Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 25


Chánh Trí qua tiểu thuyết Biển ái sóng dồi đăng trên Viên âm số 1 thì xây dựng nhân vật một cô gái tên Phương Tâm, nhân vật chính trong truyện theo lối văn bóng bẩy. Tác giả diễn tả nét đẹp ngoại hình của cô gái bằng cách kết hợp với vẻ đẹp của thiên nhiên, nên đã làm cho nét đẹp của cô càng rực rỡ như một tuyệt sắc giai nhân: “Một buổi sáng kia, thoạt thấy một nàng thiếu nữ đứng cạnh chậu hường, tay nưng gò má dường như suy nghĩ nhiều lắm. Mặt trời mới mọc, ánh sáng chen lên đầu trúc, soi vào mặt nàng, da tuyết ửng hồng, rõ ràng một cành hoa biết nói. Nàng nhẹ tay ngắt một hoa hường, đôi tròng thu thủy ngó chăm”.

Quả thật, lối diễn tả ngoại hình nhân vật trong những tiểu thuyết ấy, khiến người đọc thấy thích thú. Trong cuộc sống, có lẽ ai cũng thích ngoại hình đẹp, hễ khi nghe đến sắc đẹp tuyệt trần của một người nào đó, hầu như ai cũng muốn ngắm nhìn. Điều đó cho thấy các nhà văn vẫn sử dụng lối văn truyền thống, cách miêu tả ước lệ truyền thống để xây dựng ngoại hình nhân vật. Lối miêu tả này rất phù hợp với quan niệm phân tuyến nhân vật thành hai bên thiện ác, cũng phù hợp với việc thể hiện thuyết nhân quả của nhà Phật.

Tìm hiểu ngòi bút miêu tả tâm lý nhân vật của Liên Tôn trong tiểu thuyết Tu là cội phước, tình là dây oan, cho thấy tác giả đã chú ý đến việc miêu tả, phân tích tâm lý nhân vật theo cách đối nghịch tâm lý. Nàng Quỳnh Liên là người đi kén chồng, trải qua nhiều cuộc tranh tài giữa các chàng trai, nàng mới chọn được người xứng đáng, thích hợp với điều kiện nàng đưa ra. Trong hoàn cảnh này, đúng ra nàng sẽ rất vui mừng vì đã tìm được người chồng vừa ý. Nhưng trong tiểu thuyết, tác giả đã đặt tâm lý nhân vật Quỳnh Liên trong một hoàn cảnh khác, với một tâm trạng đau buồn, không chịu nổi cảnh ấy, nên nàng chỉ gắng gượng làm vui. Tâm trạng nàng lúc này đối nghịch hoàn toàn với Mã Sanh, là chàng trai vừa thực hiện đúng như yêu cầu nàng đề ra trước khi cầu hôn nàng: “Mã Sanh lúc này mắt xem như gương tinh, giọng cười như sóng sắc, chàng mừng đặng nhân duyên đẹp đẽ và lấy làm một cái kỳ ngộ xưa nay ít có, nên cảm thấy hân hạnh vô cùng”. Nàng Quỳnh Liên thì ngược lại: “Còn phần nàng Quỳnh Liên thấy vậy thì thêm đau đớn lòng, không kham nổi cái tình cảnh ấy, nhưng nàng gắng gượng làm vui, không cho Mã Sanh rõ thấu”.


Cách miêu tả tâm lý nhân vật của Liên Tôn trong tác phẩm này đã tạo cho độc giả những thắc mắc. Xét theo quan niệm lối miêu tả truyền thống thì ở đây tác giả đã miêu tả được sâu hơn tâm lý nhân vật, tạo cho nhân vật sự sống động chân thực hơn.

Gần với phong cách miêu tả tâm lý nhân vật kiểu đối nghịch đó, có tác giả Chánh Niệm qua tiểu thuyết Duyên trước tình sau. Trước hết tác giả kể về sự kết duyên vui vẻ của đôi vợ chồng trẻ là chàng Vương Hi và nàng Thiều Hoa, nhưng kinh qua luật vô thường chuyển biến trong cuộc sống, chỉ trong thời gian ngắn ngủi mà cha mẹ hai bên của họ đều qua đời. Tình cảnh đó, khiến tâm trạng Vương Hi thay đổi hoàn toàn. Từ một người đang vui vẻ trong hạnh phúc lứa đôi vừa có được, chàng đã trở nên chán ngán tột cùng tình cảm ở đời, bởi chàng đã thấy rõ chân lý sanh, lão, bệnh, tử diễn ra thật nhanh ngay trước mắt mình. Thế là chàng dứt bỏ hẳn mọi ràng buộc tình ái ngoài thế gian để đi tìm lối sống tự tại, giải thoát: “Ôi! Là sanh, lão, bịnh, tử này làm cho con người khổ biết mấy! phải làm sao mà tránh bốn cái khổ ấy đặng? Phải tu hành làm gốc, tìm cho ra bốn mối khổ đế thì mới mong thoát cái kiếp luân hồi lọc dọc, chớ ràng buộc bốn món lạc trần hoài thì còn nhiễu nhương đến kiếp nào?”.

Tự mình giải thoát được khổ lụy rồi, nhưng khi thấy nàng Thiều Hoa còn lưu luyến về tình duyên giả tạm ở đời, Vương Hi thấy thương xót vô cùng nên đã hết lòng khuyến dẫn nàng thoát khỏi những khổ sầu ấy: Lập tức chàng viết thơ chỉ bày các điều khốn đốn trần ai đặng khuyên nàng tưởng đến việc trừng tâm thanh tịnh, không nên ràng buộc dây tình ái cõi hồng trần, mau chóng như bóng phù du, như thoi đưa, như chớp nhoáng, mới thấy đó rồi liền mất đó”.

Ngoài ra, các tác giả xây dựng nhân vật với cách miêu tả tâm lý còn khá đơn giản qua sự thay đổi tâm lý nhân vật rất nhanh. Không cần trải qua nhiều thời gian, sự kiện mà chỉ cần nêu được vài dẫn dụ là có thể giúp đối phương thay đổi hoàn toàn tâm lý. Sự đơn giản trong cách miêu tả tâm lý nhân vật như vậy là do bởi các tác giả không đặt nặng vai trò nghệ thuật mà mục đích là “tải đạo”, truyền bá giáo lý nhà Phật. Cũng từ lý do này mà đa phần các tác giả đã xây dựng nhân vật theo tư tưởng chủ quan để giáo hóa con người, để khuyến thiện và trừng ác. Tuy nhiên, với


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 270 trang tài liệu này.

nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật đơn giản này càng cho thấy giáo lý nhà Phật có tác dụng chuyển hóa tâm linh con người một cách nhanh chóng, giúp con người mau thoát khỏi những khổ đau ràng buộc trong đời.

Trong tiểu thuyết Thế cũng là “ngộ đạo”, Đ.N.T xây dựng kiểu tâm lý nhân vật ông Hàn Phú thay đổi từ tiêu cực đến tích cực một cách nhanh chóng nhờ sự tác động trực tiếp của nhân vật thứ hai. Đây là kiểu xây dựng nhân vật khá phổ biến trong văn xuôi trên báo chí Phật giáo trước 1945. Ông Hàn Phú là một người giàu có nhất nhì trong tỉnh, luôn sống với ý niệm trọng giàu khinh nghèo, phân chia giai cấp rõ rệt. Thế nhưng, với sự xuất hiện của Thọ - con trai của ông - là người học rộng nghe nhiều và đặc biệt am hiểu giáo lý nhà Phật, đã biến ông từ một người tự cao tự đại, khinh rẻ người nghèo trở thành một người biết sống với tâm bình đẳng, thương yêu tất cả mọi người.

Văn học và Phật học trên báo chí Phật giáo Việt Nam trước năm 1945 - 25

Khi ông Hàn Phú vừa nghe Thọ xin phép cho chị gái cưới Đức, người bạn học nghèo nàn, sống bằng nghề may vá, ông đã biến sắc mặt la lối: “Ối trời ơi, chỗ cao môn lệnh tộc như cậu cả con quan Hường trên tỉnh thì không bằng lòng, lại muốn lấy cái thằng may nghèo rớt mồng tơi, con nhà bách tính ở đâu không biết, mới trôi dạt đến chỗ đầu đường xó chợ làng mình như thế a? Chuyện này mà vỡ lở ra, các quan Tham, quan Phán trên tỉnh biết thì thực là chúng mày bôi tro trát trấu vào mặt tao”.

Đang trong cơn tức giận, nhưng khi nghe con trai nói về triết lý bình đẳng của đạo Phật, ông đã nhanh chóng cảm thấu, tỏ thái độ bình thản, ôn tồn nói với con:

Ừ, Đức Phật Ngài tự khử cái tệ giai cấp đi cũng phải. Ở đời mà phân giai cấp kém mình một phần thì kẻ ở giai cấp hơn mình, họ lại còn đè nén mình gấp mấy kia. Như hôm nọ đánh tổ tôm trong huyện mình, hai hội không ù ván nào, hội thứ ba mới được ván bài tốt, đáng lẽ phỗng thành thì họ hạ ngay phu xuống ăn mà nói trèn mình đi, bảo mình là nói đùa. Bấy giờ nói ra thì sinh hiềm khích mà nín đi thì tức chết đi được. Thôi bắt chước Phật, ta tự xóa cái tệ tục giai cấp đi trước.


Ở đây, nhân vật ông Hàn Phú cũng thể hiện thái độ của tác giả: Mượn hình ảnh ông Hàn Phú để gửi gắm khát vọng con người có tinh thần tương thân tương ái, tôn trọng lẫn nhau giữa cuộc sống loài người. Tác giả đã trực tiếp phân tích tâm lý và có dẫn chứng cụ thể, chứ không phải chỉ là lời nói suông. Ông Hàn Phú thay đổi thái độ sống không phải chỉ nghe theo lời giải thích của con cái mà còn ứng dụng lý thuyết ấy với những gì xảy ra trong thực tế cuộc sống. Từ đó giúp ông hiểu rõ lẽ thật ở đời, thấy rõ chân lý chắc thật để xây dựng cuộc sống hạnh phúc là xóa bỏ giai cấp, con người bình đẳng với nhau trong thể tính.

Cô Ba Liễu trong truyện Cô Ba Liễu của Châu Hải viết trong Viên âm số 4 cũng được tác giả xây dựng theo tiến trình tâm lý từ tiêu cực thành tích cực, qua sự trợ giúp của nhân vật thứ hai là Giác Hoa. Cô Ba Liễu đang sầu khổ về chuyện tình cảm của mình: “Trong phòng khách chưng dọn theo kiểu mới, cô Ba Liễu đương ngồi châu mày ủ mặt, tay nưng gò má ra dáng buồn bã, vừa nghe có tiếng đàn bà kêu cửa, cô mời vào”. Dù tâm trạng buồn não nuột, nhưng khi gặp Giác Hoa, cô vẫn cố che giấu nỗi buồn của mình: “Em sống một cách vui vẻ thế nầy, sao chị lại nói em sống khổ?”. Tuy nhiên, khi Giác Hoa chỉ đúng nỗi khổ và nói với vẻ tha thiết: “Em Liễu, em chớ dối chị, chị thương xót em vô hạn, vì trong khi em giả lả gượng vui, chị đã thấy rõ em đương bị con ma phiền não cắt từng đoạn ruột”, thì Ba Liễu đã khóc òa, bày tỏ hết nỗi lòng của mình: “Chị ôi, bực bội thế này, chắc em phải chết, không còn thấy mặt chị được nữa!”.

Cô Ba Liễu đang trong tâm trạng sầu khổ lâu ngày như thế, nhưng vừa nghe những lời khuyên nhủ của Giác Hoa, đặc biệt khi nghe Giác Hoa nói về việc tạo dựng hạnh phúc gia đình không phải do tiền bạc quyết định, cô thấu hiểu được chân lý cuộc sống và không còn buồn phiền nữa: “Cô Ba Liễu nghe lời, liền lên xe đi tìm gặp được ông Trúc, cô ta xin lỗi và rước về nhà trò chuyện”.

Dẫu tiến trình tâm lý của nhân vật Ba Liễu được tác giả xây dựng theo lối tăng dần, tức là từ xấu thành tốt, nhưng vì tình tiết quá đơn giản, không phong phú nên không tạo sức hấp dẫn mạnh mẽ đối với người đọc. Tuy nhiên, dù thế nào thì tác phẩm cũng thể hiện được lối tâm lý nhân vật theo chiều hướng đạo đức và gửi gắm sự giáo dục cụ thể đến với những ai muốn xây dựng gia đình hạnh phúc.


Kim Xuân qua tiểu thuyết Dưới chơn Phật tuy cũng theo lối chuyển đổi tâm lý từ tiêu cực thành tích cực, nhưng có một vài điểm khác hơn những tác phẩm trên. Tác giả nhấn mạnh tâm lý hai nhân vật là vợ chồng ông bà quan Phủ Minh Huệ, đặc biệt là tâm trạng ưu tư, lo lắng của bà Phủ đối với chồng. Vì thấy ông Phủ làm những chuyện trái đạo lý làm người, nên bà buồn rầu, tìm cách giảng giải về nhân duyên nghiệp quả ở đời cho chồng biết, mong ông hiểu thấu tội phước gây tạo mà sửa sai, để sống tốt hơn. Và đúng là bà Phủ đã khuyên giải, luận bàn về đạo lý rất hay, khiến ông Phủ càng nghe càng thấm thía: “Bà luận đạo thiệt hay, khiến cho ông càng nghe càng vui mà quên phức việc buồn... Hai ông bà đàm đạo rất lâu, cho tới ba giờ khuya mới chịu tắt đèn đi nghỉ”.

Khi ông Phủ đã hiểu rõ mọi lẽ rồi thì thật nhanh chóng, ông liền sửa đổi tính xấu của mình và biết sống tốt hơn:

Không biết ông Phủ nghĩ sao mà từ đó về sau, ông chăm chú về việc tu hành. Ông không hiếp đáp dân nữa mà lại còn dìu dắt con dân vào đường đạo đức rất nhiều. Ông hay giúp tiền cho các hội phước thiện và xuất bạc tu kiều bồi lộ các nơi. Chùa nào hư thì ông cũng sửa sang lại cho thiện nam tín nữ tu hành. Người nào có công dịch kinh sách mà không tiền thì ông cũng sẵn lòng giúp của cho ấn tống. Không đầy hai năm mà ông làm được nhiều việc nghĩa lớn, xa gần đều biết tiếng ông là nhà đại đức.

Đặc biệt, đứa con trai tên Minh Thành của ông bà Phủ cũng chịu ảnh hưởng cách sống nhân nghĩa, đạo đức của họ mà thay đổi hoàn toàn lối sống của mình, chuyển từ một đứa con ăn chơi lêu lổng, bất hiếu với cha mẹ trở thành một người con ngoan hiền, hiếu nghĩa: “Minh Thành thấy cha mẹ như vậy cũng biết hồi tâm, không thả luống chơi bời nữa, lại ở nhà chung lo việc phước thiện cùng cha mẹ”.

Chỉ với sự chuyên tâm khuyên giải về nhân nghĩa, đạo đức của người vợ mà thay đổi được cách sống của chồng một cách nhanh chóng. Rồi từ đó tiếp tục tạo được ảnh hưởng mạnh mẽ lên người con. Đây chính là kiểu tác động tâm lý lây lan, thể hiện cụ thể qua cách sống của con người thực tại. Sự đơn giản trong lối miêu tả tâm lý nhân vật này cũng dễ dàng tạo được sự đồng cảm của người đọc.


Trở lại với tác giả Liên Tôn qua tiểu thuyết Hiếu nghĩa cảm Phật, tác giả vẫn miêu tả tâm lý nhân vật theo quan niệm truyền thống qua nhân vật Phan Quý và nhiều nhân vật khác có liên quan mật thiết với Phan Quý. Khi Phan Quý nghe mẹ nuôi nổi giận, mắng về chuyện không chịu cưới vợ để nối giòng giống, lòng Phan Quý thấy buồn vô hạn: “Chàng ở nhà, phần thì nhớ đức cù lao, phần thì nghĩ duyên hội ngộ, ngổn ngang trăm mối bên lòng, thảm khôn xiết thảm, buồn khôn xiết buồn”.

Đến nhân vật bà Lý Thị, cũng không khác gì: “Nói đến chuyện bà Lý Thị là mẹ ruột của Phan Quý. Từ khi sai chàng đi thăm ông Huyện em, đã lâu mà không thấy về, bà hằng ngày lo sợ, thắp hương cầu nguyện Phật Quán Âm, xin cho mẹ con gặp nhau. Bà đương trông đứng trông ngồi, khóc lên khóc xuống”.

Phần nàng Bích Hà thì quả là quá tội nghiệp:


Lúc nầy, nói đến việc nàng Bích Hà, từ khi gặp chàng Phan Quý tại chùa Hưng Duyên, rồi về nhà cách ít bữa thì cha nàng lâm bịnh mà mạng chung, làm cho nàng rất thương xót buồn rầu. Vả lại tin tức của chàng càng ngày càng vắn, khiến nàng phải thương mây nhớ gió, mặt võ mình gầy, đã hơn một năm mà cũng chưa khuây. Còn mấy nhà công tử trông thấy nhan sắc của nàng thì ai cũng cậy mai cậy mối tới nói. Mẹ nàng thì muốn gả cho rồi, nhưng nàng cứ khóc hoài, nhứt định không ưng ai hết.

Lối xây dựng tâm lý nhân vật này của tác giả Liên Tôn có thể khiến cho người đọc dễ hiểu hơn về tình tiết câu chuyện. Bởi đây là những nhân vật chính và họ có mối quan hệ khắng khít qua những sự kiện, biến đổi. Tác giả đã diễn tả một cách thấu đáo và bi thảm về những lo lắng, khổ đau giữa các nhân vật ấy qua hoàn cảnh “thương yêu mà phải xa lìa và xa lìa mà không biết người thương đi về đâu”. Lối diễn tả này tạo cho người đọc sự đồng cảm với cảnh ngộ nhân vật và mong muốn cho họ mau chóng tương phùng. Điều đó cho thấy tư tưởng nhân đạo đã được tác giả thể hiện rõ qua tình tiết câu chuyện.

Tìm hiểu nghệ thuật xây dựng ngoại hình và tâm lý nhân vật của một vài tác phẩm tiêu biểu trên báo chí Phật giáo, đã cho ta thấy được sự miêu tả ngoại hình và khai thác tâm lý nhân vật của các nhà văn vẫn theo lối truyền thống. Những diễn


biến tốt đẹp của tâm lý nhân vật truyền thống đã chuyển tải được thông điệp của giáo lý nhà Phật tới đông đảo quần chúng nhân dân. Qua đó, còn giúp ta hiểu được những nhà văn thời bấy giờ hay nghiêng về tâm lý nhân vật chân thực và sống trong hoàn cảnh cụ thể, bởi mỗi nhân vật đều lộ rõ bản chất và nhân cách của mình. Diễn biến tâm lý nhân vật đôi lúc đã có chút phức tạp, mang tính bi kịch được thể hiện hợp lý, nhưng nhìn chung, các nhân vật vẫn chưa có những thay đổi lớn. Có lẽ vì vậy mà những tác phẩm văn xuôi trên báo chí Phật giáo trước 1945 ít tạo ra được những chi tiết bất ngờ giàu sức thu hút để làm thỏa mãn rung động thẩm mỹ của người đọc. Tính minh họa cho giáo lý nhà Phật của các nhân vật vẫn còn đậm nét. Chính điều đó lại khiến cho các nhân vật càng gần gũi và dễ đi vào đời sống người đọc bình dân để truyền tải những giáo lý nhà Phật hơn.

Tuy nhiên, môi trường sống của nhân vật không còn chỉ đơn thuần tồn tại trong trung hiếu tiết nghĩa mà đã gắn bó, gần gũi với cuộc sống hằng ngày. Nhân vật bước đầu đã chuyển từ những biểu tượng đơn thuần để trở thành những nhân vật sống động. Đây là một trong những đóng góp cho sự đổi mới của văn xuôi Việt Nam. Đồng thời nó còn góp phần mở ra thời kỳ mới cho thể loại truyện trong văn học nước ta những năm đầu TK.XX và sau này.

3.4.2.2. Kết cấu tác phẩm


Mỗi một tác phẩm văn học, dù dung lượng lớn hay nhỏ cũng đều bao gồm nhiều yếu tố, bộ phận... Tất cả những yếu tố, bộ phận đó được nhà văn sắp xếp, tổ chức theo một trật tự, hệ thống nào đó nhằm biểu hiện một nội dung nghệ thuật nhất định, gọi là kết cấu. Nói cách khác, kết cấu là toàn bộ tổ chức nghệ thuật sinh động, phức tạp của tác phẩm văn học [48, tr.315].

Kết cấu có nhiệm vụ góp phần thể hiện chủ đề và tư tưởng của tác phẩm. Kết cấu có nhiệm vụ tổ chức hệ thống các tính cách nhân vật, sự kiện, các biến cố, hình ảnh, cảm xúc... làm cho những yếu tố đó gắn bó chặt chẽ, tác động qua lại ngay từ bên trong tác phẩm, làm cho nó trở thành một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn không thể chia cắt được [48, tr.315].


Như vậy, tìm hiểu kết cấu tác phẩm của những tác phẩm tiêu biểu trên báo chí Phật giáo, chúng ta có thể biết được những quan điểm, thái độ, tư tưởng, phong cách nghệ thuật, cá tính sáng tạo của nhà văn đối với cuộc sống lúc bấy giờ. Qua đó ta cũng thấy được sự biến đổi trong việc xây dựng kết cấu tác phẩm.

Có thể nói, những truyện ngắn, tiểu thuyết đã khảo sát ở trên, tác phẩm được xây dựng theo kết cấu hai tuyến nhân vật đối lập, nhưng nói chung đều gặp nhau ở phương diện kết cấu theo trình tự thời gian của sự kiện - tức là nghệ thuật trần thuật luôn tuân thủ theo trình tự diễn tiến tự nhiên của thời gian tuyến tính, đi từ “nhân” tới “quả”. Ðây là dạng kết cấu phổ biến nhất trong văn học Việt Nam từ trước 1930. Điều này cho thấy những tác phẩm văn xuôi trên báo chí Phật giáo lúc bấy giờ vẫn còn chịu ảnh hưởng của thi pháp truyện ngắn trung đại - kiểu kết cấu gắn bó chặt chẽ với nhiều sự kiện, biến cố.

Với tiểu thuyết Tu là cội phước, tình là dây oan, tác giả đã xây dựng tác phẩm theo kết cấu hai tuyến nhân vật đối lập và mang đậm triết lý nhà Phật. Nhân vật nàng Quỳnh Liên thì ngán ngẩm tình cảm ở đời, chỉ xem việc tu hành mới là tạo ra phúc quả cho cuộc đời. Còn Mã Sanh thì một mực muốn kết hôn cùng nàng để xây dựng hạnh phúc lứa đôi. Kết quả là hạnh phúc không thành. Qua đó tác giả nhấn mạnh chỉ có con đường tu tập theo điều lành mới đem lại an vui vĩnh cửu. Đọc qua tiêu đề tác phẩm, chúng ta cũng thấy rõ hai tâm trạng, tính cách đối lập nhau thật rõ ràng.

Về nghệ thuật xây dựng kết cấu tác phẩm theo hai tuyến nhân vật đối lập còn có tiểu thuyết Duyên trước tình sau. Chàng Vương Hi và nàng Thiều Hoa ban đầu đối lập về tư tưởng. Vương Hi thì từ bỏ chuyện tình duyên để vào núi ẩn tu, nhưng Thiều Hoa vẫn còn tham đắm tình duyên nên tìm mọi cách khuyên chàng quay về lo việc gia đình, hưởng bổng lộc cao sang. Thế nhưng chàng đã cảm hóa được Thiều Hoa, giúp nàng hiểu rõ mọi sự giả huyễn ở đời và tìm nơi tu học. Cuối cùng họ đều thành tựu đạo quả. Kiểu kết thúc có hậu này chính là nét đặc thù trong giáo lý nhà Phật, những người biết phát tâm tu hành, mong cầu giải thoát.

với kiểu xây dựng kết cấu tác phẩm này, tiểu thuyết Sám hối được sanh về Thiên đường được tác giả xoay quanh hai tuyến nhân vật đối lập - đối lập

Xem tất cả 270 trang.

Ngày đăng: 17/09/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí