Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 10

tác của ông tập trung ở hai mảng đề tài: Viết về người nông dân và người trí thức tiểu tư sản. Dưới ngòi bút của Nam Cao, các nhân vật được nhà văn khám phá bằng sự hòa quyện tuyệt vời giữa bút pháp ngoại hiện và bút pháp tâm lí. Các nhà văn hiện thực, lãng mạn đã xây dựng được những nhân vật điển hình bất hủ, gắn với tên tuổi và sáng tác của họ (Đồng hào có ma của Nguyễn Công Hoan; Hai đứa trẻ của Thạch Lam, Chí phèo của Nam Cao…).

Trong hành trình 5 năm, Tri tân chỉ đăng tải được 19 truyện ngắn. Trong đó có tới 5 truyện được trích đăng từ cuốn tiểu thuyết Bút nghiên của Chu Thiên nhưng vẫn được xếp vào mục Truyện ngắn. Nhìn nhận một cách khách quan, có thể thấy, nếu như ký trên tạp chí Tri tân là phần bội thu thì thể loại truyện ngắn lại là phần thất thu. Thất thu bởi số lượng quá ít và chất lượng không có gì đáng kể. Điều đó càng thể hiện rõ khi đặt thể loại này trong tương quan so sánh với các truyện ngắn xuất hiện trên các báo Tiểu thuyết thứ Năm, Tiểu thuyết thứ Bảy, Thanh nghị... với sự xuất hiện của các tác giả (Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Hồ Dzếnh, Đỗ Đức Thu, Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Nam Cao, Tô Hoài…) mà cho đến ngày nay tên tuổi của họ vẫn là đỉnh cao không dễ vượt qua.

Hầu hết các truyện ngắn trên tạp chí Tri tân tập trung ở hai nhóm đề tài, chủ đề. Nhóm thứ nhất là các truyện sáng tác lấy đề tài trong quá khứ: Nhân vật lịch sử (Hai nữ tướng của Song Cối, số 38; Mẹ hiền con hiếu – Hoài tưởng về vị anh hùng Hoa Lư, Chu Thiên, số 41; Một truyện tưởng tượng về mẩu đời bôn ba của Bình Định Vương, Trúc Yên Sơn, số 65) hoặc những nét về tập tục, lối thi cử, học hành xưa (trong 5 truyện ngắn trích từ cuốn Bút nghiên của Chu Thiên). Nhóm thứ hai là các sáng tác lấy đề tài từ hiện thực cuộc sống thường nhật. Đó là hiện thực về cuộc sống nghèo khổ (Buồng chuối ngự nam, Ca Hô, số 1); về tình phụ tử (Thương, Cây Thông, số 75); về những cảm nhận, rung động đầu đời của chàng sinh viên (Một cuộc đắc thắng của tuổi xuân, Nghĩa vụ của Khái Sinh, số 34); về sự vui vẻ hồn nhiên của tuổi trẻ (Bữa tiệc dưới gốc me, Song Cối, số 47, Quét nhà, Chu Thiên, số 48)…

Kết cấu của các truyện trên tạp chí Tri tân đơn giản, dường như không có tính vấn đề. Chẳng hạn trong truyện ngắn Thương (số 75), tác giả Cây Thông đã viết về một chuyện hàng ngày, thậm chí nhỏ nhặt chẳng có gì đáng nói trong cuộc sống. Câu chuyện nén trong thời gian vài tiếng về đêm, xoay quanh việc thằng bé tên Ất, hai tuổi khóc nũng, hết dỗ dành lại dọa nạt mà không làm sao cho thằng bé nín được. Tiếng khóc của nó được tác giả miêu tả ở nhiều cung bậc, sắc thái: Khóc rười rười, khóc hét lên, khóc riết, khóc mắt nhắm nghiền, mồm quạc ra, nước mắt, nước mũi ràn rụa,

loang loáng đầy má, cằm, cổ; rồi gào lên mà khóc to hơn… Mẹ nó cũng không thể cưng nựng cho nó nín, cái vú thì run rẩy, lập cập, cuống quýt trước mệnh lệnh của “mợ”. Chợt một tiếng quát làm thằng bé nín bặt và cả nhà giật mình. Cậu Hai - bố nó đã thức giấc, đã cố nén cơn bực nhưng không thể kìm được nữa, cậu cho nó hai cái tét vào đùi. Cơn giận của cậu Hai làm cả nhà run sợ. Mợ Hai phải đấu dịu để cho cậu đi nằm. Nhưng khi nằm lên giường rồi, khi cả nhà im ắng, cậu Hai không thể ngủ được, cậu vắt tay lên trán mà suy nghĩ, cậu theo khói thuốc mà trằn trọc, cậu đan hai tay vào nhau mà thở dài: Vì sao cậu đánh con, vì sao cậu không nén giận được với thằng bé không đủ sức tự vệ, ẩn tránh, nhất là nó còn chưa hiểu biết gì trái phải. Cậu mong nó thức dậy và quấy nữa để chính cậu đem hết tình yêu thương ra dỗ nó. Cậu lại mong sao cho nhanh sáng để mua thật nhiều phở cho thằng Ất ăn… Cậu hết nằm nghiêng lại nằm ngửa rồi cậu trở dậy, rón rén đi lại giường con, mơn man xoa đùi con. Mợ Hai chợt hỏi: - Cậu tìm gì vậy? Nhưng ông Hai lơ đãng trả lời ngoài câu hỏi của vợ: - Nó ngủ kỹ rồi phải không? Chợt có một tiếng ho từ nhà ngoài vọng lại. Ông Hai nghiêng đầu như một con gà lắng nghe, khẽ hỏi: - Con Bích cũng vẫn còn thức đấy ư? (số 75, tr.23). Câu chuyện giản đơn, dường như không có cốt truyện, không có tình tiết bất ngờ lý thú, tâm lí nhân vật được miêu tả một cách sơ sài song vẫn gợi được những rung động sâu lắng rất đời thường nơi người đọc bởi tình phụ tử kín đáo, nặng sâu.

Trong truyện Buồng chuối ngự nam (số 1), Ca Hô vẫn đi vào đề tài về cảnh nghèo đói, khốn khổ của người nông dân, một mảng hiện thực đã được Ngô Tất Tố, Kim Lân, Nam Cao… thể hiện rất thành công. Câu chuyện xoay quanh gia đình chị Tuất: Đói nghèo, khổ cực, chồng ốm đau liên miên. Nhìn cảnh anh Tuất sức đã kiệt, ho ra máu nhiều khiến chị Tuất phải lo tính chạy vạy, xoay sở làm sao có “răm đồng” để mua thuốc cho chồng thật tội nghiệp. Chị chỉ có thể vay chỗ bà Hàn, chủ nhà mà chồng chị đã từng làm “thằng xe” ở đó nhưng không thể tay không đến vay tiền. Chị Tuất lại ngược xuôi tất tả, vay mượn tiền để mua một buồng chuối đến biếu bà Hàn lấy chỗ “đưa lời”. Tại nhà bà chủ giàu “nứt vách” này, buồng chuối của chị không cánh mà bay. Chị không những không vay được tiền mà còn bị chủ nhà mắng nhiếc. Cuối cùng chị ra về được chủ nhà bố thí cho ba hào, không đủ tiền xe, chị phải vay thêm “răm hào” nữa của chị Vết con già Hai, người cùng làng. Chị Tuất tìm mọi cách chạy vạy, lo tiền thuốc thang cho chồng đã không được mà bỗng dưng chị lại bị đổ lên đầu một món nợ trong tình cảnh khốn quẫn. Tuy câu chuyện bị kiểm duyệt cắt đi phần cuối nhưng ta vẫn nhận thấy cốt truyện quen thuộc mang dáng dấp của Tắt đèn (Ngô Tất

Tố) pha với một chút Đồng hào có ma (Nguyễn Công Hoan). Cách kể, lối xây dựng nhân vật và ngôn ngữ truyện của Ca Hô còn rơi vào giản lược, tản mạn, ít hiệu quả nghệ thuật song xét về mặt nội dung thì đó cũng là tác phẩm có sức phản ánh và tố cáo hiện thực tuy nhẹ nhàng mà thấm thía.

Khi viết về đề tài lịch sử, các tác giả của Tri tân khơi nguồn cảm hứng từ những mẩu chuyện hoặc một đoạn đời của nhân vật lịch sử. Trong truyện ngắn “Một truyện tưởng tượng về mẩu đời bôn ba của Bình Định Vương” (số 65), Trúc Yên Sơn đã “tưởng tượng” ra cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa người thôn nữ với một chàng trai trẻ, kẻ lữ khách lỡ bước giữa chốn “đồng không mông quạnh” trong đêm sâu tịch mịch. Người khách có bộ mặt “phương phi, quắc thước, đôi mắt oai nghiêm, chứa đầy dũng cảm, nét mặt gân guốc dưới màu da sạm nắng như đã dày dặn với phong sương” xin tạm trú nhà cô thôn trong đêm khuya lạc lối. Mẹ con người thiếu nữ vì cảm mến dung mạo mà cho khách lạ trọ nhờ qua đêm. Thế rồi, vô tình, người thôn nữ biết được thân thế của khách tha phương chính vị anh hùng Lê Lợi, lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn qua viên ngọc bích khắc chạm tinh vi dòng chữ nhỏ, “Bình Định vương, ”. Thời gian trần thuật của câu chuyện được dồn lại trong bốn đêm ngắn ngủi. Đó cũng là thời gian tâm lí gợi tả mối tơ vương đang trĩu nặng trong lòng người quân tử trước vẻ đẹp dịu dàng, đằm thắm của người thiếu nữ thôn quê. Say sưa ngắm nhìn dung nhan của người thôn nữ “trạc hai mươi tuổi, chít khăn vuông mỏ quạ, khuôn mặt bầu bĩnh, hai má hây hây đỏ như muốn thi tươi cùng ánh lửa hồng”, Bình Định vương quyến luyến, “dường như quên cả tiếng gọi lên đường”. Vương cáo ốm để được nán lại nhà thôn nữ ít hôm, đêm nào, Vương cũng “trằn trọc nghĩ tới người thôn nữ, tới tấm linh hồn chất phác, tới vẻ kiều mị đoan trang”, Vương càng thêm tha thiết, không muốn rời xa. Khép lại câu chuyện là bức thư của người thôn nữ gửi cho Bình Định vương trước khi nàng tạo dựng tình huống quân cuồng Minh đang truy lùng, bắt người có hình giống người khách trọ với mục đích thôi thúc Bình Định vương lên đường thực hiện chí lớn của bậc quân vương mà quên đi “người thiếu nữ vô danh nơi thôn dã”. Bức thư là lời thỉnh cầu thiết tha của người thôn nữ với tâm nguyện quân vương lên đường gánh vác trọng trách thiêng liêng với dân, với nước. Gói gọn trong ba trang tạp chí, truyện ngắn của Trúc Yên Sơn đã kể lại khoảnh khắc rung động rất đời thường của bậc “chí tôn” – anh hùng Lê Lợi trong những tháng ngày “nếm mật nằm gai” mưu tính việc đánh đuổi giặc Minh. Từ “mẩu đời bôn ba của Bình Định vương” phải chăng tác giả ngầm gửi gắm sự đồng cảm, sự thấu hiểu với phương diện con người cá nhân đồng thời thể hiện niềm

tôn vinh, ngưỡng mộ người anh hùng - Bình Định vương, Lê Lợi xả thân cứu nước. Dưới ngòi bút của nhà văn, hình tượng vị anh hùng, vĩ nhân trở nên gần gũi, giản dị, đời thường.

Viết về đề tài quá khứ là vấn đề khá nhạy cảm với Chu Thiên. Lần đầu tiên tiểu thuyết Bút nghiên của ông đến với độc giả dưới dạng các truyện ngắn xuất hiện trên báo Tri tân: Một buổi học cuối năm (số 34), Quét nhà (số 48), Tiếng cửi đêm khuya (số 49), Một lão thầy đồ điên (số 51), Học trò đến lễ tết thầy (số 81-82). Mỗi truyện ngắn đăng trên Tri tân thực ra chỉ là một phần trích trong một chương của Bút nghiên. Chẳng hạn, truyện Quét nhà (số 48) được trích từ chương 3, phần 1 của tiểu thuyết Bút nghiên, Tiếng cửi đêm khuya (số 49) được trích từ chương 2, phần 2, Một lão thầy đồ điên (số 51) được trích từ chương 3, phần 2… Sau hai truyện ngắn được Tri tân chọn đăng (số 34, 48) thì từ truyện ngắn thứ ba (số 49), tiểu thuyết Bút nghiên của Chu Thiên lại được tạp chí Tri tân giới thiệu trong mục Quảng cáo “đã có bán Bút nghiên”. Với các truyện ngắn này, Chu Thiên đã miêu tả những chuyện rất “vặt vãnh” trong đời sống hàng ngày của mấy cậu học trò (quét nhà - hình thức phạt học trò không thuộc bài, chuyện học hành thi cử…) hay của mấy cụ đồ Nho. Có thể thấy, một không khí âm thầm buồn tẻ của buổi học cuối năm: Cả trò và thầy đều chán nản. Ngày tết đang đến gần mà trò vẫn xin khất gạo học thầy vì đói kém; thầy dạy trò bởi gánh nặng sinh nhai… Mặc dù các thầy cố gắng thực hiện bổn phận, trách nhiệm giữ trọn đạo Thánh hiền nhưng đạo học đã suy đồi, trò không tha thiết học, cha mẹ học trò không coi trọng, thầy thành người trông trẻ…; Hay câu chuyện kể về cậu học trò tên Tâm vì một chút “thèm chơi” với các bạn, không học thuộc bài cũ nên thầy phạt “luồn gầm giường, quét nhà”…; rồi giây phút rung động của tuổi mới lớn trong tâm trạng của cậu học trò

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 185 trang tài liệu này.

(số 48).

Đặt trong tương quan so sánh với các truyện ngắn hiện thực xuất sắc của các tác giả: Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nam Cao… thì 19 truyện ngắn được đăng trên tạp chí Tri tân vừa là phần hạn chế của mảng Văn sáng tác trên Tri tân vừa phản ánh quy luật vận động của thể loại – như một quá trình: Có khởi đầu, có diễn biến, phát triển, có đỉnh cao và có cả giai đoạn chững lại thậm chí tụt lùi… Truyện ngắn trên Tri tân được xây dựng với nội dung đơn điệu, tẻ nhạt, chỉ là những phiến đoạn, lát cắt thoáng qua của đời sống. Nhân vật hiện lên với vài nét ký họa sơ sài, không có dấu ấn gì. Ngôn ngữ truyện còn nhiều hạn chế: Thứ ngôn ngữ “nói”, kiểu câu biền ngẫu cùng lối văn miêu tả ít tính nghệ thuật vẫn còn xuất hiện khá dày:

Tìm hiểu văn trên Tri tân tạp chí - 10

Đây là không khí tưng bừng chuẩn bị một đám cưới: Tiếng người nói chuyện, tiếng dao thớt lách cách và tiếng chày cối chí chát hòa thành một cuộc náo nhiệt và vui vui (Hai nữ tướng, Song Cối, số 38, tr.21).

Đây là xúc cảm rung động đầu đời của chàng trai mới lớn: Mỗi buổi chiều tà, nơi cô thôn xa vẳng, tiếng chuông chùa như gieo giắc vào lòng chàng, một khách tha phương mối u sầu man mác và như nhắc chàng thiếu thốn một tình yêu ấp ủ (Một cuộc đắc thắng của tuổi xuân, Phạm Mạnh Phan, số 34, tr.15).

Đây là nhan sắc của một thiếu nữ làm đắm say hồn trai trẻ: Một khuôn mặt rất đẹp với cặp mắt một mí đen lánh, tròn, to, linh động, nổi bật trên nước da nhỏ múi và mịn hồng (Đôi trà bạch, Cách Chi, số 175-178, tr.36).

Truyện ngắn hiện đại Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX đã trải qua hành trình: Từ quá trình dịch thuật qua mô phỏng đến sáng tác. Lịch trình đó đã ghi lại các bước tìm tòi, khám phá và thể nghiệm của các nhà văn Việt Nam. Do vậy, ngôn ngữ truyện cũng bước qua quy phạm của thứ ngôn ngữ ước lệ, khuôn sáo, biền ngẫu trong văn học truyền thống để hướng tới thứ ngôn ngữ bình dị, phong phú của đời sống thường nhật. Đồng thời cùng với quá trình vượt qua các giới hạn khuôn mẫu, ngôn ngữ truyện đến Nguyên Hồng, Thạch Lam, Kim Lân, Nam Cao… đã đi sâu vào khai thác đời sống nội tâm sâu kín đầy ẩn ức của con người trong cuộc sống đời thường muôn mặt. Ngôn ngữ đã đạt đến độ: “Tinh tế, gợi cảm và có sức biểu hiện cao, giàu hình ảnh, cũng như được chau chuốt, gọt giũa” [35; 295]. Nếu đặt truyện ngắn trên tạp chí Tri tân trong những tương quan, so sánh này thì đó là bước chững lại trong tốc độ phát triển dồn dập, hoàn thiện của ngôn ngữ truyện ngắn hiện đại đầu thế kỷ XX.

Xét về phương diện nghệ thuật thì thể loại truyện ngắn trên tạp chí Tri tân còn hạn chế trên nhiều khía cạnh: Từ việc xây dựng cốt truyện cho đến việc lựa chọn, sáng tạo các tình tiết, sự kiện…; nghệ thuật trần thuật, miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật… giản đơn, nhàm tẻ. Nhưng xét về phương diện nội dung thì truyện ngắn trên tạp chí Tri tân ít nhiều vẫn có đóng góp, dù rất nhỏ trong một bối cảnh đặc biệt.

Như vậy, đặt trong sự vận động của thể loại truyện ngắn những năm 1930-1945, có thể nói truyện ngắn trên tạp chí Tri tân là một sự thoái trào. Những đóng góp có thể ghi nhận của thể loại này trong mảng văn chương sáng tác trên tạp chí Tri tân chỉ là truyện viết về các nhân vật lịch sử (Hai bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng, Bình Định Vương…) với chủ đề hoài cổ, nhất quán như tôn chỉ, mục đích của bản báo đề ra. Gắn với bối cảnh thời đại mà tạp chí ra đời thì điều đó đã góp phần khẳng định ý nghĩa của

thể loại này. Bởi khi những vấn đề nóng bỏng, bức xúc nhất của con người và thời đại đã được văn học lãng mạn và hiện thực đề cập, phản ánh một cách phong phú, đa dạng, đầy đặn thì nay trong thời điểm vận mệnh dân tộc đang đứng trước nguy cơ còn – mất mong manh, số phận con người chênh vênh trên bờ vực khiến người ta phải tìm về quá khứ làm nơi nương náu, tìm điểm tựa tinh thần trong ánh sáng hào quang của lịch sử oanh liệt, hào hùng. Truyện ngắn trên Tri tân dù ít ỏi, giá trị nghệ thuật chưa cao nhưng ra đời trong tinh thần chung đó cũng không thể phủ nhận những đóng góp về mặt tư tưởng đối với con người và thời đại.

3.1.1.2. Về thể ký

Theo thống kê của chúng tôi, trong 5 năm tồn tại, tạp chí Tri tân đón nhận và đăng tải gần 500 sáng tác văn học, đủ cả ba phương thức: Tự sự, trữ tình, kịch. Mỗi phương thức sáng tạo lại có những thể loại đặc trưng – làm nên bộ mặt độc đáo của Tri tân. Với tổng số 104 bài ký (tác phẩm văn học) gồm nhiều tiểu loại (nhật ký, lữ ký, cảm xúc, cảm tưởng, phóng sự, du ký…) một số lượng tuy còn khiêm tốn song với sự phong phú về đề tài và đa dạng về hình thức biểu hiện cũng đủ để khái quát và chỉ ra những đặc điểm riêng của thể ký trên tạp chí Tri tân cũng như khẳng định vị thế của thể loại này trong tiến trình văn học nửa đầu thế kỷ XX. Hơn nữa, trong mảng văn sáng tác thì ký là thể loại ghi dấu rõ nhất mối quan hệ gắn bó hữu cơ, biện chứng, thẩm thấu giữa báo chí và văn học.

Ký là một thể loại văn học có lịch sử hình thành khá sớm. Nhưng thể ký thực sự phát triển khi: “Đời sống lịch sử của các dân tộc ngày càng phát triển theo hướng tăng tốc, khi kỹ nghệ in ấn và báo chí phát triển, văn học mở cửa, xé rào để thâm nhập vào các lĩnh vực hoạt động tinh thần khác, nhà văn ngày càng có ý thức tham gia trực tiếp vào những cuộc đấu tranh xã hội” [57, 138]. Lý luận về thể loại này đã được các nhà nghiên cứu đề cập khá thống nhất trong các cuốn Từ điển văn học hay các chuyên luận về Thể loại văn học, các công trình nghiên cứu văn học sử… Ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX, bối cảnh lịch sử xã hội đã tạo ra những tiền đề thuận lợi cho thể ký có điều kiện phát triển mạnh mẽ.

Đặc điểm nổi bật của thể ký là chất tự do, phóng túng của ngòi bút, sự mãnh liệt trong cảm xúc của tác giả được sáng tạo trên nền hiện thực - kiểm chứng. Do đó, người viết ký phải là người nhạy bén với những điều mắt thấy tai nghe để qua lăng kính của mình chưng cất hiện thực cuộc sống thành một thứ hiện thực thẩm mĩ mà vẫn đảm bảo được tính xác thực, khách quan. Đồng thời, người viết ký bao giờ cũng là

người có tinh thần nhập cuộc, có kiến thức sâu rộng, có tư duy tổng hợp vừa là của một nhà khảo cứu vừa là của một người sáng tạo nghệ thuật. Vì thế, ký là một thể loại khá năng động, linh hoạt và cởi mở, bởi nó: “Hàm chứa một nội diên có biên độ hết sức co dãn” [119, 9]. Bản thân thể loại này lại có sự thâm nhập, cộng hưởng, giao thoa với các thể loại văn học khác. Song, ký vẫn là một thể loại văn học độc lập, bình đẳng, tồn tại ngang hàng với các thể loại văn học khác…

Với 104 bài ký là những sáng tác văn học được thống kê, khảo sát trên tạp chí Tri tân có thể nhận thấy điểm nổi rõ của thể loại này là chất khảo cứu công phu quyện hòa với chất trữ tình đằm thắm. Các cây bút viết ký không chỉ là người có năng lực làm công việc khảo cứu mà còn có niềm say mê hứng thú trong các chuyến du ngoạn, có đức tính cần mẫn tỉ mỉ và hơn hết là có “sự hoạt động ráo riết của trí tuệ” để tìm hiểu, phân tích, lí giải những vấn đề của đời sống thực tại qua những trang viết đầy cảm xúc. Chỉ khi người viết bộc lộ một cách “trực diện nhất, rõ ràng nhất về bản thân mình” thì mới có tác phẩm ký - là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật đích thực ra đời.

Nếu như những bài ký xuất hiện trong những năm đầu của thế kỷ XX trên Đông Dương tạp chí Nam phong tạp chí mang đậm chất biên khảo, ghi chép thì các tác phẩm ký trên tạp chí Tri tân đã góp phần: “Cố gắng đẩy đến cùng khả năng cách tân thể loại truyền thống để xác lập một thể văn kết hợp mô tả, ghi chép sự thực với ký thác tâm sự” [35; 377]. Có thể kể đến các cây bút viết ký già dặn như Nhật Nham Trịnh Như Tấu, Mãn Khánh Dương Kỵ, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Biệt Lam Trần Huy Bá, Phạm Mạnh Phan, Vân Thạch…

Do tính chất năng động của thể loại cho nên đối tượng của thể ký khá đa dạng, hình thức thì phong phú, không chịu sự câu thúc, gò ép, đóng khung trong bất cứ khuôn khổ nào. Thể loại ký trên tạp chí Tri tân cũng được chia thành nhiều tiểu loại từ phóng sự, tuỳ bút, bút ký, du ký, lữ ký... đến nhật ký, cảm xúc, cảm tưởng, ý nghĩ, ký ức… Có các bài phóng sự ngắn như Một ngày ở xứ Chàm (Tam Lang), Đồng thiếp (Bảo Vân), Tết lánh nạn, Hai cảnh tết chiến tranh (Phạm Mạnh Phan). Cũng có các bài du ký, lữ ký dài kỳ như Từ Hà Nội đến hồ Ba Bể (Nhật Nham), Indrapura (Đồng Dương), Thiên Y-a- na (Mãn Khánh Dương Kỵ), Buôn Mê Thuột, Hai tháng ở gò Óc Eo (Biệt Lam Trần Huy Bá), Bốn năm trên đảo Các Bà (Vân Đài). Có loại bài ký ức như Một ngày tết của học sinh ta ở Lyon, Năm ấy ở Pháp (Lê Văn Ngôn), Ngày tết ăn yến, Một đêm giao thừa rùng rợn (Tiên Đàm)… Ngoài ra là các bài cảm xúc cảm tưởng, ý nghĩ của Nguyễn Văn Tỵ (Vẻ đẹp xưa- vài ý nghĩ về phong cảnh tết), của Mộng Sơn (Cảm tưởng của phụ nữ

với ngày xuân), hay tuỳ bút Mùa thu với cuộc đời của Kiều Thanh Quế, bút ký Hát dưới trăng thu của Hoa Bằng, Sớm thu mưa gió… (hay là vài ý nghĩ trong buổi sớm gió mưa) của Ngân Giang …

Không chỉ phong phú về hình thức thể loại mà ký trên Tri tân còn đa dạng về đối tượng phản ánh. Theo bước chân của các “nhà du hành”, các địa danh, thắng cảnh, các di tích lịch sử, các sự tích, truyền thuyết, các nhân vật... được các nhà du ký dày công tra cứu, tìm hiểu để lí giải tận ngọn nguồn gốc tích về lịch sử hình thành một vùng đất, khái quát về đặc điểm văn hóa riêng của từng miền, từng tộc người, chiêu tuyết những tấm gương trung thần nghĩa sĩ đã bị bỏ quên… Sản phẩm tinh thần từ những chuyến du khảo, điền dã ấy, lắng lại là tấm lòng đau đáu của người viết đối với quê hương, đất nước, con người.

Dựa trên sự khu biệt về đề tài, đối tượng, nội dung phản ánh cũng như tính chất của công việc du hành, khảo cứu và qua việc khảo sát, thống kê 104 bài ký trên tạp chí Tri tân, chúng tôi tạm phân thành ba loại sau:

Trước hết, là các bài ký viết về danh tích: Đó là các bài viết về những “xứ sở xa lạ”, những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử còn “ít người có dịp đi đến”. Loại ký này chiếm ưu thế hơn cả, trên 40% (46/104 bài). Hầu hết các bài ký được tạp chí Tri tân giới thiệu đều là sản phẩm hình thành từ những chuyến đi, những cuộc hành trình, du ngoạn trực tiếp của người viết. Thậm chí chất du ký thể hiện rõ ngay từ nhan đề của mỗi tác phẩm: Một cuộc hành hương (đi thăm Tức Mặc – quê cũ nhà Trần) của Lê Thanh và Trúc Khê (số 14), Thăm chùa Bà Đanh của Vân Thạch (số 36), Thăm cảnh Hoa Lư của Khái Sinh (số 41), Sau tám năm trở lại thăm Lao Kay của Nhật Nham (số 46-47), Thăm trại thanh niên Tương Mai của Minh Tuyền (số 57), Một cuộc hành hương đền thờ cụ Nguyễn Trãi, một vị đại anh hùng có công lớn giúp vua Lê trong cuộc bình Ngô của Vô Ngã (số 65), Một buổi đi thăm làng Dừa của Thi Nham (số 116-117), Đi thăm Đông Dương học xá của Cách Chi và Phạm Mạnh Phan (số 119)…

Có thể nói, “du hành” để ghi chép, thể hiện những cảm tưởng, nhận xét, suy nghĩ về các danh lam, thắng cảnh, các địa danh lịch sử trên chính quê hương đất nước mình là một đặc điểm nổi bật của thể ký trên tạp chí Tri tân. Cũng có những cuộc du hành vượt ra khỏi không gian của đất nước mình như: Tết bên Lào (Vũ Nhật), Nhân tết năm nào… Tôi đi đám cưới ở Thụy Sỹ, Năm ấy ở Pháp (Lê Văn Ngôn)… Tuy nhiên, số lượng các bài này không nhiều và không phải là thành công của thể ký trên tạp chí Tri tân.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023