Mặt Khách Quan Của Tội Công Nhiên Chiếm Đoạt Tài Sản

hiểm của con người, nó luôn nhằm vào những khách thể cụ thể, làm biến đổi tình trạng ban đầu của các khách thể tức là các khách thể đã bị xâm hại. Khách thể của tội phạm bao gồm khách thể chung, khách thể loại và khách thể trực tiếp.

Nghiên cứu về khách thể của tội phạm có ý nghĩa quan trọng vì một hành vi nguy hiểm cho xã hội không thể bị coi là tội phạm nếu như nó không xâm hại (hoặc có nguy cơ thực tế xâm hại) đến quan hệ xã hội được bảo vệ bằng pháp luật hình sự; nó còn là yếu tố bắt buộc và là cơ sở để đặt ra vấn đề trách nhiệm hình sự của một người. Hiểu rõ khách thể của tội phạm có ý nghĩa quan trọng đối với việc truy cứu trách nhiệm hình sự vì sự đánh giá về mặt pháp lý hình sự các dấu hiệu thuộc khách thể của tội phạm là nhằm xác định xem hành vi phạm tội được thực hiện đã xâm hại đến quan hệ xã hội nào được bảo vệ bằng pháp luật hình sự và vai trò của dấu hiệu đó trong việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi đã được thực hiện trong thực tế ra sao. Qua hiểu rõ về khách thể còn giúp xác định rõ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, đồng thời trong một số trường hợp còn giúp ta phân biệt tội phạm này với tội phạm khác.

Khi nghiên cứu về khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, có quan niệm cho rằng khách thể của tội phạm này là quyền sở hữu về tài sản 3, tr. 260, tuy nhiên, quan niệm khác lại cho rằng, khách thể của tội phạm này là xâm phạm đến quan hệ sở hữu, ngoài ra nó còn tác động xấu đến trật tự xã hội 43, tr. 197.

Như vậy, về mặt khách thể, điểm chung được nhiều người thừa nhận, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản phải là hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ sở hữu và sự gây thiệt hại này phải phán ảnh được đầy đủ nhất bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Trong đó, quan hệ sở hữu được hiểu là các quan hệ xã hội trong đó quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt được tôn trọng và bảo vệ, hành vi gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu là những hành vi xâm phạm các quyền chiếm

hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Ví dụ: A thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt chiếc xe máy thuộc quyền sở hữu của B và hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp này, khách thể trực tiếp bị hành vi phạm tội xâm phạm đến là quyền sở hữu của B đối với chiếc xe máy.

Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản tuy cũng gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho quan hệ sở hữu nhưng sẽ không phải là tội công nhiên chiếm đoạt tài sản nếu hành vi này đồng thời còn gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội khác và sự gây thiệt hại này mới thể hiện được đầy đủ nhất bản chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Trường hợp này, khách thể (trực tiếp) không phải là quan hệ sở hữu, ví dụ: khách thể (trực tiếp) của hành vi công nhiên chiếm đoạt vũ khí quân dụng hoặc chất ma túy không phải là quan hệ sở hữu mà là chế độ quản lý và sử dụng vũ khí quân dụng, chế độ quản lý chất ma túy của Nhà nước.

Nghiên cứu khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản không thể không nghiên cứu đến đối tượng tác động của tội phạm vì đây "là bộ phận của khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động đến để gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho những quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ" 39, tr. 67 hoặc "là các vật thể của thế giới vật chất mà người phạm tội tác động đến khi thực hiện sự xâm hại các khách thể xã hội do pháp luật hình sự bảo vệ" 5, tr. 354.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản có đối tượng tác động là tài sản nhưng không phải là mọi tài sản mà trước hết phải là tài sản có giá trị và giá trị sử dụng, tài sản đó phải thuộc về một chủ sở hữu cụ thể với các quy định có tính chất pháp lý bằng quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt, ngoài ra, nó còn phải có khả năng chuyển hóa được giữa các chủ sở hữu với nhau, có thể mua bán, trao đổi một cách hợp pháp. Tài sản đó cũng có thể bao gồm các loại giấy tờ mà nếu người phạm tội có nó thì họ có thể nhận được một số tiền

hoặc tài sản nhất định, ví dụ lợi dụng tình trạng nhà của A bị cháy A không có điều kiện ngăn cản, B vào hôi của, công nhiên lấy của A nhiều giấy tờ, tài sản có giá, trong đó có công trái đã đến hạn tất toán, sau đó B đem công trái ra Kho bạc đổi lấy tiền tiêu xài, B sẽ bị xử lý về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Việc nhấn mạnh tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của chủ sở hữu nhất định mới là đối tượng của tội phạm này không có nghĩa là các hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản không hợp pháp thì không bị xử lý. Ví dụ A trộm cắp được một chiếc xe máy, đang trên đường đi tiêu thụ, B lợi dụng A không có điều kiện ngăn cản nên đã thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt chiếc xe máy đó thì B sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

Giống như các tội thuộc nhóm tội xâm phạm sở hữu khác, những tài sản sau đây không thể là đối tượng tác động của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản:

- Một số vật có thực do tính chất và công dụng đặc biệt là đối tượng tác động của các hành vi phạm tội khác. Ví dụ: Công trình, phương tiện giao thông vận tải, thông tin liên lạc, các loại vũ khí quân dụng, tài nguyên rừng v.v…

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam - 4

- Vật khi không còn là tài sản vì đã bị chủ tài sản hủy bỏ, ví dụ: Gia súc mắc bệnh đã bị chôn, tiêu hủy; thuốc chữa bệnh đã bị hủy bỏ, hết thời hạn sử dụng. Do nhận thức không đúng đắn về vấn đề này nên một số cơ quan tiến hành tố tụng huyện Thường Tín thành phố Hà Nội đã mắc sai lầm trong việc quyết định truy cứu trách nhiệm hình sự về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau:

Sáng 05/2/2009, chốt kiểm dịch liên ngành tại Ba La (Hà Đông) phát hiện và bắt giữ một xe vận chuyển 1.500 con gà không có giấy kiểm dịch, ngay sau đó, Chi cục Thú y Hà Nội phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành tiêu hủy số gà này tại bãi cát xã Hồng Vân (Thường Tín). Nhưng khi lực lượng chuyên ngành bắt đầu đưa gà xuống hố để chôn theo quy định thì người dân địa phương đã bất ngờ "cướp" gà. Do lực lượng chức năng quá ít (10 người bao gồm nhân viên thú y, quản lý thị trường và dân quân xã) nên không

thể ngăn cản được người dân; nhiều người đã nhảy cả xuống hố chôn lấp để lấy gà cho vào bao tải mang về, khi người dân bỏ đi, khắp nơi trên bãi cát còn vương vãi những con gà chết bị bỏ lại. Ngày 9/2, Công an huyện Thường Tín (Hà Nội) cho biết vừa bắt khẩn cấp 3 đối tượng và vận động đầu thú 6 đối tượng liên quan đến vụ cướp gà tiêu hủy.

- Quyền về tài sản như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ tiết kiệm...

Khi xác định tài sản là đối tượng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản cần lưu ý: tài sản, về nguyên tắc, chỉ là đối tượng của những hành vi phạm tội do người không phải là chủ sở hữu thực hiện. Khác với một số tội phạm có tính chất chiếm đoạt khác, trong tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, tài sản không thể là đối tượng tác động của những hành vi phạm tội do chính chủ tài sản thực hiện.

Ngày 6/8/2008, Chu Thắng Huế là chồng của Lại Thị Mai trú tại thôn Thái Hòa, xã Châu Sơn (TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) gọi điện cho 2 em ruột là Chu Thị Hưng (SN 1977) và Chu Văn Thao (SN 1981) đến nhà mình khuân đi chiếc sập gỗ là tài sản chung của 2 vợ chồng trước ngày ly hôn. Mặc cho chị Mai ngăn cản, Huế vẫn sai các em mình kiên quyết thực hiện bằng được hành vi bê chiếc sập ra khỏi nhà bằng lời nói: "Mày không cho tao mang đi tao đánh chết", sau một hồi giằng co, Hưng đã xô chị dâu ngã đập đầu xuống đường và tử vong sau đó. Cái chết của chị Mai được Cơ quan điều tra xác định do một mình Hưng gây ra. Với lý do Chu Thắng Huế là đồng sở hữu chiếc sập trong khối tài sản chung vợ chồng, vì vậy, việc Huế gọi 2 em vào khênh chiếc sập đó đi là thực hiện quyền quyết định của mình. Do vậy cơ quan tiến hành tố tụng đã không "khép" Huế, Thao, Hưng vào tội "công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác". Tuy nhiên, vẫn có quan điểm cho rằng Huế không phải là chủ sở hữu duy nhất mà chiếc sập là tài sản thuộc sở hữu chung của cả Huế và chị Mai (tại tòa Huế thừa nhận), vì vậy, việc Huế sai 2 em thực hiện bằng được việc mang chiếc sập đó đi khi chị Mai không đồng ý chính là hành vi "công nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác".

1.2.2. Mặt khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan 39, tr. 71; đó còn "là mặt bên ngoài của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự, tức là sự thể hiện cách xử sự có tính chất tội phạm trong thực tế khách quan" 5, tr. 344. Trong mặt khách quan của tội phạm, hành vi khách quan là biểu hiện cơ bản nhất. Những biểu hiện khác chỉ có ý nghĩa khi hành vi được thực hiện. Nếu hành vi không được thực hiện thì sẽ không có hậu quả cũng như công cụ, phương tiện, địa điểm, thời gian phạm tội. Không có hành vi thì không có tội phạm.

Hành vi được hiểu là những "biểu hiện" của con người ra bên ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức cụ thể nhằm đạt được những múc đích có chủ định và mong muốn 39, tr. 73. Như vậy hành vi chỉ bao gồm những biểu hiện của con người ra bên ngoài nhưng không phải bất kỳ biểu hiện nào của con người ra bên ngoài cũng là hành vi mà chỉ những biểu hiện được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển mới là hành vi. Những biểu hiện ra bên ngoài thế giới khách quan của con người không được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển như hành động đập phá, chiếm đoạt tài sản của người tâm thần thì không thể là hành vi khách quan của tội phạm. Hành vi khách quan của tội phạm phải có đặc điểm có ý thức và có ý chí. Nghĩa là chủ thể thực hiện hành vi có thể nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội và họ có khả năng kiểm soát, thực hiện hành vi theo ý chí của mình. Ngoài ra, sự kiểm soát về ý thức và ý chí thì hành vi đó phải là hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi này trái với pháp luật. Hành vi của con người được biểu hiện dưới hai hình thức, hành động và không hành động.

Mặt khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện thông qua hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản. Hành vi này thuộc hình thức hành động phạm tội - nghĩa là người phạm tội thực hiện một hành vi gây thiệt hại cho khách thể và hành vi này bị pháp luật hình sự ngăn cấm.

a) Hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Hành vi chiếm đoạn tài sản - cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc sự quản lý của chủ tài sản thành tài sản của mình - hành vi này được thực hiện bằng hình thức công khai - người phạm tội không cần che giấu hành vi phạm tội của mình - với thủ đoạn lợi dụng sơ hở của người quản lý tài sản hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh. Đặc điểm nổi bật của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản trước mắt người quản lý tài sản mà họ không làm gì được (không có biện pháp nào ngăn cản được hành vi chiếm đoạt của người phạm tội hoặc nếu có thì biện pháp đó cũng không đem lại hiệu quả, tài sản vẫn bị người phạm tội lấy đi một cách công khai). Do vậy, người phạm tội không cần và không có ý định có bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó với chủ tài sản. Người phạm tội không dùng vũ lực uy hiếp tinh thần hay nhanh chóng chiếm đoạt và nhanh chóng lẩn tránh, người phạm tội ngang nhiên lấy tài sản bất chấp sự có mặt, ngăn cản của người khác. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm, che giấu hành vi phạm tội của mình, ý thức bất chấp người khác chứ không dựa vào số đông để uy hiếp tinh thần người coi giữ tài sản, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản, người bị hại biết ngay người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được). Ở đây tính chất công khai trắng trợn không phải là hành vi khách quan nhưng lại là một đặc điểm cơ bản, đặc trưng để phân biệt tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tội trộm cắp tài sản; trường hợp người phạm tội dựa vào số đông để áp đảo, uy hiếp tinh thần người có trách nhiệm với tài sản thì tùy tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vì sẽ phạm tội cướp hoặc cưỡng đoạt tài sản.

Thời điểm hoàn thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản kể từ khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản; thời điểm được coi là chiếm đoạt được tùy thuộc vào tính chất của tài sản, vị trí của tài sản khi xảy ra hành vi chiếm

đoạn, phạm vi khu vực bảo quản tài sản. Để minh họa cho hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản ta xem xét một vụ án sau đây:

Vào lúc 11 giờ ngày 08/4/2007, Mai Quang Vinh (sinh năm 1982, quê Tiền Giang, tạm trú phường 5, quận Tân Bình) đến nhà chị Vũ Thị Bích Thuận (sinh năm 1975, ngụ P5, Q. 10) chơi điện tử. Đến 11 giờ 30 cùng ngày, chị Thuận nhận được điện thoại của người thân ở nước ngoài gọi về nên mang điện thoại sang nhà kế bên cho chồng cùng nghe. Đang đứng nói chuyện, chị Thuận thấy Vinh chạy chiếc Kawasaki Max BS: 52F7-5386 của mình qua mặt liền kêu: "Vinh lấy xe chị đi đâu thế"?, Vinh không đáp lại chỉ quay đầu cười rồi cho xe chạy mất. Chị Thuận ngỡ ngàng nhìn theo chiếc xe trị giá 16 triệu đang dần mất hút trong dòng người qua lại. Sau một thời gian lẩn trốn, tháng 9/2007, Vinh bị Công an quận Tân Bình bắt xử lý.

Công nhiên chiếm đoạt tài sản trước hết là công nhiên với chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản, sau đó là công nhiên với mọi người xung quanh, tuy nhiên, đối với người xung quanh, người phạm tội có thể có những thủ đoạn gian dối, lén lút để tiếp cận tài sản nhưng khi chiếm đoạt, người phạm tội vẫn công khai, trắng trợn, ví dụ sau đây là minh chứng cho nhận định này:

Hà Hữu Toán là người chăn bò thuê cho một người ở xã Ninh Sơn, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; khoảng 15 giờ ngày 09/2/2003, trong lúc đàn bò do Hà Hữu Toán chăn đang ở khu vực Suối Sim, xã Ninh Sim, huyện Ninh Hòa thì có một con bò đực không rõ của ai đến ăn chung với bò của Toán, đến chiều tối, không thấy ai đến lùa bò về, nên Toán đã đưa con bò này về cột ở trại của mình. Ngày 12/2/2003, Toán dẫn bò đi giấu ở nơi khác và đến ngày 17/2/2003, Toán thuê xe vận chuyển con bò này đi tiêu thụ. Trên đường đi tiêu thụ thì bị phát hiện và Toán bỏ trốn đến ngày 08/4/2003 mới ra đầu thú, con bò được Hội đồng định giá là 4,5 triệu đồng.

Trong vụ án trên, Toán đã thực hiện hành vi công khai chiếm đoạt con bò của người khác một cách công nhiên trong khi chủ tài sản đang trong hoàn

cảnh không có khả năng ngăn cản, bảo vệ được tài sản của mình. Khi thực hiện hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, Toán tuy không biết con bò đó của ai, nhưng chắc chắn biết là con bò đó đang ở vào tình trạng không có người bảo quản, trông coi. Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản do Toán thực hiện đã hoàn thành từ thời điểm Toán đưa con bò này về cột ở trại của mình (các hành vi dẫn bò đi nơi khác để dấu sau đó thuê xe vận chuyển bò đi tiêu thụ đã thể hiện đầy đủ tính chất phạm tội của hành vi cũng như mục đích chiếm đoạt của Toán).

Về mặt lý luận và qua thực tiễn xét xử, có thể thấy một số trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản sau đây:

+ Người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khách quan như thiên tai, hỏa hoạn, bị tai nạn, đang có chiến sự để chiếm đoạt tài sản. Những hoàn cảnh cụ thể này không do người có tài sản gây ra mà do hoàn cảnh khách quan làm cho họ lâm vào tình trạng không thể bảo vệ được tài sản của mình, nhìn thấy người phạm tội lấy tài sản của mình mà không làm gì được. Có thể xem xét qua ví dụ sau đây:

Trên Quốc lội 5A, đoạn km 72+900 thuộc địa phận xã Phúc Thanh A, huyện Kim Môn tỉnh Hải Hưng (cũ) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô mang biển kiểm soát 15K-15-87 với xe mô tô hai bánh mang biển kiểm soát 34-457HN làm anh Đỗ Đức Thịnh, người điều khiển xe mô tô chết tại chỗ và anh Nguyễn Chí Kiên ngồi sau xe bị thương nặng, cả hai anh đều là cán bộ Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải, Hải Phòng, có nhiệm vụ đem 2 kg vàng về Hải Dương thuê gia công đồ trang sức, do tai nạn mà 2 kg vàng đã bị mất. Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan điều tra đã phát hiện Đỗ Văn Họa và Nho Văn Mạnh là thủ phạm chiếm đoạt số vàng trên trong hoàn cảnh mọi người đang lo cấp cứu các nạn nhân. Trường hợp phạm tội của Họa và Mạnh cũng là trường hợp công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng là một trường hợp rất dễ nhầm lẫn với tội trộm cắp tài sản hoặc chiếm giữ trái phép tài sản;

Xem tất cả 134 trang.

Ngày đăng: 07/12/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí