Cảm Hứng Về Sự Thật Và Khát Vọng Khám Phá Hiện Thực

đoàn... Đó còn là hậu phương vững chắc của người lính: những người vợ, người mẹ bộ đội thường xuyên chịu sức ép tinh thần: sự xa cách và rủi ro của số phận nhưng có tấm lòng thủy chung, đức hy sinh và sức chịu đựng đáng kinh ngạc. Những người lính ra trận được xuất phát từ những ngôi nhà - ở đó có tình thương yêu, tình cảm gia đình, quê hương, đất nước, những tình yêu đó đang bị giặc chà đạp. Họ sẽ chiến đấu để bảo vệ những tình cảm thiêng liêng ấy. Lửa từ những ngôi nhà yêu thương của người lính góp lại nhen nhóm thành ngọn lửa thiêng liêng của tình yêu Tổ quốc… (Lửa từ những ngôi nhà).

Văn xuôi viết về chiến tranh thời kỳ hậu chiến tiếp tục khai thác con người cộng đồng nhưng bên cạnh đó đã nhìn thấy con người cá nhân phong phú, phức tạp. Nhân vật của Đất trắng, Miền cháy, Năm 1975 họ đã sống như thế, Sống với thời gian hai chiều, Trong cơn gió lốc… vừa là con người cộng đồng với suy nghĩ, hành động theo lý tưởng, vừa là con người cá nhân phức tạp, nhiều chiều không trùng khít với chính mình. Hình ảnh con người trong văn xuôi hậu chiến vẫn là những con người đại diện cho vẻ đẹp thời đại, kết tinh tinh hoa, khí phách cộng đồng với những phẩm chất đẹp đẽ. Tuy nhiên, trong văn xuôi hậu chiến, bên cạnh việc khai thác con người ở góc độ con người công dân, đã có những khai thác về con người cá nhân, với những nỗi niềm riêng. Đó là những bi kịch trong đời riêng của người lính, là những số phận, cảnh đời đôi khi hết sức trớ trêu và những cảnh huống, những thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua được, là những suy tư, trăn trở của họ khi bước vào cuộc chiến, thậm chí cả những do dự, tính toán, sợ hãi ... (phần này chúng tôi sẽ trình bày rò hơn ở mục 2.1.2. và 2.1.3). Tất cả những biểu hiện đó được mô tả rò nét, làm nổi bật hình ảnh con người trong chiến tranh, đó là con người toàn diện, con người thật chứ không phải là con người “được tắm rửa sạch sẽ trong bầu không khí vô trùng” [121] như trong văn học ba mươi năm chiến tranh.

Trong cuộc chiến đấu gian khổ và ác liệt, mỗi một con người phải tự nguyện hy sinh bản thân mình, quên đi số phận cá nhân để chiến đấu vì số phận dân tộc, số phận cộng đồng. Văn xuôi 1945 - 1975 đã diễn tả sâu sắc điều đó. Văn xuôi 1975 - 1985 tiếp tục viết về lòng yêu nước, tinh thần sẵn sàng chiến đấu hy sinh của người

lính. Mỗi khi bước vào trận, những người lính đều cảm thấy “một cái gì hùng tráng

... đập rộn ràng” [29,88] trong trái tim. Nhưng bên cạnh âm hưởng sử thi xanh biếc ấy, văn xuôi thời kỳ hậu chiến đã nhìn chiến tranh ở bề sâu, ở tính hai mặt của nó. Số phận con người trong và sau cuộc chiến đã trở thành vấn đề trung tâm của văn xuôi sau chiến tranh viết về chiến tranh. Đó là sự khác biệt của văn xuôi 1975-1985 so với văn xuôi trước 1975, là bước khởi đầu cho sự thay đổi quan niệm về hiện thực và con người trong văn xuôi thời kỳ đổi mới.

2.1.2. Cảm hứng về sự thật và khát vọng khám phá hiện thực

“Sức mạnh của chúng ta là ở việc tuyên bố sự thật” (Lênin) - tinh thần ấy của Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô lần XXVII đã bao trùm Đại hội các nhà văn Liên Xô lần thứ VIII năm 1986. Cảm hứng “nhìn thẳng vào sự thật, tìm hiểu sự thật, nói rò sự thật” được đặt ra một cách nghiêm túc. Đó cũng là tinh thần của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI với đường lối đổi mới đất nước. Tuy nhiên, cảm hứng về sự thật đã manh nha từ những năm cuối của thập kỉ bảy mươi, sau khi đất nước được giải phóng.

Cảm hứng về sự thật là xu hướng nói về sự thật một cách trực tiếp và toàn diện, không né tránh những mảng tối, mặt trái, mặt tiêu cực, nhằm cổ vũ cái mới, cái tích cực, góp phần thay đổi và phát triển xã hội. Viết về cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc, văn học 1945 - 1975 được coi là bản hùng ca chiến trận. Do yêu cầu lịch sử, văn học dành những trang đẹp nhất, hào sảng nhất về cuộc chiến và những người con ưu tú của đất nước. Là vũ khí sắc bén cổ vũ cho tinh thần chiến đấu của con người, văn học trước 1975 chủ yếu nhìn chiến tranh ở phần sáng của nó, cái buồn đau, mất mát nếu có cũng chỉ thoáng qua, nhằm tô đậm cho ý chí, nghị lực chiến đấu của con người. Đó là lý do một thời những bài thơ như Màu tím hoa sim (Hữu Loan), Tây Tiến (Quang Dũng)... chưa được chấp nhận. Sau 1975, sự vận động khách quan của lịch sử đòi hỏi văn học phải có cái nhìn toàn diện về hiện thực. Từ đó, nhu cầu nhận thức và phản ánh đầy đủ sự thật chiến tranh được đặt ra và văn xuôi hậu chiến đã bắt đầu đảm trách sứ mạng này, mở đường cho văn học thời kỳ đổi mới. Với cảm hứng về sự thật, văn xuôi hậu chiến đã nỗ lực mở rộng biên độ của hiện thực chiến tranh. Khai thác sự thật tàn bạo, ác liệt của

chiến tranh, chú ý tới những số phận cá nhân và diễn biến tâm lý phức tạp của con người trong cuộc chiến, văn xuôi thời kỳ hậu chiến đã nhìn chiến tranh bằng cái nhìn nhân bản.

2.1.2.1. Cái nhìn mới về hiện thực chiến tranh

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 171 trang tài liệu này.

Từ sau khi Hiệp định Pari năm 1973 được ký kết, những dấu hiệu của cái nhìn mới đối với hiện thực chiến tranh đã được bộc lộ trong văn học: chiến thắng và hy sinh, được và mất, vinh quang và thảm khốc, cái anh hùng và cái bình thường, thậm chí tầm thường… Cảm hứng về sự thật và vấn đề số phận con người trong chiến tranh được đặt ra một cách sâu sắc và toàn diện.

Với cái nhìn đạo đức - thế sự, thực tại chiến tranh đã bước đầu được lý giải đề cập đến, những điều trước kia chưa tiện nói thì nay được phơi bày trước mắt. Khoảng lặng sau chiến tranh đã giúp nhà văn nhìn sâu hơn vào những hy sinh, mất mát để khám phá tâm lý con người. “Việc đào xới sâu vào những góc khuất của hiện thực, dũng cảm nói lên những sự thật có thực trong cuộc chiến tranh vừa qua của dân tộc như tâm lý hoang mang, dao động, nỗi bi quan, chán nản, sự thương vong, chết chóc... đã chứng tỏ nỗ lực cố gắng khắc phục sự phiến diện trong cách tiếp cận hiện thực chiến tranh của văn học trước đó” [91,6].

Văn xuôi Việt Nam thời kỳ hậu chiến 1975-1985 - 9

Bên cạnh những trang viết hoành tráng về chiến dịch và chiến công, bên cạnh dòng sử thi về những gương mặt anh hùng, đã xuất hiện những trang viết với cách nhìn mới. Nhà văn đã nhìn thẳng vào mặt sau của tấm huy chương chiến công: sự bi thảm, khốc liệt của chiến tranh. Đất trắng, Trong cơn gió lốc, Năm 1975 họ đã sống như thế, Miền cháy, Ký sự miền đất lửa... là những phác thảo đầu tiên mang dấu ấn của cảm hứng bi kịch khi chú ý tới những đau thương, mất mát, những số phận bi thảm trong chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi nhưng nó vẫn hiện hữu trong ký ức từng người, qua những vết thương còn nặng nề, day dứt trong tâm khảm...

Chiến tranh với những khắc nghiệt về địa hình, khí hậu, với những khó khăn về vật chất đã được tái hiện trong rất nhiều tác phẩm văn học 1945-1975 nhưng chủ yếu với cảm hứng lãng mạn, ngợi ca (Năm mươi sáu ngày đêm, khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/ Gan không núng/ Chí không

mòn.. - Hoan hô chiến sĩ Điện Biên - Tố Hữu, hay Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc/ Quân xanh màu lá dữ oai hùm - Tây Tiến - Quang Dũng). Hoàn cảnh bất thường, khắc nghiệt đã trở thành môi trường lý tưởng để tỏa sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

Văn xuôi thời kỳ hậu chiến viết về hiện thực ấy với sự chân thật, khách quan bởi những chặng đường hành quân gian khổ, khắc nghiệt của núi rừng, thời tiết, kham khổ về thuốc men, lương thực và bệnh tật… thực sự là những hiểm họa rình rập người lính. Trước khi chiến đấu với quân thù, người chiến sĩ phải chiến đấu với rất nhiều thử thách để giữ cho mình ý chí, sức khỏe và nghị lực. Bởi trong thực tế, không phải chỉ có bom đạn chiến tranh mới là nỗi đe dọa tính mạng của con người mà đói khát, bệnh tật cũng đã cướp đi mạng sống của rất nhiều chiến sĩ.

Nỗi đày đọa, thiếu thốn về vật chất trong sự khắc nghiệt của chiến tranh là thử thách triền miên mà người lính phải vượt qua. Hiện thực cùng cực, nghiệt ngã ấy được phản ánh trong Nắng đồng bằng, Ký sự miền đất lửa, Đất trắng, Trong cơn gió lốc, Biển gọi…. Những chiến sĩ đặc công trong Nắng đồng bằng vượt qua cái đói bằng cách đào củ mài, củ chụp, cuộc hành quân đi lấy gạo của họ khó khăn, gian khổ vô cùng và phải đổi cả bằng máu của người lính, để lại những cảnh ngộ khác nhau cho mỗi con người: có những cái chết bi thảm (Tùng, Toàn), có những kẻ phản bội (Kiêu), có những người bị hiểu lầm (Linh)… Câu chuyện của trung đội gió lốc (Trong cơn gió lốc) sẽ là một bài học đắt giá về kỷ luật quân đội, nhưng xét cho cùng, nguyên nhân sâu xa cũng từ hoàn cảnh khắc nghiệt của chiến tranh. Trong cuộc rút lui đầy gian khổ và hy sinh của trung đoàn 6 trong chiến dịch Công Tum, cả trung đoàn bị tắc nghẽn bên sông Pôcô đang gầm rú vì mùa mưa ập tới. Mưa tầm tã, triền miên đã chặn đứng con đường rút quân của trung đoàn. Gạo hết, các chiến sĩ phải ăn rau môn thục. Rau môn thục hết. Họ nhịn đói. Kiệt sức vì đói, nhiều người đã liều lĩnh ào xuống sông để bơi qua nhưng đó cũng chỉ là sự phó thác số phận cho dòng nước đang cuồn cuộn, gầm réo. Cái đói, cái chết treo lơ lửng trên đầu. Trong khu vực giấu quân khi ấy chỉ còn cây búng báng - to như cây dừa, mọc rải rác bên bờ suối - là loại cây duy nhất có thể ăn để sống. Nhưng để giữ bí mật khu giấu quân, trung đoàn đã ra lệnh nghiêm cấm chặt loại cây này. Trung đội

gió lốc của Mánh còn lại 5 chiến sĩ trẻ, họ đói lả và ôm nhau ngồi khóc trong hầm. Mánh không cầm lòng, anh quyết định chặt một cây búng báng nấu cho anh em ăn. Sáng hôm sau, tai họa ập đến. Bom đạn giội xuống khủng khiếp suốt hai tiếng đồng hồ bởi một dấu tích bên sông thay đổi. 6 người hy sinh và 10 người khác bị thương chỉ vì một cây búng báng. Mánh đau xót, quằn quại dằn vặt, xin chịu mọi kỷ luật của trung đoàn. Anh mất chức trung đội trưởng và bị dừng kết nạp Đảng. Nhưng cái chết của đồng đội mới là án kỷ luật lớn nhất, ám ảnh anh suốt cuộc đời. Chiến tranh khắc nghiệt là vậy. Suy cho cùng, hành động vi phạm nguyên tắc của Mánh được xuất phát từ nỗi thương xót đồng đội. Cái chết vì đói đang đe dọa họ. Chỉ có điều hành động cứu sống đồng đội này của anh lại vô tình cướp đi mạng sống của những đồng đội khác. Thế mới biết, người chiến sĩ đã gánh chịu nỗi cực nhục, thống khổ như thế nào trong guồng quay tàn bạo của chiến tranh!

Cuộc sống thiếu thốn, khắc nghiệt của người lính sau này được miêu tả thấm thía hơn, mạnh mẽ hơn với cảm hứng bi kịch trong văn xuôi viết về chiến tranh sau 1986. Đó là đói khát, bệnh tật: “khẩu phần lương thực đang sụt xuống nhanh như thể nước trong cái bình bị đập vỡ đáy. Khổ sở vì đói, vì sốt rét triền miên, thối hết cả máu, vì quần áo tả tơi và vì những lở loét cùng người như phong hủi” (Nỗi buồn chiến tranh), là tác động ghê gớm của cái đói đến nhân cách con người (Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai)… Đề cập đến những thiếu thốn vật chất trong chiến tranh, văn xuôi sau 1986 nhận ra “sự bất lực của con người trước sự chi phối nghiệt ngã của hoàn cảnh” [91,32] còn văn xuôi hậu chiến vừa cảm thông, chia sẻ với nỗi cực nhục, gian khổ của con người trong chiến tranh vừa khẳng định khả năng vượt lên trên hoàn cảnh của con người - sự hy sinh mà bao thế hệ người Việt Nam đã trải qua - vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn để vươn tới lý tưởng. Đó cũng là đặc trưng của văn xuôi hậu chiến viết về đề tài chiến tranh, vừa hào hùng trong âm hưởng sử thi vừa chân thật trong cảm hứng về sự thật. Những thủy thủ đoàn tàu không số (Biển gọi) dạt lên bờ để tìm đường về bến (địa điểm nhận vũ khí) đã lạc hướng, họ lang thang trong rừng suốt 11 ngày khủng khiếp, phải ăn lá thiên tuế, quả dẹp, đậu ma, ăn ốc sên, kiến vàng, thậm chí uống… nước tiểu, nước bùn… để sống sót. Sức cùng, lực kiệt, đã có lúc họ không còn ý chí, nghĩ đến cách tự giải thoát cho mình

nhưng khí tiết của người chiến sĩ hải quân đã giúp họ đứng dậy. Khi tìm thấy những con người quả cảm ấy - chỉ còn da bọc xương với thương tích be bét, áo quần tơi tả - đồng chí bến trưởng đã nghẹn ngào: “Nhân danh bến trưởng, tôi nhiệt liệt khen ngợi các chiến sĩ! Và cũng nhân danh một người miền Nam, tôi trăm lần cảm tạ, ngàn lần cảm tạ các chiến sĩ!” [28,209].

Phản ánh một hiện thực dữ dội, khắc nghiệt khác - cuộc sống trong lòng đất của người dân vùng đất lửa Vĩnh Linh - tác giả Ký sự miền đất lửa nhìn thấy những mất mát, hy sinh của người dân và cả ý chí kiên cường vượt qua gian khổ của họ. Ngày 27/11/1964, tàu chiến Mỹ bắn đại bác từ ngoài biển vào đã thiêu hủy 72 nóc nhà thôn Vĩnh Mốc, đến tháng 6/1965 cả thôn bị máy bay đốt trụi. Thôn Vĩnh Mốc không còn nhưng người Vĩnh Mốc vẫn tồn tại. “Cũng như tất cả Vĩnh Linh, trước mắt họ còn có miền Nam, có quê hương Quảng Trị còn rên xiết dưới ách kìm kẹp của kẻ thù, có một vùng biển Tổ quốc phải giữ gìn, có một hòn đảo nhỏ ngoài khơi phải tiếp tế: Cồn Cỏ. Quá trình đi vào lòng đất bắt đầu. Dựa vào đất mà sống, mà chiến đấu và chiến thắng kẻ thù” [29,187]. Và người dân Vĩnh Mốc đào địa đạo từ đó. Cuộc sống của làng Vĩnh Mốc với 82 gia đình 300 con người bắt đầu trong lòng đất với tất cả mọi thứ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người: giếng nước, bếp ăn, nhà tắm, nhà vệ sinh, bệnh xá, nhà hộ sinh, nhà trẻ… Để tới được ngày chiến thắng, những người dân kiên trung ấy đã vượt qua rất nhiều gian khổ, phải chịu đựng cái lạnh thấu xương, cái không khí ngột ngạt, tăm tối trong lòng đất khi bên ngoài là biển xanh, gió khơi lồng lộng và ánh nắng chói chang. Với đặc trưng của ký, Nguyễn Sinh và Vũ Kỳ Lân đã đưa đến cho người đọc góc nhìn cận cảnh, chi tiết về những gian khổ của người dân Vĩnh Linh và cảm xúc nồng nàn, dạt dào yêu thương, chia sẻ, khâm phục trước ý chí của họ.

Sau 1975, văn xuôi thời kỳ hậu chiến đã nhìn thẳng vào sự thật, đó không chỉ là những khó khăn, thiếu thốn về vật chất mà còn là những nỗi thống khổ về tinh thần, là cái chết, có thể đến bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu và với bất cứ ai.

Chiến tranh là con quái vật có nọc độc khủng khiếp. Bên cạnh những người lính, nhân dân là những nạn nhân đáng thương nhất của con quái vật ấy. “Hình như tất cả những nỗi đau thương của chiến tranh đều dồn lên đầu trẻ em và phụ nữ”

[31,305]. Đồng bào miền Nam do sống quá lâu trong vòng kìm kẹp của địch, bị tuyên truyền, lừa phỉnh nên chưa hiểu về quân giải phóng, họ tin vào lời kẻ địch và sợ Việt Cộng như sợ quỷ Sa tăng. Khi quân đội ngụy rút khỏi cao nguyên, chúng đã dọa dẫm, lôi kéo dân di tản. Bao nhiêu người dân đã bỏ nhà bỏ cửa chạy theo chúng với niềm tin mù quáng, và họ lại bị chính cái quân đội ấy đạp lên để tháo chạy. Trong cơn gió lốc của Khuất Quang Thụy đã miêu tả nỗi thống khổ kinh hoàng của đám dân di tản qua con mắt của Mai - cô sinh viên Luật sinh ra trong gia đình tư sản ở Sài Gòn. Trong hành trình đi tìm sự thật của chiến tranh, Mai đã chứng kiến bao nỗi khổ nhục, cay đắng, gian truân của họ: đói khát (cái chết của những em bé trong đoàn dân di tản, nỗi khổ cực, nhục nhã của người dân khi phải mua nước để uống…), bị giết (cái chết bi thảm của vợ chồng kỹ sư Minh…), bị cướp bóc, hãm hiếp (cô gái bạn Mai và cả chính Mai suýt chút nữa rơi vào bàn tay dâm dục của tên sỹ quan ngụy… ). Hành trình ngộ ra chân lý của Mai đã trải qua bao cực nhục của đồng loại và của chính mình.

Chiến tranh là nơi mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ mong manh như sợi tóc. Và trong cái guồng quay tàn bạo ấy, cái chết có thể ập đến bất cứ lúc nào. Có những trận đánh, cả tiểu đoàn hy sinh, có bệnh viện phân khu không còn khả năng để nhận thêm thương binh vì quá tải. Đây là cái chết thương tâm của người đàn bà và 4 đứa trẻ thôn Cổ Trai (Ký sự miền đất lửa), kia là cảnh chôn cất một chiến sĩ liên lạc trong đêm mưa đầy bi thảm (Đất trắng)… Có những hầm sập làm chết những người dân vô tội: “khi đào lên bà Diệp vẫn đang ngồi, hai tay bưng chặt lỗ tai, chị Nhạn thì ôm lấy con, mồm thằng nhỏ còn ngậm vú…” [29,22], có chiến sĩ được về phép thăm nhà vừa đến ngò, trúng bom và hy sinh: “chỉ còn mươi bước chân nữa nhưng Ái vĩnh viễn không về được với người thân, anh hy sinh ở nơi có lẽ 4 năm trước anh đã từ giã mẹ và vợ con để lên đường đi chiến đấu” [29,58], có em bé chết ngay ở cửa nhà mình bởi trúng mìn của dân vệ, có người phụ nữ bị giặc giết hại khi cô vừa tìm lại được hạnh phúc đời mình sau những tháng năm dài bị đồng loại xa lánh vì định kiến, để lại đứa con thơ vốn đã không có cha (vì cha nó đã hy sinh trong chiến tranh), nay lại mồ côi mẹ, để lại tình yêu muộn màng, cay đắng (Mận - Sao đổi ngôi)…

Môi trường sống khắc nghiệt đã tác động mạnh mẽ đến con người. Trong hàng ngũ của ta, biết bao kẻ không chịu được khổ sở vì đói rét, bom đạn đã đào ngũ, phản bội, chiêu hồi (Kiêu - Nắng đồng bằng, Tám Hàn - Đất trắng, Hậu, Biên

- Đất miền Đông…). Viết về những gian khổ, hy sinh, mất mát, lật đến từng góc khuất tăm tối trong chiến tranh, văn xuôi hậu chiến bày tỏ sự cảm thông với những nỗi đau con người phải gánh chịu trong chiến tranh. Cảm hứng về sự thật với hiện thực dữ dội, khốc liệt của chiến tranh đã khiến văn xuôi 1975-1985 không còn giọng điệu ngợi ca một chiều mà bên cạnh đó là giọng xót xa, trăn trở trước sự thật đau buồn có thực trong cuộc kháng chiến của dân tộc. Con đường đi đến độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam đã có bao sự hy sinh lớn lao, bao khó khăn, thử thách tưởng như không thể vượt qua.

Nhìn chiến tranh bằng điểm nhìn của người lính trong chiến hào, các nhà văn Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Khuất Quang Thụy... đã hướng tới sự chân xác qua trải nghiệm cá nhân của chính mình. “Chiến tranh không còn được miêu tả bằng kinh nghiệm cộng đồng, qua lăng kính tập thể mà bằng con mắt, kinh nghiệm cá nhân của nhà văn” [91,25]. Những đau thương, mất mát của chiến tranh được soi chiếu cận cảnh, không ngần ngại, không thêm bớt mà thô ráp, trần trụi như nó vốn có. Từ những khai mở dũng cảm, trung thực ấy, văn xuôi viết về chiến tranh sau 1986 tiếp tục miêu tả đến tận cùng tính khốc liệt, bạo tàn của nó. Di họa chiến tranh (Minh Chuyên), Chim én bay (Nguyễn Trí Huân), Vòng tròn bội bạc, Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai), Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh)... là dòng văn học viết về chiến tranh với cảm hứng bi kịch sâu sắc: “Chiến tranh... là cái quái gì ấy nhỉ? Phải chăng nó chỉ gói gọn trong một định nghĩa mộc mạc: Là ngày nào cũng thấy người chết nhưng lại chưa đến phiên mình chết” (Ăn mày dĩ vãng - Chu Lai). “Chiến tranh là còi không nhà không cửa, lang thang khốn khổ và phiêu bạt vĩ đại, là còi không đàn ông, không đàn bà, là thế giới thảm sầu, vô cảm, là tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con người” (Nỗi buồn chiến tranh - Bảo Ninh). Chiến tranh trở thành ký ức kinh hoàng, bi thảm của những ai đã từng trải qua cuộc chiến, trở thành những hồi ức day dứt, chập chờn trong tâm trí con người (Quy - Chim én bay, Kiên - Nỗi buồn chiến tranh, Hai Hùng - Ăn mày dĩ vãng, Trữ - Mê lộ…).

Xem tất cả 171 trang.

Ngày đăng: 21/07/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí