Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 10


trong mình biết bao bí ẩn của rừng già. Theo truyền thuyết, chính con nhím đã dạy con người biết cách chưng cất rượu cần:

…Con nhím còn dạy phải làm bao nhiêu viên bột như vậy cho một ché rượu; nó bày liều lượng cám, cơm nấu chín và thảo mộc(dùng để làm chất mùi và chất lên men) cần phải trộn với những bánh bột nhỏ; nó dạy cách đặt than hồng ở đáy ghè và một lớp cám trên cùng, trước khi bịt thật kín. Rồi nhím tự rút dạ dày của mình ra, giã nhỏ và trộn với bột, vừa nói: bao giờ cũng phải làm như thế này, rượu cần chỉ thật ngon khi có dạ dày nhím”. [59, tr. 143-144].

Ngày nay, khi bắt được con nhím, người Tây Nguyên lấy cái dạ dày của nó đem giã với bột gạo làm chất men cho rượu cần. Những ché rượu có dạ dày nhím là những ché rượu tuyệt hảo. Điều kỳ lạ là người uống rượu chủ yếu là đàn ông, nhưng tác giả của những ché rượu tuyệt vời ấy lại là đàn bà. Chỉ có đàn bà mới biết được bí quyết ủ men, làm rượu và họ chỉ truyền lại cho con gái. Y Điêng trong tiểu thuyết Hơ Giang cũng khẳng định điều này: “Những ché rượu đều do các cô rắc men. Nhưng làm gì thì làm, các cô cũng phải hỏi mẹ Hơ Giang. Từ lâu cái tay bà rắc men, không có ché nào bỏ không được. Hễ uống vào là cái tai cứ nở phăng phắc”[7, tr. 221]. Chính các thần ở rừng đã giao nhiệm vụ “làm nẻ cả lổ tai” cho người đàn bà, vì đàn bà dễ khiến người ta “quên” nhất.

Về công việc làm rượu cần, Nguyên Ngọc viết: “Rượu cần được làm bằng gạo, ngô, sắn hoặc một loại ngũ cốc nào đó, người ta bảo ngon nhất là rượu kê..., tất cả được nấu chín, giã nát ra, vê thành những viên nhỏ. Và trộn với men. Tất nhiên toàn bộ vấn đề là ở men. Men được chế bằng những thứ thảo mộc đặc biệt, có khi là lá, có khi là rễ, cũng có khi là vỏ cây…”[27, tr. 26- 27]. Nước để đổ vào ché rượu nhiều khi không được tinh khiết lắm, nhưng người uống rượu cần sẽ không bao giờ đau bụng. Người ta nói đó là do chất


men. Theo cảm quan huyền thoại của nhà văn Nguyên Ngọc, rượu cần chứa đựng bên trong nó là cả một sự kỳ lạ không thể giải thích nổi. Nhiều người đã cất công đi tìm hiểu các loại thảo mộc dùng làm men rượu cần đem về trồng ở vườn nhưng chúng không có hiệu nghiệm gì cả. Nó phải được hái tận trong rừng sâu, và tự tay các bà hái và pha chế kia. Càng kỳ lạ hơn, trong quá trình ủ men, các bà luôn phải kèm theo lời khấn thần men: “Này men hãy khiến cho nôn tại ghè, đàn ông cởi khố, đàn bà tụt váy!”[27, tr. 28]. Không biết có nơi nào, người ta lại giao cho men rượu những “nhiệm vụ” lạ lùng như người đàn bà Tây Nguyên? Có thể nói rượu cần là cả một thế giới của sự huyền bí, nó ẩn chứa những điều linh thiêng của núi rừng. Bởi vậy, nó không đơn giản chỉ là một thứ rượu bình thường, nó là một thức uống kỳ diệu. Rượu cần đã ngấm vào tận ký ức của người Tây Nguyên. Những người lính Fulro trong truyện Chung dòng máu đỏ của Phạm Kim Anh khi nghe mùi rượu cần đã “buông súng xuống lúc nào không biết”: “Thấy rượu cần, bọn Fulro thèm lắm. Chúng nuốt nước bọt ừng ực. Nhiều tên vươn vai hít mạnh mùi rượu đang lan tỏa trong hang. Tay súng chúng buông xuống lúc nào không biết”[39, tr.69]. Mùi vị của rượu cần là hương vị của tình cảm buôn làng nên nó không dễ gì phai nhạt. Già K’Bry vào tận hang của Fulro mà không đem theo súng, chỉ mang theo một ché rượu cần. Bởi rượu cần là một chất keo kết dính tình người, là sự đắm đuối tình làng. Khi uống rượu cần, mọi thứ thuộc về lý trí phải bỏ qua, mọi ranh giới đều bị xóa nhòa, mọi cấm đoán kiêng cữ đều vô nghĩa. Nam nữ ngực kề ngực, mông sát mông, ào ào uống, ào ào nhảy múa, không gian ngưng đọng, thời gian ngưng trôi, tất cả chảy theo rượu cần, tất cả say và tất cả quên… Và điều kỳ lạ nữa là khi đã say, nếu muốn hết say thì phải uống tiếp: “Rượu cần mà uống dở chừng, chị tôi nói, thế nào cũng bị say. Còn uống đến cùng, chị cười níu vai tôi, rượu nó cứu mình khỏi say đấy. Càng uống càng hết say em


ạ”[6, tr. 274]. Nghĩ ra cũng đúng thôi, tận cùng nỗi buồn là niềm vui, tận cùng cái say là cái tỉnh. Người Tây Nguyên luôn sống hết mình và hết sức trọng tình.

Người Tây Nguyên không phải ghiền rượu mà là rượu. Mê bởi vì nó là một thức uống đặc biệt duy nhất sau thức uống thông thường là nước. Chất men của rượu cần không chỉ đưa người ta vào thế giới của quên, trước khi làm điều đó, rượu cần kết dính tình cảm con người với thần linh, con người với con người trong một sợi dây bền chặt. Cũng như bao dân tộc khác, người Tây Nguyên uống rượu là để chia sẻ với nhau niềm vui, nỗi buồn, để hiểu và yêu mến nhau hơn. Có điều đặc biệt là người Tây Nguyên không bao giờ uống rượu một mình. Họ chỉ uống rượu cần khi có ít nhất hai người trở lên. Nói người Tây Nguyên mê rượu là vì vậy. Ta có thể thấy điều này trong thực tế đời sống và trong văn học. Tiểu thuyết Lạc rừng của Trung Trung Đỉnh đặc quánh chất men rượu cần. Ta như cảm nhận được mùi rượu cần từ những trang viết, vì đội du kích làng Đê Chơ Rang dù sống trong hang núi nhưng không lúc nào là không có rượu cần. Đi ra ngoài thì thôi chứ hễ “về tới hang đá là sà ngay vào hút rượu cần”. Và uống rượu là một “sinh hoạt” thường xuyên của họ: “Cánh đàn ông khiêng vào ghè rượu mới. Tôi có cảm giác họ có vô vàn rượu cần giấu quanh đây. Họ rộn ràng mở ghè, cắm cần, rộn ràng mời già Phới”[5, tr. 18].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 222 trang tài liệu này.

Tại sao người Tây Nguyên lại mê rượu cần đến vậy?

Các dân tộc văn minh ít có thời gian để chơi, người ta bị cuốn theo công việc làm ăn cùng các nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống hiện đại. Người Tây Nguyên trước đây chưa có hoặc ít có thói quen tích lũy của cải. Họ quan niệm người giàu có là người cho đi nhiều nhất. Người ta có cực nhọc với nương rẫy, người ta có thiếu đói, nhưng người ta không thiếu những cuộc vui cùng tình cảm tràn đầy. Xét cho cùng, cái mà dân tộc này gọi là chân lý chưa chắc gì đã đúng với dân tộc kia. Cái mà người này cho là lý tưởng, có thể người khác sẽ không nghĩ như vậy. Đường chân trời thực ra là một khoảng trống mênh mông.

Văn hóa và con người tây nguyên trong văn xuôi nghệ thuật 1945- 2000 - 10


Các tộc người Tây Nguyên có một cuộc sống mà có thể, dưới cái nhìn của các dân tộc văn minh, là nghèo nàn, thậm chí dã man. Nhưng nhìn kỹ lại, ta sẽ giật mình, khi đã biết giật mình thì có thể sẽ yêu mến và thèm khát. Rất có thể rượu cần sẽ làm thỏa mãn sự thèm khát ấy.

Con người ai cũng phải có nhu cầu tình cảm, càng nghèo về vật chất, nhu cầu ấy càng lớn. Nhu cầu tín ngưỡng cộng với nhu cầu tình cảm đã sinh ra đời sống lễ hội phong phú ở Tây Nguyên. Mà lễ hội ở Tây Nguyên không thể thiếu hai thứ: cồng chiêng và rượu cần. Nếu cồng chiêng làm cho buổi lễ thêm thiêng liêng thì rượu cần làm cho buổi hội thêm vui vẻ, đắm chìm. Cùng với lửa, rượu cần là trung tâm của cuộc vui. Người ta hát múa, vui chơi xung quanh các ché rượu có tiếng cồng chiêng làm nền. Trong bất cứ lễ hội nào, rượu cần bao giờ cũng được chuẩn bị trước tiên và nhiều nhất, thường là do các bếp góp lại: “Tôi thấy người ta náo nức gùi rượu cần tới. Hàng chục ghè rượu được bày la liệt trên sàn nhà rông, hàng chục ghè khác bày dưới sân làng”[5, tr. 96]. Sau nghi lễ, rượu cần lai láng chảy: “Rượu buộc hàng dãy dài trên nhà rông, dưới sân, quanh cột goong…Sau lần khấn vái cuối cùng của thầy cúng, mọi người thỏa sức ăn uống. Rượu chảy tràn trề như nước sông Ayun”[20, tr.20]. Không còn nhân chứng tỉnh táo nào trong các trong các lễ hội lai láng rượu cần như vậy. Các cuộc vui ấy kéo dài ít nhất là vài ngày, những cơn say nối tiếp nhau, bất tận. Tình cảm sẽ nồng nàn hơn, con người sẽ xích lại gần nhau hơn. Mọi nỗi buồn đều bị xua tan, mọi xích mích đều bị cuốn sạch, chỉ còn lại tình cảm cộng đồng bền chặt.

Rượu cần đưa mọi người thoát khỏi tháng ngày lam lũ rẫy nương, kết nối tình cảm cộng đồng. Rượu cần cũng là một phương tiện giao tiếp với bên ngoài. Người Tây Nguyên thể hiện lòng hiếu khách của mình qua những ché rượu cần. Mỗi khi có khách, họ dùng rượu cần để đưa đẩy câu chuyện, để bày tỏ tình cảm với nhau: “Tôi cời bếp cho cháu rồi quay về với cần rượu của mình. Tôi nghe


rõ tiếng rượu chuyển rong róc trong ghè, vị ngọt dâng lên đậm dần, và vị đắng sâu thẳm se sẽ len vào, tan nhè nhẹ, lịm dần dần…”[6, tr. 94]. Câu chuyện buồn của cô gái H’Riêul (Rừng già- Trung Trung Đỉnh) được nhân vật “tôi” cảm nhận, chia sẻ qua từng giọt rượu cần. Cả niềm vui cũng được san sẻ bằng ché rượu: “Biết có ca sĩ nổi tiếng thời chống Mỹ H’Blieng và lũ văn công cũ về, dân làng mừng vui đem rượu cần tới xếp từ trong nhà ra ngoài sân. Cả làng rộn lên như có hội”[6, tr. 114]. Đối với người Tây Nguyên, khách của làng hay khách của từng gia đình đều được dân làng đóng góp rượu cần để cùng chia sẻ. Không chỉ ở những người nổi tiếng mà cả những người khách bình thường nhất cũng được dân làng đón tiếp nồng hậu: “Đã có vài người gùi rượu tới cho nhà H’Piar tiếp khách. Khách quí của H’Piar cũng là khách quí chung của làng. Đó là phong tục”[6, tr. 113]. Có lẽ chỉ trong thần thoại Hy Lạp, hiếu khách mới trở thành một phong tục như ở Tây Nguyên. Tuy nhiên, nếu ở Hy Lạp, thần Zeus phải sử dụng quyền uy để thực hiện tục hiếu khách trong vương quốc của mình, thì ở Tây Nguyên, “quyền uy” ấy lại thuộc về tinh thần cộng đồng. Tình cảm cộng đồng đậm đà và luôn chân tình với khách là một trong những yếu tố khiến những ai đến với buôn làng rồi sẽ bị cuốn lấy, hút lấy. Goerge Condominas, Jacques Dournes, Nguyên Ngọc, Trung Trung Đỉnh… là những minh chứng cụ thể.

Không có nhiều hình thức và phương tiện giao tiếp như các dân tộc khác, mọi cuộc chuyện trò, tiếp xúc của người Tây Nguyên đều diễn ra bên ché rượu và đống lửa. Rượu cần là một phương tiện giao tiếp đặc biệt. Mời nhau một can rượu là sự thể hiện tình cảm với nhau. Nếu uống rượu cần một cách miễn cưỡng hay e dè tính toán thì sẽ không bao giờ nhận được sự thân tình. Khi đã thân tình rồi thì họ có thể uống với nhau từ ngày này sang ngày khác:“...Về làng Bung, chúng tôi ngập chìm trong những ché rượu và những làn điệu dân ca”[6, tr.243]. Khi người Tây Nguyên uống rượu cần thì toàn bộ thế giới sẽ đi vào cõi


quên mịt mùng, chỉ có tình cảm nguyên thủy là sống dậy, lan tỏa theo chất men. Chất men rượu cần là yếu tố quan trọng trong việc khẳng định nét đẹp văn hóa Tây Nguyên, trong việc làm nên bản sắc Tây Nguyên của các tác phẩm văn học.

Như dòng suối quanh năm róc rách chảy, rượu cần vẫn mãi mãi nuôi dưỡng đời sống tinh thần, kết nối tình cảm cộng đồng, làm nồng thêm mối quan hệ của con người. Rượu cần làm nên vẻ đẹp của cuộc sống núi rừng tưởng chừng như đơn giản nhưng phía sau nó là cả một nền minh triết kỳ lạ và sâu sắc. Ví như cái giàu sang của chúng ta là lắm tiền nhiều của, cái giàu sang của người Tây Nguyên là lắm chiêng nhiều ché. Mà chiêng, ché chỉ phục vụ đời sống tinh thần, còn tiền của của chúng ta hoàn toàn là vật chất.

Cũng như nhiều thức loại khác, rượu cần là chất men của núi rừng. Núi rừng đem đến cho con người sự sống, nghĩa là đem đến cái “nhớ”, nhưng núi rừng cũng đem đến cho con người những cuộc say, nghĩa là đem đến cái “quên”. Rừng, đi qua rượu cần, là người cha nghĩa tình, là người mẹ bao dung, người bạn chân tình, là người tình đắm đuối…Trong ché rượu cần chất chứa bao nhiêu nghĩa tình của người Tây Nguyên.

1.9 Lễ hội, những sắc màu độc đáo

Diện mạo văn hóa của một dân tộc được biểu hiện sống động nhất qua các lễ hội. Lễ hội phản ánh rõ nét đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc. Nó mang hơi thở của nhịp điệu cuộc sống, của phương thức lao động và sinh hoạt, của môi trường tự nhiên. Có thể nói, không ở đâu, không có dân tộc nào trên đất nước Việt Nam có được đời sống lễ hội phong phú như các dân tộc ở Tây Nguyên. Lễ hội ở Tây Nguyên diễn ra quanh năm nhưng tập trung nhất là vào thời gian nghỉ ngơi giữa hai mùa vụ, người Tây Nguyên gọi là mùa “ăn năm uống tháng”. Các lễ hội được chia thành hai mảng lớn: lễ hội vòng đời và lễ hội nông nghiệp. Lễ hội vòng đời gồm có lễ thổi tai, lễ đặt tên, lễ trưởng thành, lễ


mừng sức khoẻ, lễ hỏi, lễ cưới, lễ cúng đau ốm, lễ tang, lễ bỏ mả...Lễ hội nông nghiệp gồm có lễ chọn đất làm rẫy, lễ đốt rẫy, lễ tỉa lúa bắp, lễ mừng cơm mới, lễ mở cửa kho lúa, lễ cầu mưa, lễ cúng tạ ơn Yàng...Đến Tây Nguyên mùa lễ hội, chúng ta sẽ được đắm mình trong đời sống văn hóa đầy sắc màu lung linh, đầy tính nhân bản hồn nhiên của đồng bào các dân tộc. Và biết đâu, chúng ta sẽ bị mê hoặc, sẽ thay đổi cái nhìn về thế giới, về con người và về chính chúng ta. Tầm kiến thức và văn hóa của chúng ta có thể sẽ bị lung lay, ý thức khám phá sẽ trỗi dậy mạnh mẽ. Đến với lễ hội Tây Nguyên qua văn học, chúng ta cũng được hòa trong không khí thắm tình của con người nới đây.

Với sự phát triển chưa được mạnh mẽ lắm, với số lượng tác giả và tác phẩm còn khá khiêm tốn; có thể khẳng định rằng văn xuôi viết về Tây Nguyên chưa phản ánh đầy đủ và xứng tầm với đời sống lễ hội ở đây. Tuy nhiên, thông qua một số lễ hội như lễ thổi tai, lễ mừng sức khỏe, lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng chiến thắng, lễ bỏ mả cùng nghi thức đâm trâu, lễ Ning Nông; các tác giả cũng đem đến cho người đọc những sắc màu độc đáo của cuộc sống núi rừng.

Lễ thổi tai được tiến hành khi đứa bé vừa tròn tháng tuổi. Với ước nguyện đứa bé sau này sẽ trở thành người có ích cho gia đình và cộng đồng, người ta thổi vào lỗ tai đứa bé linh hồn của dân tộc thông qua tiếng cồng chiêng, người ta tinh thông đầu óc đứa bé bằng những lời giáo huấn tốt đẹp nhất. Đứa bé sẽ nhận được lời truyền của cha ông, của sông núi quê hương. Sau lễ thổi tai đứa bé mới được công nhận là một thành viên của cộng đồng và được quyền lợi như người lớn. Lễ thổi tai được tiến hành như sau: “Người đàn bà thổi tai thường là một bà đã đứng tuổi, bà cầm một cuộn chỉ bông, lấy ra từ chiếc xa quay, phun gừng mà bà đã nhai nát vào đó, rồi thổi bảy lần vào cuộn chỉ đặt sát vào tai đứa bé. Vừa thổi vừa khấn: Thông lỗ mũi. Tinh lỗ tai. Phun gừng. Tai trái, nhớ lấy công việc. Tai phải, nhớ lấy ruộng rẫy…”[27, tr. 25]. Chỉ thông qua một vài câu khấn, ta đã thấy được ước nguyện về một con người


tốt đẹp. Điều tốt đẹp ấy hết sức giản đơn: phải làm tốt công việc của mình và phải biết thương yêu mẹ cha. Một quan niệm sống như vậy, thiết nghĩ nó đã bao hàm triết lý nhân sinh của người Tây Nguyên.

Nếu trong lễ mừng thôi nôi của người Kinh, người ta để cây bút, quyển sách, gương, lược...cho đứa bé chạm vào; thì trong lễ thổi tai, người Tây Nguyên lại đưa ra ba vật: con dao, mẫu gỗ và cây gậy: “Nếu chạm đúng con dao, mai sau nó sẽ là một chiến binh dũng mãnh; chạm phải mẫu gỗ nó sẽ trở thành một thủ lĩnh lớn. Còn đứa nào chạm phải cây gậy thì chắn chắn sẽ trở thành một khách lữ hành miệt mài, mãi mãi lang thang trên những nẻo đường bất tận, đi tìm những điều tốt lạ của cuộc đời”[27, tr. 22]. Việc chọn vật cho đứa bé thể hiện khí chất của người Tây Nguyên, nó cũng thể hiện bản sắc văn hóa đặc trưng của con người sống giữa núi rừng huyền bí bất tận. Có những tộc người, trong lễ thổi tai, già làng đem bộ chiêng quí nhất ra đánh cho đứa bé nghe. Họ cho rằng âm thanh của cồng chiêng là tiếng nói của truyền thống, tiếng nói ấy rót vào tai đứa bé những điều tốt đẹp của buôn làng được thần linh tạo dựng. Khi đã được thổi tai, người ta tin rằng đứa bé sẽ được lớn lên theo đúng nguyện vọng của cộng đồng.

Cùng với lễ thổi tai, lễ mừng sức khỏe cũng là một lễ nổi bật trong nghi lễ vòng đời. Lễ này được tổ chức, hoặc là đến tuổi trưởng thành, hoặc vừa trải qua một tai biến hiểm nghèo, hoặc vừa trở về mạnh khỏe sau chuyến đi xa…Sau hơn mười năm xa làng đi tập kết ra Bắc, ngày Núp trở, về cả làng S’tơr nô nức mở hội Tonol mừng sức khỏe cho Núp. Cả làng nô nức chuẩn bị, người vô rừng săn thú, kẻ chuẩn bị ching chiêng, các cô gái xuống suối lấy nước, các chàng trai đi khiêng rượu ghè; ai cũng tất bật, ai cũng náo nức…Buổi lễ bắt đầu bằng lời khấn của già làng: “Già làng rẽ đám đông đi vào. Khi đứng trước hai con nai, hai vật hiến tế, ông trang nghiêm ngửa mặt nhìn lên núi Tơgu, thành kính đọc bài khấn: Ơ thần núi thần sông. Ơ ông Bok teng, Ơ bà Y a

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/05/2022