Quan Niệm Về Ý Thức Nữ Quyền Trong Thơ Nữ Việt Nam Giai Đoạn Từ 1986 Đến Nay

Trong lĩnh vực lí luận phê bình văn học, lí thuyết phê bình nữ quyền bắt đầu được giới thiệu và có những ứng dụng vào nghiên cứu các hiện tượng của văn học Việt Nam. Đến những năm cuối của thế kỉ XX, việc ứng dụng lí thuyết nghiên cứu văn chương này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống sáng tác và phê bình văn học. Minh chứng cho điều này chính là sự xuất hiện và nổi đình nổi đám của hàng loạt nhà thơ nữ với các hiện tượng Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Đinh Thị Như Thúy, Ly Hoàng Ly... hay như nhóm thơ Ngựa trời với tập “Dự báo phi thời tiết” là những chất liệu nghệ thuật phong phú và đáng tin cậy để khẳng định có một khuynh hướng mang tên âm hưởng nữ quyền trong giai đoạn này. Mặt khác, trong đời sống phê bình, đã có hàng chục cuộc phỏng vấn và nhiều bài nghiên cứu có chất lượng tốt, đánh giá khách quan và xác đáng các hiện tượng văn học nữ nước ta giai đoạn này. Và đặc biệt, diện mạo của phê bình nữ quyền ở nước ta cũng đã có những đổi khác mạnh mẽ. Hàng loạt bài viết về nữ quyền trong văn học Việt Nam của các nhà nghiên cứu như Nguyễn Đăng Điệp, Văn Giá, Lưu Khánh Thơ, Chu Văn Sơn... được đăng tải rộng rãi (về những ý kiến cụ thể sẽ được chúng tôi đề cập cụ thể ở phần sau). Thêm vào đó, trên tạp chí Nghiên cứu văn học, số 8 năm 2013 đã đăng tải cụm bài về phê bình nữ quyền của các tác giả, trong đó có 2 bài của hai học giả nước ngoài. Đó là Ellen Messer - Davidow với bài “Lý thuyết và phê bình nữ quyền: Từ phê bình xã hội đến phân tích diễn ngôn (1963 - 1973)”, trang 3; John C. Schafer với “Những quan niệm đương đại về giới nữ Việt Nam”, trang 22. Bên cạnh đó là bài “Diễn ngôn về giới tính và thi pháp nhân vật”, trang 40 của Trần Văn Toàn; “Đạm Phương với vấn đề nữ học: Giáo dục phụ nữ và trẻ em trong gia đình” của Đoàn Ánh Dương. Trước đó vào ngày 29 tháng 11/2012, Viện Văn học Việt Nam đã tổ chức thành công buổi tọa đàm khoa học “Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học Việt Nam đương đại”. Các tham luận đã tập trung là rò những vấn đề tiếp nhận và vận dụng lí thuyết phê bình nữ quyền trong văn học nước nhà và từ góc nhìn nữ quyền luận cắt nghĩa văn học Việt Nam.

Trên đây là những nỗ lực của những nhà chuyên môn nhằm mục đích phổ biến tư tưởng nữ quyền và lí thuyết phê bình nữ quyền vào đời sống học thuật để tạo ra

nhiều góc nhìn trong đánh giá, xem xét những hiện tượng văn học nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới.

1.2.1.3. Quan niệm về ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay

- Dòi theo lịch sử phát triển của chủ nghĩa nữ quyền có thể thấy, nữ quyền (Feminism, women’s right) là một khái niệm xuất phát từ phong trào đấu tranh chính trị nhằm mục đích đòi quyền nam nữ bình đẳng, gắn liền với hoạt động chính trị và xã hội, nhằm đạt đến sự bình đẳng trên phương diện giới. Thông qua những hoạt động đấu tranh chính trị và xã hội, giới nữ đòi lại những lợi ích chính đáng của mình để đạt đến sự bình đẳng với nam giới. Do vậy, “nữ quyền” nhấn mạnh đến phương diện quyền lợi của phụ nữ, bao gồm: quyền bình đẳng nam nữ, sau đó tiến tới đấu tranh giành quyền bầu cử, quyền lao động, quyền sinh tồn và những quyền lợi kinh tế chính trị khác. Tuy nhiên, do đặc thù lịch sử, văn hóa, chính trị, xã hội… khái niệm này lại gây nên những phản ứng khác nhau gắn liền với vấn đề nữ quyền ở mỗi quốc gia, mỗi dân tộc.

Ở phương Tây, nơi khai sinh ra phong trào nữ quyền, phụ nữ đặt mình trong tư thế đối lập với nam giới để đấu tranh giành quyền bình đẳng và dấy lên những hoạt động chính trị - xã hội mang tính nữ quyền thuần túy. Trong khi đó, ở phương Đông nói chung, ở Việt Nam nói riêng, phong trào nữ quyền gắn liền với phong trào cứu quốc và nữ giới sát cánh cùng nam giới vừa đấu tranh giải phóng dân tộc, vừa cởi trói cho giới mình thoát khỏi những ràng buộc cũ của xã hội. Chính vì vậy, trào lưu nữ quyền ở phương Đông không diễn ra một cách mạnh mẽ, độc lập và có tính đối kháng với nam giới quyết liệt như ở phương Tây. Đó không phải là cuộc đấu tranh của một giới phản kháng lại một giới mà là cuộc đấu tranh chung của một cộng đồng xã hội có tư tưởng cấp tiến về giới chống lại những hệ tư tưởng cổ hủ áp bức người phụ nữ. Chính vì vậy mà ý thức nữ quyền ở phương Đông tồn tại trong trạng thái thầm lặng và kín đáo có tính chất của một ý thức xã hội hơn là một hệ tư tưởng.

Trong sáng tác, nghiên cứu và phê bình văn học sau 1986, khái niệm “nữ quyền” thường được nhắc đến cùng với các khái niệm “giới” (giới tính), “phái tính”

và “nữ tính”. Giới - giới tính (gender) là sự cộng hưởng nhiều yếu tố sinh lí sẵn có do sự ngẫu nhiên trong quá trình chọn lọc tự nhiên quy định. Những đặc tính đó một lần nữa chịu sự tác động, áp chế từ nhiều mặt của đời sống xã hội khiến con người tự ý thức được vị thế và vai trò, sứ mệnh của mình trong thế giới và đặc trưng, nhiệm vụ của mỗi giới trong xã hội cũng được định hình. Nữ tính dùng để chỉ tính chất, bản tính, tức là đi vào vấn đề bản thể. Nữ tính bao hàm những tính chất đặc trưng của người phụ nữ (trong sự phân biệt với nam tính - tính chất/ đặc điểm của giới nam), bộc lộ trong hành vi ứng xử và những mối quan hệ mang tính chuẩn mực khuôn mẫu của xã hội và văn hoá. Nữ tính vừa có độ ổn định, vừa biến đổi theo môi trường văn hoá - xã hội trong những thời đại khác nhau, ở những nền văn hóa khác nhau. Phái tính (sex) “chỉ sự liên kết giữa gới tính và những bản tính đặc trưng cho từng phái riêng biệt” [10; 272]. Như vậy, phái tính là sự tổng hợp những đặc điểm tự nhiên, sinh học (giống) và những đặc điểm xã hội, tính cách…của từng giới cụ thể. Trong mối quan hệ với hai khái niệm giới tính và nữ tính thì khái niệm phái tính là sự tổng hợp của hai khái niệm trên.

Như vậy, khái niệm nữ quyền nếu hiểu ở cấp độ rộng là quyền lợi của người phụ nữ đặt trong thế tương quan với quyền lợi của nam giới để đạt đến cái gọi là nam nữ bình quyền. Ở cấp độ hẹp thì nữ quyền có mối liên quan với các khái niệm như giới tính, phái tính, nữ tính trong văn học. Nếu giới tính, phái tính, nữ tính là những công cụ để khu biệt đặc tính giữa hai phái (nam/ nữ) thì khái niệm nữ quyền không chỉ dừng lại ở đó mà mục đích của nó hướng tới là sự bình quyền của nam/ nữ đồng thời tạo ra hệ quy chuẩn riêng của giới nữ. Ngoài ra, Feminism ngoài ý nghĩa biểu đạt là chỉ nữ quyền, nó còn là một lí thuyết dùng để nghiên cứu văn chương, mang tính chất học thuật. Bởi vậy, có thể hiểu, “nữ quyền” là một chủ trương, một cách tiếp cận về người phụ nữ theo hướng tôn trọng, đề cao, xem người phụ nữ là trung tâm của mọi sự phản ánh. Qua đó, khẳng định bản sắc, giá trị riêng của giới nữ, nhấn mạnh đến sự khác biệt phái tính và đề cao nữ tính.

- Quan niệm về ý thức nữ quyền trong văn học: Trong phạm vi luận án, chúng tôi đề xuất khái niệm “ý thức nữ quyền” trong khi nghiên cứu sáng tác của các nhà

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.

thơ nữ từ 1986 đến nay. Các nhà triết học duy vật biện chứng đã khẳng định rằng: ý thức là hình thức phản ánh tâm lý cao nhất chỉ có ở con người, là sự phản ánh bằng ngôn ngữ những gì con người đã tiếp thu trong qua trình quan hệ qua lại với thế giới khách quan. Theo chiều ngang, ý thức bao gồm các yếu tố như tri thức, tình cảm, niềm tin, lý trí, ý chí..., trong đó tri thức là yếu tố cơ bản, cốt lòi; theo chiều dọc, ý thức bao gồm các yếu tố như tự ý thức, tiềm thức, vô thức. Ý thức nữ quyền vì thế nhấn mạnh đến quan điểm, tư tưởng cùng những tình cảm, tâm trạng, từ đó tác động đến nhận thức, tư duy, cảm xúc của chủ thể sáng tạo. Nó là cái được bắt dễ từ sâu trong vô thức, tiềm thức và ý thức của người sáng tạo. Bởi vậy mà chúng ta có thể tìm thấy nó trong tín ngưỡng, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, trong tất cả các di sản vật thể và phi vật thể… Nó là thứ manh nha từ trong tâm thức của con người, và nó được gìn giữ không chỉ bởi nhận thức mà còn từ chiều sâu vô thức. Cho nên, tùy theo mỗi hoàn cảnh nó được biểu hiện ra bên ngoài với những trạng thái khác nhau. Bởi vậy, đề xuất khái niệm “ý thức nữ quyền” chúng tôi còn muốn nhấn mạnh đến quá trình hình thành và phát triển của trào lưu nữ quyền ở Việt Nam. Trên thực tế, ở Việt Nam nói riêng, ở các nước phương Đông nói riêng, do đặc thù phát triển của xã hội mà cho đến nay, chưa thực sự có một phong trào nữ quyền theo đúng nghĩa của từ này. Mọi sự đấu tranh mới chỉ dừng lại dưới dạng một ý thức xã hội hơn là một hệ tư tưởng. Ý thức nữ quyền vì thế luôn là một dòng chảy không ngừng từ văn học truyền thống đến hiện đại. Cùng với nó, ở mỗi giai đoạn văn học nhất định, ý thức nữ quyền được biểu hiện ở các cấp độ đậm nhạt khác nhau. Chẳng hạn ngay từ trong văn dân gian ý thức nữ quyền mới chỉ dừng lại ở những biểu hiện đơn lẻ, cảm tính. Phải đến văn học sau 1986, nữ quyền mới xuất hiện trở lại với tư cách là một trong những cảm hứng trung tâm của văn học, với những biểu hiện rò ràng và mạnh mẽ.

Trên cơ sở tham chiếu từ các khái niệm, đồng thời xuất phát từ chính thực tiễn sáng tạo của văn học Việt Nam nói chung, của các cây bút thơ nữ nói riêng, chúng tôi quan niệm, ý thức nữ quyền trong văn học là tiếng nói của những cây bút nữ thể hiện nhu cầu giãi bày những trăn trở, suy tư của mình về hiện thực cuộc sống cũng như bày tỏ những quan điểm về vị trí, vai trò, quyền lợi của giới mình và

Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 6

khát vọng giải phóng những ẩn ức tinh thần thầm kín của bản thân thông qua cái nhìn mang đậm cảm quan về giới, mang đặc trưng tâm lí của nữ giới trước hiện thực. Qua đó, đề cao vẻ đẹp thể xác và tâm hồn của người phụ nữ, khẳng định bản sắc riêng của giới nữ. Như vậy, ý thức nữ quyền trong cách triển khai của chúng tôi sẽ bao hàm cả ý thức về phái tính.

Trong hoạt động sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học, nữ quyền không chỉ là một ý thức chính trị mà còn là ý thức về giới nữ từ góc độ văn hóa, lịch sử, xã hội, tôn giáo… Bên cạnh đó, với việc xác lập và phân định các khái niệm để định tính đặc trưng ý thức nữ quyền của văn học nữ, có thể thấy rằng một tác phẩm, một trào lưu, một giai đoạn văn học có ý thức nữ quyền hay không không hoàn toàn phụ thuộc vào sự tồn tại hay không tồn tại ý thức nữ quyền của nhà văn khi sáng tác tác phẩm, nó còn nằm trong nội tại bản thân tác phẩm và tồn tại từ góc nhìn của Phê bình văn học Nữ quyền như một phương thức tiếp cận trong hoạt động sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học.

- Về cách hiểu “thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay”: cũng có thể gọi ngắn gọn lại là “thơ nữ đương đại”. Đây là khái niệm quen thuộc với giới nghiên cứu văn học Việt Nam hiện đại. Cách gọi của chúng tôi nhằm mục đích cụ thể hóa về mặt thời gian của sự xuất hiện thơ nữ “giai đoạn từ 1986 đến nay” - tức là lấy mốc từ năm 1986 - thời điểm diễn ra công cuộc đổi mới toàn diện nền kinh tế của đất nước đến khoảng hai thập niên đầu tiên của thế kỉ XXI. Với cách quan niệm như vậy, xét ở khoảng thời gian trưởng thành, thành danh, nở rộ (từ 1986 trở về sau) với những sáng tác thể hiện rò các cấp độ ý thức nữ quyền, các tác giả nữ trong phạm vi khảo sát của đề tài luận án sẽ thuộc vào nhiều độ tuổi khác nhau.

- Phạm trù “thơ nữ” dùng để phân định về mặt chủ thể sáng tạo, nhấn mạnh đến những cây bút nữ làm thơ.


Tiểu kết Chương 1

Trong Chương 1, chúng tôi khái quát tình hình nghiên cứu của đề tài và bước đầu làm rò diễn trình lịch sử của nữ quyền và nữ quyền luận phương Tây cũng như

quá trình du nhập của lý thuyết này vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt, đặc biệt là việc vận dụng nó trong nghiên cứu, phê bình văn học dân tộc. Cách làm này sẽ trở nên thực sự có ý nghĩa khoa học và thực tiễn khi người nghiên cứu linh hoạt trong cách thức triển khai cũng như tham chiếu đối tượng nghiên cứu của mình từ nhiều phương diện khác để tránh có những cái nhìn thiên lệch, chủ quan, hoặc chê, hoặc khen quá mức. Với quan niệm ý thức nữ quyền trong văn học là tiếng nói của những cây bút nữ thể hiện nhu cầu giãi bày những trăn trở, suy tư của mình về hiện thực cuộc sống và khát vọng giải phóng những ẩn ức tinh thần thầm kín của bản thân thông qua cái nhìn mang đậm cảm quan về giới, mang đặc trưng tâm lí của nữ giới trước hiện thực, trong phần tiếp theo của luận án, chúng tôi sẽ điểm qua ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại (trước năm 1986) như một dòng chảy liên tục, tất nhiên ở mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có độ đậm nhạt khác nhau.

Chương 2

Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG THƠ NỮ VIỆT NAM TRƯỚC 1986


Lịch sử văn học Việt Nam đã trải qua hơn mười thế kỉ hình thành và phát triển với nhiều tên tuổi, nhiều thành tựu đáng tự hào cả về nội dung và nghệ thuật thể hiện. Trong Chương 2, chúng tôi khái quát những nét nổi bật nhất về diện mạo và đặc điểm thơ nữ Việt Nam kể từ khi nền văn học viết hình thành đến trước Đổi mới (1986) nhìn từ phương diện thể hiện ý thức nữ quyền. Có thể nhận thấy, ý thức nữ quyền trong giai đoạn này tồn tại dưới ba dạng: Thứ nhất, là tiếng nói thuộc về ý thức nữ phận, tức là ý thức về bổn phận nữ. Ở dạng này, ý thức nữ quyền thường gắn với giọng thở than nghiêng về phía chấp nhận những gì đã được quy định; dạng thứ hai, ý thức về nữ tính (phái tính), là tiếng nói ý thức về vẻ đẹp và giá trị của giới mình. Ở dạng thức này, ý thức nữ quyền gắn với giọng điệu mang màu sắc như ca ngợi, phô diễn. Dạng thứ ba là ý thức nữ quyền trong sắc thái của nó, ở một khía cạnh nào đó có tinh thần tranh đấu (phê phán nam quyền, xác lập những giá trị trong nhìn nhận về người phụ nữ). Ở dạng thức này, giọng điệu chính mang âm hưởng phê phán, đấu tranh xà xác lập. Do sự quy định của thời đại, của thiết chế xã hội cũng như sự phát triển của ý thức xã hội mà nội dung cũng như sự thể hiện của ý thức nữ quyền trong mỗi giai đoạn (thậm chí là mỗi tác giả) có sự khác nhau. Luận án coi đây như một tiền đề quan trọng để các cây bút thơ nữ giai đoạn từ 1986 đến nay kế thừa và đưa ý thức nữ quyền lên một tầm cao mới.

2.1. Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG THƠ NỮ CỔ ĐIỂN

Xã hội Việt Nam tồn tại trong chế độ phong kiến suốt hơn mười thế kỉ. Đây là thời kì đánh dấu sự lên ngôi của hệ tư tưởng Nho giáo (nhất là từ khoảng thế kỷ XV trở đi). Các triều đại phong kiến đã coi Nho giáo là hệ tư tưởng trung tâm trong việc xây dựng nhà nước, cai trị xã hội và củng cố địa vị của tầng lớp cầm quyền. Chính vì vậy, việc người phụ nữ bị hạn chế học hành, không được tham gia chính sự trở thành phổ biến. Trên lĩnh vực văn học, tình trạng này bộc lộ ở sự thưa vắng của người phụ nữ trong đội ngũ sáng tác. Người phụ nữ làm thơ, viết văn là những hiện tượng mang

tính đặc biệt trong văn học. Hành trạng cuộc đời của những “kỳ nữ” làm thơ cũng hoặc bị dân gian hóa, hoặc tồn nghi dưới dạng những “nghi án văn chương”. Trước tác của họ để lại cho hậu thế không nhiều song việc xem xét giá trị nội dung và nghệ thuật của những sáng tác thơ nữ thời trung đại là thao tác cần thiết để thấy được những nghĩ suy của họ trong dòng thác của tư tưởng nam quyền. Phần này chúng tôi đi vào trình bày hai nội dung cơ bản: (1) Ý thức về vẻ đẹp và (2) Ý thức về quyền sống của người phụ nữ.

2.1.1. Ý thức về vẻ đẹp của người phụ nữ

Khảo sát các sáng tác thơ nữ Việt Nam thời trung đại, chúng tôi nhận thấy, không phải khi người phụ nữ bắt đầu ghi tên mình vào tiến trình lịch sử văn học dân tộc là sáng tác của họ đã phản ánh ý thức của người phụ nữ về vẻ đẹp của bản thân mình. Trước đó, thơ và kể cả văn xuôi của các tác giả nữ thời Lý xuất hiện khá khiêm tốn với các tên tuổi như: Lý Ngọc Kiều, Lê Thị Ỷ Lan, Nguyễn Thị Bích Châu, Nguyễn Thị Điểm Bích… Nhìn chung, sáng tác của những tác giả giai đoạn này mang đậm dấu ấn của văn học chức năng. Những cảm nhận, suy tư về vẻ đẹp của người phụ nữ chỉ xuất hiện từ thế kỉ XV trở đi trong sáng tác của Ngô Chi Lan và lần lượt được khẳng định qua các tên tuổi mang nhiều ấn tượng trong tiến trình thơ nữ trung đại sau này như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Lê Ngọc Hân, Nguyễn Thị Hinh (Bà Huyện Thanh Quan)… Việc người phụ nữ thể hiện quan điểm của mình về giới nữ trong sáng tác văn học thời trung đại có thể xem là những “dòng chảy nghịch” của xã hội nam quyền. Hình ảnh nữ nhi từ thế kỉ XIV đến nửa đầu thế kỉ XIX là hiện thân cho cái đẹp. Gắn với mỗi thời kỳ, người phụ nữ trong văn học lại được các nữ sĩ thể hiện một cách khác nhau, mang đặc trưng của mỗi hoàn cảnh xã hội nhất định. Dĩ nhiên là không thể loại trừ sự khác biệt ở mỗi tác giả do sự tiến bộ trong tư tưởng của người sáng tác cũng như cá tính sáng tạo (ở một mức độ nào đó).

Trước hết, phải kể đến hình ảnh người phụ nữ trong thơ Ngô Chi Lan. Sáng tác của nữ học sĩ này để lại cho hậu thế không nhiều, phần do bị thất truyền, phần do lẫn với thơ của người khác. Tuy nhiên, thơ của bà không còn mang tính chức năng hay lễ nghi như sáng tác của một số cây bút nữ giai đoạn trước. Thơ của Ngô Chi Lan mang

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/07/2022