cho người khác; g) Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác. Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy được hướng dẫn từ điểm a đến điểm g tiểu mục 3.3 này đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma túy”. [1]
Theo quan điểm của Ths. Đinh Văn Quế, hành vi mua bán trái phép chất ma túy: “bán hay mua để bán lại; vận chuyển ma túy để bán cho người khác; tàng trữ đến bán lại hoặc để sản xuất ra chất ma túy khác để bán lại trái phép; hoặc dùng ma túy để đổi lấy hàng hóa hay dùng hàng hóa để đổi lấy ma túy”. [8]
Theo giáo trình Luật Hình sự Việt Nam (Phần tội phạm cụ thể) của trường Đại học An ninh Nhân dân thì “hành vi mua, bán trái phép chất ma túy là hành vi trao đổi trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào”. [20]
Có thể thấy, cả các chuyên gia có kiến thức chuyên môn về ma túy lẫn các nhà lập pháp đều có chung cái nhìn về những hoạt động nào là đặc thù của Tội mua bán trái phép chất ma túy, ở đây ta có thể liệt kê như sau: bán trái pháp luật, sử dụng các hình thức trao đổi song song hàng – ma túy, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển để cung cấp ma túy ra thị trường chợ đen. Tóm lại, ta có thể khái quát rằng tội mua bán trái phép chất ma túy là hoạt động cung cấp ma túy một cách bất hợp pháp nhằm đổi lại lợi ích về vật chất (có thể là tiền hoặc hiện vật tương đương).
Ta có thể đi đến kết luận, tội danh mua bán trái phép chất ma túy là những hoạt động có tác động xấu cho cộng đồng, do chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự tiến hành, có lỗi, gây phương hại đến chức năng độc quyền kiểm soát các chất ma túy của Chính phủ Việt Nam, tiến hành các hoạt động như sau: Vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái pháp luật cho người khác; Sử dụng các loại tài sản không phải tiền nhằm mục đích trao đổi lấy chất ma túy để bán lại trái pháp luật cho cá nhân khác; Xin chất ma túy để bán trái pháp luật cho cá nhân khác; Tàng trữ
chất ma túy hòng bán trái pháp luật cho cá nhân, chủ thể khác; Mua chất ma túy để bán trái quy định cùa pháp luật cho cá nhân, chủ thể khác; Bán trái quy định của pháp luật chất ma túy cho cá nhân, chủ thể khác (không loại trừ trường hợp bán hộ chất ma túy cho cá nhân, chủ thể khác với mục đích được trả công).
1.1.3. Dấu hiệu định tội và định khung hình phạt Tội mua bán trái phép chất ma túy
Dấu hiệu định tội là một nội dung quan trọng của Luật Hình sự, quyết định việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Vai trò của dấu hiệu định tội là hết sức quan trọng trong việc xét xử, có ý nghĩa to lớn trong kết quả cuối cùng của bản án chung cuộc.
Có thể bạn quan tâm!
- Tội mua bán trái phép chất ma túy từ thực tiễn huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - 1
- Tội mua bán trái phép chất ma túy từ thực tiễn huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh - 2
- Trong Bộ Luật Hình Sự 2015 (Sửa Đổi, Bổ Sung Năm 2017)
- Số Vụ Án Mua Bán Trái Phép Chất Ma Túy Trên Địa Bản Huyện Tân Châu, Tỉnh Tây Ninh (Giai Đoạn 2016 – 2020)
- Một Số Tồn Tại, Hạn Chế Và Nguyên Nhân
Xem toàn bộ 74 trang tài liệu này.
Trong nghiên cứu tập trung về Tội mua bán trái phép chất ma túy của mình, khi nói đến dấu hiệu định tội Tội mua bán trái phép chất ma túy là nói đến các mặt khách quan (qua 7 hành vi cụ thể: bán trái phép chất ma túy cho người khác (không kể có thu lợi hay không); mua chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác; xin chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác; tàng trữ chất ma túy nhằm bán trái phép cho người khác; vận chuyển chất ma túy nhằm bán trái phép cho người; dùng chất ma túy (thay cho tiền) nhằm trao đổi thanh toán trái phép (chẳng hạn mua hàng hóa rồi dùng chất ma túy để trả thay vì trả tiền); dùng tài sản không phải là tiền (như vàng, xe gắn máy,…) nhằm đem trao đổi, thanh toán,… lấy chất ma túy nhằm bán lại trái phép cho người khác), mặt chủ quan (lỗi cố ý), khách thể (hành vi phạm tội xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý các chất ma túy), chủ thể (bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự, tuy nhiên người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức cho người thực hiện một trong các hành vi mua bán trái phép chất ma túy đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán trái phép chất ma túy) của loại tội này.
Ngoài dấu hiệu định tội, ta còn cần nhắc đến dấu hiệu định khung hình
phạt. Đây là loại dấu hiệu dùng để xem xét khung hình phạt thích hợp cho mỗi trường hợp cụ thể, với căn cứ cơ sở xét trên mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi gây ra hoặc tiềm tàng gây ra tương ứng với một khung hình phạt luật định. Căn cứ vào tính chất của dấu hiệu định khung làm tính nguy hiểm cho xã hội tăng lên hoặc giảm xuống, có thể phân dấu hiệu định khung hình phạt thành dấu hiệu định khung hình phạt tăng nặng và dấu hiệu định khung giảm nhẹ. Những dấu hiệu định khung có thể là dấu hiệu thuộc về mặt khách quan như dấu hiệu mức độ hậu quả hoặc thuộc về mặt chủ quan như tính chất của động cơ hoặc thuộc về nhân thân như dấu hiệu tái phạm nguy hiểm.
Dấu hiệu định khung Tội mua bán trái phép chất ma túy đa dạng, đi từ có đủ dấu hiệu cấu thành cơ bản cho tới tăng nặng (có tổ chức, phạm tội nhiều lần, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức, sử dụng trẻ em vào việc phạm tội hoặc bán ma túy cho trẻ em,…) và quan trọng nhất là phụ thuộc vào trọng lượng loại ma túy mà đối tượng đó vận chuyển (nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao cô ca; hêrôin, côcain; lá, hoa, quả cây cần sa hoặc lá cây côca; quả thuốc phiện khô; quả thuốc phiện tươi; các chất ma túy khác ở thể rắn; các chất ma túy khác ở thể lỏng,… đều có mức quy định trọng lượng khác nhau trong từng khung hình phạt).
1.2. Quy định của pháp luật về Tội mua bán trái phép chất ma túy
1.2.1. Trước Bộ luật Hình sự 2015
1.2.1.1. Giai đoạn từ Cách mạng tháng 8 năm 1945 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985
Ngay sau khi Nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà được thành lập, Nhà nước ta đã đặc biệt quan tâm đến vấn đề ngăn chặn thuốc phiện. Xác định được việc đấu tranh ngăn chặn thuốc phiện không thể là công việc một sớm, một chiều, nên ngoài việc giáo dục, tuyên truyền cho nhân dân hiểu được tác hại của thuốc phiện để nhân dân tự giác tránh xa thì Chính phủ còn sử dụng cả biện pháp quá độ để sớm ổn định tình hình. Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Nghị định số 255/TTg ngày 22/12/1952 quy định những người có hành vi vi phạm thể lệ quản lý thuốc phiện bị xử lý như: Phạt tiền từ một đến năm lần trị giá thuốc phiện lậu, tịch thu thuốc phiện khi mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép. Người vi phạm có thể còn bị truy tố ra trước Toà án nhân dân [15]. Ngày 15/9/1955 Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 580/TTg bổ sung Nghị định số 150/TTg, quy định những trường hợp có thể bị đưa ra Toà án để xét xử. Cùng với Nghị định này, theo thẩm quyền, Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 635/VHH-HS ngày 29/3/1958 và Thông tư số 33/VHH-HS ngày 5/7/1958 để thống nhất đường lối xét xử đối với những vụ án buôn lậu thuốc phiện.
Từ năm 1954 đất nước ta tạm chia làm hai miền với hai chế độ chính trị, trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm về ma túy ở mỗi miền rất khác nhau, ở miền Nam, tình hình buôn bán ma tuý, tình trạng nghiện hút phát triển nhanh, việc buôn bán ngày càng có quy mô lớn, có tính tổ chức cao, hình thành các tổ chức sử dụng ma túy công khai. Tính đến năm 1975 (sau giải phóng), có khoảng 170.000 người nghiện ma túy. Sau khi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã kiên quyết áp dụng nhiều biện pháp để bài trừ tệ nạn nghiên hút, do đó chỉ sau bảy năm (đến năm 1982) con số người nghiện giảm xuống chỉ còn 40.000 người . Ngày 25/3/1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Nghị định số 76/CP về chống buôn lậu thuốc phiện. Trên cơ sở Nghị định này, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an đã ra Thông tư liên ngành hướng dẫn áp dụng pháp luật trong cả nước, trong đó xác định: Nghị định số 580/TTg về trừng trị tội buôn lậu thuốc phiện tiếp tục có hiệu lực thi hành và cho áp dụng thống nhất trong cả nước.
Song Nghị định số 150/TTg và Nghị định số 225/TTg chỉ đề cập xử lý hành vi tàng trữ và vận chuyển trái phép, không đề cập đến việc xử lý hành vi
sản xuất hoặc buôn bán trái phép thuốc phiện, chỉ tới khi ban hành Nghị định số 580/TTg thì mới quy định những trường hợp: buôn lậu thuốc phiện có nhiều người tham dự và có thủ đoạn gian lận; tang vật trị giá trên 1.000đ (tính theo thời giá năm 1955); buôn nhỏ hoặc làm môi giới có tính chất thường xuyên, chuyên nghiệp đã bị phạt tiền nhiều lần; các vụ có liên quan đến nhân viên chính quyền hoặc bộ đội và không thi hành quyết định phạt tiền của cơ quan Thuế vụ hoặc Hải quan có thể bị đưa ra Toà án để xét xử. Người có các hành vi phạm tội nêu trên có thể bị phạt tù từ ba tháng đến năm năm, phạt tiền từ một đến năm lần trị giá thuốc phiện lậu, tịch thu tang vật và các phương tiện dùng vào việc phạm tội. [16]
Thông tư số 635/VHH-HS và Thông tư số 33/VHH-HS của Bộ Tư pháp hướng dẫn:
Trường hợp buôn lậu thuốc phiện gây tác hại lớn làm cản trở việc thực hiện chính sách và kế hoạch Nhà nước thì có thể áp dụng sắc lệnh số 267/SL ngày 15/6/1956 để xử phạt trên năm năm tù. Đối với bọn cầm đầu những tổ chức buôn lậu có thể phạt từ năm năm tù đến mời năm tù; bọn tay chân chuyên nghiệp phạt từ ba đến năm năm tù; bọn cơ hội phạm tội đã giáo dục nhiều lần mà còn vi phạm thì phạt từ một đến ba năm tù, trường hợp có nhiều tình tiết giảm nhẹ thì vẫn có thể phạt dưới một năm tù hoặc cho hưởng án treo... [3] [4]
1.2.1.2. Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999
Thời điểm thập niên 80, bối cảnh kinh tế - xã hội thay đổi, kéo theo sự biến đổi của tệ nạn ma túy và các hình thức khác của nó. Trước tình hình đó, Bộ luật hình sự đầu tiên của Nhà nước ta đã được Quốc hội thông qua ngày 27/6/1985 đã quy định trách nhiệm hình sự đối với các hành vi phạm tội liên quan đến ma túy tại ba điều: Điều 97: Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép
hàng hoá, tiền tệ qua biên giới; Điều 166: Tội buôn bán hàng cấm; và Điều 203: Tội tổ chức dùng chất ma túy.
Theo Bộ luật hình sự năm 1985, chỉ có một Điều (Điều 203) quy định riêng về “Tội tổ chức dùng chất ma túy”, còn các hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép các chất ma túy chưa được quy định thành tội riêng mà những hành vi mua bán, vận chuyển ma túy qua biên giới thì bị truy cứu theo Điều 97 “Tội buôn lậu hoặc vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới” và những hành vi mua bán, vận chuyển ma tuý trong nội địa thì truy tố theo Điều 166 là “Tội buôn bán hàng cấm” [9]. Bộ luật hình sự 1985 là công cụ sắc bén để đấu tranh, chống các tội phạm về ma túy. Song việc quy định không tách bạch chung và chưa bao quát đã làm giảm hiệu quả của Bộ luật hình sự trong đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy.
Đối với tệ nạn nghiện ma tuý, Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân ngày 30/6/1989 tại Điều 29 cũng đã quy định: Các cơ sở y tế phải tiến hành các biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người mắc bệnh nghiện ma tuý. [10]
Để tạo sức mạnh tổng hợp cho cuộc đấu tranh phòng, chống ma tuý, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 06/CP ngày 29/01/1993 về tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy với kinh phí cho chương trình từ 1993 đến 1997 là 300 tỷ đổng. Nhằm tạo cho việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy nên các ngành Tòa án, Viện kiểm sát, Bộ Nội vụ đã cùng xây dựng Thông tư liên ngành số 07/TTLN ngày 05/12/1992, số 05/TTLN ngày 14/2/1995, số 09/TTLN ngày 10/10/1996 hướng dẫn áp dụng Điều 96a và Điều 203 Bộ luật hình sự năm 1985.
Để ngăn chặn tệ nạn ma túy với phương châm “triệt nguồn ma túy”, ngày 16/1/1986, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) đã ra Chỉ thị số 243/CT về việc cấm gieo trồng cây thuốc phiện và giải thể các
đơn vị chuyên doanh dược liệu này [7]; Chỉ thị số 99/CT ngày 8/4/1991 của Chính phủ về việc vận động nhân dân không trồng cây anh túc và quy định về trách nhiệm của các cấp, các ngành hữu quan [5].
Những nỗ lực dù rất mạnh mẽ của Đảng và Nhân dân ta trong bài trừ ma túy vẫn chưa đủ để triệt tận gốc nó. Tình hình mới khiến cho quy định tại Điều 96a cũng không đủ đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy. Do vậy ngày 10/5/1997 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự, trong đó có tội phạm về ma tuý, thể hiện cách tiếp cận, giải quyết vấn đề của Nhà nước ta đối với tội phạm về ma túy một cách toàn diện, có hệ thống, triệt để hơn và nghiêm khắc hơn.
1.2.1.3. Giai đoạn từ khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1999 đến trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 2015
Bộ luật hình sự năm 1985, dù qua vài lần sửa đổi vẫn chưa theo kịp tình hình, phát triển của xã hội trong bối cảnh Đổi mới, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài và tiến hành đặt trọng tâm vào kinh tế tư nhân. Do đó, trước nhu cầu cấp bách của thời đại, Đảng và Chính phủ đã nhận thức rò cần thay thế Bộ luật Hình sự 1985 bằng một bộ luật khác phù hợp hơn. Trên cơ sở đó Bộ luật hình sự năm 1999 đã ra đời. So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều thay đổi, bổ sung phù hợp với cuộc đấu tranh phòng, chống các tội phạm về ma túy trong giai đoạn hiện nay.
Các tội phạm về ma tuý được quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 tại một chương riêng (Chương XVIII- Các tội phạm về ma tuý) gồm 10 điều từ Điều 192 đến Điều 201, về mức hình phạt cụ thể với từng tội như sau:
Điều 192 Tội trồng cây thuốc phiện hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý. Có 2 khung hình phạt chính, tối thiểu 06 tháng tù, tối đa 07 năm tù, hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 01 triệu đồng đến năm mươi triệu đồng.
Điều 193 Tội sản xuất trái phép chất ma tuý. Có 4 khung hình phạt chính, tối thiểu là 02 năm tù, tối đa là tử hình.
Điều 194 Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt trái phép chất ma tuý. Có 4 khung hình phạt chính, tối thiểu là 02 năm tù, tối đa là tử hình.
Điều 195 Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý. Có 4 khung hình phạt chính, tối thiểu là 01 năm tù, tối đa là tù chung thân.
Điều 196 Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy. Có 2 khung hình phạt chính, tối thiểu là 01 năm tù, tối đa là 10 năm tù.
Điều 197 Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Có 04 khung hình phạt chính, tối thiểu 02 năm tù, tối đa đến tử hình.
Điều 198 Tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý. Có 02 khung hình phạt chính, tối thiểu 02 năm tù, tối đa 15 năm tù.
Điều 199 Tội sử dụng trái phép chất ma tuý. Có 02 khung hình phạt chính, tối thiểu 03 tháng tù, tối đa 05 năm tù.
Điều 200 Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma tuý. Có 04 khung hình phạt chính, tối thiểu 02 năm tù, tối đa là tù chung thân. Điều 201 Tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc có chất ma túy khác. Có 04 khung hình phạt chính, tối thiểu là phạt tiền
05 triệu đồng, tối đa là tù chung thân.
Ngoài hình phạt chính nói trên thì người phạm các tội từ Điều 193 đến Điều 198, các Điều 200 và Điều 201 có thể còn phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 05 triệu đến 500 triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.