dân tộc, với đất nước. Niềm mong mỏi lớn nhất của ông qua những trang viết là đánh thức chúng dân đất Việt về tinh thần dân tộc, ý thức giống nòi, niềm tự hào về truyền thống chống ngoại xâm của đất nước... Do đó, các tiểu thuyết của Nguyễn Tử Siêu đã khơi lại khí thiêng của những trang sử hào hùng oanh liệt trong quá khứ: Đó là không khí chiến trận hùng tráng trong Việt Thanh chiến sử (1935) khi vua Quang Trung đại phá hai mươi vạn quân Thanh; là hào khí Đông A bất tử thời Trần trong Trần Nguyên chiến kỷ (1935-1936) hoặc là chân dung vẻ đẹp ngời sáng của các anh hùng dân tộc như Vua Bố Cái, Lê Đại Hành, Bà Triệu... Khai thác về đề tài lịch sử, sáng tác của Nguyễn Tử Siêu đã tạo ra những bước chuyển mới so với các tiểu thuyết lịch sử viết bằng chữ Hán. Ông là người đặt những bước khởi đầu vững chắc để cho các tác giả sau kế tiếp, phát huy và hoàn thiện thể tài này.
Tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật nổi bật là tính chân thực lịch sử được tái hiện qua hình tượng văn học. Đọc các sáng tác của ông như Bà chúa chè, Loạn kiêu binh (1938); Chúa Trịnh Khải, Hòm đựng người (1940) còn thấy rất rõ chất ghi chép lịch sử trong Hoàng Lê nhất thống chí.
Bà chúa Chè (1938) là tiểu thuyết viết về cô gái hái chè Đặng Thị Huệ, người làng Ném, thuộc huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Thị Huệ là con một nhà Nho, mẹ chết sớm, từ nhỏ đã ủ một cái mầm kiệt nữ, muốn đảo ngược lại cả công việc, nhưng gánh chè nặng trĩu trên vai đã dìm nàng trong thân phận một cô gái làng quê. Nghịch lý hơn, vì nhan sắc, vì tài học, nàng thành ra một quái vật giữa bọn thôn nữ mộc mạc. Thị Huệ là tác nhân gây khởi đầu nên cái họa mấy trăm năm của nhà Trịnh. Khi được tuyển vào cung, được Tĩnh Đô Vương sủng ái, Huệ bắt tay vào thực hiện mưu đồ của mình. Huệ tìm mọi cách để mê hoặc chúa Trịnh Sâm cho xây dựng Bội Lan Thất trong phủ chúa dành riêng cho Đặng thị. Sau đó, thị Huệ gièm pha để chúa phế con cả là Trịnh Tông, lập con thứ là Trịnh Cán và đưa Trấn thủ Nghệ An Hoàng Đình Bảo về cung làm cộng sự mưu đồ việc lớn đồng thời thông dâm với Huy Quận. Khi Tĩnh Đô Vương qua đời, Huệ và Quận Huy nắm hết uy quyền. Cuối cùng kiêu binh phẫn nộ nổi loạn, giết chết Quận Huy, bắt giam Đặng Thị Huệ ở Tăng đường sau ngự uyển, đưa thế tử Tông lên ngôi.
Tiểu thuyết Chúa Trịnh Khải lại xoay quanh câu chuyện về sự thoán đoạt ngôi vị của Trịnh Khải, chúa chống lại cha và Tuyên phi, chịu hình phạt bị bắt giam. Sau khi lũ kiêu binh nổi loạn đưa chúa lên ngôi, giết Quận Huy và tống giam Tuyên phi, chúa lại phải đối đầu với bao thách thức mới:Sự chống trả của bọn kiêu binh như một con dao hai lưỡi, chúa vừa chống đỡ với thù trong (lũ kiêu binh trong nội phủ), vừa phải
đối mặt với giặc ngoài (nghĩa quân Tây Sơn); cuối cùng chúa bị người xa chạy đến đẩy mạnh một cái và kết thúc cuộc đời chúa cũng là kết thúc hơn 200 năm gây binh kết oán của nhà Trịnh.
Từ Bà chúa Chè đến Chúa Trịnh Khải, Nguyễn Triệu Luật đã tái hiện một cách chân thực và sinh động sự suy vong của nhà Trịnh: “Trong việc chôn nhà Trịnh, Bà chúa chè là người đào hố; lũ kiêu binh là lũ trực đẩy người xuống hố; Chúa Trịnh Khải là người bị chúng đẩy nhưng cứ chạy quanh miệng hố mà vừa tránh vừa tìm cách đuổi lũ chó người. Lũ chó người chay tan rồi chúa đang lúi húi một mình lấp hố thì vụt đâu có người xa chạy đến, đẩy mạnh một cái, thế là xong đời, xong cả cơ đồ họ Trịnh” [109, 127].
Tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật lấy chất liệu của sự thật lịch sử làm cốt lõi vì thế có đoạn sát thực như dịch lại Hoàng Lê nhất thống chí mà chất hư cấu lại mờ nhạt. Mặt hạn chế này được Chu Thiên và nhất là Nguyễn Huy Tưởng khắc phục rất thành công.
Nhìn chung, đi vào khai thác đề tài về lịch sử, cả hai nhà tiểu thuyết, Chu Thiên và Nguyễn Huy Tưởng tỏ ra rất mẫn cảm với quá khứ lịch sử, với những vấn đề của thời đại ngầm bày tỏ trong cái nhìn về quá khứ. Từ đó, nhà văn tạo ra mạch ngầm nối kết giữa quá khứ với hiện tại. Đề tài lịch sử trong tiểu thuyết của hai tác giả này không nặng về tái hiện sự kiện lịch sử hay chiến tích của các nhân vật anh hùng mà được khai thác dưới góc nhìn số phận – cá nhân với những suy tư, dằn vặt rất đời thường. Cảm hứng chủ đạo là thức nhận lại lịch sử trong chiều sâu của tư duy nghệ thuật.
3.1.2.2. Nhân vật trung tâm
Nhân vật chính trong sáu tiểu thuyết lịch sử của Chu Thiên và Nguyễn Huy Tưởng được xây dựng ở hai tuyến đối lập: Kiểu nhân vật nữ tài sắc tiết liệt như Quận Mỹ phu nhân, Liên Tường, Tiểu Lan (trong tiểu thuyết của Chu Thiên), Quỳnh Hoa, công chúa An Tư (trong tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng)… và loại nhân vật dâm ác đại diện cho quyền lực, nhan sắc, dục tình như Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ, Đặng Lân, Nguyễn Bái, Thoát Hoan… Hệ thống nhân vật đó được các tác giả sáng tạo qua chân dung tính cách, số phận và được soi chiếu dưới cái nhìn đời tư và giải thiêng lịch sử.
Có thể bạn quan tâm!
- Lí Giải Về Sự Sinh Tồn, Đình Bản Của Tri Tân Tạp Chí
- Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 10
- Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 11
- Quá Trình Kế Thừa Và Tiếp Biến Của Thể Loại Kịch Ở Việt Nam
- Vũ Như Tô, Vở Chính Kịch Đặc Sắc
- Diện Mạo Và Đặc Điểm Của Thơ Trên Tri Tân Tạp Chí
Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.
Không còn chân dung của các anh hùng hào kiệt với cái nhìn chiêm ngưỡng, bái vọng như trong tiểu thuyết của Nguyễn Tử Siêu, cũng không còn nặng về ghi chép, tái hiện các sự kiện lịch sử chân thực như trong tiểu thuyết của Nguyễn Triệu Luật, các sáng tác của Chu Thiên và Nguyễn Huy Tưởng đã đời thường hóa cái nhìn về lịch sử qua cuộc đời, số phận, đặc biệt tính cách các nhân vật với những trải nghiệm thấm thía của cá nhân nghệ sĩ.
Ngoài ra còn có các nhân vật ngoại biên là các nho sinh, tướng lĩnh tài cao, chí lớn, trọng nghĩa khí như Bùi Văn Khuê, Bảo Kim cùng nhóm bạn đồng môn - Trần Long, Chiêu Thành Vương… đối lập lại, là loại nhân vật bất tài, bất nhân, bất nghĩa như Đặng Mậu Lân, Phan Ngạn, Nguyễn Bái... Việc lấy nhân vật từ nguyên mẫu có thật trong lịch sử, cả hai nhà tiểu thuyết đã vượt qua được rào cản của công thức sẵn có mà tái tạo thành những sinh mệnh nghệ thuật chân thực, đời thường, sống động.
Nhân vật lý tưởng của Chu Thiên là kiểu nhân vật nữ tài hoa, đức hạnh. Số phận của họ được đặt trong bi kịch “gia biến”, trong tình huống thử thách về phẩm tiết, đức hạnh. Mặc dù họ đều xuất thân từ cuộc sống “êm đềm trướng rủ màn che” nhưng khi gặp tai biến, va đập giữa chốn hồng trần đầy hệ luỵ, họ vẫn luôn giữ mình trong sạch. Thậm chí, họ còn thể hiện tài trí, mưu lược của mình vừa để cứu được gia đình (như Liên Tường trong tiểu thuyết Thoát cung vua Mạc và Trúc mai sum họp); vừa để trả thù, rửa hận cho chồng, cho nghĩa quân, sẵn sàng hi sinh làm tấm gương tiết liệt (như Bà quận Mỹ trong tiểu thuyết cùng tên).
Với Nguyễn Huy Tưởng, nhân vật trong sáng tác của ông là những con người “nếm trải” dằn vặt, suy tư, chịu nhiều đau khổ (Quỳnh Hoa và chúa Tĩnh Đô trong Đêm hội Long Trì hay An Tư trong tiểu thuyết cùng tên). Bi kịch đời tư nhân vật lồng trong bi kịch của lịch sử dân tộc với nỗi ám ảnh của số phận. Tác giả đặt nhân vật trong hệ đối lập nghiệt ngã giữa vẻ đẹp trong trắng, thánh thiện với sự tàn bạo, thô bỉ của quyền lực và dục tình. Cốt lõi sự thật lịch sử được nhà văn sáng tạo theo một cách riêng bằng sự nhạy cảm của một nhãn quan tinh tế về lịch sử với cái nhìn mẫn cảm về hiện thực. Vì thế, tác phẩm của ông không đơn tuyến, nhân vật của ông không xơ cứng mà phức hợp theo kiểu nhân vật của tiểu thuyết hiện đại: Có số phận, có tính cách, nhiều suy tư trăn trở, nhiều mạch rẽ, nhiều vỉa ngầm.
Đặc sắc trong tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng là cái nhìn “đời thường hóa” lịch sử, nhà văn rút ngắn khoảng cách của quá khứ xa xưa bằng điểm nhìn trần thuật bên trong. Những nhân vật lịch sử như chúa Trịnh Sâm, Đặng Thị Huệ, Đặng Lân, An Tư, Thoát Hoan đều được khai thác ở khía cạnh con người cá nhân với phương diện đời tư. Chân dung nhân vật hiện lên trong cuộc sống sinh hoạt thường nhật, được khám phá qua thế giới nội tâm phức tạp, bộn bề của tâm tư tình cảm, khát vọng, của những giằng xé mãnh liệt giữa cường quyền bạo lực và đam mê trần dục. Từ đó, nhà tiểu thuyết phát hiện ra vẻ đẹp thánh thiện bên cạnh dục tình, bạo lực và quyền uy. Vì
thế cốt truyện lấy nguồn gốc từ trong sử sách đời xưa nhưng được lí giải khá gần gũi, đặc biệt có ý nghĩa thức tỉnh con người thời đại.
Chẳng hạn Đặng Mậu Lân từ một nhân vật của lịch sử đến nhân vật trong tiểu thuyết của Nguyễn Huy Tưởng đã được: “Khai thác tỷ mỉ hơn, sinh động hơn. Dục vọng, tội ác… là hiện hình tính cách. Đặng Mậu Lân như một con thú dữ khát mồi. Hắn coi thường kỷ cương xã hội, chà đạp lên đạo lý, sống dã man, tàn bạo và dâm loạn…” [54, 909]. Từ đó, tác giả lấy Đặng Mậu Lân làm đầu mối cho các quan hệ: Đặng Lân – Quỳnh Hoa; Đặng Lân – Nguyễn Mại để tạo nên những xung đột khốc liệt: “Giữa sự tàn ác, thô bỉ của dục vọng với vẻ đẹp mềm mại và tình yêu thơ mộng, giữa tội ác và công lý” [54, 910].
Qua số phận đầy bi kịch của công chúa An Tư, Nguyễn Huy Tưởng đã dựng lại một: “Bức tranh hoành tráng về cuộc kháng chiến oanh liệt chống quân Nguyên của dân tộc” [208, 17]. Bằng bút pháp sử thi đặc sắc kết hợp với nghệ thuật miêu tả nhân vật tài hoa, Nguyễn Huy Tưởng không chỉ “tái hiện sống động những sự kiện lịch sử lớn lao, bi tráng của dân tộc” mà còn làm cho: “Các nhân vật lịch sử hiện diện có tính cách riêng, với những chuyển biến tinh vi, sinh động trong đời sống nội tâm”.
Nếu Nguyễn Triệu Luật nhấn mạnh vào kì tích, chiến công, phẩm hạnh của các nhân vật lịch sử là các anh hùng hào kiệt, đặc biệt là các nữ anh hùng, các tấm gương trọng nghĩa thì nhân vật trong tiểu thuyết của Chu Thiên và Nguyễn Huy Tưởng không chỉ nối tiếp các chân dung vẻ đẹp ấy mà còn được đặt trong sự vật lộn cùng những va đập nhiều chiều của cuộc sống thường nhật. Đó là chân dung tính cách Đặng Thị Huệ qua những chiêu thức mê hoặc chúa Trịnh; là bộ mặt phản trắc, tàn ác, dâm dục của con thú Đặng Mậu Lân; là những hi sinh cao cả mà thầm lặng của nàng công chúa An Tư; là tình yêu cha đến u mê của Quỳnh Hoa quận chúa… Rõ ràng, Chu Thiên và Nguyễn Huy Tưởng đã bước qua giới hạn của những nguyên mẫu lịch sử khô cứng để sáng tạo thành công nhân vật văn học, những hình tượng nghệ thuật độc đáo.
3.1.2.3. Về kết cấu
Nói đến phương diện kết cấu của một tác phẩm văn học tức là xem xét cách thức tổ chức phức tạp và sinh động của tác phẩm. Bởi vậy kết cấu không đơn thuần là bố cục của tác phẩm mà nó thể hiện mối quan hệ nội tại, biện chứng, thẩm thấu giữa yếu tố hình thức và nội dung; bên ngoài và bên trong văn bản. Sự liên kết gắn bó giữa các bình diện bên ngoài như các phần, chương, đoạn; cách tổ chức không gian, thời gian; hệ thống hình tượng nhân vật; kết cấu cốt truyện, kết cấu văn bản ngôn từ; điểm nhìn
nghệ thuật … với các bình diện bên trong là cấu trúc bề sâu, phần chìm và ý nghĩa của văn bản… nhằm tạo nên tính toàn vẹn của chỉnh thể nghệ thuật. Tuy nhiên, mỗi thể loại văn học lại có phương thức tổ chức riêng. Với thể loại kịch, kết cấu của văn bản phụ thuộc vào độ căng của kịch tính, của xung đột sẽ chi phối đến kết cấu về cốt truyện kịch, nhân vật, lời thoại… Với thơ ca, cách thức tổ chức lại dựa vào tứ thơ là trục chủ đạo để tác giả phân cấp thành kết cấu vi mô (câu thơ, dòng thơ, khổ thơ…) và kết cấu vĩ mô (tương phản, đối thoại, tượng trưng, song hành, vòng tròn…). Đối với thể loại tiểu thuyết, kết cấu tác phẩm thể hiện ở mối liên hệ chặt chẽ và thống nhất giữa việc tổ chức điểm nhìn nghệ thuật với trật tự các sự kiện được biểu hiện qua hình thức ngôn ngữ nghệ thuật.
Có thể hiểu điểm nhìn trần thuật chính là quan điểm đánh giá – cảm thụ của người trần thuật ở các “trường nhìn” khác nhau: Có trường nhìn của tác giả, trường nhìn của nhân vật hoặc đan xen giữa trường nhìn của tác giả và nhân vật. Từ các góc độ nhìn khác nhau lại có điểm nhìn hữu hạn và vô hạn, bên trong và bên ngoài, đồng thuận và tương phản… Tất cả, tạo thành một hệ thống điểm nhìn trần thuật phức tạp được tổ chức phối hợp luân phiên với nhau giữa tác giả với nhân vật, nhân vật với nhân vật… Do vậy, hệ thống điểm nhìn trần thuật: “Thực chất là tổ chức cách tiếp cận hình tượng cho người đọc. Nó quy định tính chất tư tưởng, cảm xúc và quan hệ thẩm mĩ của hình tượng” [156, 177].
Soi chiếu vào các tiểu thuyết lịch sử trên Tri tân, chúng tôi nhận thấy điểm chung của cả sáu tác phẩm trường kỳ là kết cấu mở theo mô típ: Gia biến – lưu lạc – chia cắt. Số phận cá nhân được soi chiếu từ nhiều chiều kích, tạo nên sự bộn bề, co duỗi như bản thân cuộc sống. Sự trùng phức của các chi tiết làm nên yếu tố “dôi thừa” vốn là đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại.
Tiểu thuyết An Tư của Nguyễn Huy Tưởng có kết cấu phức hợp theo kiểu truyện lồng truyện. Câu chuyện chính viết về cuộc đời, nói đúng hơn là cuộc tình duyên của công chúa An Tư nhưng lại gắn với một trọng trách lớn lao thiêng liêng của đất nước - lịch sử chống giặc Nguyên Mông. Qua câu chuyện về An Tư tác giả còn lồng vào đó nhiều câu chuyện khác: Truyện về tài thao lược, tài dụng nhân, thu phục nhân tâm của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn; truyện về tướng giặc xứ man di dũng mãnh đa tình
- Thoát Hoan; truyện về vị tướng trẻ tài ba Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Chiêu Thành Vương; truyện về Trần Quang Khải đại phá Thoát Hoan khôi phục Thăng Long… Kết thúc của tác phẩm là sự đan xen của nhiều âm điệu: Âm điệu tưng bừng
hào sảng của quân sĩ trong niềm vui chiến thắng, âm điệu bi hùng trong sự hi sinh kiêu dũng của Chiêu Thành Vương, âm điệu bi thương trong sự tuẫn tiết của An Tư… Hình ảnh cuối được tổ chức theo kết cấu mở đầy ám ảnh: “Trên bờ sông, con ngựa bạch ngơ ngác đánh hơi tìm chủ nhân, lồng lộn hướng ra lòng sông, dưới ánh trăng khuya, hí lên một hồi tuyệt vọng…”.
Tiểu thuyết Cháy cung Chương Võ của Chu Thiên lại xây dựng hình ảnh Chương Võ từ nhiều góc nhìn khác nhau, làm cho hình tượng nhân vật hiện lên sinh động và có sức gợi mở. Xung quanh câu chuyện về đám cưới của Chương Võ, một cựu thần của triều Lý và công chúa Ngọa Thiềm - em gái của vua Trần Thái Tông, do Thái Sư Trần Thủ Độ đứng làm trung gian có nhiều người bàn tán. Tiêu biểu cho số người đó là ba chàng tráng sĩ Du Lâm vui vẻ tung hô bởi họ nghĩ rằng cuộc hôn nhân này sẽ đem lại thái bình cho muôn dân, chiến tranh, loạn lạc sẽ kết thúc. Như vậy, đức vua Chương Võ được tôn vinh như một biểu tượng cao đẹp đã vì sự bình yên của muôn dân mà hạ mình làm rể nhà Trần. Đối lập lại với ba chàng trai trẻ đó là “công tử Hòa Đao - con quan cố Thiếu uý Lê Sĩ Hiếu triều Lý thì cho rằng Chương Võ bị mắc mưu Trần Trần Độ và cuộc hôn nhân này sẽ dẫn đến mối họa bởi Trần Thủ Độ là một tay “xảo quyệt lắm, việc gì mà không lợi cho hắn quyết nhiên hắn không làm. Vậy tiểu tốt lo rằng rồi ra thiên hạ còn rối bời nhiều việc lắm, không thể lường trước được”.
Lại có kết cấu đan lồng, xen trong câu chuyện về mối thù giữa nhà Lý và nhà Trần là câu chuyện tình ngang trái của công tử Đoàn Văn và công chúa Kim Vân. Đằng sau mối quan hệ thâm tình giữa Chương Võ và Đoàn Văn lại chồng chéo các mâu thuẫn các mối thù không đội trời chung. Con người Chương Võ cũng hiện lên trong cái nhìn đa chiều: Dân chúng thì hoan nghênh chào đón, bạn bè thì hoài nghi, những người vốn chí thân, chí tình thì nay lại thâm thù, oán thán…
Kết thúc thiên tiểu thuyết là vụ thảm án. Một đêm, có hai bóng đen đi vào phòng Đoàn Văn và họ chuẩn bị thực thi hành động. Hai người đó chính là nghĩa sĩ Vân Côi và Hòa Đao công tử. Vân Côi cùng Đoàn Văn đi sang dinh của Chương Võ trong khi đức vua đang ngủ cùng Trần phi. Đoàn Văn đã buộc tội Chương Võ khiến vị hoàng đế phải nhận tội và tự trừng phạt bằng cách cấu rốn, moi ruột gan ra. Sau đó Đoàn Văn lại sang cung công chúa mời Kim Vân sang cung vua để cho nàng chứng kiến thảm cảnh của cha mà quyết chí báo thù. Kim Vân cùng Đoàn Văn đấu kiếm và bất ngờ khi nghe tiếng thét rùng rợn, Kim Vân gục xuống dưới lưỡi kiếm của Đoàn Văn mặc dù hai người rất yêu nhau. Cuối cùng là hình ảnh cung Chương Võ trở thành một biển lửa.
So với tiểu thuyết Bà Quận Mỹ, Thoát cung vua Mạc, Trúc mai sum họp thì Cháy cung Chương Võ thể hiện một cách viết khá già dặn của Chu Thiên trên mọi phương diện: Từ kết cấu, nghệ thuật hư cấu đến xây dựng nhân vật và năng lực sử dụng ngôn ngữ... Tất cả làm nên hứng thú, bất ngờ qua tình tiết đơn giản mà thấm thía, gần gũi mà sâu sắc.
So với Nguyễn Huy Tưởng, Chu Thiên viết khá đều tay và dài hơi nhưng kết cấu tác phẩm của ông còn đơn nhất, nhân vật được khám phá chủ yếu ở số phận, tính cách còn thuần nhất mà chưa khám phá vào diễn biến tâm lí phức tạp cùng sự phức hợp, đa chiều trong tính cách như nhân vật của Nguyễn Huy Tưởng. Có thể nói, các tiểu thuyết của Chu Thiên in trên tạp chí Tri tân mới bắt đầu chạm đến đặc điểm của thể loại. Còn Nguyễn Huy Tưởng đã bắt được cái thần của thể loại và thể hiện sắc nét trong hai tiểu thuyết Đêm hội Long Trì và An Tư.
Có thể lấy phương diện về ngôn ngữ tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng làm minh chứng. Đây cũng là phương diện nhà văn thể hiện sống động nhất chân dung các nhân vật lịch sử. Nổi bật là ngôn ngữ đối thoại và độc thoại được nhà tiểu thuyết thể hiện một cách tài hoa trong việc khắc họa tính cách và tâm lý nhân vật.
Trong tiểu thuyết Đêm hội Long Trì, chúa Trịnh Sâm hiện lên là kiểu nhân vật đa tính cách: Vừa uy nghiêm, tàn nhẫn, lạnh lùng; lại vừa mềm lòng, yếu đuối thậm chí bất lực trong cái bả của nhan sắc và dục tình. Tác giả đã có những trang viết rất thành công khi miêu tả những diễn biến tâm lí giằng xé của nhân vật này đặt trong tình thế lựa chọn đầy đau khổ giữa việc định đoạt một bên là số phận con gái cưng, Quỳnh Hoa quận chúa và ước nguyện của người đẹp Tuyên phi - Đặng Thị Huệ.
Tuyên phi là: “Người đàn bà có một sắc quyến rũ yêu quái. Người phi là tiếng gọi của dục tình, mắt là đôi gương mê hoặc và môi là một nụ hoa khêu gợi ái ân”. Sự xuất hiện của phi làm cho tất cả bọn cung nữ và ngay cả Quỳnh Hoa quận chúa cũng bị lu mờ. Dưới ngòi bút của Nguyễn Huy Tưởng, mọi cử chỉ, dáng điệu, lời ăn, giọng nói cho đến cách bài trí chốn thâm cung của Tuyên phi Đặng Thị Huệ đều toát lên sức cuốn hút và đam mê xác thịt không thể cưỡng được. Cũng bởi thế mà Tĩnh Đô vương mê muội, đắm say. Mỗi lần đến với Bội Lan Thất những ham muốn cháy bỏng của dục tính đã chiếm đoạt toàn tâm, toàn hồn chúa thượng: “Ngài say sưa, chỉ họa chăng còn thấy mơ màng chiếc giường thất bảo lộng lẫy với đôi gối thêu” và chúa quên tất thảy, chúa có thể bị sai khiến bởi vẻ đẹp mê muội ấy, chúa sẵn sàng hạ mọi mệnh lệnh sai trái chỉ để làm vừa lòng người đẹp và không để tổn thương đến một ánh mắt, nụ cười
của Tuyên phi: “Ái khanh cứ nói, ta là chúa tể nhân gian, cầm quyền thiên hạ, chỉ trừ có trời, còn cái gì ta không cho ái khanh được”. Quả quyết, uy quyền là vậy nhưng chúa Trịnh cũng không khỏi bàng hoàng, đau đớn trước lời khẩn cầu của người đẹp Tuyên phi khi xin cho Quốc cữu, em trai Tuyên phi được kết duyên cùng con gái vàng ngọc của chúa khiến: “Chúa giật bắn người lên, hoang mang như một người bị ngã! Tuyên phi ngước mắt lên nhìn chúa, thấy Tĩnh Đô mặt tái đi. Thoáng một cái nàng đã thấy trong nét mặt rất dễ thay đổi kia, vẻ giận dữ, vẻ đau đớn, vẻ hoài nghi, xen với một vẻ kiêu ngạo không bờ bến”... Bởi hơn ai hết chúa hiểu con người thú vật của Đặng Lân – Quốc cữu. Con gái ngọc ngà của chúa không thể rơi vào tay kẻ phàm phu, tục tử kia... Một loạt những so sánh đua chen trong đầu chúa, càng so sánh chúa càng thấy không thể đáp ứng được nguyện vọng của người đẹp. Tưởng rằng cái quyết đoán của một bậc chúa tể anh minh, cái uy quyền của bậc chúa tể muôn dân đã chiến thắng vậy mà khi chứng kiến cảnh người đẹp ủ rầu, đau ốm thì vẻ “giận dữ, đau đớn, hoài nghi” đã nhanh chóng tan biến. “Vẻ kiêu ngạo không bờ bến” của chúa Trịnh đã bị khuất phục trước sắc đẹp mê hồn của Tuyên phi. Cuối cùng, chúa ra một quyết định làm kinh hoàng cả chốn phủ vương: Gả Quỳnh Hoa quận chúa cho Đặng Lân. Từ khi ra quyết định như vậy nhiều lần chúa dằn vặt muốn trì hoãn nhưng quân tử nhất ngôn, chúa vật vã, đau khổ nhưng cũng không thể thay đổi được.
Trước sự suy sụp và đầy cam chịu của con gái: “Chúa Tĩnh Đô thân lấy khăn tay chùi nước mắt cho con. Mắt ngài bỗng trố lên, ngài như nhận thấy hết cả tội ác của mình: Quỳnh Hoa còn quá trẻ trung, thơ dại, tay nàng mảnh khảnh và xanh xao. Nhưng cũng lúc ấy cái sắc đẹp mê hồn của Tuyên phi như đứng trấn không cho ngài lùi nữa. Lòng ngài chia sẻ. Những khi việc nước khó khăn nhất ngài cũng chưa bao giờ phân vân như thế! Không biết tự bao giờ, ngài để nước mắt trào ra”. Chúa nhìn con mà lòng se sắt. Những lời tâm sự của chúa với người thái giám cận thần Khê Trung Hầu là những lời thành thực nhất: “Ta hối vô cùng, nhưng không còn cách gì nữa. Nay ta cự hôn thì không những Tuyên phi phẫn uất mà ta còn mang tiếng trẻ con với thần dân”. Song vẫn có lúc chúa dùng “phép thắng lợi tinh thần” để xoa dịu vết thương lòng đang rỉ máu: “Con ta vất vả hay an nhàn là ở ta chứ ở ai? Cha là chúa tể muôn dân, không thể làm cho con gái cha khổ được”. Bàn tay của chúa có thể che trời nhưng lại không che chở nổi cho đứa con gái ngây thơ, yếu đuối.
Trước giờ rước dâu, chúa dùng dằng, níu kéo thời gian để được ở gần quận chúa: “Lễ nghênh hôn đã sắp, mà chúa Tĩnh Đô còn lưu luyến trong yến thất với Quỳnh Hoa.