Ý Thức Về Quyền Sống Của Người Phụ Nữ

bản sắc riêng, không khuôn sáo, gò ép, đẹp cả ý và lời, thường kết hợp nhuần nhuyễn giữa vẻ đẹp cảnh vật với những chi tiết chân thực của đời sống và có cái nhìn nhân ái trước cuộc đời và con người. Đặc biệt bà đã đưa hình ảnh người phụ nữ vào sáng tác của mình như một đối tượng thẩm mĩ của thế giới nghệ thuật. Mặc dù người phụ nữ trong thơ Ngô Chi Lan vẫn tồn tại trong quan niệm “tam tòng tứ đức”, họ vẫn khép mình trong chốn khuê môn như một chuẩn mực của giới mình nhưng dung mạo của họ đã ít nhiều được khẳng định. Trong chùm thơ vịnh bốn mùa xuân - hạ - thu - đông, hình ảnh “mỹ nhân” xuất hiện hai lần: “Giai nhân nhà đả thu thiên viện” (Gió rung hoa lựu tơi bời/ Trên đu tha thướt dáng người mỹ nhân - Hạ từ - Trúc Khê dịch) [133; 18]; “Mĩ nhân kim trướng yểm hư lô/ Chỉ hộ vân song phiến phiến hồ” (Mỹ nhân trướng gấm rủ thao/ Cửa hồ phất giấy song cao vắng người - Đông từ - Trúc Khê dịch thơ) [146; 20].

Nhưng nổi bật hơn cả là hình tượng người phụ nữ trong hai bài “Thái liên khúc”. Cô gái đi hái sen trong thơ Ngô Chi Lan là hình bóng của người con gái hiền thục trong bài “Quan thư” (Kinh Thi). Đó là nét dịu dàng của mái tóc xanh, của “miệng hoa chúm chím”, “nước da băng tuyết”… Nhìn chung, hình ảnh người phụ nữ ở đây mới được nhìn nhận trong cảm hứng ngâm vịnh. Vẻ đẹp của người phụ nữ trong thơ Ngô Chi Lan được diễn tả bằng bút pháp ước lệ. Đây là một đặc điểm thi pháp đặc thù của văn học trung đại Việt Nam. Hình ảnh người phụ nữ hiện lên là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp hình thức và vẻ đẹp tâm hồn, là hiện thân của cái đẹp: đẹp người và đẹp nết.

Vào giai đoạn thế kỉ XVIII đến nửa đầu thế kỉ XIX, thơ nữ mới phát triển trở lại trong trào lưu nhân đạo chủ nghĩa. Trong trào lưu văn học này, lần đầu tiên hình ảnh người phụ nữ được đề cập đến một cách phổ biến trong nhiều tác phẩm của nhiều tác giả. Đây cũng là giai đoạn đánh dấu sự bừng nở của thơ nữ Việt Nam thời trung đại. Hình ảnh người phụ nữ giai đoạn này vẫn nằm trong dòng chảy quan niệm Việt Nam mang tính truyền thống về phái đẹp. Tuy nhiên, vẻ đẹp của họ ở giai đoạn này thường được gắn thêm những phẩm chất không thể thiếu, đó là tài (cầm, kỳ, thi, họa) và vẻ đẹp tâm hồn. Nhưng nếu dừng ở đấy thì chẳng có gì đáng

bàn. Điều làm nên sự khác biệt của thơ nữ thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX chính là ở ngòi bút tái hiện vẻ đẹp của người phụ nữ mà sáng tác của Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) là hai trường hợp tiêu biểu.

Hồ Xuân Hương được mệnh danh là người phụ nữ “nổi loạn” thời trung đại. Bà đã có cái nhìn mới về vẻ đẹp người phụ nữ, đứng ở vị trí là người phát ngôn cho vẻ đẹp của giới mình. Người phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương không phải là những cô gái quý tộc hay có xuất thân chốn khuê môn, thuộc đẳng cấp trên trong xã hội mà là những cô gái bình dân. Bà tìm thấy vẻ đẹp chân thực, sống động của họ, nêu bật vẻ đẹp bên trong, vẻ đẹp tâm hồn của họ: “Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn/ Mà em vẫn giữ tấm lòng son” (Bánh trôi nước). Còn “Thiếu nữ ngủ ngày” là vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ lại được bà tiếp cận từ những “hoài niệm về phồn thực” (từ dùng của Đỗ Lai Thúy). Nghĩa là bà chúa thơ Nôm không tiếp cận và miêu tả vẻ đẹp người phụ nữ qua lăng kính của Nho giáo mà bằng chính sự cảm nhận của một người phụ nữ, bằng quan điểm của người bình dân. Vì thế, vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ hiện lên chân thực và đẹp đến ngỡ ngàng: “Lược trúc biếng cài trên mái tóc/ Yếm đào trễ xuống dưới nương long/ Ðôi gò bồng đảo sương còn ngậm/ Một lạch đào nguyên suối chửa thông” (Thiếu nữ ngủ ngày). Những cảnh miêu tả dung nhan, ngoại hình thân thể người phụ nữ xuất hiện nhiều trong truyện Nôm giai đoạn này như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Hoa tiên” (Nguyễn Huy Tự), “Tây Sương truyện” (Lý Văn Phức)… Nhưng các tác giả chỉ miêu tả thoáng qua hay dùng những mĩ từ chung chung. Riêng Hồ Xuân Hương lại công khai ca ngợi và khẳng định vẻ đẹp thân thể của người phụ nữ bằng cách miêu tả cụ thể đến từng chi tiết, mà chi tiết nào cũng ấn tượng. Bà chú ý đến những bộ phận thân thể thường được giấu kín của con người - những bộ phận đó văn học thời đại thường né tránh. “Thiếu nữ ngủ ngày” trở thành biểu tượng cho sự thanh tân, trinh trắng và ngây thơ, là sự hồn nhiên trọn vẹn của người con gái “ngủ quên” trên những ràng buộc của xã hội.

2.1.2. Ý thức về quyền sống của người phụ nữ

Trong bối cảnh xã hội nam quyền theo Tống Nho, người phụ nữ luôn được khuyến khích cam chịu thân phận, an phận thủ thường. Việc người phụ nữ ý thức về quyền sống của mình trong xã hội phong kiến chính là sự thức tỉnh về tình trạng tồn tại của mình. Những tiếng nói khác nhau trong thơ nữ trung đại đã cụ thể hóa thân phận người phụ nữ và nhu cầu khẳng định chính mình.

Khát vọng hạnh phúc là một trong những nội dung được các nữ thi sĩ nói nhiều đến trong các sáng tác của mình. Đọc “Chinh phụ ngâm khúc” (bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm), bên cạnh việc lên án chiến tranh phong kiến phi nghĩa, người đọc còn bắt gặp ở đó tâm trạng cô đơn vời vợi cùng nỗi xót xa tủi hờn cùng những nỗi niềm chất ngất của người vợ trẻ có chồng đi chiến trận. Và đặc biệt nổi lên trên tất thảy chính là niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi của người phụ nữ. Triền miên trong khúc ngâm này là nỗi nhớ thương người chồng nơi biên ải. Từ ngày chồng ra đi vì mộng công hầu, nàng cô đơn, lẻ loi nơi chốn khuê phòng. Trong gian phòng ấy chất chứa bao vật tin, bao kỉ niệm ái ân còn nguyên vẹn như ngày nào. Cảnh cũ nhưng người thì khuất bóng, kẻ ra đi muôn ngàn xót xa, người ở lại như muôn ngàn muối xát. Càng xa càng nhớ, càng xa cách thì càng khao khát hạnh phúc, khao khát gắn bó yêu đương lại càng trở nên mãnh liệt và da diết. Người chinh phụ ý thức được hạnh phúc lứa đôi là khi còn tuổi trẻ, là ngay bây giờ, là hiện tại chứ không phải ảo tưởng vào chữ tình “muôn kiếp” siêu hình nào đó . Với nàng “Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau”. Bởi vậy mà khi phải một mình ở lại nơi “buồng cũ chiếu chăn”, ngày ngày đối diện với biết bao là kỉ niệm đã từng gắn bó giữa hai người, người chinh phụ đã cảm nhận rất rò “mối sầu nghìn vạn” của sự xa cách đó. Càng cách trở thì khao khát được gần kề lại càng trở nên tha thiết : “Ước gì gần gũi tấc gang”. Cùng với nỗi nhớ là sự khắc khoải của người phụ nữ phải chứng kiến tuổi xuân của mình từng ngày từng giờ héo tàn theo thời gian chờ đợi. Nỗi cô đơn gặm nhấm người vợ trẻ khiến người chinh phụ không khỏi lo lắng cho sự tàn tạ của mình: “Nghĩ mệnh bạc tiếc niên hoa/ Gái tơ mấy chốc mà ra nạ dòng”. Chinh phụ ngâm là nơi diễn tả sâu sắc tâm hồn người chinh phụ, nó gói trọn

những tâm tư, tình cảm của người phụ nữ có chồng đi chiến trận. Nó thể hiện ý thức của người phụ nữ về bản thân, về hạnh phúc lứa đôi và cả về tuổi trẻ của mình. Với họ, chiến tranh đã tạo ranh giới cách chia giữa họ với người họ yêu thương, nó khiến họ phải sống cô độc, phải trải qua những ngày vô nghĩa. Cho nên đến đây, khát vọng hạnh phúc lứa đôi của người chinh phụ còn là lời oán trách cuộc chiến tranh phong kiến phi nghĩa đã đẩy họ đến những cảnh ngộ éo le trong đời sống hạnh phúc vợ chồng. Từ nguyên tác chữ Hán, “Chinh phụ ngâm khúc” đã trở thành “tầm đón đợi” để Đoàn Thị Điểm lấp đầy những khoảng trống văn chương bằng chính sự đồng cảm của một người phụ nữ, của một người trong cuộc. Những vĩ thanh này còn xuất hiện trong tập “Truyền kỳ tân phả” của bà với truyện “Người liệt nữ ở An Ấp” khi bà đi vào phơi bày những mặt trái của con đường công danh mà những người đàn ông đang theo đuổi.

Người phụ nữ không chỉ bị tước đoạt hạnh phúc bởi những hoàn cảnh khách quan do xã hội đưa đến mà họ còn bị mất đi hạnh phúc của mình do những biến cố ngẫu nhiên, bất ngờ trong cuộc sống. “Ai tư vãn” của Lê Ngọc Hân lại là một khúc thơ tuyệt tác nói về nỗi cô đơn trống vắng mà người vợ phải đeo mang khi người chồng đột ngột từ trần, là nỗi đau khổ tột cùng của người vợ khi ước vọng về hạnh phúc bỗng chốc sụp đổ. Toàn khúc ngâm là nỗi đau thấu trời của người vợ trẻ gửi đến người chồng. “Ai tư vãn” là dòng huyết lệ của nỗi buồn đau tưởng nhớ, là tiếng khóc thành thơ, là tâm trạng buồn đau khôn xiết đã mượn được cấu trúc âm điệu sẵn có của thể song thất lục bát mà cất lên lời. Qua tiếng khóc đó, người đọc thấy được cả tiếng than cho tuổi xuân của mình cũng như nỗi cô đơn vời vợi mà người vợ trẻ Ngọc Hân sớm phải gánh chịu: “Buồn thay nhẽ! Xuân về hoa nở/ Mối sầu riêng ai gỡ cho xong”. Quang Trung mất, Với riêng Ngọc Hân, đó là cả một sự hẫng hụt, thiếu vắng, một nỗi bàng hoàng, đau đớn, Bắc Cung Hoàng Hậu từ đây thui thủi một mình, lạnh lẽo nơi cô phòng trong cảnh mẹ góa con côi: “Nửa cung gẫy, phiếm cầm lành/ Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ”; héo mòn trong nỗi đau góa bụa: “Gió hiu hắt phòng tiêu lạnh lẽo/ Trước thềm lan hoa héo don don”. Cũng từ đây nàng phải đối mặt với sự trống trải trước cuộc đời rộng lớn và những bất trắc của đời sống cung

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.

đình: “Còi tiên khơi thẳm biết đường nào đi". Lê Ngọc Hân đã gửi cho chúng ta tiếng khóc than của một người vợ trước sự ra đi vĩnh viễn của người chồng, tiếng than của người phụ nữ trước sự trớ trêu của hoàn cảnh đời mình. Nỗi đau được thể hiện rất đời, rất phụ nữ của tác giả đã làm nên một sự lan truyền đặc biệt trong cảm xúc của người đọc.

Đọc thơ Hồ Xuân Hương, có thể nhận thấy, khao khát mãnh liệt nhất, nỗi ám ảnh lớn nhất đối với thi sĩ là hạnh phúc lứa đôi. Cái tôi trữ tình vì thế mà không ngừng muốn mở rộng những giới hạn chật hẹp, tìm gặp những tâm hồn đồng điệu nhằm khoả lấp nỗi sầu đau cô lẻ. Mạch cảm xúc đó từ lâu đã trở thành điệu hồn nổi bật trong kiến trúc ngôn từ tài hoa của nữ thi sĩ. Người phụ nữ ấy đã rất nhiều lần mạnh mẽ bày tỏ, mời gọi tình yêu (Mời trầu, Quả mít, Vịnh con ốc). Nhưng cái vòng quanh quẩn của duyên phận hẩm hiu cứ không ngừng theo đuổi cuộc đời bà, khiến cho người phụ nữ ấy nhiều lần phải ngậm ngùi với “chén rượu hương đưa say lại tỉnh”, để rồi trở về với thực tại, lại thấm thía cảnh ngộ bơ vơ và thất vọng vì tuổi xuân thì mỗi ngày một qua mà hạnh phúc vẫn vượt quá tầm tay với. Nỗi ngán ngẩm vì duyên phận bẽ bàng của thân phận “bảy nổi ba chìm với nước non” gộp lại với nỗi ngán ngẩm vì tuổi xuân mỗi ngày một tàn phai đã mang đến cho tác giả nỗi cô đơn đến tuyệt vọng: “Trơ cái hồng nhan với nước non” (Tự tình I). Tuy nhiên, hơn ai hết, nữ sĩ luôn gắng gượng vươn lên. Người đọc ít thấy Xuân Hương quy phục số phận. Ý thức phản kháng, thái độ đấu tranh cho quyền sống, quyền hạnh phúc của con người thường đi liền với khao khát trần thế. Trong bài thơ Làm lẽ, ta thấy Xuân Hương “cố đấm ăn xôi” và “cầm bằng làm mướn”, nhưng không bao giờ thi sĩ tự khép lại những ngả rẽ trong cuộc đời có thể đem đến cho mình một hạnh phúc trọn vẹn .Qua thơ Hồ Xuân Hương, người đọc còn nhận thấy sự bất hạnh của người phụ nữ chính là vì họ sinh ra là kiếp đàn bà. Hạnh phúc gia đình của người phụ nữ không được trọn vẹn bởi chế độ đa thê phổ biến trong xã hội nam quyền thời đó (Làm lẽ). Và, không chỉ phơi bày hiện trạng xã hội, tình cảnh sống của người phụ nữ, Hồ Xuân Hương còn “ngạo mạn” đấu tranh cho sự bình đẳng trong quyền làm vợ của người phụ nữ.

Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 7

Nếu Hồ Xuân Hương là một cá tính mạnh mẽ, gai góc trong nhu cầu khẳng định tiếng nói nữ quyền thì bà Huyện Thanh Quan có phần ngược lại. Ý thức nữ quyền trong thơ Bà Huyện Thanh Quan mang âm hưởng nhu mì, dịu dàng. Thậm chí, những suy tư, trăn trở ấy còn mang màu sắc nữ tính, mực thước thấm đẫm màu sắc Đường thi. Đó là cảm giác cô đơn rợn ngợp của người phụ nữ trước thiên nhiên hùng vĩ đèo Ngang (Qua đèo Ngang). Hay có khi lại là một nỗi buồn trước cảnh vật đổi sao dời, tiếc thương cho một Thăng Long điêu tàn hoang phế: “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” (Thăng Long thành hoài cổ). Nhưng có lẽ nổi bật hơn cả trong cảm hứng thơ Bà Huyện Thanh Quan là khát khao về một hạnh phúc gia đình sum vầy đầm ấm. Có thể nói, gia đình trở thành một nhu cầu tâm lí của nhân vật trữ tình trong thơ của bà. Gia đình trở thành nỗi nhớ nhung sầu muộn của thân nữ dặm trường: “Thương nhà mỏi miệng cái gia gia” (Qua đèo Ngang). Đó là tiếng vọng từ sâu thẳm tâm hồn của một người phụ nữ vốn đã yếu đuối lại trở thành cô lẻ trước thiên nhiên đất trời, trước khoảng cách địa lí xa vời. Nhiều khi gia đình không chỉ hiện hữu qua nỗi nhớ mà còn trở thành một nhu cầu, một đòi hỏi cấp thiết: “Kẻ chốn Chương Đài người lữ thứ/ Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn?” (Chiều hôm nhớ nhà). Tình cảm gia đình còn ẩn giấu một cảm giác xác thịt nhưng được diễn đạt rất tế nhị và đằm thắm. Không chỉ nhớ đến gia đình mà đi cùng với đó là cảm giác rạo rực, sôi nổi vọng về từ một bản nguyên nữ. Các nam tử Hán thời trung đại thường hăm hở trên bước đường công danh để “vinh thân phì gia”, nhưng với Bà Huyện Thanh Quan thì ngược lại. Người phụ nữ đi trên con đường vào Kinh nhậm chức nhưng xem ra không được vui cho lắm, dễ hiểu vì họ không phải nam giới. Và cũng không phải là nam giới nên nhu cầu của họ cũng khác. Người phụ nữ thẳng thắn và thành thật tỏ bày tâm tư của mình: “Lòng quê một bước nhường ngao ngán/ Mấy kẻ tình chung có thấu là?” (Chiều hôm nhớ nhà). Thứ người phụ nữ cần là sự san sẻ tình cảm, là sự thấu hiểu từ phía người đàn ông, “kẻ tình chung”. Đó là tiếng nói nồng nàn, say đắm của một người phụ nữ đẹp cả về tâm hồn lẫn ngoại hình đằm thắm: “Một tòa sen tỏa mùi hương ngự/ Năm thức mây phong nếp áo chầu” (Chùa Trấn Bắc). Nỗi nhớ và sự cô đơn tràn ngập

còn khát vọng hòa hợp thì thiếu vắng. Đó là cảm giác vừa thiếu vừa thừa trong tâm lí người phụ nữ trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Và đúng như nhà nghiên cứu Đặng Tiến đã chỉ ra: “Nữ tính (trong thơ Bà Huyện Thanh Quan) dồi dào đến nỗi từ tình cảm đến cảm giác, đến ngôn ngữ, nhạc điệu trong thơ bà, đều là một thứ da thịt quyến rũ” [230; 119].

Xét trên quan điểm của chủ nghĩa nữ quyền, những khao khát về hạnh phúc gia đình là một chủ đề thể hiện sự khẳng định quyền sống của người phụ nữ. Song hạnh phúc của họ dường như là một điều quá xa vời. Phút giây đoàn tụ chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi. Sau đó, có người thì phải chia xa người chồng của mình vì hoàn cảnh chiến tranh như người chinh phụ trong “Chinh phụ ngâm”, hay bị đứt gánh hạnh phúc như công chúa Ngọc Hân trong “Ai tư vãn”, hoặc là cuộc tình duyên ngắn ngủi của Hồ Xuân Hương với ông Phủ Vĩnh Tường (Khóc ông Phủ Vĩnh Tường). Người thì phải tiễn chồng ra chốn xa trường, người thì tình duyên lỡ dở, long đong… Bởi vậy, những sáng tác nói về khát vọng tình yêu và hạnh phúc lứa đôi thời kỳ này bên cạnh việc thể hiện sự tự ý thức trong đời sống riêng nó còn là một bức tranh tương đối đầy đủ về số phận bi kịch của người phụ nữ trong xã hội xưa. Tuy nhiên, dòi theo các sáng tác của các nhà thơ nữ giai đoạn này có thể thấy, khát vọng tình yêu và hạnh phúc của người phụ nữ đã không còn chung chung siêu hình mà nó gắn với những cảm xúc đời thường nhất trong cuộc sống ân ái vợ chồng. Theo chúng tôi, đây chính là một trong những nguyên nhân làm xuất hiện cảm quan tính dục trong thơ của các nhà thơ nữ giai đoạn này.

Cảm quan tính dục là một đặc điểm không thể bỏ qua khi nhìn thơ nữ trung đại dưới cái nhìn nữ quyền luận. Đời sống bản năng trở thành thế mạnh để người phụ nữ khẳng định quyền sống cũng như thế mạnh của mình khi sáng tạo văn chương. Việc đề cập đến đời sống bản năng tính dục trong xã hội phong kiến vốn được xem là sự xâm phạm vùng cấm địa của văn học “tải đạo”, “ngôn chí”. Ở thế kỷ XVI, Nguyễn Dữ cũng đã đề cập đến đời sống tình dục của con người qua những câu chuyện kể về tình yêu nam nữ trong “Truyền kỳ mạn lục”. Tuy nhiên, yếu tố tình dục lại được nhìn nhận bằng thái độ phê phán của một nhà nho. Nguyễn

Dữ xem tình yêu và tính dục là nguyên nhân gây ra sự khủng hoảng của xã hội phong kiến, là tác nhân làm cho người thanh niên “bỏ nết cương thường theo đường tà dục”, rời xa học hành để chìm đắm vào yêu đương và cái kết là những đấng “quân tử” đều bị yêu nữ hãm hại. Nhưng với người phụ nữ, họ lại nhìn tình dục trong sự cảm nhận của vẻ đẹp thân xác, của kiểu tư duy hiện sinh “tôi tồn tại cho tôi”. Điểm qua các sáng tác thơ nữ trung đại, chúng tôi nhận thấy đời sống bản năng của người phụ nữ được thể hiện nổi bật qua “Chinh phụ ngâm khúc” (bản dịch Nôm của Đoàn Thị Điểm) và trong nhóm thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương

Qua cảm nhận của Đoàn Thị Điểm, đời sống bản năng của người chinh phụ là những ước ao thầm kín. Những khát vọng ấy không được phát ngôn công khai mà chỉ ẩn hiện trong dòng ý thức của người chinh phụ. Nói khác đi, khát khao ham muốn trong đời sống vợ chồng của người đàn bà có chồng chinh chiến ngoài biên ải chỉ được hiện hữu dưới hình thức độc thoại nội tâm kéo dài. Người phụ nữ phải tồn tại trong không gian “phòng tiêu” quạnh quẽ “Chàng thì đi còi xa mưa gió/ Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn”. Trong không gian ấy, người phụ nữ cảm thấy hụt hẫng và lạnh lẽo. Tình yêu và nỗi nhớ trở thành nỗi ám ảnh của con người. Càng cô đơn bao nhiêu thì sự thiếu vắng đời sống vợ chồng càng trở nên bức thiết bởi sự đe dọa của thời gian và sự hiểm nguy nơi trận mạc. Thời gian khiến vẻ đẹp xuân thì của người chinh phụ bị hủy hoại. Sự hiểm nguy lại đe dọa đến sự an nguy của người chồng nơi biên ải khiến cuộc đoàn viên ở tương lai trở nên bất định. Những hình ảnh thiên nhiên gợi đến sư giao hòa âm dương, nam nữ ngẫu nhiên trở thành nguyên nhân kích động những khát khao đang thiêu đốt tâm can người đàn bà trẻ: “Hoa dãi nguyệt nguyệt in một tấm/ Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông/ Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng/ Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau”. Người đàn bà ấy chỉ còn cách giải tỏa khát khao, tình yêu và nỗi sầu muộn bằng cách sống trong giấc mơ, trong ảo tưởng. Đến đây, chinh phụ đã trở thành người phụ nữ đầu tiên dám thể hiện khát vọng cá nhân của mình trong đời sống ân ái vợ chồng và đứng lên đòi hỏi những gì chính đáng mà mình được hưởng. Nàng không còn là một con người bổn phận thường thấy mà thực sự là con người tự nhiên, có ý

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022