Con người được soi ngắm bằng thước đo nhân bản trong quá trình vươn tới và hoàn thiện nhân cách.
Khám phá đời sống muôn màu, muôn vẻ trong cái hàng ngày, trong quan hệ thế sự - đời tư, văn xuôi đã tạo nên sức thuyết phục với độc giả. Những biến cố, sự kiện không còn là trung tâm chú ý mà chỉ là đường viền cho số phận nhân vật. Những câu chuyện hàng ngày, những cảnh ngộ bình thường, những quan hệ nhân sinh phức tạp, rối rắm, những khát khao tự nhiên và bản năng nhất của con người… đều được soi chiếu trên trang viết. Từ đó, nhà văn tìm đến, chắt chiu từng vẻ đẹp tâm hồn con người, hướng con người tới cái đẹp, cái thiện. Tác phẩm của Ma Văn Kháng, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Thái Bá Lợi, Lê Minh Khuê, Bùi Hiển, Ngô Thị Kim Cúc… là những sáng tác như vậy.
Nguyễn Khải chú ý tới sự lựa chọn của cá nhân để thích ứng với cuộc sống hiện tại (Cha và Con và... là thái độ trước tôn giáo và cuộc đời, Gặp gỡ cuối năm là thái độ trước cuộc sống mới, Thời gian của người lại là cách sống với quan niệm tích cực về thời gian), Nguyễn Mạnh Tuấn nhạy cảm với những vấn đề bức thiết, quan hệ trực tiếp, máu thịt với người dân miền Nam (những xung đột nghiệt ngã giữa hai ý thức hệ trong Những khoảng cách còn lại, những yếu kém trong quản lý kinh tế ở Đứng trước biển, nhu cầu đổi mới nông thôn Nam Bộ trong Cù lao Tràm), Nguyễn Minh Châu quan tâm tới cuộc đấu tranh giữa phần sáng - tối, trong - đục... ở mỗi con người, tới vấn đề đạo đức, nhân cách (tập truyện Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Bến quê), Ma Văn Kháng, Dương Thu Hương... hướng ngòi bút về quan hệ giữa các cá nhân trong gia đình, về các vấn đề tình yêu, hạnh phúc...
“Từ chỗ đứng quen thuộc như lâu nay vẫn gọi là hướng ngoại” nhà văn đã “chuyển dần sang cái nhìn từ bên trong, lấy chính cái đốm lửa leo lét từ số phận cá nhân mà soi ra xã hội, cuộc đời” [105]. Viết về cái hàng ngày, về con người như nó đã và đang tồn tại, văn xuôi đã trở thành những mảng hiện thực sinh động, giàu sức sống. Hướng về các vấn đề thế sự - đời tư, văn xuôi thể hiện sự phong phú, đa dạng trong các phạm trù thẩm mĩ (cái cao cả/ thấp hèn, cái hài/ cái bi, cái xấu/cái
đẹp, cái thiện/cái ác...) sự đa dạng trong mô típ, chủ đề (mô típ chủ đề thiện/ác, chủ đề sám hối, tự thú, mô típ cô đơn [158])...
Khuynh hướng này đã tạo nên sức sống mới của văn xuôi khi nắm bắt kịp thời những mảng hiện thực mới mẻ, những góc sâu xa trong ý thức và cả phần vô thức của con người. Khác với giai đoạn 1945-1975, văn xuôi sau 1975 đã lấy con người làm trung tâm soi ngắm hiện thực, làm điểm quy chiếu mọi giá trị cuộc sống. Khuynh hướng này tiếp tục được phát triển với nhiều biểu hiện phong phú, đa dạng trong văn xuôi đương đại với Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Thị Thu Huệ, Phạm Sông Hồng, Nguyễn Ngọc Tư...
Khuynh hướng triết luận
Trước thực tại còn ngổn ngang bề bộn, trước hiện thực cuộc sống còn nhiều phức tạp, đa đoan, khi con người ý thức sâu sắc về bản thân và nhà văn ý thức về cá tính sáng tạo thì chiêm nghiệm, triết lý là nhu cầu không thể thiếu của văn xuôi giai đoạn này. Cảm hứng triết luận chính là chiều sâu của văn học. “Cảm hứng triết luận là cái nhìn mang tính triết lý, thể hiện bằng nhiệt tình tranh biện, bàn luận của nhà văn về những vấn đề nhân sinh, xã hội nhằm hướng tới các quy luật phổ quát” [151].
Cảm hứng triết luận trở nên đậm đặc trong văn xuôi sau 1975 bởi sự vận động của lịch sử, văn học; bởi nhu cầu đổi mới và không khí dân chủ của văn học. Sau 1975, nhiều tác phẩm được viết theo kiểu luận đề với các nhân vật tư tưởng, để truyền tải một thông điệp nào đó. Có thể là những trăn trở của nhà văn về cuộc đời (mối quan hệ giữa con người với con người, giữa cá nhân và xã hội, mối quan hệ trong chính bản thân con người: mâu thuẫn giữa lý tưởng và hiện tại, giữa danh và thực, …), triết luận về nghệ thuật (mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, lý tưởng và nghệ thuật, nhà văn và cuộc sống….). Nhà văn dùng ngôn ngữ, hình tượng để gửi gắm triết luận của mình. Những triết luận ấy làm nên chiều sâu của tác phẩm văn học, làm nên chất văn chương nghệ thuật của văn học đích thực, làm cho người đọc tự soi ngắm mình trong các nhân vật văn học.
Nhà văn chính luận, triết luận bằng hình tượng nhân vật. Trong văn xuôi thời kỳ hậu chiến, nhân vật thường là những con người suy tư, hay triết lý. Nhân vật của
Có thể bạn quan tâm!
- Diện Mạo Văn Xuôi 1975-1985 Trong Bước Chuyển Của Lịch Sử Văn Học
- Các Chặng Đường Phát Triển Văn Xuôi Nửa Cuối Thập Kỉ Bảy Mươi
- Văn xuôi Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975-1985 - 5
- Sự Đổi Mới Của Văn Xuôi Viết Về Đề Tài Chiến Tranh Sau Chiến Tranh
- Rạn Nứt Trong Quan Niệm Về Hiện Thực Chiến Tranh
- Cảm Hứng Về Sự Thật Và Khát Vọng Khám Phá Hiện Thực
Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.
Nguyễn Khải, Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, ... đều là những con người nặng ưu tư, thích khái quát triết lý, biện luận. Kiểu nhân vật trí thức, nghệ sĩ xuất hiện khá nhiều trong văn xuôi 1975-1985.
Tính chính luận đã trở thành một nét phong cách nghệ thuật của nhà văn Nguyễn Khải. “Nguyễn Khải không có ý định làm người đọc đắm chìm trong cảm xúc, mê muội đi về tình cảm mà chú ý đánh thức trí tuệ của họ” [126,89]. Với cách viết hiện thực tỉnh táo, tác phẩm Nguyễn Khải hấp dẫn người đọc bởi sức thuyết phục của lý lẽ. Tác phẩm của Nguyễn Khải phản ánh những cuộc xung đột gay gắt, nảy lửa giữa tôn giáo và đội lốt tôn giáo, giữa các kiểu tư duy khác nhau của các thế hệ, giữa các cá nhân trong quan hệ gia đình, giữa con người và xã hội... Nếu trước 1975, chất chính luận ấy gắn liền với những vấn đề chính trị thời sự, với lối hô hào có phần khẩu hiệu, phải có “Tầm nhìn xa”, “Hãy đi xa hơn nữa”… thì sau 1975, chất chính luận ấy đã chuyển thành cảm hứng triết luận gắn với các vấn đề thế sự, nhuần nhuyễn hơn, đằm thắm và sâu sắc hơn. Cha và Con và... là “triết luận về tôn giáo và chủ nghĩa xã hội bằng ngôn ngữ tự sự” [126,320], khẳng định sức sống của chủ nghĩa xã hội, khẳng định con đường đúng đắn của tôn giáo: gắn liền với quần chúng nhân dân; Gặp gỡ cuối năm là triết luận về “mối tương quan giữa sức mạnh của tất yếu và sự lựa chọn” [126,333], hành động thừa nhận của nhân vật thủ cựu - bà Hoàng là sự khẳng định, bênh vực mạnh mẽ cuộc đời mới; Thời gian của người là triết luận “về thời gian, con người và lịch sử” [126,354], về cách sống... Trong tiểu thuyết Nguyễn Khải xuất hiện kiểu người kể chuyện “triết gia”, dẫu ở vai nào cũng là những người thích nói lý, thích đối thoại. Giọng kể của kiểu người kể chuyện này có khuynh hướng tranh biện (tự tranh biện hoặc tổ chức tranh biện), đúc kết vấn đề theo quan điểm cá nhân. Sau 1986, cảm hứng triết luận trong sáng tác Nguyễn Khải được thể hiện rò hơn trong các truyện ngắn khác mà Một người Hà Nội là một ví dụ tiêu biểu. Triết luận về lòng tự trọng của con người, về mối quan hệ giữa gia đình và xã hội, mối quan hệ giữa con người với cách mạng, xã hội… đều được thể hiện tập trung quanh nhân vật chính bà Hiền. Nhân vật người kể chuyện mang dáng dấp tác giả đã có một đúc kết đầy chất triết lý: “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi
xuống chìm sâu vào lớp đất cổ. Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng” (Một người Hà Nội).
Nếu Nguyễn Khải triết lý bằng ngôn ngữ chính luận thì Nguyễn Minh Châu dùng ngôn ngữ biểu tượng để gửi gắm triết luận của mình. Truyện ngắn Nguyễn Minh Châu thường sử dụng những hình ảnh biểu tượng có tính ẩn dụ, tượng trưng. Khám phá con người và các hiện tượng xã hội bằng chiều sâu, Nguyễn Minh Châu đã cố gắng nâng tầm khái quát triết học trong các truyện ngắn [122,169] của mình. Bức tranh, Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành… với những tấn kịch nội tâm trong chiều sâu ý thức nhân vật là những triết luận về cách nhận thức, quan niệm sống. Hình ảnh bức tranh vẽ khuôn mặt là cuộc tự vấn để nhận ra khuôn mặt bên trong sau lớp mặt nạ bên ngoài, để nhìn thấy “trong con người tôi đang sống lẫn lộn người tốt kẻ xấu, rồng phượng lẫn rắn rết, thiên thần và ác quỷ” (Bức tranh). Chuyến tàu tốc hành giống như hành trình đi tìm lại chính mình của nhân vật Quỳ, những cơn mộng du, lang thang như những chuyến tàu ngược trở về quá khứ để nhận chân tình yêu, hạnh phúc và giá trị đích thực của cuộc sống… Lũ trẻ ở dãy K, Mẹ con chị Hằng, Đứa ăn cắp... là những triết luận về những tội lỗi hồn nhiên của con người. Những nghịch lý, những trái khoáy gợi suy nghĩ, chiêm nghiệm về bản chất của nghệ thuật, cuộc sống... nằm sâu trong các tầng ý nghĩa của Bến quê, Chiếc thuyền ngoài xa... Hình ảnh bến quê, chiếc thuyền ngoài xa đều là những hình ảnh biểu tượng cho những nghịch lý cuộc đời. Bến quê với hình ảnh bãi bồi bên sông là vẻ đẹp bình dị, thân thuộc, của quê hương, xứ sở - vẻ đẹp rất gần mà người đã đi khắp mọi nơi như Nhĩ lại chưa bao giờ đặt chân đến. Chiếc thuyền ngoài xa là hình ảnh ẩn dụ: sự thật cuộc đời khó nhận biết đầy đủ giống như nhìn chiếc thuyền ở tận ngoài khơi xa kia, cần có cái nhìn đa diện, nhiều chiều để phát hiện ra bản chất sau vẻ ngoài đẹp đẽ của hiện tượng. Việc sử dụng đậm đặc những hình ảnh, chi tiết mang ý nghĩa biểu tượng làm cho tác phẩm Nguyễn Minh Châu chứa đựng nhiều tư tưởng và ý nghĩa sâu rộng, gợi nhiều suy ngẫm trong độc giả.
Trong văn xuôi đương đại, khuynh hướng triết luận, giọng điệu triết lý cũng trở thành một đặc điểm nổi bật, một giọng chủ với nhiều sắc thái,
cung bậc trong văn Tạ Duy Anh, Đoàn Minh Phượng, Hồ Anh Thái, Thuận, Nguyễn Bình Phương...
Khuynh hướng phản tư
Khái niệm phản tư trong triết học có nghĩa là sự trở về bản thân nó của tư duy. Thuật ngữ “phản tư” được giới lý luận, phê bình văn học Trung Quốc dùng để chỉ sự tự phản tỉnh, tự phê phán của giới phê bình đối với các giá trị cũ. Văn học phản tư là một xu hướng văn học xuất hiện trong văn học đương đại Trung Quốc, hướng tới việc suy nghĩ, nhìn nhận lại những vấn đề mang tính lịch sử - xã hội.
Chúng tôi quan niệm phản tư thể hiện sự tự phủ định, thể hiện tư duy phản biện của nhà văn với các vấn đề xã hội và với chính mình. Có thể nói, đây cũng là một khuynh hướng của văn học Việt Nam sau 1975. Trong bài viết “Văn học Việt Nam những năm đầu đổi mới”, nhà nghiên cứu Lê Ngọc Trà đã chỉ ra một trong những đặc điểm của văn học Việt Nam những năm gần đây là tinh thần phân tích xã hội và sự chiêm nghiệm lại lịch sử. Cuộc sống đã bộc lộ những vấn đề phức tạp, buộc nhà văn không thể chỉ tiếp tục phản ánh hiện thực đơn thuần mà phải suy ngẫm, nghiền ngẫm về nó.
Trong văn xuôi thời kỳ hậu chiến, những tác phẩm viết theo khuynh hướng phản tư chính là những tiếng nói phê phán mạnh mẽ, quyết liệt về các vấn đề xã hội trong quá khứ và hiện tại. Với tinh thần phân tích, chiêm nghiệm sâu sắc, văn xuôi những năm tiền đổi mới đã nhìn lại “những sai lầm ấu trĩ, những định kiến hẹp hòi, căn bệnh chủ quan duy ý chí của một thời xa vắng gây nên bi kịch cho không ít cá nhân, làm hao mòn nhân tính...” [52,201], “phơi bày những mặt trái còn bị che khuất, lên án những lực lượng, những tư tưởng và thói quen đã lỗi thời, trở thành vật cản trên bước đường phát triển của xã hội” [115,18]. Những vấn đề về sản xuất, về sự vênh lệch giữa cá nhân và lịch sử, về hiện thực chiến tranh... đều được đánh giá, nhìn nhận bằng cái nhìn nhân bản. Với tinh thần đó, Thời xa vắng (Lê Lựu), Tháng ngày đã qua (Xuân Thiều), Đứng trước biển, Cù lao Tràm, Những khoảng cách còn lại (Nguyễn Mạnh Tuấn)... là những thử nghiệm nghệ thuật ghi nhận thành công của những người khai phá đường mới trong văn học.
Lấy quá khứ, những phần khuất lấp, những vấn đề trước đây văn học né tránh làm đối tượng nghiên cứu, những tác phẩm viết theo xu hướng này được gọi là “nhận thức lại hiện thực” [52,201]. Chúng tôi quan niệm, đó là những tác phẩm khám phá hiện thực quá khứ, thông qua số phận con người. Nói một cách khác, đi ngược với văn xuôi trước 1975 (lấy con người làm nền cho sự kiện lịch sử), văn xuôi sau 1975 lấy con người làm trung tâm phản ánh trên nền của những thăng trầm lịch sử.
Thời xa vắng là câu chuyện về bi kịch của Giang Minh Sài. Động cơ đi chiến đấu của Sài không chỉ là khát vọng lập chiến công, giành độc lập, tự do cho đất nước (như người anh hùng trước 1975) mà còn là chạy trốn bi kịch của mình, chạy trốn người vợ mà anh không thể đội trời chung (đây gần như là nguyên nhân chính). Rò ràng, cách nhìn nhận, đánh giá nhân vật của Lê Lựu đã khác. Ở nhân vật Giang Minh Sài, trong cái chung đã có cái riêng. Tuy nhiên, cái riêng luôn bị lấn át, luôn bị cái chung vô hình đè bẹp. Do đó, cả cuộc đời Sài sống trong bi kịch: luôn sống hộ người khác. Nhìn thẳng vào những sai lầm, ấu trĩ, những định kiến hẹp hòi đã trói buộc con người, Thời xa vắng là một tiếng nói mạnh mẽ, bộc trực và đáng quý về khát vọng hạnh phúc cá nhân. Quỳ trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu lại đáp con tàu mộng du lang thang tìm kiếm những giá trị tuyệt đối hoàn mĩ, những con người tuyệt đối hoàn mĩ. Bi kịch của Quỳ là sự lý tưởng hóa chính mình và lý tưởng hóa mọi người xung quanh.… Cảm hứng phê phán, cảm hứng bi kịch và cảm hứng nhân văn thể hiện khá rò nét và sâu sắc trong các tác phẩm thuộc khuynh hướng này.
Từ Thời xa vắng của Lê Lựu, khuynh hướng này phát triển mạnh mẽ trong văn học sau 1986 với hàng loạt tác phẩm: Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Chuyện làng ngày ấy (Vò Văn Trực), Mê lộ (Đỗ Chu), Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng), Bến không chồng (Dương Hướng), Bi kịch nhỏ (Lê Minh Khuê)… Nhìn lại quá khứ để có thái độ sống tốt đẹp hơn, dũng cảm đối đầu với định kiến hẹp hòi, với cái tiêu cực, ấu trĩ…. như Quý và Anh trong Bước qua lời nguyền (Tạ Duy Anh), Tự trong Đám cưới không có giấy giá thú (Ma Văn Kháng)…
Đại diện tiêu biểu cho tư duy phản biện xã hội có lẽ phải kể đến Nguyễn Mạnh Tuấn với loạt tiểu thuyết - phóng sự: “Những khoảng cách còn lại (1984), Đứng trước biển (1984), Cù lao Tràm (1985)… - loạt tác phẩm đi thẳng vào những vấn đề nóng bỏng của xã hội khi đó. Hiện thực chân thật được phản ánh sống động trong những trang văn Nguyễn Mạnh Tuấn có sức lôi cuốn mạnh mẽ, rút ngắn khoảng cách giữa văn học và cuộc sống. Khi nhiều nhà văn còn băn khoăn chưa biết viết như thế nào về những tiêu cực trong xã hội thì Nguyễn Mạnh Tuấn đã xông xáo đưa lên tòa án văn học những Năm Miên, Chín Tâm, Tư Hoan, Tư Khanh… - những kẻ sâu mọt trong xã hội mới. Những vấn đề đặt ra trong tác phẩm có thể đã làm nhiều người trăn trở nhưng “hình như trước Nguyễn Mạnh Tuấn chưa ai nói ra được một cách thẳng thắn và dũng cảm như thế” [123, 154].
Từ nhiệt tình công dân trong những tác phẩm của Nguyễn Mạnh Tuấn, với tinh thần dân chủ, nhìn thẳng vào sự thật, hàng loạt phóng sự thời kỳ đổi mới đã trở thành tiếng nói phản biện xã hội gay gắt, quyết liệt. Câu chuyện về một ông vua lốp (Nhật Linh), Lời khai của bị can (Trần Huy Quang), Cái đêm hôm ấy… đêm gì? (Phùng Gia Lộc), Người đàn bà quỳ (Trần Khắc)… là những phóng sự đã gây được hiệu ứng mạnh mẽ trong xã hội.
Cái đêm hôm ấy… đêm gì? của Phùng Gia Lộc là một nét vẽ chân thực và cảm động về cảnh sống của người nông dân ở đội 12 xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Nếu mẹ con chị Dậu (Tắt đèn - Ngô Tất Tố) phải ăn khoai lót dạ qua ngày, mẹ con bà Cụ Tứ (Vợ nhặt - Kim Lân) ăn cháo cám “đắng chát và nghẹn bứ trong cổ” thì bữa ăn của vợ con Phùng Gia Lộc - hội viên hội văn nghệ tỉnh - là cháo rau má! Nông thôn Việt Nam những năm tám mươi không còn ngột ngạt, u tối bởi sưu thuế, áp bức, bóc lột nhưng lại bung bét bởi hàng loạt bất công của cơ chế: làm công ăn điểm, “cào bằng”, bệnh bè phái, tệ quan liêu, tham nhũng… Phóng sự thời kỳ đổi mới đã không ngần ngại bóc trần, phanh phui những mảng màu tối sẫm đằng sau lũy tre làng. Những trang phóng sự nóng hổi đã cho người đọc thấy đầy đủ tính chất quyết liệt của công cuộc đổi mới mà chúng ta đang tiến hành. Đó là một cuộc giằng co chật vật giữa cái mới và cũ, cái tiến bộ và lạc hậu. Tiếng nói
phản tư trong văn học đã góp phần tích cực đẩy mạnh công cuộc đổi mới của đất nước, để cái mới chiến thắng cái cũ, để cái tiến bộ đẩy lùi cái lạc hậu.
Sự phân biệt các khuynh hướng trên đây chỉ là tương đối, giữa các khuynh hướng này có mối quan hệ và sự giao thoa với nhau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn cần được khẳng định: trong khoảng mười năm đầu sau khi đất nước giành chiến thắng, cùng với sự vận động của lịch sử, văn xuôi nghệ thuật đã vận động từ một khuynh hướng (sử thi) sang nhiều khuynh hướng. Đây là sự phát triển mới mẻ của văn xuôi 1975-1985, là một trong những dấu hiệu tích cực chuẩn bị cho công cuộc đổi mới văn học sau 1986. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, ở chương 2 và chương 3, chúng tôi sẽ tìm hiểu sâu và kỹ về hai khuynh hướng cơ bản trong văn xuôi thời kỳ hậu chiến (khuynh hướng viết về chiến tranh với cái nhìn bi tráng và khuynh hướng thế sự đời tư) thể hiện qua hai mảng đề tài: chiến tranh và thế sự đời tư.
1.2.2.3. Các thể loại Thể loại tiểu thuyết
Tiểu thuyết là hình thức tự sự cỡ lớn có khả năng phản ánh hiện thực đời sống ở mọi giới hạn không gian và thời gian.
Trong ba mươi năm 1945-1975, tồn tại trong hoàn cảnh chiến tranh, chịu áp lực của tư duy nghệ thuật mang tính sử thi, hệ thống thể loại đan kết thành một thể thống nhất, chặt chẽ. Với tư cách siêu thể loại, sử thi đã thâm nhập sâu sắc đến tất cả các thể loại tự sự, trữ tình và kịch. Tập trung miêu tả dòng chảy lịch sử, số phận cá nhân gắn liền số phận dân tộc và cộng đồng, các thể loại đều hướng về lý tưởng chung, về những nhân vật mang vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Bởi khả năng phản ánh số phận của nhiều cuộc đời, những bức tranh xã hội rộng lớn và tái hiện nhiều tính cách nên mô hình tiểu thuyết sử thi gần như chiếm vị trí chủ đạo. Những bộ tiểu thuyết đồ sộ, quy mô viết về những chiến dịch lớn, những cuộc hành quân dài dặc… đều xuất hiện trong quãng thời gian này.
Cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta giành thắng lợi, đất nước ta chuyển sang một hoàn cảnh lịch sử mới, gắn liền với những thay đổi về trạng thái tinh thần, về đời sống văn hóa, xã hội. Biến đổi này đã tác động sâu sắc đến đời sống thể loại. Từ cảm hứng sử thi chuyển sang cảm hứng thế sự đời tư, văn học đã