2.1.1.3. Phát triển nguồn nhân lực trẻ
"Nguồn lực con người" hay "nguồn nhân lực” là chủ đề trong các nghiên cứu trên thế giới và trong nước dưới nhiều góc độ khác nhau, đây là khái niệm được hình thành trong quá trình nghiên cứu, xem xét con người với tư cách là một nguồn lực, là động lực của sự phát triển.
Phạm Minh Hạc cho rằng: “Nguồn nhân lực là tổng thể các tiềm năng lao động của một nước hoặc một địa phương, tức nguồn lao động được chuẩn bị (ở các mức độ khác nhau) sẵn sàng tham gia một công việc lao động nào đó, tức là những người lao động có kỹ năng (hay khả năng nói chung), bằng con đường đáp ứng được yêu cầu của cơ chế chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH” [Phạm Minh Hạc, 2001].
Theo Nguyễn Hữu Dũng: “Nguồn nhân lực được xem xét dưới hai góc độ năng lực xã hội và tính năng động xã hội” [Nguyễn Hữu Dũng, 2003].
Theo tác giả Đặng Cảnh Khanh (2006), “Nói tới nguồn lực con người với tư cách là khách thể của sự khai thác và đầu tư người ta thường nói tới mặt số lượng và chất lượng”, “ phát triển nguồn nhân lực có nghĩa là đề cao vị trí, vai trò của con người trong phát triển, biến con người cá nhân thuần tuý trở thành con người với tư cách nguồn nhân lực, tạo ra những thế hệ mới sống, lao động, học tập, sinh hoạt phù hợp với sự phát triển đất nước” [Đặng Cảnh Khanh, 2006].
Khái niệm "nguồn nhân lực" (Human Resoures) được hiểu như khái niệm "nguồn lực con người", được sử dụng như một công cụ điều hành, thực thi chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực bao gồm dân số trong độ tuổi lao động, có khả năng lao động và những người ngoài độ tuổi lao động có tham gia lao động - hay còn được gọi là nguồn lao động.
Có thể thấy rằng, nghiên cứu nguồn nhân lực ở những góc độ khác nhau chúng ta sẽ có rất nhiều khái niệm, song các khái niệm nêu trên đều thống nhất nội dung cơ bản: nguồn nhân lực là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội. Nghiên cứu nguồn nhân lực không chỉ xem xét đơn thuần về số lượng hay chất lượng mà phải xem xét sự tổng hợp của cả số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, còn nghiên cứu các thế hệ con người với những tiềm năng, sức mạnh trong cải tạo tự nhiên, cải tạo và phát triển xã hội.
Có thể bạn quan tâm!
- Nghiên Cứu Vận Dụng Lý Thuyết Vốn Xã Hội Vào Thực Tiễn
- Nghiên Cứu Về Nguồn Nhân Lực Trẻ Việt Nam, Nguồn Nhân Lực Trẻ Hà Nội Và Thành Phố Hồ Chí Minh
- Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh - 6
- Tình Hình Kinh Tế- Xã Hội Hà Nội Và Thành Phố Hồ Chí Minh
- Tình Hình Kinh Tế - Xã Hội Địa Bàn Thành Phố Hồ Chí Minh
- Đánh Giá Trình Độ Ngoại Ngữ, Tin Học Sử Dụng Trong Công Việc
Xem toàn bộ 225 trang tài liệu này.
Vì vậy, trong nghiên cứu này sử dụng định nghĩa: Nguồn nhân lực gồm tổng thể số lượng và chất lượng con người với các tiêu chí về trí lực, thể lực và phẩm chất đạo đức - tinh thần tạo nên năng lực mà bản thân con người và xã hội đã, đang và sẽ huy động vào quá trình lao động sáng tạo vì sự phát triển và tiến bộ xã hội. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, đề cập đến vốn con người chuyển hóa thành vốn xã hội của nguồn nhân lực trẻ tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tập trung vào hai yếu tố chủ yếu là trí lực và các phẩm chất đạo đức- tinh thần phục vụ trong môi trường công tác:
- Trí lực gồm yếu tố trí tuệ, tinh thần, là tiềm lực văn hoá tinh thần của con người, quyết định không nhỏ đến khả năng sáng tạo của con người. Trí lực có vai trò quyết định sự phát triển nguồn nhân lực trong mọi hoàn cảnh xã hội, đặc biệt là trong thời đại khoa học công nghệ hiện đại.
- Đạo đức cá nhân là tấm gương phản chiếu giá trị và những chuẩn mực đạo đức xã hội. Đạo đức cá nhân phản ánh bản chất của xã hội, lý tưởng đạo đức, lối sống và nếp sống mà xã hội mong đợi cá nhân lĩnh hội và thể hiện trong đời sống của mình trong lao động. Đạo đức gắn với năng lực tạo nên những giá trị cơ bản của nhân cách, chất lượng nguồn nhân lực từ phương diện cá thể đến xã hội.
b. Nguồn nhân lực trẻ
Lê Ngọc Thắng (2015) phân biệt hai khái niệm “Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số” với “Nguồn nhân lực trẻ các dân tộc thiểu số” khi nói đến nguồn nhân lực trẻ các dân tộc thiểu số. Khi nhận thức được rõ ràng sẽ có giải pháp hữu hiệu hơn với việc phát triển nguồn nhân lực trẻ các dân tộc thiểu số… Hai khái niệm này không đồng nhất mặc dù chúng có nhiều điểm tương đồng, theo đó, tuổi trẻ các dân tộc thiểu số là tập hợp những thanh niên có độ tuổi từ 15 đến 34 sinh sống, học tập, lao động trong cộng đồng các dân tộc và các địa phương. Trong khi, nguồn nhân lực trẻ các dân tộc thiểu số có cùng độ tuổi với “Tuổi trẻ các dân tộc thiểu số” nhưng số được đào tạo, có tay nghề, nghiệp vụ chuyên môn tham gia vào hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội chiếm tỷ lệ cao hơn so với khái niệm tuổi trẻ [Lê Ngọc Thắng, 2005].
Nghiên cứu cho thấy, tuổi trẻ chỉ là một phần điều kiện tự nhiên của nguồn nhân lực, để trở thành nguồn nhân lực họ cần phải được đào tạo về chuyên môn nghề nghiệp, phẩm chất chính trị và các yêu cầu khác để có thể sẵn sàng tham gia vào các lĩnh vực hoạt động kinh tế - xã hội khi địa phương và đất nước có yêu cầu. Tuổi trẻ chỉ có thể
trở thành nguồn nhân lực và nguồn nhân lực trẻ khi được đào tạo, học tập văn hoá và chuyên môn nghề nghiệp, rèn luyện phẩm chất đạo đức, rèn luyện sức khoẻ, có chí tiến thủ, không thể đứng ngoài lề xã hội chỉ thích hưởng thụ: ăn chơi, lêu lổng, cờ bạc nghiện hút hoặc tham gia vào các tệ nạn xã hội khác. [Lê Ngọc Thắng, 2005]
Trần Văn Trung (2015) cho rằng để đưa ra quan điểm về nguồn nhân lực trẻ, cần phân biệt nguồn lao động trẻ với nguồn nhân lực trẻ. Tác giả phân biệt như sau
“- Nguồn lao động trẻ: Trước hết là nguồn lực con người ở độ tuổi lao động theo bộ Luật Lao động của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định. Và những người lao động này còn ở độ tuổi thanh niên được quy định trong Luật Thanh niên. Nguồn lao động trẻ là một bộ phận của nguồn nhân lực trẻ và được quy định từ 15 tuổi đến 30 tuổi.
- Nguồn nhân lực trẻ: Là một bộ phận của nguồn nhân lực quốc gia có độ tuổi từ 0 – 30, là toàn bộ thể lực, trí lực, nhân cách, đạo đức, lí tưởng mà bản thân họ và xã hội có thể huy động vào cuộc sống lao động, sáng tạo một cách trực tiếp hoặc lâu dài vì sự phát triển và tiến bộ chung của xã hội” [Trần Văn Trung, 2015]
Dựa trên các định nghĩa về nguồn nhân lực trẻ của tác giả nêu trên, trong luận án sử dụng khái niệm: Nguồn nhân lực trẻ được hiểu là cán bộ viên chức, công chức có độ tuổi dưới 35 làm việc trong các tổ chức, cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước (hay còn gọi là cán bộ trẻ làm việc cho cơ quan nhà nước) hoặc làm việc trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước với những đặc điểm, nhân cách, năng lực, sức khỏe có thể tham gia hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế xã hội khác nhau. [Nguyễn Hồi Loan, Nguyễn Thị Kim Hoa và các thành viên, 2015]
c. Phát triển nguồn nhân lực
Nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực được nhiều tác giả bàn luận, theo Nadler & Nadler, phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo là những thuật ngữ có cùng nội hàm “phát triển nguồn nhân lực là làm tăng kinh nghiệm học được trong một khoảng thời gian xác định để tăng cơ hội nâng cao năng lực thực hiện công việc” [Nadler & Nadler, 1990]
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng “Phát triển nguồn nhân lực bao hàm phạm vi rộng hơn, không chỉ là sự chiếm lĩnh lành nghề hoặc vấn đề đào tạo nói chung, mà còn là sự phát triển năng lực và sử dụng năng lực đó vào việc làm có hiệu quả, cũng như thoả mãn nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân”
Yoshihara Kunio coi “con người là nguồn vốn - vốn nhân lực”, ông cho rằng: “Phát triển nguồn nhân lực là các hoạt động đầu tư nhằm tạo ra nguồn nhân lực với số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đồng thời đảm bảo sự phát triển của mỗi cá nhân” [Yoshihara Kunio, 1999].
Ngoài ra, khái niệm phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam được bàn nhiều trong các nghiên cứu về con người, nguồn lao động, nghiên cứu kinh tế …Tác giả Trần Minh Ngọc và cộng sự cho rằng: “Phát triển nguồn nhân lực chính là tạo sự biến đổi về số lượng và chất lượng về thể lực, trí tuệ, kỹ năng, kiến thức, tinh thần của từng người lao động, tạo một cơ cấu đội ngũ nhân lực hợp lý và sử dụng năng lực con người cùng với đội ngũ của họ vì sự tiến bộ kinh tế, xã hội” [Trần Minh Ngọc và cộng sự, 2004]
Cùng với các quan điểm trên, Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh (2008) nhận thấy: “Phát triển nguồn nhân lực là quá trình trang bị kiến thức, kỹ năng, khả năng thuộc một nghề, một chuyên môn nhất định để người lao động sử dụng có hiệu quả chức năng và nhiệm vụ của mình” [Trần Xuân Cầu, Mai Quốc Chánh, 2008]
Xuất phát từ các quan điểm trên, luận án này đề cập đến khái niệm phát triển nguồn nhân lực như sau: Phát triển nguồn nhân lực là phát triển con người nhằm đào tạo, bồi dưỡng và phát huy các phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của xã hội (trong các tổ chức, cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước)
d. Phát triển nguồn nhân lực trẻ
Xuất phát từ cách tiếp cận nguồn nhân lực trẻ và phát triển nguồn nhân lực đã đề cập ở trên, nghiên cứu này đề cập đến phát triển nguồn nhân lực trẻ là phát triển con người, thế hệ trẻ - là cán bộ viên chức, công chức dưới 35 làm việc trong các tổ chức, cơ quan hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc làm việc trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước - nhằm đào tạo, bồi dưỡng, và phát huy các phẩm chất đạo đức, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu của xã hội. Tạo điều kiện để thế hệ trẻ tiếp cận cơ hội học tập, phát triển năng lực, trình độ đáp ứng những tiêu chuẩn, yêu cầu đòi hỏi khách quan của vận động xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
2.1.1.4. Vai trò của vốn xã hội trong phát triển nhân lực trẻ
Xuất phát từ khái niệm vốn xã hội, phát triển nguồn nhân lực và khái niệm vai trò, luận án sử dụng khái niệm và vai trò của vốn xã hội trong phát triển nhân lực vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực như sau:
Vai trò của vốn xã hội trong phát triển nhân lực là việc các cá nhân sử dụng mạng lưới xã hội, quan hệ xã hội có đi có lại, lòng tin để tìm kiếm các thông tin và cơ hội về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao kiến thức, kỹ năng, chuyên môn, nghiệp vụ làm giàu thêm vốn con người, tiếp cận tốt nhất đến cơ hội bổ nhiệm, thực thi công vụ và nâng cao thu nhập cho bản thân.
Vốn xã hội trong phát triển nguồn nhân lực trẻ là quá trình nhân lực trẻ tạo dựng, duy trì và sử dụng các các mạng lưới xã hội, quan hệ có đi có lại, lòng tin, thông qua việc đầu tư vào các quan hệ xã hội trong nhóm, cộng đồng xã hội, nhằm tìm kiếm các cơ hội tuyển dụng, cơ hội được tham gia đào tạo, bồi dưỡng và cơ hội được bổ nhiệm vào các vị trí công tác phù hợp, thực thi công vụ tốt nhất cũng như nâng cao thu nhập.
2.1.2. Các lý thuyết vận dụng trong luận án
2.1.2.1. Lý thuyết vốn xã hội
Các quan điểm tiêu biểu về định nghĩa vốn xã hội có thể kể đến Bourdieu (1986), Coleman (1988), Putnam (1993, 2000), Fukuyama (1995, 1997) và Nahapiet Ghosal (1998) đã được nghiên cứu tổng kết. Các định nghĩa về vốn xã hội tuy khác nhau nhưng lại bổ sung cho nhau, xét về mặt lý thuyết và thực tiễn cho thấy có sự thống nhất ở các điểm sau đây: Thứ nhất, vốn xã hội gắn liền với các mạng lưới xã hội; Thứ hai, vốn xã hội được định nghĩa từ khái niệm nguồn lực, cho đó là một nguồn lực dựa trên mạng lưới xã hội; Thứ ba, vốn xã hội được tạo ra thông qua việc đầu tư vào các quan hệ xã hội để tìm kiếm lợi ích; Thứ tư, vốn xã hội được đề cập đến sự tin cậy (lòng tin, niềm tin) và mối quan hệ qua lại của nguồn lực dựa trên mạng lưới xã hội.
Bên cạnh những quan điểm khác nhau về định nghĩa vốn xã hội nêu trên, các tác giả đề cập nhiều đến mạng lưới xã hội và mối quan hệ của mạng lưới xã hội để tạo nên vốn xã hội, trong đó quan tâm đặc điểm và tính chất của mạng lưới xã hội từ nhiều góc độ tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu tập trung vào hai hướng nghiên
cứu chủ yếu là (1) nghiên cứu định tính, ví dụ như chiều, hướng, vị trí, kiểu, dạng, tính chất và độ tin cậy của các mối liên hệ tạo thành mạng lưới xã hội. (2) nghiên cứu định lượng, ví dụ tần suất tiếp xúc, cường độ giao tiếp, mật độ quan hệ, độ bền vững về mặt thời gian và quy mô, phạm vi phân bố trong không gian của mạng lưới. Mạng lưới xã hội gồm các quan hệ đan xen từ quan hệ gia đình, thân tộc, bạn bè, láng giềng, đến các quan hệ trong tổ chức, đoàn thể, tầng lớp, hiệp hội, đảng phái, nghề nghiệp... trong mạng lưới đó các thành viên trong xã hội có thể trao đổi “cho” và “nhận”, chia sẻ những thông tin, kiến thức, nguồn lực khác nhau từ đó làm tăng sức mạnh cho cá nhân cũng xã hội.
Với những điểm thống nhất về định nghĩa vốn xã hội của các nhà khoa học cho thấy các yếu tố sau cấu thành vốn xã hội: các mạng lưới xã hội, nguồn lực xã hội, quan hệ xã hội dựa trên các chuẩn mực xã hội và lòng tin trong xã hội. Từ đó, khẳng định nó là một loại vốn tồn tại song song cùng nhiều loại vốn khác trong đời sống xã hội. Do vậy, nghiên cứu này dựa vào những quan điểm thống nhất nêu trên, đặc biệt là dựa vào luận điểm vốn xã hội được chuyển đổi thành vốn con người của Bourdieu (1986); Vốn xã hội tạo dựng vốn con người của Coleman (1988); Vốn xã hội dùng để chỉ mạng lưới xã hội, lòng tin, quan hệ có đi có lại giữa các cá nhân, chủ thể hành động của Putnam (2000) để nhìn nhận quá trình tạo dựng, duy trì và sử dụng vốn, cũng như những tác động của vốn xã hội trong việc tiếp cận cơ hội học tập, việc làm và các vị trí công tác của nguồn nhân lực trẻ hiện nay.
Vốn xã hội của Pierre Bourdieu
Vốn xã hội được Bourdieu nhắc đến là một tập hợp của các nguồn lực hiện hữu và tiềm ẩn, có sự liên kết với trạng thái sở hữu của mạng lưới bền vững giữa các mối quan hệ của các thành viên trong nhóm được thể chế hoặc mạnh hoặc yếu của việc biết hay không biết nhau. Bourdieu (1986) định nghĩa “Vốn xã hội là một thuộc tính của mỗi cá nhân trong xã hội và bất cứ ai cũng có thể khai thác vốn xã hội nhằm đem lại các lợi ích kinh tế thông thường Song khả năng thực hiện điều ấy tùy thuộc vào những trách nhiệm xã hội (Social Obligation), móc nối (connection) và mạng lưới xã hội của người ấy” [Bourdieu, P. 1986]
Từ định nghĩa cho thấy ba điểm mà Bourdieu muốn đề cập đến vốn xã hội đó là: thứ nhất, vốn xã hội là sự kế thừa nên vốn xã hội mà cá nhân có được bao gồm
cả những bất lợi, lợi thế mà mạng lưới cá nhân của họ mang lại. Thứ hai, vốn xã hội của cá nhân được tạo dựng thông qua các mối quan hệ của cá nhân đó và sự thừa nhận vị trí của họ trong mạng lưới mà họ là thành viên. Đây chính là sự công nhận lẫn nhau của các thành viên trong mạng lưới, điều này khẳng định thêm địa vị, vị thế xã hội của họ trong mạng lưới, giúp cho cá nhân có thể nhận được những lợi ích mà danh tiếng của dòng họ, của gia đình mang lại cho họ. Thứ ba, vốn xã hội của một cá nhân sẽ được duy trì và gia tăng nhờ các hoạt động của bản thân cá nhân và có thể sử dụng vốn xã hội để chuyển hoá thành vốn kinh tế. Bourdieu cũng cho rằng việc thiếu vốn xã hội là nguyên nhân để có một số cá nhân chịu sự bất bình đẳng trong xã hội. Trong lĩnh vực vốn xã hội các cá nhân vị trí của các cá nhân hoặc của các tổ chức (nhóm xã hội) được xác định thông qua việc phân bố nguồn lực và các quy tắc chi phối việc phân bổ nguồn lực này.
Bourdieu đã đưa khái niệm vốn xã hội trở thành một khái niệm khoa học với cách hiểu “Vốn xã hội là một mạng lưới lâu bền bao gồm các mối liên hệ quen biết nhau và nhận ra nhau, những mối liên hệ này ít nhiều đã được thể chế hóa”. Theo ông, “khối lượng vốn xã hội của một cá nhân cụ thể nào đó phụ thuộc vào mức độ liên hệ rộng hay hẹp mà anh ta có thể huy động được trong thực tế, và vào khối lượng vốn kinh tế, vốn văn hóa hay vốn biểu tượng của từng người mà anh ta có liên hệ” [Trần Hữu Quang, 2006]. Để có được vốn xã hội, cần tập trung vào những điều lợi mà cá nhân có được nhờ tham gia vào các nhóm, vào việc chú ý tạo dựng sự quảng giao nhằm tạo ra nguồn lực này. Ông khẳng định, “những lợi lộc có được là nhờ thành viên một nhóm, là cơ sở cho sự đoàn kết vốn khiến cho có thể có khoản lợi đó”. Điều đó cho thấy, mạng lưới xã hội không phải là một thứ tự nhiên có sẵn cho mà phải được tạo dựng thông qua các chiến lược đầu tư nhằm thể chế hóa các quan hệ nhóm, từ đó dùng làm nguồn vốn đáng tin cậy sản sinh ra các điều lợi khác. Có thể phân chia vốn xã hội thành hai yếu tố: thứ nhất, bản thân quan hệ xã hội, cho phép các cá nhân có quyền tiếp cận những nguồn lực thuộc sở hữu của những người cùng hội với mình; Thứ hai chính là số lượng và chất lượng những nguồn lực. Mặt khác, muốn giành và có được vốn xã hội, phải chú trọng đầu tư đến nguồn lực kinh tế lẫn văn hóa [Đặng Thanh Trúc và cộng sự, 2008]
Bourdieu phân biệt 3 loại vốn là: vốn kinh tế, vốn văn hoá và vốn xã hội, đồng thời cũng chỉ ra mối quan hệ phụ thuộc của ba loại vốn này. Ông cũng cho rằng tất cả
các loại vốn khác nhau đều bắt nguồn từ vốn kinh tế. Và người ta có thể đầu tư các loại vốn này cũng giống như các kiểu đầu tư khác. Bourdieu cho rằng, vốn xã hội được xây dựng và tái hoạt động từ sự đóng góp của ba dạng: vốn kinh tế có được từ thu nhập, nắm giữ và lưu thông kinh tế, tài chính; vốn văn hóa với việc xây dựng và tái tạo các giá trị, các biểu trưng, các di sản; và vốn xã hội gồm toàn bộ các nguồn, các tiềm năng liên quan đến các quan hệ bền vững của thực thể xã hội, tạo nên niềm tin, sự cảm thông, sự gắn kết, hợp tác và những hành động mang tính tập thể. Vốn xã hội nằm ngoài tài sản, vốn tư bản nhưng nằm trong các quan hệ của con người, của các chủ tài sản. Nó thể hiện ra ngoài bằng: 1) niềm tin, sự tin cậy lẫn nhau; 2) sự tương hỗ, có đi có lại; 3) các quy tắc, các hành vi mẫu mực, các chế tài; 4) sự kết hợp với nhau thành mạng lưới [Francis Fukuyama, 2003].
Bourdieu cho rằng vốn xã hội của mỗi cá nhân chính là mối quan hệ qua lại và uy tín của cá nhân đó trong các nhóm xã hội và thực chất nó là mạng lưới xã hội mà cá nhân tạo dựng và duy trì tạo nên vốn xã hội. Một cá nhân có mạng lưới quen biết (trực tiếp hoặc gián tiếp) lớn thì sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc tìm kiếm các cơ hội cũng như khẳng định vị thế, uy tín, tạo niềm tin và các mối quan hệ của họ trong xã hội. Cá nhân có thể tạo dựng thêm vốn xã hội cho mình bằng việc tăng hoạt động của bản thân và có thể sử dụng vốn xã hội để chuyển hóa thành vốn kinh tế.
Bourdieu coi vốn con người gồm kỹ năng và kiến thức của con người. Theo Bourdieu, cá nhân này thành công hơn chỉ là cá nhân khác không chỉ dựa vào sự thông minh hơn hoặc siêng năng đèn sách hơn mà còn dựa vào các yếu tố khác chẳng hạn như mạng lưới xã hội, mối quan hệ qua lại, niềm tin … Vì vậy, theo Bourdieu, đầu tư vào vốn con người cũng có nghĩa là đầu tư vào vốn xã hội và ngược lại.
Vốn xã hội của James Coleman
Coleman cho rằng VXH gồm những đặc trưng của đời sống xã hội như: các mạng lưới xã hội, các chuẩn mực, và sự tin cậy trong xã hội là yếu tố giúp cho các thành viên có thể hành động chung với nhau một cách có hiệu quả nhằm đạt tới những mục tiêu chung [Hirasawa Ayami, 2011]. Ông chia thành ba loại vốn gồm vốn vật thể, vốn con người và vốn xã hội. Ông khẳng định, vốn xã hội chính là sự đóng góp tích cực nên sự hình thành vốn con người. Coleman lý giải vốn xã hội là nguồn lực cấu trúc xã hội mà cá nhân có thể sử dụng như là nguồn vốn tài sản. Ông đưa ra