Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 16

Đua thuyền thường được tổ chức trong lễ hội ở những vùng sông nước, nơi cư dân quanh năm làm bạn với biển. Ở nhiều nơi, đua thuyền trong dịp lễ hội là một hoạt động tín ngưỡng mang ý nghĩa cầu ngư, cầu bình an, may mắn, no ấm, cầu được mùa ra khơi mang nặng lưới cá cho những người đi biển. Còn ở Vân Đồn ngư dân tổ chức đua thuyền chính là một hoạt động truyền thống tưởng nhớ đến vị tướng tài Trần Khánh Dư chỉ huy trận chiến thắng oanh liệt trên dòng sông Mang lịch sử vào mùa xuân năm 1288. Đồng thời đua thuyền cũng thể hiện truyền thống đi biển và khả năng đi biển của cư dân Vân Đồn [hình 12, phụ lục 8]. Chính vì thế chiếc thuyền có vị trí vô cùng quan trọng đối với ngư dân nơi đây.

Đời sống ngư dân gắn liền với con thuyền. Thuyền là phương tiện đi lại, là công cụ đánh bắt. Do đó khi khởi công đóng thuyền và hạ thuỷ, ngư dân đều xem ngày, chọn ngày tốt, hợp với tuổi của chủ thuyền. Những ngày này, ngư dân đều cúng khấn gia tiên, đặc biệt ngày hạ thuỷ còn cúng vua hà bá tại nơi thuyền xuống nước để xin thần sông biển biết tên mặt thuyền, cho phép thuyền lưu thông trên địa phận cai quản của vua hà bá được bình an. “Khi phạt mộc, đóng lên mũi thuyền mà có người đeo tang cha mẹ đi qua thì chiếc thuyền ấy phải bỏ đi. Khi hạ thuỷ kiêng không cho phụ nữ đặt chân lên đầu tiên. Phụ nữ đang thai nghén cũng không được bước lên mũi thuyền. Không ai được đại, tiểu tiện ở chính giữa thuyền (do quan niệm mũi thuyền là bộ mặt của thuyền; mặc dù thường thì ngư dân sinh hoạt ngay trên thuyền, nên có câu: ăn đằng lái, đái đằng mũi). Khi đánh bắt được nhiều thì kiêng không nói “cá đóng nhiều quá”. Khi đi làm thấy hòn đất trên núi rơi xuống thì quay về vì cho đó là điềm xấu, v.v.”- Ông Hoàng Đình Đô, 60 tuổi, ngư dân, thôn Hải Yến. Tất cả những kiêng kị đó chứng tỏ ngư dân rất coi trọng chiếc thuyền và chiếc thuyền gắn liền với tâm thức đi biển của cư dân nơi đây. Đối với thuyền đua ở lễ hội, xưa là loại thuyền đua làm bằng tre mê -

nan dài, được trang trí đẹp mắt và thường có khoảng 16 đôi chèo chính và hai lái mũi và đuôi thuyền. Theo các cụ cao niên trong làng thì thuyền nan có chiều dài và kích cỡ tương tự như thuyền đua ngày nay.

Ngày nay, thuyền đua ở Quan Lạn là loại thuyền đua dài, mũi tù và cao, được vẽ trang trí đẹp, bắt mắt (thường là rồng, phượng). Mỗi thuyền đua thường chứa được khoảng từ 35 đến 40 người. Thuyền đua chia thành 16 đôi dầm và một dầm mũi, một lái ở cuối. Thuyền đua ở Quan Lạn đã được cải tiến rất nhiều so với trước kia, được thế hiện rõ nhất chất liệu làm thuyền và chiều dài của mỗi chiếc thuyền đua.

Thuyền đua thường được làm bằng mê-nan được đan rất công phu. Ngoài nguyên liệu chính làm long thuyền, gỗ cũng được sử dụng làm be và tôn thuyền, ngoài ra còn làm sào và đà trong long của thuyền.

Ngày 18/6 âm lịch hàng năm, để tổ chức hội chèo bơi, Quan Lạn chia làm hai giáp: Đông Nam Văn (5 thôn phía đông của đình) và Đoài Bắc Võ (3 thôn phía tây của đình). Mỗi giáp dựng một trại gọi là đại bản doanh, có 50 người tham gia, trong đó có 1 người làm tướng, 34 người chèo chính và 15 người phụ. Tướng, quân tụ hội họp bàn, tập luyện, ăn uống khao quân ở đó [105].

Tiêu chí lựa chọn đà công thủy thủ chủ yếu dựa vào các yếu tố như: vóc dáng (cân nặng), sức khoẻ/ sức bền, hay mức độ thành thạo kỹ thuật, tinh thần, độ tuổi. Đây là những yêu cầu chung đối với thành viên bơi dầm bình thường; còn đối với các vị trí khác quan trọng hơn, như người lái thuyền - tướng quân, dầm lái lại có những tiêu chí đặc thù khác.

Từ 0 giờ ngày 18/6, tại đình Quan Lạn và miếu Đức Ông, 2 giáp làm lễ giao quân, thu dầm, phong tướng, sau đó đem kiếm, trang phục của tướng về đại bản doanh của mình thờ. Khoảng 15 giờ, nước thuỷ triều dâng cao sát bến đình cũng là lúc diễn ra cuộc thi chèo bơi. Hai giáp lượn dạo 3 vòng trước cửa đình, miếu rồi làm lễ tại miếu Đức Ông, cõng tướng chạy xuống thuyền bơi chèo lượn ba vòng ở ngoài đường bơi, chèo vào bến đình rao hịch rồi trở ra vạch xuất phát, lúc này cuộc đua mới chính thức bắt đầu. Tại điểm cuối của đường bơi, cách khoảng 1,5km cắm 2 cờ, các đội phải chèo ra đó lấy cờ quay về vạch xuất phát thì mới hợp lệ. Về đến đích, 2 đội tiếp tục chèo về bến đình, cõng tướng chạy thật nhanh vào đình, trao cờ cho Ban Tổ chức. Thuyền về

sau cũng phải cõng tướng chạy vào đình. Hai tướng cùng bái lạy Thành hoàng, báo cáo kết quả về cuộc thi chèo bơi của giáp mình [105].

Hội đua thuyền thường bắt đầu từ 14 giờ đến 19 giờ ngày 18 tháng 6 âm lịch (ngày chính hội) vì lúc đó nước biển mới dâng cao. Vị trí tổ chức cuộc đua được lựa chọn ở bến Đình trước khu di tích đình, chùa, miếu. Lệnh của trung tâm được phát ra vào khoảng 14h30, tướng bên Văn dẫn quân từ doanh trại phía trong đi ra ngoài, tướng bên Võ dân quân từ phía ngoài vào trong, chạy diễu hành trên đường lớn để biểu dương lực lượng. Trống, cồng, phèng, la được đánh liên tục. Hai tướng tuổi ngoài 60, cao to lực lưỡng, trang phục tướng thời Trần. Mỗi khi hai bên gặp nhau tại điểm giữa trung tâm, tướng quân reo hò như sấm dậy, binh khí chạm vào nhau tưởng như cuộc giao tranh trên chiến trường thực sự. Hai phó tướng cầm đao dẫn đường khi tung người lên, khi né tránh đối phương, múa những đường đao gia truyền trên làng đảo đã có hàng nghìn năm. Lễ hội ở các nơi khác không có tiết mục múa đao quét đường như ở đây.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 195 trang tài liệu này.

Khi diễu hành trên bộ ba vòng, hai tướng dẫn quân theo hai cổng chạy vào trung tâm sân miếu Đức Ông, lượn ba vòng tròn khép kín. Quân Văn ở vòng trong, quân võ ở vòng ngoài. Quân tướng lượn tròn ở trong sân khác với việc diễu hành ngoài đường lớn. Ở đây bắt buộc chạy nhanh, người dẫn đường phải thông thạo, không được nhầm lẫn, quân tướng hai bên phải theo sát nhau. Sau khi diễu hành xong, hai hàng quân đứng trang nghiêm trước bàn thờ tưởng niệm. Trống thu quân, cồng, pheng đánh liên tục, phát lệnh hai hồi trống báo hiệu tới phần việc của các vị chức sắc trong làng. Lần lượt các quan chức, lên thắp nhang, tiếp đến hai tướng vào lễ thần rồi đưa quân xuống thuyền rồng. Ngoài biển có mốc cắm hai lá cờ trắng làm ranh giới dành cho hai đội. Tại đây có hai trọng tài đứng chứng kiến cuộc đua. Trong khi đua, hai thuyền chỉ được bơi trong khu vực hai hàng cờ. Mốc bắt đầu là từ cây cờ trắng ngoài biển. Hai thuyền cùng hướng mũi về phía đó. Đến nơi, họ nhổ cờ trắng trao cho nhau cùng nghỉ ngơi ít phút để chuẩn bị bước vào cuộc đua.

Thuyền của giáp Đông Nam Văn rẽ sang phía Đông (thuyền Đông), thuyền của giáp Đoài Bắc Võ rẽ sang phía Tây (thuyền Tây) [phụ lục 6]. Thuyền Đông rẽ sang Đông quay vòng về phía Tây, thuyền Tây rẽ sang Tây vòng về Đông, cứ như vậy ba vòng rồi theo hướng miếu mà trở lại. Trên bờ dân làng vẫy cờ, vẫy tay, hò hét cổ vũ, hai tướng đứng ở mũi thuyền hiên ngang hùng dũng. Cờ tướng, cờ trung phất lên liên tục, đuôi cờ trung luôn sát đầu hai hàng quân chèo, người có kỹ thuật điêu luyện mới phất được loại cờ này. Sau ba vòng lượn, hai thuyền chèo vào bến để đọc lời rao. Nội dung lời rao của hai tướng trước mũi thuyền rồng chủ yếu là thông báo cho bàn dân thiên hạ, cho quân sĩ biết lý do ngày hội. Lời rao còn mang tính căn dặn, kêu gọi quân sĩ một lòng giành chiến thắng. Lời rao cũng đầy đủ ý nghĩa cầu mong tổ tiên, ông cha phù hộ cho dân làng sức khoẻ, cầu cho trời yên biển lặng để cho các chàng trai làng Vân ra khơi đánh cá, cho các đội thương thuyền đi buôn bán ngược xuôi. Lời rao bên Văn thì nhẹ nhàng, tình cảm, ca ngợi mảnh đất oai hùng nhiều chiến công. Lời rao bên Võ mang khí thế sôi sục đánh giặc và âm vang chiến công trên dòng sông Mang.

Văn hóa của cư dân vùng biển đảo Vân Đồn, Quảng Ninh - 16

Khi thuyền thắng cuộc vào đến bờ thì tướng cùng quân lính chạy thật nhanh vào miếu Đức Ông để làm lễ (thuyền nào chạm tới bến trước, theo lệ tướng sẽ được quân cõng chạy tới cột treo giải ở miếu Đức Ông, vuốt vào khăn đỏ là chiến thắng. Nhưng để giản tiện hơn, lễ hội ngày nay, tướng chỉ kéo quân về lễ đài miếu Đức Ông để ban tổ chức tiến hành lễ trao giải). Chạy theo cùng với họ là những người cổ vũ cho đội đua. Tiếng bước chân rầm rầm, tiếng reo hò, tiếng hô chiến thắng ầm ầm tưởng như rung chuyển cả đất trời. Thường thường cả hai đội thắng thua cũng chỉ chênh nhau ít phút mà thôi. Tuỳ theo từng năm, đua bao nhiêu lần là do dân làng tự qui định. Trong những lần đua hoặc bơi giao ba vòng, thỉnh thoảng có những đợt nghỉ khoảng nửa tiếng.

Dù thắng hay thua, hai tướng đều phải dẫn quân về đứng nghiêm trang trước miếu Đức Ông để vào lễ thần, sau đó mới dẫn quân về doanh trại ăn

uống, nghỉ ngơi cho lại sức. Điều đặc biệt ở hội đua thuyền Quan Lạn là cả hai bên, dù thắng dù thua đều có giải. Giải của cuộc đua chỉ là vấn đề rất phụ, theo hương ước làng quy định có hai đồng (thời xưa), cuộc đua chủ yếu mang tính chất nghi lễ. Trong ý nghĩa sâu xa của cuộc đua thuyền, cư dân nơi đây muốn tái hiện lại lịch sử, đồng thời thể hiện đặc trưng yếu tố văn hóa biển của cư với truyền thống khai thác và trấn giữ vùng biển hiểm yếu này.

Thông qua hình ảnh chiếc thuyền của ngư dân địa phương và hội bơi thuyền của lễ hội Quan Lạn có thể khẳng định là chiếc thuyền có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và tâm linh của cư dân Vân Đồn. Hội đua thuyền là hình ảnh tái hiện lịch sử song cũng là biểu dương sức mạnh cộng đồng, chiến thắng sức mạnh thiên nhiên đồng thời cũng mong muốn trời yên biển lặng, bình an và ấm no mỗi lần ra khơi đánh cá.

4.2.2. Lễ ra binh đầu năm

Sau khi ăn Tết, tuỳ từng dòng họ, từng gia đình chọn ngày, thông thường mùng 6 hoặc mùng 8 tết để làm lễ ra binh (nghi lễ ra biển) tức là ngày quay mũi thuyền đi làm ăn. Trưởng họ và chủ mỗi gia đình làm lễ cúng “ra binh” rồi cùng chèo thuyền đi đánh cá ở những nơi đã định sẵn. Lễ cúng ra binh được người dân thực hiện ở Cao Sơn thần miếu, một số xóm lẻ tập trung ở miếu bà Hang.

Tương tự nghi lễ nông nghiệp truyền thống của người Việt như lễ xuống đồng, lễ tịch điền hay lễ lồng tồng của dân tộc Nùng đầu năm, ngư dân Vân Đồn vốn là cư dân nông nghiệp di cư ra đảo, do môi trường sống mới nên cư dân nơi đây không còn các nghi lễ nông nghiệp như truyền thống. Mặt khác, nhằm thích ứng với môi trường sống, cư dân Vân Đồn cử hành nghi lễ ra binh/xuống biển đầu năm với ý nghĩa với mong muốn một năm bình an, may mắn, thuận buồm xuôi gió. Nghi lễ này dần dần trở thành truyền thống biển hàng năm của cư dân nơi đây. Xuất phát từ sinh kế, ngư dân làm lễ ra binh đầu năm với mong muốn thần sẽ trợ giúp họ trong một năm năm bám biển và các nghi lễ này dần đã trở thành truyền thống biển nơi đây.

Hiện nay lễ ra binh đầu năm vẫn được ngư dân gìn giữ, song với kinh nghiệm đánh bắt thì ngày ra binh có thể được lựa chọn trong nhiều ngày hơn, có những gia đình ra biển từ mùng 2 tết hoặc rất muộn, để tránh việc trùng quá nhiều người ra biển làm biển động.

Như vậy, với tâm thức biển sâu đậm, thông qua lễ ra binh đầu năm, ngư dân thực hành các nghi lễ với tâm thức làm đẹp lòng thần thánh (thần núi và bà Hang) bằng các hình thức khác nhau nhằm mong muốn các vị thánh thần này phù hộ cho người dân một năm mưa thuận gió hòa, bình an và bội thu tôm cá.

4.2.3. Lễ cầu bình

Nghề đánh cá trên biển thường nhiều rủi ro bất trắc, phụ thuộc nhiều vào tự nhiên. Biển nuôi sống con người song cũng có thể nhấn chìm con người. Chính từ suy nghĩ như vậy nên ngư dân vùng biển Vân Đồn thường làm lễ cầu bình với mong muốn một năm xin sự bình an, che chở của các vị thần linh đối với công việc mưu sinh của họ.

Về mặt bản chất, lễ hội cầu bình cũng tương tự như lễ cầu an của cư dân nông nghiệp. Nghi lễ này thường được cư dân nông nghiệp cử hành vào dịp đầu năm với ước mong gia đình được bình an và may mắn trong suốt một năm. Đối với những ngư phủ ở Quan Lạn, cứ đến ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng giêng âm lịch, họ thường làm lễ cầu bình. Đây là nghi lễ quan trọng đối với cư dân vùng biển đảo này bởi nghi lễ này mang trong đó đậm yếu tố biển và có nhiều sự dung hợp văn hóa đặc sắc.

Không gian thực hành nghi lễ: Nếu như người Việt làm lễ cầu an cho bản thân và gia đình thường chọn đến những ngôi chùa để mong mỏi sự che chở của đức Phật với quan niệm Phật pháp bảo trợ cho sự yên ổn của họ. Ngư dân Vân Đồn cũng chọn đền và chùa để làm lễ cầu bình với mục đích tương tự. Điểm khác biệt là đối tượng cầu là thần biển chứ không phải là Phật như cư dân nông nghiệp truyền thống. Các gia đình ngư dân đi lễ ở hầu hết các đình chùa để xin sự bình an, che chở hoặc đơn giản để cầu may. Trong lễ cầu

bình, thì các thế lực siêu nhiên thường được đề cao như Đại càn quốc gia Nam Hải, Cao Sơn thần miếu, các Thánh mẫu…

Chính từ đa dạng của của đối tượng được phụng thờ nên không gian làm lễ cầu bình cũng được mở rộng, không gói gọn ở trong một địa điểm cụ thể. Ngoài đình và chùa trên đảo, cư dân nơi đây còn lựa chọn các miếu, đền để cầu xin các vị thần bảo hộ cho họ được bình an trước biển. Chính từ thực tế này mà lễ cầu bình diễn ra khắp nơi trên đảo với cả nhân thần và nhiên thần được cầu xin.

Đối tượng phụng thờ: Với ngư dân vùng đảo, ven biển, trên biển trước hết là với những người dân phải ra khơi vào lộng trong đó có các vạn chài, người dân đời nối đời lênh đênh trên thuyền, sóng gió bão tố luôn rình rập. Mặt khác, nghề đánh cá biển thu hoạch cũng thất thường, đầy tính may rủi, người dân thường có tâm lý nương nhờ vào thần linh. Do đó, việc thờ thủy thần ở vùng biển Vân Đồn rất được coi trọng.

Tứ vị thánh nương được cư dân vùng biển đảo Vân Đồn thiêng hóa, trở thành vị phúc thần của dân mà trước hết là vị thần phù trợ cho người đi biển là ngư dân và thương nhân để giúp họ mưu sinh, tránh được sự rủi ro, bất trắc, bất an trong cuộc sống. Vì vậy, những di tích và lễ hội thờ các bà luôn được người dân ngày đêm hương khói và càng được kính trọng hơn trong các ngày lễ hội. Thông qua lễ cầu bình, một lần nữa, Tứ vị thánh nương lại được chứng minh là chỗ dựa về tinh thần cho ngư dân trong việc mưu sinh trước biển.

Cư dân trên các đảo Vân Đồn có nguồn gốc di cư từ nội đồng ra biển. Chính từ quá trình di dân từ đất liền ra biển đảo sinh sống, đứng trước biển cả bao la, rộng rãi, trước nguy hiểm luôn rình rập nên trong tâm thức họ vị thần nào cũng quan trọng hay nói cách khác là có vị thần nào thì cầu xin vị thần đó miễn là các vị thần ấy ban sự bình an đến với người dân. Có lẽ vì vậy mà thần núi (Cao Sơn) hay thần rừng (bà Hang) đều được người dân nơi đây phụng thờ phục vụ cho việc đi biển của họ. Chính từ tâm thức biển này mà đối tượng được cầu khẩn trong Văn khấn cầu bình tại đình Quan Lạn khá phong phú và

đa dạng, từ nhân thần cho đến nhiên thần như: Đại Càn Quốc Gia Nam Hải; thần Cao Sơn; Thiên lộ lục triều Hoàng Thượng Anh Tông; Bản Thổ Tiên Nhân....Với những lời khẩn cầu “Phù hộ cho dân làng mạnh khỏe, trẻ bình an, cho dân khang quốc thịnh, làm việc gì được việc đó, trước người, sau của, nhà thì nên, nghề nghiệp phong đăng phát đạt hòa cốc, con cháu đi lên năm về lên mười, đi tươi về cười”[phụ lục 5].

Nam Hải đại vương

Vùng biển đảo Vân Đồn cũng có miếu thờ cá voi ở nơi tiếp giáp với vùng biển Trung Quốc. Theo Địa chí Quảng Ninhthì ở vùng biển này cũng có những miếu nhỏ thờ cá voi (nơi cá voi chết, trôi dạt vào nhưng không có lăng/đền lưu giữ ngọc cốt) như những vùng khác và dĩ nhiên cũng không có tế lễ rầm rộ. Tuy nhiên, theo khảo sát của chúng tôi thì ở Quan Lạn có một số miếu nhỏ không có tên, vì vậy nhiều người đoán rằng đó là thờ cá voi, nhiều người trên đảo lại cho rằng thờ cá heo (vì biển nơi này trước đây nhiều cá heo hơn). Tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh có trưng bày một bộ xương cá voi khá lớn được tìm thấy trên đảo Ngọc Vừng (vịnh Bái Tử Long).

Như vậy, lễ cầu bình được cư dân Quan Lạn rất được coi trọng. Việc tổ chức lễ hội rất công phu, già trẻ, gái trai có mặt tại Đình - đền - miếu - chùa để làm lễ. “Lễ vật được chuẩn bị gồm: gà, xôi, hoa quả, và một mâm hương sắp đặt nhiều mũ ngựa, các tờ giấy ngũ sắc được cuộn thành nhiều khúc tượng trưng cho lụa, vải đỏ. Hướng ra biển là hai chiếc thuyền làm bằng nứa dán giấy ngũ sắc, trang trí hoa văn. Tại chùa Linh Quang, các tăng ni phật tử nấu vạc cháo to đổ vào các phễu cuốn bằng lá đa hoặc lá mít cắm dọc đường đi, mỗi phễu cắm một nén hương. Ai đi qua đều thành tâm khấn vái. Buổi tối tại chùa làm lễ giải hạn cho những ai năm tuổi, những ai tuổi sung hoặc nhưng gia đình cần giải hạn cho cả nhà” [30; tr.101]. Có thể thấy văn hóa biển qua hình ảnh hai chiếc thuyền được trang trí thả xuống biển với nghi lễ nông nghiệp truyền thống như cầu an, dâng sao, giải hạn tại chùa hòa quyện với nhau tạo nên thực hành tín ngưỡng đặc biệt. Sự chuyển đổi quan niệm, từ

Xem tất cả 195 trang.

Ngày đăng: 24/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí