Hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế góp phần mở rộng và nâng cao hiệu quả các quan hệ kinh tế đối ngoại, cụ thể thông qua các mặt sau :
Du lịch có tác động tích cực trong việc hình thành và phát triển các quan hệ kinh tế đối ngoại. Thông qua các chuyến du lịch, một bộ phận du khách là thương nhân, nhà đầu tư có điều kiện tìm hiểu về môi trường đầu tư của nước đón tiếp du lịch, thu thập thông tin cần thiết cho quyết định đầu tư của mình.
Hoạt động du lịch, đặc biệt là du lịch quốc tế có tỷ lệ xuất khẩu tại chỗ rất cao. Thông qua hoạt động du lịch, hàng hóa và dịch vụ được xuất khẩu dễ dàng mà không phải chịu hàng rào thuế quan mậu dịch. Hơn nữa, du lịch là một hoạt động kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất cao. Những điểm hấp dẫn của hoạt động du lịch, đến lượt nó sẽ kích thích đầu tư nước ngoài và tăng cường chính sách mở cửa giao lưu kinh tế với các nước khác.
Ngoài ra, nước đón tiếp du lịch thường chú trọng đến việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, và cải thiện môi trường chính trị, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các hình thức kinh tế đối ngoại khác như đầu tư quốc tế, ngoại thương, hợp tác quốc tế về sản xuất và khoa học, kỹ thuật.
1.3.1.7. Góp phần xây dựng quan hệ sản xuất mới và thúc đẩy phát triển nền kinh tế nhiều thành phần
Tính chất đa ngành trong kinh doanh du lịch thu hút nhiều chủ thể kinh tế tham gia. Hơn nữa, những sản phẩm hàng hóa và dịch vụ du lịch đa phần đều dễ sản xuất nên các loại hình kinh tế tư nhân, cá thể tiểu chủ cũng có thể tham gia kinh doanh. Nếu đầu tư của nhà nước và các nhà đầu tư lớn chủ yếu là xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án du lịch với quy mô lớn, thì hình thức kinh tế tư nhân với quy mô vốn nhỏ có thể chuyên môn hóa vào kinh doanh lữ hành, kinh doanh lưu trú, kinh doanh ẩm thực, sản xuất hàng lưu niệm … Tính xã hội hóa của hoạt động du lịch tạo điều kiện thúc đẩy việc xây dựng quan hệ sản xuất mới với nhiều hình thức sở hữu khác nhau, phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất, tạo điều kiện cho sự phát triển của nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.
1.3.2. Vai trò của du lịch đối với sự phát triển xã hội
1.3.2.1. Tạo việc làm cho người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân
Tính đa ngành của hoạt động du lịch thu hút đông đảo lực lượng lao động tham gia. Hơn nữa, phần lớn những ngành nghề liên quan đến hoạt động du lịch đều thâm dụng sức lao động. Sự phát triển của hoạt động du lịch tạo việc làm cho người lao động tại địa phương du lịch, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp và cải thiện thu nhập cho người lao động tại địa phương du lịch.
Có thể bạn quan tâm!
- Vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Bình Thuận trong giai đoạn 2001-2020 - 2
- Những Vấn Đề Cơ Bản Về Du Lịch
- Vị Trí Của Du Lịch Trong Phát Triển Kinh Tế - Xã Hội
- Đặc Điểm Tự Nhiên, Kinh Tế - Xã Hội Tỉnh Bình Thuận
- Các Di Tích Văn Hóa, Lịch Sử Tiêu Biểu Và Các Lễ Hội, Làng Nghề Truyền Thống Tại Bình Thuận
- Các Hình Thức Tổ Chức Hoạt Động Du Lịch Chủ Yếu Trên Địa Bàn Tỉnh Bình Thuận Từ Năm 2005 Đến Năm 2008
Xem toàn bộ 143 trang tài liệu này.
Ngoài ra, việc cung cấp các yếu tố đầu vào khác như mặt bằng, vốn đầu tư, kinh doanh các dịch vụ du lịch như lưu trú, ăn uống, vận chuyển hành khách, kinh doanh hàng lưu niệm cũng tạo nguồn thu nhập thường xuyên cho dân cư địa phương. Khoảng thu nhập này sẽ được họ mua sắm các tư liệu sinh hoạt hằng ngày, tiêu dùng các dịch vụ về y tế, giáo dục với chất lượng cao hơn. Vậy, hoạt động du lịch góp phần làm tăng thu nhập bình quân đầu người, tăng tuổi thọ và trình độ dân trí cho người dân địa phương. Nói cách khác, du lịch là một trong những nhân tố quan trọng tạo nên sự tiến bộ xã hội.
1.3.2.2. Góp phần thúc đẩy sự tiến bộ trong đời sống chính trị, xã hội
Sự tiến bộ trong đời sống kinh tế do hoạt động du lịch mang lại góp phần tạo nên sự ổn định trong đời sống chính trị, xã hội tại địa phương. Thật vậy, cuộc sống cư được cải thiện sẽ củng cố niềm tin của họ vào chủ trương, đường lối phát triển kinh tế xã hội của nhà nước, tạo sự đồng thuận giữa chính quyền địa phương với nhân dân.
Mặt khác, hoạt động du lịch tạo ra môi trường giao lưu văn hóa, chính trị xã hội của nhiều tầng lớp dân cư, của các quốc gia, dân tộc, làm tăng thêm tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau của nhân dân giữa các vùng lãnh thổ, các quốc gia với nhau. Từ đó, du lịch góp phần xây dựng môi trường hòa bình, thân thiện, đoàn kết trong mỗi quốc gia cũng như trên thế giới.
1.3.2.3. Góp phần bảo vệ và tôn vinh các tài nguyên văn hóa của dân tộc
Tài nguyên văn hóa là tài sản tinh thần quý giá của mỗi quốc gia, dân tộc. Tài nguyên văn hóa tồn tại ở dạng vật thể gồm các di tích, di sản văn hóa, lịch sử (đền
đài, chùa chiềng, văn miếu …) và tài nguyên văn hóa phi vật thể là các phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian, lễ hội truyền thống và các làng nghề truyền thống của dân tộc. Hoạt động du lịch có liên quan mật thiết đến sự phát triển văn hóa, xã hội. Hoạt động du lịch không ngừng phát triển, vai trò xã hội của du lịch lại có thêm một nội dung mới, ngoài việc cung cấp các hoạt động tham quan di tích lịch sử, thưởng ngoạn phong cảnh thiên nhiên, nó còn có tác dụng gìn giữ, bảo vệ các giá trị văn hóa, làm đẹp môi trường và thúc đẩy sự phát triển của văn hóa dân tộc.
Sự hướng tới các nền văn hóa khác nhau là một trong những động cơ lớn của du khách. Mọi người đi du lịch đến nước khác, địa phương khác là để thưởng thức văn hóa, phong tục tập quán, tham quan các di tích, thưởng thức các món ăn ở nơi khác. Các hoạt động này của du khách đã trở thành một bộ phận quan trọng trong các chuyến du lịch của họ. Vì vậy, để đảm bảo cung cấp cho du khách những sản phẩm du lịch với chất lượng cao thì các doanh nghiệp du lịch lẫn chính quyền địa phương đều chú trọng đến công tác bảo vệ, tôn tạo các tài nguyên văn hóa này.
Các di tích văn hóa lịch sử theo đà phát triển của du lịch sẽ dần dần được khôi phục, tôn tạo, trở thành tài nguyên du lịch văn hóa đặc sắc, tạo nên đặc trưng du lịch của từng vùng miền, từng địa phương du lịch, là niềm tự hào của người dân địa phương.
1.3.2.4. Tạo điều kiện giao lưu giữa các quốc gia, dân tộc, thúc đẩy xây dựng nếp sống văn minh
Du lịch là hoạt động trong không gian của con người, đặc biệt là du lịch quốc tế đã tạo cơ hội cho việc tiếp xúc trực tiếp của những con người khác nhau về quốc gia, dân tộc, văn hóa, giúp nhân dân các nước hòa nhập và hiểu biết lẫn nhau.
Bên cạnh đó, hoạt động du lịch còn thúc đẩy xây dựng cuộc sống văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Qua các chuyến tham quan bằng nhiều hình thức, du khách có điều kiện thu thập nhiều thông tin từ nhiều nơi, tăng cường tri thức về thế giới xung quanh, từ đó hình thành thế giới quan khoa học, xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.
Hoạt động du lịch không chỉ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ cuộc sống của du khách mà qua đó còn củng cố và bồi dưỡng tinh thần yêu nước, yêu chuộng hòa bình,
tinh thần trách nhiệm với lịch sử, lòng tự hào dân tộc của nhân dân. Có thể nói, phát triển du lịch là một trong những giải pháp và là bộ phận hợp thành quan trọng trong việc xây dựng cuộc sống văn minh, hiện đại.
1.3.3. Quan điểm và chính sách phát triển du lịch của Đảng và Nhà nước ta.
Phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trên cơ sở khai thác có hiệu qủa lợi thế về điều kiện tự nhiên, sinh thái, truyền thống văn hóa lịch sử, huy động tối đa nguồn lực trong nước và tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, góp phần thực hiện CNH, HĐH đất nước. Từng bước đưa nước ta trở thành một trung tâm du lịch có tầm cỡ của khu vực, phấn đấu sau năm 2010, Du lịch Việt Nam được xếp vào nhóm quốc gia có ngành Du lịch phát triển trong khu vực. Đó là mục tiêu tổng quát của chiến lược phát triển Du lịch Việt Nam 2001 - 2020.
Từ mục tiêu tổng quát đó, Đảng và Nhà nước ta đã xây dựng những quan điểm và chính sách phù hợp nhằm đưa du lịch phát triển tương xứng với tiềm năng và sự đầu tư của Nhà nước. Đó là :
Thứ nhất, liên kết các vùng, các địa phương và tiềm năng du lịch trên toàn quốc, các điểm du lịch thuộc các tuyến du lịch quốc gia phù hợp trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và cả nước.
Thứ hai, thực hiện xã hội hóa trong việc đầu tư, bảo vệ, tôn tạo các di tích, cảnh quan môi trường, các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, các làng nghề phục vụ phát triển du lịch.
Thứ ba, đầu tư phát triển du lịch phải kết hợp tốt việc sử dụng nguồn đầu tư từ ngân sách nhà nước với việc khai thác, sử dụng nguồn vốn nước ngoài và huy động nguồn lực trong dân theo phương châm xã hội hóa phát triển du lịch.
Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực du lịch và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ vào phát triển du lịch.
Thứ năm, phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ môi trường và gìn giữ, tôn vinh các giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc.
1.4. NHỮNG TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC TỪ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH
Bản thân hoạt động du lịch không gây ra những hậu quả bất lợi cho cuộc sống. Song, bởi là một ngành nghề kinh doanh trong nền kinh tế thị trường nên du lịch cũng chịu sự chi phối của các quy luật của thị trường. Những hậu quả tiêu cực của hoạt động du lịch chính là biểu hiện cụ thể của mặt trái của cơ chế thị trường.
1.4.1. Nguy cơ ô nhiễm môi trường
Bên cạnh những tác động kinh tế, xã hội tích cực, phát triển du lịch còn để lại những hậu quả tiêu cực, nó được gọi là “ô nhiễm du lịch”.
Mỗi địa điểm du lịch đều có một dung lượng du lịch nhất định, đó chính là sức tải du lịch. Dung lượng du lịch chỉ ra khả năng dung nạp hoạt động du lịch trong phạm vi không gian và thời gian nhất định. Phần lớn các doanh nghiệp du lịch chỉ quan tâm đến lợi nhuận trước mắt mà không chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, nếu không có cơ chế xử lý nghiêm khắc thì khi lượng du khách vượt quá giới hạn chịu tải của du lịch thì nạn “ô nhiễm du lịch” tất yếu sẽ xảy ra.
Một trong những biểu hiện cụ thể của nạn ô nhiễm du lịch là ô nhiễm môi trường sinh thái. Khi du khách đến tham quan ở các địa điểm du lịch, họ đều phải tiêu dùng những hạng mục sản phẩm du lịch cụ thể, đồng thời cũng thải ra môi trường một lượng rác thải. Ở những khu du lịch biển, vào những lúc thời vụ du lịch, lượng du khách tăng đột biến có thể gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nơi đây, gây nguy cơ chết sinh vật dưới biển. Lượng du khách quá đông và tập trung vào một khoảng thời gian ngắn sẽ gây ra nạn ô nhiễm không khí tại địa phương đón tiếp du lịch, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và đời sống cư dân địa phương lẫn du khách. Tại các thành phố du lịch nổi tiếng, nhà hàng, khách sạn được xây dựng với mật độ dày đặc hàng ngày đã thải ra môi trường một lượng rác và nước thải lớn. Nếu không được xử lý đúng đắn và kịp thời thì chúng sẽ là một trong những tác nhân chủ yếu đe dọa môi trường sống của con người.
1.4.2. Nguy cơ hàng hóa hóa, tầm thường hóa các tài nguyên văn hóa, xã hội
“Hàng hóa hóa văn hóa dân tộc là chỉ việc để chạy theo nhu cầu của du khách mà các doanh nghiệp du lịch đã vứt bỏ “nội dung chứa đựng” bên trong của tinh thần văn hóa dân tộc, chỉ giữ lại cái “vỏ ngoài” của nó và ra sức phục chế nhằm thỏa mãn nhu cầu của du khách ở bất cứ đâu, bất cứ nơi nào. Tầm thường hóa văn hóa dân tộc là kết quả tất yếu của của việc hàng hóa hóa văn hóa dân tộc”. [12, 339]
Du khách khó có thể hiểu một cách sâu sắc ý nghĩa chân chính của văn hóa dân tộc nơi khác mà là để săn lùng cái mới lạ nhằm thỏa mãn lòng hiếu kỳ của mình. Đối với một bộ phận lớn du khách, cái mà họ cảm thấy hứng thú chưa chắc là giá trị đích thực của văn hóa dân tộc của địa phương tiếp đón du lịch mà là những sự vật mà họ cho là lạ lùng nhất. Vì vậy, để thu hút du khách, “một số công ty kinh doanh du lịch đã tự ý “cải tạo” và “sáng tạo mới” rất nhiều thứ sẵn có trong sắc thái văn hóa dân tộc địa phương và ra sức “chế tạo” trở thành hàng hóa có thể kiếm tiền. Vì vậy, phong tục tập quán dân gian và các hoạt động lễ hội truyền thống có thể tổ chức bất cứ lúc nào và ở đâu, kiến trúc phỏng cổ, nhà ở danh nhân giả, đồ cổ giả, thư họa giả lan tràn thành tai họa, các bộ lạc nguyên thủy được “sáng tạo”, nghệ thuật biểu diễn dân gian, nghi thức tôn giáo trở thành trò diễn”. [12,340]
Hàng hóa hóa văn hóa dân tộc, trên bề mặt mà nhìn thì khiến nó được khai thác, bảo lưu và phát triển, nhưng thực tế ở mức độ rất lớn đã mất đi ý nghĩa và truyền thống của nó, từ đó trở nên tầm thường. Hàng hóa hóa, tầm thường hóa các tài nguyên văn hóa, xã hội của dân tộc song song với việc mua vui cho du khách còn gây thương tổn nghiêm trọng cho lòng tự tôn của nhân dân địa phương, làm tổn thương tình cảm dân tộc, từ đó dẫn tới tâm lý bài ngoại mạnh mẽ.
1.4.3. Nguy cơ du nhập các yếu tố văn hóa thiếu lành mạnh từ bên ngoài
Hoạt động du lịch là hoạt động giao lưu xã hội của con người, đặc biệt là giao lưu văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc. Khi du khách đến nước khác du lịch, bên cạnh việc thưởng thức các giá trị văn hóa tinh thần độc đáo của nước đón tiếp du lịch thì họ còn mang đến nơi ấy nếp sống sinh hoạt thường ngày của mình. Đa phần du khách quốc tế đến từ các nước phát triển, còn nước đón tiếp du lịch là những nước kinh tế
kém phát triển, đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Du khách giàu có sẽ làm cho người dân ở các nước lạc hậu có cảm giác tự ty và nuôi dưỡng tư tưởng sùng bái, a dua nước ngoài, thậm chí vứt bỏ cả quan niệm đạo đức và lối sống truyền thống. Họ bắt đầu cảm thấy không vừa lòng với lối sống truyền thống của mình, từ đó dẫn tới ham muốn vật chất, chủ nghĩa sùng bái đồng tiền và hưởng lạc hoành hành. Kết quả của việc sa sút quan niệm đạo đức truyền thống là làm tăng các hành vi phạm tội và các hiện tượng xấu trong xã hội.
Ngoài ra, rất nhiều du khách có tư tưởng “chủ nghĩa chủng tộc trung tâm”, cho rằng chỉ có văn hóa dân tộc của họ mới là ưu tú nhất trong các dân tộc trên thế giới, họ thích dùng thái độ coi khinh thiên hạ, coi rẻ và nhạo báng văn hóa truyền thống của các địa phương. “Điều này dẫn đến sự bất mãn của cư dân nơi đón tiếp du lịch, gây ra mối quan hệ căng thẳng giữa du khách với cư dân địa phương, phát sinh tâm lý bài ngoại của cư dân nơi đón tiếp du lịch”. [12,342]
1.5. VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG DU LỊCH ĐỐI VỚI SỰ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA MỘT SỐ NƯỚC TRÊN THẾ GIỚI VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM ĐỐI VỚI VIỆT NAM
1.5.1. Vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một số nước trên thế giới
1.5.1.1. Vai trò của hoạt động du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội Trung Quốc
Trung Quốc là nước có lịch sử phát triển rất lâu đời. Bên cạnh sự tăng trưởng kinh tế thần kỳ trong thời đại ngày nay thì Trung Quốc còn là đất nước du lịch nổi tiếng thế giới. Với địa hình và điều kiện tự nhiên rất đa dạng được phân bố trên một lãnh thổ rộng lớn, một kho tàng các tài nguyên xã hội, nhân văn rất quý giá, Trung Quốc đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn hàng đầu trên thế giới của du khách thập phương.
Trải qua quá trình phát triển lâu dài, ngày nay nền kinh tế Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn và ngày càng vươn lên giữ vị trí quan trọng trong bản đồ kinh tế thế giới. Song, Trung Quốc vẫn là một quốc gia thu nhập bình quân đầu người
tương đối thấp, khoảng 1.300 USD, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị vẫn còn lớn, còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để vượt qua những khó khăn, thách thức đó, Trung Quốc phải khai thác mọi tiềm năng kinh tế - xã hội nhằm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc. Một những nguồn tài nguyên đó là du lịch. Với nguồn tài nguyên thiên nhiên lẫn trong tài nguyên văn hóa xã hội đặc sắc của mình, hàng năm Trung Quốc đã thu hút hàng triệu du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Lượng du khách đến Trung Quốc ngày càng đông, họ tiêu thụ số lượng hàng hóa, dịch vụ ngày càng nhiều, du lịch đã tạo được nguồn thu ngày càng lớn cho ngân sách nhà nước, tạo ngày càng nhiều việc làm cho rất nhiều người lao động, góp phần đáng kể vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Một trong những thành phố mà sự “thay da đổi thịt” của nó là nhờ vào hoạt động du lịch đó là Chu Hải – thành phố cấp hai trực thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Khi mới thành lập vào năm 1979, Chu Hải chỉ là một làng đánh cá nghèo ven biển, là địa phương chưa có tên trên bản đồ du lịch của Trung Quốc. Nhưng nhờ có chính sách phát triển du lịch đúng đắn, Chu Hải dần dần trở thành điểm đến du lịch lý tưởng ở phía Nam Trung Quốc. Chu Hải đã “đánh bóng” tên tuổi của mình bằng những danh hiệu rất lãng mạn như “thành phố màu xanh”, “thành phố của tình yêu” hay “thành phố mỹ nhân ngư”, nhằm thu hút sự chú ý của du khách. Chính sách phát triển du lịch nơi đây rất năng động và linh hoạt trong việc nắm bắt ưu thế về vị trí địa lý của mình để phục vụ du khách. Với những nỗ lực trong việc đầu tư cho hoạt động du lịch, bộ mặt của địa phương này đã đổi thay toàn diện. Có thể nói, Chu Hải là một điển hình của Trung Quốc về vai trò của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.
Không chỉ có Chu Hải, cả đất nước Trung Quốc còn có rất nhiều thành phố phát triển nhờ vào hoạt động du lịch. Đất nước này đã tận dụng mọi lợi thế so sánh của mình để xây dựng quốc gia du lịch đặc sắc. Không một loại hình du lịch nào trên thế giới mà Trung Quốc không có, còn nếu sản phẩm du lịch đó là thế mạnh của họ thì không nơi nào trên thế giới sánh kịp. Với nhiều loại hình và sản phẩm du lịch hết sức đa dạng được phân bố trên một địa hình vô cùng rộng lớn, Trung Quốc luôn là một trong những lựa chọn đầu tiên của du khách và họ mong muốn quay lại nơi này sau lần đầu đặt chân đến.