Ý Thức Nữ Quyền Trong Thơ Nữ Giai Đoạn Từ 1945 Đến 1975

được thể hiện rất rò nét, rất chân thực song cũng rất sinh động. Họ sống, tồn tại trong một không gian thôn quê nên dường như họ mang trong mình những nét đẹp rất mộc mạc, trong sáng, đậm đà chân quê. Đó trước hết là những cô thôn nữ, cô gái tát nước, cô gái làng, những chàng trai mộc mạc, bình dị… Mỗi người làm những công việc khác nhau song họ đều mang đậm vẻ duyên dáng, hồn hậu, chân thật. Ở trong không gian trong trẻo ấy, tình yêu cũng thật chân thành và mộc mạc nhưng cũng thắm vị ngọt ngào: Chú rể thẹn, ngập ngừng đưa bước chậm/ Quần chúc bâu sột soạt chưa phai hồ/ Áo nâu thắm cô dâu nghiêng nón thấm/ Đôi má đào trào lệ nhớ nhà cô” (Đám cưới).

Nhìn chung, ý thức nữ quyền trong thơ nữ thời phong trào Thơ mới có phần nhẹ nhàng hơn so với các nhà thơ nữ thời trung đại. Mặc dù con người vẫn tồn tại trong một xã hội đầy mâu thuẫn nhưng với đặc trưng của chủ nghĩa lãng mạn, người nghệ sĩ không chủ trương chống lại hoàn cảnh như văn học hiện thực cách mạng sau này. Cô đơn trong cuộc đời, họ chỉ còn biết tìm đến tình yêu như một điểm tựa, một cứu cánh. Nhưng dù sống rất nhiều với tình yêu, mơ mộng rất nhiều với tình yêu, họ vẫn không gặp may. Dù vậy, tấm lòng vẫn cứ thuỷ chung, cái thuỷ chung chỉ có được ở những người phụ nữ phương Đông “Bến xanh, xanh vẫn ngóng trông tháng ngày” (Thuyền đi, Vân Đài). Tuy nhiên, bên cạnh sự ảm đạm tuyệt vọng, các sáng tác thơ nữ trong giai đoạn này cũng mang đến cho thi đàn những nét vẽ tươi sáng được cảm nhận từ cái tôi giàu nữ tính. Những cảnh quê, tình quê hồn hậu trong trẻo đươc cảm nhận từ cái nhìn của Anh Thơ và Hằng Phương như một suối nguồn mát mẻ xua đi sự ảm đạm, ủy mị vốn là một trong những xúc cảm thẩm mĩ chủ đạo trong thơ ca lãng mạn.

Nói tóm lại, ý thức nữ quyền trong thơ nữ thời Thơ mới chỉ dừng lại ở sự chủ động thể hiện tình cảm của người phụ nữ trong thời kỳ cái tôi cá nhân thức tỉnh.

Như vậy, trong những thập kỉ đầu thế kỉ XX, ý thức nữ quyền trong thơ nữ vẫn được kế thừa từ truyền thống văn học nữ thời trung đại. Mặc dù có giai đoạn ý thức nữ quyền được đề cập một cách trực tiếp, có giai đoạn lại thu mình vào cái nhìn phái tính nhưng những suy tư về thời đại, những cảm nhận về thế giới qua đôi

mắt trong trẻo của người phụ nữ vẫn là những đóng góp quan trọng của các nhà thơ nữ vào quá trình đòi quyền bình đẳng cho người phụ nữ và sự phát triển của văn học dân tộc.

2.3. Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG THƠ NỮ GIAI ĐOẠN TỪ 1945 ĐẾN 1975

Đã có nhiều ý kiến cho rằng văn học Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ không tồn tại ý thức nữ quyền. Lí do là sau cách mạng tháng Tám, chúng ta đã thực hiện nam nữ bình quyền và được cụ thể hóa trong chính cương, sách lược của Đảng và sau này là Hiến pháp năm 1946. Tuy nhiên, theo chúng tôi, văn học Việt Nam trong 30 năm đất nước có chiến tranh vẫn tồn tại ý thức nữ quyền. Đó là việc người phụ nữ giai đoạn này tiếp tục kế thừa khuynh hướng “nam hóa” nữ giới ở giai đoạn trước nhưng ở trong một hoàn cảnh mới. Đó là giai đoạn người phụ nữ trở thành người chiến sĩ trong đội quân cách mạng đứng lên đánh đuổi kẻ thù xâm lược. Chiến tranh giờ đây không phải là chuyện của người đàn ông hay của riêng cá nhân ai. Bởi đó là cuộc chiến mang tên chính nghĩa của tình yêu quê hương đất nước và khát vọng hòa bình, độc lập và tự do.

2.3.1. Người phụ nữ với thái độ nhập cuộc

Đối mặt với nhiệm vụ bức thiết của cộng đồng, giới nữ Việt Nam đã sát cánh cùng giới nam trong suốt hai cuộc chiến tranh. Những lằn ranh phân cách giới tạm thời bị mờ đi, trong đó có cả lằn ranh xã hội và lằn ranh tự nhiên. Chiến tranh đã kéo người phụ nữ ra khỏi môi trường tự nhiên là cuộc sống đời thường. Cùng gồng mình lên, hướng về một mục tiêu chung, ý thức công dân đặt trên ý thức cá nhân, huy động tối đa ý chí như nam giới, nữ giới chấp nhận một nền văn học mô phỏng, và có lẽ không chỉ mô phỏng nam giới mà mô phỏng tiếng nói, ý nghĩ, xúc cảm của cả một cộng đồng để hoàn thành nghĩa vụ của một công dân khi đất nước lâm nguy. Cách mạng tháng Tám thành công đã làm thay đổi đặc điểm văn học với những quan niệm thẩm mĩ mới. Sự kiện lịch sử trọng đại này đã tạo ra sự chuyển biến trong sự nghiệp sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ. Họ đã nô nức hòa mình vào đời sống chiến đấu, “đi từ thung lũng đau thương ra cánh đồng vui” (ý thơ của Chế

Lan Viên). Thơ ca giờ đây không còn là thế giới khép kín của những tâm trạng cá nhân mà trở thành “trận tuyến” và “anh chị em nghệ sĩ cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (ý kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi triển lãm mĩ thuật năm 1951). Cùng với các nhà thơ nam, nhiều cây bút nữ cũng hòa mình vào hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc được thể hiện qua thái độ nhập cuộc của nhân vật trữ tình.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 181 trang tài liệu này.

Đầu tiên phải kể đến quá trình nhập cuộc của những nhà thơ nữ thời tiền chiến. Người phụ nữ giờ đây xuất hiện trong vai trò công dân với nhiều vị trí khác nhau trong xã hội. Đó là người phụ nữ miệt mài từng đường kim mũi chỉ để may áo trấn thủ: “Em gửi áo này ra mặt trận/ Ai người mặc áo biết hay không/ Đêm nay gió buốt gian nhà trống/ Thiếu áo nhưng em chẳng lạnh lùng” (Áo trấn thủ, Vân Đài). Rò ràng từ người phụ nữ yếu lòng trước cách mạng giờ đây trở nên cứng cỏi hơn trước. Những tác nhân trước đây gợi lên sự cô đơn lạnh lẽo thì giờ đây trở thành bất lực trước một người phụ nữ đã tìm thấy cho mình lí tưởng sống. Anh Thơ cũng nhập vào vai một người phụ nữ Vũ Lăng để phản ánh hiện thực đời sống của một vùng quê nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Cũng như bao gia đình khác trên đất nước này, người dân Vũ Lăng cũng lớp lớp lên đường chiến đấu bảo vệ quê hương đất nước: “Vũ Lăng ai cũng như ai/ Chồng đi tù chết, con trai xa nhà/ Làng tôi còn những đàn bà/ Với nương cấy bắp, với mùa tầm thơ” (Kể chuyện Vũ Lăng, Anh Thơ). Hình tượng thơ là sự vận động đi từ bóng tối đến ánh sáng, vừa thể hiện được hiện thực đau thương nhưng cũng tràn đầy niềm tin cho một ngày mai tự do, hạnh phúc. Hình tượng người phụ nữ Vũ Lăng là đại diện cho bà mẹ cách mạng, cho hình ảnh người phụ nữ những năm chiến tranh.

Là thế hệ lớn lên trong chiến tranh, các nhà thơ nữ thời kỳ chống Mĩ cũng nhanh chóng hòa mình vào dòng thác cách mạng. Những người con gái mười tám đôi mươi như Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mĩ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn... cũng viết lên những bản anh hùng ca về cuộc vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Thế hệ các nhà thơ nữ thời kỳ này đã chứng tỏ một sức viết dồi dào. Có thể kể đến như Xuân Quỳnh với các tập Chồi biếc, Hoa dọc chiến hào, Gió Lào cát trắng; Phan Thị Thanh Nhàn

Ý thức nữ quyền trong thơ nữ Việt Nam giai đoạn từ 1986 đến nay qua một số trường hợp tiêu biểu - 9

với “Hương thầm”; Lâm Thị Mĩ Dạ với “Trái tim sinh nở”… Đọc thơ nữ thời kỳ chống Mĩ, ta thấy người phụ nữ trẻ có mặt khắp các chiến trường, từ hậu phương đến những tuyến lửa ác liệt. Họ đã sống, gắn bó với hiện thực cuộc sống trong chiến tranh. Tâm hồn thơ của họ không xa lạ với những khắc nghiệt của chiến tranh. Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ là những nhà thơ sẵn sàng đi vào tuyến lửa để tìm cảm hứng cho sáng tạo thơ ca. Các chị sẵn sàng sống hầm, ngủ hầm và làm thơ giữa mưa bom bão đạn. Thậm chí như Xuân Quỳnh từng chia sẻ: “Tôi sẵn sàng đem hiến cả đời tôi/ Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa” (Gió Lào cát trắng). Và mặc dù đang phải đương đầu với mưa bom bão đạn nơi chiến hào, bằng niềm tin của một người phụ nữ, Xuân Quỳnh đã hình dung ra ngày chiến thắng nhưng sự hình dung đó là sự nhắc nhở con người không bao giờ quên những năm tháng ác liệt và đẹp nhất của tuổi trẻ: “Nhưng từ đáy lòng ta - ta vẫn nhớ/ Rằng gần, xa đâu đó có con đường/ Khi những con đường chính bị bom/ Nó đã mở giữa rừng sâu/ Trong những ngày chống Mỹ” (Chuyện con đường sau những năm chống Mĩ). Những khó khăn trên bước đường hành quân trong “Gió lào cát trắng” cũng không làm hao mòn ý chí kiên cường của người phụ nữ: “Dưới bom đạn gió Lào vẫn thổi /Và trên cát lại thêm cồn cát mới/ Cỏ mặt trời lăn như bánh xe/ Cuộc đời tôi có cát chở che/ Khi đánh giặc cát lại làm công sự/ Máu đồng đội và máu tôi đã đổ /Trên cát này mà gió quạt vừa se” (Gió Lào cát trắng)...

Người phụ nữ trong thơ Phan Thị Thanh Nhàn cũng sẵn sàng từ bỏ tất cả để đến với chiến trường ác liệt để “chỉ một niềm riêng da diết: mở đường”. Người phụ nữ ấy dám mạnh mẽ hi sinh hạnh phúc riêng, thậm chí những gì thiêng liêng nhất của cuộc sống riêng tư cho sự nghiệp chung của dân tộc: “Con đâu biết đêm nay là lần cuối/ Mẹ gần con rồi sẽ đi xa/ Phút này đây con nằm ngon giấc/ Mẹ bồn chồn nghe còi giục ngoài ga(Nói chuyện với con trước khi đi).

Có thể thấy, những cây bút nữ nhưng các chị đã không đứng bên lề chiến tranh mà sẵn sàng đi đến những nơi được xem là “điểm nóng”, sống và chiến đấu cùng quân dân nơi tuyến lửa ác liệt. Những vần thơ hay nhất của các chị đã ra đời trong hoàn cảnh đó. Bên cạnh việc phản ánh những nỗi đau, sự tàn phá hủy diệt của

chiến tranh, các chị đã khẳng định một quan điểm sống mạnh mẽ và vững vàng trong thời đại cách mạng: sẵn sàng hi sinh những tình cảm cá nhân để chiến đấu cho sự nghiệp chung của dân tộc, sẵn sàng có mặt trên tất cả các chiến trường từ hậu phương đến tiền tuyến. Và một điều đặc biệt là bên cạnh những vần thơ đầy ắp những sự kiện, những lo âu, trăn trở bao giờ cũng ẩn chìm một vẻ đẹp đằm thắm, giàu nữ tính.

2.3.2. Người phụ nữ với ý thức công dân

Chân dung tinh thần của người phụ nữ đi qua cuộc chiến tranh được tô đậm ở sự lựa chọn dấn thân tự nguyện vào cuộc chiến tranh. Người phụ nữ hòa mình vào lí tưởng cộng đồng với vai trò là một công dân, một tế bào trong khối đại đoàn kết dân tộc. Thơ nữ những năm cả nước lên đường đánh giặc mang đầy đủ những biểu hiện của ý thức công dân có trong thơ của các nhà thơ nam cùng thời.

Yêu đương vốn được xem là chuyện riêng tư cá nhân của đôi bên nam nữ. Song, tình yêu của người phụ nữ giai đoạn này cũng là sự hòa hợp giữa tình yêu cá nhân với tình yêu non sông Tổ quốc. Chính yêu cầu phục vụ cách mạng, cổ vũ chiến đấu không cho phép mỗi cá nhân trong cộng đồng ấy đứng một mình. Hơn nữa, xét ở góc độ phản ánh, cuộc kháng chiến vĩ đại đến mức nó đi vào tất cả các góc độ riêng tư nhất của tình cảm. Thơ là tiếng nói của tình cảm nên dù là thơ về tình yêu, ở thời ấy vẫn dễ dàng tìm thấy bóng dáng của một thời đánh giặc. Thơ tình yêu của phái nữ thời chống Mĩ gắn liền với nhiệm vụ cách mạng, có nghĩa là cái riêng đã hòa vào cái chung: “Ta nào quên thời chúng ta sinh/ Mọi con đường mang nỗi đau đạn lửa/ Con đường đỏ bùn ngụy trang cũng đỏ/ Con đường xanh màu lá ngụy trang xanh/ Từ con đường này em viết cho anh” (Viết trên đường 20, Xuân Quỳnh). Những năm tháng “đất nước có chung tâm hồn, có chung khuôn mặt”, nỗi nhớ trong tình yêu của người phụ nữ cũng trở nên chung chung, hao hao một dáng hình, một dáng đi, một ánh mắt: “Ô kìa ai đến là quen/ Bộ quân phục cũ, mũ mềm, trán cao/ Dáng đi nhanh nhẹn làm sao/ Mắt nhìn xa, bước tự hào hiên ngang/ Mừng vui em gọi vội vàng/ Ai ngờ lúc đến gần hơn em nhầm/ Một ngày không biết mấy lần/ Bâng khuâng em tự cười thầm: vẩn vơ/ Rò ràng anh ở rất xa/ Sao em lại cứ ngỡ là gần bên?” (Nhớ, Phan Thị Thanh Nhàn). Người ta yêu nhau là

mong mỏi nhau trở thành đồng chí của nhau, đúng như câu thơ của Tố Hữu: “Hai đứa hôn nhau hai người đồng chí”. Chúng ta không lạ khi cô gái trong thơ Lâm Thị Mĩ Dạ lại sợ lời khen của người yêu mà muốn “anh đừng khen em” vì: “Hãy chỉ cho em cái kém/ Để em nên người tốt lành/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em chăm chút đời anh…/ Tình yêu khắt khe thế đấy/ Anh ơi anh đừng khen em” (Anh đừng khen em)...

Đối mặt với cái chết, người phụ nữ cũng không hề run sợ. Hình ảnh người phụ nữ ngã xuống cũng được miêu tả như hành trình đi vào còi bất tử để “hóa thân cho dáng hình xứ sở”. Với “Khoảng trời hố bom”, Lâm Thị Mĩ Dạ đã tạc vào lịch sử thơ nữ bức tượng đài bi tráng về sự anh dũng hy sinh của người phụ nữ trong thời đại Hồ Chí Minh: “Chuyện kể rằng: Em, cô gái mở đường/ Để cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương/ Cho đoàn xe kịp giờ ra trận/ Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa/ Đánh lạc hướng thù hứng lấy luồng bom”.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp đã nhận xét: “mĩ học thơ ca thời kì chống Mĩ là mĩ học về cái hùng, cái cao cả. Cái bi dù được nói đến nhưng chỉ có ý nghĩa như một nhân tố để làm nổi bật cái tráng, làm cho chân dung lịch sử hiện lên sống động hơn và ấn tượng hơn” [31]. Cái chết của người nữ thanh niên xung phong vì thế được kể như một huyền thoại. Khi đứng trước sự lựa chọn nghiệt ngã giữa sự sống và cái chết, cô gái anh hùng đã chọn sự hi sinh cao cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì lí tưởng cách mạng, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu. Đây là nét đẹp sáng ngời của hình tượng mang tính sử thi. Hình ảnh cô gái mở đường là đại diện đầy đủ cho tầm vóc, ý chí khát vọng của đất nước, dân tộc Việt Nam. Ta hiểu sự hi sinh ấy mang lại sự sống cho nhiều người, nhiều thế hệ và vì thế cái chết trở thành sự hóa thân của nữ liệt sĩ vào còi bất tử. Lâm Thị Mỹ Dạ viết tiếp: “Có phải thịt da em mềm mại trắng trong/ Đã hóa thành những vầng mây trắng/ Và ban ngày khoảng trời ngập nắng/ Đi qua khoảng trời em/ Vầng dương thao thức/ Hỡi mặt trời hay chính trái tim em trong ngực/ Soi cho tôi ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài/ Tên con đường là tên em gửi lại/ Cái chết em xanh khoảng trời con gái/ Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em/ Gương mặt em bạn bè tôi không biết/ Nên mỗi người có gương mặt em riêng...”.

Thái độ nhập cuộc và ý thức công dân trong thơ nữ bắt nguồn từ yêu cầu khách quan của lịch sử. Tuy phải hy sinh cá tính nhưng hai cuộc chiến tranh, ngược lại đã trở thành ngọn lửa thử vàng để người phụ nữ phát huy sức mạnh bản thân.

2.4. Ý THỨC NỮ QUYỀN TRONG THƠ NỮ TỪ 1975 ĐẾN 1985

Thoát khỏi chiến tranh, người phụ nữ trở về với cuộc sống hàng ngày, cảm hứng ngợi ca, chất sử thi trong văn học dần được thay thế bằng những suy tư về thế sự, đời tư là đặc điểm chung của nền văn học những năm trước đổi mới. Thơ nữ thời hậu chiến cũng không nằm ngoài quy luật đó.

2.4.1. Người phụ nữ với cái tôi trữ tình mang ý thức cá nhân

Sự trỗi dậy của ý thức cá nhân trong thơ nữ thời hậu chiến là sự thức tỉnh trước hết trong đời sống tình cảm của người phụ nữ sau nhiều năm chiến tranh. Tất nhiên trong chiến tranh, người phụ nữ vẫn được yêu nhưng họ không dám và không được nói thật lòng mình. Sự phát triển của thơ tình giai đoạn này đã cho thấy rất rò sự vươn lên mạnh mẽ của ý thức cá nhân người phụ nữ.

Tình yêu của người phụ nữ thời hòa bình là một thế giới riêng tư với nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau đan xen giữa hạnh phúc và khổ đau, chia li và đoàn tụ, hoài nghi và dối lừa… Đọc thơ Xuân Quỳnh, người đọc có thể bắt gặp một cái tôi trữ tình tha thiết, chân thành, giàu nữ tính. Trong thơ của mình, nhà thơ luôn giãi bày thành thực những đam mê, niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống thường nhật với cách cảm, cách nghĩ đặc trưng cho giới mình mà vẫn in đậm dấu ấn cá nhân. Vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân quỳnh là tình yêu thương trìu mến, sự chăm lo chu đáo cho những người thân trong gia đình như chồng, con, mẹ chồng (Hát ru anh những đêm không ngủ, Mẹ của anh). Đặc biệt, chị dành nhiều trang viết của mình cho tình yêu với đầy đủ những cung bậc cảm xúc từ bồng bột, đam mê đến mãnh liệt, sâu lắng. Đọc thơ tình của chị, bạn đọc có thể bắt gặp đầy đủ những trạng thái cảm xúc khác nhau của người phụ nữ khi yêu. Khi thì cô gái lo sợ, hoài nghi trước mỗi cuộc tình (Hoa cỏ may); trong khi hạnh phúc, người phụ nữ đã mường tượng ra sự chia xa (Nói cùng anh), có khi lại là một lời khẳng định sắt son của cô gái đang yêu (Tự hát). Cũng giống như Xuân Quỳnh, tha thiết được hòa nhập vào tận cùng những cung bậc đa diện của tình yêu, thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, Phan Thị Thanh Nhàn, Ý Nhi cũng ẩn

chứa nhiều những khát khao, những cống hiến, tâm nguyện sẵn sàng chấp nhận nỗi đau để thấu hiểu tận cùng thế giới của tình yêu: “Trái tim buốt nhức”, “Nói với trái tim”, “Cho anh dựa vào em”, “Anh đã nhìn thấy em” (Lâm Thị Mỹ Dạ); “Yêu”, “ Một mình”, “Một người”, Nếu anh trở lại” (Phan Thị Thanh Nhàn)... Có thể thấy, thơ tình của các nhà thơ nữ giai đoạn này là sự bộc lộ chân thành những cảm xức từ sâu thẳm trái tim của người phụ nữ. Đó là những tiếng nói sôi nổi, trẻ trung và đầy ắp những trải nghiệm. Tình yêu của họ có đầy đủ những cung bậc cảm xúc đó là lòng thủy chung, luôn sẵn sàng yêu hết mình, cháy hết mình, và luôn khao khát một tình yêu trọn vẹn.

Không chỉ bằng những nhịp đập của trái tim, nhu cầu thức tỉnh cá nhân còn được thể hiện ở sự bất lực khi tìm hiểu những người xung quanh, đặc biệt là đời sống của người phụ nữ. Ý Nhi đã cố gắng cụ thể hóa tình trạng này bằng hình tượng “Người đàn bà ngồi đan”: “Không thở dài/ không mỉm cười/ chị đang giữ kín đau thương/ hay là hạnh phúc/ lòng chị đang tràn đầy niềm tin/ hay ngờ vực”. Bản thể người phụ nữ mang trong mình sự bí ẩn và phức tạp, một sự phức tạp vốn có trong đời sống cảm xúc của con người. Bởi lẽ mỗi con người giờ đây là một tiểu vũ trụ. Vẫn là một thực thể tồn tại nhưng nó đã có sự vênh lệch giữa con người bên trong và con người bên ngoài, giữa ý thức và ngôn ngữ nhiều khi không ăn khớp với nhau.

Sự bừng nở của đời sống cá nhân đã tạo tiền đề cho sự hình thành ý thức nữ quyền mang màu sắc phái tính trong thơ nữ giai đoạn này. Đó là những cá tính mạnh mẽ, dám quyết đoán, nói thẳng, nói thật những suy nghĩ của mình về bản thân mình. Lê Thị Mây đã tự ru mình, ru nỗi buồn lặng lẽ ngủ yên: “Hãy ngủ yên nỗi buồn/ Như con cá đuôi vàng sau đêm sinh nở” (Nỗi buồn). Người phụ nữ đã có lúc mềm yếu như Xuân Quỳnh cũng tự tin khẳng định vai trò của mình: “Em chỉ là ngọn cỏ dưới chân qua/ Là hạt bụi vô tình trên áo/ Nhưng nếu sáng nay em không đong được gạo/ Chắc chắn buổi chiều anh không có cơm ăn” (Thơ vui về phái yếu). Ngay trong lãnh địa tình yêu người phụ nữ cũng muốn sống “đích thực là em” một cách trọn vẹn nơi trần thế: “Em giành lấy những gì đã mất đã muộn/ Bằng rung cảm, hoài nghi nhưng đích thực là em” (Nghi ngờ)...

Xem tất cả 181 trang.

Ngày đăng: 22/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí