duyên Châu Trần. Rồi Trọng Quỳ từ biệt Nhị Khanh theo phụng dưỡng cha già làm quan nơi đất khách xa xôi. Trải qua sáu năm không tin tức, bà cô Lưu Thị muốn ép gả nàng cho người khác, Nhị Khanh đã khẳng định tấm lòng tiết trinh của mình: “ Ta sở dĩ nhịn nhục mà sống là vì nghĩ Phùng lang hãy còn, nếu chàng không còn thì ta đã liều mình chứ quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác” [11,tr.26]. Khi bị chồng gán bạc cho Đỗ Tam, Nhị Khanh đã chọn cái chết để thể hiện tiết trinh.
Viết về vấn đề dục tính, một mặt nhà nho Nguyễn Dữ vẫn đứng trên quan điểm đạo đức phong kiến mà phê phán những mối tình đậm sắc dục đi ngược với quan điểm đạo đức của Nho gia. Tuy nhiên cách miêu tả tình yêu ngọt ngào, say đắm của các nhân vật lại thể hiện cái nhìn đầy cảm thông của tác giả.Vì thế, nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân đã nhận xét: “ Truyền kỳ mạn lục đã dựng nên những cảnh tượng, những nhân vật cụ thể, sinh động… Nhưng thông qua cách miêu tả đôi lúc say sưa về tình yêu nam nữ và cách thể hiện đôi khi táo bạo về một số quan niệm nhân sinh, nhà văn Nguyễn Dữ đã phần nào thông cảm với khát vọng hạnh phúc chính đáng của con người” [66].
Đặt Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ trong dòng chảy của nền văn học trung đại Việt Nam chịu ảnh hưởng rõ nền văn hóa Trung Hoa và chịu sự tác động của những tư tưởng lớn như Phật, Nho, Lão ta mới thấy những tiến bộ của nhà văn Nguyễn Dữ khi đề cập đến vấn đề này. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, chúng ta thấy rõ sự tồn tại của nền văn học quan phương bác học. Đó là nền văn học mang đặc điểm văn, sử, triết bất phân. Văn học được coi như là một sản phẩm của những nghi thức giao tiếp quan phương, tôn giáo, thế tục. Các thể loại văn học có chức năng nêu nhiệm vụ mà xã hội đòi hỏi. Thơ thiền của các thiền sư Lý-Trần mang chức năng ngộ đạo, truyền đạo lý của giới tu hành. Những thể văn nghị luận như chiếu, biểu, hịch, tấu…dùng để phục vụ những nhiệm vụ giao tiếp hành chính quan phương, nhiệm vụ chiến đấu của dân tộc. Thơ trước hết để “nói chí”, văn dùng để “tải đạo”. Đề tài nền văn học Lý-Trần hướng đến chủ yếu là những vấn đề lớn lao của đất nước, hướng đến những cái cao cả, phi thường, nói đến ý chí, tư tưởng, đạo lý mà
không chú ý đến đời sống cá nhân, riêng tư của con người. Những con người bình thường, tầm thường không được nói đến mà văn học chủ yếu nói đến những anh hùng, liệt nữ, những thần thánh,những vị đại sư, vua chúa, quan lại…với những chiến công, hành động hiển hách, kì vĩ. Đó là nền văn học trang trọng, cao nhã phản ánh tinh thần của tầng lớp trên, nền văn học của những nhân vật phi thường, của người đàn ông. Giọng điệu nói chung của văn học thế kỷ XV là những lời tán tụng, ngợi ca chế độ, đất nước, con người thời đại. Những sáng tác của Lê Thánh Tông với hội Tao đàn ở cuối thế kỷ XV mang tính cung đình rất rõ. GS-TS Trần Ngọc Vương đã nhận xét về điều này: Nhìn vào đội ngũ tác giả, khảo sát cụ thể văn bản tác phẩm, dễ dàng đồng ý được với nhận xét rằng hầu như tất cả các tác giả trong những thế kỷ đầu tiên của nền văn học này đều thuộc tầng lớp trên, hoặc thuộc giai cấp thống trị, hoặc thuộc đẳng cấp trí thức quý tộc hay tôn giáo, và rằng tuyệt đại đa số những văn phẩm của họ đều trải ra trong quỹ đạo của “cái thiêng” [87,tr.281]. Mà “cái thiêng là cái gì thuộc về một phương thức tồn tại siêu đẳng, khả kính dường như có một giá trị tuyệt đối, và cũng dường như sở hữu một sức mạnh phi phàm” [87,tr.275].Văn học ở thế kỷ này ít hướng về những con người bình thường, những người phụ nữ phải chịu thiệt thòi bất công của xã hội. Đề tài về dục tính thuộc về cái tục được xem như điều cấm kị và rất ít xuất hiện trong văn thơ.Viết về yếu tố sắc dục có chăng chỉ được dùng như một “thứ thuốc thử nhân cách thánh thiện của bậc thánh nhân” để “tô đậm thêm những phẩm chất phi thường của nhân vật đó” (tr.160 102). Từ một giác độ xác định, có thể cho rằng chính việc gắn bó với đời sống muôn mặt của cộng đồng, giao lưu, tiếp nhận những “tình tứ” từ đời sống tinh thần quần chúng, hấp thụ những “dưỡng chất trần gian” đã giúp các tác giả văn học viết Việt Nam giai đoạn thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX làm nên một bước tiến lớn, một “cú nhảy ngoạn mục” về phía chủ nghĩa nhân đạo, viết nên “những trang vàng” với nghĩa chân chính nhất trong lịch sử văn học. Văn học viết Việt Nam giai đoạn này đã đạt tới tầm cổ điển, là thời thịnh bậc nhất trong toàn bộ hành trình văn học sử.Sự hiện diện của cái tục – với hàm lượng đột
biến – trong văn học viết ở giai đoạn này chắc chắn đã góp phần không nhỏ vào sự khởi sắc ấy.
Từ thế kỷ XVI nền văn học quan phương bác học đó đã chuyển dần sang nền văn học bình dân. Nhà nghiên cứu Phạm Hùng có nhận định trong Văn học Việt Nam (Từ thế kỷ X đến thế kỷ XX), NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 9/1999: Từ thế kỷ XVI, người ta có thể chứng kiến sự thắng thế dần của văn học phi chức năng so với văn học chức năng, của quan điểm “hữu phân” so với quan điểm “bất phân” văn- sử- triết, của văn học chữ Nôm so với văn học chữ Hán, của văn học “hướng hạ”so với văn học “hướng thượng”, của văn học bình dân so với văn học quan phương, cung đình, của văn học thông tục so với văn học cao nhã, trang trọng, của văn học cá nhân so với văn học công dân, cộng đồng, của những hình thức văn học có tính dân tộc so với những hình thức văn học có tính tiếp thu, vay mượn… của nước ngoài” [27,tr.275]. Truyền kỳ mạn lục xuất hiện ở thế kỷ XVI đã được coi là tác phẩm mở đầu của một nghệ thuật phản ánh tiến tới cái hiện thực sinh động, cụ thể và phức tạp, đa dạng trong tính vốn có của nó. Tác phẩm hướng tới phản ánh hiện thực, con người trần thế với những gì là của con người, những hỉ, nộ, ái ố, những bản năng tự nhiên của con người, những hình ảnh yêu đương và ái ân trai gái mà dưới con mắt nhà Nho bị xem là dung tục, suồng sã, những cái đẹp xác thịt, vật chất thật gần gũi với văn học dân gian.
Như vậy, sắc thái dục tính đã khiến Truyền kỳ mạn lục trở nên khác biệt so với những sáng tác trước đó và cùng thời tuân thủ theo nguyên tắc “ai nhi bất thương, lạc nhi bất dâm” và chính điều này làm nên giá trị nhân đạo và hiện thực sâu sắc cho tác phẩm.
Có thể bạn quan tâm!
- Một Số Nét Khái Quát Về Tác Giả Nguyễn Dữ Và Truyền Kỳ Mạn Lục
- Biểu Hiện Của Sắc Thái Dục Tính Trong Truyền Kỳ Mạn Lục Của Nguyễn Dữ
- Tìm hiều sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục - 7
- Dục Tính Biểu Hiện Qua Những Biểu Tượng Dục Tính
- Nghệ Thuật Thể Hiện Sắc Thái Dục Tính Trong Truyền Kỳ Mạn Lục Của Nguyễn Dữ
- Tìm hiều sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục - 11
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
2.2. Dục tính biểu hiện qua các nhân vật
Hình tượng người phụ nữ xuất hiện trong Truyền kỳ mạn lục khá nhiều, nhất là trong 10 truyện đã nêu. Đặc biệt nhân vật phụ nữ thuộc thế giới thế giới siêu nhiên, hư lên trong những câu chuyện tình đều là tuyệt sắc giai nhân làm mê hoặc lòng người là những yếu tố gợi dục tính và đặc biệt ở họ còn có niềm khao khát hạnh phúc, ái ân, hoan lạc. Trong Chuyện cây gạo, Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây và
Chuyện yêu quái ở Xương Giang, tất cả các nhân vật nữ đều được xếp vào loại ma quái. Nhị Khanh (trong Chuyện cây gạo), Thị Nghi (trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang) là hồn người chết lang thang, Đào Hồng Nương, Liễu Nhu Nương (trong Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây) là hồn hoa. Các hồn ma xuất hiện ở trần thế và thiết lập mối quan hệ tình ái với con người.
Trước hết những ma nữ này đều mang vẻ đẹp của những giai nhân tuyệt sắc. Vẻ đẹp ngoại hình của hồn ma là yếu tố đầu tiên hấp dẫn, mê hoặc các chàng trai. Ở đây, vẻ đẹp của Nhị Khanh không được coi là yếu tố tô thêm vẻ đẹp đạo đức lý tưởng mà được coi như một biểu hiện của sự cám dỗ, mê hoặc. Trong Chuyện cây gạo, hồn ma Nhị Khanh đã biến thành một người con gái xinh đẹp đến mức TrìnhTrung Ngộ vốn là một “chàng trai đẹp” [11,tr.34] mà nhìn thấy cũng phải cho là “giai nhân tuyệt sắc” [11,tr.54] mà mang “một mối tình u uất trong lòng” [11,tr.34]. Và cũng vì không cầm được lòng trước nhan sắc yêu ma, Trung Ngộ đưa Nhị Khanh xuống thuyền. Vẻ đẹp cụ thể của cơ thể Nhị Khanh không được tác giả miêu tả trực tiếp mà hiện lên qua câu thơ Nhị Khanh làm để ghi lại cuộc hoan lạc với Trình trung Ngộ: "Đầu cài én ngọc hình nghiêng chếch Lưng thắt ve vàng dáng oẻ oai"[11,tr.37]. Hình ảnh so sánh thật đắt gợi tả thân hình "thắt đáy lưng ong" của nàng Nhị Khanh cho ta thấy phần nào vẻ đẹp giới tính gợi cảm, hấp dẫn của phụ nữ xưa. Nếu như thân thể của người phụ nữ với những đường cong gợi cảm đã trở thành đối tượng đáng chú ý của nghệ thuật ở phương Tây xa xưa thì trong văn học nhà nho giai đoạn trước thế kỷ XVI chi tiết miêu tả đường cong cơ thể của nhân vật phụ nữ thật hiếm hoi. Trong lời thơ của mình, nàng tự nhận thấy nhan sắc của mình tươi thắm như hoa hải đường: "Đường lúc nở rồi hồng đượm ướt" [11,tr.37]. Đó phải chăng là biểu hiện của cái tôi cá nhân ý thức về giá trị bản thân mình. Vẻ đẹp của Nhị Khanh còn được khẳng định qua lời của một người bạn buôn nói với Trình Trung Ngộ: "Bác ở chỗ quê người đất khách, nên biết giữ mình thận trọng, xa lánh những sự hiềm nghi. Chứ sao nên dở nết gió trăng quyến phường hoa liễu…”[11,tr.38]. Liễu, Đào vốn là những loài cây, loài hoa đẹp nay biến hóa thành những mĩ nhân quyến rũ Hà Nhân (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây). Vẻ đẹp kiều diễm
của hồn hoa Đào Hồng Nương, Liễu Nhu Nương được Hà Nhân khen là “tột bậc, có thể xứng đáng một câu thơ cổ: mỹ nhân nhan sắc đẹp như hoa” [11,tr.55].Lời thơ họa cảnh ái ân của hai nàng cũng đã khéo léo gợi tả những nét đẹp cơ thể của giai nhân. Những hình ảnh "Thân bồ vóc liễu", "liễu yếu đào tơ", "thân như cái én, có chịu nổi rétmướt đâu"[11,tr.56] gợi vóc dáng lý tưởng của người phụ nữ khuê các trong văn thơ cổ. Đólà vẻ đẹp mong manh gợi cảm giác yếu đuối, cần sự chở chở. Vẻ đẹp cơ thể của hai nàng Đào, Liễu còn được miêu tả qua hình ảnh so sánh, ẩn dụ: "Sinh ca nhuyễn độ Tiểu Man yêu Chỉ phấn nế quânTây Tử nhũ" (Lưng mềm như nàng Tiểu Man, ngực nở như nàng Tây Thi)[11,tr.56]. Những hồn ma cây lí, cây mai, cây kim tiền, thạch lựu… cũng đều là mỹ nhân cả. Và cũng vì sắc đẹp Hà Nhân mời Đào, Liễu về nhà bày cuộc mây mưa, tất cả đều thỏa mãn, vui thú. Hồn ma Thị Nghi (Chuyện yêu quái ở Xương Giang) biến huyễn đủ vẻ nhưng lần nào cũng là những cô gái xinh đẹp “hoặc nhập vào chị ả buôn tương, hoặc ốp vào cô hàng bán rượu” [11,tr.128] mới có thể dâm sát người vai vế, bóc lột kẻ có tiền của. Để quyến rũ Hoàng, thị cũng hiện lên là “một người con gái tuổi mười bảy, mười tám” [11,tr.130] khiến Hoàng buông lời đùa cợt. Như vậy các ma nữ hiện lên là những người con gái có nhan sắc. Sắc đẹp là vũ khí để hồn ma quyến rũ nam nhân, là yếu tố để khơi gợi dục tính.
Trong thế giới hư ảo, siêu nhiên của Truyền kỳ mạn lục, bên cạnh nhân vật ma nữ còn có tiên nữ xuất hiện. Nếu nhân vật ma nữ nữ dù đẹp đến mấy cũng tạo cảm giác ghê sợ, xa lánh thì nhân vật tiên nữ thuộc về thế giới mơ ước lại khiến con người hướng tới. Đối lập với vẻ đẹp ma quái, tiên nữ Giáng Hương trong Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên xuất hiện dưới cõi trần với dáng vẻ xinh đẹp, trẻ trung trong một lễ hội hoa: "…người ta thấy có cô con gái, tuổi độ 16, phấn son điểm phớt, nhan sắc xinh đẹp tuyệt vời, đến hội ấy xem hoa"[11,tr.107].
Có sắc, những hồn ma nữ trong Truyền kỳ mạn lục còn có tài nữa. Trong Chuyện cây gạo, ma nữ Nhị Khanh có tài gảy đàn, làm thơ khiến Trình Trung Ngộ phải thốt nên lời khen ngợi rằng: “Văn tài của nàng, không kém gì Dị An ngày xưa”[11,tr.36]. Đào Hồng Nương, Liễu Nhu Nương trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại
Tây làm thơ hay đến mức Hà Nhân cũng phải khen nức nở: “Tình trạng trong chốn buồng xuân, tả đến như thế thì thật là tuyệt diệu, lời hoa ý gấm tôi khó lòng mà theo kịp hai nàng” [11,tr.58]. Vẻ xinh đẹp và tài năng của người phụ nữ bao giờ cũng là vũ khí để quyến rũ các đấng nam nhi. Dù cho đó là bậc vua chúa hay đơn thuần chỉ là một kẻ lắm tiền nhiều của, là một văn nhân tài tử hay kẻ ít học thì ai ai cũng ngất ngây trước sự duyên dáng của những giai nhân và thán phục cái tài của họ.
Có tài, có sắc, những ma nữ này còn chủ động, mạnh bạo tìm đến tình yêu, hạnh phúc và hoan lạc ái ân. Mục đích duy nhất của những nhân vật ma quái như Nhị Khanh, Đào, Liễu trong Chuyện cây gạo và Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây là tìm đến cuộc hoan lạc ái ân. Cũng vì ham mê luyến ái nên Nhị Khanh (Chuyện cây gạo) chết khi mới hai mươi tuổi – cái tuổi trẻ trung tràn đầy sức sống - mới hóa thành người nấn ná ở cõi trần để quyến rũ nam nhân, mong tìm thú vui, sự ái ân, hoan lạc. Gặp nhau giữa phố xá đông người, Trình Trung Ngộ dù là một nam nhân cũng chỉ dám “mang một mối tình u uất trong lòng” [11,tr. 34], chưa đủ can đảm thổ lộ với Nhị Khanh thì Nhị Khanh lại dám chủ động gợi ý cho người đàn ông nàng thích thời gian, địa điểm hẹn hò bằng những lời lẽ táo bạo, lả lơi qua lời thoại với người hầu gái: “Ta lâu nay rượu xuân quá chén, mê mệt nằm dài, hầu nửa năm giời, không lên chơi cầu Liễu Khê lần nào cả, chẳng biết giờ phong cảnh ra sao. Đêm nay nên qua thăm cảnh cũ, để được khuây khỏa chút tình u uất ở trong lòng, vậy em có đi theo ta không?” [11,tr. 36]. Đấy là mục đích lớn nhất và cũng là duy nhất của hồn ma Nhị Khanh, như chính lời bộc bạch của nàng : “Nghĩ đời người ta, thật chẳng khác gì giấc chiêm bao. Chi bằng trời để sống ngày nào, nên tìm lấy những thú vui. Kẻo một sớm chết đi, sẽ thành người của suối vàng, dù có muốn tìm cuộc hoan lạc ái ân, cũng không thể được nữa” [11,tr.36]. Quan niệm của nàng về sự sống và cái chết thật khác với quan niệm sống tu thân khắc kỷ của Nho gia; hoàn toàn khác với quan niệm “Sát thân thành nhân, xả thân thủ nghĩa” của Nho gia mà Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu và Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương, Lệ Nương trong Chuyện Lệ Nương đã thực hành. Thậm chí là lời nói đề cập khá trực tiếp, táo tợn về chuyện tình ái nam
nữ:“Nay dám mong quân tử quạt hơi dương vào hang tối, thả khí nóng tới mầm khô, khiến cho tía rụng hồng rơi, được trộm bén xuân quang đôi chút, đời sống của thiếp như thế sẽ không phải phàn nàn gì nữa” [11,tr.39]. Ở đây, tình dục trở thành cội nguồn của hạnh phúc, là một phương diện thể hiện rõ nhất sự tự do bản ngã. Đó là những phát ngôn đầy tính triết lý về quan hệ nam nữ và sự hưởng thụ thú nhục dục. Không phải chỉ một hai lời mà dường như lời nói nào của Nhị Khanh cũng thể hiện khao khát hoan lạc ân ái. Nhị Khanh đã dám chủ động đặt ra vấn đề tận hưởng hạnh phúc ái ân, chủ động làm thơ từ ghi lại cuộc hoan lạc giữa nàng và Trung Ngộ. Trong văn học truyền thống, chủ thể của những diễn ngôn về dục tính hầu như thuộc về nam giới, người phụ nữ không có quyền đặt ra vấn đề dục tính, không được nói đến điều này. Vậy mà Nhị Khanh lại táo bạo nói ra những điều mà Nho gia, Phật gia cấm kị, điều đó thể hiện phần nào tư tưởng tự do của Nguyễn Dữ.
Hai cô gái Liễu Nhu Nương và Đào Hồng Nương trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây ngay từ buổi đầu hò hẹn đã dám bóng gió nói đến vấn đề tính dục, dám gợi tình cho Hà Nhân, chủ động nói lên những triết lý hưởng thụ bằng câu nói mạnh bạo chỉ là u hồn của hai giống cây liễu và đào cũng vì không muốn “hoài phí mất xuân quang” [11,tr.54] nên hóa thành hai người con gái xinh đẹp trêu ghẹo khiến người học trò Hà Nhân chú ý mà rủ rê đến chỗ trọ của mình ân ái. Họ cũng chủ động nói lên những triết lý hưởng thụ của mình “nay gặp tiết xuân tươi đẹp, chúng em muốn làm những bông hoa hướng dương, để khỏi hoà i phí mất xuân quang” [11,tr.54]. Những lời nói đó thể hiện niềm khao khát hoan lạc ân ái. Với họ, hạnh phúc là được yêu đương dù chỉ là giây lát ngay trong cuộc sống trần thế này.
Những nhân vật này không chỉ nói ra khao khát mà còn quyết tâm thực hiện bằng được. Để đạt được mục đích, Nhị Khanh (Chuyện cây gạo) đã từng bước gây sự chú ý và tìm cách quyến rũ các đối tượng. Không phải ngẫu nhiên mà trên đường đi vào chợ Trung Ngộ “hay gặp một người con gái xinh đẹp từ Đông thôn đi ra”[11,tr.34] thấy Trung Ngộ muốn kiếm lời khêu gợi thì nàng nói với con hầu đêm nay sẽ lên chơi cầu Liễu Khê, đấy chính là tạo cơ hội cho Trung Ngộ có lí do gặp gỡ. Rồi đêm nào nàng cũng tìm đến đối tượng ái ân bất chấp nguy hiểm “mang sao
mà đến, đội nguyệt mà về”. Mọi cản trở đều không thể ngăn bước họ đến với người tình.Chẳng những quyến rũ Trung Ngộ ân ái với mình vui thú trong chốc lát mà còn lôi kéo chàng chết theo để làm ma vẫn quấn quýt bên nhau. Khi phát hiện ra Nhị Khanh là ma, Trung Ngộ sợ hãi đến “tất tả nhảy choàng qua” [11,tr.40], thì Nhị Khanh quyết bám đuổi Trung Ngộ đến cùng, thường qua lại “có lúc đứng trên bãi sông gọi eo éo, có lúc đến bên cửa sổ nói thì thào” [11,tr.40] cho đến khi Trung Ngộ ôm quan tài nàng mà chết. Khát vọng tự do yêu đương bị cấm cản đã tạo thành phản ứng quyết liệt của đôi tình nhân ma này. Người ta thấy đôi trai gái “dắt tay nhau đi đôi” [11,tr.40], để “thân thể lõa lồ mà cùng nhau cười đùa nô giỡn” [11,tr.40], ngang nhiên, công khai ngay nơi cửa chùa. Rồi nàng Đào, Liễu trong Chuyện kì ngộ ở trại Tây cũng vậy. Họ đã chủ động làm quen với chàng Sinh, thẹn thùng trong giây phút hoan lạc ban đầu, và mạnh mẽ đi về cùng ái ân. Những hồn hoa mỏng manh “thân như cái én có chịu nổi rét mướt đâu” [11,tr.60] thế mà dù mưa dầm gió bấc cũng đội mưa mà đến đến nhà Hà Nhân, không bỏ phí một giây phút xuân quang nào. Sự ham mê ân ái trong những nhân vật ma nữ này rất mãnh liệt. Người nữ hết phải chờ, hết cần được cho, muốn là tìm cho được.
Như vậy, nhân vật phụ nữ thuộc thế giới thế giới siêu nhiên, hư ảo nhất là các ma nữ hiện lên trong những câu chuyện tình trong Truyền kỳ mạn lục với vẻ đẹp hấp dẫn về phương diện giới, với những diễn ngôn, hành động mang tính chất táo bạo, chủ động, vượt ngoài khuôn phép Nho gia. Đặt trong xã hội phong kiến, xã hội nam quyền, người phụ nữ phải tuân theo những qui định chặt chẽ của Nho giáo như quan điểm tam tòng, tứ đức, quan niệm về trinh tiết, về vẻ đẹp ngoại hình, về đời sống bản năng của người phụ nữ thì đây bị coi là người phụ nữ phản diện. Dưới cái nhìn của một nhà nho, về cơ bản, Nguyễn Dữ không ca ngợi, đồng tình. Nhưng xây dựng những nhân vật phụ nữ có vẻ đẹp về giới, để nhân vật nói lên những tư tưởng táo bạo về dục tính đã phần nào thể hiện tư tưởng tự do của thời đại ông như nhà nghiên cứu Bùi Duy Tân đã khẳng định “Rõ ràng Nguyễn Dữ đã mượn truyện quái để nói việc thực” [66,tr.506]. Đó là tinh thần nhân đạo đáng ghi nhận của Nguyễn Dữ.