Vị Trí Tổ Chức Lãnh Thổ Du Lịch Trong Tổ Chức Lãnh Thổ Xã Hội

- Theo vị trí địa lí của các cơ sở du lịch: du lịch biển, du lịch núi.

- Theo thời gian cuộc hành trình: du lịch ngắn ngày, du lịch dài ngày.

- Theo hình thức tổ chức: du lịch có tổ chức, du lịch cá nhân.

- Theo phương tiện sử dụng: du lịch ô tô, du lịch xe đạp, du lịch máy bay, du lịch tàu thủy...

1.2. Tổ chức lãnh thổ du lịch‌

1.2.1. Quan niệm về tổ chức lãnh thổ du lịch

Tổ chức lãnh thổ xã hội gồm hai hình thức chủ yếu: tổ chức lãnh thổ nền sản xuất xã hội và tổ chức lãnh thổ địa bàn cư trú con người.

Tổ chức lãnh thổ nền sản xuất xã hội bao gồm hàng loạt các hình thức tổ chức lãnh thổ cấp thấp hơn với tư cách là các ngành kinh tế như: tổ chức lãnh thổ công nghiệp, tổ chức lãnh thổ nông nghiệp... Các hình thức này nếu được tổ chức hợp lí thì sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao hiệu quả kinh tế của nền sản xuất xã hội.

Du lịch được hiểu "là một dạng hoạt động của cư dân trong thời gian nhàn rỗi, liên quan tới sự di chuyển và lưu lại tạm thời bên ngoài nơi cư trú thường xuyên nhằm nghỉ ngơi chữa bệnh, phát triển thể chất và tinh thần, nâng cao trình độ nhận thức và văn hóa hoặc thể thao kèm theo việc tiêu thụ những giá trị về tự nhiên kinh tế và văn hóa" (I.I.Pirôgiônic, 1985). Là một dạng hoạt động của con người, du lịch cũng có các chức năng: chính trị, kinh tế, xã hội, sinh thái.

Trong nghiên cứu du lịch, tổ chức lãnh thổ là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu, bởi vì không thể tổ chức và quản lí có hiệu quả hoạt động du lịch nếu không xem xét khía cạnh không gian lãnh thổ của nó, để hoạt động du lịch phát triển hiệu quả, vừa mang tính chất nghỉ ngơi, chữa bệnh... vừa là một ngành kinh tế mũi nhọn của nhiều nước trên thế giới, tổ chức lãnh thổ du lịch phải hợp lí khoa học.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 91 trang tài liệu này.

Thực tế, tổ chức lãnh thổ du lịch chính là sự phân hóa không gian của du lịch căn cứ trên các điều kiện tài nguyên du lịch, hiện trạng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật và lao động ngành cùng các mối liên hệ với điều kiện phát sinh của ngành với các ngành khác, với các địa phương khác và rộng hơn là mối liên hệ với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sơ đồ 1 1 Vị trí tổ chức lãnh thổ du lịch trong tổ chức lãnh thổ xã hội 1

Sơ đồ 1.1: Vị trí tổ chức lãnh thổ du lịch trong tổ chức lãnh thổ xã hội

Như vậy, hiểu một cách đơn giản nhất, tổ chức lãnh thổ du lịch là một hệ thống liên kết không gian của các đối tượng du lịch và các cơ sở phục vụ có liên quan, dựa trên việc sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên du lịch (tự nhiên và văn nhân), kết cấu hạ tầng và các nhân tố khác nhằm đạt hiệu quả (kinh tế, xã hội, môi trường) cao nhất

1.2.2. Vai trò của tổ chức lãnh thổ du lịch‌

Việc nghiên cứu tổ chức lãnh thổ du lịch và xây dựng các hình thức tổ chức theo không gian hợp lí giúp cho hoạt động du lịch có điều kiện để sử dụng hợp lí và khai thác có hiệu quả các nguồn lực vốn có của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng. Sự hình thành các hình thức tổ chức lãnh thổ du lịch phù hợp chính là chìa khóa để sử dụng hợp lí và hiệu quả hơn các nguồn du lịch, đặc biệt là tài nguyên du lịch - điều kiện cần thiết để phát triển du lịch.

Nghiên cứu tổ chức lãnh thổ du lịch tạo điều kiên đẩy mạnh chuyên môn hóa du lịch. Khi nền sản xuất đã phát triển, nhu cầu du lịch càng cao thì sự chuyên môn hóa du lịch càng sâu sắc, thông thường ngành du lịch có 4 hướng chuyên môn hóa sau:

Chuyên môn hóa theo loại hình dịch vụ. Chuyên môn hóa theo du lịch.

Chuyên môn hóa theo giai đoạn của quá trình du lịch. Chuyên môn hóa theo các công đoạn sản xuất dịch vụ du lịch.

Nghiên cứu tổ chức lãnh thổ du lịch nói chung và vạch ra các tuyến, điểm du lịch trên một đơn vị lãnh thổ nói riêng, góp phần quan trọng trong việc tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc có khả năng thu hút khách du lịch, nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Tài nguyên du lịch chỉ được khai thác và sử dụng có hiệu quả nhằm tạo ra những sản phẩm du lịch đáp ứng yêu cầu khi có sự tổ chức lãnh thổ du lịch và việc xây dựng các tuyến, điểm du lịch hợp lí.

Việc tổ chức lãnh thổ du lịch tốt không những góp phần làm ra lợi ích, làm thay đổi bộ mặt kinh tế của mỗi vùng và cộng đồng, mà còn thúc đẩy vấn đề kiểm soát môi trường, bảo tồn di sản văn hóa và thúc đẩy sự phát triển kinh tế ở cả những nơi không phong phú tài nguyên. Tổ chức lãnh thổ du lịch cũng tạo sự thúc đẩy con người và các quốc gia trên thế giới xích lại gần nhau, làm cho du lịch có tính trao đổi xuyên văn hóa.

Tuy nhiên, tổ chức lãnh thổ du lịch không có tính thống nhất và khoa học sẽ gây ra nhiều thiệt hại như làm mất đi những lợi ích kinh tế tiềm năng, suy giảm môi trường, làm mất đi sự thống nhất bản sắc văn hóa.

Vì vậy, để đạt được lợi ích du lịch và hạn chế tối đa những vấn đề nảy sinh, việc tổ chức tốt và quản lí có hiệu quả du lịch là rất cần thiết.

1.2.3. Mục tiêu của tổ chức lãnh thổ du lịch‌

Tổ chức lãnh thổ du lịch có thể cung cấp một sự cải thiện về du lịch nếu như nó hướng trực tiếp đến hàng loạt các mục tiêu chủ yếu. Ở đây những mục tiêu được xác định dựa trên sự khác nhau của các đối tượng du lịch. Các đối tượng du lịch đó phải thật sự cụ thể, rõ ràng để công tác tổ chức du lịch được diễn ra một cách thuận lợi và đồng bộ trong một thời gian nhất định. Những mục tiêu này là tiền đề đối với sự hình thành ý tưởng cũng như xác định mục đích và cung cấp một nền tảng thống nhất cho sự xác nhận của các chính sách du lịch. Theo Clare A.Gunn (1993) có 4 mục tiêu cơ bản khi tiến hành công tác tổ chức lãnh thổ du lịch:

+ Đáp ứng sự hài lòng và thỏa mãn của khách du lịch.

+ Đạt được những thành quả về kinh doanh và kinh tế.

+ Bảo vệ nguồn tài nguyên du lịch.

+ Sự thống nhất ở vùng du lịch và cộng đồng.

Các mục tiêu trên phải được xem như là những động cơ thúc đẩy đối với tất cả những nhà nghiên cứu, các cơ quan hữu quan tham gia vào dự án phát triển du lịch có tính chiến lược và đối sách cần thiết nhằm thực hiện được chúng, đối với cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng.

1.3. Các nhân tố ảnh hưỏng tới tổ chức lãnh thổ du lịch‌

1.3.1.Tài nguyên du lịch tự nhiên‌

Tài nguyên du lịch tự nhiên là các đối tượng, hiện tượng trong môi trường tự nhiên xung quanh chúng ta được lôi cuốn vào việc phục vụ cho mục đích du lịch.

Các thành phần tự nhiên với tư cách là tài nguyên du lịch có tác động mạnh nhất đến hoạt động này là địa hình, khí hậu, nước, động - thực vật.

- Địa hình:

Ảnh hưởng quan trọng của địa hình đến du lịch là các đặc điểm hình thái của địa hình và các dạng địa hình đặc biệt có sức hấp dẫn du khách.

Về mặt hình thái của địa hình, với các dạng địa hình cơ bản là: đồng bằng, địa hình đồi và địa hình miền núi.

Địa hình đồng bằng do đơn điệu về hình thái, ít hấp dẫn khách du lịch. Nhưng đây lại là địa bàn kinh tế xã hội phát triển và lâu đời. Thông qua các hoạt động sản xuất, văn hóa xã hội của con người, miền địa hình này có ảnh hưởng gián tiếp đến du lịch.

Địa hình vùng đồi thường là nơi có không gian thoáng đãng thích hợp cho các hoạt động dã ngoại, cắm trại, tham quan,…Nơi đây cũng có truyền thống sản xuất lâu đời, dân cư tập trung đông đúc; thường là nơi có nhiều di tích khảo cổ, tài nguyên văn hóa lịch sử độc đáo, phát triển loại hình du lịch tham quan theo chuyên đề.

Miền núi có ý nghĩa lớn nhất đối với du lịch. Khu vực này thuận lợi cho nghỉ ngơi, an dưỡng, tổ chức hoạt động thể thao mùa đông. Miền núi còn là tập trung nhiều loài động thực vật, cùng với cảnh quan địa hình tạo nên tài nguyên du lịch tổng hợp có giá trị cho phát triển du lịch.

Các dạng địa hình đặc biệt hấp dẫn du khách nhất là địa hình karstơ và địa hình ven biển.

+ Địa hình karstơ là kiểu địa hình được tạo thành do sự lưu thông của nước trong các đá dễ hòa tan (đá vôi, đôlômit, thạch cao...). Ở nước ta chủ yếu là đá vôi. Một trong những dạng địa hình karstơ được quan tâm nhất đối với du lịch là các hang động karstơ. Trên thế giới có khoảng 650 hang động với 25 hang dài nhất, 25 hang sâu nhất. Điển hình có: Hang Sistema de Trave (Tây Ban Nha) sâu 1380 m, hang Flint Mammauth Cave System (Hoa Kì) dài 530 km, hang Optimistices Kaya (Ucraina)...

Ở nước ta, hang động karstơ tuy không sâu, không dài, nhưng phong cảnh rất đẹp. Động Phong Nha (Bố Trạch - Quảng Bình) dài gần 8 km, cao 10 m là hang nước đẹp vào loại bậc nhất thế giới. Ngoài ra phải kể đến Bích động (Ninh Bình), Hương Tích (Hà Tây), hang Bồ Nâu, hang Luồn (Quảng Ninh), vịnh Hạ Long...

+ Địa hình ven biển có ý nghĩa quan trọng đối với du lịch, có thể khai thác để phát triển nhiều loại hình du lịch như tham quan, nghỉ mát, tắm biển, thể thao dưới nước, tham quan hệ sinh thái đảo ven bờ... Để đánh giá mức độ thuận lợi cho du lịch của các bãi biển, có nhiều tiêu chí như: dài, rộng, độ mịn của cát, độ dốc, độ mặn, độ trong của nước... Du lịch biển là loại hình thu hút du khách đông nhất. Ở Việt Nam những bãi tắm đẹp nhất kéo dài liên lục từ Đại Lãnh đến Nha Trang. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch biển có khả năng cạnh tranh với các nước trong du lịch.

- Khí hậu:

Khí hậu cũng là một tài nguyên du lịch khá quan trọng. Trong đó hai yếu tố của khí hậu: nhiệt độ và độ ẩm không khí là quan trọng nhất. Ngoài ra gió, áp suất khí quyển, số giờ nắng, sự phân mùa và các hiện tượng thời tiết đặc biệt có tác động đến tổ chức du lịch.

Đặc biệt là sự phân mùa của khí hậu làm cho du lịch có tính mùa rõ rệt. Các vùng khác nhau trên thế giới có mùa du lịch khác nhau do ảnh hưởng của các yếu tố khí hậu. Phụ thuộc vào điều kiện khí hậu hoạt động du lịch có thể diễn ra quanh năm hoặc chỉ một số tháng.

+ Mùa đông: là mùa du lịch trên núi, đặc biệt là loại hình du lịch thể thao.

+ Mùa hè: là mùa du lịch quan trọng nhất vì có thể phát triển nhiều loại hình du lịch, đặc biệt là du lịch biển, trên núi, các loại hình du lịch ngoài trời.

+ Mùa du lịch cả năm: thích hợp với du lịch núi, nước khoáng chữa bệnh. Các

vùng khí hậu nhiệt đới và xích đạo mùa du lịch hầu như là cả năm.

Đối với tổ chức các dịch vụ du lịch, các tuyến du lịch cần chú ý đến các hiện tượng thời tiết đặc biệt làm cản trở kế hoạch du lịch như bão, gió mùa, gió phơn, lũ lụt, mùa mưa.

Thông thường du khách thường ưa thích những điểm du lịch không quá nóng, quá lạnh, quá ẩm, quá khô hay nhiều gió.

- Nguồn nước:

Tài nguyên nước phục vụ du lịch gồm có nước trên bề mặt và nước dưới đất (nước khoáng).

Tài nguyên nước trên bề mặt bao gồm mạng lưới sông ngòi, ao, hồ nước ngọt và nước mặn. Nó có ý nghĩa lớn trong việc cung cấp nước cho các khu du lịch, phát triển các loại hình du lịch đa dạng như: hồ, sông nước...

Trong tài nguyên nước cần phải nói đến nước khoáng với giá trị chủ yếu cho du lịch an dưỡng và chữa bệnh.

Nước khoáng là nước thiên nhiên có một số thành phần vật chất đặc biệt (các nguyên tố hóa học, các khí, các nguyên tố phóng xạ...) hoặc có một số tính chất vật lí (nhiệt độ, độ pH...) có tác dụng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là để chữa bệnh. Các nguồn nước khoáng là cơ sở để phát triển du lịch chữa bệnh, an dưỡng.

Phân theo tác dụng chữa bệnh của các nguồn nước khoáng có các nhóm sau: Nhóm nước khoáng cacbonic: là nhóm nước khoáng quý có công dụng giải khát,

chữa một số bệnh cao huyết áp, xơ vữa động mạch nhẹ, các bệnh về thần kinh ngoại

biên. Tiêu biểu trên thế giới là nước khoáng Vichy của Pháp, nước ta có nước khoáng Vĩnh Hảo (Ninh Thuận).

Nhóm nước khoáng silic: có tác dụng chữa một số bệnh về đường tiêu hóa, thần kinh, thấp khớp, phụ khoa. Ở nước ta có nước khoáng Kim Bôi (Hòa Bình), Hội Vân (Bình Định)

Nhóm nước khoáng Brom - iot - bo: Có tác dụng chữa bệnh ngoài da, thần kinh, phụ khoa...Việt Nam có nước khoáng Quang Hanh (Cẩm Phả - Quảng Ninh) và Tiên Lãng (Hải Phòng).

Ngoài ra còn một số nhóm khác: sunfuahydro, asen - fluo, liti...cũng có giá trị với du lịch - nghỉ ngơi, chữa bệnh.

- Sinh vật:

Tài nguyên sinh vật là loại hình du lịch sinh thái, trong đó các khu bảo tồn thiên nhiên có vai trò quan trọng. Có những hệ sinh thái, sinh vật phục vụ cho tham quan du lịch như: các thảm thực vật phong phú, độc đáo và điển hình (rừng nhiệt đới ẩm thường xanh, rừng ngập mặn...) có các loài động vật quý hiếm (chim, thú...), các loài đặc sản phục vụ cho ẩm thực hoặc các loài phổ biến có thể săn bắn... Ngoài ra, sinh vật còn phục vụ cho mục đích nghiên cứu khoa học như ở những khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia. Ở nước ta, điển hình có rừng Cúc Phương, Cát Bà, Cát Tiên, Kẻ Bàng, Bà Nà...

Tài nguyên du lịch tự nhiên có tính chất tổng hợp và giá trị cao trong du lịch là các Di sản thiên nhiên thế giới. Việt Nam có 2 di sản thiên nhiên thế giới là Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), động Phong Nha (Quảng Bình).

Ngày nay thị hiếu về du lịch ngày càng đa dạng, con người hướng về thiên nhiên nhiều hơn, thích du lịch sinh thái hơn. Do vậy tài nguyên du lịch sinh vật có ý nghĩa rất quan trọng.

1.3.2. Tài nguyên du lịch nhân văn‌

- Khái niệm:

Tài nguyên du lịch nhân văn là những đối tượng, hiện tượng do con người tạo ra trong quá trình phát triển. Tài nguyên du lịch nhân văn gồm truyền thống văn hóa, các yếu tố văn hóa, văn nghệ dân gian, di tích lịch sử, di tích cách mạng, khảo cổ, kiến trúc, các công trình lao động sáng tạo của con người và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác có thể được sử dụng phục vụ mục đích du lịch.

- Đặc điểm:

+ Tài nguyên du lịch nhân văn có tác dụng nhận thức nhiều hơn là giải trí.

+ Việc tìm hiểu diễn ra trong thời ngắn, do đó trong chuyến đi du lịch có thể đi tham quan nhiều đối tượng tài nguyên.

+ Tài nguyên du lịch nhân văn thường tập trung ở các thành phố, ở các điểm quần cư nên không cần xây dựng thêm cơ sở vật chất riêng.

+ Tài nguyên du lịch nhân văn không có tính mùa vụ như tài nguyên du lịch tự nhiên

+ Đối với tài nguyên du lịch nhân văn, khách quan tâm là những người có trình độ văn hóa cao, có mức sống cao và hiểu biết rộng

+ Sở thích của người tìm đến tài nguyên du lịch nhân văn phụ thuộc vào độ tuổi, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thành phần dân tộc, vốn trí thức của họ.

(Điều 13, chương II. Luật du lịch Việt Nam số 44/2005/QH 11 ngày 14 tháng 6 năm 2005).

Tài nguyên du lịch nhân văn được chia thành các loại sau:

- Các di tích lịch sử, văn hóa:

Di tích lịch sử văn hóa là tài sản quý giá của mỗi dân tộc, nó thể hiện truyền thống tốt đẹp, tinh hoa trí tuệ, tài năng, giá trị về văn hóa, nghệ thuật của mỗi quốc gia. Nói một cách khác, di tích lịch sử - văn hóa là những không gian vật chất cụ thể, khách quan trong đó chứa đựng các giá trị điển hình về lịch sử, về văn hóa do con người sáng tạo ra trong lịch sử để lại.

Ở Việt Nam theo pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, công bố ngày 4 tháng 4 năm 1984 được quy định:

" Di tích lịch sử văn hóa là những công trình xây dựng, địa điểm, đồ vật, tài liệu và các tác phẩm có giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật cũng như văn hóa khác, hoặc liên quan đến các sự kiện lịch sử, qua trình phát triển văn hóa - xã hội ".

" Danh lam thắng cảnh là những khu vực thiên nhiên hoặc có những công trình cổ nổi tiếng ".

Do đó:

Chỉ những di tích nào có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật mới được coi là những di tích lịch sử văn hóa.

Cần đánh giá đúng giá trị của các di tích theo các thang giá trị khác nhau, những di tích cũng được phân thành những cấp khác nhau: các di tích cấp quốc gia và cấp địa phương, những di tích có giá trị đặc biệt được coi là di sản thế giới.

+ Các di tích lịch sử - văn hóa nói chung được phân chia thành:

Di tích khảo cổ: là những địa điểm ẩn giấu một bộ phận giá trị văn hóa, thuộc về thời kì lịch sử xa xưa.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 29/04/2023