Diện Mạo Và Đặc Điểm Của Thơ Trên Tri Tân Tạp Chí‌

Tác phẩm được khơi nguồn cảm hứng từ một sự kiện có thật trong lịch sử xảy ra ở kinh thành Thăng Long thế kỷ XVI (1516-1517), triều vua Lê Tương Dực. Câu chuyện về cái chết oan nghiệt, thảm khốc của người kiến trúc “tài trời” Vũ Như Tô được nhà văn chắt lọc từ “sự thật lịch sử” để tái tạo thành chân dung sống động mang cảm quan và tâm lí thời đại. Nguyễn Huy Tưởng chọn điểm nhìn nghệ thuật lùi sâu về mấy trăm năm lịch sử nhưng lại tạo được sợi dây kết nối tương giao với hiện tại. Bi kịch của Vũ Như Tô cũng chính là bi kịch của người trí thức và người nghệ sỹ thời Nguyễn Huy Tưởng. Bởi thời đại của Vũ Như Tô cũng rất gần với thời đại nhà văn đang sống: Vua Lê Tương Dực trác táng, trụy lạc, đời sống nhân dân loạn lạc, ly tán, điêu linh; Con người Việt Nam thời Pháp trị, Nhật trị cũng đắm chìm trong cảnh bức hại, chiến tranh, tăm tối, cực nhục, lầm than.

Vở kịch còn chuyển tải những điều lớn lao, sâu sắc hơn không chỉ là bi kịch của một người, một đời, một thời mà nó dung chứa bi kịch của mọi người, mọi đời và mọi thời. Dư vang của vở kịch là nỗi đau nhức nhối, là những ẩn ức và câu hỏi khắc khoải khôn nguôi về vấn đề giải phóng năng lượng và khát vọng sáng tạo của người nghệ sỹ.

Từ bi kịch của Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng đã đặt ra vấn đề định đường đối với người cầm bút đương thời. Bởi thực tế, sự phân hóa phức tạp của đội ngũ văn nghệ sỹ (như đã trình bày ở chương 2) đã phản ánh tâm lí bức bối của người cầm bút chân chính, đồng thời cũng đặt ra những lựa chọn không dễ dàng với người sáng tạo nghệ thuật. Cũng từ đó, nhà văn đặt ra vấn đề mang tính muôn thuở nhưng vẫn mãi là lời bỏ ngỏ với cuộc đời về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Nghệ thuật chân chính không thể tách rời hiện thực cuộc sống. Người nghệ sỹ chân chính phải là người “đứng trong lao khổ”, trải nghiệm, thấm thía cùng nỗi quằn quại, đớn đau, rên xiết của muôn kiếp đói khổ, lầm than. Cái đẹp phải đồng hành cùng cái thiện. Không có chỗ đứng cho cái đẹp cao siêu, thuần túy, lìa xa cái thiện. Ngược lại, cái thiện cũng không thể tồn tại khi đối nghịch, tàn sát cái đẹp. Cụ thể hơn, tác phẩm còn đặt ra vấn đề về mối quan hệ giữa quyền lợi của dân tộc và nhân dân hay nói cách khác, đó là vấn đề về việc bảo lưu nền văn hóa và văn minh của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, nếu các mối quan hệ này xung đột thì tất yếu sẽ dẫn đến sự tan vỡ, hủy diệt các giá trị. Vì vậy bi kịch của Vũ Như Tô là bi kịch nhức nhối bởi cuối cùng nó dẫn đến sự diệt vong những giá trị cao quý: Cái tài, cái đẹp và cái thiện.

Vở kịch Vũ Như Tô không chỉ làm sáng danh tên tuổi Nguyễn Huy Tưởng mà còn là tác phẩm mẫu mực của loại hình văn học kịch và là niềm tự hào của nền nghệ

thuật sân khấu dân tộc. Từ các tiểu thuyết lịch sử đến các vở kịch lịch sử (đặc biệt là với Vũ Như Tô), Nguyễn Huy Tưởng xứng danh là “người viết sử bằng văn chương”, người luôn khao khát gìn giữ phần “hồn” của dân tộc trong những trang viết dung dị mà sâu sắc.

Chỉ riêng với các sáng tác kịch, nhất là kịch lịch sử, tạp chí Tri tân đã góp một phần không nhỏ đối với quá trình kế thừa, phát triển và tiếp biến của các thể loại văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. So với mảng văn chương sáng tác trên Thanh nghị, rõ ràng với đặc trưng của thể loại kịch, Tri tân đã khẳng định dấu ấn đặc thù. Cùng với thể loại tiểu thuyết lịch sử, kịch lịch sử đã góp phần làm làm phong phú sắc diện của nền văn học hiện đại Việt Nam đầu thế kỷ XX.

3.3. Văn vần trên Tri tân tạp chí

Ở phần này, luận án đi vào tìm hiểu, đánh giá về diện mạo, đặc điểm của các sáng tác văn vần, chủ yếu là thơ trên tạp chí Tri tân qua kết quả thực chứng thống kê, phân loại 322 bài thơ. Từ đó, chúng tôi đặt mảng sáng tác thơ ca trên Tri tân trong sự so sánh, đối chiếu với các sáng tác thơ trước và cùng thời với Tri tân để rút ra một số nhận định về các giới hạn của thơ trên Tri tân.

3.3.1. Diện mạo và đặc điểm của thơ trên Tri tân tạp chí‌

Điểm diện các nhà thơ đồng hành cùng Tri tân như Ngân Giang, Minh Tuyền, Cách Chi, Vân Thạch, Cẩm Lai, Mộng Sơn, Song Cối… có thể nhận thấy sự góp sức của các cây bút này tuy không đem lại sắc thái mới cho văn học song với những đặc trưng riêng, thơ trên Tri tân cũng góp một phần khẳng định ý nghĩa, giá trị của tờ tạp chí này.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

Nhìn lại lịch trình của tạp chí qua các năm tồn tại cho thấy, các sáng tác thơ trên Tri tân đã phản ánh được không khí và tinh thần của con người thời đại. Ngay năm đầu phát hành, trong 29 số đầu tiên (Năm 1941, từ số 1 đến số 29), tạp chí Tri tân đã chọn đăng 37 bài thơ, những sáng tác thơ giai đoạn này chủ yếu hướng về đề tài và chủ đề hoài cổ. Các tác giả mượn câu chuyện của quá khứ để cảm thán thời thế với nỗi niềm ngậm ngùi, chua xót (Vịnh Kiều, Từ Khê, số 3; Hữu cảm, Đức Giang, số 5; Qua Loa Thành cảm đề, Đái Đức Tuấn, số 24; Vịnh hòn non bộ, Vân Thạch, số 25; Đời vui, Bửu Kế; Thế kỷ tàn tạ, Thuý Minh, số 28…). Tìm về dấu xưa, vết cũ, các nhà thơ đã khơi dựng lại lịch sử hào hùng của dân tộc, dấu ấn vàng son của một thời trong nỗi luyến tiếc khôn nguôi (Sóng Bạch Đằng, Minh Tuyền, số 17; Khuê các với chinh phu, Nguyễn Huy Tưởng, số 20; Thăm hoa vườn ngự, Thanh Sơn, số 24; Dấu xưa, Xuyên

Hồ, số 28)… Hầu hết các sáng tác này vẫn theo hình thức kết cấu của Đường thi: sử dụng câu thơ bảy tiếng, ngắt nhịp chẵn, gieo vần chân với niêm, luật đối cân chỉnh.

Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 15

Đi qua di tích Loa Thành (Qua Loa Thành cảm đề, số 24), tác giả Đái Đức Tuấn không khỏi xót xa trước cảnh: “Thành xiêu ngả bóng thường nga, Ngọc châu, giếng nước đầy vơi hận, Ngọn gió heo may, quyện bóng tà”. Vương nghiệp Thục đế và “khối di tình” của Mị Châu – Trọng Thủy vẫn mãi là nỗi ai oán, xót xa. Song, bài thơ ra đời vào thời điểm những năm 40 của thế kỷ XX không phải không có ý nghĩa thức tỉnh thanh niên, thế hệ trẻ đương thời.

Trong bài Vịnh ông phỗng đá (số 3), tác giả Nhật Nham đã mượn hình tượng ông phỗng đá để bộc lộ suy ngẫm trước hiện tại biến cải tang thương đồng thời thể hiện niềm khắc khoải trước sự lặng thinh đáng sợ của ông phỗng đá, trước một câu hỏi lớn đau đáu không lời giải đáp: “Cuộc đời đương lúc đua chen thế; Ông cứ mần thinh, cũng lạ lùng!!!.”.

Cách Chi đã mượn nàng thơ để giãi bày tâm sự. Trong bối cảnh: “Xe, pháo, năm châu rối cuộc cờ; Ngất trời sát khí, núi sông mờ; Bao thành đá vỡ, vôi tan tác; Bốn biển, tôm nhao, cá ngác ngơ…” (Tặng nàng thơ, số 5), tác giả đặc tả vào nỗi hoang mang, cảm giác bất an, bất ổn khi nhìn thấu thảm cảnh: “Sống còn, sợi tóc treo trăm tạ” để rồi tự vỗ về bằng cảm xúc thành thực của trái tim thi sĩ đầy ẩn ức: “Yên ủi chăng, còn mấy vận thơ”.

Song Cối, khi ngắm nhìn Hoa trước gió (số 5), cảm nhận thấm thía sự đổi thay, biến sắc của cuộc đời, kiếp người, sự phũ phàng của gió đã xô đẩy, vùi dập những cánh hoa đẹp thành kiếp hoa tàn. Nhân vật trữ tình bơ vơ lạc lõng trong nỗi buồn tênh không bờ.

Sang năm thứ hai và thứ ba (Năm 1942-1943, từ số 30 đến số 125) tổng số các sáng tác thơ là 153 bài, đề tài, chủ đề phong phú hơn. Các tác giả đã chú ý khai thác vào cái Tôi trữ tình với nỗi niềm sâu lắng, cảm xúc thành thực mà kín đáo. Hình thức nghệ thuật thơ cũng đa dạng hơn với các thể thơ: Tự do, lục bát, nhất là sự xuất hiện lối thơ hai chân của Minh Tuyền (Xuôi ngược, số 69; Buồn, số 74…).

Các nhà thơ tập trung sự sáng tạo khắc sâu chủ đề về cảm giác và tinh thần của con người trước cuộc sống thực tại. Cảm giác đó có thể chỉ là sự tiếc nuối, xót xa chút hương sắc cuộc đời: “Tôi biết làm sao giữ được hoa, Cho hương đừng lạt, cánh đừng sa? Nếu ngày kia sẽ không hương phấn; Thì ý, tình thơ hết đậm đà” (Tiếc hoa, Trực Thần, số 87); Là khoảnh khắc thanh nhàn của tâm hồn: “Một khoảnh giang san, một

túp tranh; Về đây xa lánh bụi đô thành; Xem hoa, đọc sách, đời thơ mộng; Mặc kẻ bon chen chút lợi danh” (Ngày xuân ở ấp Na quán, Chúc Nhân, số 81-82); Là nỗi nhớ vấn vương, tâm trạng ai hoài khắc khoải, cô đơn: “Lại nhớ xuân nao, xanh mái đầu; Bên hồ tơ liễu bện duyên nhau; Tóc mây người đẹp, bên cầu đứng; Vấn lại tơ vương; mấy đoạn sầu” (Ý xuân, Nguyễn Đan Tâm, số 81-82…).

Hai năm cuối (1944-1945) trong hành trình của mình, tạp chí Tri tân đã đón nhận và giới thiệu được 132 bài thơ. Giai đoạn này, thơ ca chủ yếu tập trung vào đề tài, chủ đề về khúc tráng ca yêu nước, cổ vũ tinh thần dân tộc. Mối thù nhà, nợ nước, tinh thần ái quốc được gửi gắm trong những vần thơ hào sảng: Tiếng kèn xung trận, Nhời thề (Hoàng Văn Sỹ, số 191); Khúc ca lên đường (Trương Công Minh, số 191); Hồn non nước (Nhạc Thông, số 197); Cờ giải phóng, Tiến quân ca (Văn Cao, số 203…); Ngày độc lập (Thịnh Quang, số 205…). Về mặt nội dung, thơ ca đã bắt nhịp cùng lịch sử, hòa vang âm điệu hào hùng, thôi thúc của những khúc ca lên đường mang hơi thở của thời đại. Về hình thức nghệ thuật, sáng tác thơ giai đoạn này đã thoát khỏi khuôn mẫu nặng nề, tính điển phạm của Đường thi, chất hiện thực của đời sống được thể hiện qua hệ thống ngôn ngữ, hình ảnh, nhịp điệu, tiết tấu… làm bừng bừng khí thế xung trận của lớp lớp các thế hệ.

Đây là tâm sự nặng lòng của người mẹ với nước non trong khúc hát ru con: “Nợ nhà, nợ nước đôi vai; Đường xa, gánh nặng liệu bề lo toan; Gấm hoa một dải giang san, Tổ tông xây đắp muôn vàn công lao; Cùng lòng, hợp sức làm sao; Để cờ độc lập nêu cao sáng ngời” (Hát ru con, Trúc Khê, số 191).

Còn đây là Lời hiệu triệu các bô lão (Thi Nham, số 193) kêu gọi tuổi trẻ, sức già cống hiến cho nước non trong giây phút lâm chung: “Ôi, sinh trưởng cùng trong Nam thổ; Thì ai ai cũng có một phần; Một phần trách nhiệm quốc dân; Cái thân yêu nước là thân yêu nhà; Chi phân biệt trẻ, già, trai, gái; Tổ quốc chung, ta phải thờ chung…”. Bài thơ không chỉ đơn thuần là lời hiệu triệu mà khơi gợi vẻ đẹp từ truyền thống lịch sử, niềm tự tôn tự hào của quá khứ ông cha với cảm hứng ngợi ca: “Trên lịch sử nước non Hồng Lạc; Đời Trùng Hưng sát thát nên công; Cũng như Hội nghị Diên Hồng; Bao nhiêu kỳ lão một lòng khuyến trinh…”. Thủ pháp trùng điệp được phát huy tác dụng triệt để, lời thơ hào hùng đã thắp sáng ngọn lửa cứu quốc trong nhịp điệu hối thúc: “Mau đứng dậy, tiến lên rảo bước; Hiến thân cho tổ quốc hội này, Ví dù da ngựa bọc thây; Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa…”.

Đây là lời hẹn ước - lên đường trong men say của lý tưởng: “Chén này là chén tương phùng, Chén này là chén hẹn cùng nước non, Chén này là chén lòng son, Chén này là chén ta còn nhớ ta…” (Dừng bước phong trần, Chu Thượng, số 124…).

Ngược lại cũng có những bài thơ thể hiện nỗi chán nản, hoài nghi của con người trước thế cuộc: Coi cuộc đời anh hùng như một giấc chiêm bao (Say, số 196); thấm thía nỗi buồn đau tan tác, phân ly, tàn tạ do chiến tranh, đạn lửa (Chinh, Chiên, Mộng… của Nguyễn Huy Tưởng). Cái Tôi thi sĩ bơ vơ, lạc loài, không tìm được sự hoà nhập với cuộc đời:

Tôi đứng đó, không một ai đếm xỉa Sượng sùng quá, mắt thốt nhiên tràn lệ Tôi lao thân vào giữa đám người say, Nói nghẹn ngào cho tôi giúp một tay, Và lúc ấy tôi bừng tỉnh giấc mộng”.

(Mộng, số 36)

Con người bị ám ảnh bởi nỗi đau chiến tranh, hằn vết thương lòng của dân tộc: “Lịch sử muôn đời vết máu rây”. Từ những cuộc chiến kinh thiên động địa của thời đại non nước cổ, tác giả nhận thấy rõ sự khác biệt giữa cuộc chiến xưa và nay: “Chinh chiến ngày nay khác thuở xưa”. Bởi vì: “Liệt quốc tranh hùng ngôi bá chủ” cho nên dẫn đến thảm cảnh: “Mặt trận bao la chẳng bến bờ…” (Chinh, Minh Tuyền, số 12). Vẫn là nỗi ám ảnh về sự huỷ diệt đến kinh hoàng của chiến tranh, nỗi ám ảnh ấy khiến nhà thơ ngay cả trong giấc ngủ cũng không thể xoá nổi dấu vết máu chảy, đầu rơi, cảnh hoang tàn, đổ nát, tiếng bom đạn, phi cơ gầm rú, khói thuốc súng nghẹt thở… Bởi thế mà phải “Giật mình, kinh khủng giấc mơ màng” (Chiên, Minh Tuyền, số 12).

Trong mảng sáng tác thơ ca trên tạp chí Tri tân thì những bài thơ viết về đề tài chủ đề hoài cổ vẫn là các sáng tác có giá trị hơn cả. Khơi tìm nguồn cảm hứng từ trong chiều dài lịch sử và chiều sâu văn hóa dân tộc, các nhà thơ tìm về với những chiến tích vang dội, tấm gương anh hùng, các danh tích lịch sử đầy tự hào. Quá khứ vàng son vẫn mãi là nỗi niềm luyến tiếc ngậm ngùi của con người thời đại. Viết về lịch sử, họ bày tỏ niềm ngưỡng mộ, lòng thành kính với các bậc anh hùng, tiết liệt (Hai Bà Trưng, Trần Bình Trọng, Trần Hưng Đạo, Lý Ông Trọng, Nguyễn Tri Phương…); khẳng định lòng tự tôn dân tộc (Trưng Nữ Vương, Đái Đức Tuấn, số 25; Sóng Bạch Đằng, Minh Tuyền, số 17; Lời hiệu triệu các bô lão, Thi Nham, số 193…).

Đây là khúc ca khải hoàn trên dòng sông Bạch Đằng thiêng kiêu hùng:

Quăng gươm, tráng sĩ bên thành quách, Sướng nhẩy, ôm nhau, lệ ứa rơi

Gió đùa hoa lạc xoay tròn lá

Chim reo múa cánh, rộng từng không Ong mừng vỡ tổ bay muôn ngả

Bướm lượn tưng bừng rợp núi sông Đường tắt, ngõ ngang, nô nức bước Chị gọi, em theo, trẻ dắt già

Mẹ bế bồng con đi đón rước

Anh hùng cứu quốc, khải hoàn ca.”

(Sóng Bạch Đằng, Minh Tuyền, số 17)

Và đây là chân dung của vị tướng tài Phạm Ngũ Lão hiện diện trong tư thế uy nghi trước quân thù: “Quốc công trù sách, biên cương vững” mang vẻ đẹp kiêu dũng: “Chiến bào còn đâu ánh trăng đông Bảo kiếm bên mình, rợn máu hung” với nghĩa khí cao cả: “Rèm buông, cánh triện tống chinh lang...”. Những lời thơ âm vang mang sức hùng của dân tộc, của những chiến tích lẫy lừng từ công cuộc dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm…

Ngòi bút của các nhà thơ cảm hoài về những danh tích, thắng cảnh – nơi lưu giữ hồn thiêng sông núi qua mỗi tên miền, tên đất cụ thể như: Loa thành, Côn Sơn, Dục Thuý, Đền Hùng, Đền vua Thục, Đền đức Trần Hưng Đạo, Cầu sông Nhị, danh tích nhà Mạc

Qua lăng lính hoài cổ, các tác giả kín đáo bày tỏ thái độ, suy ngẫm về thời thế (Việt Vương Câu Tiễn ở Ngô, Lý Quốc, số 88; Hội đền Hùng, Trần Văn Bích, số 90; Vịnh Lý Ông Trọng, Cách Chi, số 98; Đền vua Thục, Lam Giang, sô 122; Đền đức Trần Hưng Đạo, Lãng Ngâm Tử, số 122; Dục thúy, Vân Đài, số 122…).

Có thể nói, ba đề tài, chủ đề chính của mảng sáng tác thơ trên tạp chí Tri tân là: Hoài cổ, Cảm thán thời thế, Khúc tráng ca yêu nước cổ vũ tinh thần dân tộc đã theo sát với những biến động của lịch sử. Ở mỗi phương diện, đều có giá trị nhất định. Đặt trong bối cảnh thời đại những năm 40 của thế kỷ XX, thơ trên tạp chí Tri tân đã ghé vai gánh vác một phần trọng trách không nhỏ trong công cuộc xây dựng lâu đài văn hóa Việt.

3.3.2. Những giới hạn của thơ trên Tri tân tạp chí‌

Thơ trên tạp chí Tri tân ra đời khi quá trình hiện đại hóa của thơ ca Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã hoàn thiện về cả nội dung biểu đạt và hình thức nghệ thuật. Đặc biệt,

Phong trào Thơ mới đã khẳng định được vai trò, vị thế và kết tinh với những đỉnh cao rực rỡ: “Điêu tàn” – 1937 của Chế Lan Viên; “Thơ thơ” – 1938 của Xuân Diệu; “Lửa thiêng” – 1940 của Huy Cận; “Thơ điên– Đau thương – 1940 của Hàn Mặc Tử... Đặt trong tương quan so sánh như vậy thì nội dung cũng như hình thức của thơ trên tạp chí Tri tân chưa có đóng góp gì mới. Thậm chí, so với Thơ mới (1932-1945), thơ trên tạp chí Tri tân phản ánh sự “chững lại” trong tốc độ phát triển mau lẹ của văn học hiện đại Việt Nam thế kỷ XX.

Về thể loại, tuy thơ trên tạp chí Tri tân xuất hiện khá phong phú các thể thơ: Thất ngôn bát cú, thơ lục bát, thơ 5 chữ, hát nói, thơ tự do (chiếm ưu thế), đặc biệt lối thơ hai chân của Minh Tuyền nhưng đó không phải là sự cách tân nghệ thuật.

Về ngôn ngữ, hình ảnh, thơ trên tạp chí Tri tân chủ yếu vẫn là thứ ngôn ngữ vay mượn với những hình ảnh ước lệ cùng lối diễn đạt còn vụng về, non nớt. Có một số ít câu giàu hình ảnh, cảm xúc song vẫn chỉ là cách lẩy từ Thơ mới.

Từ sau năm 1940, quá trình vận động của phong trào Thơ mới diễn biến phức tạp, có sự phân hóa thành nhiều dòng, nhiều khuynh hướng sáng tác. Trong đó, nổi bật là khuynh hướng tượng trưng, siêu thực: “Xuân thu nhã tập” – 1942 của Nguyễn Xuân Xanh, Phạm Văn Hạnh; “Tinh hoa” – 1944 của Bích Khê; “Mê hồn ca” – 1945 của Đinh Hùng... Ở giai đoạn này, các sáng tác của phong trào Thơ mới đào sâu vào trạng thái chiêm bao, u huyền, hoảng loạn của cái tôi cá nhân bế tắc, tuyệt vọng không tìm được lối thoát. Bên cạnh đó, dòng thơ ca cách mạng xuất hiện các đại diện tiêu biểu: Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Sóng Hồng, Lê Đức Thọ... đã cổ vũ tinh thần đấu tranh giành độc lập, gắn kết sức mạnh cộng đồng nhưng phải hoạt động âm thầm, bí mật trước gọng kìm kiểm duyệt gắt gao của chính quyền thực dân, phát xít. Khuynh hướng thơ ca phục cổ không thuần nhất mà cũng biến tướng, phân thân, thậm chí tương tranh. Một số sáng tác tìm về quá khứ “thuở sơ khai” và tuyệt đối hóa thời hồng hoang của nhân loại trong giấc mơ dài bất tận. Con người bơ vơ trong hành trình “tìm bộ lạc”, cô độc trong những đêm dài u tối, dày đặc cô hồn... (Mê hồn ca – Đinh Hùng).

Như vậy, để lí giải tại sao thơ lại không phát triển trên tạp chí Tri tân, chúng tôi nhận thấy: Một trong những nguyên nhân chính là do tôn chỉ, mục đích của tờ tạp chí này. Tri tân không thích hợp với thơ, nhất là sau khi Thơ mới đã phát triển đến đỉnh cao, có những đóng góp lớn và cách tân rực rỡ trên mọi phương diện. Hơn nữa, Tri tân là tờ tạp chí không hoan nghênh cái mới, những vấn đề tân kỳ mà thơ ca giai đoạn này lại đang trên hành trình tìm kiếm những cách tân khác lạ, dị biệt so với Thơ mới. Sự ra

đời của nhóm Xuân thu nhã tập với các cây bút chủ chốt: Nguyễn Xuân Sanh, Phạm Văn Hạnh, Đoàn Phú Tứ, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Đỗ Cung... là một bằng chứng tiêu biểu. Nhóm Xuân thu đã chủ trương cách tân nghệ thuật bằng quá trình nỗ lực khai thác, khám phá cái đẹp huyền ảo, cao siêu, thần bí ở một cõi hư vô bất diệt. Nhóm bút này lại được tờ Thanh nghị hoan nghênh, đón nhận.

Tuy còn nhiều hạn chế về nghệ thuật, nghèo nàn, đơn điệu về nội dung nhưng những sáng tác thơ trên Tri tân ít nhiều cũng có đóng góp nhất định về mặt tư tưởng trong việc khẳng định sức mạnh của cội nguồn dân tộc. Hoài cổ vẫn là cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác được in trên tạp chí Tri tân nói chung và mảng thơ ca nói riêng. Đó cũng chính là điểm nổi bật của phần văn sáng tác trên tờ tạp chí này.

3.4. Kết luận chương 3‌

Tìm hiểu mảng văn sáng tác trên tạp chí Tri tân qua ba phương thức sáng tác: Tự sự, trữ tình, kịch, chúng tôi khẳng định giá trị của các sáng tác văn học trên tờ tạp chí này kết tinh ở ba thể loại tiêu biểu: Ký, tiểu thuyết lịch sử kịch lịch sử. Truyện ngắn và thơ không phải là đóng góp của Tri tân. Đây chính là nét đặc thù của tạp chí. So với hai nhóm phái cùng thời (Thanh Nghị Hàn Thuyên), rõ ràng, Tri tân đã “vạch ra một lối đi riêng” như một hiện tượng độc đáo của văn học hiện đại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Với những đóng góp riêng, sáng tác văn chương của tạp chí Tri tân đã góp phần không nhỏ trong việc phản ánh quy luật vận động của các thể loại văn học Việt Nam trước cách mạng, đồng thời các sáng tác đó đã định hình sự biến thiên của một số thể tài văn học (ký khảo cứu, tiểu thuyết lịch sử, kịch thơ lịch sử) gắn với yêu cầu thực tiễn của lịch sử văn học. Điều đó cũng khẳng định vai trò, vị trí tất yếu của tờ tạp chí này trong tiến trình hiện đại hóa văn học nửa đầu thế kỷ XX.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023