ra là, cơ chế này có thực sự giải quyết được câu hỏi công ty mẹ có trách nhiệm với hành vi của công ty con hay không, trách nhiệm trong trường hợp nào, trách nhiệm đến mức độ nào và khi nào thì có thể áp dụng cơ chế này?
Những câu hỏi đặt ra trên đây khiến cho đề tài nghiên cứu về “Trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con” trở thành một chủ đề cấp thiết cần được nghiên cứu để đóng góp vào việc hoàn thiện các định chế pháp lý về công ty ở Việt Nam. Với niềm tin đó, tôi đã quyết định lựa chọn “Trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con” làm đề tài luận văn thạc sỹ Luật Kinh tế của bản thân. Đề tài này phù hợp với chuyên ngành đào tạo thạc sỹ Luật Kinh tế của cơ sở đào tạo, cũng như định hướng nghề nghiệp của cá nhân tôi.
2. Tổng quan tình hình nghiên cứu
Các vấn đề về tính trách nhiệm hữu hạn của công ty, việc bức màn công ty bị lạm dụng và các biện pháp xác định trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con đã được rất nhiều học giả trong và ngoài nước nghiên cứu. Nhiều tác giả ủng hộ việc buộc công ty mẹ phải có trách nhiệm về hành vi của công ty con trong một số hoàn cảnh cụ thể. Tuy nhiên, cũng có một số quan điểm phản đối. Dưới đây là những công trình nghiên cứu trong và ngoài nước mà tác giả đã khảo cứu nhằm phục vụ cho đề tài này.
2.1. Các công trình nghiên cứu ở trong nước
(1) Phan Vũ (2020), “Những ngoại lệ trong chế độ trách nhiệm hữu hạn của chủ sở hữu công ty đối vốn – kinh nghiệm Hoa Kỳ và liên hệ với Việt Nam”, Tạp chí Luật học số 7/2020. Bài viết giới thiệu về những ngoại lệ trong chế độ trách nhiệm hữu hạn và thực tiễn áp dụng học thuyết “vén màn công ty” tại Hoa Kỳ thông qua một số án lệ, từ đó liên hệ với pháp luật của Việt Nam để đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về trách nhiệm tài sản của pháp nhân, chế độ trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu công ty đối vốn. Điểm hạn chế của bài viết này là chưa nêu được xuất phát điểm hay lý do của việc nghiên cứu, chẳng hạn như vì sao lại phải có những ngoại lệ trong chế độ trách nhiệm hữu hạn.
(2) Nguyễn Thị Phương Thảo (2021), “Vận dụng cơ chế “xuyên qua màn che công ty” đối với nhóm công ty – kinh nghiệm từ Anh, Hoa Kỳ và kiến nghị cho Việt
Nam”, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 1/2021. Bài viết có sự dẫn dắt từ những vấn đề lý luận cơ bản về công ty và nhóm công ty, về ngoại lệ của trách nhiệm hữu hạn đối với nhóm công ty đến các nội dung kiến nghị cho pháp luật Việt Nam. Trong bài viết, tác giả nhận định: “việc áp dụng cơ chế “xuyên qua màn che công ty” trong các trường hợp liên quan đến nhóm công ty thực sự là một thách thức đối với các tòa án”. Tuy nhiên, trong số ba kiến nghị mà tác giả đưa ra, kiến nghị về áp dụng cơ chế “xuyên qua màn che công ty” vẫn là nội dung được chú trọng hơn cả.
Có thể bạn quan tâm!
- Trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con - 1
- Lý Thuyết Về Công Ty Và Sự Xuất Hiện Của Nhóm Công Ty
- Mối Quan Hệ Giữa Công Ty Mẹ Và Công Ty Con Theo Pháp Luật Một Số Quốc Gia
- Các Quan Điểm Lý Luận Về Trách Nhiệm Của Công Ty Mẹ Đối Với Hành Vi Của Công Ty Con
Xem toàn bộ 104 trang tài liệu này.
Ngoài các công trình nêu trên, cũng còn một số bài viết của các luật sư, các nhà nghiên cứu được đăng tải trên một số tạp chí khoa học. Tuy nhiên, nhìn chung thì vấn đề trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con còn khá mới mẻ và chưa được nghiên cứu thấu đáo tại Việt Nam.
2.2. Các công trình nghiên cứu trên thế giới
Trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con là một chủ đề được nghiên cứu rất nhiều ở nước ngoài. Nhằm phục vụ nghiên cứu đề tài này, tác giả đã khảo sát các công trình tiêu biểu sau:
(1) I. Maurice Wormser (1912), “Piercing the veil of corporate entity”, Columbia Law review, Vol. 12, No. 6. Với mục tiêu chỉ ra những trường hợp một công ty sẽ không được coi là một chủ thể độc lập, giáo sư I. Maurice Wormser của Đại học Illinois đã xem xét và phân tích phán quyết của các tòa án tại Hoa Kỳ trong một số vụ tranh chấp liên quan đến trách nhiệm pháp lý của những cổ đông hay chủ sở hữu của một công ty, từ đó rút ra một nguyên tắc chung là: Khi khái niệm “pháp nhân” hay “doanh nghiệp” được lợi dụng để lừa gạt các chủ nợ, trốn tránh nghĩa vụ của cổ đông, hay để lách luật, để tạo dựng vị thế độc quyền, che giấu tội phạm…, tòa án sẽ bỏ qua bức màn công ty và coi công ty như một hiệp hội của các cổ đông và sẽ thực thi công lý đối với cá nhân từng chủ sở hữu. Mặc dù vậy, tác giả cũng bày tỏ quan điểm thống nhất với nhiều nhà nghiên cứu khác rằng trong một phạm vi nhất định, các công ty vẫn phải được coi là những thực thể độc lập với những chủ sở hữu hay cổ đông của chúng. Bài viết được đăng tải vào những năm đầu của thế kỷ XX và có lẽ là một trong những bài phân tích sớm nhất về cái gọi là “bức màn công ty” và những bất cập khi khái niệm này bị lạm dụng. Tuy nhiên, bài viết chưa xem xét đến
vấn đề lợi dụng bức màn công ty ở các nhóm công ty và chỉ tổng hợp các phán quyết của tòa án để đưa ra kết luận chung chứ chưa phát triển thành học thuyết “vén màn công ty” như các học giả sau này. Dù sao đi nữa, những nghiên cứu của Giáo sư I. Maurice Wormser cũng mang ý nghĩa đặt nền móng cho những nghiên cứu sau này về vấn đề trách nhiệm của cổ đông hay chủ sở hữu đối với hoạt động của công ty.
(2) Sam Elson (1930), “Legal Liability of Holding Companies for Acts of Subsidiary Companies”, Washington University Law Review, Vol. 15, Issue 4. Thông qua việc tổng hợp và phân tích các án lệ, tác giả Sam Elson đã đưa ra nhận định của mình trong vấn đề gây bối rối cho nền tư pháp Hoa Kỳ đó là trách nhiệm của các công ty Holdings1 đối với hành vi của các công ty con. Ông ủng hộ quan điểm tòa án không nên coi các công ty là những thực thể độc lập bằng mọi giá mà trong một số trường hợp cụ thể các công ty Holdings phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ của các công ty con. Giá trị của nghiên cứu này nằm ở chỗ dường như nó là bài phân tích sớm nhất và trực tiếp nhất đến vấn đề trách nhiệm của một công ty đối với hành vi của một công ty khác. Bên cạnh đó, nó cũng đã chỉ ra được những yếu tố mà khi có sự xuất hiện của chúng trong mối quan hệ giữa công ty Holdings và công ty con thì trách nhiệm của công ty Holdings cần phải được xem xét. Tuy nhiên, hạn chế của bài nghiên cứu cũng đã được chính tác giả Sam Elson nhận định, đó là nó chỉ đề cập đến trách nhiệm trong trường hợp các công ty mẹ và công ty con có mối quan hệ về sản xuất mà chưa giải quyết được vấn đề trách nhiệm trong trường hợp của các công ty Holdings thuần túy, nghĩa là chỉ nắm giữ về vốn (kể cả là 100% vốn của công ty con) mà không thực sự tham gia vào điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty con thì như thế nào. Mặc dù vậy, đây vẫn là tác phẩm rất có giá trị về mặt cơ sở lý luận để buộc công ty mẹ phải có trách nhiệm với hành vi của công ty con.
(3) Richard H. Burgess (1963), “Liability of Parent Corporation for Tort of Subsidiary”, Cleveland State Law review, Vol. 12, Issue 1. Trong bài viết này, tác giả cho rằng pháp luật không có quy định cụ thể về trách nhiệm của các công ty mẹ
1 Công ty Holdings là một công ty làm chủ cổ phần hoặc phần vốn góp của các công ty khác. Bản thân công ty holdings không sản xuất hàng hóa hay cung cấp các dịch vụ. Mục đích của nó là nắm giữ cổ phần hoặc phần vốn góp tại nhiều công ty để kiểm soát nhiều công ty khác nhau, hưởng lợi từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty đó đồng thời làm giảm rủi ro cho những người giữ cổ phần.
và do đó ông thảo luận về khái niệm “vén màn công ty” trong trường hợp một công ty riêng lẻ (không thuộc nhóm công ty). Ông cũng đề cập trong bài viết của mình rằng vì pháp luật không quy định trách nhiệm pháp lý của các công ty mẹ nên việc một công ty sở hữu cổ phần của một công ty khác không làm mất đi tính độc lập về mặt chủ thể của công ty bị sở hữu đó. Việc buộc các công ty mẹ có trách nhiệm pháp lý gián tiếp đối với các hành vi của công ty con sẽ khiến cho nguyên lý độc lập về mặt chủ thể (hay là pháp nhân riêng biệt – separate legal entities) giữa các công ty bị lung lay. Tuy nhiên, tại phần sau của bài viết, tác giả cũng nêu lên các ngoại lệ liên quan đến trách nhiệm của công ty mẹ, từ đó phát triển thành trách nhiệm pháp lý theo nhóm của các nhóm công ty. Hạn chế của bài viết này thể hiện ngay trong chính tiêu đề của nó, đó là phạm vi mà nó đề cập chỉ là trách nhiệm trong những trường hợp sai phạm của công ty con (“torts”), nghĩa là nó đã bỏ sót các trường hợp không có sự sai phạm của công ty con, ví dụ như khi công ty con mất khả năng thanh toán và các chủ nợ khởi kiện công ty mẹ để thanh toán các khoản nợ thay công ty con vì công ty mẹ đã có những hành vi chi phối không phù hợp khiến công ty con mất thanh khoản (ví dụ việc công ty mẹ buộc công ty con chia lợi nhuận trong khi công ty con chưa hoàn thành các nghĩa vụ tài sản với các bên thứ ba).
(4) Meriem Ouassini Sahli (2014), La responsabilité de la société mère du fait de ses filiales, luận án tiến sỹ luật học được bảo vệ năm 2014 tại Đại học Paris Dauphine - Pháp. Đây là một công trình nghiên cứu khá đồ sộ nhưng có phần giới hạn về phạm vi là trong khuôn khổ pháp luật của Pháp. Công trình này đã đi vào chi tiết các khía cạnh trách nhiệm của công ty, như: trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự theo luật chung và trách nhiệm pháp lý của công ty mẹ trong một số luật riêng của Pháp. Ngoài ra, tác giả cũng đề cập đến một khía cạnh mà khá ít bài nghiên cứu nói đến, đó là trách nhiệm của công ty mẹ ở cấp độ quốc tế (trường hợp của các nhóm công ty hay các tập đoàn đa quốc gia) khi mà công ty mẹ và công ty con không thuộc cùng một khu vực pháp lý. Công trình này cũng có một điểm đáng chú ý là đã đề cập đến một căn cứ quan trọng để buộc công ty mẹ phải có trách nhiệm đối với hành vi của công ty con đó chính là dựa trên những thỏa thuận của chính công ty mẹ về việc bảo đảm, bảo lãnh cho công ty con trước một bên thứ ba.
(5) Tetiana Kravtsova & Gana Kalinichenko (2016), “The vicarious liability of parent compay liability for its subsidiary”, Corporate Ownership & Control, Vol. 14. Đây là một bài phân tích thuần túy về mặt lý thuyết xoay quanh vấn đề trách nhiệm của công ty mẹ đối với công ty con. Các tác giả của bài viết đã đưa ra hai căn cứ cho trách nhiệm pháp lý của công ty mẹ, đó là: trách nhiệm trực tiếp (khi chính công ty mẹ vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng) và trách nhiệm gián tiếp (khi công ty con vi phạm nghĩa vụ cẩn trọng và tòa án áp dụng biện pháp “vén màn công ty” đối với công ty mẹ). Trong đó, các tác giả tập trung phân tích các quan điểm khác nhau về trách nhiệm gián tiếp của công ty mẹ, đồng thời nêu lên những cơ sở lý luận về việc cần phải buộc công ty mẹ có trách nhiệm đối với các vấn đề của công ty con. Điểm hạn chế lớn nhất của bài viết này là các tác giả đã không đề cập gì đến những cơ sở thực tiễn mà từ đó có thể tổng kết thành lý thuyết nêu trên cũng như không nêu lên được tình hình áp dụng những lý thuyết trên trong thực tiễn xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan.
(6) Martin Petrin & Barnali Choudhury (2018), “Group Company Liability”, European Business Organization Law Review, Vol. 19. Trong bài viết này, các tác giả đã đưa ra một tập hợp các đề xuất về phương pháp tiếp cận để định hình lại trách nhiệm của các công ty trong một nhóm công ty như: (i) làm rõ các căn cứ cho phép áp dụng cơ chế “xuyên màn công ty”; (ii) bổ sung những quy định về trách nhiệm cẩn trọng của công ty mẹ và những điều kiện để có thể ràng buộc trách nhiệm này với công ty mẹ; (iii) yêu cầu các công ty mẹ tự chứng minh mình không có trách nhiệm đối với nạn nhân của công ty con; (iv) đưa ra khái niệm trách nhiệm nhóm (thay vì chỉ là trách nhiệm của công ty mẹ). Bên cạnh đó, các tác giả cũng nêu lên vấn đề trách nhiệm nhóm cần được áp dụng không chỉ cho các nhóm công ty truyền thống (nghĩa là các nhóm công ty mà các công ty quan hệ với nhau trên cơ sở nắm giữ cổ phần hoặc sở hữu vốn góp của nhau) mà cho cả các nhóm công ty không truyền thống (là các nhóm công ty mà quan hệ giữa các công ty trong nhóm được thiết lập trên cơ sở các hợp đồng mật thiết như hợp đồng độc quyền cung cấp và phân phối).
Đánh giá về tình hình nghiên cứu
Từ các công trình nghiên cứu về đề tài trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con trên đây, chúng ta có thể thấy rằng chưa có một công trình nào ở Việt Nam và về pháp luật Việt Nam thực sự đủ lớn và bao quát về tất cả các nội dung từ lịch sử hình thành những lý luận về công ty, trách nhiệm của công ty, về nhóm công ty và trách nhiệm của các công ty mẹ đến những bất cập của chế định trách nhiệm hữu hạn, những hậu quả hay rủi ro có thể phát sinh từ những bất cập đó và cách thức khắc phục. Đa số các bài nghiên cứu tập trung vào phân tích học thuyết “vén màn công ty”, là học thuyết chung về những trường hợp ngoại lệ mà cơ chế trách nhiệm hữu hạn cần được bỏ qua và cũng chỉ số ít trong các bài nghiên cứu là dành riêng để nói về việc áp dụng học thuyết này để xác định trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con. Bên cạnh đó, hầu hết các tác phẩm đều chưa đưa ra được những khuyến nghị với các bên có liên quan mà chỉ kiến nghị chung chung về việc hoàn thiện hoặc cải cách các quy định luật pháp về trách nhiệm của công ty.
3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu
3.1. Mục đích nghiên cứu
Đề tài nhằm mục đích làm rõ cơ sở lý luận, cũng như các quy định của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con, để đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật và các vấn đề cần lưu ý đối với các chủ thể có liên quan.
3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu trên, Luận văn sẽ có các nhiệm vụ cụ thể sau: Thứ nhất, khái quát hóa những vấn đề lý luận về: tư cách pháp nhân và trách nhiệm hữu hạn, công ty và nhóm công ty, trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành
vi của công ty con;
Thứ hai, phân tích những bất cập của cơ chế trách nhiệm hữu hạn trong pháp luật về công ty, những hình thức lợi dụng mô hình công ty mẹ - công ty con trong thực tiễn và những phương pháp tiếp cận của thế giới trên con đường tìm kiếm một
biện pháp để áp dụng những ngoại lệ của cơ chế trách nhiệm hữu hạn đối với nhóm công ty.
Thứ ba, đề xuất giải pháp hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam trên cơ sở tiếp thu những kinh nghiệm và bài học thực tiễn từ các nước đi trước.
Thứ tư, đưa ra khuyến nghị đối với các doanh nghiệp từ cả góc độ nhóm công ty và góc độ đối tác của nhóm công ty vì một mục tiêu chung là sự minh bạch, lành mạnh và công bằng của hoạt động kinh doanh thương mại.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các cơ sở lý luận của khoa học pháp lý về công ty và trách nhiệm của công ty; các quy định của pháp luật thực định về trách nhiệm của pháp nhân nói chung và trách nhiệm của công ty mẹ nói riêng; học thuyết “vén màn công ty” và thực tiễn áp dụng pháp luật cũng như học thuyết này.
Về phạm vi nghiên cứu, đề tài nghiên cứu này có một số điểm giới hạn mà tác giả muốn nhấn mạnh như sau:
Thứ nhất, các loại hình công ty trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng bao gồm cả các công ty có tư cách pháp nhân và công ty không có tư cách pháp nhân (như các doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh khi mà các chủ sở hữu không có chế độ trách nhiệm hữu hạn). Do đề tài muốn khai thác vấn đề trách nhiệm của công ty mẹ đối với hành vi của công ty con trong bối cảnh chế độ trách nhiệm hữu hạn nên phạm vi nghiên cứu của đề tài chỉ dừng lại ở các công ty có tư cách pháp nhân (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn), tức là các công ty mà chủ sở hữu được hưởng chế độ trách nhiệm hữu hạn và chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn góp hoặc số cổ phần mà mình sở hữu.
Thứ hai, mặc dù nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng cơ chế “vén màn công ty” trong thực tiễn cũng như chuyển tải một số nội dung cơ bản của cơ chế này vào các văn bản luật song đề tài chỉ tập trung nghiên cứu lý thuyết và thực tiễn tại hai quốc gia là Anh và Hoa Kỳ bởi đây gần như là hai cái nôi hình thành và phát triển nền khoa học pháp lý về công ty nhờ vào sự sôi động của nền kinh tế tại hai quốc gia này.
Thứ ba, việc bức màn công ty bị lợi dụng hiện đang diễn ra trên rất nhiều lĩnh vực, trước hết là do điểm bất cập của cơ chế trách nhiệm hữu hạn nhưng ngoài ra cũng còn do những kẽ hở của pháp luật ở các lĩnh vực khác. Mặc dù có đề cập đến hiện tượng lợi dụng bức màn công ty trong các lĩnh vực như quản lý thuế, kinh doanh bất động sản, phòng và chống tham nhũng, rửa tiền… nhưng đề tài sẽ không đi vào chi tiết các vấn đề bất cập trong các chế định pháp luật khác này mà chỉ dừng lại ở việc khai thác những quy định của pháp luật doanh nghiệp về chế độ trách nhiệm của chủ sở hữu.
5. Phương pháp nghiên cứu
Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống, bao gồm:
Phương pháp tổng hợp và phân tích: được sử dụng để thu thập tư liệu từ các nguồn sách, báo, tạp chí, văn bản quy phạm pháp luật, các báo cáo, đề tài nghiên cứu… từ đó xác định mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu. Ngoài ra, phương pháp này cũng được áp dụng chủ yếu trong Chương 1 nhằm làm rõ những vấn đề mang tính lý luận.
Phương pháp so sánh luật học: được sử dụng chủ yếu ở Chương 1 và Chương 2 khi đề cập đến các quy định của pháp luật thực định về trách nhiệm của pháp nhân nói chung và trách nhiệm của công ty mẹ trong nhóm công ty nói riêng.
Phương pháp kết hợp lý thuyết và thực tế: được sử dụng trong Chương 2 và Chương 3 khi phân tích về các nội dung: (i) những bất cập của các chế định pháp lý dẫn đến thực trạng lạm dụng cơ chế trách nhiệm hữu hạn và những rủi ro cho xã hội;
(ii) sự ra đời của học thuyết “vén màn công ty”, thực tiễn áp dụng cơ chế này và liên hệ với Việt Nam.
Phương pháp bình luận án lệ: được sử dụng trong Chương 2 khi bàn về các trường hợp công ty mẹ phải có trách nhiệm đối với hành vi của công ty con.
Phương pháp lịch sử: được sử dụng trong Chương 1 và Chương 2 khi nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của các học thuyết và các quy định pháp luật của các quốc gia (trong đó có Việt Nam) về vấn đề công ty và trách nhiệm của công ty.