Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 9


văn minh của nhân loại thường gắn liền với các dòng sông như văn minh sông Nil, văn minh sông Ấn, văn minh sông Hoàng Hà, văn minh sông Hồng, v.v...Đa số các đô thị lớn đều nằm cạnh con sông. Ở Việt Nam, sông nước đã trở thành một cái gì đó thuộc về máu thịt. Cùng với đất, nước đã trở thành quê hương, thành tổ quốc. Cây đa, bến nước, sân đình là biểu tượng của làng quê miền xuôi. Nhà rông, bến nước cũng là biểu tượng của buôn làng Tây Nguyên.

Bến nước Tây Nguyên có khi là một bến sông, có khi là một đoạn suối, nhưng thông thường nhất là nguồn nước lấy từ mạch núi được dẫn về làng bằng các ống lồ ô nối nhau có khi đến vài ki-lô-mét. Truyện ngắn Long lanh giếng nước Buôn Nui của H’Linh Niê cho ta biết rõ hơn điều đó: “Người Ê đê xưa nay không mấy nơi dùng giếng. Nước ăn, nước tắm giặt, chỗ cho bầy voi chiều chiều té nước đùa giớn với nài và con nít, tất cả đều ở bến nước buôn sang. Nới đó có thể là một dòng suối, một bến sông, hay những mạch nước ngầm chảy ra qua ống lồ ô từ trong lòng vách đất”[20, tr. 171]. Mỗi làng có ít nhất một bến nước đặt ở vị trí thuận lợi cho việc sử dụng. Vì lấy từ khe núi nên nước rất tinh khiết. Nước sông, nước suối ở Tây Nguyên cũng rất sạch vì nó là đầu nguồn và không phải chảy qua các khu dân cư, và đặc biệt người Tây Nguyên không có thói quen “gửi rác” cho nước như người miền xuôi. Từ ngàn đời nay, trong ý nghĩ của người Tây Nguyên, hình ảnh bến nước vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Bến nước là tặng phẩm của thiên nhiên (thiên nhiên của họ là Thần), họ nhờ Thần gội rửa bụi đất của rẫy nương để mỗi khi bước lên nhà sàn là mọi nhọc nhằn đều tan biến. Có lẽ vì vậy mà buổi chiều trên bến nước bao giờ cũng rất xôn xao. So với bến nước của người Kinh thì bến nước của người Tây Nguyên thiêng liêng hơn nhiều do vai trò đặc biệt của nó, đồng thời do niềm tin của con người còn nặng về thế giới quan thần linh chủ nghĩa. Ở một phương diện nào đó, bến nước đồng nghĩa với làng. Người Tây Nguyên nói làng là những người cùng uống chung một nguồn nước. Xa làng là xa bến nước, nhớ làng là nhớ bến


nước, về làng là về với bến nước, làm lễ Pơthi là để người ta vĩnh biệt bến nước.

Các dân tộc Tây Nguyên lập làng thường chọn nơi đất đai màu mỡ, vị trí đẹp, nhưng quan trọng nhất là có nguồn nước tốt. Nguồn nước ấy không chỉ tắm gội cho con người được sạch sẽ sau một ngày lao động mà nó còn “tắm gội” cho hồn làng được tinh khiết, có như thế thần linh mới giúp dân làng mùa màng được tươi tốt, tránh được ốm đau bệnh tật. Truyền thuyết về nước của người Tây Nguyên đã nói lên điều đó:

Ndu ở dưới đáy một chiếc giếng sâu lạnh buốt bảo con người hãy xuống đấy với Ngài; Ngài hứa sẽ ban cho họ sự bất tử. Những người đi ngang qua thấy Ndu ở dưới đáy giếng. Nhưng họ sợ xuống giếng nước lạnh quá...họ chỉ nhúng các đầu ngón tay và ngón chân xuống nước; họ lấy nước ấy bôi lên đầu và uống. Chính vì thế ngày nay răng người mọc đến hai lần, móng tay, móng chân và tóc thì luôn mọc lại. Nhưng Ndu đã nói: “Hãy xuống đây thì các người sẽ không biết đến cái chết”. Nhưng con người đã không muốn, nên nó phải chết [59, tr. 328].

Cũng như các dân tộc khác, nước biểu trưng cho sự bất tử của tình người Tây Nguyên. Bến nước do đó là báu vật linh thiêng của làng. Nó là nét trữ tình trong bức tranh làng: “Chảy róc rách giữa đôi bờ hoa cỏ dại, con suối chở theo hương hoa khiến dòng nước trong veo cũng man mác hương thơm. H’Lâm ngồi trên tảng đá bằng, đôi chân đung đưa trong nước mát lạnh sớm mai, tay ngắt từng bông hoa djam tang thả trôi theo dòng”[24]. Vẻ đẹp của tự nhiên là sự hài hòa giữa núi rừng, sông suối, cỏ cây. Sự hài hòa đó đã làm nên chất thơ của thiên nhiên, và bến nước là quà tặng tuyệt vời dành cho con người: “Suối Đăk Kơ Piar nước trong leo lẻo với những tảng đá lớn và những cây Kơ Răk đại thụ trùm cả xuống, hoa nở vàng rực, cánh hoa vàng bay lả tả cùng những vạt bướm


lớn nghỉ chiều trên bãi cát”[94, tr. 215]. Đặc điểm của sông suối ở Tây Nguyên là rất nhiều vực làm nên thác, và đá giữa dòng làm nên ghềnh. Thác và ghềnh đã tô điểm cho bức tranh thiên nhiên nhiều nét chấm phá, đầy vẻ trữ tình. Thật vậy, nếu lửa tượng trưng cho ý chí, cho dũng khí của người Tây Nguyên thì bến nước chính là sự dịu ngọt của tâm hồn, là nguồn mạch dạt dào của trái tim. Âm thanh gợi nhớ của người Tây Nguyên là cồng chiêng, hình ảnh gợi nhớ của họ là bến nước. Người miền xuôi đi xa nhớ về làng là nhớ những mái nhà tranh chiều chiều khói tỏa, nhớ những chú mục đồng lắc lẻo lưng trâu cùng cánh diều no gió; người Tây Bắc đi xa là nhớ về đồng lúa bậc thang, về núi đá tai mèo lởm chởm; người Tây Nguyên thì nhớ về những nếp nhà sàn có cô gái làng giã gạo đầu hiên, có bến nước rộn ràng mỗi sớm và xôn xao lúc chiều về. Nhớ về bến nước là thước đo tình cảm với buôn làng. Khi Tnú về thăm làng, cụ Mết hỏi: “Mày có nhớ cái máng nước chỗ nào không? Nhớ à, được! Tưởng quên thì tao đuổi ra rừng, không cho ở làng nữa”.[26, tr. 140]. Đối với người Tây Nguyên, đuổi ra rừng là tách ra khỏi cộng đồng, con người sẽ trở về với tự nhiên, sẽ biến mất trong tự nhiên. Tất nhiên, ở đây chỉ là cách nói của cụ Mết đối với đứa con yêu quí của Xô Man. Nhưng qua đó cũng cho thấy được ý nghĩa to lớn của bến nước trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Không nhớ sao được khi bến nước là nơi chôn nhau của người Tây Nguyên: “Bến nước đầu buôn nơi mẹ đổ máu sinh con. Rừng xanh đây máu cha con đã đỏ gốc. Cái rốn con chôn ở chỗ này”[24]. Và con người lớn lên gắn liền với bến nước: “Mười tuổi, Kơ Lơng đã đắm mình trong những bài hát xao động lạ lùng đó. Em uống vào lòng nhạc và lời của bài hát như uống nước con suối Iapia ở đầu làng mà lớn lên”[30, tr. 248]. Bến nước không chỉ là nơi để lấy nước, không chỉ là nơi để tắm giặt mà nó còn là nơi té nước vui đùa: “Tôi nhào xuống suối dựng thắng Kơtit dậy. Nó đã lại ngủ, còn đám trai làng đang đùa giỡn cùng các cô gái bên vòi nước”[6, tr. 254]. Bến nước là chốn hò hẹn của lứa đôi: “Đang

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.


giữa cuộc vui, Y Khung nắm tay Nèn kéo ra bờ suối. Hai người ngồi trên gốc cây Kơ Pông. Nước suối chảy xôn xao dưới chân”[20, tr. 329-330].

Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 9

Tình yêu lứa đôi luôn có bến nước vun đắp, làm cho lãng mạn hơn, son sắc hơn nên họ cũng thường trao chiếc vòng đồng đính hôn nơi bến nước. Tình cảm buôn làng của người Tây Nguyên thể hiện rõ ở tình yêu bến nước. Yêu quê hương là yêu bến nước. Bến nước là tâm hồn dịu mát khi hè về, là hơi ấm khi đông đến: “Bến nước này trước kia do người làng chăm sóc. Nó rất hiền. Mùa hè nó đem cái mát, mùa lạnh nó cho hơi ấm dân làng”[20, tr.138-139]. Bến nước đã trở thành một mảnh hồn làng, thiêng liêng trong tâm thức con người. Âm thanh của bến nước vẫn rót vào tâm hồn con người trong những giây phút tĩnh tại: “Lũ già làng đi ngủ cả. Chỉ con thanh niên ở lại nhà rông, hơn mười người ngồi lặng quanh bên bếp lửa. Nước suối Thi Om cứ chảy rì rào, rì rào trong đêm tối”[26, tr.323]. “Tất cả đều im lặng. Chỉ có tiếng vòi nước đầu làng lanh tanh trộn lẫn với tiếng mưa đêm gõ đều lên vòm lá cây”.[26, tr. 146]. Bến nước luôn cộng hưởng với tâm trạng và cảm xúc của con người.

Con người luôn cần phải tôn thờ một cái gì đó để kiểm soát hành vi, để vươn lên trong cuộc sống, để làm chỗ dựa cho tinh thần. Nhu cầu ấy đã sinh ra tôn giáo. Người Tây Nguyên tôn thờ rừng, biểu hiện cụ thể là bến nước, vì bến nước là quà tặng của rừng cho con người. Đối với người Tây Nguyên, khu rừng đầu nguồn nước là thiêng liêng nhất, là nơi bất khả xâm phạm, không ai có quyền làm cho nó ô uế. Sự tôn thờ này được thể hiện khá phong phú trong văn học. Cũng như lửa, cồng chiêng, nhà rông; bến nước là hình ảnh luôn song hành trên hành trình của nhân vật. Một nhân vật có hai phương diện: tình cảm và lý trí. Lửa là lý trí, ý chí; nước là tình cảm, tâm hồn. Lửa là dương, nước là âm. Âm dương hài hòa tạo nên vẻ đẹp con người. Đối với người Tây Nguyên đều này rất rõ. Anh hùng Núp sẵn sàng đốt cháy làng mình để thực hiện “vườn không nhà trống”, nhưng anh lại trải lòng mình theo con suối quê hương:


“Nước suối chảy rì rào dưới chân Núp, chỗ tối đen, chỗ loang loáng sáng. Trong bụng Núp bây giờ cũng như thế. Núp đứng nhìn suối suốt đêm không ngủ”[26, tr. 246]. Đối với kẻ thù, anh vô cùng mạnh mẽ, một mình anh có thể đối đầu với hàng trăm tên địch. Nhưng đối với con suối quê hương anh bỗng trở nên dịu dàng, thanh thản đến lạ. Nhân vật Tnú trong Rừng xà nu cũng vậy. Khi bị thằng Dục đốt mười đầu ngón tay bằng nhựa xà nu, Tnú không hề kêu la. Nhưng anh bỗng mềm lòng khi trở về với bến nước: “Tnú không uống nước, anh bỏ mũ cởi mấy khuy áo trên ngực, rồi khom lưng xuống, ngửa hai bàn tay vả nước lên đầu, lên mặt…”[26, tr. 135]. Khi đối diện với bến nước quê hương, con người có xu hưởng trở về. Trở về với kỷ niệm của tuổi thơ, trở về với ngày tháng dịu ngọt của một quãng đời đẹp nhất. Hành động nhẹ nhàng, đầy trân trọng của Tnú như là một sự thức tỉnh của trái tim lâu nay ngủ yên dưới lòng căm hận kẻ thù đã giết vợ con anh, đồng bào anh. Anh “cởi áo, khom lưng, ngửa bàn tay, vả nước lên mặt” như để mơn man nỗi nhớ, như để “uống” lấy tình làng sau thời gian xa cách. Và sau đó anh đắm chìm niềm thương trong bến nước: “Anh cởi áo ra để cho vòi nước lạnh ngắt của làng mình dội lên đầu, lên lưng, lên ngực như những ngày xưa”.[26, tr. 141]. Cái mát lạnh của bến nước không chỉ mơn man da thịt Tnú mà nó mơn man tâm hồn anh. Nó không chỉ rửa sạch bụi bẩn trên da mà nó rửa sạch bụi bẩn trong tâm hồn. Vẫn biết rằng Tnú ra khỏi làng là để “giết hết bọn thằng Dục”, nhưng đối với cụ Mết có thể “bụi bẩn” sẽ bám vào “cái bụng sạch như nước suối làng ta” của Tnú; cho nên câu nói đầu tiên của cụ Mết là bảo Tnú đi rửa chân ở chỗ máng nước, rồi cụ “thân hành dẫn dẫn anh ra tới máng nước đầu làng”. Đây là một chi tiết rất đắt, thể hiện quan niệm của người Tây Nguyên về vai trò của bến nước trong văn hóa làng. Đối với người Tây Nguyên, bến nước là ranh giới giữa rừng và làng. Mà rừng là tự nhiên, làng là văn hóa. Tự nhiên luôn lôi kéo con người về với nó, tự nhiên có sức ám ảnh, mê hoặc ghê gớm. Con người cố thoát khỏi sự nhấn chìm


ấy bằng làng. Bởi vậy, khi đi làm ở rừng về, hiếm có người nào không tắm gội ở bến nước trước khi bước vào làng. Tnú ra khỏi làng đến ba năm nên cụ Mết thân hành dẫn anh ra bến nước là lẽ đương nhiên.

Bến nước rửa sạch bụi bẩn của tự nhiên, thanh lọc tâm hồn con người, trả con người lại cho sự tinh khiết của tình làng. Có lẽ vì vậy mà người ta thường nói tâm hồn người Tây Nguyên sạch như nước suối. Nét tương đồng ấy xuất phát từ nhu cầu văn hóa như đã nói ở trên. Đồng thời cũng xuất phát từ mối “thâm giao” giữa người làng và bến nước. Suối Đăk Hoa, suối Thi Om là những người bạn gắn bó nhất với Núp. Tình yêu làng, yêu chín mươi người Kông Hoa được Núp thể hiện ở tình cảm với con suối: “Qua khỏi suối Thi Om, cả đoàn dừng lại nghỉ. Núp đi sau cùng. Anh đứng trên một hòn đá giữa suối, để cho nước suối lanh tanh leo lên chân, lên gần tới đầu gối”[26, tr. 250]. Chi tiết “nước suối lanh tanh leo lên chân” được lặp lại khá nhiều lần trong tác phẩm Đất nước đứng lên và một số tác phẩm khác của Nguyên Ngọc. Điều đó cho thấy con suối là khoảng lặng của bài dân ca mà Mai hay hát, là cung trầm trong tiếng đàn tơ rưng của Ghíp, là khoảng dừng trong lời kể chuyện của Bok Sung. Nó là sự yêu thương dịu ngọt trong góc khuất tâm hồn của Núp. Chính nơi sâu thẳm nhất lại là nơi da diết nhất. Nó réo gọi, thôi thúc Núp kiên trì bám rừng đánh Pháp. Đối với Núp, suối vừa khơi dậy tình cảm buôn làng, và suối cũng khơi dậy tình đoàn kết dân tộc: “Nước suối Thi Om chảy về nước suối Đăk Hoa. Nước suối Đăk Hoa chảy về nước con sông Ba. Nước con sông Ba chảy qua làng ông Tú, rồi còn chảy xa nữa chảy miết đến chỗ rẫy của người Kinh”[26, tr. 229]. Trong buôn làng có phần biệt lập, chính con suối, dòng sông đã gợi lên ý thức liên kết.

Bến nước, con suối, dòng sông nào rồi cũng đổ về biển lớn. Trước khi biết được điều này, trước khi các dòng sông con suối bị chặn lại để làm thủy lợi, thủy điện; người Tây Nguyên đã tạo dựng cho mình một nét văn hóa đẹp từ


bến nước. Con suối chảy giữa rừng và làng là ranh giới giữa văn hóa và tự nhiên. Con suối chảy qua làng hay giọt nước đầu làng là tặng phẩm của rừng già cho con người, nó được chắt ra từ sự tinh túy của rừng để đem đến sự sống tốt đẹp cho con người. Từ bến nước, con người Tây Nguyên đã tạo dựng trong làng một cuộc sống “mát rượi” tình người. Đó là tình yêu lứa đôi nảy nở trên bến nước mỗi lúc chiều về hay những đêm trăng sáng; đó là những câu hát giao duyên có tiếng nước làm nhạc đệm. Đó là tình làng được bến nước vỗ về từ thuở ấu thơ và được rửa sạch bụi ẩn của thời gian trong suốt một đời người; đó là những đêm kể khan mênh mang đêm tối được tiếng suối lanh tanh hòa điệu. Bến nước lặn vào sâu thẳm tình người.

1.8 Rượu cần, chất men của nghĩa tình

Nhìn một cách trực giác, “nhớ” và “quên” là hai phạm trù đối lập nhau. Trong đời sống, con người cần phải nhớ để mà tồn tại. Có biết bao điều tốt đẹp cần phải nhớ, đồng thời cũng có bao điều phải quên phức đi để mà thảnh thơi sống tiếp. Trên một phương diện khác, nhớ và quên lại có tính biện chứng. Nếu không nhớ thì làm sao có quên, và ngược lại, nếu không biết quên thì khó nhớ những điều đáng nhớ. Con người cần phải có lý trí sáng suốt để sống, để vươn lên; nhưng con người cũng cần có giây phút dừng nghỉ để lấy năng lượng mà chiến đấu tiếp. Con người rất cần niềm vui nhưng cũng không thể thiếu nỗi buồn. Rất cần sự tỉnh táo nhưng nhiều khi cũng phải mê muội đi một chút… Giữa “nhớ” và “quên”, giữa “tỉnh” và “mê”, con người nghĩ đến rượu. Rượu cần là nguồn cảm hứng đặc biệt trong đời sống của người Tây Nguyên.

Không thể thống kê hết trên thế giới này có bao nhiêu loại rượu, hằng ngày loài người đã tiêu thụ hết bao nhiêu lít rượu bia; chắc phải là con số khổng lồ. Ngẫm lại, nhu cầu “quên” của con người là rất lớn. Bởi vậy, mỗi dân tộc sáng chế ra một loại rượu riêng của mình. Và mỗi vùng miền thường có một loại rượu đặc trưng. Miền Bắc có rượu Làng Vân, miền Trung có rượu Bàu Đá,


miền Nam có Gò Đen, Tây Nguyên có rượu cần. Sở dĩ gọi là rượu cần hay rượu ghè vì người ta dùng cần tre hoặc trúc để uống. Đối với người Tây Nguyên, không có gì thú vị hơn là ngồi uống rượu cần bên đống lửa. Lửa và rượu cần đã trở thành người bạn song hành trong mọi cuộc vui, buồn. Rượu cần là dấu hiệu của sự sống. Trong ngôi nhà rông mà thiếu cảnh thanh niên tụ họp để uống rượu cần và hát những bài hát cổ xưa thì đấy là nhà rông chết. Mùi rượu cần đã trở thành một thứ mùi vị đặc trưng làm nên không khí của nhà rông hay lễ hội. Vùng miền xuôi có “miếng trầu là đầu câu chuyện”, hay chế một bình trà để mời khách. Người Tây Nguyên không có văn hóa uống trà, gặp nhau thì mời nhau một can (cây dùng để đo mức nước trong ché rượu) rượu cần. Rượu cần là một thứ nước uống đặc biệt mang rất nhiều chức năng: “Dù chỉ là để đón một người khách đến nhà, hay những việc vui, việc buồn của gia đình, của bản, của buôn, kon, plei, cho tới những lễ nghi quan trọng nhất của cộng đồng, không thể thiếu ché rượu”.[20, tr.22]. Rượu cần giữ một vị trí vô cùng quan trọng trong đời sống của người Tây Nguyên. Bởi vậy có nhiều gia đình dù thiếu gạo ăn nhưng không thể thiếu rượu cần trong nhà. Nhà nào cũng có sẵn vài ché rượu để có thể tham gia vào các lễ hội, các cuộc vui của làng hay để chiêu đãi mỗi khi có khách. Ngày xưa, cùng với cồng chiêng, ché đựng rượu là một thứ của quí trong nhà. Ở Tây Nguyên hiếm thấy trong một sinh hoạt cộng đồng nào mà lại không có rượu cần. Vít một can rượu cần, chuếnh choáng hơi men, ngả nghiêng trong âm thanh cồng chiêng và nhịp nhàng xoang cùng các cô thiếu nữ Jrai, Bana, Êđê...sẽ là một kỷ niệm khó quên đối với những ai đến với Tây Nguyên.

Tây Nguyên kỳ lạ mỗi ngày. Đối với những người mới đến, mỗi ngày ở Tây Nguyên là một lần khám phá ra những điều mới mẻ. Điều mới mẻ ấy nằm ngay trong chính cuộc sống tưởng chừng đơn giản nhưng bên trong nó là cả một sự huyền bí. Cũng như nhiều thứ khác ở xứ sở kỳ lạ này, rượu cần mang

Xem tất cả 222 trang.

Ngày đăng: 16/05/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí