Có thể nói, sự thức tỉnh ý thức cá nhân trong thơ nữ đã cho thấy sự trỗi dậy của khát khao một tình yêu, một cuộc sống đích thực của người phụ nữ sau nhiều năm bị kìm nén, né tránh hay cố tình bỏ qua.
2.4.2. Người phụ nữ với cảm quan thế sự - đời tư
Sau niềm vui giải phóng, cảm hứng sử thi dần lắng xuống, thơ nữ cũng bắt đầu có thời gian để nhìn nhận lại những gì đã qua như một sự tổng kết và nhìn thẳng vào thực tế xã hội với những vấn đề cấp thiết đang đặt ra thời hậu chiến.
Cảm hứng thế sự xuất hiện ngay trong những bài thơ mang cảm hứng tưởng niệm như một sự nhắc nhớ về một thời khốc liệt vừa qua: “Đã qua rồi những năm đạn bom/ nón em trắng một vành sáng nhỏ/ áo em xanh áo em hồng áo đỏ/ bây giờ em ở đâu…/ em thường nói về một ngày thống nhất/ em sẽ đi trên mọi con đường/ mùa hạ này xe chạy suốt quê hương/ em đang ở miền nào đất nước” (Kỉ niệm về những cô thanh niên xung phong, Ý Nhi). Vẫn viết về đề tài chiến tranh nhưng âm hưởng sử thi hào hùng đã nhạt đi mà thay vào đó là giọng buồn đau tiếc nuối. Đó là nỗi nhớ thương người nữ đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường không kịp nhìn thấy ngày tự do. Cũng là chiến tranh nhưng có lúc Ý Nhi lại nhìn cuộc chiến từ mặt trái của tấm huân chương như một sự nhận thức lại quá khứ. Chiến tranh qua đi nhưng sự khốc liệt của nó vẫn không nguôi đeo đẳng, ám ảnh người nữ thanh niên xung phong trong những giấc mơ: “Không hiểu từ bao giờ/ Mỗi khi nghĩ đến chị/ Mỗi khi cố hình dung ra chị/ Tôi luôn thấy chị đang bước vội trong đêm qua miền cát” (Tưởng nhớ). Chiến tranh đã chôn vùi bao ước mơ, dự định bình dị của người phụ nữ: “Trên con đường bỏng khô và đầy đe doạ/ Chị nhớ đến khuôn mặt của con/ Và chị khóc lặng lẽ/ Không ai trông thấy những giọt nước mắt/ Chị nghĩ đến một miền quê rất xa không cát sóng/ Nơi bắt đầu cuộc đời chị/ Bài đầu tình yêu của chị/ Chị nhận về mình những đau thương, chia lìa, mong nhớ/ Như bất cứ ai đang sống cùng thời” (Tưởng nhớ, Ý Nhi)...
Nếu sự hi sinh mất mát trước đây được coi là bước vào còi bất tử, là hóa thân cho sự trường tồn của đất nước thì thơ nữ những năm đầu thời hậu chiến lại thấm đẫm nước mắt. Tất nhiên đó không phải là sự phủ nhận và không bao giờ được phép phủ nhận giá trị của thơ viết về sự hi sinh ở giai đoạn trước. Sự đối sánh này
cần phải hiểu là sự khác biệt giữa tâm thế người đang trong cuộc chiến và người đã vừa đi ra khỏi cuộc chiến. Với sự hi sinh của người phụ nữ còn đau đớn biết bao khi nơi hậu phương chị vẫn còn để lại đứa con thơ. Như thế, thái độ phản chiến càng trở nên gay gắt khi nó được nhìn lại qua cảm nhận của người phụ nữ.
Những ảo tưởng trước đây về một cuộc sống đủ đầy thời hậu chiến dần tan vỡ khi con người phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và những tất bật trong đời thường. Những khó khăn của thời kinh tế bao cấp kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của con người. Tồn tại trong xã hội ấy, người phụ nữ cũng thể hiện những băn khoăn dao động thậm chí còn mất niềm tin: “Sống làm chi lương ba cọc ba đồng/ viết báo làm thơ kiếm từng xu vẫn loay hoay không đủ” (Yêu đời, Phan Thị Thanh Nhàn). Người phụ nữ luôn phải lo toan vất vả trong gánh nặng áo cơm: “quần của con xuống gấu/ gạo hết, lo xếp hàng” (Ngày thường, Ý Nhi). Xuân Quỳnh cũng không ngại ngần khi nói về những khó khăn của người phụ nữ trong thời đại bao cấp: “Cuộc sống ngặt nghèo phải tính sao đây/ Gạo, mắm, củi, dầu chia thế nào cho đủ” (Thơ vui về phái yếu). Đôi lúc, chị lại ý tứ hơn khi nhìn vào hiện thực: “Em đi qua hiệu sách ngoại văn/ Cô bán sách ngồi sau quầy lặng lẽ / Trong tủ kính sách nằm yên tĩnh thế/ Nào ai hay bão táp ở từng trang/.../ Hoa mỉm cười giễu người qua phố/ Đang giấu trong áo ấm niềm lo” (Trời trở rét, Xuân Quỳnh).
Người phụ nữ bằng những nhạy cảm phái tính của mình đã cụ thể hóa khao khát đổi mới xã hội của con người đương thời. Bài thơ “Người lính” của Ý Nhi còn bày tỏ lo ngại sự tha hóa của con người trước lối sống thời kinh tế thị trường. Con người sống ích kỉ, vô cảm với nhau: “Ôi cuộc đời thường nhật đã hiện ra/ Đúng như thể bao lần anh mong mỏi/ Nhưng đó là giấc mơ/ Đó là điều anh chưa thể tới/ Chưa bao giờ anh có đủ thời gian/ Trong những lán che, trong những căn hầm/ Anh qua tháng ngày của mình trong đạn lửa/ Trong cơn sốt, trong cái đói giày vò/ Trong làn súng kẻ thù đe doạ/ Anh giữ nơi tay ngọn cờ xung trận/ Anh đã nghĩ đến cái chết/ Như bao lần anh nghĩ về cách sống/ Tiếng còi tàu đã vang lên như tiếng còi báo động/ Anh quay nhìn thành phố/ Và thoáng qua gương mặt anh lời từ biệt”. Người lính hôm qua là người anh hùng, là trung tâm của xã hội. Họ bước đi với khí thế hiên ngang, ngoan cường. Nhưng trở về với đời thường, họ trở nên ngơ ngác, lạc lòng.
Chiến tranh kéo dài đã khiến con người phải sống quen với nó để khi kết thúc, họ không thể hòa nhập được với cuộc sống đời thường.
Như vậy, thơ nữ trong khoảng mười năm sau chiến tranh đã có sự vận động đáng kể trong ý thức nữ quyền. Trạng thái tâm lí cùng với những hoàn cảnh xã hội thời bình là nguyên nhân kéo ý thức nữ quyền về trạng thái ban đầu của nó với những biểu hiện về phái tính của người phụ nữ. Những cây bút vốn trưởng thành trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ như Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi… đã thể hiện sâu sắc những suy tư của người phụ nữ về những vấn đề cấp bách của thời đại. Và với cái tôi cá nhân mạnh mẽ cùng những dự cảm mang tính thế sự, các cây bút đã làm nên một diện mạo riêng của thơ nữ những năm trước đổi mới.
Có thể bạn quan tâm!
- Ý Thức Về Quyền Sống Của Người Phụ Nữ
- Người Phụ Nữ Với Cái Tôi Trữ Tình Thời Thơ Mới (1932 - 1945)
- Ý Thức Nữ Quyền Trong Thơ Nữ Giai Đoạn Từ 1945 Đến 1975
- Bản Năng Nữ Như Một Sự Thể Nghiệm Tận Cùng Bản Thể
- Số Lượng Bài Thơ Nói Về Nhu Cầu Giải Phóng Bản Năng
- Số Lượng Bài Thơ Thể Hiện Khao Khát Làm Mẹ
Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.
Tiểu kết Chương 2
Trở lên, chúng tôi đã trình bày khái quát những biểu hiện của ý thức nữ quyền trong thơ nữ từ khi xuất hiện nền văn học viết (thế kỉ X) đến trước Đổi mới (1986). Kể từ khi hình thành, diện mạo văn học nước ta đã có những bước thăng trầm tùy theo hoàn cảnh riêng của mỗi giai đoạn lịch sử. Cùng với sự vận động của ý thức xã hội, ý thức nữ quyền trong sáng tác của các cây bút nữ đã có sự vận động đi lên từ tự phát đến tự giác. Một đặc điểm của thơ mang nội dung ý thức nữ quyền giai đoạn này là dù tồn tại dưới dạng thức nào và trong hoàn cảnh nào đi nữa, thơ nữ vẫn mang những đặc điểm khu biệt riêng so với văn học đượng thời bởi nó được tạo nên từ cách cảm, cách nghĩ của người phụ nữ. Điểm gặp gỡ giữa thơ nữ các thời kì chính là những nỗ lực “quẫy đạp”, đấu tranh của người phụ nữ để một nửa thế giới phải lắng nghe tiếng nói và chia sẻ những trăn trở của họ về quyền sống của con người. Quá trình đó được xem là sự vươn lên đòi quyền bình đẳng và tự khẳng định mình của người phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử văn học dân tộc.
Chương 3
CÁC CẤP ĐỘ THỂ HIỆN Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG THƠ NỮ VIỆT NAM GIAI ĐOẠN TỪ 1986 ĐẾN NAY
Sau làn sóng nữ quyền thứ nhất và thứ hai, làn sóng nữ quyền thứ ba với nhiều tư tưởng mở rộng và tương phản với các quan niệm trước đây, đã đề cao tự do ở người phụ nữ, chủ trương không nên lấy những chuẩn mực đàn ông làm chuẩn mực cho mình mà phải tùy theo khả năng để phát triển chính mình. Nếu Simone de Beauvoir kêu gọi phụ nữ cần từ bỏ địa vị “tha nhân”, khẳng định chủ thể độc lập, vươn tới hình mẫu của đàn ông, thì Luce Irigaray cho rằng phụ nữ không phải tha nhân, giải pháp cho vấn đề phụ nữ không phải là “đồng hóa” (với đàn ông) mà là dị biệt, nữ khác nam, cần khẳng định chủ thể nữ giới đặc trưng của mình, đòi hỏi cách ứng xử trên phương diện bình đẳng. Như vậy, vấn đề nữ quyền đặt ra ở đây là lấy sự khác biệt giới tính làm nền tảng. Loại bình đẳng này không phải là nữ giới đi vào lĩnh vực của nam giới, dùng những tiêu chuẩn của nam giới để đòi quyền lợi của nữ giới mà là xu hướng đấu tranh để đạt quyền về sự tôn trọng và khác biệt giới. Đi sâu vào bản sắc giới và lấy đó làm cơ sở của sự khác biệt là nền tảng của đấu tranh giải phóng nữ quyền trong địa hạt thơ ca nói riêng, văn học nói chung. Đây cũng là một nội dung được các nhà thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay đề cập khá phổ biến trong thơ từ ý thức xác xác lập bản thể nữ đến xác lập một cách nhìn thế giới bằng nhãn quan nữ. Điều này sẽ được chúng tôi tập trung triển khai, phân tích và đánh giá trong việc chỉ ra các cấp độ thể hiện ý thức nữ quyền của các nhà thơ nữ giai đoạn này.
Trong Chương 3, chúng tôi tập trung vào khảo sát và phân tích những biểu hiện cơ bản của ý thức nữ quyền trong sáng tác của đội ngũ nhà thơ nữ ở Việt Nam sau 1986 đến nay. Về cách thống kê, chúng tôi tiến hành thao tác phân chia theo những biểu hiện cơ bản có tính lặp lại mang đặc điểm loại hình trong số tác phẩm được khảo sát. Tuy nhiên, những biểu hiện mà chúng tôi trình bày thành hệ thống luận điểm dưới đây chỉ dựa trên sự chia tách tương đối để phân tích. Hành trình thơ ca của đội ngũ tác
giả nữ từ sau 1986 trở lại đây có những biểu hiện khá phức tạp, một bài thơ có thể hàm chứa nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau. Chính vì vậy, khi tiến hành thống kê, chúng tôi căn cứ vào những biểu hiện cụ thể của cảm xúc, đặc điểm nào nổi bật hơn thì xếp tác phẩm về phía biểu hiện đó để tiện cho việc phân tích.
Về hệ thống bảng biểu, ở những nội dung mà việc lượng hóa có thể tiến hành được và có ý nghĩa nhất định nào đó thì chúng tôi sẽ đưa ra bảng số liệu thống kê cụ thể. (Trong khi khảo sát, ở những tác giả có từ hai tập thơ trở lên, nếu có sự trùng lặp đơn vị bài thơ giữa tập sau với tập trước thì chúng tôi chỉ tính một lần cho đơn vị bài thơ đó). Nếu nội dung nào mà việc lượng hóa không thực sự cần thiết, chúng tôi chỉ khảo sát định tính và sẽ có những biện giải cần thiết.
3.1. HÀNH TRÌNH XÁC LẬP BẢN THỂ NỮ
Văn học nữ quyền không phải là văn học mang nội dung nữ quyền mà là: ý thức, phản kháng và giải trung tâm. Đó là ý thức chấp nhận thân phận người nữ như là một đặc thù tâm sinh lí nhưng phản kháng lại mọi bất công mang tính lịch sử và văn hóa dành cho nữ giới, từ đó giải trung tâm nam quyền với những thiết chế cũ với cái nhìn lệch lạc, triệt tiêu bản thể nữ. Bởi vậy, hành trình xác lập bản thể nữ là nấc thang đầu tiên nhằm khẳng định đặc thù giới, xác tín cá biệt nữ. Hành trình này được các nhà thơ nữ Việt Nam đương đại diễn ngôn bằng việc tự ý thức về thân thể nữ, khẳng định thiên tính nữ và nhìn sâu hơn vào bản năng nữ. Ở cấp độ nào, các tác giả nữ đương đại cũng cho thấy một cái nhìn chân thật, một cách thể hiện trung thực và một nội hàm mang giá trị nhân văn sâu sắc.
3.1.1. Tự ý thức về thân thể nữ như một ưu thế thiên tạo
Khi xem vấn đề vóc dáng của người phụ nữ được đề cập đến trong thơ như một biểu hiện của ý thức nữ quyền không hẳn là sự suy luận từ nội tại văn bản tác phẩm. Biểu hiện này còn cần được lí giải như một trạng thái ý thức xã hội. Thực tế nghiên cứu xã hội học gần đây đã cho thấy nhu cầu chiêm ngưỡng thân thể người phụ nữ đang diễn ra ngày càng cao. Chẳng hạn như ảnh nude trở thành một loại hình nghệ thuật hoặc người ta dùng mọi cách để thu hút sự chú ý của xã hội hướng về việc nhìn ngắm thân thể mình. Không khó tìm thấy những cụm từ “show hàng”,
“lộ hàng” trên mạng internet là vì thế. Ở đây chưa bàn tới tính chất chuẩn mực hay lệch chuẩn dưới cái nhìn đạo đức mà nó phản ánh một cách nhìn, một quan niệm mới của người phụ nữ thời hiện đại về chính bản thân họ.
Phái nữ luôn đi cùng với phái tính. Người phụ nữ từ khi sinh ra đã được trời phú cho một vẻ đẹp hấp dẫn đầy cuốn hút với những đường cong gợi cảm. Phái nữ vì thế đồng nghĩa với phái đẹp. Ý thức được mình đẹp và kiêu hãnh về điều đó chính là một giác ngộ cao về giá trị của giới nữ. Từ ý thức sâu sắc này, các nhà thơ nữ đã không ngần ngại phô diễn vẻ đẹp của mình và phái mình lên trang thơ một cách kiêu hãnh. Thân thể nữ với những đường cong đầy ám gợi đã trở thành đối tượng khám phá của những cây bút nữ đương đại: “Em xinh đẹp như vùng đất mới/…/ Những đường cong khỏa vào sóng chữ” (Say nắng, Vi Thùy Linh) “Bao bọc em chiết xuất nữ tính đặc thù/ Để em cứ mãi thon thả vẻ đẹp không vội vã” (Hồng hồng tuyết tuyết, Vi Thùy Linh). Họ hiểu được thế mạnh giới mà thượng đế ban tặng, hiểu được những uy lực kì diệu của nhan sắc. Họ hiểu được sức hấp dẫn của những vẻ đẹp vĩnh cửu mang tên bản thể nữ. Đó là một sức mạnh có thể làm khuất phục mọi uy quyền“Uy lực của em/ Một vẻ đẹp không luật lệ” (Mai, Dư Thị Hoàn). Đó là một “hiểm họa được tôn vinh”, được phụng thờ: “Kiêu hãnh dưới mặt trời/ Sắc đẹp - hiểm họa được tôn vinh” (Bản đồ tình yêu, Vi Thùy Linh)…
Phô diễn vẻ đẹp ngoại hình, thân thể được xem là thế mạnh của các cây bút nữ những năm gần đây. Có lẽ vốn được mệnh danh là phái đẹp nên các nhà thơ nữ đã chú ý đến những điểm nhấn đầy ấn tượng trên cơ thể mình như một đặc ân của tạo hóa ban cho để khẳng định vai trò và sự tồn tại của mình trong thế giới. Họ ý thức được sức hấp dẫn tự nhiên của mình như những ưu thế thiên tạo. Họ không ngần ngại phô diễn những đường nét trên cơ thể mình lên trang thơ với ngòi bút tả nhiều hơn gợi. Sự “giải y” ấy là biểu hiện cao nhất của ý thức về vẻ đẹp tự nhiên thiên phú đầy nữ tính của giới mình. Hơn thế nữa, họ còn tỏ ra hãnh diện khi biến những điểm nhấn ấy thành hấp lực trước phái mạnh. Những hình khối trước đây Nguyễn Du miêu tả bằng thứ diễn ngôn hoa mĩ “Rò ràng trong ngọc trắng ngà/ Dày dày sẵn đúc một tòa thiên nhiên” thì nay được Phạm Thị Ngọc Liên vén bức màn ước lệ thời trung đại để
người phụ nữ thời hiện đại mặc dù hiện lên trong đêm nhưng vẫn mang vẻ đẹp đến sững sờ: “Em xuống biển trần truồng/ vòng hông loang ánh bạc/ như thủy thần rung chuông/…/ ngực tròn như đồi trăng” (Trăng và biển). Ở đây, người phụ nữ trong bài thơ bước đi với tâm thế hoàn toàn chủ động. Không một chút vướng bận, người phụ nữ ấy tự tin đến thản nhiên trước khung cảnh thiên nhiên khoáng đạt. Người phụ nữ mang vẻ đẹp của con người từ thuở hồng hoang khi khỏa thân, trút bỏ xiêm y hay chút bỏ toàn bộ những ràng buộc đạo đức để được là chính mình, vẻ đẹp của người nữ mang sức mạnh của biển, mang vẻ đẹp thơ mộng của trăng. Vì thế vẻ đẹp ấy không còn ở dạng tiềm năng mà phát lộ trực tiếp khi người nữ ý thức về nó như sức mạnh của một vị thần.
Thoát khỏi mặc cảm thân xác, quan niệm thân xác là cái tầm thường, cái dơ bẩn không có giá trị gì so với tinh thần, phụ nữ hiện đại nhận thức được vẻ đẹp hình thể đặc biệt là các bộ phận nhạy cảm giúp đời sống tình dục thăng hoa. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi ngay sau tiếng thơ mở màn của Phạm Thị Ngọc Liên, hàng loạt nhà thơ nữ sau 1986 đã không ngần ngại tự “cởi trói” mình để chủ động phô diễn vẻ đẹp hình thể trên diễn đàn thơ ca nước nhà. Từng đường nét bộ phận của cơ thể mình từ làn da, mái tóc, bàn tay, đôi môi, đôi chân đến bụng, ngực, mông, thậm chí là cả những phần kín nhạy cảm khác đều được họ thể hiện lên trang thơ một cách tự nhiên, thậm chí là táo bạo. Ví như, ngực là một sự ám gợi từ trong vô thức của các nhà thơ nữ. Nó được xem như hiện thân của sự khát khao, là nơi mang chứa sức mạnh muốn được bung phá. Có lẽ đây cũng là lí do khiến nhiều nhà thơ nữ chú ý đến điểm nhấn này. Trong thơ Vi Thùy Linh, ngực trở thành nơi khởi nguyên của tiếng gọi vừa cháy bỏng, vừa cuồng nhiệt: “Cảm thấy tiếng gọi lan trên hai bầu vú” (Thiếu phụ và con đường). Ngực là niềm trắc ẩn, là nơi dồn nén nỗi đau trong thơ Phan Huyền Thư khi: “Nụ hôn gióng căng ngực miền trắc ẩn”. Ngực còn là hình ảnh siêu thực, là bầu nhức nhối trong thơ Ly Hoàng Ly: “Mở mãi, muốn mở mãi/ Mở bầu ngực vẫn trắng, không đêm/ Mở mãi, muốn mở mãi/ Bầu ngực này căng đêm” (Mở nút đêm). Hành động “mở mãi” vừa siêu thực lại rất thực. Nó phản ánh một ý thức bấn loạn, chất chứa đầy ẩn ức đang muốn được giải tỏa.
Dòi theo hành trình thơ Vi Thùy Linh, bạn đọc không khó bắt gặp những đường nét gợi hình, gợi cảm của người phụ nữ được tiếp cận với một cự li gần, trên nhiều điểm nhấn khác nhau từ mắt, môi, thịt, răng, eo, chân, đường cong… đều dập dìu trong từ trường ái tình. Nào là “Từ nơi khởi nguyên/ Lửa mọc mầm theo đường cong thân thể”, “Tấm lưng khóc, rung mọi đường kinh tuyến”, “Những bàn tay khỏa thân như những con buồm trắng” đến “cặp đùi muốt”, “cặp đùi bơ vơ”… và hàng loạt cụm từ gợi sự khỏa thân đã làm cho thơ Linh mở ra thiên đường xác thịt lụa là ẩm ướt. Đây chính là những dấu ấn thân xác hiện hữu cho quyền năng khao khát hoan lạc của bản thể nữ. Bằng cách phơi bày chúng như một sự khám phá cảm giác, các nhà thơ nữ đã xé toạc được bức bình phong đầu tiên giam hãm thân thể người nữ, dậy lên ý thức tính dục mang tính nữ từ cội sâu bản thể.
Mặc dù đề cập đến vóc dáng thân thể của người nữ nhưng xét trên mặt bằng chung của thơ nữ đương đại, đa số các cây bút không đi quá xa, không gây phản cảm với người đọc như phần lớn các bài thơ trong tập “Dự báo phi thời tiết” của nhóm Ngựa trời. Hơn thế, thơ nữ Việt Nam sau 1986 tạo ấn tượng nơi bạn đọc không phải bằng hành động thô bạo, đơn giản là lột trần những người đàn bà. Vẻ đẹp của người phụ nữ ở đây được biểu hiện cụ thể, sinh động, tinh tế, thoát ra khỏi cái nhìn dung tục để hướng đến và khẳng định giá trị mang tính nhân văn của nữ giới.
3.1.2. Khát vọng tình yêu như một thiên tính nữ vĩnh cửu
Phụ nữ vốn sống bằng cảm xúc, trái tim phụ nữ được nuôi dưỡng bằng tình yêu. Tình yêu trở thành nguồn sống, thành mục tiêu hướng đến của người phụ nữ. Cho nên không có gì phải ngạc nhiên khi các nhà thơ nữ nói chung, các nhà thơ nữ Việt Nam đương đại nói riêng dành nhiều trang viết của mình để nói nhiều về tình yêu. Bởi với họ, tình yêu thương là điều có ý nghĩa nhất, tình yêu thương là khởi nguyên của mọi hạnh phúc, là sự khẳng định sự tồn tại của mỗi cá thể. Cho nên, họ sẵn sàng vượt qua mọi rào cản của định kiến giới để chủ động chờ đợi và chủ động dâng hiến cho tình yêu. Điều này trở thành bệ phóng để thức tỉnh những phần sâu kín nhất của người phụ nữ, giúp họ trở về với bản thể nữ một cách tự nhiên và tự do.