Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 4

và ước muốn cá nhân. Nhưng ẩn đằng sau tất cả cái mạnh mẽ dữ dội ấy là ý thức sâu xa về thân phận, về những nỗi bất hạnh muôn đời của kiếp phụ nữ từng có trong thơ xưa” [151; 105]. Nhận định này của nhà nghiên cứu Lê Lưu Oanh đã chỉ ra đức tính truyền thống của người phụ nữ vẫn còn “được bảo lưu” trong thơ ca hiện đại. Hơn thế, số phận của người phụ nữ vẫn phải nhẫn nhịn, chịu đựng theo tính cách phụ nữ truyền thống. Thơ ca giai đoạn này đã nhìn ra nỗi khổ của người phụ nữ nhưng chưa ý thức được một cách sâu sắc về vị trí của mình trong cuộc đời. Có chăng vẫn là tiếng than “sinh ra làm kiếp đàn bà!”.

Nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa, văn học Inrasara trong bài viết “Thơ Việt Nam đương đại các khuynh hướng sáng tác” chỉ ra 5 dòng chính là: (1) Thơ cổ truyền, (2) Thơ tân hình thức, (3) Thơ nữ quyền luận, (4) Thơ thị giác và (5) Thơ hậu hiện đại. Ở đây chúng tôi có chú ý đến dòng thứ 3: Thơ nữ quyền luận. Khi bàn đến dòng thơ này, Inrasara đã có những đánh giá cao đối với sáng tác thơ của Dư Thị Hoàn, Thảo Phương, Lê Khánh Mai, Phạm Thị Ngọc Liên… Và ông có nhận định đáng chú ý: “Khía cạnh nào đó, Phan Huyền Thư và Đinh Thị Như Thúy đã thể hiện được tinh thần nữ quyền hậu hiện đại trong các sáng tác của mình” [75].

Trong bài viết “Cách tân nghệ thuật và thơ trẻ đương đại”, nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ có nhận định: “Lớp trẻ xuất hiện sau 1975, đặc biệt là từ sau năm 1985 chiếm số lượng rất đông đảo, tạo thành một mặt bằng mới, rộng rãi cho sự phát triển của thơ hôm nay. Hơn nửa số thơ đã xuất bản là của các tác giả thuộc thế hệ này. Điểm nổi bật ở các sáng tác của họ là sự đa dạng, trẻ trung, tươi mới và giàu chất trí tuệ…”. Đội ngũ các tác giả nữ góp phần vào quá trình cách tân thơ Việt từ sau 1986 được nhắc đến trong bài viết có thể kể ra như Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga… Sau đó những cây bút đương đại được nhắc đến nhiều nhất có thể kể đến: Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly, Trương Quế Chi…” [199]. Nhà nghiên cứu cũng đồng thời lưu ý: “Dù có thể những tìm tòi, cách tân chưa trở thành xu hướng chủ đạo, chưa dễ tìm được sự đồng thuận trong đánh giá và tiếp nhận của người đọc nhưng vẫn có thể cảm nhận được một nguồn sinh lực mới đang tiềm ẩn trong thơ hiện nay” [199].

Tác giả Trần Hoàng Thiên Kim đã dành nhiều sự qua tâm của mình đến việc nhận chân diện mạo của thơ nữ đương đại. Trong bài viết “Thơ nữ đương đại: khẳng định một cái tôi mới” [91], chị đã xác định đội ngũ tác giả được gọi bằng cụm từ “Thơ nữ trẻ đương đại” là “những tác giả thế hệ 7x, 8x, được sinh ra trong thời bình, chịu ảnh hưởng của nhiều luồng văn học trên thế giới, có những nét phá cách và có nhiều thể nghiệm mới mẻ”. Quan sát sự dịch chuyển trong quan niệm về cái tôi trữ tình trong thơ nữ trẻ chị cho rằng: “Thơ nữ trẻ, với trào lưu “phê bình nữ quyền” ngày càng mạnh mẽ đang có những thay đổi để phù hợp với trào lưu chung của khu vực và thế giới... Họ khẳng định bản thể bằng cách đối thoại sòng phẳng với độc giả, với bạn văn khác giới, nỗ lực để lớp đàn anh, đàn chị công nhận cái mới của mình, hòa vào dòng chảy ồ ạt những thử nghiệm cách tân thơ” [91].

Từ nhận định này, tác giả bài viết đã khẳng định có sự tồn tại của một trào lưu mang âm hưởng nữ quyền trong thơ nữ đương đại cùng những nỗ lực vượt thoát hệ thống thi pháp của thơ ca truyền thống, thơ nữ đương đại bước đầu phác họa một vài nét nét khác biệt về cái “tôi” trong thơ nữ đương đại như sau: “Thơ nữ trẻ đương đại, bên cạnh cái “tôi” mang những nét chung vốn có như lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ngợi ca dân tộc thì còn có một cái “tôi” bản thể khẳng định vai trò của cá nhân trong đời sống xã hội, trong thi ca. Một cái tôi trong mọi ràng buộc, trách nhiệm và toàn bộ biến động của tâm hồn, tình yêu, dục vọng, cả những khổ đau, hạnh phúc nhỏ nhoi, riêng tư” [91].

Nhận định này đã khái quát được sự chuyển biến của cảm hứng trong thơ nữ đương đại: đi từ chủ đề trung tâm đến việc ngoại biên hóa, phân tán chủ đề để đi vào những ngò ngách thế sự đời tư của con người cá nhân hôm nay.

Trong bài “Nhận diện thơ nữ trẻ đương đại”, Trần Hoàng Thiên Kim tiếp tục khẳng định ý thức nữ quyền là một đặc trưng của thế hệ nhà thơ nữ Việt Nam thời kì đổi mới. Chị viết: “Xu hướng thứ hai xuất hiện với lối thơ tự do phóng khoáng, khơi gợi tình yêu và nhục cảm thân xác... Con người trong thơ của những cây bút nữ phá cách này chịu sự chi phối rất mạnh của đời sống cá nhân, coi trọng cuộc sống riêng tư

cũng như bản năng dục vọng. Thơ của họ là tiếng nói mạnh mẽ về giải phóng phụ nữ trong thơ” [91].

Trở lên, các ý kiến đều ít nhiều chỉ ra được một vài đặc trưng của thơ nữ đương đại Việt Nam. Bên cạnh sự ghi nhận những nỗ lực cách tân của các nhà thơ nữ thế hệ 7x, 8x, đa số các bài viết đều bày tỏ sự hi vọng thế hệ nhà thơ này tiếp tục đổi mới mình trên hành trình sáng tạo để đi xa hơn nữa trên con đường lao động nghệ thuật làm đẹp cho cuộc đời.

Bên cạnh đó, một số nhà thơ nữ tiêu biểu, “đình đám” trên thi đàn giai đoạn này như Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Ly Hoàng Ly là những cây bút được giới nghiên cứu, phê bình đặc biệt quan tâm.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.

Về tác giả Phan Huyền Thư có thể kể đến các bài viết tiêu biểu như: “Lao động và nỗi buồn trong tập thơ “Nằm nghiêng” của Phan Huyền Thư” của Đào Duy Hiệp [60]; “Thơ Phan Huyền Thư - Nằm nghiêng và cách tân” của Nguyễn Thụy Kha [80]… Nhìn chung, các ý kiến mới dừng lại ở việc nhìn nhận, bước đầu đánh giá về sự cách tân của thơ Phan Huyền Thư trong xu hướng đổi mới của thơ ca đương đại Việt Nam. Các bài viết chủ yếu chỉ ra những đặc sắc về mặt ngôn ngữ được lạ hóa, nghệ thuật tổ chức hình ảnh thơ độc đáo đã làm nên nét táo bạo của cây bút nữ này.

Bên cạnh đó cũng có không ít bài viết bày tỏ sự không đồng tình trong đánh giá hiện tượng thơ Phan Huyền Thư. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là bài viết của Nguyễn Sĩ Đại với nhan đề “Nằm nghiêng, tập thơ thiếu sự nghiêm túc và những xúc cảm trong sáng” [28]; Chu Thị Thơm với bài “Nằm nghiêng, báo động về tính thẩm mĩ của một tập thơ” [202]; Nguyễn Thanh Sơn với “Nằm nghiêng - Phan Huyền Thư” [162]… Tác giả Nguyễn Thanh Sơn có cho rằng hiện tượng Phan Huyền Thư “mặc dù quẫy đạp rất mạnh nhưng hãy còn đang bối rối”, là “một khát khao đổi mới nhưng chưa mấy thành công” [162]. Trong khi đó, bài viết “Rỗng ngực vài cảm nhận” của Đoàn Minh Tâm (Tạp chí Văn nghệ quân đội, số tháng 5/2006) thì có bàn sâu hơn về tập thơ “Rỗng ngực” (2005). Trong đó đáng chú ý là nhận định của tác giả bài viết cho rằng nội dung chính của Rỗng ngực là nói về sự tha hóa trong lối sống của một bộ phận thanh thiếu niên hiện nay và “Phan Huyền Thư chỉ muốn trình bày

Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 4

quan điểm của mình rằng thơ ca nên đối diện, nên đào sâu vào những mặt trái xã hội”. Nghệ thuật của tập thơ cũng được viết bằng một hình thức “tha hóa”: Từ câu chữ, hình ảnh, cách ngắt nhịp, cách xuống dòng - tất cả như muốn “trêu tức” những cấu trúc thơ ca quen thuộc. Rỗng ngực có nhiều tứ thơ được ngắt nhịp theo kiểu chẻ làm ba, làm bốn đoạn, xuống dòng triền miên theo dạng “đổ bóng”… [176].

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhắc đến việc Phan Huyền Thư đạo văn (cụ thể là qua hai bài Có lẽ đã chết vẫn tốt hơn Bạch lộ được in trong tập “Sẹo độc lập”, Nxb Lao Động, 2014) và bản thân tác giả này cũng đã thừa nhận việc mình đạo văn. Vì thế, chúng tôi không đưa tập thơ “Sẹo độc lập” vào danh mục tác phẩm khảo sát. Tuy nhiên, những đóng góp của chị cho sự phát triển của văn học Việt Nam đương đại trên tinh thần của ý thức nữ quyền là không nên phủ nhận và đó cũng là lí do mà chúng tôi vẫn nhắc đến cây bút này trong nhiều mục và tiểu mục của đề tài luận án.

Về tác giả Ly Hoàng Ly cũng gây được khá nhiều chú ý của công chúng. Các nhà nghiên cứu dành sự quan tâm nhiều đến biểu tượng, đêm, bóng đêm trong thơ chị. Tác giả Trần Hoài Anh trong bài viết “Ám ảnh bóng đêm trong thơ Ly Hoàng Ly” đã khảo sát và lý giải về đêm trong thơ của Ly Hoàng Ly “… không còn là thời gian vật lý mà đã biến thành một dòng ý thức. Đó là một thực thể linh động luôn gắn với một quan niệm về nhân sinh, về cái đẹp… đêm trong thơ Ly đã trở thành một thủ pháp nghệ thuật mang tính quan niệm…, là tiếng gọi tâm linh, một tâm linh cựa quậy, sinh động trong hành trình đi tìm bản thể của chính mình…” [5]. Thụy Khuê trong bài viết “Ly Hoàng Ly và bóng đêm” cũng chỉ rò sự xuất hiện dày đặc của bóng đêm trong Ly Hoàng Ly và cho rằng đêm chính là “thế giới của Ly Hoàng Ly: một thế giới tự trói”, vây bủa người nữ trong thơ. Ở đó là một “không khí đêm đen giữa ban ngày, là những cơn ác mộng thường trực của con người bị kết án chung thân sống trong đêm, những con người “muốn đập đêm vỡ tan”; nhưng đêm như ung thư, đêm như bạch tuộc đã chạy khắp cơ thể, và người con gái ấy” [90].

Một số các bài viết khác về thơ Ly Hoàng Ly, bên cạnh việc nhắc đến ám ảnh bóng đêm như một kiểu hình tượng nghệ thuật tiêu biểu và xuyên suốt trong thơ chị

còn có những nhận định về đặc điểm cũng như những thành công về nghệ thuật thơ của chị. Tác giả Nguyễn Phương Linh trong bài viết “Ly Hoàng Ly sinh ra để làm thơ” đăng tải trên Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 307, tháng 1 năm 2010 cũng có những đánh giá cao về cá tính sáng tạo cũng như những sáng tạo trong thơ của Ly Hoàng Ly. Tác giả bài viết này đã cho rằng Ly Hoàng Ly là “tác giả tràn đầy năng lượng sáng tác và dũng cảm yêu nghệ thuật... tác phẩm tự nhiên, nữ tính và nhiều chất thơ”. Qua sáng tác của chị người đọc sẽ thấy được hình ảnh một Ly Hoàng Ly “năng động, dạt dào cảm xúc, rất nữ tính”. Nguyễn Phương Linh cũng chỉ rò thơ Ly Hoàng Ly có ưu thế về nghệ thuật sắp đặt với “những bố cục ngắn gọn, hiện đại, khơi gợi nhiều tưởng tượng mà vẫn nữ tính, mềm mại” [108]. Ngoài ra, với các bài viết có tính điểm sách, tuy còn sơ sài song hầu hết các tác giả đều đánh giá cao hiện tượng thơ Ly Hoàng Ly.

Về tác giả Vi Thùy Linh: Vi Thùy Linh thuộc vào một trong số những cây bút thơ nữ xuất hiện khá “đình đám”, rầm rộ, Vi Thùy Linh nhanh chóng thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng cũng như của giới phê bình văn học trong nước.

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên trong bài viết “Thơ Linh” đã đề cập đến một vấn đề thuộc về phái tính trong thơ Vi Thùy Linh: “Một đặc điểm không khó nhận thấy của văn học ta trong khoảng mười, mười lăm năm cuối thế kỉ XX vừa qua là các cây bút nữ đã tỏ ra táo bạo khi viết về tình yêu, không ngần ngại đụng chạm đến tình yêu nhục thể. Vi Thùy Linh ở trong dòng chảy đó. Có điều bằng thơ, cô nói lên nồng nàn, những nhu cầu đòi hỏi giới tính của mình, trong tình yêu. Nói cách khác, Linh đòi cho bản năng giới tính được đặt đúng chỗ của nó trong yêu và trong thơ. Linh muốn mình ngang tàng, tỏ ra ngang tàng, nhưng cũng như bao cô gái khác, khi tình yêu đến cô chịu khuất phục” [137].

Trần Thiện Khanh trong bài viết “Vi Thùy Linh và một kiểu tư duy về lời” đã có những phân tích khá kĩ về đề tài tình yêu và ám ảnh tình dục trong thơ của Vi Thùy Linh. Đáng chú ý là nhận định sau đây: “Thơ đem lại cho Vi Thùy Linh một không gian đủ lãng mạn và đủ hưng phấn để chị bộc lộ những mặt mạnh và mặt yếu thuộc về phái tính. Thơ trở thành một phương tiện giải tỏa xúc cảm tình dục vốn đã

được hòa trộn một cách tự nhiên và hấp dẫn trong tình yêu đôi lứa ở chị... Vi Thùy Linh muốn được trở thành đàn ông để “làm được nhiều hơn những gì mình muốn”, một Vi Thùy Linh muốn làm một người đàn bà thật khác biệt, nhưng cũng đầy ham muốn đời thường” [82].

Nhà phê bình Chu Văn Sơn lại đặt vấn đề “nữ quyền hay ái quyền trong thơ Vi Thùy Linh” trong bài viết “Vi Thùy Linh - Thi sĩ của ái quyền”. Theo ông, màu sắc nữ quyền trong thơ Vi Thùy Linh đã vươn xa hơn những tranh đấu giữa kẻ mạnh và phận liễu đào trong thơ Linh. Trong bài viết này, Chu Văn Sơn đã tái dựng lại và làm cụ thể hóa thế giới nghệ thuật thơ Vi Thùy Linh. Ông gọi đó là “đế chế yêu”. Tuy nhiên, khi mô hình hóa “đế chế yêu” trong thơ Linh, ông viết: “Điều thật lạ ở nàng Eva này là nỗi khát yêu càng vô giới hạn thì khát khao làm mẹ càng vô bờ bến. Nàng thèm có con từ vị thành niên và ham phiêu linh trong viễn tưởng nhiều con. Với nàng, yêu là sống, coi sống là còi yêu, càng nhiều con càng nối dài sự sống trên còi yêu này” [164]. Mặc dù không đề cập đến việc cắt nghĩa ý thức nữ quyền trong thơ Vi Thùy Linh nhưng nhà phê bình Chu Văn Sơn đã đề cập đến một vấn đề quan trọng, một biểu hiện của ý thức nữ quyền trong thơ Linh là khát vọng được yêu trong một thế giới trong lành và khát khao được làm mẹ, một mơ ước chính đáng trong thiên chức của người phụ nữ muôn đời trong bản nguyên truyền thống văn hóa Việt.

Bài viết “Vi Thùy Linh - giữa những quyền lực của lời” được tác giả Nguyễn Thanh Tâm tiến hành một cách công phu và cẩn trọng. Anh đã đề cập đến tính biểu tượng trong thơ Vi Thùy Linh, trong đó ấn tượng đậm nét là biểu tượng màu tím như để diễn đạt vẻ ý nhị và bí ẩn của người phụ nữ khi yêu. Không dừng lại ở đó, tác giả bài viết tiếp tục có nhận xét thú vị khi đặt vị thế của ViLi trong còi “Anh”. Nguyễn Thanh Tâm khẳng định: “... có một ViLi đầy nữ tính, thiện nguyện là tù nhân của đế chế Anh. Một ViLi đang nhận sự ban phát tình yêu - Nạn nhân của xã hội nam quyền với sự quy hoàng không ý thức. Đó là một bản ngã sùng tín nam tính và cơn khát ái tình trong nỗi sợ hãi bị bỏ rơi. Bởi thế, chúng tự sinh ra như là những vỗ về trong sự

hiện hữu của niềm cô độc - ViLi tự yêu tình yêu của mình” [178]. Nhận định này chủ yếu nghiêng về âm hưởng phái tính hơn là ý thức nữ quyền trong thơ Vi Thùy Linh.

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp trong bài “Màu yêu trong Đồng tử thơ Linh” thì đánh giá cao những đổi mới và cách tân của Linh trên phương diện diễn ngôn thể hiện khát vọng tình yêu nghiêng về phái tính nữ. Ông khẳng định Linh là tác giả táo bạo, bản lĩnh bày tỏ những khát khao thầm kín của nữ giới, đặc biệt Linh đã “đề cập đến vấn đề tính dục và coi nó như một đối tượng thẩm mĩ, một nguồn cảm hứng không vơi cạn” [34; 331].

Nhà nghiên cứu Lưu Khánh Thơ trong bài viết “Vi Thùy Linh phiêu du cùng “Phim đôi - tình tự chậm” đánh giá Linh là một trong những tác giả nữ có ý thức lao động nghệ thuật chuyên nghiệp, luôn đi tìm một cách thể hiện riêng. “Lối tổ chức bài thơ theo sự dẫn dắt của vô thức, tiềm thức với rất nhiều liên tưởng bất ngờ, những quan sát, chọn lọc, sắp xếp tưởng như rời rạc, không có sự kết dính mà lại bổ sung cho nhau tạo nên vẻ độc đáo trong thơ Linh” [201]. Chỉ rò liên tưởng, tưởng tượng là những thao tác tư duy tạo nên trường thẩm mĩ của thơ Vi Thùy Linh, Lưu Khánh Thơ đã gợi mở một hướng nghiên cứu, phê bình hứa hẹn những đóng góp có ý nghĩa khoa học khi tiếp cận hiện tượng thơ ca độc đáo này.

Một số tác giả khác khi đề cập tới hiện tượng Vi Thùy Linh lại có những ý kiến phê phán khá quyết liệt, thậm chí sai lệch, chủ quan. Tiêu biểu có thể nhất phải kể tới như: “Từ “thơ vọt trào” đến hội chứng khen trào vọt: “Cứ tiếp tục đanh đá, lắm lời, cứ xổ hết ra đi!” của Trần Mạnh Hảo [57], “Văn chương trẻ - rất cần một chiều sâu và tầm nhìn văn hóa”; “Thơ Vi Thùy Linh - “Những trận bạo động… tình” [9]; (nguồn: http://www.viet.studies.info); “Thử bàn về trách nhiệm của “người đi trước” qua trường hợp Vi Thùy Linh” [10] của Nguyễn Trọng Bình ...

Trên thực tế có thể khẳng định rằng, cái nhìn trái chiều trong đánh giá các hiện tượng thơ nữ đương đại Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay cũng là điều dễ hiểu. Vì tiêu chí sáng tác của các nhà thơ chưa nhất quán và xuất phát điểm của thơ Việt lúc này vẫn còn nằm trong quá trình phát triển, chưa đạt được tính ổn định.

Trong khả năng bao quát tư liệu của chúng tôi tới thời điểm hiện nay thì ngoài thơ của Phan Huyền Thư, Ly Hoàng Ly và Vi Thùy Linh, thơ của các cây bút nữ khác được chọn khảo sát trong luận án (Dư Thị Hoàn, Tuyết Nga, Phạm Thị Ngọc Liên, Đinh Thị Như Thúy, Lê Ngân Hằng, Bình Nguyên Trang và Trương Quế Chi) thì thơ của họ mới được nhắc tới rải rác ở các bài điểm sách, đôi ba bài phỏng vấn tác giả, tác phẩm. Điều này cho thấy cần một độ lùi thời gian nhất định cho việc thẩm định của công chúng và giới phê bình trong và ngoài nước.

Bên cạnh những ý kiến có tính chất gợi ý trên, không thể không kể tới sự hỗ trợ của một số các công trình nghiên cứu, dịch thuật về lí thuyết nữ quyền, về lí luận thể loại cũng như những chuyên luận mang tính khái quát, tổng kết về giai đoạn thơ Việt Nam từ 1975 đến nay đối với chúng tôi trong quá trình thực hiện đề tài của mình như “Nửa thế kỷ thơ Việt Nam 1945-1995: Nhìn từ phương diện vận động của cái tôi trữ tình” [2], “Mấy vấn đề về thơ Việt Nam 1975-2000” [12], “Thơ Việt Nam - tìm tòi và cách tân 1975-2005” [16], “Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều” [32], “Thơ Việt Nam hiện đại tiến trình và hiện tượng” [34], “Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại” [44], “Tiến trình thơ hiện đại Việt Nam” [98], “Văn học trên hành trình của thế kỷ XX” [100], “Văn học Việt Nam trong thời đại mới” [102], “Giới tính và giống phái” [128], “Thơ và một số gương mặt thơ Việt Nam hiện đại” [197], “Thơ trữ tình Việt Nam từ giữa thập kỉ 80 đến nay những đổi mới căn bản” [223], “Văn học Việt Nam 60 năm nhìn lại (1945-2005” [228], “Nữ quyền và tự truyện” [231], “Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX” [261], “Vấn đề phái tính và âm hưởng nữ quyền trong văn xuôi Việt Nam đương đại” [272]…

Như vậy, xuất phát từ một phong trào đấu tranh chính trị với mục đích đòi quyền bình đẳng giới, vấn đề bình đẳng giới đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp ở nhiều quốc gia phương Tây và cả ở một số quốc gia phương Đông. Vấn đề phụ nữ đã từng bước gây được tiếng nói trong xã hội nam quyền với mong muốn hướng đến một xã hội bình đẳng về chất lượng sống. Lí thuyết phê bình nữ quyền nhanh chóng ra đời và từng bước được hoàn thiện đã mở ra một hướng tiếp cận năng động và mới mẻ đối với những sáng tác văn học. Đặc biệt là các sáng tác văn học của các nhà văn

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022