Lịch Sử Lập Pháp Của Tội Công Nhiên Chiếm Đoạt Tài Sản

xã hội; 2) Hành vi đó bị luật hình sự cấm, nếu thực hiện hành vi này là trái với pháp luật hình sự; 3) Hành vi này phải do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện; 4) Người thực hiện hành vi phạm tội phải đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; 5) Hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi có lỗi.

Từ những phân tích trên đây, trên cơ sở tiếp thu có chọn lọc những điểm hợp lý trong các khái niệm về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản và những vấn đề đã được thực tiễn áp dụng pháp luật kiểm nghiệm, có thể đưa ra định nghĩa khoa học về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản như sau: Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là một tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật định thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác bằng hành vi lợi dụng chủ tài sản trong hoàn cảnh đặc biệt không có điều kiện bảo vệ tài sản hoặc ngăn cản hành vi phạm tội để công khai chiếm đoạt tài sản của họ.

1.1.2. Lịch sử lập pháp của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

a) Giai đoạn trước năm 1985

Nhận thức được vai trò của pháp luật hình sự trong việc bảo vệ chế độ sở hữu nhằm củng cố, duy trì trật tự xã hội, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước và các chủ thể pháp luật, nhiều Nhà nước phong kiến ở nước ta đã sử dụng hình luật để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu. Dưới thời Lê Sơ mà đỉnh cao là triều đại trị vì của vua Lê Thánh Tông, Bộ luật Hồng Đức đã được ban hành, trong đó dành gần 50 Điều để thiết lập các quy định nhằm bảo vệ chế độ sở hữu phong kiến. Theo Điều 370 Bộ luật Hồng Đức thì: Các nhà quyền quý chiếm đoạt nhà cửa, ruộng đất, ao đầm của lương dân, từ một mẫu trở lên thì xử tội phạt; từ năm mẫu trở lên thì xử tội biếm. Quan tam phẩm trở lên thì xử tội năng thêm hai bậc và phải bồi thường như luật định. Đã tâu lên rồi thì xử khác". Đối với những kẻ cướp (nghĩa là ban đêm cầm khí giới giết người lấy của):

Thì xử tội chém, tòng phạm thì xử tội giảo, ngoài việc phải đền tang vật ăn cướp, điền sản phải sung công. Cướp của lại giết người thì xử tội chém bêu đầu, tòng phạm xử chém phải nộp tiền đền mạng và tiền đền tang vật gấp đôi trả lại cho chủ nhà bị cướp. Kẻ chứa chấp bọn cướp lâu ngày thì xử đồng tội, mới khoảng mười ngày thì xử giảm một bậc, đều phải bồi thường một phần ba nộp vào kho. Kẻ biết việc mà không cáo giác thì xử tội đồ làm chủng điền binh [29, Điều 426].

Cũng theo Bộ luật trên "kẻ ăn trộm mới phạm lần đầu thì phải lưu châu xa. Kẻ trộm có tiếng và kẻ trộm tái phạm thì phải bị chém. Giữa ban ngày ăn cắp vặt cũng bị xử tội đồ…" (Điều 429).

Liên quan đến hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản, tại Điều 435 của Bộ luật trên quy định:

Những kẻ thừa thời cơ lúc có trộm, cướp, cháy, lụt là lấy trộm của cải của người ta, hay là giữa ban ngày mà đoạt lấy tiền tài của người, cùng là lấy của cải đánh rơi mà lại đánh lại người mất của thì cũng phải đền tội như ăn trộm thường, mà giảm một bậc. Lột lấy những quần áo và đồ vật của trẻ em, người điên, người say thì phải tội đồ và phải bồi thường gấp đôi [29].

Có thể nói, đây là những quy định đầu tiên trong hình luật nước ta mà trong đó, những dấu hiệu trong hành vi khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản sau này đã được đề cập. Đặc biệt, nhà làm luật đã mô tả và mô hình hóa khá chính xác điều kiện thực tiễn nước ta lúc bấy giờ, đồng thời răn đe, phòng ngừa và chống các hành vi vi phạm pháp luật do lợi dụng hoàn cảnh, tình trạng thân phận của người có tài sản để trục lợi, thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt trong trường hợp này được xác định nhẹ hơn tội ăn trộm thường, mục đích của việc ghi nhận tội phạm này là để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các chủ thể có nguy cơ bị tội phạm xâm hại

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 134 trang tài liệu này.

trong những điều kiện, tình huống đặc biệt mà người có tài sản không có điều kiện bảo quản, coi giữ. Quy định này được duy trì và áp dụng trong suốt các giai đoạn của Nhà nước phong kiến, từ thời Lê - Trịnh - Nguyễn, đáng tiếc rằng, dưới thời phong kiến nhà Nguyễn, qua nghiên cứu Bộ luật của triều đại này - Hoàng Việt luật lệ - những quy định trên không còn thấy được đề cập. Sau đó, mặc dù ở nước ta có tồn tại các bộ Hình luật Trung Kỳ; Hình luật Bắc Kỳ; Hình luật Nam Kỳ nhưng những quy định liên quan đến tội công nhiên chiếm đoạt tài sản lại không được đề cập đến, nói cách khác, hình luật không quy định tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là một tội phạm độc lập, được quy định trong Bộ luật hình sự để bảo vệ quyền sở hữu tài sản của các chủ tài sản.

Ngay sau khi giành được độc lập, công cuộc xây dựng, quản lý nước nhà bằng pháp luật bước đầu được quan tâm, pháp luật mới ra đời - pháp luật dân chủ nhân dân - công cụ để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của người dân lao động, bảo vệ thành quản của cách mạng. Sắc lệnh số 26/SL ngày 25/02/1946 quy định về trừng trị tội phá hủy công sản, theo đó nếu người phạm tội thực hiện một trong các tội sau đây sẽ bị phạt tù từ hai năm đến mười năm và có thể bị xử tử: 1) Cố ý phá hoại một phần hay toàn thể các cầu cống hay sông đào, vận hà, nông giang, thuộc công ích, đường xe lửa, các đường giao thông công hay tư đường bộ hay đường thủy, đê đập, các công sở, kho tàng hoặc các nhà máy điện, máy nước; 2) Cố ý hủy hoại hoặc ăn trộm các dây điện thoại, điện tín cùng các cột dây điện và dây thép; 3) Đặt ở các nơi nói trên những khí cụ dùng để giết người, đốt phá hay tác liệt.

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản trong luật hình sự Việt Nam - 3

Tiếp theo là Sắc lệnh số 233/SL ngày 17/01/1946 về trừng trị tội phù lạm, biển thủ công quỹ, Thông tư số 442/TTg ngày 19/01/1955 của Thủ tướng Chính phủ ban hành hướng dẫn các Tòa án trừng trị một số tội phạm xâm phạm sở hữu như trộm cắp, cướp của, lừa gạt, bội tín… Qua nghiên cứu các

văn bản pháp luật này, cho thấy nhà lập pháp chưa đề cập đến tội công nhiên chiếm đoạt tài sản với tư cách là một tội phạm độc lập. Ngày 15/6/1956, Chủ tịch nước ký Sắc lệnh số 267/SL trừng trị những âm mưu hoạt động phá hoại tài sản của Nhà nước, Hợp tác xã và của nhân dân, làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch xây dựng kinh tế và văn hóa. Văn bản này tuy chưa quy định tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, song theo tinh thần của nó thì các dạng hành vi thuộc cấu thành của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản ngày nay cũng đã được đề cập và hướng dẫn về đường lối xử lý tương tự tội cướp và tội cướp giật tài sản.

Để củng cố thành quả mà cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đạt được ở miền Bắc, bảo đảm sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn lực, tập trung phát triển sản xuất để chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, các quy định pháp luật về kinh tế, tài chính, dân sự, lao động, hình sự từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu của quản lý đất nước trong tình hình mới, ngày 21/10/1970, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa và Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân. Theo hai Pháp lệnh trên, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản chưa được đề cập với tư cách là một tội phạm độc lập mà nằm trong quy định gắn với tội cướp giật tài sản (Điều 4 và 5) và được hướng dẫn chi tiết, cụ thể tại Thông tư liên Bộ ngày 16/3/1973 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an (điểm 1 Mục c Phần II). Theo đó, hành vi khách quan của tội cướp giật tài sản được nhà làm luật mô tả như sau: "trường hợp kẻ phạm tội lợi dụng sơ hở, vướng mắc của người giữ tài sản, bất thần giằng lấy tài sản trên tay người giữ tài sản, hoặc công nhiên lấy từ nơi để tài sản với ý thức không che giấu hành vi phi pháp của mình rồi chạy trốn hoặc bỏ đi không dùng vũ lực". Đây là quy định thể hiện khá rõ một số đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, nhưng lúc đó, về kỹ thuật lập pháp, nhà làm luật chưa thừa nhận đây là một tội phạm độc lập mà được hiểu là một dạng hành vi của tội cướp giật tài sản.

b) Giai đoạn từ 1985 đến nay

Sau khi nước nhà thống nhất, nhận thức được vị trí, vai trò của pháp luật hình sự trong việc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bảo vệ trật tự xã hội chủ nghĩa, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức, ngày 27/6/1985 Quốc hội đã biểu quyết thông qua Bộ luật hình sự trên cơ sở pháp điển hóa những nguyên tắc, chế định pháp luật hình sự của nước ta trước đây. Lần đầu tiên, Bộ luật hình sự quy định tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được xác định là một tội phạm được quy định tại Điều 131 (Tội cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa) và Điều 154 (Tội cướp giật hoặc công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân), nhưng về mặt kỹ thuật lập pháp, tội phạm này được đặt trong cùng một điều luật với tội cướp giật tài sản với ba khung hình phạt khác nhau ứng với mỗi tình tiết định khung tăng nặng. Theo đó, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được xác định có cùng tính chất, đặc điểm và tính nguy hiểm cho xã hội tương tự như tội cướp giật tài sản, sự khác biệt có chăng chỉ là về hành vi phạm tội được mô tả trong mặt khách quan của tội phạm; giữa hai tội phạm này có cùng các yếu tố định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Quy định này đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác điều tra, truy tố, xét xử đối với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, bảo đảm sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật về đấu tranh phòng ngừa và chống các hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản; khắc phục những tồn tại, hạn chế trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các hành vi vi phạm pháp luật có tính chất công nhiên chiếm đoạt tài sản nhưng không thể xác định thuộc cấu thành nào của một trong các tội phạm có tính chất xâm phạm sở hữu.

Bước vào thời kỳ đổi mới, với việc xóa bỏ cơ chế kinh tế tập trung, bao cấp, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhiều thành phần kinh tế được xác lập với nhiều hình thức sở hữu khác

nhau, các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật. Khi đó, việc phân định các nhóm tội xâm phạm sở hữu thành xâm phạm sở hữu xã hội chủ nghĩa và xâm phạm sở hữu của công dân theo Bộ luật hình sự năm 1985 tỏ ra không còn phù hợp do tính chất đa hình thức sở hữu. Hơn nữa, về dấu hiệu pháp lý, các tội đó tuy nằm ở hai chương khác nhau nhưng đều có cùng đặc điểm, tính chất, có chăng sự khác biệt chỉ là khách thể và đối tượng là tài sản chịu sự tác động của tội phạm thuộc sở hữu của Nhà nước hay của công dân và trong nhiều trường hợp, không phải lúc nào người phạm tội cũng có thể xác định được tài sản đó là của Nhà nước hay công dân. Trước yêu cầu đó, ngày 21/12/1999 Quốc hội đã thông qua Bộ luật hình sự mới thay thế cho Bộ luật hình sự 1985, theo đó tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 137 Bộ luật hình sự thành một tội phạm độc lập trên cơ sở tách khỏi tội cướp giật tài sản và không phân biệt thành công nhiên chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa và công nhiên chiếm đoạt tài sản của công dân như Bộ luật hình sự năm 1985 mà sáp nhập lại thành một tội phạm độc lập. Việc sáp nhập thể hiện rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về mặt pháp lý là không có sự phân biệt đối với các thành phần kinh tế trong xã hội, mặt khác, nó cũng đáp ứng được yêu cầu do thực tiễn xét xử đặt ra trong những năm qua, nhiều hành vi xâm phạm tài sản của các đơn vị kinh tế thuộc sở hữu chung của nhiều thành phần kinh tế như: Công ty cổ phần, Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết… nhưng không thể xác định được người phạm tội xâm phạm tài sản thuộc thành phần kinh tế nào.

So với Bộ luật hình sự năm 1985 thì Điều 137 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều sửa đổi, bổ sung, nhất là đối với các tình tiết là yếu tố định tội; phân biệt ranh giới giữa hành vi là tội phạm với hành vi chưa tới mức phải xử lý về hình sự - điểm khác biệt cơ bản so với Bộ luật hình sự năm 1985 khi quy định về tội phạm này. Về hình phạt Điều 137 quy định nặng hơn Bộ luật hình sự năm 1985 (mức cao nhất là từ chung thân, trong khi đó Điều 131 quy định là hai mươi năm tù, còn Điều 154 là mười lăm năm tù). Về cơ cấu, tội

công nhiên chiếm đoạt tài sản theo Điều 137 Bộ luật hình sự được cấu tạo thành 05 khoản (Điều 131 và 154 Bộ luật hình sự năm 1985 về tội này chỉ có 03 khoản). Khoản 1 là cấu thành cơ bản có khung hình phạt tù từ sáu tháng đến ba năm (nhẹ hơn khoản 1 Điều 131 và nặng hơn khoản 1 Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985); khoản 2 có khung hình phạt tù từ hai năm đến bảy năm (nhẹ hơn khoản 2 của hai Điều 131 và 154 Bộ luật hình sự năm 1985); khoản 3 có khung hình phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm (nhẹ hơn khoản 3 Điều 131 và bằng khoản 3 Điều 154 Bộ luật hình sự 1985); khoản 4 có khung hình phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân (là khung hình phạt mới mà Điều 131 Điều 154 Bộ luật hình sự năm 1985 không có). Hình phạt bổ sung được quy định ngay trong điều luật 25, tr. 177.

1.2. DẤU HIỆU PHÁP LÝ CỦA TỘI CÔNG NHIÊN CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN


Khi một hành vi nguy hiểm cho xã hội xảy ra, việc đầu tiên cần xác định hành vi đó có phải là tội phạm hay không. Căn cứ để xác định một hành vi nguy hiểm có phải là tội phạm không cần phải dựa vào các dấu hiệu của tội phạm, nhưng không chỉ dừng lại ở đó cần phải xác định xem tội phạm xảy ra là tội phạm gì và được quy định tại điều nào, chương nào của Bộ luật hình sự, để giải quyết được điều này cần dựa vào các yếu tố cấu thành tội phạm. Cấu thành tội phạm là tổng hợp những dấu hiệu chung có tính đặc trưng cho loại tội phạm cụ thể được quy định trong luật hình sự. Cấu thành tội phạm là kết cấu của một khái niệm, nó bao gồm hệ thống các dấu hiệu cần và đủ để xác định hành vi của con người có phải là tội phạm hay không. Một hành vi được coi là tội phạm khi nó có đầy đủ các yếu tố hợp thành, thiếu một yếu tố nào đó thì chưa coi là tội phạm.

Nếu nghiên cứu về mặt cấu trúc, tội phạm có đặc điểm chung là đều được hợp thành bởi những yếu tố nhất định, tồn tại không tách rời nhau nhưng có thể phân chia được trong tư duy và do vậy, có thể cho phép nghiên cứu độc lập với nhau. Những yếu tố đó, theo khoa học Luật hình sự Việt Nam là khách thể, chủ thể, mặt khách quan và mặt chủ quan của tội phạm.

Theo luật hình sự Việt Nam, bất cứ hành vi phạm tội nào, dù đặc biệt nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng, dù bị quy định bởi hình phạt tới chung thân, tử hình hay chỉ là cảnh cáo, phạt tiền cũng là sự thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan - giữa những biểu hiện bên ngoài và những những quan hệ tâm lý bên trong, đều là hoạt động của con người cụ thể gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội nhất định. Sự thống nhất của bốn yếu tố này là hình thức cấu trúc, thể hiện đầy đủ nội dung chính trị - xã hội của tội phạm, nếu về mặt nội dung chính trị - xã hội, mỗi tội phạm có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội khác nhau thì về mặt cấu trúc, bốn yếu tố cấu thành tội phạm cũng có những nội dung biểu hiện khác nhau, chính sự khác nhau này quyết định tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm 15, tr. 54.

Dấu hiệu pháp lý của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản là đặc điểm chung về mặt lập pháp cụ thể các thuộc tính điển hình và chủ yếu hơn cả, đặc trưng cho tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Cũng như các tội khác, "tội công nhiên chiếm đoạt tài sản" cũng có đầy đủ bốn yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể như sau.

1.2.1. Khách thể của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Khách thể của tội phạm theo nghĩa chung nhất là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại 39, tr. 62, khách thể của tội phạm còn được định nghĩa "là quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ tránh khỏi sự xâm hại có tính chất tội phạm, nhưng bị tội phạm xâm hại đến và gây nên (hoặc đe dọa thực tế gây nên) thiệt hại đáng kể nhất định 5, tr. 343.

Khách thể luôn tồn tại độc lập với ý thức ở bên ngoài ý thức của chủ thể; hành vi của con người luôn là sự thống nhất giữa khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi và bất kỳ hành vi nào một cách trực tiếp hay gián tiếp cũng đều nhằm đạt tới, tác động tới một đối tượng nhất định, qua đó tác động, ảnh hưởng đến một khách thể nhất định. Tội phạm là hành vi nguy

Ngày đăng: 07/12/2023