rườm rà. Song do quan niệm tâm linh và sinh hoạt gắn liền với biển, ngư dân rất chú trọng đến những đám tang của người chết đuối, thủ tục có phần nhiều hơn, phức tạp hơn. Song cũng được giản lược, ngư dân đã thay hình người giả trong quan tài gỗ bằng thi hài vàng mã rồi hóa vàng thay cho việc đem chôn lấp mộ giả. Đến nay 100% quy ước, hương ước trên địa bàn có nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và cả lễ hội. Những biến đổi văn hóa ở Vân Đồn đang dần đi vào nền nếp và hình thành các mô hình hoạt động phù hợp với đời sống mới, điều kiện mới của xã hội.
3.3. Những tục lệ liên quan đến việc kiêng kỵ, lễ tết của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn
Cũng như cư dân ở các vùng miền khác, cư dân Vân Đồn cũng có những tục lệ kiêng cữ. Vì môi trường sống của họ chủ yếu gắn với biển cả nên những tục lệ kiêng cữ của họ cũng liên quan nhiều biển.
Do sinh sống trong môi trường biển, luôn phải đối mặt với hiểm họa từ thiên nhiên nên cư dân các làng chài rất coi trọng chuyện kiêng kỵ, thờ cúng. Ở các làng chài của Vân Đồn, cư dân kiêng kỵ nhất là những chuyến xuất hành đi đánh cá đầu năm. Họ tuyệt đối tránh khi nhổ neo lại có thuyền khác đi qua trước mũi thuyền mình bởi đó là điềm báo cả năm việc làm ăn sẽ bị cản trở, thất bát. Ngoài ra, họ cũng có kiêng kỵ của người làm nghề chài lưới như: tránh không đi qua mũi thuyền, phụ nữ mang thai không được tham gia chuẩn bị cho chuyến ra khơi của người đàn ông, kiêng ăn cá chặt đuôi, không đánh cá ở chỗ nước lớn… Họ cho rằng nếu kiêng kỵ những việc đó sẽ được an toàn, bình yên, tránh được những điều không may mắn.
Ngoài ra, cư dân Vân Đồn còn có tục lệ người chết ngoài biển không được mang về nhà. Người chết do sét đánh thì không có tấm thiên còn người chết đuối không có tấm địa, thay vào đó là tấm tre nứa. Sở dĩ họ quan niệm như vậy vì cho rằng nếu người chết do sét đánh mà đặt tấm thiên lên sẽ bị bật nắp; còn người chết do vẫn để tấm địa ở quan tài thì sẽ kéo theo những người khác chết đuối. Tục lệ này kéo dài nhiều năm trong đời sống của ca dân vùng biển đảo Vân Đồn.
Vào những ngày rằm, mùng 1, cư dân Vân Đồn cũng thường sắm lễ đến các đến thờ trên vịnh để cầu mong những điều may mắn, bình an. Trước khi đi biển, cư dân ở Quan Lan thường đến thắp hương ở miếu Cao Sơn, uống nước giếng Chổi để cầu may mắn. Trước khi đi biển, họ thường xem ngày rất kỹ, kiêng đi ngày lẻ, ngày sát chủ, ngày tam nương, ngày long vương múa hát (ngày biển động). Khi đóng thuyền bao giờ cũng đưa mũi về phía hướng Đông, Nam; tránh hướng Tây, Bắc. Người đóng thuyền cũng phải cầm mũi rìu đứng tránh hướng mặt trời, tránh bóng của mình12.
Ngoài tục kiêng kỵ, cư dân Vân Đồn còn có những tục lệ trong những ngày lễ, Tết. Do đặc điểm sống gắn liền với biển và nghề đi biển nay đây mai đó nên các tập tục lễ Tết có sự khác biệt so với cư dân sống trên đất liền.
Tết Nguyên Đán: Do cư dân Vân Đồn gắn liền với môi trường biển nên nhiều gia đình không có tục lệ cúng ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp. Họ chỉ tập trung chủ yếu vào ngày 30 Tết. Chiều 30, các nhà thuyền thường làm từ 2-4 chiếc thuyền (không mui) bằng bẹ chuối. Trên mỗi thuyền cắm 6 lá cờ đuôi nheo được làm bằng những tờ giấy màu xanh, đỏ. Trên mặt thuyền trải một tờ giấy đỏ, đặt một túi gạo, cắm ba nén hương. Khi cúng gia tiên, tiễn biệt năm cũ xong, chủ nhà đứng ở đằng lái, thả thuyền xuống biển, đốt vàng mã theo để cầu cho một năm đi biển được bình an13.
Vào sáng mùng một Tết, anh em dòng họ đẩy thuyền quây quần tại một khu vực để cùng nhau ăn Tết và chèo thuyền đi chúc Tết. Sau ba ngày Tết, họ cẩn thận chọn ngày (thường là mùng 6 hoặc mùng 8 tháng Giêng) để làm lễ ra khơi (có nơi gọi là lễ “ra binh”). Trưởng họ và các chủ thuyền cũng tham gia kễ cúng quan trọng này rồi cùng nhau chèo thuyền đi đánh cá để khởi đầu một năm.
Trải qua thời gian, những phong tục, tập quán của cư dân Vân Đồn được hình thành trong quá trình phát triển lâu dài của cộng đồng. Bên cạnh tính phổ biến và ổn định, nhiều phong tục, tập quán đã có sự biến đổi theo hướng phù hợp với thời đại mới, điều kiện mới.
Có thể bạn quan tâm!
- Tập Quán Ăn Mặc, Đi Lại Của Cư Dân Vùng Biển Đảo Vân Đồn
- Những Tập Quán Trong Việc Sinh Đẻ, Cưới Hỏi, Tang Ma Của Cư Dân Vùng Biển Đảo Vân Đồn
- Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 13
- Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 15
- Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 16
- Tương Tác Giữa Các Yếu Tố Văn Hóa Nông Nghiệp Và Văn Hóa Biển
Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.
12 Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, Văn hóa dân gian làng ven biển, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000,
tr.183-184.
13 Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, Văn hóa dân gian làng ven biển, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 2000, tr.186.
Tiểu kết chương 3
Có thể nhận thấy, văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn được thể hiện rất phong phú qua các phong tục, tập quán từ ăn ở, mặc, đi lại cho đến các nghi lễ vòng đời từ sinh đẻ, cưới xin, tang ma, lễ tết... Các phong tục tập quán này là những nét sinh hoạt văn hóa thường ngày của người dân. Ở đó, những phong tục được người dân vùng biển đảo lưu giữ và trao truyền cho các thế hệ tiếp theo. Không những thế, cư dân vùng biển đảo Vân Đồn còn lưu giữ khá tốt những phong tục, tập quán gắn liền với biển như sử dụng những sản vật từ biển để ăn, bồi bổ sức khỏe và chữa bệnh; duy trì những thói quen sinh hoạt như uống trà đen, ăn cháo; tận dụng những ưu đãi của thiên nhiên như quả mắm, quả bứa sử dụng hàng ngày. Điều này đã tạo nên những đặc trưng của văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn.
Cùng với sự phát triển không ngừng của kinh tế xã hội, đặc biệt là sự kết nối giao thông giữa các vùng miền, kết nối liên quốc gia, văn hóa phong tục của cư dân Vân Đồn đang dần có sự biến đổi. Các phong tục truyền thống của địa phương gắn liền với biển cả dần thay thế bằng các hoạt động văn hóa theo hướng hiện đại như trong sinh đẻ, cưới xin, đặc biệt là tang ma. Điều này lý giải cho sự hội nhập sâu rộng của văn hóa địa phương với các vùng miền khác, đặc biệt là đất liền.
Những phong tục, tập quán của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn đã cho thấy nét đặc trưng trong đời sống tinh thần của cư dân nơi đây, tuy có những hạn chế, lạc hậu do điều kiện kinh tế - xã hội ở các giai đoạn lịch sử quy định song vẫn có những giá trị tích cực. Có nhiều phong tục, tập quán vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.
Chương 4
TÍN NGƯỠNG, LỄ HỘI CỦA CƯ DÂN VÙNG BIỂN ĐẢO VÂN ĐỒN
Cùng với những phong tục, tập quán; việc thực hành văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn còn được thể hiện qua những tín ngưỡng, lễ hội dân gian.
4.1. Tín ngưỡng dân gian của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn
Do điều kiện sống, lao động của ngư dân trong môi trường biển cả nhiều hiểm nguy nên tôn giáo tín ngưỡng tạo cho họ niềm tin trước sự bao la hùng vĩ của thiên nhiên. Trong tín ngưỡng dân gian, phổ biến nhất là việc thờ cúng các vị tiền hiền, những người có công trong việc tìm đất, định cư khai phá đất đai, mở mang nghề nghiệp. Bên cạnh đó là việc thờ các nhân vật lịch sử, như thờ vua Lý Anh Tông, Trần Khánh Dư,... cư dân nơi đây còn thờ cúng thủy thần, sơn thần và xen các vị thần này như bùa hộ mệnh cho họ trong mỗi chuyến ra khơi nhiều nguy hiểm.
4.1.1.Thờ cúng tổ tiên
Thờ cúng tổ tiên là một trong những tín ngưỡng đặc trưng của con người Việt Nam. Cũng như cộng đồng người Việt nói chung, việc thờ cúng tổ tiên của ngư dân Vân Đồn hình thành trên cơ sở tiếp thu Nho giáo đề cao "Quyền huynh thế phụ". Đây là một loại hình sinh hoạt tâm linh phổ biến, quan trọng mang màu sắc văn hoá Việt. Hơn nữa không chỉ có ý nghĩa về mặt tâm linh, mà về mặt xã hội, thờ cúng tổ tiên còn tạo ra sợi dây bền chắc củng cố mối quan hệ gia đình, dòng họ trong đời sống đương đại.
Mặc dù làm nghề chài lưới song do đặc điểm cư trú sống trên đất đai nên dân chài Vân Đồn cũng giống như dân nội đồng, hầu hết mỗi gia đình đều có một bàn thờ tổ tiên. Ban thờ được đặt ở chính giữa nhà theo hướng cửa chính. Trên bàn thờ của các gia đình ngư dân đều có treo ảnh Phật, thờ theo dòng Phái Trúc Lâm Yên Tử với ước mong nhận được sự che chở phù hộ từ
các bậc cứu nhân độ thế. Dưới là các bát nhang của 5 đời: cặm, kỵ, cụ, ông bà, cha mẹ. Vào các ngày 30, mùng 1, ngày 14, 15 âm lịch nhà nào cũng làm lễ cúng gia tiên, cầu cho gia đình khoẻ mạnh đánh được nhiều cá.
Tại các gia đình việc thờ cúng tổ tiên diễn ra trong 5 đời, từ đời thứ 6 trở đi thì được quy về bát nhang hạ tổ hoặc thượng tổ và chuyển vào thờ trong nhà thờ họ. Mỗi dòng họ có một nhà thờ họ gọi chung là từ đường. Trong đó có những dòng họ thờ cúng trong 11 - 12 đời. Ở đảo Vân Đồn hiện nay có nhiều dòng họ như Phạm Thế, Phạm Quang, Hoàng Đình, Vũ, Đỗ... Hàng năm các họ đều tổ chức giỗ tổ họ thường vào ngày 28 tháng Chạp hoặc mùng 4 tháng Giêng theo quy mô họ, ngành. Đại diện các gia đình đến nhà thờ cúng tế sau đó lần lượt các chi , các họ sắp cỗ cúng.
Ngư dân Vân Đồn không có tục thờ cúng ông Táo. Vào chiều 30 Tết, các gia đình làm lễ đón gia tiên về ăn Tết cùng con cháu. Mỗi gia đình làm từ 2 - 4 chiếc thuyền không mui bằng bẹ chuối. Trên mỗi thuyền cắm 6 lá cờ đuôi nheo bằng giấy xanh đỏ. Trên mặt thuyền trải một tờ giấy đỏ, đặt một dúm gạo, cắm 3 nén hương, tổ chức cúng gia tiên tiễn biệt năm cũ, đón năm mới. Đến mùng 4 hoặc mùng 6, tuỳ từng gia đình làm lễ hoá vàng đưa tổ tiên về thế giới bên kia.
4.1.2. Tín ngưỡng thờ Thành hoàng và tục thờ thần:
Tín ngưỡng thờ Thành hoàng phổ biến ở nhiều địa phương trên đất nước ta. Thành hoàng là vị thần được tôn thờ chính trong đình làng Việt Nam. Đình Quan Lạn xưa nằm ở trung tâm của đảo, đầu tiên được xây dựng ở gần bến Cái Làng. Sau được di chuyển hai lần. Ngôi đình ngày nay được xây dựng vào quãng năm 1890- 1900 theo phong cách kiến trúc đình làng ở đồng bằng Bắc Bộ. Đình được xây dựng ở vị trí đắc địa phía trước nhìn ra vùng biển rất thoáng giống như thế “nhìn sông tựa núi” của đình làng Việt thông thường. Cửa đình hướng về phía đất liền. Đình Quan Lạn thờ Thành hoàng, các vị có công lập ấp làng. Thần tích ở đình Quan Lạn còn ghi “Thần thổ địa là thần có công khai phá đất đai dựng lên xã này, cũng là vị dũng mãnh chết
trong chiến trận”. Đáng tiếc là hiện nay không còn lưu tích gì để định vị Thành hoàng đầu tiên của làng.
Đình Quan Lạn ngôi đình cổ trên một hòn đảo xa đất liền, song nó lại là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ tượng Vua Lý Anh Tông - người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149 và vị tướng tài ba Trần Khánh Dư trấn ải Vân Đồn. Ngoài ra Đình còn thờ Dương Không Lộ là một vị thần được cư dân trên đảo truyền tụng thường chở che cho những người làm nghề biển. Với quan niệm, Thành hoàng là những người có công với nước với dân, có quan hệ mật thiết với địa danh được phụng thờ. Thông qua các đối tượng được phụng thờ này thể hiện tính dung hợp tín ngưỡng của cư dân nơi đây.
Vua Lý Anh Tông (1136 - 1175) là vị hoàng đế thứ sáu của nhà Lý trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Năm 1149, ông cho thành lập Thương cảng Vân Đồn, là một trong những thương cảng ngoại dịch đầu tiên ở nước ta. Bên cạnh đó, nhà vua còn ra chỉ thành lập trang Vân Đồn, nay là xã Quan Lạn. Để tưởng nhớ công đức, Ngài được tôn là Thành hoàng làng, phụng thờ ở đình Quan Lạn.
Trần Khánh Dư (1240-1340) hiệu là Nhân Huệ vương, nhà quân sự nổi tiếng nhà Trần. Ông nổi bật với việc giữ chức Phó đô tướng quân trong kháng chiến chống Nguyên lần 2 và 3, tiêu diệt đoàn thuyền lương quân Nguyên trên sông Mang, mùa xuân năm 1288. Để tưởng nhớ công đức của ông, nhân dân trong vùng suy tôn làm Thành hoàng làng, phụng thờ trong đình Quan Lạn. Hàng năm, nhằm ngày 10 tới 20 tháng 6 âm lịch, lễ hội Quan Lạn được tổ chức nhằm kỷ niệm chiến thắng giặc Nguyên Mông năm 1288 của Trần Khánh Dư và cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền của cư dân nơi đây. Tượng Trần Khánh Dư là pho tượng lớn nhất trong đình cao 157cm, trong thế ngồi ngai, hai tay đặt trên đùi.
Dương Không Lộ - vị thần chài lưới có nguồn gốc từ nội đồng
Ngoài việc thờ vua Lý Anh Tông, Trần Khánh Dư trong đình Quan Lạn còn thờ Dương Không Lộ - ông tổ của nghề đúc đồng ở nước ta. Nhưng ở
Quan Lạn, ngài lại có ý nghĩa là vị thần của nghề chài lưới. Sắc phong Thiệu Trị 1846 phong thần cho Không Lộ Giác Hải, gia tặng “Thành xung Tuệ Trùng Tĩnh”.
Về Dương Không Lộ (1016-1094), tên thật là Dương Minh Nghiêm, pháp hiệu là Không Lộ, quê làng Giao Thủy, phủ Hải Thanh, tỉnh Nam Định. Ông xuất thân làm nghề chài lưới, nhưng giỏi văn chương và mộ đạo Phật. Ông về tu tại chùa Hà Trạch. Không Lộ là một Thiền sư nổi danh triều nhà Lý đã từng tu ở các chùa: Nghiêm Quang (chùa Keo), Hà Trạch, Chúc Thánh. Dương Không Lộ cũng được coi là vị tổ nghề đúc đồng. Không Lộ vừa được coi là thiền sư thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông vừa được cho là thuộc thiền phái Thảo Đường.
Ở Vân Đồn, tục thờ Không Lộ Thiền sư được cư dân Quan Lạn thờ phụng trang nghiêm trong đình làng. Với ước mong được thánh phù hộ mỗi khi ra khơi, cư dân nơi đây đã khéo léo đưa một vị thánh thần trong nội đồng ra thờ phụng tại nơi đảo xa, biên thùy của đất nước. Phải chăng, tín ngưỡng này bắt nguồn từ cư dân có nguồn gốc đồng bằng di dân ra đảo sinh sống? Hay đơn thuần chỉ là một cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên của lịch sử mà tín ngưỡng này đã du nhập và được cư dân nơi đây chấp nhận? Khi phỏng vấn người dân ở Quan Lạn thì những băn khoăn của chúng tôi dân được sáng tỏ: “Cụ Không Lộ được thờ trong đình làng là do các cụ ngày xưa đem phong tục người trong đất liền ra đây để thờ với ý nguyện là “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”, khi ra đây cụ là vị thần phù hộ cho người dân đi biển được bằng an và may
mắn”14. Như vậy, tín ngưỡng thờ Không Lộ Thiền sư được những cư dân đầu
tiên di cư ra Quan Lạn phối thờ với các vị thần biển khác với chung một mong ước là phù hộ cho ngư dân được bình an và may mắn mỗi khi ra khơi. Tín ngưỡng này, theo các cụ cao tuổi ở Quan Lạn cũng có từ lâu đời nhưng để biết chính xác từ khi nào thì rất khó khăn, chỉ biết rằng, Không Lộ Thiền sư được người dân tôn kính và thờ phụng như bao vị thần biển khác và được duy trì nhiều đời và tồn tại tới tận ngày nay.
14Phỏng vấn ông Phạm Quốc Duyệt, Quan Lạn, tháng 6/2018.
4.1.3. Sùng bái tự nhiên
+ Thờ Thuỷ thần
Những ngư dân vùng Vân Đồn thường xuyên phải ra khơi vào lộng gió, biển cả và bão tố luôn là sức mạnh thần bí. Mặt khác nghề đánh cá biển thu hoạch thất thường đầy tính may rủi, chính vì vậy mà ngư dân càng tín thác vào thần linh. Do đó việc thờ thuỷ thần ở đây rất được coi trọng.
Tứ vị thánh nương, như tên gọi, là để chỉ 4 vị thánh nữ, bốn vị thánh này có nguồn gốc từ Trung Quốc và được thờ ở nhiều nơi của nước ta, nhiều nhất là ở vùng Thanh Hóa và Nghệ An. Theo thống kê của Trần Thị An (2010), chỉ riêng huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), ngoài đền Cờn còn có tới 30 nơi khác thờ, ở huyện Hoằng Hoá (Thanh Hoá) cũng có tới 20 làng thờ bốn vị thánh nữ Trung Quốc này, theo cuốn Thanh Hóa chư thần lục thì ở Thanh Hóa có tới 81 nơi thờ. Một số công trình nghiên cứu của các tác giả khác cho biết, tục thờ này có ở Quảng Ninh, Quảng Bình, Huế, Quảng Nam, Sài Gòn và các tỉnh miền Tây Nam Bộ như Bến Tre, Vĩnh Long, Kiên Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Sóc Trăng [3]. Tứ vị thánh nương được thờ ở Vân Đồn với tư cách là vị thần bảo vệ cho ngư dân đi biển.
Theo sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Tứ vị thánh nương là thái hậu họ Dương và ba công chúa con vua Tống Đế Bình. Cuối niên hiệu Trùng Hưng (1278 - 1279) quân Tống bị quân Mông Cổ đánh tan ở Nhai Sơn, vua Tống đem gia quyến và bề tôi lên thuyền trốn ra biển. Bị đuổi gấp, vua tôi phải nhảy xuống biển tự tử xác của thái hậu và ba công chúa trôi vào cửa Cờn, được dân chài chôn cất dựng miếu thờ gọi là đền Cờn. Tương truyền Tứ vị thánh nương rất thiêng thường phù hộ cho người đi biển, nên dân chài dọc bờ biển nước ta nói chung và dân Quan Lạn nói riêng đều lập miếu thờ. Tại đình Quan Lạn hiện nay còn lưu giữ sắc phong của vua Minh Mạng gia tặng cho tứ vị là thượng đẳng thần, danh hiệu Đại càn quốc gian Nam hải hàm hoằng quang đại chí đức. Sau đó vua Thiệu Trị sắc phong thêm hai chữ phổ báo vào năm 1846.