hưởng ngày càng nhiều các sản phẩm văn hóa mới theo xu thế phát triển của thời đại đã làm cho đời sống tinh thần của bà con nơi đây ngày càng tốt hơn.
Công tác trùng tu tôn tạo hệ thống các di tích lịch sử được quan tâm hơn. Hệ thống các cơ sở thờ tự được nâng cấp, xây dựng và mở rộng ra với quy mô lớn hơn từ các nguồn ngân sách của nhà nước, đóng góp của nhân dân... đáp ứng nhu cầu tâm linh của bà con. Hệ thống đồ thờ trong các cơ sở thờ tự cũng được bà con quan tâm chú ý nhiều hơn làm cho cảnh quan các cơ sở thờ từ ngày khang trang, đẹp đẽ hơn. Đây cũng là một trong những yếu tố tác động đến tín ngưỡng của cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn.
3.2. Hiện trạng tín ngưỡng của cư dân xã đảo Nghi Sơn
Để có thông tin và số liệu phục vụ cho việc phân tích và đánh giá hiện trạng tín ngưỡng của cư dân xã đảo Nghi Sơn. Cùng với khảo sát điền dã và thực hiện phỏng vấn sâu, chúng tôi đã tiến hành phát phiếu thu thập thông tin. Tổng số phiếu phát ra 240 phiếu và thu về 240 phiếu hợp lệ. Số phiếu này được điều tra ở 4 thôn trong xã. Trong đó có 139 nam, 101 nữ. Về cơ cấu nghề nghiệp gồm có 81 người là ngư dân; 24 người làm nghề nuôi trồng thủy sản; 49 người là buôn bán, dịch vụ; 86 người thuộc những nhóm ngành nghề khác (như công nhân, viên chức nhà nước, lái xe, về nghỉ hưu...). Về độ tuổi gồm: 21 người có độ tuổi từ 18-25 tuổi; 75 người có độ tuổi từ 26-35 tuổi; 99 người có độ tuổi từ 35-45 tuổi và 45 người có độ tuổi từ 46 tuổi trở lên.
Từ việc phân tích, xử lý những thông tin và số liệu có được từ kết quả điều tra khảo sát và phát phiếu thu thập thông tin, NCS nhận thấy hiện trạng tín ngưỡng hiện nay ở xã đảo Nghi Sơn như dưới đây.
3.2.1. Cơ sở thờ tự
3.2.1.1. Cơ sở thờ tự cộng đồng
Về không gian thờ tự tại xã đảo Nghi Sơn. Các cơ sở thờ tự luôn nằm sát biển để thuận tiện cho ngư dân có thể đi qua thực hành tín ngưỡng trước và sau
Có thể bạn quan tâm!
- Tín Ngưỡng Là Sợi Dây Vô Hình Cố Kết Cộng Đồng Cư Dân Xã Đảo Nghi Sơn
- Khái Quát Quá Trình Công Nghiệp Hóa - Hiện Đại Hóa Ở Xã Đảo Nghi Sơn
- Hệ Thống Cơ Sở Hạ Tầng Được Đầu Tư Xây Dựng Tại Xã Đảo Nghi Sơn Giai Đoạn 2010-2018
- Tần Suất Thực Hành Tín Ngưỡng Tại Các Cơ Sở Thờ Tự
- Xu Hướng Biến Đổi Tín Ngưỡng Của Cư Dân Xã Đảo Nghi Sơn
- Tín Ngưỡng Ngày Càng Đóng Vai Trò Quan Trọng Trong Đời Sống Tinh Thần Của Cộng Đồng Cư Dân Xã Đảo Nghi Sơn
Xem toàn bộ 219 trang tài liệu này.
khi ra khơi vào lộng. Theo thời gian, dưới những tác động chủ quan và khách quan không gian thờ tự ở đây cũng có những thay đổi.
Vị trí của các cơ sở thờ tự đã có sự thay đổi, không còn ở những vị trí trước kia như: đền Tứ Vị thánh nương phải di dời vị trí do phải nhường lại đất cho đồn biên phòng. Theo đó, vị trí mới của đền được dịch chuyển xuống phía bên dưới đồn biên phòng. Do nhu cầu thực hành tín ngưỡng của người dân cũng như một số thay đổi trong việc sử dụng đất ở của xã đảo, đền thờ Tứ Vị thánh nương đã được chuyển dịch tiến sát ra biển khoảng 100m so với vị trí cũ. Đền Quan Sát Hải đại vương phải dịch chuyển xuống phía dưới do người dân đã lấy đất để làm nhà ở.
Thánh Bà Trần Quý Phi vốn được thờ cúng trong nhà tộc trưởng họ Trần từ xưa, nay đã được di chuyển ra ngoài khu lăng mộ của bà. Hiện khu lăng mộ đã được con cháu trong dòng họ đóng góp xây dựng thành một ngôi đền thờ với kết cấu kiến trúc "thượng sàng hạ mộ" và khu lăng Thánh Bà đã trở thành một trong những cơ sở thờ tự chung cho cả cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn. Một trong những nguyên nhân của việc dịch chuyển địa điểm thờ tự của Thánh Bà là do khi xã làm hồ sơ công nhận cụm di tích của xã, di tích Lăng Thánh Bà Trần Quý Phi là một trong những di tích nằm trong cụm di tích và danh thắng của xã đảo Nghi Sơn nên địa điểm thờ cúng của Thánh Bà có sự thay đổi, từ việc chỉ thờ trong nhà trưởng họ với tư cách dòng họ đã được chuyển ra trở thành cơ sở thờ tự chung của xã. Việc thay đổi vị trí thờ tự của Thánh Bà Trần Quý Phi còn được ông Trần Ngọc Châu (tộc trưởng dòng tộc họ Trần, phụ trách việc thờ cúng Thánh Bà ở tại gia đình) chia sẻ:
Năm đó khi con cháu trong dòng họ có bàn về việc thờ cúng của Bà, có một số chi có ý kiến muốn nâng cấp sửa chữa khu vực lăng mộ của bà trở thành nơi thờ tự chung để con cháu trong dòng họ đến cúng bái. Lúc đó tôi không đồng ý và nói rằng: "lâu nay việc
thờ cúng Thánh Bà vẫn do nhà tôi phụ trách, mọi việc vẫn yên ổn, vì sao phải chuyển ra ngoài lăng. Lăng mộ của bà lâu này thế nào vẫn nên để như thế vì đó là lăng mộ chứ không phải là nơi thờ tự được". Nhưng anh em trong họ có tranh cãi và một vài chi vẫn quyết định sửa sang khu lăng mộ của Thánh Bà thành nơi thờ tự chung cho cả dòng họ. Sau đó tôi không bàn và tham gia nữa, mọi người xây dựng như hiện nay đấy. Còn tôi vẫn thực hiện việc cúng tế bà ở nhà tôi như truyền thống bao lâu nay [PL 8, STT 2, tr.207].
Mặt khác, trước những tác động của quá trình CNH-HĐH, cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn đã có nhiều hơn sự giao lưu tiếp xúc với bên ngoài, gặp gỡ, với những cộng đồng cư dân khác, thấy được nhiều hơn sự mới mẻ nên đã nảy sinh tâm lý so sánh "hơn - kém" giữa cái của mình và cái của người khác. Bên cạnh đó, do những tác động của yếu tố chủ quan và khách quan, đời sống của bà con nơi đây đã tốt hơn trước. Theo quy luật của sự phát triển khi đời sống vật chất đã đầy đủ, thì con người càng quan tâm đến đời sống tính thần hơn. Không nằm ngoài quy luật này, khi đời sống vật chất ngày một tốt lên, cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn lại càng quan tâm nhiều hơn đến đời sống tinh thần của mình, nhất là đời sống tín ngưỡng - là một trong những điểm tựa tinh thần vô cùng quan trọng từ trước đến nay đối với cộng đồng luôn phải đổi mặt với những khó khăn, hiểm họa mà con người không kiểm soát được. Vì thế, một điều ta dễ dàng nhận thấy hiện nay các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng trong cộng đồng ngày càng được cộng đồng cư dân ở xã quan tâm, chú trọng. Cụ thể như:
Không gian cơ học của các cơ sở thờ tự theo xu hướng mở rộng hơn trước đây nhằm tạo thuận lợi cho người dân đến đây sinh hoạt tín ngưỡng. Ví như đền thờ Tứ Vị thánh nương sau khi được dịch chuyển vị trí do yếu tố khách quan mang lại có quy mô khiêm tốn, chỉ là một cái miếu nhỏ bên trục
đường chính của xã gần bờ biển thì nay, đã có không gian rộng hơn, với diện tích hiện nay là 575m2 và đang có xu hướng mở rộng hơn nữa trong thời gian tới. Đền Quan Sát Hải đại vương trước cũng chỉ là một miếu nhỏ nay đền đã có sân, có cổng và không gian thờ tự lớn hơn với diện tích hiện nay là 211m2. Lăng Thánh Bà Trần Quý Phi mở rộng hơn trước với việc xây dựng không gian thờ tự bao trùm lên toàn mộ khu lăng mộ của bà trước đây và có cổng, sân với diện tích hiện nay là 318m2.
Cùng với đó việc bài trí ở trong các cơ sở thờ tự cũng thay đổi. Trước kia, ở đền thờ chỉ có ban thờ Tứ Vị thánh nương; đền thờ Quan Sát Hải đại vương chỉ có ban thờ Quan Sát Hải đại vương. Đến nay, tại đền Tứ Vị thánh nương, ở ban thờ chính bao gồm: trên cùng là Vua Cha Ngọc Hoàng, tiếp đến là tam tòa thánh mẫu, Tứ Vị thánh nương rồi đến vua Quang Trung, ở 2 bên tả và hữu là các ông hoàng, thổ địa. Tại đền Quan Sát Hải đại vương, ngoài ban thờ Quan Sát Hải đại vương nay có thêm ban thờ Mẫu Thoải, các quan, quan hoàng hai, đức ông, Trần triều đại vương và cô, cậu [PL 3, tr161-162-163].
Về trang trí ở các cơ sở thờ tự cũng được cộng đồng cư dân nơi đây chú trọng hơn như: trồng thêm cây ở sân tạo bóng mát đền, sử dụng nhiều vật dụng hiện đại hơn trong đền thờ như đèn nháy, các loại đèn sáng, đèn thắp trên các ban thờ, các thiết bị âm thanh hỗ trợ cho các hoạt động tín ngưỡng tại các đền. Ngoài ra, tại các cơ sở thờ tự, người dân cũng đóng góp kinh phí để mua sắm thêm các đồ phục vụ cho các lễ trọng tại đền như kiệu, ngựa, thuyền....Với những nhà có điều kiện khi có dịp sẽ cung tiến cho các cơ sở thờ tự những hiện vật còn thiếu hay cần để phục vụ nhu cầu bà con khi đến thực hành tín ngưỡng.
3.2.1.2. Cơ sở thờ tự ở dòng họ và gia đình
Đối với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên dòng họ ở xã đảo Nghi Sơn, trước kia, với những dòng họ có nhà thờ họ, các nghi lễ được thực hiện ở nhà thờ.
Những dòng họ không có nhà thờ, việc thờ cúng thường được thực hiện ở nhà trưởng tộc. Như đã trình bày ở chương 1 và chương 2, có những giai đoạn việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng ở dòng họ bị gián đoạn do chiến tranh phá hoại, do điều kiện kinh tế... Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con được nâng lên, tín ngưỡng này được bà con quan tâm nhiều hơn. Đã có nhiều dòng họ có con cháu đi làm ăn xa, đi làm các công việc khác có thu nhập cao hơn... đã kêu gọi anh em con cháu, hiến đất, hưng công đóng góp để xây nhà thờ họ riêng. Họ Hoàng, con cháu trong dòng họ đã nhường một phần đất ở của mình để xây dựng nhà thờ họ. Mặc dù quy mô nhỏ gọn nhưng đây là cả một sự nỗ lực của con cháu trong dòng họ. Họ Trần (không thuộc nhánh bà Trần Quý Phi) đã có nhà thờ riêng của dòng họ. Hàng năm vào ngày giỗ họ, các dòng họ đều tổ chức lễ tế họ và trong ngày này con cháu tề tựu đầy đủ về đây.
Trong phạm vi gia đình, các bàn thờ gia tiên cũng được quan tâm chú trọng trong trang trí và bày biện hơn. Bàn thờ gia tiên cũng được làm cầu kỳ hơn với những hình chạm khắc tinh xảo, các đồ vật bày trên ban thờ cũng cầu kỳ hơn, đẹp hơn. Gia đình nào có điều kiện thì sắm bộ đồ thờ bằng đồng. Bà Cao Thị Hằng 60 tuổi ở thôn Thanh Sơn đã chia sẻ:
Năm ngoái nhà tôi có sửa sang lại khu thờ gia tiên của gia đình. Trước đây tôi để ở dưới tầng, nay đưa lên tầng 2 cho yên tĩnh, trang trọng và thoáng nữa. Nhân dịp này tôi cũng mua cho các cụ nhà tôi cái bàn thờ mới. Tôi đã phải ra tận Nam Định để mua đấy, còn đặt theo đúng kích thước nữa. Bây giờ bàn thờ to và rộng rồi, vào mỗi dịp lễ tết tha hồ mà bày biện đồ cúng, không còn chật chội như trước nữa [PL 8, STT 38, tr.208].
Có thể thấy rằng, cùng với đời sống vật chất ngày càng được nâng cao, cơ hội mở rộng giao lưu, tiếp xúc ngày càng nhiều thì các hoạt động tín
ngưỡng lại càng được cộng đồng cư dân nơi đây quan tâm và chú trọng hơn. Tín ngưỡng luôn đóng một vị trí và vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân nơi đây.
3.2.2. Thực hành tín ngưỡng
Theo quy luật của sự phát triển, khi có những tác động từ xã hội vào một cộng đồng người nào đó thì kinh tế bao giờ cũng chịu tác động trước tiên và văn hóa thường chịu tác động sau và có sự biển đổi chậm hơn. Nhưng không có nghĩa là không có sự thay đổi. Vì vậy, trước sự tác động của quá trình CNH-HĐH, mà trực tiếp là sự tác động của KKT Nghi Sơn, trong một vài năm gần đây tín ngưỡng của cư dân xã đảo Nghi Sơn mặc dù chưa có những thay đổi mạnh mẽ những đã có sự vận động và biến đổi nhất định, nhất là trong các thực hành tín ngưỡng.
3.2.2.1. Đối tượng thờ tự
Theo kết quả điền dã, NCS nhận thấy rằng, cùng với việc tiếp tục duy trì các loại hình tín ngưỡng truyền thống của xã, cộng đồng cư dân nơi đây có xu hướng đưa thêm đối tượng thờ tự vào phối thờ với những vị thần được thờ tự lâu nay trong cộng đồng, khôi phục lại những tín ngưỡng truyền thống, nhưng một số đối tượng cũng mất đi hoặc dần bị mai một.
Trước tiên, ở việc khôi phục tín ngưỡng truyền thống đã từng tồn tại ở đây nhưng bị gián đoạn bởi những điều kiện khách quan mang lại. Hiện nay, cộng động cư dân xã đảo Nghi Sơn đã và đang khôi phục lại các hoạt động thờ cúng dòng họ. Theo như lời kể của các bậc cao niên trong xã, trước đây ở xã đảo Nghi Sơn mỗi dòng họ, đặc biệt là các dòng họ lớn đều có nhà thờ họ và hàng năm đều tổ chức lễ tế họ theo định kỳ. Nhưng vào những năm chiến tranh, nhất là trong giai đoạn đế quốc Mỹ mở cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, xã đảo Nghi Sơn là một trong những điểm trút bom dữ dội của đế quốc Mỹ (thường khi những máy bay trở bom đi bắn phá ở khu vực cầu Hàm Rồng
mà không thả hết bom, khi quay trở về đây sẽ thả hết toàn bộ số bom còn lại để lái máy bay về điểm tập kết). Vào thời điểm đó, tất cả nhân dân trong xã đều phải sơ tán sang khu vực xã Hải Hà và Hải Thượng. Khi quay trở về hầu như nhà cửa bị phá hủy hết, bà con lúc ấy chỉ biết tập trung vào khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng lại các ngôi nhà tạm để tránh mưa, tránh nắng. Lúc bấy giờ, đời sống của bà con sau chiến tranh và những năm nước ta chuyển đổi kinh tế gặp nhiều khó khăn vất vả. Chính vì vậy, việc thờ cúng trong dòng họ bị gián đoạn không được khôi phục và duy trì như trước. Hiện nay, với điều kiện kinh tế của con cháu trong dòng họ được nâng lên, nhất là các dòng họ có nhiều con cháu đi làm ăn xa, đang có xu hướng kêu gọi sự đóng góp của con cháu để xây dựng lại nhà thờ họ và khôi phục lại tục tế tổ nhằm nhắc nhở con cháu về truyền thống của dòng họ mình. Tiêu biểu như một nhánh của dòng họ Trần Văn và dòng họ Hoàng hiện đã xây dựng nhà thờ họ và tổ chức tế tổ vào tháng giêng. Dòng họ Đoàn và dòng họ Lưu hàng năm cũng tổ chức tế họ tại nhà trưởng tộc vào trung tuần tháng 2 âm lịch. Việc khôi phục tín ngưỡng này sẽ là một trong những cơ sở giáo dục ý thức, trách nhiệm cho thế hệ trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình và địa phương trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với việc khôi phục những đối tượng thờ tự đã từng có trong đời sống tín ngưỡng của mình, cộng đồng cư dân xã đảo Nghi Sơn còn đưa thêm đối tượng mới vào các cơ sở thờ tự của cộng đồng như: đưa thêm vua Quang Trung, Ngũ vị quan ông, các ông hoàng vào phối thờ với Tứ Vị thánh nương ở đền thờ Tứ Vị thánh nương. Ông hoàng ba, Ông hoàng bảy và ngũ vị quan ông, mẫu thoải, quan hoàng hai phối thờ ở đền Quan Sát Hải đại vương; ban ngũ hổ ở lăng Thánh Bà và Quán Thế Âm Bồ Tát được đưa lên thuyền thờ cùng với ban thờ các vị thần biển.
Khi NCS đi tìm hiểu lý do đưa các thêm các đối tượng vào thờ tự, ông Nguyên Xuân Hùng (Phó Ban quản lý Cụm di tích và danh thắng Nghi Sơn) đã chia sẻ về việc đưa thêm ông Quang Trung vào phối thờ cùng với Tứ Vị thánh nương:
Trước đây, vào năm 1994 -1995 khi làm hồ sơ để được công nhận các di tích lịch sử văn hóa trong xã, để đảm bảo các điều kiện và tiêu chí trong hồ sơ, xã đã đưa ông Quang Trung vào phối thờ chung với Tứ Vị thánh nương và đổi tên gọi đền thờ Tứ vị thánh nương thành đền Quang Trung, nhưng người dân nơi đây vẫn quen gọi là đền thờ Tứ Vị thánh nương. Việc đưa vua Quang Trung vào đây thờ do ông đã từng đóng quân ở đây và lấy Nghi Sơn là căn cứ quân sự trên biển của nghĩa quân Tây Sơn và dấu vết của ông còn lại đến ngày nay chính là khẩu súng thần công đặt ở trước đền thờ. Sau đó đến năm 2004 bà con trong xã đóng góp kinh phí mở rộng đền, và đến năm 2008 thì tu bổ nâng cấp với quy mô như hiện nay. Sau khi xây dựng lại, sắp xếp lại hệ thống các tượng thờ ở đền đã bài trí lại có đưa thêm Ngũ vị quan ông vào thờ, sau này có đưa thêm các ông hoàng vào cùng thờ [PL 8, STT 19,tr.207].
Có thể thấy, với sự phát triển và những biến chuyển của xã trên mọi lĩnh vực kinh tế-văn hóa-xã hội trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ khi KKT Nghi Sơn đi vào hoạt động đã giúp cho người dân nơi đây có nhiều cơ hội và điều kiện để tiếp xúc với nhiều hơn với những cộng đồng cư dân khác với nhiều điểm tương đồng và cả những điểm khác biệt. Chính quá trình tiếp xúc này đã tạo cho họ sự tò mò, tìm hiểu để rồi học tập và lựa chọn những điều cảm thấy phù hợp để đưa vào ứng dụng trong cuộc sống của cá nhân và cộng đồng sau khi đã được điều chỉnh lại cho phù hợp. Việc đưa thêm các đối tượng thờ tự vào không gian thiêng cho thấy sự vận động để thích nghi với