Tìm hiều sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục - 13


chỗ nào sót mà không đi đến. Nay không biết trái núi này từ đâu lại mọc ra trước mắt, vì trước kia vốn không từng có: ý giả là non tiên rụng xuống, vết thần hiện ra đây chăng?" [11,tr109]. Tiếp tục khám phá, chàng thấy hiện nên một thế giới như trong mơ: "Lên đến ngọn núi thì bầu trời sáng sủa. Chung quanh toàn là những lâu đài nguy nga, mây xanh ráng đỏ, bám ở lan can, cỏ lạ hoa kỳ, nở đầy trước cửa"; "Sinh theo họ đi vào, vòng quanh một bức tường gấm, vào trong một khung cửa son, thấy những toà cung điện bằng bạc đứng sững, có những tấm biển đề: "Điện Quỳnh hư", "Gác Dao Quang". Trên gác có bà tiên áo trắng, ngồi trên một cái giường thất bảo bên cạnh đặt một chiếc giường nhỏ bằng gỗ đàn hương"[11,tr110]. Và trong không gian thần tiên mang một không khí trang trọng, xa hoa, quyền quý, chàng đã được thưởng thức tiệc mừng kết duyên cùng tiên nữ Giáng Hương nên vợ thành chồng: "Bèn ngay đêm ấy đốt đèn mỡ phượng, rải đệm vằn rồng, để hai người làm lễ giao bái. Ngày hôm sau quần tiên đến mừng, có người mặc áo gấm cưỡi con ly từ đàng bắc xuống, có người bận xiêm lụa cưỡi rồng từ phía nam lên, có người đi kiệu ngọc, có người cưỡi xe gió, đồng thời lại họp. Tiệc yến đặt ở từng thượng trên gác Dao quang, buông rèm câu ngọc, rủ trướngmóc vàng, phía trước đặt một cái ghế bành bằng ngọc lưu ly mà để không. Quần tiên vái chào nhau cùng ngồi ở những ghế bên tả; Từ Thức thì ngồi ở cái giường bên hữu. Ngồi xong, có tiếng truyền hô là Kim tiên đã đến, mọi người đều bước xuống đón cúi lạy chào. Đoạn rồi lên gác tấu nhạc. Tiệc bày mâm bằng mã não, đĩa bằng ngọc thạch, các món ăn đều rất kỳ lạ, lại có những thứ rượu kim tương, ngọc lễ, mùi hương đưa lên thơm nức, dưới trần không bao giờ có được cái của quý như vậy” [11,tr.111]. Ở thế giới kỳ ảo này, con người được thoả mãn dục vọng của mình một cách đầy đủ nhất: Từ Thức có vợ đẹp, lúc nào cũng sẵn rượu nồng, hoa thắm, hàng ngày được dạo chơi ngắm cảnh. Còn nàng tiên Giáng Hương, tình yêu đã đem lại sức sống cho nàng, đã khiến tiên nữ đẹp hơn, rạng rỡ hơn: "Nương tử hôm nay hồng hào, chứ không khô gầy như trước nữa" (Chuyện Từ Thức lấy vợ tiên) [11,tr111]. Nguyễn Dữ xây dựng những không gian hư ảo, siêu nhiên đều nhằm mục đích phản ánh một cách sâu sắc thế


giới hiện thực và là nơi tác giả gửi gắm thông điệp về những ước mơ, khát vọng chân thực nhất của con người.

3.4. Thời gian nghệ thuật

Từ điển thuật ngữ văn học có định nghĩa thời gian nghệ thuật là: “hình thức nội tại của hình tượng nghệ thuật thể hiện tính chỉnh thể của nó. Cũng như không gian nghệ thuật, sự miêu tả, trần thuật trong văn học nghệ thuật bao giờ cũng xuất phát từ một điểm nhìn nhất định trong thời gian. Và cái nhìn trần thuật bao giờ cũng diễn ra trong thời gian, được biết qua thời gian trần thuật. Sự phối hợp giữa hai yếu tố thời gian này tạo thành thời gian nghệ thuật, một hiện tượng ước lệ chỉ có trong thế giới nghệ thuật (…) trong thế giới nghệ thuật, thời gian nghệ thuật xuất hiện như một hệ quy chiếu có tính tiêu đề được giấu kín để miêu tả đời sống trong tác phẩm, cho thấy đặc điểm tư duy của tác giả” [17, tr. 322]. Với định nghĩa đó, chúng ta thấy thời gian trong tác phẩm văn học không chỉ là thời gian vật lí đơn thuần để nhân vật tồn tại mà còn là yếu tố bộc lộ nội dung của tác phẩm và tư tưởng, quan điểm của tác giả.

Trong Truyền kỳ mạn lụccủa Nguyễn Dữ có tồn tại thời gian của quá khứ, của hiện tại, của tương lai; có thời gian hư ảo và thời gian khách quan của thực tại, thời gian lịch sử;… Đặc biệt ở tác phẩm, những dạng thức thời gian gắn với yếu tố tính dục đã xuất hiện.

Trong Truyền kỳ mạn lục, thời gian đêm tối là khoảng thời gian được nhắc đến nhiều trong tác phẩm. Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, “đêm tượng trưng cho thời gian của sự thai nghén, nảy mầm, của những mưu đồ bí mật sẽ lộ ra giữa thanh thiên bạch nhật thành những biểu hiện của sự sống. Đêm chứa đầy tất cả các khả năng tiềm tàng của cuộc đời. Nhưng đi vào đêm là trở về với cái chưa xác định trong đó đầy rẫy những ác mộng và quái vật, những ý nghĩ đen tối. Đêm là hình ảnh của cái vô thức, trong giấc ngủ đêm, vô thức sẽ được giải phóng” [9,tr.298]. Đêm là khoảng thời gian thích hợp nhất để thân xác và tâm hồn con người tìm đến nhau thỏa mãn dục vọng ái ân của mình. Khi màn đêm buông xuống, mọi vật bị chìm đi trong bóng đêm đen tối và hoạt động tình dục được xem là hoạt


động riêng tư, thầm kín theo quan niệm văn hóa, xã hội phải được thực hiện một cách kín đáo trong đêm. Đêm cũng là khi dục vọng bản năng của con người được giải thoát và dâng lên cao nhất. Đêm là thời gian của ma quỷ theo tâm thức dân gian, cũng là thời gian để cho những cuộc tình bất chính diễn ra. Màn đêm che giấu những cuộc tình bị xem là tội lỗi khỏi con mắt soi mói của đạo đức phong kiến. Chính vì vậy, trong những câu chuyện tình giữa người và hồn ma, đêm là khoảng thời gian thường diễn ra cảnh ái ân, giao hoan giữa hồn ma và các nam nhân. Chuyện cây gạo Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây kể về những cuộc ái ân giữa người và hồn ma. Vì vậy chúng ta thấy, những cuộc hoan lạc đó diễn ra vào ban đêm trong thời gian ngắn ngủi. Đó cũng là thời gian tình yêu tuổi trẻ, thời gian của quan hệ ân ái. Đêm đêm Trình Trung Ngộ qua lại với hồn ma Nhị Khanh hơn một tháng (Chuyện cây gạo). Hàng đêm trong gần một năm, Hà Nhân ân ái tình tứ với hồn hoa Đào Hồng Nương và Liễu Nhu Nương (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây). Màn đêm giúp cho những mối tình “bất chính” trên trở nên táo bạo. Viên quan họ Hoàng gặp hồn ma Thị Nghi trong Chuyện yêu quái ở Xương Giang cũng vào ban đêm: "Triều Lê sau khi hỗn nhất, có một viên quan họ Hoàng người Lạng Giang đi xuống Trường An (kinh đô) lĩnh chức, đỗ thuyền ở bên cạnh sông. Bấy giờ trăng tỏ sao thưa, bốn bề im lặng, chợt nghe thấy ở mỏm bãi cát đàng phía đông nam có tiếng khóc rất ai oán. Chèo thuyền đến xem, thấymột người con gái tuổi 17, 18, mặc một cái áo lụa đỏ, đương ngồi trên nệmcỏ. Hoàng hỏi:- Đêm khuya như vậy, sao cô khóc, khiến lòng sắt đá cũng phải yếu mềm” [11,tr.130].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 113 trang tài liệu này.

Trong Chuyện Lệ Nương, Phật Sinh ngủ ở mộ Lệ Nương và đã gặp hồn ma Lệ Nương hiện về trong đêm đó: “ Đêm đến canh ba, Sinh quả thấy Lệ Nương lững thững đi đến, khóc kể rằng:

“Thiếp vốn con nhà tầm thường,

Tìm hiều sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục - 13

………………………………………… Kính xin soi xét”

Vợ chồng bèn cùng nhau âu yếm chuyện trò, y như lúc sống” [11,tr.214].


Trong những cuộc tình danh chính ngôn thuận của vợ chồng, hạnh phúc ái ân của họ cũng diễn ra vào ban đêm. Nàng Nhị Khanh và Phùng Sinh sau bao ngày xa cách đã được gặp nhau và “Đêm hôm ấy buồng loan chung gối, Sinh ngâm một bài thơ rằng:

Nhớ từ năm hãy thơ ngây,

……………………………………

Bút hoa mượn thảo mấy lời vân vân.

Hai người vì xa cách lâu, nên nay tình ái bội phần nồng đượm, sự vui sướng không còn phải nói”[11,tr.29].

Trong Chuyện nàng Túy Tiêu, Nhuận Chi được quan Trần soái Lạng Giang là Nguyễn Trung Ngạn giới thiệu cho nàng Túy Tiêu và hôm ấy Nhuận chi “ uống rượu rất say, mãi đến đêm khuya mới tỉnh, đã thấy nàng Túy Tiêu ở cạnh” [11,tr.159]. Bóng đêm cũng đồng lõa cho hai hồn ma Trung Ngộ và Nhị Khanh táo bạo hơn trong cảnh tự do bên nhau.

Khi Trương Sinh đi lính, ở nhà với con, đêm đêm Vũ Nương thường “trỏ bóng mình trên vách mà bảo là cha Đản” [11,tr. 183]. Lời nói đó vừa thể hiện tình mẹ thương con, muốn con có đủ tình cha vừa thể hiện niềm khao khát hạnh phúc gia đình, khao khát hạnh phúc ái ân trong đêm với nỗi cô đơn, khắc khoải khi phải xa người chồng yêu dấu.

3.5. Tiểu kết

Trong chương 3, chúng tôi đã phân tích nghệ thuật biểu hiện sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục. Qua tìm hiểu chúng tôi thấy rằng để thể hiện sắc thái dục tính – một trong những vấn đề kiêng kị và nhạy cảm trong quan niệm văn hóa thời phong kiến, tác giả Nguyễn Dữ đã sử dụng yếu tố kỳ ảo, ngôn ngữ nhân vật, thơ từ, không gian và thời gian nghệ thuật. Yếu tố kỳ ảo là một trong những đặc trưng của thể loại truyện truyền kỳ. Xây dựng những nhân vật kỳ ảo ma nữ mang đậm sắc thái dục tính có thể là cách để ông đối phó với cấm đoán của thời đại hoặc là cách để nhà nho Nguyễn Dữ thể hiện tư tưởng Nho giáo phê phán, lên án những cuộc tình tự do mang đầy nhục cảm trai gái. Bên cạnh sử dụng yếu tố kỳ ảo, trong Truyền kỳ mạn lục, tác giả sử dụng ngôn ngữ nhân vật để thể hiện khao khát dục tính trong


lòng con người. Ngôn ngữ của nhân vật ma nữ, ca nữ và một số nam nhân thật táo bạo khi trực tiếp nói lên những ham muốn nhục dục của mình. Nguyễn Dữ còn tạo lên không gian và thời gian nghệ thuật là bối cảnh phù hợp cho những cuộc tình mang màu sắc nhục dục.


KẾT LUẬN

Tác phẩm Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ ra đời vào thể kỷ XVI đã để lại những giá trị to lớn cho nền văn xuôi Việt Nam viết bằng chữ Hán. Truyền kỳ mạn lục được ngợi ca là “thiên cổ kỳ bút”, là “áng văn của bậc đại gia”, được xem như là một sáng tạo mẫu mực của thể truyền kỳ.

Một trong những điều làm nên giá trị của tác phẩm Truyền kỳ mạn lục là yếu tố dục tính. Qua tìm hiểu vấn đề sắc thái dục tính trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, chúng tôi rút ra một số kết luận sau:

1. Dục tính là khái niệm chỉ hoạt động tính giao, là thuộc tính của một sinh thể sống, một hành vi có tính bản năng. Dục tính là nhu cầu tự nhiên đã phát khởi từ khi con người hiện diện trên mặt đất này. Đó là khoái cảm tột độ giữa âm dương, dẫn đưa con người khám phá và tận hưởng như một nhu cầu cần thiết cho sự sống, và còn là nghĩa vụ của giống tính. Tìm về với bản năng dục tính là tìm về với bản năng tự nhiên của con người, tìm về với cội nguồn của sự sống. Dục tính đã trở thành một đề tài hấp dẫn và thú vị cho sáng tác thơ văn.

2.Văn học trung đại Việt Nam đã hình thành và phát triển suốt chiều dài của chế độ phong kiến Việt Nam. Trong xã hội ấy, vấn đề dục tính là vấn đề khá nhạy cảm. Nho giáo chủ trương cấm kỵ đối với cái bản năng tình dục. Để duy trì trật tự đạo lý, văn chương nhà Nho né tránh đề tài dục tính, coi dục tính là thấp kém, xấu xa. Là nhà Nho xuất thân từ cửa Khổng sân Trình, Nguyễn Dữ cũng mang nặng tư tưởng của Nho giáo, nhưng luồng tư tưởng nhân đạo, tinh thần dân chủ, ý thức cá nhân bắt đầu xuất hiện trong xã hội ở thế kỷ XVI đã ít nhiều tác động đến ông để Truyền kỳ mạn lục ra đời đánh dấu những bước phát triển mới cho văn xuôi tự sự Việt Nam. Một trong những điều làm nên thành công của Truyền kỳ mạn lục chính là sắc thái dục tính được thể hiện trong tác phẩm. Tất cả những điều đó đã nói lên Truyền kỳ mạn lục là một tác phẩm chứa đựng sắc thái dục tính. Chính yếu tố dục tính đã làm nên sự hấp dẫn cho tác phẩm, gợi sự hứng thú say mê cho người đọc đưa “cái tục” gần với “cái thiêng”, tạo giá trị nhân đạo cho tác phẩm. Tìm hiểu vấn


đề dục tính trong tác phẩm, cũng là tìm hiểu vấn đề “cái tục” trong văn học trung đại Việt Nam là việc cần thiết để thấy được “Tục hóa- quay về để tiến tới”[87].

3. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy rằng sắc thái dục tính được thể hiện rất rõ trong 10 truyện kể trên chủ yếu ở các phương diện sau: đề tài, nhân vật và những biểu tượng dục tính.Ở những truyện đó, ngòi bút của Nguyễn Dữ đã viết về đề tài dục tính.Những mối tình mang đậm màu sắc nhục dục giữa người với ma, người với người, người với thần tiên đã diễn ra. Những cuộc tình đã làm “xôn xao” trần thế, thủy cung và cả nơi tiên giới. Những cuộc tình vượt qua lễ giáo phong kiến, ràng buộc hôn nhân, chỉ có tự do luyến ái. Nhân vật trong 10 truyện trên của Truyền kỳ mạn lục cũng biểu hiện sắc thái dục tính. Đó là hệ thống nhân vật nữ giới được nhà văn khắc họa mang đầy yếu tố nhục dục. Nhân vật nữ giới có khi được tồn tại dưới hình ảnh của những ma nữ, tiên nữ, có khi là người phụ nữ trong đời sống hàng ngày. Ở họ có những hình thức tồn tại khác nhau nhưng đều giống nhau ở vẻ đẹp tài sắc. Họ được xây dựng là những nữ nhân mang vẻ đẹp tài sắc trọn vẹn, những vẻ đẹp làm say long, quyến rũ nam nhân. Đồng thời ở những người phụ nữ này nổi lên sự khao khát tình yêu hạnh phúc và sự hoan lạc ái ân. Những quan niệm táo bạo về dục tính, coi dục tính là lẽ sống ở trần gian khi được khẳng định trực tiếp trong lời nói của nhân vật khi được thể hiện giao tiếp qua những lời thơ ca tụng cuộc hoan lạc. Bên cạnh nữ nhân các nam nhân trong truyện cũng là những nhân vật thể hiện yếu tố dục tính. Nhân vật nam nhân hiện lên với đủ các hạng người. Khi thì là kẻ lái buôn, là giới tri thức, khi là nhà sư, khi lại là thần tiên, ma quái. Tất cả họ đều giống nhau ở chỗ lòng đầy nhục dục, chạy theo nữ sắc để rồi phải bỏ dở công danh sự nghiệp của chính mình, có khi lại phải trả giá bằng cả mạng sống của mình. Trong 10 truyện Truyền kỳ mạn lục còn xây dựng được những biểu tượng dục tính. Đó là biểu tượng dục tính của các bộ phận trên cơ thể con người, những cái tên mang màu sắc dục tính, những hình ảnh, vật dụng gần gũi với cơ thể, cuộc sống con người. Xây dựng những biểu tượng đó một lần nữa khẳng định rõ sắc thái dục tính được thể hiện khá độc đáo trong Truyền kỳ mạn lục.


4. Trong Truyền kỳ mạn lục, khi đề cập đến vấn đề dục tính, Nguyễn Dữ đã sử dụng nhiều biện pháp nghệ thuật trong đó có sử dụng các yếu tố kỳ ảo, nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ nhân vật, sử dụng ngôn ngữ thơ, xây dựng không gian và thời gian nghệ thuật. Đây là những biện pháp đem lại hiệu quả nghệ thuật cao nhất trong việc biểu hiện sắc thái dục tính của tác phẩm. Nếu như nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ nhân vật, sử dụng ngôn ngữ thơ, xây dựng không gian và thời gian nghệ thuật giúp nhà văn có thể thể hiện sắc thái dục tính một cách tự nhiên, chân thực màtinh tế những cuộc truy hoan về thể xác của nhân vật thì việc sử dụng các yếu tố kỳ ảo là hình thức nghệ thuật giúp tác giả vừa thể hiện yếu tố dục tính vừa gửi gắm tâm sự, tư tưởng của mình về vấn đề này.

5. Dưới cái nhìn của một nhà nho, khi đề cập đến vấn đề dục tính, về “ cái tục” trong tác phẩm khi mà “cái thiêng” ngự trị, Nguyễn Dữ cũng không tránh khỏi những hạn chế. Tuy nhiên đặt trong bối cảnh văn hóa xã hội lúc bấy giờ, Nguyễn Dữ đã góp phần thay đổi quan niệm nghệ thuật về con người trong văn học trung đại, mang đến giá trị nhân đạo sâu sắc cho tác phẩm. Tác phẩm cũng góp phần làm cầu nối cho nền văn học quan phương bác học của nhà Nho đến nền văn học bình dân, hiện thực hơn, nền văn học mang giá trị hiện thực sâu sắc.

6. Truyền kỳ mạn lục là tác phẩm chịu nhiều ảnh hưởng của tác phẩm “Tiễn đăng tân thoại” của Cù Hựu, nhưng thật sự đây là một sự sáng tạo độc đáo của nhà văn Nguyễn Dữ. Sự sáng tạo đó được thể hiện trên nhiều mặt, nhưng do khuôn khổ hạn chế của một luận văn tốt nghiệp, chúng tôi chỉ tập trung đi vào tìm hiểu và phân tích, đánh giá một vấn đề đặc sắc trong tác phẩm là sắc thái dục tính thể hiện trong Truyền kỳ mạn lục mà chưa đi vào những thành công khác của tác phẩm. Do đó, luận văn không khỏi còn có những hạn chế, thiếu sót. (Rất mong hội đồng đóng góp). Hy vọng rằng chúng tôi sẽ có dịp đi sâu vào tìm hiểu những giá trị độc đáo khác nữa của tác phẩm Truyền kỳ mạn lục.

Xem tất cả 113 trang.

Ngày đăng: 18/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí