thấy hiệu quả lợi nhuận của nông dân dao động rất lớn từ 1% đến 99,9% với mức trung bình là 41,4% và tập trung chủ yếu ở mức hiệu quả dưới 50%. Điều này cho thấy hiệu quả sản xuất của nông dân còn ở mức rất thấp. Nghiên cứu cho thấy giáo dục, kinh nghiệm, khuyến nông và việc làm phi nông nghiệp là những yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả lợi nhuận và sự kém hiệu quả về lợi nhuận trong sản xuất có thể giảm đáng kể khi trình độ học vấn của nông dân được cải thiện.
Bên cạnh đo lường hiệu quả kỹ thuật, phương pháp SFA cũng được sử dụng để đo lường hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế. Chẳng hạn: Ali và Chaudry (1990) đã kiểm tra hiệu quả kỹ thuật, phân bổ và hiệu quả kinh tế cho một mẫu gồm 220 nông dân nằm ở 4 huyện trồng trọt ở Punjab của Pakistan. Hàm sản xuất biên ngẫu nhiên được sử dụng và đo lường các chỉ số hiệu quả. Các số đo TE, EE và AE trung bình là 84%, 51% và 61%. Ngoài ra nghiên cứu còn cho thấy sự kém hiệu quả về mặt kỹ thuật gây ra từ 40% đến 50% thiệt hại trong lợi nhuận nông nghiệp, trong khi thiệt hại về lợi nhuận do sự không hiệu quả phân bổ chỉ khoảng 2%. Bravo‐Ureta và cộng sự (1997) sử dụng phương pháo SFA phân tích EE, TE và AE cho 60 mẫu nông dân ở khu vực Dajabon thuộc Cộng hòa Dominica. Nghiên cứu đo được mức trung bình EE, TE và AE đối với mẫu là 31%, 70% và 44%. Trong bước thứ hai, bằng việc sử dụng hàm Tobit, tác giả nhận thấy rằng giáo dục và quy mô trồng trọt có ảnh hưởng tích cực đến TE và AE, trong khi quy mô hộ gia đình lại có ảnh hưởng tiêu cực đến cả hai chỉ số này.
Gần đây, nghiên cứu của Londiwe và cộng sự (2014) đo lường mức độ hiệu quả sản xuất (gồm TE, AE, EE) của 231 nông dân trồng mía quy mô nhỏ ở tỉnh Mpumalanga của Nam Phi. Kết quả cho biết hiệu quả về kỹ thuật, phân bổ và kinh tế của nông dân Nam Phi còn tương đối thấp, lần lượt là 68,5%, 61,5 và 41,8%. Trình độ học vấn của nông dân, quy mô đất đai, kinh nghiệm canh tác và tuổi tác đóng góp đáng kể và tích cực vào hiệu quả sản xuất. Tang và cộng sự (2015) dựa trên số liệu gồm 347 người trồng lúa mì ở đồng bằng Quan Trung, Trung Quốc ước tính đồng thời hiệu quả kĩ thuật, hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế bằng mô hình SFA. Kết quả cho thấy hiệu quả kỹ thuật, phân bổ và kinh tế trung bình lần lượt là 0,86, 0,8 và 0,35. Phân tích cũng khẳng định vai trò của tưới tiêu trong sản xuất bao gồm giá nước và cơ sở hạ tầng thủy lợi làm tăng hiệu quả phân bổ, cùng với đó manh mún đất đai khiến hiệu quả phân bổ trong sản xuất lúa mì giảm. Tương tự, nghiên cứu của Musa (2015) đo lường hiệu quả kỹ thuật, phân bổ và kinh tế trong sản xuất ngô ở Ethiopia bằng cách sử dụng dữ liệu chéo được thu thập từ 138 hộ nông dân. Kết quả ước tính cho thấy hiệu quả kỹ thuật, phân bổ và hiệu quả kinh tế trung bình lần lượt là 84,87%, 37,47% và 31,62%. Trong số các yếu tố xác định mức độ của điểm hiệu quả, giáo dục được tìm thấy là có
tác động tích cực đến hiệu quả kinh tế và phân bổ của nông dân, trong khi tần suất tiếp xúc với khuyến nông có mối quan hệ thuận chiều với hiệu quả kỹ thuật nhưng có quan hệ ngược chiều với cả hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu cũng cho thấy tiếp cận tín dụng ảnh hưởng tích cực đến hiệu quả kĩ thuật và hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu mới đây của Okello và cộng sự (2019) ở Uganda, dữ liệu được thu thập từ một mẫu ngẫu nhiên gồm 200 nông dân trồng lúa nhỏ lẻ tại hai huyện miền bắc Uganda để đánh giá các nguồn gây ra sự kém hiệu quả phân bổ cấp nông hộ trong sản xuất lúa bằng phương pháp tiếp cận biên ngẫu nhiên. Kết quả cho thấy AE trung bình là 75%. Quy mô hộ gia đình, khoảng cách đến trung tâm thương mại, quy mô trang trại, số lượng doanh nghiệp trồng trọt, sử dụng lao động làm thuê, sử dụng máy cày, và khả năng tiếp cận tín dụng có ảnh hưởng đáng kể đến AE.
Phương pháp tiếp cận phi tham số cũng được sử dụng khá phổ biến trong các nghiên cứu đo lường hiệu quả, điển hình là phương pháp bao dữ liệu (DEA) được giới thiệu đầu tiên bởi bởi Charnes và cộng sự (1978). Trong phương pháp này, có thể phân tách hiệu quả quy mô và hiệu quả kỹ thuật chỉ bằng cách kết hợp các đại lượng đầu vào và đầu ra, điều này cung cấp cho nhà nghiên cứu những chia sẻ tương đối của từng yếu tố đến mức độ hiệu quả. Coelli và cộng sự (2002), Chiona (2011) đã sử dụng phương pháp DEA để đo lường hiệu quả kĩ thuật và hiệu quả phân bổ ở Bangladesh và Zambia, hay các nghiên cứu mới đây ở Nam Phi (Londiwe và cộng sự, 2014), Ethiopia (Musa, 2015) và Uganda (Okello và cộng sự, 2019). Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp này là nó không cho phép kiểm tra giả thuyết trực tiếp và ước lượng không hàm chứa sai số ngẫu nhiên, nên nếu số liệu có chứa nhiều sai số thì kết quả tính toán sẽ bị sai lệch đáng kể.
Do sản xuất nông nghiệp có chứa nhiều yếu tố ngẫu nhiên nên luận án sử dụng cách tiếp cận tham số ngẫu nhiên để đo lường các khía cạnh của hiệu quả.
Từ tổng quan ở trên cho thấy, hiệu quả sản xuất nông nghiệp được quan tâm rộng rãi ở các nước có nền nông nghiệp đang phát triển. Kết quả chỉ ra, có sự khác biệt đáng kể về hiệu quả sản xuất giữa các khu vực hoặc giữa các nước khác nhau, đặc biệt là hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế. Việc đo lường đồng thời các khía cạnh khác nhau của hiệu quả sản xuất đã làm rõ hơn bức tranh tổng thể về hiệu quả sản xuất nông nghiệp ở các nước và các khu vực.
Các nghiên cứu về tác động của QSDĐ đến hiệu quả
Có thể bạn quan tâm!
- Tác động của quyền sử dụng đất nông nghiệp lên hiệu quả sản xuất nông nghiệp Việt Nam - Tiếp cận bằng các mô hình toán kinh tế - 2
- Cơ Sở Lý Thuyết Về Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp
- Kênh Tác Động Từ Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp Lên Hiệu Quả Sản Xuất
- Phương Pháp Ước Lượng Hiệu Quả Kỹ Thuật, Hiệu Quả Phân Bổ Và Hiệu Quả Kinh Tế
- Phương Pháp Ước Lượng Tổng Quát Gee
- Một Số Chính Sách Về Quyền Sử Dụng Đất Nông Nghiệp
Xem toàn bộ 155 trang tài liệu này.
Một hướng nghiên cứu quan trọng khác về hiệu quả, đó là tìm hiểu về tác động của các yếu tố lên hiệu quả sản xuất. Ngoài các yếu tố truyền thống như giáo dục, độ
phân mảnh đất đai, quy mô trồng trọt, khả năng tiếp cận thông tin và nguồn vốn cho sản xuất, một số nghiên cứu tập trung vào vai trò của quyền sử dụng đất, đây là yếu tố có tác động lên hầu hết các kênh truyền dẫn được trình bày ở phần trên.
Các nghiên cứu này tập trung vào những nước có quyền sử dụng đất chưa rõ ràng hoặc còn nhiều xung đột trong quản lý đất đai, trong đó quyền sở hữu đất thuộc về nhà nước hoặc các tổ chức chính trị, xã hội như bộ lạc – thị tộc và người dân được cung cấp quyền sử dụng với những điều kiện nhất định.
Chẳng hạn, Abdulai và cộng sự (2001) khi nghiên cứu những tác động đến hiệu quả sản xuất ngô và đậu nành ở Nicaragua với 120 hộ gia đình bằng phương pháp SFA đã nhấn mạnh đến khả năng tiếp cận đất đai cho người nghèo. Sử dụng ước lượng hợp lý tối đa để đánh giá các yếu tố tác động lên hiệu quả, nghiên cứu cho thấy, quyền sử dụng đất được đảm bảo là điểm khởi đầu trong chuỗi các điều kiện thiết yếu để tăng đầu tư dẫn đến tăng hiệu quả, nhờ vào khả năng tích lũy tài sản và cơ hội tiếp cận thị trường tín dụng.
Ahmed và cộng sự (2002) sau khi đo lường hiệu quả kĩ thuật trồng trọt của các nông dân ở Ethiopia nhận thấy, mức hiệu quả kĩ thuật trung bình là 71%, trong đó thấp nhất là 4% và cao nhất là 94%. Sự khác biệt về hiệu quả giữa các hộ thấp nhất và cao nhất không chỉ phụ thuộc vào trình độ học vấn, diện tích trồng trọt, tỉ lệ lao động mà còn phụ thuộc vào quyền sử dụng đất. Theo nghiên cứu này, các mảnh đất được trồng trọt bởi các chủ sở hữu đất có hiệu quả cao hơn đáng kể so với các mảnh đất không có quyền sở hữu. Cụ thể, các chủ sở hữu trồng trọt với mức hiệu quả kĩ thuật trung bình là 73% trong khi các hộ không có quyền sở hữu chỉ sản xuất với mức hiệu quả trung bình là 64%. Kết quả này được giải thích bởi sự chậm trễ trong việc thực hiện các hoạt động quan trọng trong sản xuất và việc sử dụng lao động dưới mức tối ưu của các hộ không có quyền sở hữu. Về vĩ mô, do mức độ chiếm hữu đất đai phổ biến ở châu Phi cận Sahara khiến tình trạng không có đất ngày càng tăng ở các vùng nông thôn bởi áp lực về dân số và các cơ hội sinh kế thay thế hạn chế, là nguồn gốc của sự kém hiệu quả và là nguyên nhân hạn chế năng suất nông nghiệp.
Tương tự, Rahman và cộng sự (2009) lấy dữ liệu từ 298 hộ nông dân được chọn theo quy trình chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng ở bốn ngôi làng của Bangladesh. Hiệu quả kĩ thuật trung bình được ước tính là 91%, trong đó thấp nhất là 62% và cao nhất là 99%. Từ phương pháp ước lượng hợp lý tối đa, nghiên cứu chỉ ra quyền sở hữu các nguồn tài nguyên chính (như đất đai, lao động gia đình và sức kéo động vật) là một yếu tố quan trọng quyết định điểm hiệu quả kĩ thuật. Trong đó, nghiên cứu khẳng định, các chủ sở hữu đất có hiệu quả sản xuất tốt hơn đáng kể so với những người thuê đất
hoàn toàn hoặc thuê đất một phần. Ngoài ra chất lượng đất, sự manh mún đất đai và số lao động làm thuê cũng có ảnh hưởng đến hiệu quả và năng suất.
Zhang và cộng sự (2011) dựa trên bộ số liệu mảng từ năm 1995 đến năm 2002 cho các hộ gia đình nông thôn ở các tỉnh của Trung Quốc gồm Chiết Giang, Hồ Bắc và Vân Nam đã sử dụng phương pháp SFA để ước tính hiệu quả kĩ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả cho thấy TE trung bình của các tỉnh lần lượt là 95,7%, 86,7% và 91,3%. Bước thứ hai, các tác giả sử dụng mô hình hiệu ứng cố định để xem xét các yếu tố tác động đến hiệu quả. Thống kê mô tả cho thấy việc tái phân bổ đất thường xuyên vẫn diễn ra phổ biến ở một số làng trong các tỉnh và kết quả hồi quy khẳng định, hiệu quả kĩ thuật bị tác động mạnh mẽ bởi an ninh về quyền sử dụng đất. Khi đất đai thường xuyên bị phân chia lại đã làm ảnh hưởng đến canh tác và thị trường đất nông nghiệp. Ngoài ra nghiên cứu cũng cho thấy, đất đai manh mún có thể là một cản trở lớn đối với việc nâng cao hiệu quả kỹ thuật, và trình độ học vấn cao có tác động tích cực đến các mức hiệu quả này.
Manjunatha và cộng sự (2013) đã sử dụng số liệu từ 90 trang trại được tưới nước ngầm ở nam Ấn Độ để đo lường hiệu quả kĩ thuật lợi nhuận và đánh giá vai trò của quyền sử dụng đất đến hiệu quả. Bốn mô hình đã được đề xuất để đo TE với các hình thức khác nhau. Kết quả cho thấy, hiệu quả kĩ thuật trung bình từ các mô hình là khoảng 70% đến 93%. Các hộ không có quyền sở hữu đất có hiệu quả thấp hơn các hộ chủ có quyền sở hữu ở tất cả các mô hình. Nguyên nhân của tình trạng này là những nông dân không có quyền sở hữu đất không thể thực hiện các hoạt động cho nông trại kịp thời vì họ có ít quyền kiểm soát hơn đối với đất và nước. Hơn nữa, họ sử dụng các yếu tố đầu vào tương đối kém chất lượng so với các hộ khác do tình trạng tài chính của họ kém hơn. Các yếu tố như tình trạng phân mảnh đất đai, quy mô trang trại và và sự đa dạng cây trồng cũng có tác động đến hiệu quả và lợi nhuận trồng trọt. Nghiên cứu gợi ý, bằng cách thúc đẩy dồn điền đổi thửa, trao quyền sở hữu đất cho nông dân, việc thuê và cho thuê đất có thể có những tác động tích cực đến sản xuất nông nghiệp.
Ngoài các nghiên cứu sử dụng số liệu chéo, cũng có các nghiên cứu sử dụng số liệu mảng, nhằm tận dụng các ưu việt của dạng số liệu này. Chẳng hạn, Michler và Shively (2015) sử dụng dữ liệu mảng 4 vòng từ 230 trang trại trồng lúa ở Philippines để đo lường tác động của quyền sử dụng đất đối với hiệu quả trang trại. Hiệu quả kĩ thuật được ước lượng bởi hàm sản xuất biên ngẫu nhiên và hiệu quả trung bình đo được là 64%. Ngoài ra, khi có quyền sử dụng đất, các hợp đồng cho thuê đất được đảm bảo hơn và các hộ thuê đất sản xuất với hiệu quả cao hơn các hộ chính chủ hoặc các hộ đi thuê mà không được đảm bảo về thời gian thuê. Nghiên cứu tiếp theo của Koirala và
cộng sự (2016) về tác động của quyền sử dụng đất đến năng suất và hiệu quả của nông dân trồng lúa của Philippines cũng hoàn toàn đồng tình với các kết luận ở trên.
Tại Trung Quốc, nghiên cứu của Zhou và cộng sự (2019) ở các tỉnh Liêu Ninh, Giang Tây và Giang Tô đo lường hiệu quả kĩ thuật trong sản xuất ngũ cốc cho thấy hiệu quả kĩ thuật trung bình là 82%. Sử dụng mô hình hiệu ứng cố định với biến công cụ nghiên cứu của Zhou khẳng định hiệu quả kỹ thuật trong sản xuất ngũ cốc bị ảnh hưởng bởi an ninh quyền sở hữu đất của hộ gia đình. Sự phân phối lại đất đai phù hợp có tác động tích cực đến hiệu quả sản xuất, nhưng sự phân phối này có thể làm méo mó thị trường đất đai còn nhiều hạn chế ở Trung Quốc và làm giảm hiệu quả kĩ thuật. Ngoài ra, hiệu quả kĩ thuật còn bị ảnh hưởng bởi sự manh mún đất đai và những tác động tích cực từ trình độ học vấn của nông dân. Các kết luận này tương đồng với nghiên cứu trước đây tại Trung Quốc của Ma và cộng sự ( 2017) với số liệu từ tỉnh Cam Túc vào năm 2010 và tỉnh Giang Tây vào năm 2011.
Ngoài việc xem xét vai trò của quyền sử dụng đất lên hiệu quả, đo bằng hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế, một số nghiên cứu cũng quan tâm đến hiệu quả đo bằng thước đo năng suất. Chẳng hạn, Holden và cộng sự (2009) sử dụng phương pháp dữ liệu mảng động đã chứng minh tác động tích cực và đáng kể của việc cấp giấy chứng nhận đất với giá rẻ ở Ethiopia diễn ra vào cuối những năm 1990. Kết quả cho thấy, cải cách về cấp giấy chứng nhận QSDĐ đã tác động tích cực đáng kể đến việc duy trì các cấu trúc bảo tồn đất, đầu tư vào cây cối và năng suất trồng trọt. Tương tự, Deininger và cộng sự (2011) xem xét tác động của việc cấp giấy chứng nhận đất đai đối với đầu tư và năng suất nông nghiệp ở Ethiopia. Các kết quả đã chỉ ra có sự khác biệt lớn trong đầu tư bảo tồn đất của hộ có và không có giấy chứng nhận quyền sử dụng. Nghiên cứu khẳng định, mặc dù giấy chứng nhận không thể loại bỏ được tình trạng mất an toàn về quyền hưởng dụng, nhưng nó đã làm giảm đáng kể nỗi sợ hãi về việc mất đất khoảng 10 điểm phần trăm. Cấp QSDĐ cho nông dân có tác động đến đầu tư đất đai, khả năng tham gia thị trường cho thuê đất và mang lại những lợi ích xã hội cao hơn đáng kể so với chi phí thực hiện. Các kết quả nghiên cứu này còn được ủng hộ bởi Ghebru và Holden (2015) ở vùng cao phía bắc của Ethiopia. Kết quả của chỉ số năng suất Malmquist cho thấy các trang trại không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có năng suất thấp hơn so với các trang trại có quyền sử dụng đất chính thức. Lý do là bởi lợi thế công nghệ và hiệu quả đầu tư mà các trang trại có giấy chứng nhận có được so với các trang trại không có giấy chứng nhận.
Deininger và cộng sự (2006) đã chỉ ra tác động đáng kể của an ninh quyền sử dụng đất đối với sản lượng nông nghiệp ở Uganda. Mức độ ước tính của thiệt hại năng
suất do những bất ổn về quyền đất đai là từ 5% đến 11%. Điều này cho thấy rằng hiệu quả sản xuất bị hạn chế bởi các mảnh đất canh tác không được cấp giấy chứng nhận kịp thời. Tương tự tại Ghana, nghiên cứu của Goldstein và cộng sự (2008) đánh giá tác động của quyền sử dụng đất đến lợi nhuận nông nghiệp của các hộ gia đình. Nghiên cứu nhận thấy rằng quyền sử dụng đất không an toàn ở Ghana có liên quan đến việc giảm đáng kể đầu tư vào độ phì nhiêu của đất. Những cá nhân không thuộc tầng lớp quyền lực xã hội và chính trị có nhiều khả năng bị tịch thu đất trong khi đất bị bỏ hoang. Sự giảm sút lòng tin của nông dân trong việc duy trì các quyền của họ đối với đất đai làm giảm mức tối ưu về mặt kỹ thuật. Do đó, năng suất trang trại của những cá nhân này bị giảm tương ứng. Nakasone (2011) trình bày về mối quan hệ tương đối giữa các hình thức phân bổ lao động và quyền sử dụng đất ở Peru. Kết quả cho thấy quyền tài sản thúc đẩy đầu tư gắn liền với đất và giúp tăng năng suất trong các hoạt động nông nghiệp, tăng số giờ làm việc trên trang trại (hiệu quả năng suất). Ngoài ra còn rất nhiều nghiên cứu cho thấy ảnh hưởng của quyền sử dụng đất đến đầu tư và năng suất nông nghiệp như tại Cameroon (Foning và cộng sự, 2013), Madagascar (Bellemare, 2013) Trung Quốc (Deininger và cộng sự, 2014) và Pakistan (Kousar và cộng sự, 2018).
Nghiên cứu ở Malawi (Mendola và Simtowe, 2015), cho thấy rằng việc cải thiện tiếp cận đất đai giúp tăng năng suất và thu nhập. Một nghiên cứu khác tại Nam Phi (Keswell và Carter, 2011), cho thấy mức tiêu thụ bình quân đầu người đã tăng lên khi đất đai được tiếp cận tốt hơn. Nghiên cứu ở Cameroon (Foning và cộng sự, 2013) cho thấy, sự không an toàn của quyền sử dụng đất sẽ làm giảm tỉ lệ mua thiết bị hiện đại khoảng 44% và giảm tỉ lệ sử dụng phân bón khoảng 21% ở những trang trại thuê đất. Do đó, những hộ đi thuê có năng suất thấp hơn vì họ đầu tư ít hơn so với các hộ trồng trọt trên mảnh đất chính chủ. Các nghiên cứu liên quan đến tác động quyền sử dụng đất ở Uganda (Deininger và cộng sự, 2006) và Pakistan (Kousar và Abdulai, 2016) cho thấy, các can thiệp nâng cao nhận thức, kiến thức pháp luật có tác động tích cực đến đầu tư và năng suất, trong khi nghiên cứu thứ hai cho thấy chủ sở hữu đầu tư nhiều hơn vào phân bón hữu cơ và người thuê có mức đầu tư tương đối cao hơn vào phân bón hóa học.
1.3.2. Tổng quan các công trình nghiên cứu tại Việt Nam
Ở Việt Nam đã có một số nghiên cứu về đo lường và đánh giá tác động của các yếu tố đến hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ quan tâm đến hiệu quả kỹ thuật, và cũng chưa quan tâm đến quyền sử dụng đất. Ví dụ, Rios, A. R., và Shively, G. E. (2005) nghiên cứu hiệu quả của các trang trại cà phê quy mô nhỏ ở
Việt Nam. Dữ liệu từ cuộc điều tra năm 2004 về các trang trại cà phê ở hai huyện của tỉnh Đắk Lắk được sử dụng trong phân tích. Trước tiên, bằng phương pháp bao dữ liệu (DEA) hiệu quả kĩ thuật và hiệu quả chi phí được ước tính là 0,89 và 0,58. Trong bước thứ hai, hồi quy Tobit xác định các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả kỹ thuật và chi phí. Kết quả chỉ ra rằng các trang trại nhỏ kém hiệu quả hơn các trang trại lớn. Sự kém hiệu quả được quan sát thấy ở các trang trại nhỏ dường như có liên quan một phần đến quy mô đầu tư vào cơ sở hạ tầng thủy lợi.
Khai và cộng sự (2008) đã nỗ lực đo lường hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bổ và hiệu quả kinh tế của nông dân trồng đậu tương ở Đồng bằng sông Cửu Long bằng phương pháp phân tích biên ngẫu nhiên (SFA) và xác định các yếu tố quyết định đến hiệu quả. Phân tích cho thấy mức độ trung bình của hiệu quả kỹ thuật, phân bổ và kinh tế lần lượt là 74%, 51% và 38%. Trong nghiên cứu tiếp theo, Khai và cộng sự (2011) ước tính hiệu quả kỹ thuật (TE) trong sản xuất lúa và xác định một số yếu tố quyết định đến TE của các nông hộ trồng lúa từ số liệu VHLSS 2006. Hiệu quả kỹ thuật được tính toán trong nghiên cứu là khoảng 81,6%. Nghiên cứu chỉ ra rằng các yếu tố quan trọng nhất có tác động tích cực đến mức hiệu quả kỹ thuật là thâm canh, thủy lợi và giáo dục.
Linh (2012) đã sử dụng bộ dữ liệu VHLSS 2004 cho nông dân trồng lúa ở Việt Nam. Tác giả dùng hai phương pháp phân tích gồm phương pháp bao dữ liệu (DEA) và phương pháp phân tích biên ngẫu nhiên (SFA) để ước tính hiệu quả kĩ thuật cho nông dân trồng lúa. Kết quả từ các phương pháp đã ước tính hiệu quả kỹ thuật là khoảng 79%, ngoài ra hiệu quả kỹ thuật bị ảnh hưởng đáng kể bởi giáo dục tiểu học và các yếu tố khu vực. Nghiên cứu cũng cho thấy các nông hộ đang sản xuất với quy mô hoạt động chưa tối ưu.
Hồ Đình Bảo (2012) nghiên cứu năng suất các yếu tố tổng hợp trong nông nghiệp Việt Nam và các yếu tố quyết định. Nghiên cứu chỉ ra không chỉ tồn tại khoảng cách về công nghệ sản xuất nông nghiệp mà còn có sự chênh lệch giữa các vùng. Ngoài ra nông nghiệp Việt Nam đã trở nên tương đối thâm dụng vốn hơn trong giai đoạn 1990-2006. Nghiên cứu cho thấy các yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất nông nghiệp như GDP bình quân đầu người của tỉnh, khả năng tiếp cận tín dụng của nông hộ, chất lượng đất, quy mô dân số nông nghiệp, tỷ lệ dân số phi nông nghiệp ở nông thôn trong tổng dân số nông nghiệp, quy mô trang trại, quy mô của thửa đất và sự phân mảnh đất đai.
Một số nghiên cứu quan tâm đến tác động của quyền sử dụng đất nông nghiệp lên hiệu quả sản xuất nhưng chỉ ở một góc độ nhỏ, chẳng hạn, nghiên cứu của Do và
Iyer (2003, 2008) dựa trên bộ dữ liệu VHLSS, các tác giả sử dụng tỷ lệ đăng ký đất đai của mỗi tỉnh làm cơ sở nghiên cứu. Kết quả cho thấy quyền sử dụng đất được đảm bảo sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong diện tích dành cho cây trồng nhiều năm và đầu tư thủy lợi.
Deininger và Jin (2008) sử dụng cùng một bộ dữ liệu cho năm 1993 và 1998 để xác định các yếu tố có lợi cho sự phát triển của thị trường đất đai và để đánh giá mức độ chuyển nhượng đất nâng cao hiệu quả sản xuất. Họ thấy rằng cả thị trường cho thuê và mua bán đất đều tăng nhanh, sự tăng cường các hoạt động này là nhờ vào sở hữu quyền sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với việc thiếu dữ liệu về các quyền sử dụng đất ở cấp độ hộ gia đình.
Gần đây, Jens Jakobsen và cộng sự (2007) nghiên cứu về quyền sử dụng đất của Việt Nam đến hệ thống nông nghiệp, chiến lược sinh kế và tự cung tự cấp lương thực của người dân tộc Thái tại một làng vùng cao tỉnh Nghệ An. Kompas và cộng sự (2012) nghiên cứu năng suất các nhân tố tổng hợp, thu nhập ròng và lợi nhuận ròng trong sản xuất lúa gạo từ năm 1985 đến năm 2006. Kết quả cho thấy có mức tăng đáng kể ở các vùng trồng lúa chính, các trang trại lớn hơn và ít phân mảnh hơn cũng như các trang trại được tưới tiêu tốt hơn sẽ có năng suất cao hơn. Quyền sở hữu rõ ràng hoặc các hộ có giấy chứng nhận sử dụng đất sẽ dễ dàng tiếp cập vào các dịch vụ khuyến nông và tín dụng hiệu quả hơn. Nguyen và cộng sự (2016) nghiên cứu về ảnh hưởng của quyền sử dụng đất đến mức sử dụng phân bón của nông dân vùng cao phía bắc. Huy và Nguyen (2019) sử dụng dữ liệu VHLSS 2004 và 2008 đã ước tính hiệu quả kĩ thuật trồng trọt của các nông hộ bằng phương pháp SFA. Kết quả cho thấy, hiệu quả kĩ thuật trung bình là 85%, trong đó sự phân tán hiệu quả của nhóm thuê đất và nhóm cho thuê đất khá khác biệt. Dựa trên mức phân tán hiệu quả, nghiên cứu cho rằng, các chủ hộ thuê đất sản xuất có hiệu quả cao hơn các chủ hộ cho thuê. Nghiên cứu cũng nhấn mạnh, việc cung cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ thúc đẩy thị trường cho thuê đất, từ đó phân bổ đất trồng trọt hiệu quả hơn bằng cách chuyển đất trồng trọt từ những người sử dụng đất ít hiệu quả sang những người sử dụng đất hiệu quả hơn.
1.3.3. Khoảng trống nghiên cứu
Từ tổng quan nghiên cứu, có thể thấy rằng quyền sử dụng đất nông nghiệp có vai trò quan trọng đối với hiệu quả sản xuất, và mức độ quan trọng là khác nhau, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi quốc gia. Thêm vào đó, các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy, vai trò khác nhau của quyền sử dụng đất đến các khía cạnh khác nhau của