Chính sự lệch lạc trong quản lý chất lượng tín dụng, cộng với sản phẩm dịch vụ không khai thác hết tiềm năng nên thời gian gần đây đa số các NHTM CP rơi vào tình trạng thiếu hụt thanh khoản nghiêm trọng, dẫn đến tình trạng chạy đua lãi suất huy động vốn. Tỷ trọng huy động vốn ngắn hạn với kỳ hạn từ 1-3 tháng chiếm hơn 90%, làm cho tính thanh khoản vốn đã yếu lại càng mỏng manh hơn, dễ đổ vỡ hơn, đẩy NHTM CP vào tình trạng buộc phải lo thanh khoản hàng ngày và chấp nhận chi phí vốn cao hơn rất nhiều so thị trường. Các biện pháp này vừa vi phạm quy định NHNN, vừa làm cho chi phí vốn tăng cao và chất lượng tài sản nợ ngày càng xấu đi.
2.3.7. Hạn chế về ứng dụng công nghệ thông tin
Trong những năm qua, mặc dù các NHTM CP trên địa bàn có nhiều cố gắng trong việc nâng cao trình độ kỹ thuật, áp dụng thành tựu công nghệ thông tin hiện đại, nhưng nhìn chung, công nghệ và kỹ thuật kinh doanh còn hạn chế, trình độ quản trị điều hành chưa cao, thiếu thông tin thị trường, khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế, đây là những khó khăn lớn nhất đối với các NHTM CP trong bối cảnh cạnh tranh và hội nhập.
Trong khi các NHNNg có mặt tại Việt Nam đều từ những quốc gia có nền kinh tế phát triển lâu đời và khoa học công nghệ tiên tiến, nên có ưu thế vượt trội so với các NHTM Việt Nam về công nghệ, trình độ quản lý, khả năng tiếp cận thị trường, v.v. thì việc đầu tư cho công nghệ thông tin của các NHTM CP trên địa bàn còn khá yếu. Cụ thể để phát triển ngân hàng bán lẻ, thông thường một NHTM CP hiện nay, ứng dụng công nghệ ở mức trung bình phải chi từ 2 triệu USD, công nghệ hiện đại cần từ 5-10 triệu USD. Theo khảo sát mới gần đây thì các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM, chỉ có 32% số NHTM có mức độ ứng dụng công nghệ đạt trên 70%, còn 12% số NHTM ứng dụng công nghệ từ 30%-50%, 8% số NHTM có mức độ ứng dụng công nghệ dưới 30%. Kinh phí đầu tư, theo nhiều chuyên gia, không phải là khó khăn lớn nhất. Vấn đề là, khi ngân hàng chưa mạnh, kênh phân phối hạn chế, doanh số và lợi nhuận chưa thật nhiều, thì
cũng e ngại đầu tư vào công nghệ vì tốn kém. Hệ lụy là một khi không đầu tư thì khó cung cấp được các dịch vụ ngân hàng bán lẻ hiện đại [11].
2.3.8. Hạn chế về hệ thống mạng lưới và hợp tác quốc tế
Năm 2008, NHNN ban hành quyết định số 13/2008/QĐ-NHNN về mạng lưới hoạt động của NHTM. Mục đích của quy định này là kiểm soát tốc độ tăng trưởng mạng lưới của các NHTM bằng việc tăng số vốn điều lệ cần đáp ứng khi mở thêm chi nhánh (100 tỉ đồng tương ứng với một chi nhánh ở địa bàn Hà Nội và TPHCM, 50 tỉ đồng tương ứng một chi nhánh ở các địa bàn còn lại). Trước đó, điều kiện mở mạng lưới của các NHTM được xem là quá dễ dãi, quyết định 888/2005/QĐ-NHNN yêu cầu vốn điều lệ cần để mở thêm một chi nhánh chỉ có 20 tỉ đồng. Mặc dù đã được điều chỉnh, nhưng tốc độ mở rộng mạng lưới của các NHTM mấy năm qua ngày một nhanh, đặc biệt là các ngân hàng nhỏ. Có những ngân hàng chỉ khoảng 20 điểm giao dịch vào năm 2008 thì đến nay mạng lưới đã lên đến hàng trăm điểm giao dịch. (xem bảng 2.11).
Tuy nhiên nếu nhìn rộng hơn thì mạng lưới của các NHTM CP gần như chỉ tập trung trong nước ngoại trừ Sacombank mở chi nhánh sang Lào và Campuchia. Điều đó cho thấy hầu hết NHTM CP trên địa bàn chỉ mới đủ sức hoạt động trong nước mà chưa đủ lực để mở rộng ra khu vực với các nước khác như: Indonesia, Malaysia, Thailand hoặc Singapore. Bên cạnh đó mạng lưới cũng chỉ tập trung tại các khu dân cư đông đúc, tại các thành phố lớn hoặc thị tứ nên cũng không phát huy tác dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng và cũng không khai thác hết năng lực đầu tư.
Có thể bạn quan tâm!
- Tình Hình Nhân Sự Một Số Nhtm Cp Trên Địa Bàn Đến 2011
- Thống Kế Số Lượng Sản Phẩm Dịch Vụ Chủ Yếu Của Nhtm Cp
- Tăng Trưởng Vốn Và Lợi Nhuận Một Số Nhtm Cp Tại Tp. Hcm
- Chiến Lược Phát Triển Ngành Ngân Hàng Việt Nam Đến Năm 2020
- Hội Đồng Quản Trị Tập Đoàn Và Các Hội Đồng/ Ủy Ban Trực Thuộc
- Hoàn Thiện Cơ Cấu Tổ Chức, Bộ Máy Quản Lý Và Phát Triển Nhân Lực
Xem toàn bộ 233 trang tài liệu này.
Một vấn đề khác liên quan đến hiệu quả đầu tư là nếu tính đúng, tính đủ thì không phải điểm giao dịch nào của ngân hàng cũng hoạt động hiệu quả, tuy nhiên ngân hàng vẫn duy trì, ngại thu gọn lại vì sợ ảnh hưởng thương hiệu.
Trong khi HSBC sở hữu hơn 10.000 văn phòng, 312.000 nhân viên tại 83 quốc gia tại 5 khu vực Châu Âu, Hồng Kông, các nước khác thuộc khu vực Châu
Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả khu vực Trung Đông và Châu Phi; Bắc Mỹ và Nam Mỹ; hay hiện nay OCBC có trên 310 chi nhánh và văn phòng đại diện tại 15 quốc gia.
Tương tự với việc mở rộng quan hệ đại lý với các ngân hàng trên thế giới, ngoại trừ Eximbank có 852 ngân hàng đại lý tại 80 quốc gia; ACB có 10.050 ngân hàng đại lý tại trên 90 quốc gia; Sacombank có 10.550 ngân hàng đại lý với 311 ngân hàng ở 81 quốc gia, SCB có 3.149 ngân hàng đại lý tại 86 quốc gia và vùng lảnh thổ, còn lại các NHTMCP khác rất ít có quan hệ đại lý như ABB chỉ có 450 ngân hàng đại lý, Viet Nam Tin Nghia bank có 40 ngân hàng đại lý ở nước ngoài. Sở dĩ các ngân hàng mới thành lập sau năm 2000 có vốn điều lệ ít, thời gian hoạt động ngắn nên chưa đủ uy tín, thương hiệu và năng lực nghiệp vụ để các ngân hàng đối tác ở nước ngoài chấp thuận đặt quan hệ hợp tác.
2.3.9. Nguyên nhân hạn chế
Mọi hạn chế đều có những nguyên nhân riêng của nó và bắt nguồn từ nhiều phía khác nhau, khách quan lẫn chủ quan. Qua khảo sát tác giả cho rằng các hạn chế trên do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Việt Nam hiện đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà trong đó tập trung ưu tiên cho sản xuất công nghiệp, chuyển đổi nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu sang công nghiệp phát triển nên một thời gian dài chưa đánh giá hết mức độ quan trọng và tầm ảnh hưởng của lĩnh vực tài chính ngân hàng. Điều này thể hiện ở Nghị định 80 – 81 của chính phủ chỉ tập trung ưu tiên hình thành, phát triển các TĐKT mà chưa quan tâm sâu sắc đến tập đoàn TC-NH.
Trong khi trên thế giới sáp nhập ngân hàng đã diễn ra từ nhiều năm trước mà trong đó có những vụ sáp nhập mang tính lịch sử như năm 1988, thương vụ mua lại ngân hàng Bank America Corp của NationsBank đã trở thành vụ sáp nhập ngân hàng lớn nhất tính tới thời điểm đó với tổng giá trị là 64 tỷ USD. Tháng 9/2000, Ngân hàng Chase Manhattan (Mỹ) mua lại JP Morgan với giá 36
tỉ USD và đổi tên thành JP Morgan Chase & Co. để trở thành ngân hàng lớn nhất của Mỹ.
- Hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam chưa hội nhập sâu rộng vào hệ thống tài chính ngân hàng khu vực cũng như thế giới. Trình độ phát triển của các NHTM Việt Nam còn thấp so các ngân hàng trong khu vực.
- Thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam chưa phát triển hoàn hảo nên chưa đủ sức thúc đẩy các NHTM CP tìm kiếm một mô hình thích hợp hơn là sử dụng các mô hình hiện tại để phát triển.
- NHNN chưa có những định hướng cũng như những hỗ trợ mạnh mẽ thúc đẩy NHTM nói chung và NHTM CP nói riêng phát triển thành những tập đoàn tầm cỡ khu vực hay thế giới. Hầu hết các NHTM chỉ định hướng là những ngân hàng, tập đoàn ngân hàng hàng đầu của Việt Nam.
- Một nguyên nhân quan trọng nữa là khả năng kiểm soát của NHNN đối với các NHTM. Khả năng kiểm soát dòng tiền chưa chặt chẽ nên không nhận diện kịp thời được đồng vốn đang chảy như thế nào giữa các NHTM, nhất là các NHTM CP, cũng như không nhận diện kịp thời các rủi ro tiềm ẩn trong việc sở hữu chéo giữa các NHTM để có những ngăn chặn kịp thời hoặc thúc đẩy phát triển theo hướng tích cực hơn.
- Tiến trình hội nhập quốc tế chậm so các nước khu vực cũng là một trong những nguyên nhân hạn chế sức phát triển NHTM.
- Về kinh nghiệm để phát triển thành các ngân hàng lớn như megabank những năm 2000 hay phát triển thành các tập đoàn tài chính lớn đến mức “too big to fail” thì việc sáp nhập, hợp nhất phải xảy ra giữa các ngân hàng lớn với nhau, như Chase Bank mua lại ngân hàng đầu tư Robert Fleming Holdings của Anh trị giá 7.7 tỷ USD vào tháng 4/2000. UBS của Thụy Sỹ đã mua lại công ty môi giới PaineWebber trị giá 12 tỷ USD. Trước đó HSBC đã có hơn 50 vụ mua bán lớn nhỏ mà chủ yếu là mua lại các ngân hàng ở nhiều nước để mở rộng hoạt
động và tầm ảnh hưởng. Điển hình như năm 1992, HSBC bỏ ra 9,7 tỷ USD mua lại Ngân hàng Republic National Bank of New York (Mỹ). Năm 2000, HSBC thôn tính CCF (Pháp) và năm 2003, tiếp tục mua tập đoàn tài chính Household International (Mỹ) với giá 15 tỷ USD. Năm 2004, HSBC mua 19,9% cổ phần của Bank of Communications (có trụ sở Thượng Hải), NHTM lớn thứ 5 Trung Quốc, với giá 1,75 tỷ USD và năm 2005, mua lại 19,9% của tập đoàn tài chính - Bảo hiểm Ping An Insurance.
Trong khi đó ở Việt Nam qua các lần hợp nhất, sáp nhập cũng chỉ xảy ra giữa các NHTM cở nhỏ, trung bình và chỉ phạm vi trong nước nên không làm thay đổi đáng kể về vốn, tài sản, thị trường cũng như năng lực quản trị điều hành của các ngân hàng sau sáp nhập. Sacombank sáp nhập với Ngân hàng Nông thôn Thạnh Thắng năm 2001 chỉ tăng thêm 5 tỷ vốn điều lệ, tức là chỉ hơn 3% vốn điều lệ hiện có của Sacombank. Hay Ngân hàng Phương Nam sáp nhập với một số NHTM CP nông thôn cũng không làm thay đổi đáng kể quy mô vốn chủ sở hữu, có chăng là lợi ích đến từ mở rộng mạng lưới, thương hiệu và khác hàng tăng lên theo cấp số cộng.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 2
Trong chương 2 luận án đề cập đến quá trình hình thành và phát triển của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nhìn chung trong quá trình hình thành và phát triển suốt hơn 60 năm hệ thống ngân hàng Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho nền kinh tế phát triển, nhất là những năm đầu mới thành lập và giai đoạn sau 1975. Mặc dù còn nhiều bất cập xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng đó là một tất yếu khách quan của quá trình phát triển đời sống kinh tế xã hội.
Trong chương 2 cũng đề cập sự ra đời của các NHTM CP, đánh dấu bước ngoặc quan trọng trong việc đa dạng hóa các hình thức sở hữu, đa dạng hóa loại hình hoạt động ngân hàng cùng với các định chế tài chính tín dụng trong và ngoài nước. Hợp thành hệ thống tổ chức tín dụng trên cả nước, các NHTM CP đã sớm khẳng định vị trí vai trò quan trọng trong nền kinh tế, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng, góp phần ổn định tiền tệ và hơn hết, luôn thể hiện sự năng động, sáng tạo hội nhập và phát triển. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực thì một số NHTM CP cũng gây ra những hậu quả nghiêm trọng, xuất phát từ lợi ích nhóm và lạm dụng sơ hở của cơ chế quản lý. Kết quả phải nhờ sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước và không ít ngân hàng phải giải thể, sáp nhập để tồn tại. Đặc biệt là giai đoạn sau khủng hoảng tài chính năm 2008, một số NHTM CP trên địa bàn mất khả năng thanh khoản, nợ xấu tăng cao, vi phạm nghiêm trọng chính sách tiền tệ như lãi suất, tỷ giá…làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế chung.
Từ cơ sở lý luận và khái quát ở chương 1 về mô hình tập đoàn TC-NH trên thế giới, trong chương 2 luận án đi sâu phân tích sự cần thiết phải hình thành các tập đoàn TC-NH trên địa bàn xuất phát từ các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Bên cạnh đó từ lý luận ở chương 1 luận án cũng phân tích các điều kiện “cần” và “đủ” tại Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng khi xây dựng tập đoàn TC-NH từ các NHTM CP trên địa bàn. Trong đó tác giả phân tích thực trạng hoạt động của NHTM CP từ quá trình hình thành phát triển, đến cơ cấu tổ chức, sản phẩm dịch vụ, cơ chế giám sát quản lý, có đối chiếu với mô hình đã giới thiệu ở chương 1 để chỉ ra những điểm phù hợp hoặc chưa phù hợp nhằm làm cơ sở đề xuất cho chương tiếp theo.
Luận án sử dụng các dữ liệu thống kê của một số ngân hàng cổ phần tiêu biểu trên địa bàn như Sacombank, ACB, Eximbank, Saigonbank và EAB để minh họa cùng với các dữ liệu thu thập từ các ngân hàng trong khu vực, qua đó chỉ ra những khoảng cách về tài chính, về hiệu quả hoạt động của ngân hàng Việt Nam mà muốn rút ngắn khoảng cách đó, các ngân hàng phải tái cấu trúc và hoạt động theo mô hình thích hợp.
Trong các nhân tố tác động, thúc đẩy hình thành tập đoàn TC-NH tác giả cũng chỉ ra mối quan hệ hữu cơ các sản phẩm tài chính phái sinh giữa ngân hàng, bảo hiểm và chứng khoán. Ở một ngân hàng đa năng hay một tập đoàn tài chính lớn như HSBC, OCBC thì doanh thu từ dịch vụ, từ các sản phẩm phái sinh ngày càng chiếm này tỷ trọng lớn, không như ở Việt Nam chủ yếu từ hoạt động tín dụng truyền thống. Luận án đã có một số phân tích nhất định mối quan hệ tác động qua lại giữa các lĩnh vực này nhằm làm cơ sở cho việc đề xuất phạm vi hoạt động của tập đoàn mà luận án xây dựng trong chương sau.
CHƯƠNG 3
XÂY DỰNG TẬP ĐOÀN TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG TỪ NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI CỔ PHẦN
TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
3.1. CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI VÀ NGÂN HÀNG VIỆT NAM ĐẾN 2020
3.1.1. Chiến lược phát triển kinh tế xã hội Việt Nam đến năm 2020
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 – 2020 của Việt Nam đã được thông qua với mục tiêu tổng quát là: “phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau.”.
Trong lĩnh vực tiền tệ và chính sách tài chính quốc gia chiến lược đã nêu rõ là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tiếp tục thực hiện hệ thống cơ chế và chính sách phù hợp, đặc biệt là cơ chế, chính sách tài chính, tiền tệ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của nền kinh tế [46].
Trong đó chính sách tiền tệ phải chủ động và linh hoạt thúc đẩy tăng trưởng bền vững, kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền. Hình thành đồng bộ khuôn khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng. Mở rộng các hình thức thanh toán qua ngân hàng và thanh toán không dùng tiền mặt. Điều hành chính sách lãi suất, tỉ giá linh hoạt theo nguyên tắc thị trường. Đổi mới chính sách quản lý ngoại hối và vàng; từng bước mở rộng phạm vi các giao dịch vốn; tăng cường