước sẽ là những tham khảo cần thiết để chúng tôi tiến hành các nội dung tiếp theo của luận án.
1.2. GIỚI THUYẾT NỮ QUYỀN VÀ Ý THỨC NỮ QUYỀN
1.2.1. Giới thuyết về nữ quyền
Lâu nay, trong đời sống cũng như trong học thuật trên thế giới, vấn đề nữ quyền đã thu hút nhiều nghiên cứu bao gồm cả các chính trị gia, các nhà tâm lí học, xã hội học và cả các nhà nghiên cứu văn học. Tuy nhiên, những vấn đề về nữ quyền vẫn còn là điều khá thưa vắng ở Việt Nam. Trong phần này chúng tôi đi vào trình bày những vấn đề về nữ quyền ý thức nữ quyền với mục đích nhận diện những thuật ngữ liên quan và có cái nhìn khái quát trên bình diện lí thuyết làm điểm tựa cho những nghiên cứu mà đề tài đặt ra.
1.2.1.1. Chủ nghĩa nữ quyền phương Tây
* Phong trào đấu tranh nữ quyền
Trong lịch sử phong trào nữ quyền, người ta vẫn lấy mốc sự kiện đánh dấu sự ra đời là khi Đại cách mạng tư sản Pháp, một nhóm phụ nữ Paris xông thẳng vào trụ sở Quốc dân đại hội để đòi quyền bình đẳng nam nữ (10/1789). Tiếp đó, năm 1790, nữ tác giả viết kịch người Pháp có tên là Olempe de Coarges đã phát biểu
“Tuyên ngôn quyền lợi phụ nữ” gồm 17 điều là những yêu cầu của phụ nữ. Đây chính là sự khởi đầu cho một phong trào đấu tranh chính trị với mục đích đem lại quyền lợi chính đáng cho người phụ nữ và kéo dài từ đó đến nay. Cho đến nay, lịch sử nữ quyền phương Tây được chia làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn phong trào hướng đến những mục đích cụ thể dựa trên tiến bộ trước đó.
Giai đoạn thứ nhất diễn ra ở cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20 xuất hiện ở các nước công nghiệp phát triển, có liên quan chặt chẽ tới phong trào đòi quyền tự do cho phụ nữ ở Pháp, Mỹ và Châu Âu, gắn với phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng về chính trị và pháp lý đối với nữ giới, nhất là quyền đầu phiếu. Quyền đầu phiếu trở thành mục đích chính yếu của chủ nghĩa nữ quyền giai đoạn này. Đó không chỉ là một bước quan trọng trên con đường tiến đến sự bình đẳng về pháp luật mà còn là một điều kiện tiên quyết nhằm cải cách xã hội. Phong trào đấu tranh đã đạt được những thành quả đáng kể. Một mốc lịch sử đáng chú ý của phong trào nữ quyền giai đoạn này đó là, vào ngày 21 tháng tư năm 1944, trước làn sóng đấu tranh biểu tình của phụ nữ Pháp và trên toàn châu Âu, chính phủ Pháp đã thông qua việc phụ nữ cũng có quyền và nghĩa vụ bầu cử như nam giới. Và, sau chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều công nhận nam nữ có quyền bình đẳng trong Hiến pháp. Đặc biệt, ở giai đoạn này, dưới sự đấu tranh của nữ công nhân ngành dệt may tại thành phố Chicago (Mỹ), “Ngày Quốc tế phụ nữ” (8/3) đã ra đời và trở thành ngày hội của phụ nữ thế giới, đoàn kết đấu tranh để tự giải phóng, thực hiện quyền nam nữ bình đẳng và cũng từ đó đến nay, phụ nữ tiến bộ khắp năm Châu tổ chức ngày 8/3 với những nội dung và hình thức phong phú.
Có thể bạn quan tâm!
- Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 2
- Tình Hình Nghiên Cứu Ý Thức Nữ Quyền Trong Thơ Nữ Việt Nam Giai Đoạn Từ 1986 Đến Nay
- Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 4
- Quan Niệm Về Ý Thức Nữ Quyền Trong Thơ Nữ Việt Nam Giai Đoạn Từ 1986 Đến Nay
- Ý Thức Về Quyền Sống Của Người Phụ Nữ
- Người Phụ Nữ Với Cái Tôi Trữ Tình Thời Thơ Mới (1932 - 1945)
Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.
Giai đoạn thứ hai của phong trào nữ quyền phương Tây có nguồn gốc từ phòng trào giải phóng phụ nữ của phái nữ quyền cấp tiến (radical feminism) vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70 của thế kỷ 20. Sự bùng phát dữ dội của phong trào xã hội đấu tranh cho quyền tự do và dân chủ của nữ giới trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, từ gia đình đến xã hội đã khiến cho phong trào đấu tranh nữ quyền giai đoạn này phát triển lên một bước mới. Tiêu biểu nhất có thể kể đến phong trào
đấu tranh của Tổ chức quốc gia vì phụ nữ (NOW) ở Hoa Kì và Phong trào giải phóng phụ nữ ( Women‟s Liberration) tại Pháp. Chủ nghĩa nữ quyền lúc này quan tâm đến các vấn đề chính trị xã hội như chỉ trích chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa đế quốc, đấu tranh kêu gọi quyền lợi cho những nhóm người chịu thiệt thòi như công nhân lao động, người da màu, phụ nữ, những người đồng tính. Phụ nữ giai đoạn này đã tích cực tham gia vào các cuộc diễu hành, biểu tình đòi quyền lợi, điển hình là các cuộc biểu tình chống Chiến tranh Việt Nam, các cuộc biểu tình của sinh viên, biểu tình ủng hộ người đồng tính. Đặc biệt là vấn đề bình đẳng giới và chống phân biệt đối xử với phụ nữ dưới mọi hình thức được các nhà đấu tranh nữ quyền đặc biệt quan tâm. Cũng ở giai đoạn này, tiếp nối thành quả của phong trào đấu tranh của nữ giới giai đoạn trước, năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8/3 hằng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ. Hai năm sau, Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày này như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới.
Giai đoạn thứ ba ((từ cuối thập niên 1970 đến cuối thế kỷ XX), được xem như là sự tiếp nối của phong trào đâu tranh giai đoạn hai và sự đáp trả đối với những thất bại nhìn thấy được của nó. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do thông tin và chính trị toàn cầu, phụ nữ tự tin rằng họ là những nhân tố xã hội tích cực, có khả năng, mạnh mẽ và quyết đoán. Họ nỗ lực chỉ ra những áp chế ngầm đối với phụ nữ tiềm ẩn trong những chiến lược chính trị và các mưu đồ toàn cầu hóa; các nhà hoạt động nữ quyền da màu nêu lên vấn đề về chủng tộc và sắc tộc ngay trong bối cảnh xã hội các nước Thế giới thứ nhất. Các nhà đấu tranh nữ quyền kêu gọi xây dựng một liên minh đoàn kết giữa các phong trào nữ quyền khác nhau, mở rộng thuyết đồng tính ra nhiều mảng như đồng tính nam, đồng tính nữ, chuyển đổi giới tính. Thành quả lớn nhất của giai đoạn này là việc các học giả nữ tham gia vào nghiên cứu các chuyên ngành khác nhau của triết học, tư tưởng, văn hóa... và đòi hỏi thành quả của mình được nhập vào hệ thống tri thức hàn lâm của nhân loại. Điều này đã dáng một đòn mạnh vào chủ nghĩa nam quyền ở chỗ mà nó tự hào nhất, xem là “đất cấm”, “đặc sản” của riêng mình. Như vậy, đến đây, cuộc đấu tranh nữ quyền đã tấn
công một cách toàn diện vào tình trạng bất bình đẳng xã hội, đòi hỏi quyền tự do và khẳng định giá trị cho người phụ nữ ở mọi lĩnh vực.
* Chủ nghĩa nữ quyền
Chủ nghĩa nữ quyền hay nữ quyền luận là những lý luận, học thuyết về quyền lợi của người phụ nữ. Cho đến nay, tương ứng với ba giai đoạn phát triển của phong trào đấu tranh nữ quyền phương Tây, chủ nghĩa nữ quyền trên thế giới trải qua ba làn sóng đấu tranh. Làn sóng thứ nhất của chủ nghĩa nữ quyền được khởi đầu từ nước Anh rồi lan ra các quốc gia phương Tây từ nửa sau thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX. Đại diện của giai đoạn này chính là Mari Wollstonerast được ví như người mẹ đẻ của chủ nghĩa nữ quyền với cuốn “Bản chứng minh các quyền của phụ nữ” (A Vindication of the Rights of Woman, 1792), bà cho rằng phụ nữ không phải tự nhiên thấp kém so với đàn ông, mà chỉ do họ thiếu đi sự giáo dục. Theo bà, cả đàn ông và phụ nữ phải được đối xử bình đẳng và mường tượng về một trật tự xã hội dựa trên nguyên lý đó. Người thứ hai là Viginia Woolf, nhà nữ quyền học đầu tiên của phương Tây sáng lập ra bộ môn phê bình văn học cho nữ giới - với tác phẩm “Một căn phòng riêng” (A Rom of One‟s Own, 1929) được coi như “sách vỡ lòng” của phê bình nữ quyền, với những khái niệm mở về đàn bà và tinh thần dung hòa cả hai mối. Bà khẳng định những nhà văn nữ đáng được đứng ngang hàng với các nhà văn nam.
Làn sóng thứ hai của chủ nghĩa nữ quyền bắt đầu sôi nổi ở Tây Âu và Bắc Mỹ từ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai và phát triển lên cao trào trong thập niên 60 của thế kỉ XX. Gương mặt tiêu biểu nhất của giai đoạn này là Simone de Beauvoir, người được xem là nhà lý luận tiên phong của chủ nghĩa nữ quyền Pháp với tác phẩm “Giới thứ hai” (The second Sex, 1949). Trong tác phẩm này, bà đã có một tuyên ngôn làm nghiêng ngả tri thức nhân loại: “Người ta sinh ra không phải là đàn bà, mà trở thành đàn bà”. Đây là sự khu biệt giữa tính hữu sinh và sinh thành, giữa hiện thể và sự chuyển biến, giữa giống và phái. “Trở thành” là kết quả của quá trình giáo huấn từ phía gia đình, xã hội, đạo đức, văn hóa... mà người phụ nữ được/ bị tiếp thu khi tham gia vào cuộc đời. “Trở thành” còn được hiểu là sự
phụ thuộc của người phụ nữ vào đàn ông. Như thế, người phụ nữ luôn ở trong trạng thái bị động. Qua lý luận của mình, Beauvoir khẳng định: Phụ nữ có khả năng lựa chọn như nam giới và vì thế có thể lựa chọn nâng cao vị thế của mình. Bà chỉ ra rằng phụ nữ cần phải giải phóng mình và phục hồi cái tôi của mình, trước hết bằng cách cho phép mình vượt lên bằng những hướng đi tự do, tự hào về bản thân mình trong suy nghĩ, trong sáng tạo, trong hành động giống như nam giới. Bà cũng đặt ra những đòi hỏi đối với xã hội trong mục tiêu hướng tới bình đẳng nam nữ. Theo bà, muốn đạt được mục tiêu đó thì các cấu trúc xã hội như luật pháp, giáo dục, phong tục... cần phải được điều chỉnh. “Giới thứ hai” có thể hiểu là một cách nhìn thứ hai về thế giới - cách nhìn trên sự bình đẳng, độc lập trong thế giới quan, nhân sinh quan của người phụ nữ. Tác phẩm được đánh giá là một bản tuyên ngôn nữ quyền và từng bị Vatican liệt vào danh sách những cuốn sách bị cấm còn tác giả của nó Beauvoir được tôn là mẹ đẻ của phong trào đòi nam nữ bình quyền hậu 1968.
Làn sóng nữ quyền thứ ba của chủ nghĩa nữ quyền ứng với những năm 1980, 1990. Làn sóng này không ồn ào mà lắng xuống bề sâu với những thành tựu to lớn về tư tưởng, triết học và văn hóa. Đại diện cho làn sóng thứ ba này phải kể đến tên tuổi của Doris Lesing với tác phẩm “Cuốn sổ tay vàng” (The Golden Notebook, 1962). Tiểu thuyết này cũng được coi là tuyên ngôn về nữ quyền khi đào sâu vào thế giới suy tư, xúc cảm của người phụ nữ một cách tường tận, chân thực, mạnh bạo ở hầu khắp các phương diện của đời sống, đặc biệt là ở ba khía cạnh: tình dục, làm mẹ, những góc nhìn về thế giới đàn ông.
Làm nên sự phát triển của tư tưởng nữ quyền thời kì này, chúng ta không thể không nhắc đến gương mặt tiêu biểu trong phong trào phụ nữ cuối thế kỉ XX - Antoinette Fouque, với tác phẩm “Có hai giới tính: lý luận về khoa học phụ nữ” (1989-1995) nói về những điều kiện của phụ nữ và vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Cuốn sách không nhằm đến sự xóa nhòa ranh giới, khẳng định mạnh mẽ sự khác biệt về giới tính. Bà cho rằng người ta có thể đạt đến sự bình đẳng trên cơ sở hiểu được những khác biệt của phụ nữ so với đàn ông. Bà khẳng định: “Nhân loại gồm hai giới phân biệt trong đó một giới bị lãng quên”, và “Coi người phụ nữ là một
người đàn ông là đã làm khô cằn người phụ nữ, làm nghèo đi một phần của nhân loại”. Bà đặc biệt nhấn mạnh đến tính từ “cái” (femelle) để bày tỏ quan điểm tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ những thiên chức đặc biệt mà người đàn ông không thể nào có, trong đó có thiên chức làm mẹ. Qua đó, bà lên án mạnh mẽ thuyết Phân tâm học của Frued khi ông cho rằng phụ nữ chỉ là một người đàn ông không hoàn chỉnh và tôn thờ dương vật như là biểu tượng của mọi sức mạnh.
Người đại diện thứ hai của chủ nghĩa hậu nữ quyền đó là Luce Irigaray. Bà phản bác lại lí thuyết Phân tâm học của Frued và cho rằng Phân tâm học là chế độ phụ quyền, là chủ nghĩa duy dương vật. Nó không nhận thức được dục vọng của phụ nữ hay nữ giới có thể phát huy tác dụng như thế nào. Đồng thời, bà cũng phê phán lí thuyết Phân tâm học của Lacan khi cho rằng “cơ thể đàn bà chỉ được coi như một hố đen”, và yêu cầu cần phải nhìn thấy điều đặc biệt ở nữ giới. Và mặc dù tiếp thu có chọn lọc những ý tưởng của Beauvoir về giải phóng phụ nữ nhưng Irigaray đi đến kết luận ngược lại với Beauvoir. Bà cho rằng: giải pháp cho vấn đề nữ quyền không phải là đồng hóa mà là dị biệt. Và bà nhấn mạnh phụ nữ cần phải tích cực hoạt động để khẳng định đặc trưng của nữ giới chứ không đơn giải là bị giản lược, đồng hóa vào tính chủ thể nam giới.
Các nhà nữ quyền thuộc “thế hệ thứ ba” lại xây dựng lí thuyết phê bình nữ quyền từ quan điểm cho rằng vấn đề giới tính thực chất là vấn đề thể hiện, một hệ thống biểu trưng hay một hệ thống ý nghĩa nào đó nối liền giữa các giống với những nội dung văn hóa tương ứng. Julia Kristeva quan tâm đến vấn đề chủ thể lời nói. Dựa vào sự phân biệt hai thuật ngữ của mình là “kí hiệu” và “biểu tượng”, bà đã thiết lập lại sự phân biệt hai khái niệm tưởng tượng và tượng trưng của Lacan: dùng kí hiệu mang ý nghĩa nữ giới làm kẻ phá vỡ biểu tượng phụ quyền và quyền lực sáng tạo. Barbra Johnson xem “vấn đề giới tính thực chất là vấn đề ngôn ngữ” [156]. Điều này cũng gần với quan điểm của M. Foucault khi cho rằng: “Chân lí được quyết định bởi ai khống chế được ngôn ngữ, thì quyền khống chế ngôn ngữ của nam giới đã dụ dỗ nữ giới phải mắc vào tròng chân lí của họ” [125; 186].
Trở lên là những vấn đề cơ bản của nữ quyền và lí thuyết phê bình nữ quyền trên thế giới. Sau hơn nửa thế kỉ ra đời và phát triển, tinh thần nữ quyền phương Tây cùng với lí thuyết phê bình này đã xuất hiện và ảnh hưởng tốt đến đời sống học thuật ở Việt Nam những năm gần đây.
1.2.1.2. Vấn đề nữ quyền ở Việt Nam
Nằm trong vùng ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã ăn sâu bám rễ trong văn hóa người Việt. Tuy nhiên, sự phân biệt nam
- nữ của người Việt bớt nặng nề hơn một số nước trong khu vực. Người phụ nữ Việt Nam được nền văn hóa gốc nông nghiệp bảo lưu bằng những tín ngưỡng dân gian, cụ thể là tín ngưỡng thờ Mẫu. Bởi lẽ “người nông dân bao giờ cũng biện lí từ cái nhìn cụ thể, mà cái cụ thể về sự sinh tồn nảy nở không gì khác ngoài việc người mẹ mang nặng đẻ đau sinh ra, nuôi dưỡng nên những đứa con và những cái gì nuôi sống, che chở bảo vệ cho con người chiến thắng thiên tai và thú dữ ấy đều được coi là mẹ”. Công lao của người mẹ vẫn được dân gian đề cao bằng những truyền thuyết về người anh hùng sinh ra bằng cách “thụ thai thần kì” của người mẹ, vai trò của người bố ở đây hoàn toàn mờ nhạt. Đó là trường hợp của Thánh Gióng, của Đinh Bộ Lĩnh... Cũng trong tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ lên đồng là một hình thức diễn xướng mà ở đó, người phụ nữ vốn bị áp bức, đè nén bởi chế độ nam quyền trong thực tế. Nhưng một khi, người phụ nữ ấy bắc ghế hầu thánh sẽ trở thành một con người khác. Họ được đề cao bằng khả năng phán truyền, ban tài ban lộc cho những người xung quanh kể cả những người đàn ông. Hình tượng Mẫu Liễu Hạnh ra đời vào thế kỉ XVI, đã được Đoàn Thị Điểm văn bản hóa trong “Truyền kỳ tân phả” chính là biểu trưng cho khát vọng được giải phóng của người phụ nữ khỏi những luật tục khắt khe của chế độ Nho giáo nam quyền. Hoặc như một trường hợp khác, trong những lễ hội dân gian mà ngày nay ít nhiều chúng ta vẫn còn thấy ở đám rước, đi đầu bao giờ cũng có “con đĩ đánh bồng” do hai chàng trai ăn vận giống phụ nữ như độn ngực, mặc áo váy và chít khăn mỏ quạ như nữ giới. Hai nhân vật này đi lại và thực hiện những cử chỉ để thu hút sự chú ý của người xem và gây cười. Theo chúng tôi, bản chất của hiện tượng này là sự đề cao người phụ nữ và giễu nhại nam
quyền bằng việc đánh ngược nội dung và bản chất để tạo nên không khí cacnavan. Mà theo nhà mĩ học người Nga M. B. Bakhtin, đó là hiện tượng giải tỏa những cấm kị vốn được xem là nghiêm túc trong cuộc sống thường nhật. Tuy nhiên, việc đề cao người phụ nữ ở đây mới chỉ nằm trong đời sống tinh thần.
Trong lĩnh vực pháp luật, địa vị và quyền lợi của người phụ nữ Việt Nam chỉ thực sự được bắt đầu từ Hiến pháp năm 1946: “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9). Từ đó, bình đẳng nam nữ là một trong những nguyên tắc hiến định xuyên suốt trong tất cả các Hiến pháp về sau: Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 (được sửa đổi bổ sung năm 2001, 2013) của Việt Nam. Điều này cho thấy, việc tôn trọng và đảm bảo quyền lợi của người phụ nữ không chỉ thuộc phạm trù giáo dục đạo đức mà còn là vấn đề được chú trọng trong lĩnh vực giáo dục pháp luật và nhiều lĩnh vực khác.
Trong lĩnh vực văn học, trước khi có sự du nhập của chủ nghĩa nữ quyền phương Tây, ý thức nữ quyền trong văn hóa đã ngấm vào mạch ngầm của văn học dân tộc. Tuy nhiên, do sự phát triển của ý thức xã hội mà ở nền văn học trung đại ý thức nữ quyền mới chỉ dừng lại ở những hiện tượng văn học đơn lẻ, mang tính tự phát. Từ năm 1945 trở về trước được xem như giai đoạn tiền đề cho tư tưởng nữ quyền. Cho đến những thập niên đầu thế kỉ XX ý thức đề cao nữ giới mới được dấy lên bởi những bàn luận của Phan Khôi, Manh Manh nữ sĩ, Đạm Phương nữ sĩ và những hoạt động xã hội và văn học của Nữ lưu thơ quán do Phan Thị Bạch Vân làm chủ bút. Đúng như nhận định của Hồ Khánh Vân “Tất cả đều bộc lộ quan điểm và tìm tòi về các vấn đề nữ quyền, nhằm trao đổi, tranh luận với nhau. Thế nhưng, phải thấy rằng, tư tưởng nữ quyền đầu thế kỷ XX tập trung vào phương diện xã hội nhiều hơn. Trong lĩnh vực phê bình và nghiên cứu văn học, các bài viết này chỉ dừng lại ở việc khảo sát một số tác phẩm để tìm ra tư tưởng nữ quyền. Vì vậy, về mặt lý luận, phê bình nữ quyền Việt Nam thời kỳ này còn ở dạng sơ khai, phác thảo và có tính xã hội nhiều hơn” [322].
Do hoàn cảnh chiến tranh nên mãi đến những năm sau 1975, đặc biệt là sau 1986, ý thức nữ quyền mới tiếp tục xuất hiện trở lại trong đời sống văn học nước ta.