Những Tác Động Chưa Tích Cực Và Nguyên Nhân


tập trung thực hiện vai trò cung ứng vốn trực tiếp đến hộ nghèo và các ĐTCS thông qua các chương trình TDUĐ và đã góp phần đáng kể mang lại kết quả khả quan cho chương trình giảm nghèo. Theo đánh giá của chính phủ, các bộ ngành, các chuyên gia, các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương các cấp thì tín dụng ngân hàng CSXH Việt Nam đã có tác động tích cực đối với người nghèo, các chương trình TDUĐ của ngân hàng CSXH đã đảm nhận được vai trò chủ lực thực hiện các chính sách hỗ trợ để giảm nghèo và góp phần mang lại thành công cho chương trình giảm nghèo xuyên suốt các giai đoạn, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo đánh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì chính sách tín dụng cho hộ nghèo là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng được nhu cầu vốn của lượng khách hàng đông đảo, tác động trực tiếp đến người nghèo với kết quả thiết thực, là điểm nổi bật nhất trong các chính sách giảm nghèo. Đây cũng là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa nhà nước (ngân hàng CSXH làm đại diện) với các tổ chức CT-XH và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao tinh thần trách nhiệm của người nghèo với chính quyền địa phương thông qua việc vay vốn, trả nợ, trả lãi, … giữ mối liên hệ với ngân hàng. Ban Bí thư Trung ương Đảng đã đánh giá: Trong những năm qua, hoạt động tín dụng do ngân hàng CSXH thực hiện là một giải pháp sáng tạo, mang tính nhân văn cao và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, là nền tảng thúc đẩy thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu mà Đảng, nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển nguồn lực con người, đảm bảo ASXH, ổn định chính trị và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN (Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng).

Thông qua việc đầu tư vốn TDUĐ phục vụ cho chương trình giảm nghèo, ngân hàng CSXH không chỉ góp phần nâng cao đời sống kinh tế mà còn góp phần nâng cao trình độ dân trí cho hộ nghèo và các ĐTCS bằng việc giúp họ có điều kiện tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản đặc biệt là TDVM và TCVM. Việc đầu tư vốn cho học sinh sinh viên là con, em của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có khó khăn đột xuất về tài chính theo 5 nguyên nhân (thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, bệnh tật, tai nạn) đã giúp cho nhiều học sinh sinh viên duy trì việc học tập sau khi rời mái trường phổ thông trung học để tích lũy kiến thức và sau khi ra trường có thể góp sức xây dựng quê hương, đất nước.


TDUĐ không chỉ góp phần tích cực trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo mà còn góp phần nâng cao bộ mặt kinh tế của nhiều địa phương đặc biệt là đối với các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng có nhiều đồng bào DTTS qua đó tạo điều kiện để Việt Nam ổn định chính trị, phát triển nguồn nhân lực và phát triển KT-XH theo định hướng XHCN.

Thực hiện phương thức ủy thác cho vay với các tổ chức CT-XH, các chương trình TDUĐ đã tạo ra sự gắn kết giữa ngân hàng, các tổ chức CT-XH và người nghèo và phát huy, nâng cao được vai trò của các tổ chức CT-XH tham gia ủy thác đối với cộng đồng dân cư, làm phong phú hoạt động của các tổ chức CT-XH tại địa phương và điều này cũng giúp cho mối quan hệ giữa ngân hàng và người nghèo trở nên ngày càng gắn bó, xoá bỏ rào cản giữa hộ nghèo với các dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh đó, đồng vốn cho vay đã góp phần làm giảm tư tưởng trông chờ ỷ lại, từng bước khơi dậy động lực, kích thích tính sáng tạo của người nghèo bởi vì đây là vốn đi vay và hộ vay vốn phải trăn trở, tìm tòi cách SXKD từ đồng vốn đã vay, làm sao cho việc SXKD có hiệu quả nhất để tự cứu mình, đảm bảo khả năng trả nợ và cũng từ nhận thức này, đời sống kinh tế của nhiều hộ nghèo đã dần dần được cải thiện.

Có thể nói, kết quả giảm nghèo với tác động tích cực từ tín dụng của ngân hàng CSXH Việt Nam đối với người nghèo qua các giai đoạn đã góp phần đảm bảo an ninh chính trị, ổn định xã hội, củng cố thêm niềm tin của người dân nói chung và người nghèo nói riêng với Đảng và nhà nước, góp phần duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc là “Tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 (Ban Chấp hành Trung ương khoá XI) về “Một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 – 2020”.

5.3.1. Những tác động tích cực

Từ kết quả chạy 3 mô hình nghiên cứu: Đánh giá việc gia tăng thu nhập, việc trả nợ đúng hạn, khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng CSXH của người nghèo và kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo qua các giai đoạn, tín dụng của ngân hàng CSXH Việt Nam đã tác động tích cực đối với người nghèo và đóng góp đáng kể vào thành quả của chương trình giảm nghèo trên phạm vi cả nước kể cả giai đoạn trước kia khi ngân hàng CSXH còn là ngân hàng phục vụ người nghèo. Những tác động tích cực từ tín dụng của ngân hàng CSXH Việt Nam đối với người nghèo là:


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 280 trang tài liệu này.

Thứ nhất, Góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của nhiều hộ gia đình nghèo qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm. Cụ thể: Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2016 là 2.215 USD, tăng 1,89 lần (1.047 USD) so với năm 2010 và tăng 3,03 lần (1.485 USD) so năm 2006; Trong giai đoạn 2011-2015, đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,20% vào đầu năm 2011 xuống còn 4,25% vào cuối năm 2015 tương ứng với trên 2,1 triệu hộ gia đình thoát nghèo theo chuẩn của giai đoạn và từ 9,88% năm 2015 xuống 8,23% năm 2016 theo chuẩn tiếp cận đa chiều.

Thứ hai, Cùng với việc dạy nghề, tập huấn khuyến nông – lâm – ngư của chính quyền địa phương và việc sử dụng vốn của người nghèo được giám sát chặt chẽ bởi các tổ chức CT–XH, các tổ tiết kiệm và vay vốn thì tín dụng cùa ngân hàng CSXH không ngừng phát huy hiệu quả và người nghèo đã trả nợ đúng hạn cho ngân hàng.

Tín dụng của ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam đối với người nghèo - 18

Thứ ba, Góp phần gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng CSXH. Bên cạnh đó, tín dụng ngân hàng CSXH còn tạo điều kiện để bà con hộ nghèo tiếp cận và làm quen với các dịch vụ tài chính, ngân hàng như TCVM, TDVM, gửi tiền tiết kiệm, chuyển khoản, thanh toán qua ngân hàng, …

Thứ tư, Thay đổi theo hướng tích cực bộ mặt KT-XH từ đó góp phần ổn định chính trị tại nhiều địa phương khác nhau như ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS, … bằng việc cho vay vốn từ các chương trình đặc thù như hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, cho vay giải quyết việc làm, cho vay doanh nghiệp sử dụng người lao động là người sau cai nghiện ma túy, cho vay đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn, … Cùng các giải pháp phát triển KT-XH khác, giảm khoảng cách chênh lệch giàu – nghèo giữa các vùng, miền, giữa thành thị và nông thôn.

Thứ năm, Từng bước nâng cao trình độ dân trí của người dân trong đó có dân nghèo và giúp điều kiện đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước thông qua việc vay vốn từ chương trình học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để học sinh sinh viên theo học tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông. Nhờ đồng vốn này mà rất nhiều học sinh sinh viên không phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền đóng học phí và cũng có rất nhiều học sinh sinh viên nhờ vay được vốn mà duy trì việc học, tích luỹ kiến thức và sau khi tốt nghiệp ra trường đã quay về phục vụ cho địa phương.


Thứ sáu, Góp phần cải thiện môi trường sống ở khu vực nông thôn bằng việc cho vay xây dựng, sửa chữa các công trình nước sạch và vệ sinh sạch; góp phần để người nghèo dần ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo thông qua việc cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, làm nhà, chòi phòng tránh lũ các tỉnh miền Trung, …

Thứ bảy, Tạo nhiều việc làm mới và giới thiệu việc làm cho nhiều lao động chưa có việc làm thông qua chương trình cho vay giải quyết việc làm và cho vay đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài.

5.3.2. Những tác động chưa tích cực và nguyên nhân

5.3.2.1. Những tác động chưa tích cực

Bên cạnh những tác động tích cực nêu trên, trong quá trình triển khai các chương trình TDUĐ của chính phủ và kết quả từ 3 mô hình nghiên cứu cho thấy tín dụng của ngân hàng CSXH Việt Nam cũng có một số tác động chưa tích cực đối với người nghèo là:

Thứ nhất, Song song với tỷ lệ thoát nghèo hàng năm thì vẫn còn tình trạng một số hộ gia đình không thoát được nghèo và có nhiều hộ tái nghèo đặc biệt là đối với các vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống mà theo đánh giá của Ủy ban thường vụ Quốc hội (sau khi thực hiện giám sát chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012) thì cứ 3 hộ thoát nghèo lại phát sinh 1 hộ nghèo mới, hộ tái nghèo. Và kết quả mô hình nghiên cứu cũng cho thấy người nghèo là đồng bào DTTS thì khó thoát nghèo so với người nghèo không phải là DTTS.

Thứ hai, Kết quả từ 3 mô hình nghiên cứu cho thấy:

(1) Việc cho vay với lãi suất ưu đãi chưa tác động đến việc gia tăng thu nhập và trả nợ đúng hạn của người nghèo.

(2) Ở một số địa phương và đối với một số ngành nghề, thị trường tiêu thụ không ổn định do đó người nghèo khó khăn trong việc gia tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Thứ ba, Nợ xấu (bao gồm nợ quá hạn và nợ khoanh) tính đến 31/12/2016 của một số chương trình tín dụng vẫn ở mức cao như: cho vay ĐTCS đi lao động có thời hạn ở nước ngoài: 22,1%, cho vay hộ đồng bào DTTS nghèo đồng bằng sông Cửu


Long: 17,4%, cho vay khác: 6,6%, cho vay người lao động thuộc huyện nghèo đi xuất khẩu lao động: 2,61%, cho vay các dự án vốn nước ngoài khác: 2,06%, …

Thứ tư, Việc xâm tiêu, chiếm dụng vốn vay của người nghèo vẫn xảy ra ở một số địa phương đã không chỉ gây khó khăn cho cuộc sống của người nghèo, làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương mà còn làm gia tăng nợ xấu, hạn chế khả năng mở rộng quy mô tín dụng của ngân hàng và làm thất thoát nguồn vốn phục vụ chương trình giảm nghèo.

Thứ năm, Các chương trình cho vay còn trùng lắp về đối tượng cho vay, về mục đích sử dụng vốn và thiếu sự kết nối vì vậy làm giảm ý nghĩa của các chương trình cho vay, lãng phí vốn và đồng vốn không thể phát huy hiệu quả cao.

5.3.2.2. Nguyên nhân của những tác động chưa tích cực

Những tác động chưa tích cực trên xuất phát từ những nguyên nhân sau đây:

Thứ nhất, Bên cạnh rất nhiều người nghèo có ý thức tự lực, biết tranh thủ các nguồn hỗ trợ của nhà nước để vươn lên thoát nghèo thì vẫn còn một bộ phận người nghèo sống trông chờ, ỷ lại xem vốn hỗ trợ của Nhà nước là cấp phát, chủ quan về lãi suất ưu đãi – họ cho rằng mức lãi suất này thấp, không đáng ngại, không chí thú làm ăn để mang lại hiệu quả trong sản xuất dẫn đến hiệu quả sử dụng vay vốn thấp, khả năng trả nợ khó khăn, khó vươn lên thoát nghèo và một số trường hợp đã tái nghèo. Bên cạnh đó, kết quả chạy mô hình đánh giá việc gia tăng thu nhập và trả nợ vay đúng hạn của người nghèo cho thấy biến laisuatuudai chưa tác động đến việc gia tăng thu nhập và trả nợ vay đúng hạn của người nghèo.

Thứ hai, Việc tư vấn, dạy nghề, tập huấn khuyến nông – lâm – ngư cho hộ nghèo ở một số địa phương chưa được chú trọng và công tác này không sát thực tế, không phù hợp với điều kiện sản xuất của bà con hộ nghèo và đặc điểm sản xuất của mỗi địa phương vì vậy họ không biết xoay sở làm sao cho đồng vốn vay phát huy hiệu quả nhằm vươn lên thoát nghèo. Trong thực tế, có một số trường hợp hộ nghèo được vay vốn nhưng không biết sử dụng vào mục đích gì. Bên cạnh đó, ở Việt Nam, sản xuất nông nghiệp luôn đối mặt với rủi ro trong bối cảnh số hộ nghèo sinh sống trong khu vực nông thôn chiếm tỷ trọng lớn, quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ lại là đối tượng chịu nhiều rủi ro hơn nhưng nhiều hộ gia đình nghèo lại chưa biết cách phòng


ngừa rủi ro cho vật nuôi và cây trồng vì vậy việc trồng trọt, chăn nuôi dễ dẫn đến thất bại, không trả được nợ và làm phát sinh nợ xấu với ngân hàng.

Thứ ba, Do sinh sống tại những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồi núi nên đồng bào DTTS bị hạn chế về nhận thức, trình độ học vấn bên cạnh điều kiện tự nhiên, điều kiện sinh sống không thuận lợi cho nên việc SXKD thường gặp nhiều khó khăn vì vậy mà nợ xấu của các chương trình cho vay đối với đồng bào DTTS thường chiếm tỷ lệ cao và tỷ lệ thoát nghèo hàng năm của các đối tượng này rất thấp. Kết quả chạy mô hình đánh giá việc gia tăng thu nhập và trả nợ vay đúng hạn của người nghèo cho thấy biến dantoc tác động tích cực cho việc gia tăng thu nhập và trả nợ vay đúng hạn của hộ nghèo.

Thứ tư, Hoạt động ủy thác cho vay với ngân hàng CSXH là hoạt động kiêm nhiệm của các tổ chức CT-XH vì vậy năng lực và kinh nghiệm quản lý vốn của một số cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ Hội đoàn thể nhân ủy thác còn hạn chế do đó việc kiểm tra sử dụng vốn đối với hộ vay không được thực hiện đúng quy trình để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hộ vay sử dụng vốn sai mục đích dẫn đến không có khả năng trả nợ ngân hàng và làm phát sinh nợ xấu. Hay việc đối chiếu nợ không được thực hiện chặt chẽ, thường xuyên, không hiệu quả vì vậy tình trạng một số cán bộ tổ tiết kiệm và vay vốn, cán bộ tổ chức CT-XH nhận ủy thác, cán bộ chính quyền địa phương vẫn lợi dụng lòng tin, ít hiểu biết của người nghèo để xâm tiêu, chiếm dụng vốn của họ và tình trạng này vẫn thỉnh thoảng xảy ra ở một số địa phương.

Thứ năm, Các chương trình cho vay được sắp xếp chưa khoa học, chưa rõ đối tượng thụ hưởng vì vậy trồng chéo nhau về đối tượng cho vay dẫn đến một hộ gia đình có thể tham gia nhiều chương trình do đó trùng lặp về mục đích sử dụng vốn.

Thứ sáu, Việc tạo lập nguồn vốn cho vay của ngân hàng CSXH chưa ổn định theo kế hoạch: Ở một số thời điểm, nguồn vốn cho vay của ngân hàng CSXH bị động, chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các đối tượng ở một số chương trình khác nhau vì vậy đã ảnh hưởng đến việc tăng trưởng của ngân hàng nói riêng và kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo nói chung. Và kết quả từ mô hình nghiên cứu đánh giá khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng CSXH của người nghèo cho thấy khi nguồn vốn cho vay của ngân hàng hạn chế thì khả năng tiếp cận của họ thấp.


Hiện nay, nguồn vốn cho vay của ngân hàng CSXH được hình thành từ nhiều nguồn trong đó chủ yếu là nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chuyển sang. Riêng nguồn vốn của chương trình cho vay giải quyết việc làm được hình thành từ 2 nguồn: Do Bộ LĐ-TB&XH và do ngân sách địa phương chuyển sang trong đó chủ yếu từ nguồn do Bộ LĐ-TB&XH chuyển sang nhưng từ nhiều năm nay Bộ LĐ-TB&XH không tiếp tục chuyển vốn sang để cho vay trong lúc nguồn từ ngân sách địa phương chuyển sang lại không đáng kể. Các nguồn vốn khác như huy động từ dân cư, vay các tổ chức tín dụng khác đều khó khăn và không ổn định, không liên tục dẫn đến ngân hàng không thể mở rộng quy mô tín dụng, thiếu chủ động cân đối kế hoạch cho vay hàng năm để đáp ứng nhu cầu vốn của bà con hộ nghèo cho việc giảm nghèo bền vững và chống tái nghèo. Kết quả chạy mô hình đánh giá khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của người nghèo cho thấy sự hạn chế về nguồn vốn ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận các nguồn vốn tín dụng của họ.

Kết luận chương 5

Kết quả từ các mô hình nghiên cứu cho thấy một số điểm mới so với các nghiên cứu trước đây là: (1) Lãi suất ưu đãi không tác động đến việc gia tăng thu nhập và trả nợ đúng hạn của người nghèo. Các nghiên cứu trước đây trên thế giới không thực hiện nghiên cứu về nhân tố này vì lãi suất cho vay của các tổ chức TDVM tại các quốc gia thường bằng hoặc cao hơn so với lãi suất thị trường và đây là đặc thù ở Việt Nam vì vậy trong thời gian tới, chính phủ cần ban hành chính sách về lãi suất cho vay đối với người nghèo theo hướng giảm dần sự ưu đãi và mức chênh lệch không nhiều so với lãi suất thị trường hoặc thay đổi cách thức hỗ trợ. (2) Nhân tố thị trường tác động tích cực đến việc gia tăng thu nhập và trả nợ đúng hạn của người nghèo: khi thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định thì người nghèo dễ gia tăng thu nhập và trả nợ vay đúng hạn và các nghiên cứu trước đây trên thế giới không thực hiện nghiên cứu về nhân tố này vì vậy trong thời gian tới Nhà nước cần có chính sách để tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định cho người nghèo. (3) Luận án xây dựng mô hình đánh giá khả năng tiếp cận với nguồn vốn tín dụng của người nghèo mà các công trình nghiên cứu trên thế giới trước đây chưa xây dựng.


Chương 5 đã hệ thống những tác động tích cực và chưa tích cực của tín dụng ngân hàng CSXH đối với người nghèo và chương trình giảm nghèo ở Việt Nam trong giai đoạn 2011-2015 từ kết quả chạy 3 mô hình nghiên cứu và việc triển khai các chương trình tín dụng của chính phủ. Bên cạnh đó, chương 5 cũng đã chỉ ra nguyên nhân của những tác động chưa tích cực để từ đó luận án có thể đề xuất các giải pháp tăng cường tín dụng của ngân hàng CSXH Việt Nam đối với người nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam đến năm 2020.

Xem tất cả 280 trang.

Ngày đăng: 06/12/2022
Trang chủ Tài liệu miễn phí