Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 15

Về bản chất, tín ngưỡng thờ Tứ vị thánh nương là tín ngưỡng thờ thần Biển. Tuy nhiên, khác với thần biển Thiên Hậu chuyên bảo trợ những thương nhân trên biển thì Tứ vị thánh nương lại phù hộ những ngư dân. Một điều rất rõ là, các đền thờ Tứ vị thánh nương đều được thờ ở những làng có nghề đánh cá. Vì thế, trong bề sâu của tín ngưỡng thờ Tứ vị thánh nương có ẩn chứa một lớp tín ngưỡng thờ cá. Theo Trần Thị An (2010), chữ càn xuất hiện rất nhiều trong tên gọi di tích, trong sắc phong của vua cho các vị thần (tuy ta chưa xác định được sắc phong Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị thánh nương có tự bao giờ) này chính là bắt nguồn từ gốc từ Mã Lai sakan, có nghĩa là cá. Đằng sau lớp tín ngưỡng thờ cá này còn ẩn chứa/hay đan xen những lớp tín ngưỡng khác. Đó là tín ngưỡng thờ người chết trôi trên sông/biển. Trong nghiên cứu của mình Trần Thị An (2010) ghi lại rằng thần tích đền Cả (Cự Nham, Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hoá) lại kể rằng, sau khi chết ở biển Trung Quốc, hồn của bốn vị nhập vào cây gỗ thơm chu du 12 cửa bể, thấy đất Phương Cần linh thiêng nên muốn được lập đền thờ. Trong truyền thuyết Việt Nam, một khúc gỗ trôi sông thường là một biểu tượng chỉ sự hội nhập: sự hội nhập Phật giáo và tín ngưỡng dân gian, sự hội nhập tín ngưỡng thờ Mẫu của người Chăm với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt (Thiên Y A Na) và ở đây là sự hội nhập của những danh xưng xa lạ (Tống hậu) với tín ngưỡng thờ thần biển của cư dân ngư nghiệp bản địa Việt Nam.

Ở Vân Đồn, tục thờ Tứ vị thánh nương [ảnh3, phụ lục 8] được cư dân thờ phụng với tư cách là vị thần bảo vệ cho ngư dân. Bằng chứng là quá trình phụng thờ thần được cư dân duy trì lâu đời và có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tín ngưỡng. Theo người dân nơi đây, tục thờ Tứ vị thánh nương không mới so với các địa phương khác song cũng có điểm khác biệt: “Ở đây, tục thờ Tứ vị thánh nương có từ lâu đời, các cụ ngày xưa nói là từ lúc khai hoang lập ấp nhưng chính xác thì không ai biết được, nhưng sắc phong trong đình làng đã công nhận việc này. Người Quan Lạn phụng thờ bốn vị thánh với quan

niệm xin các ngài bảo vệ ngư dân mỗi khi ra khơi, đồng thời cũng là vị thần được người dân ở đây gửi gắm những lời cầu nguyện về mưu sinh.”15.

Có thể nhận thấy, điểm chung của tục thờ Tứ vị thánh nương của cư dân ven biển, đảo với ước mong là bình an trước biển và gặp nhiều may mắn mỗi lần ra khơi. Hiện nay, Tứ vị thánh nương trên đảo Quan Lạn được lập miếu thờ trong khuôn viên của Nghè Hưng Duệ Vương Trần Khánh Dư [hình 2, phụ lục 8]. Ngôi miếu này có từ lâu đời song đã được đầu tư tôn tạo năm 2005 trên nền đất cao thoáng và trang trọng. Những ngày lễ tiết và sóc vọng, người dân trên đảo đều mang hương hoa lễ phẩm ra cúng bái thần. Những dịp quan trọng của làng như đầu năm, hội làng thì dân làng thường cúng lễ Tứ vị long trọng và thành kính. Bên cạnh đó, đầu năm, người dân trước khi ra biển khơi đánh bắt thường ra miếu lễ Tứ vị thánh nương với mong muốn phù hộ cho một năm đi biển thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền.

Ở đình Quan Lạn hiện còn lưu giữ được những tư liệu quý đó là trên 20 sắc phong của các vua nhà Nguyễn phong thần cho các vị Thành hoàng và các vị thần được tôn thờ tại địa phương, trong đó có các sắc phong của các triều vua Nguyễn phong Thượng đẳng thần cho Tứ vị thánh nương. Hàng năm, vào dịp lễ hội Vân Đồn (18 tháng 6 âm lịch), dân làng làm lễ tế trong đình, đều cầu khấn các thần, trong đó có Tứ vị thánh nương phù hộ cho đất nước thái bình, nhà nhà, người người bình an, mạnh khoẻ, đi biển gặp nhiều may mắn.

+ Thờ Sơn thần

Theo truyền thuyết, Cao Sơn là một trong 50 người con trai của Lạc Long Quân theo cha lên núi. Thần Cao Sơn giỏi thuốc, thường hiện thân làm thầy lang chữa bệnh đậu mùa cho nhân dân. Lúc sinh thời có hiệu là Tế giang cư sĩ. Người dân Quan Lạn thờ Cao Sơn trong miếu ở xóm Thái Hoà gọi là Cao Sơn thần miếu [hình 4, phụ lục 8].

Đối với ngư dân Quan Lạn, Cao Sơn là một vị thần rất linh ứng "Thần tối cao chi thượng, ngồi cao trông xa, cứu bệnh cứu hoả... cứu dân độ thế, trừ tà ác quỷ, trừ tại côn đồ"[126; tr.64]

15Phỏng vấn ông Phạm Quốc Duyệt, Quan Lạn, tháng 8/2018.

Với địa hình đất đảo Quan Lạn được che chắn bởi 8 dãy núi (Phía trước 5 dãy, phía sau 3 dãy), hơn nữa ngư dân nơi đây lại có một ngư trường kín gió được bao bọc bởi các dãy núi để làm ăn sinh sống thuận lợi, do đó ngư dân Quan Lạn rất tôn thờ thần Cao Sơn. Đầu năm trước khi ra biển, ngư dân đảo Quan Lạn đều cầu mong cho một năm bình an, mưa thuận gió hoà. Đồ cúng lễ tại Cao Sơn thần miếu thường có những hình thuyền chèo bằng vàng mã có quân có tướng. Theo người dân nơi đây, hình tượng này vừa mang ý nghĩa cúng tế cho thần, vừa mang ý nghĩa xin thế mạng cho dân chài mỗi khi ra khơi gặp bất trắc, vừa có ý nghĩa tưởng nhớ đến chiến thắng Vân Đồn năm 1288.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

+ Thờ Nhân Thần

Thờ Lý Anh Tông - người có công lập ra trấn Vân Đồn

Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 15

Thương cảng Vân Đồn được thành lập năm 1149 dưới thời vua Lý Anh Tông, là một trong những là cảng ngoại thương đầu tiên ở nước ta. Vân Đồn thuộc quần đảo Vân Hải, ngày nay thuộc huyện Vân Đồn, nằm ở phía đông nam vịnh Hạ Long.

Vân Đồn là thương cảng lớn, vật phẩm trao đổi với thuyền buôn ngoại quốc. Tại đây có mặt hàng lâm sản, hải sản, hương liệu, lụa là, gấm vóc. Nhưng mặt hàng chủ đạo từ đời Lý đến đời Trần vẫn là đồ sành sứ mà những mảnh vỡ trong khi bốc xếp kết thành từng tầng trên các bến thuyền là một minh chứng. Đồ sứ thời Lý mà men ngọc thanh thoát. Đồ sứ thời Trần màu men nâu khoẻ khoắn. Đồ sứ thời Lê màu men lam dịu dàng. Từ cảng Vân Đồn, sứ của nước Đại Việt được đem tới bán tại Nhật Bản, Trung Quốc, các nước Đông Nam Á, thậm chí đến tận vùng Đông Âu. Không khí buôn bán tấp nập, sầm uất của thương cảng Vân Đồn kéo dài tới tận thời kỳ Tây Sơn.

Nói đến quá trình hưng thịnh của thương cảng Vân Đồn, sách Đại Việt sử ký toàn thư đã viết: “Kỷ Tỵ năm thứ 10 (đời vua Lý Anh Tông - Tống thiệu hưng đời thứ 19) mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn ba nước Trà Oa, Lộ Hạc, Xiêm La vào Hải Đông xin ở lại buôn bán, bèn cho tập trung ở nơi đảo gọi là Vân Đồn để mua bán hàng quý dâng hiến sản vật địa phương”;“Năm Thiệu

Phong thứ 8 đời Trần Dụ Tông (1348), mùa đông, tháng 10 thuyền buôn người nước Chà Bồ (Chà Và) đến Hải Trang Vân Đồn ngầm mua ngọc trai”; “Thời Lê Thánh Tông (1667) thuyền buôn của nước Xiêm La đến trang Vân Đồn dâng biểu bằng lá vàng và dâng sản vật địa phương”. Đồng thời trong cuốn Nguyễn Trãi toàn tập có ghi “khách thương đến buôn bán, lớp này đến lớp khác đem đồ dâng cống”.

+ Tín ngưỡng Thờ Mẫu

Thờ Cô bé Cửa Suốt

Đền Cặp Tiên (hay còn gọi là đền Cô bé Cửa Suốt) là công trình tín ngưỡng dân gian hình thành từ thời Nguyễn, toạ lạc trên sườn núi tiên thuộc địa phận thôn Cặp Tiên, xã Đông Xá, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Ngày 18/8/2006 đền được Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ra Quyết định “Di tích kiến trúc nghệ thuật và Danh thắng đền Cặp Tiên” [140].

Theo truyền thuyết, đền Cặp Tiên có cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình, xưa kia đây là nơi có hai vị Tiên ông thường xuống ngắm cảnh và chơi cờ, đi theo phục vụ là hai nàng tiên cô rất xinh đẹp, hai nàng tiên thường xuống giếng ở chân núi lấy nước về đun pha trà cho các tiên ông nên mới có tên là Cặp Tiên [hình 8, phụ lục 8].

Đền Cặp Tiên thờ vị tiểu thư là con Trần Quốc Tảng nên có tên gọi là “Đền Cô bé Cửa Suốt”, tương truyền vào đời Trần vùng Đông Bắc còn rậm rạp hoang vu giặc dã cướp bóc triền miên, sau khi dẹp yên giặc, Trần Quốc Tảng lập ấp, đóng đồn ở Cẩm Phả, Cửa Ông, Mông Dương. Người dân thường gặp nữ tướng còn rất trẻ vận võ phục màu trắng, đeo kiếm cung rất thanh nhã đi vào Cửa Suốt để vào Hà gián, Ba Chẽ, Tiên Yên. Sau khi chiến thắng quân Mông Nguyên lần thứ 3 người dân không thấy Quận Chúa đâu nữa. Khi biết tin Quận chúa đã mất, nhân dân chài lưới trong vùng lập bát hương nơi Quận chúa giết giặc ở Cửa Suốt. Sau này, vào thời Nguyễn một ông quan chánh đã được nhân dân địa phương tôn làm hậu thần và thờ tại đền nên tên gọi là đền Quan Chánh.

Ngày nay, chính đền Cặp Tiên quay hướng Đông Bắc, kiến trúc chữ Đinh, gồm bái đường và hậu cung với tổng diện tích là 102m2. Kiến trúc vì kèo ở bái đường theo kiểu chồng rường con nhị, cột cửa được làm bằng gỗ táu, trên các vì có treo các hoành phi, ở các cột có treo các câu đối, sân đền xây dựng phương đình, mái lợp ngói mũi hài, hai tầng tám mái, điểm mái ghép ngói lá đề, trong phương đình đặt bát hương công đồng lớn bằng đồng.

Động Sơn Trang (căn cứ vào đồ thờ tự thì đây là nơi thờ mẫu theo tín ngưỡng dân gian) được chia làm hai phần như kiến trúc của đền. Phía ngoài bằng phẳng là nơi hành lễ, còn phía trong được đắp thành các dãy núi đá và đặt các pho tượng, phía trên bức tường ngăn giữa nơi làm lễ và động thờ treo bức hoành phi cuốn thư gồm bốn đại tự bằng chữ Hán “Công đồng sơn trang”. Tượng thờ bài trí khắp không gian hậu cung trong động, gồm tượng Mẫu Đệ Nhị Thượng Ngàn, tượng nhị vị vương bà và 12 cô Sơn trang, hai bên pho tượng cậu. Chính giữa động là bức hoành phi được tạo hình kiểu cuốn thư đề bốn chữ “Nữ động sơn trang”.

Đền Cặp Tiên được nhân dân phụng thờ với mục đích tưởng nhớ công đức của Quận chúa nhà Trần đã tử trận chống quân Nguyên Mông trong vùng Cửa Suốt, nhớ ơn đức với dân với nước đó, những người dân chài lưới ban đầu chỉ lập bát hương nhỏ ven Cửa Suốt, sau này trở thành miếu thờ và trở thành Đền thờ. Với tâm thức của nhân dân địa phương, đền Cặp Tiên rất linh thiêng với người đi biển.

Đền Ông Hoàng (miếu Cậu)

Theo các cụ cao niên trên đảo còn truyền nhau lại rằng: vào một đêm se se lạnh, không có gió to mọi người trong làng nghe thấy tiếng sóng khác thường đập vào ghềnh đá. Mọi người không biết lý do vì sao mà có những tiếng sóng dồn dập vào khác thường như vậy. Sáng hôm sau người trong làng chia nhau tìm kiếm, thì chỉ thấy một xác quan quân nhà Trần dạt vào bờ. Không rõ người này tung tích thế nào, giữ chức vụ gì, cũng chẳng thấy người đi tìm kiếm. Mọi người trên đảo mai táng. Một thời gian sau các cụ được báo

mộng người được chôn cất là con của một ông hoàng. Người dân trong làng mới lập miếu phụng thờ. Sau đó mới hình thành nên miếu thờ.

Ngày nay, miếu được người dân tôn tạo thành đền ông Hoàng tọa lạc trên một vụng biển, đền được người dân xóm Yến Hải nhang khói, phụng thờ. Ban đầu chỉ là một miếu nhỏ nằm trong một vụng kín gió, sau này nhân dân dần xây cất thành đền nhỏ, có sơn trang, lập ngôi mộ gió trong khuôn viên đền nhìn ra biển. Động Sơn Trang (căn cứ vào đồ thờ tự thì đây là nơi thờ mẫu theo tín ngưỡng dân gian) được người dân địa phương đắp trong khuôn viên của đền. Phía ngoài động được san bằng phẳng là nơi hành lễ, còn phía trong được đắp thành các dãy núi đá và đặt các pho tượng, bên trong có thanh xà bạch xà án ngữ. Động được đắp khang trang nhìn ra vụng biển hướng ra Eo Gió gần đó.

Mỗi lần trước khi ra biển khơi đánh cá người dân trong xóm thường đến đền ông Hoàng làm lễ. Người dân thường xin ông hoàng phù hộ cho người dân trước khi ra biển cả đánh bắt được bình an, đánh bắt được nhiều tôm cá. Các thuyền ngư dân đi qua, theo lệ, cũng thường vào lễ bái và cầu xin cho những chuyến đi biển của họ được nhiều cá tôm. Dần dần, đền Ông Hoàng trở thành một điểm linh thiêng đối với những người làm nghề chài lưới. Không chỉ người dân ở xóm Yến Hải thường hương khói trước mỗi chuyến đi ra khơi mà người dân ở các tỉnh khác cũng thường lễ bái mỗi khi đi qua vùng biển này. Có thể nói, đền ông Hoàng thể hiện yếu tố văn hóa gắn chặt với biển cả, thành tố này được duy trì từ lâu đời gắn bó mật thiết với truyền thuyết lịch sử có liên quan đến chiến thắng quân Nguyên Mông. Tuy nhiên, việc phụng thờ một nhân vật lịch sử chưa rõ lai lịch trở thành một vị thần mang lại sức mạnh và may mắn cho người đi biển là một sự thú vị. Đầu tiên phải kể đến vị trí của ngôi miếu nằm trong một vụng biển, bao quanh là núi đồi rất thích hợp cho tránh trú gió to, sóng lớn. Điểm thú vị thứ hai, nơi đây thường là nơi các con thuyền đánh bắt hải sản quanh vùng trú ngụ và giao thương với nhau trên biển. Việc hình thành đền thờ và tồn tại cho đến ngày

này là nhu cầu thực tế của những người đi biển. Việc thường xuyên đối mặt với các bất trắc trên biển làm cho ngư dân đặt niềm tin vào sự che chở của thần linh. Việc thờ phụng và cúng lễ các vị thần trên đảo Quan Lạn với ý nguyện cầu bình an trước mỗi chuyến đi ra khơi và mong sự may mắn trong đánh bắt là đặc điểm tâm linh nổi bật của các ngư dân vùng biển này.

4.1.4. Tín ngưỡng phồn thực Thờ bà Hang

Tín ngưỡng phồn thực có từ thời nguyên thuỷ vốn là đặc trưng của văn hóa nông nghiệp để duy trì và phát triển sự sống để mùa màng tốt tươi. Nếu cư dân nông nghiệp đề cao tín ngưỡng phồn thực với ý nghĩa sinh sôi nảy nở thì ngư dân Quan Lạn lại đề cao nó với yếu tố “dưỡng” che chở bảo vệ trước đại dương bao la nhiều nguy hiểm. Tín ngưỡng phồn thực đến nay được lưu truyền ở tục cúng trước khi nhổ neo của ngư dân Quan Lạn đặc biệt là ngư dân cư xóm lẻ Yến Hải. Ở đây còn lưu truyền truyền thuyết kể lại rằng từ xa xưa việc giao lưu buôn bán giữa Việt Nam và Trung Quốc diễn ra rất thuận tiện. Lúc bấy giờ có một người phụ nữ sinh ra trong một gia đình buôn thuốc, đã theo thuyền buôn đi lại nhiều lần giữa hai vùng đất này. Trong một lần giao thương, không may bà bị bọn cướp biển bắt, bị hiếp rồi vứt xác bà xuống biển. Xác bà trôi dạt vào một hang đá của xã đảo Quan Lạn. Bà báo mộng cho ngư dân biết, dân xã đảo ở đây đã lập mộ và thờ bà trong miếu gọi là miếu bà Hang. Ngư dân tin rằng oan hồn của bà vẫn phù hộ các chàng trai đi biển. Do đó vào đầu năm trước khi ra biển hay mỗi lần nhổ neo, ngư dân ở một số xóm lẻ thường tập trung về miếu bà Hang cúng lễ. Theo lời báo mộng của bà “ta chết nghiệp nào thì thờ ta nghiệp ấy” cho nên ngoài vàng hương, hoa trái thì lễ cúng còn mang cả hai dạng biểu hiện của hình thái tín ngưỡng này là: thờ hành vi giao phối (bằng hình ảnh tượng trưng hoặc do người cúng diễn tả) và thờ sinh thực khí của đàn ông mong tìm được sự che chở, may mắn thuận buồm xuôi gió khi ra khơi, đặc biệt bảo vệ ngư dân trước thế lực côn đồ nơi biển cả. Song đến nay trong lễ cúng của ngư dân đã bỏ các động tác giao phối.

Như vậy, có thể thấy, tín ngưỡng của cư dân Vân Đồn có nguồn gốc từ nội đồng và có yếu tố ngoại sinh. Dù các đối tượng thờ cúng khác nhau song tất cả đều được người dân gửi gắm ước muốn là phù hộ cho những lần ra khơi của họ được bình an và thuận buồm xuôi gió, đầy ắp cá tôm.

4.2. Lễ hội

4.2.1. Lễ hội Đình Quan Lạn

Ở Vân Đồn, lễ hội nổi bật và quan trọng nhất của cư dân là lễ hội Đình Quan Lạn. Đây là lễ hội thờ thành hoàng làng chiến thắng quân Nguyên Mông trong lịch sử và cầu mùa của cư dân nơi đây thông qua các hoạt động đua thuyền. Đình Quan Lạn được xây dựng từ thời Lê, thờ Thành hoàng là Trần Khánh Dư, một vị phó tướng thời nhà Trần và thờ ba anh em họ Phạm (Phạm Công Chính, Phạm Quý Công, Phạm Thuần Dụng), thủ lĩnh người vùng biển Vân Đồn đã có công lớn trong trận chiến thắng Vân Đồn – Cửa Lục, đánh tan đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ. Ngoài ra đình còn phối thờ Không Lộ, Giác Hải, Tứ vị thánh nương và nhiều vị thần khác. Lễ hội truyền thống đình Quan Lạn được tổ chức vào trung tuần tháng 6 âm lịch hằng năm, nhằm hồi cố sự kiện lịch sử hào hùng đó và cũng là ngày hội cầu mùa của cư dân vùng biển với nhiều nghi lễ, nghi thức rất phong phú.

Lễ hội diễn ra từ ngày 16-19/6 âm lịch nhưng trước đó đã có nghi lễ như: khoán làng, treo cờ thần, lễ mộc dục, gióng trống khai hội (ngày 10/6); hai giáp nhận thuyền rồng, luyện tập quân (ngày 12/6), rước sắc phong của Thành hoàng Trần Khánh Dư từ nghè về đình dự hội, tế Thành hoàng, tướng khao quân và tổ chức các trò chơi dân gian truyền thống (ngày 16-18/6), xa giá hoàn cung, cầu an (19/6). Trong những ngày diễn ra lễ hội, đua thuyền được người dân và du khách mong đợi nhất vì đây là trò diễn dân gian mang đậm yếu tố biển: sức mạnh đoàn kết của cộng đồng, chiến thắng sức mạnh thiên nhiên đồng thời cũng mong muốn trời yên biển lặng, bình an và ấm no mỗi lần ra khơi đánh cá [hình 11, phụ lục 8].

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 24/02/2024