Cùng với nhân vật ma nữ, những ca nữ, cung nhân cũng bị cái nhìn của Nho giáo coi là người phụ nữ phản diện vì ngôn hành vượt ngoài khuôn phép Nho gia. Xây dựng những nhân vật này, Nguyễn Dữ vẫn chú ý đến vẻ đẹp ngoại hình hấp dẫn về phương diện giới và những khát vọng về quan hệ thân xác, ái ân của họ. Vì thế yếu tố dục tính đã thể hiện khá rõ ở những nhân vật này.
Trong xã hội xưa ca nữ, cung nhân là những đào hát, đào nương, những con người vừa phải có sắc đẹp, vừa phải có tài. Tài ở đây là tài đánh đàn, hát xướng, ngâm vịnh thơ. Đẹp và tài hoa, đó là sức hút những vị khách của kỹ nữ. Khoác trên mình những ưu ái của tạo hóa như sắc đẹp và tài năng, họ càng phải chịu số phận khốn cùng. Sắc và tài của họ để phục vụ cho nam nhân. Họ phải đem tài sắc của mình ra để kiếm sống, nuôi thân. Họ sống cuộc sống "buôn phấn bán hương", chịu mọi tủi nhục, xót xa. “Hình ảnh này đã được nhắc tới trong các tác phẩm ở những thế kỷ đầu của xã hội phong kiến như “ Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề vào thời Hồ; trong các sáng tác thời Lê như “Lão kỹ ngâm” ( Thái Thuận), “Thập giới cô hồn quốc ngữ văn” ( Lê Thánh Tông), “Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn” ( Lê Đức Mạo). Nhưng phải đến “Truyền kỳ mạn lục” của Nguyễn Dữ ra đời thì nhân vật này hiện nên mới có tính cách, số phận, khát khao hạnh phúc và gắn với đề tài dục tính” [79]. Những nhân vật như nàng Túy Tiêu trong Chuyện nàng Túy Tiêu, Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị là nhân vật nữ mang những biểu hiện đặc trưng của người làm nghề kỹ nữ.
Nàng Túy Tiêu trong Chuyện nàng Túy Tiêu vốn là “con hát” nhà ông Nguyễn. Vẻ đẹp ngoại hình Túy Tiêu được nhấn mạnh trực tiếp qua lời giới thiệu của người trần thuật: “Trong bọn con hát có ả Túy Tiêu là người rất xinh đẹp” [11,tr.159]. Là ca nữ, bên cạnh sắc đẹp, nàng còn có tài ca múa. Vì có sắc đẹp và tài năng nên đã được Dư Nhuận Chi để ý và bằng lòng “đem nàng về Kiến Hưng” [11,tr.159] rồi gắn bó yêu nàng say đắm. Có tài ca múa đàn, nàng còn có bản chất thông minh “có khiếu thông tuệ” [11,tr.159] hơn người “mỗi khi Sinh đọc sách, nàng cũng đọc thầm mà thuộc được. Nhuận Chi nhân đem những quyển sách nói về thơ từ mà dạy nàng. Chưa đầy một năm , nàng đã làm được thơ từ ngang với thơ
của chàng” [11,tr.159]. Tài năng như vậy thì đã sánh ngang với nam nhân rồi. Khi bị quan Trụ quốc họ Thân “bắt cướp đem về làm của mình” [11,tr.160] nàng tỏ ra là người rất mạnh mẽ trong tình yêu với Dư Nhuận Chi. Vì xa chàng mà Túy Tiêu “ buồn rầu sinh ốm(…) toan lấy chiếc khăn là thắt cổ tự tử” [11,tr.168] và ra điều kiện buộc quan Trụ quốc mời Nhuận Chi đến ở làm khách để được gần chàng. Để rồi bằng mọi cách cuối cùng hai người đã thoát khỏi nhà quan mà “ăn ở với nhau đến già” [11,tr.172]. Trong chuyện tình giữa hai người, nàng Túy Tiêu chủ động, mạnh mẽ đến với hạnh phúc, giành giật hạnh phúc bao nhiêu thì Nhuận Chi lại bị động bấy nhiêu. Vai trò của nữ giới trong tình yêu đã có sự thay đổi.
Đặc biệt, người chủ động, khá mạnh bạo trong phương diện tình ái đó là cung nhân Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị. Hàn Than là một cô gái có sắc nên được tuyển làm cung nhân. Lời nhận xét của sư cụ Pháp Vân về nàng càng cho ta thấy điều đó: Người con gái này, nết không cẩn nguyệt, tính bén lẳng lơ, tuổi đã trẻ trung, sắc lại lộng lẫy, ta e lòng thiền không phải đá, sắc đẹp dễ mê người, tuy sen chẳng nhận bùn đen, nhưng tấc mây dễ mờ bóng nguyệt…” [11,tr.85]. Lời văn huấn đạo của Sư cụ Pháp Vân cảnh báo rằng sắc đẹp nàng sẽ là nguyên nhân làm vấy bẩn lòng thiền, mờ bóng tâm sáng của Vô Kỷ cho thấy vẻ đẹp của nàng gắn với sự lẳng lơ, cám dỗ sắc dục, khiến người khác e sợ hoặc xem thường. Còn trong mắt cậu học trò, ngoại hình nữ tính của Hàn Than lại tượng trưng cho sự lẳng lơ, đáng khinh, đáng mai mỉa:
Kính nghĩ am chủ có ở núi Phật tích là Đào thị: Sổ ca nhạc rút tên ra khỏi.
Cửa Phạm Vương núp bóng tìm vào.
Miệng đào lưng liễu, uốn lưỡi vừa véo von mấy khúc Dương Châu. Nhật sáng mây lành, nghển đầu đã nương tựa dưới trời Đâu xuất Quần ném dòng Tương lớp lớp
Có thể bạn quan tâm!
- Biểu Hiện Của Sắc Thái Dục Tính Trong Truyền Kỳ Mạn Lục Của Nguyễn Dữ
- Tìm hiều sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục - 7
- Dục Tính Biểu Hiện Qua Các Nhân Vật
- Nghệ Thuật Thể Hiện Sắc Thái Dục Tính Trong Truyền Kỳ Mạn Lục Của Nguyễn Dữ
- Tìm hiều sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục - 11
- Tìm hiều sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục - 12
Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.
Tóc rơi mây Sở từng từng
Trong mơ xúc cảnh bâng khuâng, du tiên nửa gối Trước gió ghẹo người giéo giắt, đoản địch vài xoang.
Phòng tăng vắng vẻ khác phòng ca Áo đạo nhẹ nhàng hơn áo múa
Khe Tào múc nước, chợt ngờ mặt phấn trong gương Lá bối tụng kinh, còn thoảng âm vang trước nóc!
Mùi thiền dẫu bén,
Lòng tục chưa phai…[11,tr.83]
Sau này, quả thực sắc đẹp và sức hấp dẫn của Hàn Than đã làm lay động lòng dục của sư Vô Kỷ, khiến Vô Kỷ trễ nải kinh kệ và đắm chìm trong bể tình.Hàn Than vốn là “danh kỹ”, nên bên cạnh là người có sắc nàng còn là người phụ nữ có tài. Cái tài của Hàn Than là “thông hiểu âm luật và chữ nghĩa” [11,tr.81] nên được “tuyển sung vào làm cung nhân, hàng ngày chầu vua ở tiệc rượu hay ở chiếu bạc” [11,tr.81]. Tài năng đó được thể hiện rõ khi vua đưa ra câu đối, các quan chưa ai đối được thì nàng đã ứng khẩu đọc ngay và được vua khen ngợi gọi nàng là “Ả Hàn Than”. Rồi khi đến tu ở chùa Phật Tích với bản chất thông minh, nàng đã “giảng kinh thuyết kệ, chỉ mấy tháng đã làu thông lắm” [11,tr.83], lại còn dựng am Cư Tĩnh, “mời họp các văn nhân để xin một bài bảng văn” [11,tr.83]. Hàn Than cũng thật mạnh mẽ trong tình yêu. Nàng chủ động đến với Vô Kỷ. Khi được Vô Kỷ đồng ý cho ở chùa thì “tuy ở chốn thanh tịnh nhưng nết cũ vẫn chưa trừ bỏ. Mỗi lúc ở nhà dưới đi lên, mặc áo lụa, quần là, môi son, má phấn” [11,tr.85]. Việc trang điểm son phấn của sư cô trong chốn thanh tịnh là điều đáng cấm nhưng với Hàn Than đó là cách làm đẹp mình để lấy lòng Vô Kỷ. Rồi “Cõi dục đã gần, máy thiền dễ chạm, bèn cùng nhau tư thông” [11,tr.88]. Khi Hàn Than chết trở thành hồn ma, nàng cũng muốn lôi kéo Vô Kỷ cùng làm ma “sống còn chưa được thỏa yêu đương, chết sẽ cùng nhau quấn quýt” [11,tr.89]. Qua chuyện, chúng ta bắt gặp một Hàn Than mạnh mẽ trong tình yêu, sẵn sàng đến với tình yêu và chết cho tình yêu. Chuyện hoan lạc, ái ân của Hàn Than và Vô Kỷ diễn ra ngay nơi cửa chùa, nơi cấm kị nhất theo quan niệm của người xưa. Nhưng với Hàn Than, ở đây không phải là tội lỗi trong chuyện phá giới mà chỉ là chuyện tình yêu, hạnh phúc đời thường mà nàng đáng được hưởng mà thôi. Những lời nói và hành động mạnh mẽ đó thể hiện sự
khao khát tình yêu, hạnh phúc lứa đôi và gửi gắm niềm mong muốn được giải phóng tình dục ở người phụ nữ. Đó như lời tuyên ngôn đòi quyền được tự do về thân xác của những thân phận luôn chịu thiệt thòi trong xã hội xưa.
Việc xuất hiện những nhân vật nữ, đặc biệt là kỹ nữ đã tạo được mối thương cảm trong lòng người đọc. Thông qua các nhân vật này, tác giả đã gửi gắm những thông điệp về cuộc đời, cất lên tiếng nói cho một tình yêu tự do, giải phóng con người ra khỏi sự kìm tỏa của những lễ giáo phong kiến. Với những điều như thế Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm được coi là tạo tiền đề cho việc xuất hiện phổ biến hơn hình ảnh người kỹ nữ trong thơ văn trung đại, mở đầu của một nghệ thuật phản ánh tiến tới cái hiện thực sinh động, cụ thể, hướng đến những con người nhỏ bé trong xã hội. Để rồi sau này, những nhân vật này đã trở thành mẫu phụ nữ hồng nhan điển hình hơn cả trong những sáng tác của Nguyễn Du thế kỷ XVIII như : "Truyện Kiều", trong một số bài thơ chữ Hán như : "Ngộ gia đệ cựu ca cơ", "Long Thành cầm giả ca",… rồi hình ảnh kỹ nữ đã được thay đổi tên gọi vào thế kỷ XIX, là những ả đào gắn liền với nghệ thuật ca trù, một bộ môn nghệ thuật trong văn hóa Việt, là nhân vật trong những bài hát nói nổi tiếng của nhà nho tài tử Nguyễn Công Trứ.
Bên cạnh các nhân vật phụ nữ, nhân vật nam nhân trong Truyền kỳ mạn lục cũng thể hiện dục tính. Nhân vật nam giới xuất hiện trong truyện thuộc những hạng người cụ thể trong xã hội: thương nhân, nho sinh, quan lại, nhà sư. Họ đều là những người tuổi trẻ, ham nữ sắc, bị yêu ma quyến rũ đắm chìm trong nhục dục.
Những người lái buôn thì lòng đầy nhục dục, giảo quyệt như Đỗ Tam (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu), “thất phu đa dục” như Trình Trung Ngộ (Chuyện cây gạo). Vì ham sắc đẹp của Nhị Khanh mà Đỗ Tam đã dùng kế để bạn thua bạc mà gán vợ.Trình Trung Ngộ “chàng trai đẹp đất Bắc Hà, nhà rất giàu, thuê thuyền xuống vùng Nam buôn bán” [11,tr.34] làm nghề lái buôn đi nhiều nơi cũng bị sắc đẹp của Nhị Khanh quyến rũ, rồi tự nguyện chàng đưa cô gái xuống thuyền của mình.
Lái buôn giàu có lòng đa sắc dục thì cũng dễ hiểu, ngay cả kẻ sĩ cũng không tránh khỏi sự quyến rũ của mĩ nhân. Họ không còn là những con người hăm hở trên
con đường hoạn lộ với chí lớn lập công danh để lại tiếng thơm cho muôn đời mà lại là những người say mê nhục dục, đắm chìm trong hoan lạc thể xác, trở về với bản năng tự nhiên của con người. Chàng thư sinh Hà Nhân trong Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây lên kinh sư theo học cụ Ức Trai (Nguyễn Trãi) gặp hai nàng Đào và Liễu. Được các cô chủ động làm quen “nhí nhoẻn cười đùa hoặc hái những quả ngon, bẻ bông hoa đẹp mà ném cho Sinh nữa” [11,tr.54], Hà Nhân bèn rủ hai cô gái về nhà trọ và đồng tình nhanh chóng nhu cầu ân ái của hai nàng.Viên quan họ Hoàng Xương Giang yêu quái lục người Bắc Giang, xuống kinh đô nhận chức. Gặp mỹ nhân, sự đam mê nữ sắc biến thành sức lôi cuốn mạnh mẽ, khó cưỡng lại bèn đưa cô gái đi theo.
Những nam nhân này đến với dục tính, hoan lạc không phải vì đã tìm được giá trị đích thực của tình yêu, hạnh phúc và khao khát nó, nguyện đem đánh đổi tất cả để có nó mà chỉ đơn giản là chạy theo sự cám dỗ, đắm đuối trong hành lạc. Để rồi họ quên đi, đánh mất đi mục đích sống của mình và thậm chí đánh đổi cả tính mạng mình nữa. Trình Trung Ngộ bị Nhị Khanh lôi kéo cuối cùng ôm quan tài của ma nữ mà chết. Chàng Hà Nhân bị hồn ma quyến rũ, chạy theo lối sống buông thả, dù không nhiễm yêu ma, ở lại cõi trần nhưng chàng đã lỡ dở công danh và hôn sự của mình. Viên quan họ Hoàng cũng bị khí yêu ma làm cho “bị bệnh điên cuồng hoảng hốt mê lịm đi không còn biết gì” [11,tr.130].
Kẻ sĩ thì “bút nghiên chán nản,son phấn tình nồng”, bỏ dở cả công danh sự nghiệp vì đắm say tửu sắc, còn tầng lớp sư sãi, đại diện là Sư Vô Kỷ là một kẻ gian dâm, buông thói tà dục, chẳng những dối người, lại còn dối cả vị Phật mà mình thờ. Trong Chuyện nghiệp oan của Đào Thị, ta thấy Vô Kỷ là tăng nhân nhưng lòng đầy dục tính. Không nghe theo lời sư cụ Pháp Vân cảnh báo, sư vẫn cho Hàn Than ở chùa. Trước sắc đẹp lả lơi của người con gái này, Vô Kỷ đã say lòng và cùng Hàn Than ân ái. Khi Hàn Than chết, Vô Kỷ đã nói lời chân thành: Em ơi, em vì anh mà chết một cách oan uổng. Nếu anh được theo em cùng chết anh rất sẵn lòng, khỏi để em vò võ một mình ở nơi chín suối. Huống chi em bình sinh vốn thông tuệ, khác hẳn với mọi người thường, nếu có linh thiêng, sớm cho anh được theo về dưới đất, anh không muốn lại trông thấy sư cụ Pháp Vân nữa” [11,tr.93]. Yêu đến độ sống chưa
thỏa nguyện mà muốn được chết theo người mình yêu. Cho nên trong một câu nói mà có đến hai lần Vô Kỷ đòi được đi theo Hàn Than về nơi chín suối. Đó là lời khóc chân tình bộc lộ tâm trạng đau đớn của vị sư “chưa quên mùi tục” tuy đã “bén hơi thiền”.
Thần Thuồng luồng trong Chuyện đối tụng ở Long cung cũng là kẻ ham mê luyến ái. Thần xuất hiện dưới hình dạng “một người đàn ông thân thể vạm vỡ, mũ đỏ, mặt đen”[11,tr.78], ngoại hình của kẻ đa sắc dục. Vì ham mê sắc đẹp của Dương thị mà thần bắt cóc vợ người, chia rẽ vợ chồng người ta, lại còn đổ oan cho chồng người. Tiếng là thần nhưng việc làm lại là của yêu quái. Cho nên ranh giới thần – yêu không phải lúc nào cũng rõ ràng.
Có thể nói qua những điều phân tích ở trên, chúng ta thấy yếu tố dục tính trong Truyền kỳ mạn lục được thể hiện khá rõ ở hệ thống các nhân vật nữ như ma nữ, tiên nữ, ca nhi, cung nữ và các nam nhân như lái buôn, trí thức, nhà sư, thần- yêu. Họ là những nhân vật lòng đầy nhục dục, chạy theo quả dục. Viết về những nhân vật này, Nguyễn Dữ không ca ngợi. Nhưng chỉ riêng việc đề cập đến bản năng thân xác, những khát vọng tình yêu, lứa đôi, những nhu cầu hạnh phúc ái ân vô cùng mạnh mẽ của con người cũng đã phản ánh một góc nhìn mang tư tưởng nhân văn, tạo nên giá trị nhân đạo cho tác phẩm. Truyền kỳ mạn lục xứng đáng là tác phẩm đầu tiên trong nền văn xuôi tự sự Việt Nam mang tinh thần nhân đạo sâu sắc.
2.3. Dục tính biểu hiện qua những biểu tượng dục tính
Dục tính là hoạt động giao hoan giữa hai cá thể nam và nữ, là bản năng thân xác tự nhiên của con người. Những sinh thực khí, yếu tố hình thể, giấc mơ tình dục… đều là những biểu tượng mang ý nghĩa dục tính của con người. Trong Truyền kỳ mạn lục chúng ta bắt gặp những biểu tượng mang ý nghĩa dục tính đó.
Bên cạnh những bộ phận sinh thực khí của nam và nữ thể hiện trực tiếp yếu tố dục tính thì những bộ phận khác trên cơ thể con người cũng gián tiếp biểu hiện điều đó. Những bộ phận như tấm lưng, bàn tay đều mang ý nghĩa biểu tượng dục tính. Tấm lưng thon mĩ nhân đầy gợi cảm. Bàn tay của sự mạnh mẽ, nam tính, của sự mềm mại, ấp yêu đầy nữ tính vì vậy nó mang cả hai yếu tố âm và dương. Những
sự vuốt ve, mơn trớn, ấp yêu của bàn tay gợi rõ hình ảnh ái ân. Tất cả những điều đó đều tìm thấy trong lời thơ của Nhị Khanh ghi lại cuộc hoan lạc giữa nàng và Trung Ngộ trong Chuyện cây gạo:
Giấc xuân mê mệt chốn hoang liêu, Bỗng sượng sùng thay cuộc ấp yêu Măng ngọc vuốt ve nghiêng xuyến trạm
…………………………………………. Đầu cài én ngọc hình nghiêng chếch,
Lưng thắt ve vàng dáng ỏe oai” [11,tr.55]
Hình ảnh của các vật dụng như áo xiêm, hài, chăn, màn, gối cũng gợi ý nghĩa dục tính. Áo, xiêm, hài là những vật gần gũi nhất với thể xác, giúp con người che dấu sự trần truồng của thân thể. Hình ảnh trút áo, cởi áo gián tiếp nói đến chuyện ái ân.Trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu, lời tâm sự của Nhị Khanh với bõ già “nếu chàng không còn thì ta đã liều mình chứ quyết không mặc áo xiêm của chồng để đi làm đẹp với người khác” [11,tr.25] đã thể hiện sự thủy chung của Nhị Khanh với chồng theo cả nghĩa đó. Lời thơ của nàng Liễu trong Cuộc kỳ ngộ ở trại Tây có câu: “Mồ hôi dâm dấp áo là” [11,tr.56] gợi rất rõ cảnh ái ân say nồng của nam nữ. Trong Chuyện đối tụng ở Long cung, khi nàng Dương thị bị thần Thuồng Luồng bắt đi, quan Thái thú họ Trịnh đến đền ngày trước thì “thấy chiếc áo xiêm của Dương thị ở đó” [11,tr.73].
Những vật dụng như hài, giày dép, gối, chăn gắn với chuyện tình dục ở sự gần gũi với thể xác và ở sự tra lắp vào, cởi tháo ra trong hoạt động ái ân. Những đôi hài nâng niu, che chở cho bàn chân của người con gái. Bàn chân cũng là một trong những bộ phận nhạy cảm của người phụ nữ. Những gót sen ba tấc nhỏ xinh được thít bó theo tục bó chân đã tạo nên vẻ đẹp quyến rũ khơi gợi ham muốn của đàn ông. Cởi tháo hài thêu như hành động của sự bắt đầu cuộc ân ái. Bài thơ của Nhị Khanh trong Chuyện cây gạo cũng có câu “Dải là cởi tháo trút hài thêu” [11,tr.35] thể hiện rõ sự bắt đầu cuộc hoan lạc. Trong Cuộc kỳ ngộ ở trại Tây, lúc chia tay, hai nàng Đào Liễu đã có hành động trao “đôi hài cườm” [11,tr.69] tặng chàng Hà Nhân
với ước mong “sau này khi chàng ướm thử, sẽ như là chúng em còn ấp yêu ở dưới chân chàng” [11,tr.69]. Hình ảnh chiếc hài kết bằng những cánh hoa ấy là kỉ vật biểu tượng cho ái ân, cho sự nồng ấm của dục tính vừa thể hiện sự mong manh, hư ảo của những mối tình hư vô. Chăn, màn, gối cũng là những vật gắn liền với giấc ngủ của con người và nó cũng là không gian của sự ái ân, của sự gần gũi,cận kề. Vì thế mà thuật ngữ gối chăn được dùng để chỉ quan hệ thân xác của nam nữ. Lời thơ của nàng Liễu trong Cuộc kỳ ngộ ở trại Tây có nhắc đến khoảng thời gian “chăn gối” với chàng Sinh cũng là khoảng thời gian ân ái của ba người.
“Miệt mài trong cuộc truy hoan,
Tây Thi ngực nở, Tiểu Man lưng mềm, Năm tròn chăn gối vừa êm,
Non sông giục khách trọn niềm gia hương” [11,tr.66]
Trong Chuyện nàng Túy Tiêu, khi Túy Tiêu bị quan Trụ quốc họ Thân “bắt cướp đem về làm của mình” [11,tr.159], Nhuận Chi phải đành lòng ở nhà quan Trụ quốc chờ cơ hội gặp được nàng thì Túy Tiêu đã sai con hầu thân tín của mình “ đến hầu hầu hạ chăn gối” [11,tr.169] là theo nghĩa đó.
Trong Chuyện kì ngộ ở Trại Tây chúng ta bắt gặp cuộc ái ân giữa chàng thư sinh Hà Nhân với hai hồn hoa là Đào, Liễu. Mối quan hệ diễn ra vào ban đêm và trong thời gian ngắn ngủi mang đậm màu sắc mộng ảo. Cái tên Đào, Liễu đã mang màu sắc dục tính. Hoa đào nở rộ vào mùa xuân thể hiện sức sống, sự sinh sôi nảy nở. Vẻ đẹp rực rỡ của hoa đào được người xưa ví như “nhân diện”, vẻ ngoài đẹp của người con gái. Hoa đào rực rỡ đấy nhưng rất mong manh, rơi rụng, nên trong cái nhìn của người phương Đông hoa đào còn là thứ hoa mệnh bạc như biểu tượng cho thân phận người phụ nữ trong xã hội xưa. Dưới hình hài một thiếu nữ tuyệt đẹp, hồn hoa đào đến với chàng Hà Nhân thật nồng nhiệt, mạnh mẽ nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn rồi phải giã biệt khi gió mùa đông đang tới. Đó là sự mong manh hư ảo của hồn hoa, của niềm hạnh phúc mỏng manh và cả sự ngắn ngủi của cõi người. Hồn hoa xuất hiện trong rực rỡ rồi tan biến để lại bao niềm luyến tiếc ngẩn ngơ vì cái đẹp dễ tàn phai. Liễu mang vẻ đẹp tươi tốt, yêu kiều, thướt tha,