Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 14


xúc của nhân vật. Chính sự bình dị, gần gũi, mộc mạc của ngôn ngữ đã đưa tiểu thuyết Lê Lựu ngày một gần gũi hơn với bạn đọc.

3.5. Nghệ thuật xây dựng nhân vật

3.5.1. Nghệ thuật tạo tình huống thử thách

Theo nhà triết học Heghen: “Tình huống là một trạng thái có tính chất riêng biệt và trở thành được quy định. Ở trong thuộc tính này của nó, tình huống góp phần biểu lộ nội dung là cái phần có được một sự tồn tại bên ngoài bằng sự biểu hiện nghệ thuật”.

Một trong những điều cốt yếu khi xây dựng nhân vật trong tiểu thuyết là phải chú trọng đến việc tạo tình huống, bởi hoàn cảnh, tình huống chính là tiền đề cho sự hình thành, phát triển tính cách nhân vật.

Với độ dày hơn 300 trang, tiểu thuyết Thời xa vắng ôm chứa nhiều biến cố gắn với hai cuộc hôn nhân của Sài, hai mảng gia đình, hai lối sống theo hành trình từ quá khứ đến hiện tại, tương lai, để tìm ra một sự phát triển hay tìm ra câu trả lời cho cuộc đời mình. Có ý kiến cho rằng: Một trong những thành công của Thời xa vắng của Lê Lựu là ở chỗ tác giả biết tạo ra các tình huống đặc sắc.

Mở đầu tác phẩm là khung cảnh nông thôn làng Hạ Vị - một vùng quê nghèo thuần nông vùng đồng bằng Bắc Bộ. Với sự am hiểu nông thôn và những người nông dân, tác giả có những trang viết giàu tính hiện thực và hết sức sinh động như cảnh cả làng kéo nhau lên đê chờ đợi, tranh cướp, cãi cọ nhau để được làm thuê; cảnh cả gia đình ông đồ Khang chứng kiến cơn giận khủng khiếp của ông khi Sài chê vợ, khiến Tuyết bỏ về nhà bố mẹ đẻ còn Sài thì sợ hãi bỏ trốn. Đây là tình huống gợi mở cho người đọc, giúp người đọc có những định hướng đầu tiên về tính cách nhân vật chính của tác phẩm. Cơn giận của ông đồ Khang khiến chân Sài không thể đứng yên, cậu bé mười hai tuổi đã phải chạy trốn số phận ngay từ khi còn túm năm tụm ba chơi đánh trận giả. “Nó chạy sấp ngửa trên những thửa ruộng mới cày vỡ… chốc chốc vấp ngã, mặt nó đập vào mặt đất lật hơi nghiêng như đập vào đá, đau đến nỗi chỉ thấy nước mắt


ứa ra. Nó nằm úp mặt vào đất, nước mắt thấm xuống làm tảng đất cày nhão ra. Da mặt nó như cứng lại, dính bệt vào hòn đất mới cày vỡ. Nhưng rồi nó vẫn phải cố bò dạy để lấy sức chạy, vừa thở, vừa chạy vừa nghiến răng nén nỗi đau mỗi lần vấp ngã” [72,9]. Hành động bỏ chạy của Sài tuy chỉ là sự bộc phát của một đứa trẻ nhưng cũng dự báo về tính cách, số phận của Sài sau này. Mãi mãi Sài không được sống như mình muốn sống, yêu như mình yêu và ghét những cái mình ghét. Không phải ngẫu nhiên tác giả đặt Sài vào một gia đình trung lưu, có truyền thống nho học và cách mạng. Vì được coi là gia đình danh giá, nề nếp nhất làng nên việc Sài chê vợ, đuổi vợ là không thể chấp nhận được. Sài không được tự quyết định cuộc đời mình. Số phận, hạnh phúc, tình yêu của anh bị kiểm soát, bị điều khiển bởi một hệ thống người thân trong gia đình. Rồi một loạt các chi tiết dù nhỏ nhưng lại mang một sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng, góp phần làm cho hình tượng mang tính cụ thể, gợi cảm, sống động hơn. Các chi tiết này đóng vai trò “vật liệu xây dựng”, làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lý. Chi tiết về cuộc họp của dân làng Hạ Vị trong phần đầu tác phẩm; chi tiết chú Hà quàng khăn đỏ cho Sài và Sài thay mặt đội thiếu nhi tháng Tám nói lời hứa hẹn phấn đấu; chi tiết Sài mua phở cho vợ ăn suốt ba ngày liên tục khiến cho vợ bỏ về nhà mẹ đẻ,… là những chi tiết tiêu biểu, hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Trong tác phẩm còn nhiều chi tiết thú vị khác nữa: Chi tiết Sài theo mẹ đi làm thuê rồi cay đắng nhận ra nỗi tủi nhục của kẻ đi làm thuê kiếm miếng ăn; chi tiết Sài và Hương gặp nhau và tỏ tình cùng nhau giữa mênh mông nước lụt; chi tiết ông Hà triệu tập cán bộ xã để làm rõ chuyện đồn đại về quan hệ Sài - Hương; hay như chi tiết lần đầu tiên đi chơi của Châu với Sài đã bắt đầu báo hiệu tính cách của Châu như thế nào,…Mỗi chi tiết đều được tác giả dựng lên với ý đồ nghệ thuật riêng. Nó góp phần giải thích hoặc báo hiệu cho những gì sẽ xảy ra sau đó hoặc góp phần đắc lực vào việc khắc họa tính cách nhân vật. Đây chính là điểm hấp dẫn của Thời xa vắng trong nghệ thuật xây dựng tình huống nhằm khắc họa tính cách, số phận nhân vật.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 138 trang tài liệu này.

Tính cách được khắc họa theo sự phát triển của cốt truyện và tình huống có tác dụng khẳng định rõ bản chất nhân vật. Chỉ khi trải qua những biến cố lớn lao con


Tiểu thuyết Lê Lựu thời kỳ đổi mới - 14

người ta mới thể hiện một cách đầy đủ những phần bấy lâu bị khuất lấp, bị hoàn cảnh che lấp. Khi đã có ý thức về hạnh phúc cá nhân, Sài có một tình yêu đẹp với Hương – cô bạn cùng lớp. Tình yêu ấy sẽ đơm hoa kết trái nếu Sài biết đấu tranh hết mình để bảo vệ nó. Sài đã có những khoảnh khắc đáng nhớ, đáng trân trọng khi ở bên Hương. Tình huống Hương tìm gặp Sài trong ngày nước lũ ngập mênh mông, trong một đêm trăng sáng chỉ có hai người, Sài đã mạnh dạn bộc lộ tình yêu của mình vẻn vẹn chỉ trong một câu hỏi: “Em có yêu anh thật không? [72,56]. Có lẽ hành động mạnh mẽ, bạo gan nhất của Sài trong cả cuộc đời là “luồn tay lần cởi hết hàng cúc áo sơ mi” của Hương nhưng dù “thèm muốn có đốt cháy cả người mình cũng không dám vươn tới một vùng đất mới lạ, màu mỡ, tốt tươi” [72 ,58]. Cơ hội để thay đổi số phận, thay đổi cuộc đời đã đến nhưng vì nhu nhược, yếu đuối nên Sài đã đánh mất nó.

Có thể nói, chạy trốn là đặc tính của Giang Minh Sài. Anh vào bộ đội với lí do cơ bản là trốn được cô vợ mà anh ghét cay, ghét đắng. Hơn thế, anh còn muốn trốn chạy tình yêu với Hương. Sài đau khổ vì người mình không yêu và bất hạnh vì người mình yêu. Bao suy nghĩ, đau khổ, dằn vặt Sài gửi cả vào những trang nhật kí. Vậy mà, khi cuốn nhật kí rơi vào tay người khác, Sài bị kỉ luật anh cũng không có hành động nào để bào chữa, bảo vệ mình. Sau sự việc này, Sài bị ốm và phải nằm viện. Một lần nữa Sài lại phải nhờ đến sự giúp sức của đồng đội để hồi phục. Một điểm dễ nhận thấy là sự ưu ái của Lê Lựu đối với nhân vật của mình. Sài yếu đuối, nhu nhược, nhẫn nhịn trong mọi chuyện và cứ khó khăn đến đâu anh lại nhận được sự giúp đỡ đến đó. Đây cũng chính là nguyên nhân Sài gặp vô số bi kịch trong cuộc đời. Cái sai lớn nhất của Sài là đã để số phận, cuộc đời mình trong tay người khác.

Một tình huống bi hài kịch trong tác phẩm là việc Sài gần gũi vợ theo lệnh chỉ đạo của tổ chức. Bao dồn nén, chua chát được Lê Lựu gửi cả vào chi tiết này. Những gì là thiêng liêng, cao cả, riêng tư trong đời sống vợ chồng lại được cả một tổ chức chính trị đưa ra ý kiến, lập phương án thi hành. Sài lại phải thực hiện cái việc đáng lẽ xuất phát từ cảm xúc, từ trái tim theo chỉ thị.


Cho nhân vật của mình được tự do, Lê Lựu đã để Sài tự đi tìm hạnh phúc, tự yêu cái mình yêu chứ không phải cái người khác yêu hộ mình nhưng hệ quả của lối sống phụ thuộc, sống bằng suy nghĩ của người khác là Sài vô cùng non nớt, ngờ nghệch trên đường đời. Sài ngỡ ngàng, vội vàng, choáng ngợp, lúng túng trong tình yêu với Châu để rồi cuối cùng anh phạm phải sai lầm là điều tất yếu. Châu đến với Sài đã làm thay đổi cuộc đời anh nhưng không phải theo hướng tích cực mà là tiêu cực. Trong cuộc hôn nhân với Châu, Sài thậm chí còn bi kịch hơn cả cuộc hôn nhân với Tuyết. Đặc biệt, khi miêu tả đời sống gia đình Sài trong hai lần Châu sinh nở càng khắc họa rõ nét tính cách không chỉ của Sài mà cả Châu. Bản chất là một người nông dân hiền lành, thật thàt, chân chất Sài sống với Châu và các con bằng tình cảm của một người chồng, một người cha tận tụy hết lòng vì vợ con. Khi con ốm Sài càng chăm lo, săn sóc con: “Cả mười hai ngày đêm ấy anh không hề chợp mắt một giờ, năm năm sau anh vẫn cảm thấy đau khổ khi người ta lách mãi mũi kim vào thái dương, vào trán, vào hai cổ chân tìm ven của con” [72,268]. Sài càng hiền lành nhu mì thì càng đáng thương và với Châu, Sài ngờ nghệch đến mức đáng khinh bỉ: “Trước người ta thương anh vì anh chịu khó, thật thà, chất phác. Dù có láu cá vẫn là cái láu cá của anh nhà quê chưa thể là sự lọc lõi, xảo trá. Người ta thương vì anh ngờ nghệch, dại dột trước người vợ từng trải, khôn ngoan. Ngay bây giờ, khi bình tĩnh nhất, mọi người đã có thêm một ấn tượng nữa về anh. Đó là sự ngu. Đã là thằng ngu ai cũng có quyền khinh bỉ, coi thường” [72 , 268]. Còn Châu, người phụ nữ thực dụng, quá quắt, coi thường người khác. Châu nắm được điểm yếu của chồng, cô xoay chồng, hành hạ và hắt hủi chồng một cách nhẫn tâm. Mâu thuẫn gia đình ngày một lớn và đỉnh điểm của nó là chi tiết Châu cắt đứt quai ba lô – kỉ niệm một thời khói lửa chiến tranh không bao giờ quên của anh bộ đội Giang Minh Sài. Từ đó, một kết quả tất yếu đã xảy ra là sự đổ vỡ gia đình lần thứ hai của cuộc đời Sài.

Tác phẩm Thời xa vắng với một chuỗi các tình huống, sự việc đã khắc họa rõ nét hoàn cảnh, số phận và tính cách nhân vật.


Chuyện làng Cuội là một chuỗi những sự kiện, tình huống được xây dựng trên cái nền móng cơ bản là sự lừa lọc, dối trá, thủ đoạn. Các tình huống truyện xuất hiện liên tục và chủ yếu bám sát vào các mối tình của nhân vật. Mỗi nhân vật gắn với một, hai hoặc ba mối tình. Lê Lựu đã lý giải tính cách nhân vật một cách lôgic, hợp lí, nhất quán, phù hợp với quy luật của cuộc sống và con người.

Mở đầu và kết thúc tác phẩm là cái chết của bà Đất. Từ cái xác trôi dạt của bà Đất, một loạt các tình huống được triển khai trong đó cuộc đời, số phận của cô Đất ngày nào chợt ùa về trong tâm trí của mọi người.

Cuộc đời bà Hiêu Đất cũng được dựng nên từ những mối tình. Mối tình thứ nhất là sự gặp gỡ của cô Đất hiền lành ngu ngơ với tổng Lỡi - con mọt già dâm đãng. Bằng niềm tin ngây thơ, ngu muội, cuối cùng cô Đất hiền lành phải mang tiếng chửa hoang, sinh nở và nuôi con một thân một mình nơi khỉ ho cò gáy. Việc trở thành người mẹ bất đắc dĩ đã cho thấy sự hi sinh, cam chịu của Đất.

Một tình huống cũng vô cùng bất ngờ đến với mẹ con Đất là từ người đàn bà chửa hoang, bỗng chốc Đất lại có danh là vợ của cán bộ Việt Minh, thằng Hiếu con rơi của tổng Lỡi lại có cha là liệt sĩ. Tất cả được tác giả sắp xếp hợp lí bởi cuộc đời này vốn luôn chứa đựng nhiều điều bất ngờ. Cũng từ đây mối tình thứ hai của Đất nảy nở.

Sự xuất hiện của Kiêm không chỉ đem đến cho người dân làng Cuội một làn gió cách mạng mới và còn đem đến cho Đất những cảm xúc khác lạ. Quãng thời gian được sống trong tình yêu chân thành mộc mạc của Kiêm là quãng thời gian hạnh phúc ngắn ngủi nhất trong cuộc đời dài dằng dặc những bi kịch của người phụ nữ xấu số. Chính sự giác ngộ, tiến bộ của Kiêm đã đem đến bao hệ lụy đau khổ cho gia đình anh. Một thời, chính cái bệnh ấu trĩ tả khuynh của một phần đông người dân quê bảo thủ, trì trệ đã đem đến bất hạnh tột cùng cho những người cách mạng như Kiêm.

Người mẹ bất hạnh với hai mối tình lại được chứng kiến mối tình chính thức, tự do của người con trai Lưu Minh Hiếu và cô gái tên Xuyến. Đó là mối tình tuyệt đẹp đáng ngưỡng mộ của anh Hiếu phụ trách với chị Xuyến đội trưởng đội thiếu nhi. Tuy nhiên, mối tình này chỉ là cái nền để người vợ lăng loàn của Hiếu xây thêm biết bao


mối tình vụng trộm khác. Tiêu biểu là sự qua lại của Xuyến với đội Lăng mà sau này chính Hiếu là người phát hiện ra. Đau xót là thế nhưng chính việc không thể lên tiếng, không thể đánh ghen, không thể kết tội hai kẻ gian dâm đó đã đem đến một cái nhìn mới đối với nhân vật Lưu Minh Hiếu. Chính từ đây Hiếu đã ngấm ngầm tạo dựng cho mình bản tính thâm thù, nham hiểm đáng sợ. Trước hết là sự trả thù vợ và nhân tình của vợ một cách thâm sâu, cay đắng khiến người đọc cũng phải giật mình, chua xót. Những bất ngờ được tạo ra xoay quanh nhân vật này. Hiếu yêu mụ Nho, ngủ với mụ Nho nhưng cuối cùng lại lấy Hiền – con gái mụ Nho và cặp bồ, qua lại với Linh Chi, con gái đội Lăng. Hàng loạt những sự việc đan xen, ngang trái, bất ngờ được sắp xếp khéo léo, tài tình càng chứng tỏ tài năng tạo dựng tình huống truyện của Lê Lựu.

Từ đề tài người nông dân, với Sóng ở đáy sông Lê Lựu chuyển hướng khai thác sang con người và cuộc sống thành thị. Tiểu thuyết kể về cuộc đời nhân vật Núi từ khi còn là một đứa trẻ đến khi trở thành một ông chủ xưởng mộc khi tuổi tác đã sang cái dốc bên kia của cuộc đời. Toàn bộ tác phẩm là sự sâu chuỗi hàng loạt tình huống truyện xoay quanh nhân vật Phạm Quang Núi.

Biến cố đầu tiên có ảnh hưởng to lớn đến cuộc đời Núi và các em là sự ra đi của bà mẹ. Sinh ra trong thân phận những đứa con loại hai; chịu sự ghẻ lạnh, vô tâm, hắt hủi từ cha và các anh chị con bà cả, Núi đã bị đẩy ra vỉa hè để mưu sinh quá sớm. Tình yêu tuổi học trò không giới hạn với người cô bảy đời cũng góp phần đáng kể trong việc khơi nguồn chuỗi bi kịch của đời Núi. Một đứa trẻ thông minh, ngoan ngoãn, thương yêu các em nhưng thiếu sự quan tâm, chỉ bảo của cha mẹ tất yếu cũng có thể sa ngã, phạm tội. Lê Lựu đã cảnh tỉnh sâu sắc sự ảnh hưởng của gia đình và hoàn cảnh trong việc hình thành nhân cách con người. Phải có những trải nghiệm nhất định, am hiểu cuộc sống tường tận nhà văn mới có thể tạo dựng được những tình huống không mới lạ, không độc đáo nhưng có sức thuyết phục, thay đổi toàn bộ cuộc đời, số phận nhân vật. Đồng thời tác giả cũng cân nhắc, lựa chọn đặt các nhân vật khác như ông Đại, Hiền, Mai, Hồng tham gia vào từng tình huống nhất định đủ để nhân vật thể hiện tính cách trọn vẹn và đầy đủ. Nếu Mai là người đàn bà lăng loàn, chua ngoa, xảo trá thì


Hồng lại là người phụ nữ tháo vát, đảm đang, giàu lòng tự trọng. Khi Núi đang vùng vẫy sống trong tuyệt vọng thì Hồng đã đến bên anh, nâng đỡ anh đứng dậy. Những tưởng hạnh phúc sẽ mỉm cười với Núi nhưng rồi Mai trở về với đứa con gái trên tay. Cô ta giành giật, lăng mạ, chửi rủa Hồng. Vì đứa con Núi đã không thể giữ Hồng ở lại. Nếu Núi không làm như vậy thì có lẽ câu chuyện sẽ kết thúc ở đây. Cuộc đời Núi sẽ không gánh tiếp nhiều bi kịch. Nhưng Lê Lựu với biệt tài tạo dựng tình huống đã để cho cuộc đời, số phận của các nhân vật tiến triển một cách tự nhiên không gượng ép.

Tiểu thuyết Hai nhà cũng ôm chứa nhiều tình huống nhưng không có nhiều tình huống mang tính điển hình. Tác phẩm xoay quanh câu chuyện gia đình giữa hai nhà với những sự kiện mang tính sinh hoạt đời thường.

Tình huống đầu tiên cần nhắc đến là màn đánh ghen ngược giữa Linh Anh và bà Nhân. Cả hai đều là người tình của chú Thiệt. Linh Anh thiếu chút nữa đã đổ axit lên mặt và lấy dao đâm bà Nhân nếu không có người đi đường kịp can ngăn. Hành động này cho thấy Linh Anh và bà Nhân là những người phụ nữ lăng loàn, lừa chồng dối con. Họ sẵn sàng bỏ qua mọi lời dị nghị, sẵn sàng xấu mặt với thiên hạ để tranh giành tình yêu từ một gã đàn ông trăng hoa cũng lừa vợ, dối con. Qua tình huống này, không chỉ bản chất, tính cách của Linh Anh và bà Nhân được khắc họa rõ nét mà đứng đằng sau họ, hai ông chồng là Tâm và ông Địa cũng bộc lộ bản chất. Đó là hai người chồng, hai người cha nhu nhược, đớn hèn. Họ bị vợ cắm lên đầu chi chít không biết bao nhiêu cái sừng. Giá như họ mạnh mẽ, quyết đoán hơn thì có lẽ tất cả đã không rơi vào bi kịch.

Tình huống thứ hai khắc họa đậm nét nhân vật Tâm là việc Tâm đọc được cuốn nhật kí của Linh Anh và cách Tâm ứng xử với tình huống đó. Mặc dù biết toàn bộ bản chất sự việc nhưng Tâm vẫn yếu ớt sống trong tâm lí sợ hãi, nhu nhược. Dù đau đớn nhưng anh vẫn không thể chia tay vợ: “Anh thấy tiêng tiếc, thấy chống chếnh, thấy vô lí và đau đớn không thể tưởng tượng tại sao Linh Anh không phải là vợ anh”, để rồi “anh lại tiếp tục ngong ngóng chờ đợi, lắng nghe và làm theo ý chủ” [80, 244].


Tình huống nổi bật cuối cùng là phần kết thúc tác phẩm. Đó là một kết thúc bất ngờ, ngỡ ngàng đầy kịch tính. Cái chết của bác Địa với lá thư tuyệt mệnh dường như cũng là đòn chí tử giết chết niềm tin vào cuộc sống và con người nơi Tâm. Không chỉ Tâm mà ngay cả người đọc cũng vô cùng bàng hoàng, ngỡ ngàng trước kết thúc này. Cái chết hoàn toàn của bác Địa và cái chết tâm hồn của Tâm là hệ quả tất yếu của lối sống nhu nhược, yếu đuối.

Nếu những sự kiện nổi bật được ví như chiếc cột sống thì những sự kiện nhỏ hơn tựa như chiếc khung xương bao trùm, nâng đỡ, bổ sung cho sự kiện chính. Chúng được đưa vào tác phẩm khéo léo, lôgic tạo sự mạch lạc, hợp lí cho cốt truyện. Những chi tiết như Linh Anh mang thai, sinh con; Tâm giúp Thương- con gái ông Địa và bà Nhân đi nước ngoài; rồi cảnh hai nhà trí thức đêm đêm trông ngóng nước chảy; cảnh sinh hoạt, cãi cọ, làm lành… của hai gia đình được kể tự nhiên, sinh động đôi khi pha chút giọng điệu trào lộng, hài hước.

Có thể khẳng định Lê Lựu có biệt tài trong việc xây dựng tình huống để thử sức nhân vật. Nhân vật thường không được chú ý nhiều đến ngoại hình mà chủ yếu tự bộc lộ qua suy nghĩ, hành động. Tình huống được tạo dựng một cách sinh động, gay cấn đến ngạt thở khiến độc giả cũng được phiêu lưu, bất ngờ trong những thử thách tác giả đặt ra cho nhân vật. Những tình huống tác giả tạo dựng để nhân vật vượt qua rồi tự nhận thức mình đều mang tính khách quan. Đúng như nhận xét của một nhà nghiên cứu: “Tác giả đặt nhân vật của mình trong những đối lập: Đối lập giữa cái mới và cái cũ; giữa nông thôn quê mùa và phố phường; giữa sự thật và giả dối; giữa yêu thương và bất hạnh… để làm nổi bật cái xấu và cái tốt, cái bình thường và cái kì dị… trong mỗi nhân vật và giữa các nhân vật với nhau. Lê Lựu thường không bình phẩm, đánh giá mà để nhân vật tự bộc lộ”.

3.5.2. Nghệ thuật miêu tả ngoại hình nhân vật

Nhân vật trong tác phẩm văn học tồn tại được không chỉ ở việc khắc họa tính cách mà còn ở ngoại hình. Với đại đa số tác phẩm, ngoại hình rất được nhà văn chú

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 22/02/2024