Tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang theo hướng phát triển bền vững - 2

DANH MỤC CÁC HÌNH VẼ, BẢN ĐỒ, BIỂU ĐỒ‌


Hình vẽ, bản đồ, biểu đồ

Hình 1.1: Bản đồ hành chính tỉnh An Giang

Hình 2.2: Biểu đồ số lượng cơ sở lưu trú và cơ sở lưu trú được xếp sao ở An Giang

Hình 2.3: Bản đồ hiện trạng phân bố tài nguyên du lịch tỉnh An Giang Hình 2.4: Biểu đồ thu nhập du lịch An Giang từ 2005 – 2009

Hình 3.1: Bản đồ định hướng tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang

MỞ ĐẦU‌


1. Lí do chọn đề tài‌

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 91 trang tài liệu này.

Trong xu thế hiện nay, cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế thì du lịch đã dần trở thành một ngành quan trọng, giữ vị trí then chốt mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường ở nhiều quốc gia trên thế giới cũng như ở Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng.

An Giang là một tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long có thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và nhân văn, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng và vật chất kỹ thuật, An Giang đã tận dụng được nguồn tài nguyên về du lịch để phát triển mạnh các loại hình du lịch trong thời gian gần đây và đã đạt được kết quả đáng kể trong lĩnh vực này, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của An Giang. Bên cạnh những mặt mạnh khai thác được, việc tổ chức lãnh thổ du lịch của An Giang vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết cũng như tồn tại nhiều hạn chế trong quá trình phát triển du lịch. Trước thực trạng trên tôi quyết định chọn đề tài: "Tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang theo hướng phát triền bên vững" làm luận văn tốt nghiệp.

Tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang theo hướng phát triển bền vững - 2

2. Lịch sử nghiên cứu của đề tài‌

Tổ chức là một du lịch là một khái niệm còn khá mới mẻ nhưng đã được chú ý rất nhiều trong thời gian gần đây. Vấn đề tổ chức lãnh thổ du lịch sao cho khai thác du lịch nhằm mục đích bảo tồn và phát triển bền vững, đồng thời cải thiện đời sống nhân dân địa phương trong đó hoạt động giáo dục môi trường là yếu tố cơ bản. Trong những năm gần đây khách du lịch quốc tế thường nhắm đến các nước nhiệt đới với mục đích hướng về tự nhiên. Năm 1995, Viện nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam đã thực hiện đề tài "Hiện trạng và những định hướng cho công tác quy hoạch phát triển du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long", nghiên cứu này căn cứ vào tiềm năng du lịch đã đề xuất các loại hình du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long như: du lịch sông nước, tham quan miệt vườn, vui chơi giải trí và du lịch vùng biển,... Năm 1998, công trình nghiên cứu của Phan Huy Xu và Trần Văn Thành về "Đánh giá tài nguyên du lịch tự nhiên và định hướng khai thác du lịch sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long", công trình này xây dựng cơ sở khoa học cho việc thiết kế các tuyến điểm, cụm du lịch

sinh thái vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các đề tài nghiên cứu trên về cơ bản đã định hình được việc tổ chức lãnh thổ du lịch ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tại An Giang việc tổ chức rà soát, đánh giá tiềm năng du lịch của tỉnh cũng đã được tiến hành nhằm thống kê tài nguyên du lịch của tỉnh và đã đề ra các giải pháp tổ chức lãnh thổ cho phù hợp với tài nguyên của tỉnh.

3. Mục tiêu và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài‌

3.1. Mục tiêu của đề tài‌

Đề tài tập trung nghiên cứu các tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh An Giang, trong đó đi sâu vào tìm hiểu thực trạng tổ chức lãnh thổ du lịch của tỉnh An Giang trên cơ sở đó đưa ra những định hướng và giải pháp phát để tổ chức lãnh thổ du lịch của tỉnh theo hướng phát triển bền vững.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài‌

Trên cơ sở có chọn lọc những vấn đề lí luận về tổ chức lãnh thổ du lịch và phát triển bền vững làm cơ sở cho việc thực hiện đề tài. Phân tích thực trạng phát triển du lịch cũng như thực trạng tổ chức lãnh thổ, đề xuất các định hướng và giải pháp để tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang trong tương lai, nhằm phát huy tiềm năng du lịch của tỉnh.

4. Giới hạn - phạm vi nghiên cứu của đề tài‌

Xuất phát từ thực tiễn tổ chức lãnh thổ du lịch của tỉnh, phạm vi nghiên cứu của đề tài chủ yếu tập trung ở các nội dung sau:

- Cơ sở lí luận về tổ chức lãnh thổ và phát triển bền vững;

- Tiềm năng và thực trạng phát triển du lịch tỉnh An Giang;

- Định hướng và giải pháp tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang theo hướng phát triển bền vững.

Về mặt lãnh thổ, đề tài được nghiên cứu chủ yếu trên địa bàn tỉnh An Giang, tập trung vào các điểm, khu du lịch, bên cạnh đó còn tìm hiểu mối quan hệ với các tỉnh khác trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh tiếp giáp.

5. Quan điểm và phương pháp nghiên cứu của đề tài‌

5.1. Quan điểm nghiên cứu‌

- Quan điểm tổng hợp: đây là quan điểm nhằm nghiên cứu một cách tổng hợp tất cả các nhân tố ảnh hưởng đến tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang, nghiên cứu mối quan hệ tác động của các điều kiện tự nhiên, tài nguyên du lịch, các nhân tố kinh tế xã hội và sự biến động của chúng đối với tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang, từ đó có thể đưa ra những định hướng và giải tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang một cách hợp lí và hiệu quả.

- Quan điểm lịch sử viễn cảnh: trong quá trình nghiên cứu cần chú ý đến nguồn gốc lịch sử đối tượng mà đề tài nghiên cứu, từ đó lý giải được sự hình thành phát triển của đối tượng, mà cụ thể ở đây là xem xét việc tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang trong quá khứ, thực trạng phát triển hiện tại và đề ra những định hướng phát triển trong tương lai.

- Quan điểm sinh thái: bản chất của tổ chức lãnh thổ du lịch là dựa trên môi trường tự nhiên, trong quá trình nghiên cứu phải hết sức chú ý tới mối tương tác của hoạt động du lịch và môi trường sinh thái. Phải xem xét một cách toàn diện tác động của môi trường đến tổ chức lãnh thổ du lịch và ảnh hưởng của hoạt động của tổ chức lãnh thổ du lịch. Dự báo được những nguy cơ, tác hại hoạt động du lịch có thể gây ra cho môi trường để từ đó có những biện pháp bảo vệ môi trường đảm bảo cho hoạt động du lịch An Giang phát triển.

- Quan điểm phát triển du lịch bền vững: du lịch dù có phát triển đến đâu cũng cần mang tính bền vững. Trong quá trình nghiên cứu phải xem du lịch bền vững còn có ý nghĩa rộng hơn cả việc bảo vệ môi trường thiên nhiên đó là phải xem xét một cách hợp lí nhất, thỏa đáng nhất các yếu tố về con người, cộng đồng dân cư, văn hóa, phong tục tập quán, lối sống,... đảm bảo cho du lịch phát triển cả trong hiện tại và tương lai.

5.2. Phương pháp nghiên cứu‌

Trong quá trình thực hiện đề tài đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau:

- Phương pháp đánh giá tổng hợp so sánh: trong hầu hết các tài liệu có được đều liên quan đến vấn đề tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang, hầu như các tài liệu đều rất

rộng và khó có được cụ thể cho một đề tài nghiên cứu nên dựa vào những tài liệu này phân tích, tổng hợp, so sánh và rút ra những gì cần thiết và quan trọng cho đề tài, sắp xếp lại theo trình tự một cách khoa học và logic.

- Phương pháp thống kê, biểu đồ: khi thu thập tài liệu liên quan đến tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang, nguồn tư liệu rất đa dạng và phong phú nên phương pháp này giúp lựa chọn, xử lý thiết lập thành hệ thống để phục vụ cho việc nghiên cứu. Nguồn thông tin, số liệu được thu thập từ nhiều nguồn tư liệu: cơ quan thống kê, sách báo, các bài nghiên cứu khoa học, mạng internet,... để đảm bảo khối lượng thông tin đầy đủ, chính xác đáp ứng cho việc nghiên cứu đề tài. Bên cạnh đó cũng sử dụng phương pháp biểu đồ, dựa vào nguồn số liệu thống kê để xây dựng thành các biểu đồ, thể hiện các con số một cách trực quan, sinh động, dễ nhìn ra vấn đề và cũng để minh họa cho vấn đề.

- Phương pháp bản đồ: đây là phương pháp nghiên cứu truyền thống trong Địa lý, phản ánh những đặc điểm không gian, sự phân bố các tài nguyên du lịch, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Sử dụng các bản đồ thể hiện địa hình, thổ nhưỡng, hành chính đến các bản đồ du lịch, là cơ sở để phân tích và phát hiện quy luật hoạt động của hệ thống lãnh thổ du lịch, trên cơ sở đó đưa ra định hướng phát triển và tổ chức hoạt động du lịch trong tương lai.

- Phương pháp thực địa: đây là một phương pháp cần thiết cho một nghiên cứu về tổ chức lãnh thổ du lịch ở một vùng cụ thể, bên cạnh đó có thể kết hợp với phương pháp điều tra xã hội học nghiên cứu nhu cầu của du khách, nắm bắt được sở thích thị hiếu của du khách qua hình thức phỏng vấn, điều tra. Phương pháp này giúp nắm bắt được thị trường tiềm năng, thị trường mục tiêu, nắm bắt được nguyện vọng không chỉ của khách du lịch mà ngay cả những người làm công tác phục vụ du lịch và quản lí du lịch.

Ngoài ra còn sử dụng nhiều phương pháp: trao đổi, phỏng vấn thầy cô, bạn bè, sử dụng các phần mềm trong địa lí để thành lập bản đồ cần thiết.

6. Cấu trúc luận văn‌

Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của luận văn gồm 3 chương:

- Chương 1: Một số vấn đề lí luận về tổ chức lãnh thổ và phát triển bền vững.

- Chương 2: Các nhân tố ảnh hưởng và thực trạng tổ chức lãnh thổ du lịch tỉnh An Giang.

- Chương 3: Định hướng và giải pháp tổ chức lãnh thổ du lịch An Giang theo hướng phát triển bền vững.

Chương 1 MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÍ LUẬN VỀ TỔ CHỨC LÃNH THỔ DU LỊCH VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG‌


1.1. Du lịch và vai trò của du lịch‌

1.1.1. Khái niệm du lịch‌

Thuật ngữ du lịch bắt nguồn từ tiếng Hy lạp với ý nghĩa là đi một vòng. Thuật ngữ này được latinh hóa thành tornus và sau đó thành touriste (tiếng Pháp), tourism (tiếng Anh). Theo Robert Lanquar từ touriste lần đầu tiên xuất hiện trong tiếng Anh vào khoảng năm 1800.

Trong tiếng Việt, thuật ngữ touriste được dịch thông qua tiếng Hán. Du nghĩa là đi chơi, lịch có nghĩa là từng trải.

Du lịch là một khái niệm bao hàm nội dung kép. Một mặt nó mang ý nghĩa thông thường của từ: việc đi lại của con người với mục đích nghỉ ngơi, giải trí... Mặt khác, du lịch được nhìn nhận dưới một góc độ khác như là hoạt động gắn chặt với những kết quả kinh tế (sản xuất, tiêu thụ) do chính nó tạo ra.

Du lịch là một dạng hoạt động của dân cư trong thời gian rỗi, liên quan tới sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức văn hóa hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên, kinh tế và văn hóa (I.I Pirogionic-1985).

1.1.2. Vai trò của du lịch‌

- Giữ gìn, phục hồi sức khỏe và tăng cường sức sống cho du khách.

Du lịch còn đáp ứng được nhu cầu về vui chơi, giải trí, tìm hiểu thiên nhiên, xã hội, nâng cao trình độ hiểu biết, khả năng học hỏi của con người. Nhiều công trình nghiên cứu Y - Sinh học cho thấy: nhờ chế độ nghỉ ngơi và du lịch tối ưu, bệnh tật của dân cư trung bình giảm 30%, bệnh hô hấp giảm 40%, bệnh tim mạch giảm 50%, bệnh thần kinh giảm 30%, bệnh về đường tiêu hóa giảm 20%... Đồng thời, du lịch là cơ sở giúp người ta bảo tồn các nền văn hóa, tôn tạo lại các di tích lịch sử, các công trình văn hóa, phục hồi các khu phố cổ, phục chế các di phẩm văn hóa... Qua việc tiếp xúc với

những thành tựu văn hóa phong phú và lâu đời của các dân tộc, du lịch làm tăng thêm lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết quốc tế, hình thành phẩm chất đạo đức tốt đẹp, góp phần hoàn thiện nhân cách của mỗi cá nhân trong xã hội.

- Đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ du lịch, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động.

Nhiều quốc gia, khu vực thông qua việc thỏa mãn thị trường hàng hóa và dịch vụ du lịch đối với du khách đã có cơ hội làm giàu. Vì vậy, du lịch đã kích thích sự phát triển của sản xuất, là nguồn thu ngoại tệ lớn của nhiều quốc gia. Các quốc gia càng phát triển thì vai trò của ngành du lịch càng lớn, chiếm tỷ trọng càng nhiều trong cơ cấu nền kinh tế.

- Góp phần sử dụng hợp lí nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Nhờ sự phát triển của du lịch mà nhiều giá trị về tự nhiên, nhân văn được tái phát hiện, được tôn tạo, được bảo tồn và phát triển, được biến thành các giá trị kinh tế. Rất nhiều vùng núi, ven biển không thuận lợi cho phát triển và phân bố các ngành công nghiệp hay nông nghiệp, nhưng cảnh quan thiên nhiên lại rất độc đáo, môi trường không bị ô nhiễm, đó là những địa điểm lí tưởng cho du lịch.

Việc làm quen với các danh thắng và môi trường thiên nhiên bao quanh trong quá trình du lịch còn tạo điều kiện cho du khách hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, hình thành quan niệm và thói quen bảo vệ tự nhiên. Như vậy nó đã góp phần giáo dục cho du khách về mặt sinh thái học.

- Du lịch như là một nhân tố củng cố hòa bình, đẩy mạnh các mối giao lưu quốc tế, mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, các quốc gia.

Thông qua việc giao lưu, tìm hiểu về thiên nhiên, xã hội, các nét đẹp văn hóa... của dân cư ở các vùng, miền khác nhau trên thế giới làm cho con người sống ở các quốc gia, các châu lục khác nhau hiểu biết nhau và xích lại gần nhau hơn.

1.1.3. Các loại hình du lịch‌

Hoạt động du lịch đa dạng và phong phú, có thể chia thành các loại hình sau:

- Theo nhu cầu của khách: du lịch chữa bệnh, du lịch nghỉ ngơi, du lịch văn hóa, du lịch công vụ, du lịch tôn giáo, du lịch thể thao...

- Theo phạm vi lãnh thổ: du lịch trong nước, du lịch quốc tế...

Xem tất cả 91 trang.

Ngày đăng: 29/04/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí