Sự Đổi Mới Của Văn Xuôi Viết Về Đề Tài Chiến Tranh Sau Chiến Tranh

có sự thay đổi về quan niệm nghệ thuật. Chất tiểu thuyết, cái nhìn tiểu thuyết đã chi phối sự vận động và phân hóa thể loại. “Nếu cách nhìn sử thi thường vươn tới những vấn đề rộng lớn mang tầm vĩ mô thì cái nhìn tiểu thuyết lại xoáy sâu vào những vấn đề của con người cá nhân cũng như mối quan hệ cá nhân - xã hội nhằm tìm kiếm những vẻ đẹp và những giá trị mới trong đời sống thường nhật” [65,93].

Sau 1975, tiểu thuyết với sức mạnh của nó đã trở thành thể loại lớn trong đời sống văn học. Vẫn nối tiếp mạch cảm hứng sử thi, tiểu thuyết viết về chiến tranh chiếm một mảng khá lớn. Tuy nhiên, ở những phác thảo đầu tiên ấy đã sớm có những dấu hiệu đổi mới thể loại. Với ý thức khắc phục cái nhìn lý tưởng hóa về con người, với sự quan tâm diễn biến tâm lý cá nhân, tiểu thuyết chiến tranh của Nguyễn Minh Châu, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Trí Huân…. đã dần đưa tiểu thuyết về với đặc trưng thể loại của nó: cái nhìn cuộc sống từ góc độ đời tư. Viết về chiến tranh từ nhiều điểm nhìn (người trong cuộc, người ngoài cuộc…) các tác giả đã có sự suy ngẫm, nhận xét, lý giải nhiều chiều về quá khứ. Điều quan trọng là nhìn chiến tranh từ góc độ đời tư, tiểu thuyết viết về đề tài này đã lấy con người làm tâm điểm, mọi sự kiện, biến cố đều xoay quanh tâm điểm là số phận con người. Tuy nhiên, ở những tiểu thuyết đầu tiên này, chất sử thi vẫn khá rò, do đó, đa số tiểu thuyết đều nặng tính tư liệu, sự kiện, nhiều tác phẩm giống như những ghi chép, nặng về phương diện cái được phản ánh, chất lượng tiểu thuyết chưa cao.

Nửa đầu những năm tám mươi, tiểu thuyết gia tăng chất thế sự, đời tư ở tinh thần phân tích hiện thực xung quanh vấn đề cách sống (Gặp gỡ cuối năm, Thời gian của người), vấn đề đạo đức gia đình (Mùa lá rụng trong vườn), vấn đề sản xuất (Đứng trước biển, Cù lao Tràm)… Đặt con người trong các mối quan hệ đời thường, nghiêng về cảm hứng phê phán và tinh thần đối thoại… là những dấu hiệu đầu tiên của ý thức đổi mới thể loại. Những đổi mới này của tiểu thuyết đã đưa thể loại gần hơn với hiện thực cuộc sống phức tạp. Vẫn là khả năng phản ánh nhiều cuộc đời, nhiều tính cách, song các cuộc đời, tính cách ấy được khai thác ở bình diện con người cá nhân chứ không phải con người cộng đồng. Thời xa vắng của Lê Lựu với “sự khái quát nghệ thuật về một thời quá khứ thông qua số phận đời tư”

(Bích Thu), với “câu hỏi nhân văn căng thẳng: tại sao con người đánh mất mình?” (Nguyễn Thị Bình) đã mở đầu cho thời điểm nở rộ của tiểu thuyết sau 1986. Có thể nói, so với tiểu thuyết 1945-1975, tiểu thuyết thời kỳ hậu chiến đã có bước phát triển mới: nhìn con người sâu hơn, toàn diện hơn.

Bản thân thể loại tiểu thuyết đã có sự phân hóa bên trong, ở sự phong phú về mô hình: từ tiểu thuyết sử thi, tiểu thuyết sự kiện trong văn xuôi 1945-1975 đến tiểu thuyết đời thường, tiểu thuyết tự vấn, tiểu thuyết hồi cố… Đây là giai đoạn bắt đầu xuất hiện những phong cách, giọng điệu riêng: Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Lê Lựu, Bảo Ninh…. Những thay đổi bước đầu trong cấu trúc tự sự và đặc điểm thi pháp của thể loại tiểu thuyết thời kỳ hậu chiến là nền tảng cho những cách tân về thể loại sau 1986.

Thể loại truyện ngắn

“Khác với tiểu thuyết là thể loại chiếm lĩnh đời sống trong toàn bộ sự đầy đặn và toàn vẹn của nó, truyện ngắn thường hướng tới việc khắc họa một hiện tượng, phát hiện một nét bản chất trong quan hệ nhân sinh hay đời sống tâm hồn của con người” [124,314]. Nói một cách khác, tiểu thuyết phản ánh cuộc sống một cách tổng thể còn truyện ngắn là một lát cắt của cuộc sống ấy. Không có khả năng phản ánh bề rộng như tiểu thuyết nhưng truyện ngắn lại có ưu thế khám phá chiều sâu hiện thực và con người.

Sau 1975, với dung lượng nhỏ, gọn và khả năng tiếp cận những biến động phức tạp của đời sống, con người, thể loại truyện ngắn đã phát triển phong phú về số lượng và đặc sắc về chất lượng. Trong mười năm đầu tiên sau 1975, truyện ngắn cũng có những thành công về thể loại, góp phần không nhỏ cho công cuộc đổi mới văn học. Do ảnh hưởng của tư duy tiểu thuyết nên truyện ngắn thời kỳ này có sức chứa lớn hơn kích thước vốn có của nó. Nhiều truyện ngắn và truyện vừa giống như những tiểu thuyết thu nhỏ (Khách ở quê ra, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành… - Nguyễn Minh Châu….). Sự thâm nhập của tư duy tiểu thuyết đã mang lại cho truyện ngắn tính tổng hợp cao, lượng thông tin phong phú và cách nhìn hiện thực đa chiều…

Truyện ngắn 1975-1985 bước đầu có những đổi mới về nội dung phản ánh (khám phá chiều sâu thân phận con người) và thi pháp (điểm nhìn, giọng điệu, nhân vật, cốt truyện, ngôn ngữ…).

Hai người trở lại trung đoàn của Thái Bá Lợi là truyện ngắn đầu tiên thể hiện sự vận động trong quan niệm nghệ thuật về con người, nhìn con người bằng cái nhìn đa diện. Tập truyện Những bông bần ly của Dương Thu Hương khai thác vấn đề đạo đức và số phận con người trong xã hội hậu chiến... Sau 1975, Nguyễn Minh Châu - cây bút chuyên viết tiểu thuyết về chiến tranh (Cửa sông, Dấu chân người lính, Miền cháy, Những người đi từ rừng ra, Lửa từ những ngôi nhà….) đã chuyển sang viết truyện ngắn. Ông được mệnh danh là “người nhìn đâu cũng thấy truyện ngắn” và dường như truyện ngắn mới đích thực là sở trường của Nguyễn Minh Châu. Hai tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành Bến quê là những đóng góp đáng quý của Nguyễn Minh Châu, đưa ông trở thành người mở đường tinh anh và tài năng của công cuộc đổi mới văn học. Tiếp cận đời sống từ góc độ đạo đức - thế sự, quan tâm đến quá trình hoàn thiện nhân cách con người, truyện ngắn Nguyễn Minh Châu như những thông điệp nho nhỏ khiến mỗi người ngỡ ngàng suy ngẫm: “Xin mọi người hãy tạm ngừng một phút cái nhịp sống bận bịu, chen lấn, để tự suy nghĩ về chính mình” (Bức tranh). Truyện ngắn Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Bùi Hiển, Xuân Thiều, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Nguyễn Quang Sáng, Ngô Thị Kim Cúc… đều thể hiện sự vận động trong nội dung và hình thức của thể loại.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

Mặc dù vẫn tồn tại một số hạn chế: cảm hứng đạo đức và cảm hứng phê phán đôi khi thể hiện khá rò, khá lộ nên còn gượng ép (sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng….), chưa có nhiều cách tân trong thi pháp thể loại…, truyện ngắn thời kỳ hậu chiến vẫn là một thể loại năng động, gặt hái nhiều thành tựu trong xu hướng vận động của các thể loại văn xuôi sau 1975.

Thể loại ký

Văn xuôi Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975-1985 - 7

Trong văn học ba mươi năm chiến tranh, với ưu thế thể loại, ký có điều kiện phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp và những năm chống Mỹ ác liệt. Trong văn xuôi 1945-1975, truyện và ký thâm nhập

vào nhau, tạo thành mô hình truyện ký về người thật việc thật. Sau 1975, vận động theo quán tính của lịch sử, thể ký vẫn tiếp tục phát triển nhưng đã có cách tiếp cận mới, cách thể hiện mới để phản ánh hiện thực, tạo ra những tác động tích cực cho sự đổi mới.

Với đặc trưng: tính thông tin, tính thời sự, xã hội..., vào những thời điểm lịch sử quan trọng, ký thường là thể loại xung kích làm người truyền tin, truyền tình cảm nóng hổi, chân thực đến bạn đọc. Vào thời điểm xung quanh năm 1975, thể ký phát triển rầm rộ và mạnh mẽ hơn bất cứ thời điểm lịch sử nào trước đó. “Những trang tốc ký, nhật ký, phóng sự, bút ký, tùy bút, ký sự… về một trận đánh, một mũi hành quân, một vùng đất mới giải phóng, về sự rút lui thảm hại của quân địch, về tấm lòng người dân miền Nam háo hức đón chào cách mạng… cũng đủ gây xúc động người đọc” [103,90].

Với ưu thế nhanh, nhạy, phản ánh tức thì các sự kiện diễn ra trong đời sống, các ký sự chiến tranh ra đời sau 1975 vẫn mang tính nóng hổi của sự kiện, truyền đến cho người đọc nguyên vẹn không khí trận mạc, bom đạn. Trong văn xuôi hậu chiến, so với tiểu thuyết, truyện ngắn, các tác phẩm ký tiêu biểu không nhiều. Tuy nhiên, những ký sự ấy (Tháng ba ở Tây Nguyên - Nguyễn Khải, Rất nhiều ánh lửa - Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ký sự miền đất lửa - Nguyễn Sinh- Vũ Kỳ Lân, Đường vào Sài Gòn - Nam Hà...) đã thể hiện cách tiếp cận hiện thực mới. Những trang tư liệu của các tác giả ký đã nhìn chiến tranh ở cự li gần, đã trực tiếp mô tả những mặt trái của chiến tranh, làm tăng tính chân thật, tính thuyết phục của thể loại. Ký sự miền đất lửa viết về những ngày tháng chiến đấu ác liệt của quân và dân Vĩnh Linh trong cuộc chiến chống lại “cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân lớn nhất, dài nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại” [29,14] của đế quốc Mỹ những năm 1966-1967. Hiện lên trong những trang ký sự nóng bỏng ấy là hình ảnh quân và dân Vĩnh Linh kiên cường chiến đấu, bám trụ, là những con người anh hùng mà giản dị, đơn sơ, nghĩa tình; là những tổn thất nặng nề về người và của, những mất mát, đau thương mà Vĩnh Linh phải gánh chịu. Với những “dòng ghi chép nóng bỏng” trung thực, sống động, với cảm xúc nồng nhiệt của trái tim yêu nước… tập

ký sự đã đem lại cho bạn đọc những rung cảm sâu sắc về miền đất lửa anh hùng của Tổ quốc.

Những năm đầu tám mươi, thể tài phóng sự phát triển mạnh mẽ, bởi đặc trưng của phóng sự phù hợp hoàn cảnh xã hội của những năm tiền đổi mới: phản ánh những vấn đề nóng bỏng của hiện thực, truyền thông tin nhanh chóng đến bạn đọc và đề ra những kiến nghị, đề xuất. Vệt phóng sự tiêu biểu với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật (Cái đêm hôm ấy… đêm gì - Phùng Gia Lộc, Lời khai của bị can- Trần Huy Quang, Người không cô đơn - Minh Chuyên...) đã tạo ra hiệu ứng tích cực trong xã hội. Với ý nghĩa này, phóng sự như cú hích nghệ thuật cho tiểu thuyết, tạo bước đà mạnh mẽ cho hướng quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng của đời sống. Tiểu thuyết Nguyễn Mạnh Tuấn nửa đầu những năm tám mươi đều mang chất phóng sự rất rò. Cùng với kịch Lưu Quang Vũ, Xuân Trình.... các tiểu thuyết, phóng sự về đề tài chống tiêu cực đã trở thành một làn sóng văn học mạnh mẽ, tác động tích cực đến công cuộc đổi mới của đất nước và văn học.


* Tiểu kết

Văn học là tấm gương phản ánh thời đại, cây văn học chỉ đơm hoa kết trái khi bám rễ sâu chắc vào đời sống hiện thực. Trước yêu cầu của lịch sử, văn xuôi thời kỳ hậu chiến đã thích ứng một cách nhanh chóng và có một diện mạo mới. Sự vận động của lịch sử và sự vận động của văn học đã chứng minh: nhu cầu đổi mới là nhu cầu tất yếu và tự thân của văn học.

Trong dòng chảy văn xuôi sau 1975, văn xuôi thời kỳ hậu chiến có diện mạo khá riêng biệt thể hiện ở các chặng đường phát triển, các khuynh hướng và các thể loại. Tính chất chuyển tiếp của văn xuôi 1975-1985 biểu hiện ở cả hai chặng đường của nó: phát triển trên đà của văn xuôi chống Mỹ và những nỗ lực tìm tòi đổi mới đầu tiên, tạo đà cho văn xuôi thời kỳ đổi mới. Các khuynh hướng: khuynh hướng viết về chiến tranh với cái nhìn bi tráng, khuynh hướng thế sự - đời tư, khuynh hướng triết luận, khuynh hướng phản tư là những khuynh hướng cơ bản của văn xuôi 1975-1985, tạo đà cho sự phát triển đa khuynh hướng của văn xuôi sau 1986. Các thể loại (tiểu thuyết, truyện ngắn, ký) phát triển với những nỗ lực đổi mới đầu

tiên đã đánh dấu sự vận động trong quan niệm về hiện thực, về con người và những đổi mới trong nghệ thuật: điểm nhìn, giọng điệu, ngôn ngữ….

Mặc dù cái khí thế hừng hực của văn xuôi thời ra trận không còn là chủ đạo song khoảng lặng trong văn xuôi 1975-1985 là cần thiết. Bởi chính thái độ thận trọng và những chiêm nghiệm sâu lắng của nhà văn đã góp phần tạo nên hướng chuyển động mới của văn xuôi, mở ra cho văn xuôi những hướng tiếp cận hiện thực cuộc sống với những vấn đề đạo đức - thế sự đang nổi cộm, đòi hỏi văn học phải nhận thức, khám phá. Đó cũng là những chuẩn bị tích cực cho những chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc của văn xuôi nó i riêng và văn học nó i chung sau 1986.

CHƯƠNG 2: SỰ ĐỔI MỚI CỦA VĂN XUÔI VIẾT VỀ ĐỀ TÀI CHIẾN TRANH SAU CHIẾN TRANH


Đề tài là “khái niệm chỉ loại các hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học” [124,96], là phạm vi miêu tả trực tiếp của tác phẩm, là sự khái quát về phạm vi xã hội, lịch sử của đời sống được phản ánh trong tác phẩm.

Văn học 1945-1975 diễn ra trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh. Cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc và người lính trở thành đề tài lớn bao trùm văn học. Hầu hết các tác phẩm ra đời trong giai đoạn này đều viết về những người con ưu tú của đất nước, về cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc. Dường như, ít có tác phẩm đi chệch đường ray đó. Sau năm 1975, đề tài về cuộc kháng chiến không còn là đề tài duy nhất chi phối mạnh mẽ văn học. Đề tài trở lại đúng khái niệm của nó: có bao nhiêu hiện tượng đời sống, có bấy nhiêu đề tài được phản ánh. Vì vậy, văn học sau 1975 phản ánh nhiều đề tài: đề tài chiến tranh, thế sự - đời tư, xây dựng, sản xuất, sinh hoạt, phong tục, lịch sử... Trong cái nhìn phong phú, đa dạng, phức tạp ấy, ngoài đề tài chiến tranh, luận án sẽ tìm hiểu về đề tài thế sự - đời tư ở chương 3. Thông qua hai mảng đề tài này, nghiên cứu của luận án hướng tới sự chuyển biến của văn xuôi thời kỳ hậu chiến theo quy luật kế thừa và phát triển của văn học.

Nghiên cứu văn xuôi viết về đề tài chiến tranh sau chiến tranh, chúng tôi muốn tìm hiểu và trình bày nó ở góc độ những cảm hứng mới, những vận động đổi mới về nghệ thuật… trong tương quan so sánh với văn xuôi ba mươi năm chiến tranh - giai đoạn các tác giả nhìn nhận chiến tranh ngay trong lòng chiến tranh.

2.1. Cảm hứng mới về đề tài chiến tranh

Nguyễn Minh Châu là một trong những người đầu tiên đã dự cảm rất đúng đắn về hướng đi của văn xuôi: “tiểu thuyết viết về chiến tranh sẽ tìm trong lĩnh vực nào để mình có một chỗ đứng không trùng lặp với chỗ đứng của hồi ký chiến tranh?” [60]. Rò ràng, khai thác một đề tài quen thuộc, nhà văn không thể tiếp tục viết bằng cái nhìn, quan niệm cũ. Bởi đặc trưng của văn học, nghệ thuật là sự sáng

tạo. Nghiên cứu mảng văn xuôi viết về đề tài chiến tranh sau chiến tranh, chúng tôi muốn làm nổi bật một cách nhìn mới về hiện thực chiến tranh ở văn xuôi thời kỳ hậu chiến trong tương quan so sánh với văn xuôi viết về chiến tranh thời kỳ trước và sau nó. Cách nhìn mới ấy được thể hiện ở những nét khác biệt trong cảm hứng sử thi, ở khát vọng khám phá hiện thực chiến tranh trong cảm hứng về sự thật và ở cảm hứng nhân đạo với vấn đề số phận con người.

2.1.1. Những rạn nứt của cảm hứng sử thi

Chiến tranh “là cơn sốt bất thường của lịch sử” (Phong Lê). Hiện tượng bất thường, biến cố trọng đại ấy tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt, buộc con người và toàn bộ cuộc sống phải thích ứng với nó. Các xung đột trong trạng thái chiến tranh triền miên, liên tục đã tạo điều kiện cho nền văn học sử thi ra đời.

Sử thi cổ điể n , theo đị nh nghĩ a củ a Hê-ghen:“nộ i dung và hì nh thứ c củ a nó thự c sự là toàn bộ các quan niệm , toàn bộ thế giới và cuộc sống của một dân tộc đượ c trì nh bà y dướ i hì nh thứ c khá ch quan củ a mộ t biế n cố thự c tạ i” [77,11]. Sử thi từ tên gọi của một thể loại đã trở thành một phẩ m chấ t , tính chất đặc biệt trong các thể loạ i văn họ c . Văn học mang tính sử thi là nền văn học chứa đựng những đặc điểm cơ bản của sử thi: phản ánh những sự kiện có ý nghĩa lịch sử mang tính cộng đồng, tính nhân dân, tính dân tộc, luôn hướng tới tương lai tươi sáng với niềm tin, với tinh thần lạc quan bất diệt.

Ra đời và phát triển trong cuộc chiến tranh ái quốc vĩ đại chống Pháp và chống Mỹ, văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975 là nền văn học của những sự kiện lịch sử với nhân vật kết tinh những phẩm chất cao quý của cộng đồng. Văn xuôi giai đoạn này mang đậ m chấ t sử thi vớ i cả m hứ ng lã ng mạ n sôi nổ i , chấ t anh hùng ca và giọng điệu ngợi ca , khẳ ng đị nh. Hình ảnh con người và thời đại lịch sử đã đi và o văn xuôi mộ t cá ch đẹ p nhấ t , hào hùng nhất. Hàng loạt các tác phẩm như Cửa biển (Nguyên Hồng), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Sống như Anh (Trần Đình Vân), Bất khuất (Nguyễn Đức Thuận), Dấu chân người lính, Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu), Người mẹ cầm súng, Những đứa con trong gia đình (Nguyễn Thi), Rừng xà nu (Nguyễn Trung Thành)… là bài ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam với cảm hứng sử thi bát ngát. Tuy nhiên, do yêu cầu của lịch sử

Xem tất cả 171 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí