Khái Niệm Việc Tham Gia Nhóm Phi Chính Thức Trong Học Sinh Trung Học Phổ Thông


Đối với quan điểm xã hội học, theo J.H. Fischer, nhóm là "một tập hợp người có thể nhận thức được, có cơ cấu tổ chức, có tính chất liên tục" [53]. Trong khi đó,

G. Simmel cho rằng mỗi nhóm gồm các cá nhân tương tác với nhau một cách có ý thức vì những mục đích, động cơ và lợi ích khác nhau của họ [11]. Theo đó, nhóm là một tập hợp người, có mối liên kết với nhau, giao tiếp với nhau vì một hoặc nhiều mục tiêu chung. Ở đây, nhóm khác với đám đông, vốn là những tập hợp người đến với nhau một cách ngẫu nhiên.

Những thông số cơ bản nhất của nhóm là thành phần, cấu trúc, các quá trình của nhóm, chuẩn mực và giá trị nhóm. Nhìn chung mỗi đặc trưng của nhóm đều có thể là tiêu chí để phân loại nhóm. Tuy nhiên, do sự phân tán các tiêu chí phân loại gây khó khăn cho việc nghiên cứu nhóm nên các nhà lý thuyết dùng một tổ hợp để phân loại nhóm bao gồm: Mức độ phát triển của văn hóa; Dạng cấu trúc; Nhiệm vụ và chức năng; Dạng tư tưởng chủ đạo; Thời gian tồn tại của nhóm; Nguyên tắc gia nhập; Hình thức hoạt động của nhóm.

Các nhóm có thể là nhóm chính thức hoặc nhóm phi (không) chính thức. Có thể thấy rằng trong mỗi nhóm có các cá nhân được kết nối thông qua các mối quan hệ của họ với nhau; do đó, để biết nhóm nào là chính thức hay phi chính thức sẽ cần xem xét bản chất của mối quan hệ giữa các cá nhân này.

Các nhóm chính thức là nhóm có tổ chức ổn định, có phân công công việc được chỉ định để thiết lập các nhiệm vụ rõ ràng, thường tập hợp những người cùng chung chuyên môn hoặc có chuyên môn gần gũi nhau, tồn tại trong thời gian dài. Trong các nhóm chính thức, mục tiêu của tổ chức là cơ sở thúc đẩy và định hướng các hoạt động cá nhân. Mối quan hệ giữa các cá nhân thường là chính thức và các thành viên trong nhóm được ràng buộc với nhau bởi các quy tắc và thủ tục thường có quy tắc ứng xử. Do đó hành vi của các thành viên phụ thuộc vào các quy tắc và chính sách của nhóm. Việc liên lạc sẽ mang tính chính thức và có thể mất thời gian để đi từ các bộ phận thấp hơn đến các bộ phận cao nhất. Quyền ra quyết định trong một nhóm chính thức thường được đưa ra bởi vị trí cao nhất hoặc người lãnh đạo của nhóm.


Ngược lại, nhóm phi chính thức thường không được cấu trúc chính thức cũng như không được xác định về mặt tổ chức. Loại nhóm này hình thành tự nhiên trong môi trường học tập và làm việc trước nhu cầu giao tiếp xã hội, có thể là tập hợp của những người có chuyên môn không giống nhau và ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Các nhóm phi chính thức thực hiện một chức năng quan trọng là thỏa mãn nhu cầu xã hội của các thành viên: họ có thể cùng nhau chơi thể thao, cùng nhau ăn uống, cùng nhau nghỉ ngơi, cùng nhau đi học/àm hoặc về cùng nhau. Mối quan hệ giữa các cá nhân trong nhóm, mặc dù mang tính không chính thức, song có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi và kết quả làm việc.

Nhóm phi chính thức thường không có các quy tắc và quy định nghiêm ngặt phải tuân theo mà khuyến khích sự tương tác giữa các thành viên và coi trọng các mối quan hệ xã hội. Do đó nó phụ thuộc vào các mối quan hệ xã hội của các cá nhân trong nhóm và hoạt động của nhóm phụ thuộc vào các mối quan hệ tương tác giữa các thành viên. Giao tiếp trong nhóm phi chính thức diễn ra nhanh chóng với mọi người đều tin tưởng và nói cởi mở về suy nghĩ của họ trong các cuộc gặp gỡ. Các quyết định được đưa ra thường được dựa trên tập thể, đối lập với nhóm chính thức. Các nhóm phi chính thức thường linh hoạt và thích nghi với sự thay đổi vì liên tục phát triển và năng động, có sự nhạy cảm cao với môi trường xung quanh.

Tác giả Nguyễn Quý Thanh cũng đề cập tới khái niệm nhóm thành viên như là môi trường quan trọng thứ hai sau gia đình bởi nhóm thành viên rất đa dạng, có nhiều nội dung [30]. Một điểm đáng chú ý ở nhóm thành viên là tính tương tác của các thành viên thông thường cao hơn. Ở môi trường nhà trường hay truyền thông đại chúng, thông thường cá nhân chỉ nhận thông tin và đóng góp ngược lại rất hạn chế. Tuy nhiên, ở các nhóm thành viên, các thành viên có vai trò lớn hơn, vị trí cao hơn nên đóng góp cũng đáng kể hơn. Bởi vậy, nhiều thành viên có thể cảm thấy yêu thích các nhóm này, tham gia tích cực vào nhóm này, đặc biệt khi họ có vấn đề với các môi trường khác. Chẳng hạn, những học sinh không thích việc học, thường bị thầy cô mắng; gia đình có mâu thuẫn, bố mẹ đang ly thân/đã ly dị sẽ có thể tích cực tham gia các nhóm bạn phi chính thức mà ở đó họ được thoải mái chia sẻ, tìm thấy

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 179 trang tài liệu này.


niềm vui chẳng hạn nhóm chơi điện tử. Đây là một thực tế khá phổ biến trong xã hội hiện nay nhưng từ hướng tiếp cận chủ lưu, nơi thường coi trọng các thiết chế chính thống như gia đình, nhà trường, các nhóm thành viên, đặc biệt là nhóm bạn, nhóm phi chính thức, không được xem xét kỹ càng, dẫn đến việc đánh giá thấp ảnh hưởng của những nhóm này lên các thành viên.

Việc tham gia nhóm phi chính thức và hành vi sai lệch của học sinh THPT tại thành phố Hà Nội - 8

Từ đó, nhóm phi chính thức (informal groups), còn được gọi là nhóm không chính thức, có thể được xác định là một cấu trúc xã hội được hình thành trên cơ sở các quan hệ không chính thức (các quan hệ tình cảm – tâm lý) đan xen vào nhau nhằm thỏa mãn các nhu cầu nào đó của các thành viên, chẳng hạn: nhóm bạn thân, nhóm yêu thể thao, du lịch [4]. Như vậy, nhóm phi chính thức bao gồm một tập hợp năng động các mối quan hệ cá nhân, mạng xã hội, cộng đồng có chung mối quan tâm và nguồn động lực cảm xúc.

Mối quan hệ trong nhóm phi chính thức có một đặc tính là “có qua có lại” [44]. Berndt cho rằng những lợi ích liên quan đến mối quan hệ đồng đẳng và thân hữu trong các nhóm phi chính thức khác nhau tùy thuộc vào chất lượng của mối quan hệ [46]. Một mối quan hệ có chất lượng có thể giúp cho trẻ vượt qua khó khăn khi phải thay đổi và có thể tạo nên sự khác biệt đối với cách trẻ cảm nhận về bản thân, trường học và bạn bè của chúng theo hướng gắn với cảm giác hạnh phúc, hài lòng trong cuộc sống và lòng tự trọng.

Do vậy mối quan hệ đồng đẳng và thân hữu từ nhóm phi chính thức rất quan trọng bởi vì mọi người có nhu cầu “gắn kết” sâu sắc. Việc hình thành mối quan hệ có ý nghĩa với những người khác được nhận định là sẽ tạo điều kiện cho cảm giác liên quan, kết nối và thuộc về. Tình trạng bị từ chối trong mối quan hệ như vậy cũng có liên quan đến lòng tự trọng kém hơn sau này ở cá nhân; trong khi những đứa trẻ có bạn thân thiết có xu hướng cảm thấy tốt hơn về bản thân, hòa đồng hơn, thân thiện hơn, hạnh phúc hơn và ít có xu hướng bị bắt nạt [45].

Theo đó, nhóm phi chính thức của học sinh trung học phổ thông được đề cập tới trong nghiên cứu này là một cấu trúc xã hội gồm các cá nhân tập hợp cùng nhau và tương tác một cách có ý thức và trên cơ sở tự nguyện, nhằm thỏa mãn các nhu


cầu nào đó của các thành viên về thông tin, tình cảm hoặc tâm lý. Nhóm phi chính thức không có văn bản quy định cụ thể về tổ chức, cơ cấu nhân sự, phân công nhiệm vụ, đăng ký thành viên. Các đặc tính nổi bật gắn với nhóm phi chính thức bao gồm tính dễ gần, dễ gia nhập, dễ chia sẻ và bộc lộ, ít ràng buộc và dễ giải thể, tính năng động và dễ thay đổi, dễ gây ảnh hưởng tới các thành viên, và dễ chịu tác động của bối cảnh xã hội xunng quanh. Các nhóm phi chính thức tồn tại gắn với các hệ giá trị và phản giá trị được chia sẻ trong các thành viên, như nhóm trò hư/trò giỏi, nhóm thích/không thích một thầy/cô nào đó, nhóm hành động theo một sở thích nhất định (về thể thao, thời trang, thẩm mỹ, hành vi bắt nạt…), nhóm theo giới tính hoặc điều kiện sống…


2.1.3. Khái niệm Việc tham gia nhóm phi chính thức trong học sinh trung học phổ thông

Trong các từ điển tiếng Anh, dường như có hai cách giải thích chính về khái niệm tham gia. Hướng diễn giải đầu tiên mô tả sự tham gia theo nghĩa đơn thuần là có mặt tại một sự kiện hoặc địa điểm, hướng thứ hai mô tả việc tham gia tích cực hơn, giống như việc tham gia vào một vấn đề hoặc một sự kiện. Pelling đã nhấn mạnh rằng sự tham gia là một khái niệm gây tranh cãi về mặt ý thức hệ, nó tạo ra một loạt các ý nghĩa và cách vận dụng khác biệt [74]. Điều này dẫn đến sự tồn tại của nhiều quan điểm khác nhau về cách xác định sự tham gia, đối tượng dự kiến sẽ tham gia, dự kiến đạt được những gì và nó sẽ mang lại hiệu quả như thế nào [42].

Tổ chức Y tế Thế giới đã nêu ra định nghĩa về sự tham gia là “sự trải nghiệm vào một tình huống cuộc sống ([85], trang 9) của mọi người trong bối cảnh thực tế mà họ đang sống. Mở rộng ra từ định nghĩa này thì việc tham gia được định nghĩa là sự bao hàm vào một tình huống cuộc sống trong một bối cảnh giao tiếp tự do mà người tham gia có khả năng chịu trách nhiệm và chủ động để đóng góp cho những tương tác và việc ra quyết định.

Từ đó, Agarwal đã đưa ra một cái nhìn sâu sắc về các phạm vi đa dạng của khái niệm về sự tham gia trong định nghĩa của mình: "Ở phạm vi hẹp nhất sự tham


gia được định nghĩa về mặt tư cách thành viên danh nghĩa, và rộng nhất được hiểu là quy trình tương tác năng động, trong đó tất cả các bên liên quan, ngay cả những người thiệt thòi nhất, đều có tiếng nói và ảnh hưởng trong việc ra quyết định" [42].

Như vậy, có thể hiểu việc tham gia nhóm phi chính thức của học sinh THPT được nhận diện thông qua tư cách thành viên của một cá nhân được các thành viên trong nhóm đó thừa nhận, và là một quá trình tương tác năng động của mỗi thành viên trong nhóm trên cơ sở nhận thức được về vai trò, lợi ích của nhóm và của bản thân khi hiện diện trong đội ngũ thành viên của nhóm.


2.1.4. Khái niệm Hành vi sai lệch


Trong nghiên cứu xã hội học, sự sai lệch xã hội là một hiện tượng xã hội và có các cấp độ khác nhau. Sự sai lệch xã hội có liên quan đến những điều bất thường trong quá trình xã hội hóa của mỗi cá nhân, khi đó bản thân cá nhân có những vấn đề trong mối quan hệ xã hội, trong tương tác xã hội. Việc xem xét sai lệch xã hội phải được đặt trong mối quan hệ với chuẩn mực xã hội bởi vì sai lệch xã hội chính là những hành vi của các cá nhân, của nhóm người nào đó hoặc lĩnh vực hoạt động cơ bản của con người không phù hợp với những gì được coi là bình thường của cộng đồng.

Các chuẩn mực là cơ bản để định nghĩa và nghiên cứu về độ lệch, tức là khả năng xảy ra sai lệch tồn tại trong mọi chuẩn mực hoặc quy tắc. Ranh giới về cách thức và thời điểm hành vi được hiểu là sai lệch liên tục thay đổi theo quan điểm của công chúng và quan điểm của nhiều nhóm khác nhau. Phạm vi của chuẩn mực rất rộng, từ pháp luật quy định các hành vi được phép làm trong xã hội tới các quy tắc bất thành văn trong nhóm nhỏ. Tuy nhiên, không phải mọi cá nhân đều tuân theo các chuẩn mực của xã hội, của nhóm mà ngược lại, có thể tuân theo những chuẩn mực riêng. Nếu những chuẩn mực riêng này mâu thuẫn, đối lập với các chuẩn mực của xã hội thì được coi là sai lệch chuẩn mực xã hội hay còn được gọi là lệch chuẩn.

Như vậy, nói ngắn gọn, hành vi sai lệch là sự vi phạm các chuẩn mực hoặc các quy tắc đã được chấp nhận của một nhóm xã hội hay của một xã hội nhất định.


Sai lệch xã hội cũng đòi hỏi phải xem xét trong từng bối cảnh cụ thể của một nhóm, một cộng đồng, một quốc gia nhất định, đồng thời trong một không gian, thời gian nhất định ([16], trang 285-286).

Emile Durkheim được coi là đã đặt điểm khởi đầu cho những phân tích đương đại về sai lệch xã hội. Ông góp công lớn trong việc mô tả mối liên hệ phức tạp giữa tội phạm, sai lệch và sự khác biệt. Ông cho rằng cả ba hiện tượng này đều là sự bất tuân các chuẩn mực xã hội (social norms) và sự sai lệch là hiện tượng phổ biến không thể tránh khỏi. Tiếp nối ý tưởng của Durkheim, các nhà xã hội học là những người tiên phong định nghĩa khái niệm sai lệch. Mc Laguhlin và Muncie quan niệm “Sự sai lệch là một khái niệm xã hội học, đề cập đến tất cả các biểu hiện (hành vi, thực tại, hành động, cách ứng xử, thái độ, niềm tin, phong cách, hoặc trạng thái) được coi là vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực, đạo đức và sự mong đợi của xã hội” (2011:11). Đồng tình với định nghĩa này, Anthony Gidden cho rằng có thể định nghĩa “sự sai lệch như là sự không tuân theo các chuẩn mực đã được chấp nhận bởi số đông người trong cộng đồng hoặc xã hội (2006:14) (dẫn lại từ [29], trang 108-109).

Như vậy, hành vi sai lệch hay sự làm sai lệch là một ý niệm phức tạp, một hiện tượng nảy sinh trong xã hội, phát triển trong đời sống xã hội, chịu ảnh hưởng và tác động từ nhiều hiện tượng khác trong xã hội. Hành vi sai lệch là hành vi vi phạm các chuẩn mực, nguyên tắc hành động hay những kỳ vọng của một nhóm, hoặc của xã hội. Hành vi sai lệch có ở cấp độ cá nhân, ở các nhóm xã hội, và trong thiết chế xã hội ([16], trang 303). Hành vi sai lệch như cờ bạc, gây gổ đánh nhau, ăn mặc không hợp với điều kiện thực tế của cá nhân và xã hội là những biểu hiện của sai lệch xã hội trong lĩnh vực văn hóa. Hành vi sai lệch trong pháp luật có thể gồm những hành vi do không hiểu biết về pháp luật, cố tình vi phạm pháp luật, thi hành pháp luật không nghiêm/cố tình làm sai, hoặc pháp luật không điều chỉnh kịp thời khi xã hội đã có nhiều thay đổi [41].

“Hành vi sai lệch cá nhân” xảy ra khi một cá nhân hành động lệch lạc một cách đơn độc ra khỏi các chuẩn mực xã hội đã được thiết lập. “Hành vi sai lệch


nhóm” xảy ra khi một nhóm các thành viên hành động trái ngược với các chuẩn mực xã hội đã được qui ước. Các hành vi sai lệch nhóm thường thuộc loại tiểu văn hóa của nhóm. Sự sai lệch xã hội thuộc tiểu văn hóa xảy ra khi một cá nhân hay một nhóm không tuân thủ theo mong đợi chung của xã hội, nhưng hành xử theo mong đợi của nhóm. Vấn đề sai lệch xã hội của một nhóm xảy ra khi mong đợi của nhóm khác hoặc đi ngược với mong đợi của xã hội.

Việc làm trái với chuẩn mực xã hội mà có thể hoặc không thể chính thức hóa thành luật không phải lúc nào cũng mang tính tiêu cực, đôi khi nó không có hại, nhưng có lúc rất có hại, đôi khi được xã hội chấp nhận, có khi bị phản đối quyết liệt, và nếu những hành vi không đúng mà không bị trách cứ hay phạt có thể bởi vì người ta kéo rộng (nới) các định chuẩn đã có để xem xét hành vi đó và cho nó là đúng [41]. Do đó sự sai lệch xã hội có thể thay đổi không còn là sự lệch lạc thậm chí có thể thành chuẩn mực khi thời gian, nơi chốn và văn hóa thay đổi. Nói cách khác, hành vi sai lệch có tính tương đối.

Có nhiều cơ sở để phân loại hành vi sai lệch. Nếu căn cứ vào mức độ phản ứng của xã hội đối với hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, có ba cấp độ của hành vi sai lệch gồm hành vi dị thường, hành vi thuộc tệ nạn xã hội và hành vi tội phạm. Hành vi dị thường là những hoạt động có biểu hiện không giống với đông đảo những người xunng quanh, mang tính bất bình thường và khác biệt. Ví dụ về trang phục, hành động… Hành vi dị thường tiêu cực xảy ra khi vi phạm, phá vỡ hiệu lực, sự tác động của các chuẩn mực xã hội phù hợp, tiến bộ đang phổ biến, thịnh hành và được thừa nhận rộng rãi trong xã hội, ví dụ việc đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện xe gắn máy theo Luật giao thông đường bộ. Không phải mọi hành vi dị thường đều mang tính tiêu cực. Hành vi dị thường có liên quan tới việc thỏa mãn nhu cầu và sở thích của cá nhân, đôi khi chỉ nhằm để khẳng định một cái tôi độc lập, sáng tạo và không đe dọa đến sự an toàn của những người khác. Hành vi dị thường không làm chết người, đe dọa tính mạng của con người nhưng nhiều trường hợp gây sự bực bội, khó chịu, thiếu thiện cảm, mất cảm tình. Hành vi dị thường đồng hành cùng con người và là một phần của cuộc sống. Những nơi khác nhau, ở


thời điểm khác nhau thì cũng có những quan điểm khác nhau về hành vi dị thường. Hành vi dị thường là một trong những biểu hiện thấp của sai lệch chuẩn mực xã hội, bởi vì xã hội đa số đều có những hành vi phù hợp với pháp luật, quy phạm đạo đức, quy luật của sự phát triển ([16], trang 288-289).

Tệ nạn xã hội là biểu hiện tiếp theo của hành vi sai lệch chuẩn mực xã hội, là biểu hiện của những hành vi sống trái với chuẩn mực đạo đức, đi ngược lại với truyền thống dân tộc, gây hậu quả nghiêm trọng cho bản thân, gia đình và xã hội. Một số hành vi tệ nạn xã hội bao gồm hành vi vi phạm về lối sống, vi phạm truyền thống, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán, vi phạm những quy tắc đã được thể chế hóa bằng pháp luật. Ví dụ hành vi tệ nạn cờ bạc, cá độ… Tệ nạn xã hội do nhiều nguyên nhân khách hoặc chủ quan gây nên và cũng có những đặc điểm của sai lệch chuẩn mực xã hội là tính đa dạng, sự khá nhau về thời gian, không gian. Trong khi đó tội phạm là sự vi phạm nghiêm trọng các chuẩn mực của xã hội, là hình thức và mức độ cao nhất của sai lệch chuẩn mực xã hội và được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành ([16], trang 290).

Xem xét thực tiễn nghiên cứu về sai lệch xã hội ở Việt Nam cho thấy có hai xu hướng khá rõ rệt. Xu hướng thứ nhất chú trọng nghiên cứu, phân tích các hành vi lệch chuẩn, nghĩa là nghiên cứu biểu hiện rõ ràng của hiện tượng sai lệch xã hội, trong đó các nghiên cứu hành vi vi phạm pháp luật chiếm dung lượng chủ yếu. Xu hướng thứ hai chú ý đến sự sai lệch trong quan điểm, nhận thức của các nhóm xã hội về các vấn đề, giá trị xã hội, vốn được xem là chủ đề thách thức hơn. Nhóm thanh thiếu niên là khách thể nghiên cứu chính của các nghiên cứu về sai lệch xã hội ở Việt Nam. Điểm chung của các nghiên cứu là chú trọng phân tích các yếu tố tác động đến sai lệch xã hội của thanh niên trong các điều kiện xã hội khác nhau. Điều này là hợp lý bởi đây là nhóm dân số nhạy cảm nhất với những biến đổi xã hội. Đặc điểm tâm sinh lý của thanh thiếu niên cũng khiến họ dễ bị cuốn vào vòng xoáy của các hiện tượng lệch lạc với rất nhiều dạng thức khác nhau, yếu tố tác động khác nhau như gia đình, trường học, nơi làm việc, mạng xã hội ([29], trang 115).

Xem tất cả 179 trang.

Ngày đăng: 14/10/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí