Sự nghiệp cách mạng của Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển nhưng còn gặp nhiều khó khăn, trắc trở, nhất là về vấn đề lương thực, vũ khí, thuốc men. Trên khắp cả nước, lực lượng Việt Minh cùng toàn dân ta đang ngày đêm tập trung cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dưới ánh sáng của Đảng, của Việt Minh, mọi tầng lớp nhân dân tích cực, hăng hái tham gia các lớp huấn luyện của tổ chức Mặt trận Việt Minh cũng như tham gia các tổ chức, đoàn thể cứu quốc tại các Châu trên khắp tỉnh Cao Bằng. Phong trào Việt Minh ngày càng phát triển, lực lượng cách mạng ngày càng trưởng thành với khí thế và quyết tâm sôi nổi để chuẩn bị cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Với những gì đã và đang diễn ra, sự nghiệp cách mạng chắc chắn sẽ thành công như mong ước và niềm tin sắt đá của Bác Hồ. Đó cũng chính là niềm mong mỏi của biết bao đồng chí, đồng bào đang bí mật hoạt động cách mạng để cứu nước, cứu dân. Nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã hòa mình trong không khí sục sôi của cao trào cách mạng để khẳng định, ngợi ca phẩm chất kiên cường của những người làm cách mạng, nhất là đối với vị lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc, người đã mở đường, dẫn lối để cách mạng đi đến thành công.
Một điểm đáng chú ý là bên cạnh một con người tài năng, trí tuệ với cốt cách ung dung, tự tại của một người nghệ sĩ chân chính, trong cả hai tác phẩm Mặt trời Pác Bó và Giải phóng tác giả còn cho người đọc thấy được Bác còn mang trong mình phẩm chất anh hùng với ý chí và nghị lực phi thường. Phẩm chất anh hùng trong Hồ Chí Minh được tác giả nhìn nhận ở nhiều phương diện.
Trong Mặt trời Pác Bó, phẩm chất anh hùng của Hồ Chí Minh được tác giả nhìn nhận ở ý chí, nghị lực và niềm tin của Bác vào cách mạng : “Làm cách mạng là nhiệm vụ của toàn dân, của đất nước giao cho, chứ không phải do ông trời nào phán bảo cả ... Muốn cho cách mạng thắng lợi phải có dân, được dân đồng tình ủng hộ và trực tiếp tham gia vào cuộc cách mạng, đó là lực lượng chủ yếu. Trải gần một trăm năm sống đời nô lệ, bọn đế quốc, phong kiến đã làm cho dân tộc ta trở nên ngu dốt, tối tăm. Nay ta phải giúp cho người dân học chữ, học văn hóa, học phương pháp tổ chức cách mạng, đưa họ vào tổ chức chính trị, vũ trang, đồng lòng, đồng chí hướng trên đường tranh đấu. Tạo ra một phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, một cao trào cách mạng như triều dâng, thác đổ” [37, tr.42-43].
Đối với Bác, cách mạng luôn là nòng cốt để nhân dân ta giành được thắng lợi. Dù khó khăn đến đâu, Bác cũng không chịu lùi bước mà luôn hướng niềm tin vào cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Để cách mạng thành công, Bác đã động viên mọi tầng lớp nhân phải đoàn kết để tạo nên một phong trào mạnh mẽ, nhóm tia lửa thành ngọn lửa cách mạng đầy nhiệt huyết.
Ý chí và nghị lực của Bác còn được thể hiện trong phong cách ung dung, tự tại. Khi bị bắt tại Túc Vinh, Bác tỏ ra điềm tĩnh viết thư cho Lê Quảng Ba: “Lập tức thông báo cho mọi người biết: Hồ Chí Minh, đại biểu của Mặt trận Việt Minh chống xâm lược của Việt Nam sang hội đàm với các lực lượng chống xâm lược của Trung Quốc vì bị hiểu lầm đã bị bắt và giam ở Tịnh Tây. Đoàn đại biểu của Phân hội Việt Nam, phản xâm lược sang Trung Quốc hội đàm có 3 người, nhưng đi đường núi một người lạc đường, một người bị đá rơi vào chân không đi được, nên chỉ còn một mình Hồ Chí Minh đi. Hồ Chí Minh là Đảng cộng sản Đảng nhưng không có bất cứ một liên hệ nào với Đảng cộng sản Trung Quốc ... ” [37, tr.296-297].
Trong hoàn cảnh khó khăn, Hồ Chí Minh vẫn cố gắng vượt qua mọi thử thách để hướng về cách mạng, hướng về dân tộc Việt Nam. Khi bị bắt ở Tịnh Tây - Trung Quốc, Bác không hề có hành động phản kháng lại, song Người cũng không cam chịu cảnh bị tù oan. Chính vì vậy, Người đã viết thư thông báo cho mọi người biết là mình bị bắt oan khi là đại biểu của Mặt trận Việt Minh chống xâm lược của Việt Nam sang hội đàm với các lực lượng chống xâm lược của Trung Quốc. Với hình ảnh, tình tiết sinh động, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã tái hiện lại nguyên mẫu Hồ Chí Minh với ý chí và nghị lực kiên cường.
Trong Giải phóng, phẩm chất anh hùng của Bác hiện lên khá sắc nét. Khi nói chuyện cùng Thiếu tá Thomas, Bác dứt khoát: “Thưa ngài Thomas, chúng tôi có thể đón một triệu quân Mỹ nhưng với người Pháp thì không! Xin nhắc lại, không! dù chỉ là một người” [38, tr.54]
Là một người có tầm nhìn xa trông rộng, nên trước lời đề nghị của Thiếu tá Thomas, Bác đã thẳng thắn trả lời một cách dứt khoát, rành rọt. Khi vừa giới thiệu về các thành viên trong trong đội, Thomas cảm nhận rất rõ ánh mắt không thiện cảm khi giới thiệu hai cái tên đặc sệt Pháp là Môngpho và Lôgốt, đặc biệt là Trung sỹ Phác,
một cái tên thuần Việt trong đội Con Nai. Chính vì vậy, Bác mới thẳng thắn: “chúng tôi có thể đón một triệu quân Mỹ nhưng với người Pháp thì không! Xin nhắc lại, không! dù chỉ là một người”. Có lẽ vì người Pháp đã gây nên bao tội ác đối với dân tộc Việt Nam nên Bác Hồ tỏ ra căm phẫn. Từ phủ định “Không” được nhắc lại hai lần càng làm tăng thêm nỗi căm phẫn tột độ trong lòng Bác. Cũng qua câu nói ấy mà phẩm chất của người anh hùng cách mạng trỗi dậy mãnh liệt. Người có thể tin và đón chào những người Mỹ chân chính đến Việt Nam trong hoàn cảnh này, với thiện chí này nhưng không bao giờ Bác chấp nhận bóng dáng của quân xâm lược Pháp, dù chỉ là một người trên đất nước này.
Qua ngòi bút của Hoàng Quảng Uyên, bên cạnh những phẩm chất con người vĩ nhân, con người đời thường ấy, Bác còn hiện là một con người anh hùng với bản lĩnh kiên cường, quyết đoán, quyết tâm chống lại mọi hành động xâm lược của kẻ thù, giành thắng lợi lớn để dân tộc Việt Nam được hưởng cuộc sống tự do, hạnh phúc.
Có thể bạn quan tâm!
- Hoàn Cảnh Ra Đời Của 2 Tiểu Thuyết: “Mặt Trời Pác Bó” Và “Giải Phóng” Của Hoàng Quảng Uyên
- Khắc Họa Chân Dung Các Nhân Vật Lịch Sử Đã Sống Và Hoạt Động Cùng Bác
- Tái Hiện Chân Dung Của Nguyên Mẫu Hồ Chí Minh Ở Phương Diện Ngôn Ngữ, Hành Động; Phẩm Chất Vĩ Nhân Và Đời Thường.
- Hư Cấu Để Tái Hiện Đời Sống Nội Tâm Của Bác
- Điểm Khác Biệt Trong Hai Tiểu Thuyết: “Mặt Trời Pác Bó” Và “Giải Phóng” Khi Sử Dụng Hư Cấu Nghệ Thuật Để Xây Dựng Nguyên Mẫu Hồ Chí Minh Thành
- Khái Niệm “Kết Cấu” Và Kết Cấu Tiểu Thuyết
Xem toàn bộ 109 trang tài liệu này.
Không chỉ là người có tài năng với sự hiểu biết uyên thâm trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, nhất là trong giai đoạn sống và làm việc tại Pác Bó, tỉnh Cao Bằng, con người vĩ nhân ấy còn bộc lộ khả năng tiên đoán về vận mệnh của đất nước, của dân tộc.
Trong khi nói chuyện với các đồng chí của mình, Bác phân tích rõ về tình hình đấu tranh của quân và dân ta tại một số tỉnh, thành trong cả nước, đồng thời tự tin khẳng định: “Căn cứ địa Cao Bằng có phong trào tốt từ trước, lại kế sát biên giới, lấy đó làm cơ sở liên lạc Quốc tế rất thuận lợi. Nhưng từ Cao Bằng còn phải phát triển về Thái Nguyên và thông xuống nữa mới có thể tiếp xúc với toàn quốc được. Có nối phong trào được với Thái Nguyên và toàn quốc thì khi phát động đấu tranh vũ trang, lúc thuận lợi có thể tấn công, lúc khó khăn có thể giữ” [38, tr.81].
Để cách mạng thành công rất cần sự đoàn kết thống nhất, cần chiến lược mở rộng, phát triển trong phong trào cách mạng từ Cao Bằng ra toàn quốc. Chính vì thế, Người đã khẳng định: chọn căn cứ địa Cao Bằng làm cơ sở liên lạc Quốc tế rất thuận lợi. Cao Bằng là tỉnh kề sát biên giới lại có nhiều phong trào tốt nên Bác đã chọn nơi đây đặt trụ sở.
Với giọng văn hào sảng, đanh thép, nhà văn Hoàng Quảng Uyên đã soi sáng chân dung tâm hồn Bác với một niềm tự hào, ngợi ca. Không chỉ dừng lại ở đó, Bác
còn hiện lên với hình ảnh của một nhà tiên tri vĩ đại qua suy nghĩ của Patty: “Ông già gày gò, Chủ tịch của Chính phủ lâm thời thực là một nhà tiên tri vĩ đại - Ông có thể đoán được một cách chính xác ngày dân tộc ông, đất nước ông giành được độc lập. Tiên tri hay là niềm tin, niềm mong ước - Có lẽ cả hai...” [38, tr.147-148].
Chính niềm tin đã giúp Bác chiến thắng tất cả khó khăn trước mắt để có thể đoán định được tương lai. Niềm tin và niềm mong ước, đó là hai yếu tố không thể tách rời, bởi nếu không có niềm tin thì không thể mong ước có ngày thắng lợi và nếu không biết mong ước thì sẽ không bao giờ có niềm tin tồn tại trong suy nghĩ. Cả hai yếu tố niềm tin và mong ước luôn tồn tại song song trong suy nghĩ, hành động của Bác. Bác luôn đặt niềm tin vào thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam và luôn mong người dân sớm được hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Thứ hai: phẩm chất vĩ nhân biểu hiện ở phương diện Bác là một nghệ sĩ cách mạng – nghệ sĩ trong những hoàn cảnh khốc liệt nhất
Bằng ngòi bút sắc sảo, tinh tế, Hoàng Quảng Uyên đã sử dụng nghệ thuật hư cấu để xây dựng nguyên mẫu Hồ Chí Minh không chỉ là một vĩ nhân có tầm nhìn xa trông rộng và tài năng kiệt xuất, mà còn là một người có tâm hồn thi sĩ, nhạy cảm trước thiên nhiên, con người và vạn vật. Con người nghệ sĩ thể hiện qua những rung cảm thẩm mĩ, rồi những rung cảm thẩm mĩ ấy kết tinh thành những tác phẩm bất hủ trước vẻ đẹp thiên nhiên, con người và bản làng Việt Bắc.
Suốt thời gian sống và hoạt động cách mạng tại Pác Bó, Cao Bằng, Bác luôn hòa mình vào thiên nhiên vạn vật để trải lòng mình. Tất cả những hình ảnh đẹp đẽ về thiên nhiên như thu vào tầm mắt, tạo cho Bác cảm hứng dạt dào bất tận về thiên nhiên vô cùng tươi đẹp với hình ảnh của sông, của núi diễm lệ đến tuyệt vời.
Bác về đây, đứng trước một phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, trước các đồng chí và quần chúng nhân dân cùng chung ý chí, trong lòng bậc vĩ nhân lại chan chứa một tâm hồn thi sĩ, dạt dào xúc cảm và Người đã sáng tác thành một bài thơ tuyệt tác với tiêu đề: “Pác Bó hùng vĩ:
Non xa xa, nước xa xa
Nào phải thênh thang mới gọi là, Đây suối Lê nin, kia núi Mác
Hai tay xây dựng một sơn hà. [37, tr.71]
Ở đây, nhà văn đã hư cấu để tái hiện lại hoàn cảnh Bác sáng tác bài thơ: “Ông Ké bước đi chầm chậm, xuôi theo con suối … Đến con đường mòn rẽ lên núi ở phía tay phải, bước lên trên một mô đá cao. Từ đây nhìn được cả một vùng điệp trùng núi, điệp trùng mây. Tứ thơ chợt đến trong cảnh sắc đất trời vào tiết Vũ thủy. Cơn mưa tẩy sạch bụi trần.” [37, tr.70].
Hoàn cảnh ấy được hư cấu khi tác giả nhấn mạnh: trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh, có thể trong lòng Bác đang rất lo lắng cho vận mệnh của dân tộc nhưng khi đứng trước phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp với cảnh Non xa xa, nước xa xa, người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn giữ được tinh thần lạc quan để có thể sáng tác một bài thơ tứ tuyệt hay đến vậy. Qua nghệ thuật hư cấu, tâm trạng của Bác được tái hiện rõ nét với một tâm hồn thi sĩ, nghệ sĩ luôn nhạy cảm trước cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp.
Bên cạnh đó, nhà văn còn hư cấu để tái hiện tâm trạng Bác khi đứng trước cảnh núi rừng Việt Bắc lung linh, huyền ảo: “Ông ké trầm ngâm một lúc rồi đứng dậy, chỉ tay lên hang Cốc Bó, cách hơn một trăm mét cất giọng:
“Sáng ra bờ suối tối vào hang Cháo bẹ, rau măng vẫn sẵn sàng Bàn đá chông chênh dịch sử Đảng
Cuộc đời cách mạng thế mà sang” [37, tr.75]
Tâm trạng trầm ngâm suy nghĩ của một bậc thi sĩ được tác giả hư cấu gắn với hành động cụ thể. Hành động chỉ tay lên hang Cốc Bó càng làm rõ hơn phẩm chất của một thi sĩ cách mạng, đó là niềm tự hào về cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp của núi rừng Pác Bó. Dưới ngòi bút của Hoàng Quảng Uyên, tâm trạng ấy được hư cấu rất thành công bởi lẽ, cũng có thể, khi sáng tác bài thơ này, Bác đang ngồi trầm ngâm suy nghĩ tại hang Cốc Bó và viết thơ ra giấy chứ không hề có hành động chỉ tay lên hang hoặc cất giọng đọc sang sảng. Đó chính là nét độc đáo của nhà văn trong việc sử dụng nghệ thuật hư cấu nhằm giúp người đọc hiểu hơn về Bác, một con người không chỉ có tình yêu đối với dân tộc, với nhân loại mà còn có một tình yêu sâu đậm với thiên nhiên.
Không dừng lại ở đó, Hoàng Quảng Uyên còn cho người đọc thấy được chân dung tâm hồn nghệ sĩ Hồ Chí Minh qua những câu thơ giàu hình ảnh:
“Núi ấp ôm mây, mây ấp núi,
Lòng sông gương sáng bụi không mờ Bồi hồi dạo bước Tây phong lĩnh
Trông lại trời Nam, nhớ bạn xưa.”[37, tr.333]
Hoàng Quảng Uyên đã tái hiện hoàn cảnh Bác sáng tác bài thơ Mới ra tù tập leo núi: “Một lần, leo lên núi Ngư Phong, một ngọn núi ở phía Tây bên kia bờ sông Liễu Giang. Lên đến đỉnh, nhìn xuống dòng Liễu Giang xanh ngắt, không hề vẩn bụi. Xa xa những ngọn núi choàng mây trắng, lớp lớp mờ dần trong tầm mắt…”[37, tr.333]. Bằng nghệ thuật hư cấu, hoàn cảnh sáng tác bài thơ càng trở nên rõ nét hơn khi vừa mới ra tù, Bác đã sáng tác thơ nhưng lại sáng tác trong hoàn cảnh tập leo núi. Khi sáng tác, vị trí đứng của tác giả là ở trên cao, bao quát không gian rộng lớn gồm có sông, có núi và có mây, tạo thành một bức tranh “Sơn thủy hữu tình”. Cùng với đó, tâm trạng của Bác cũng được hư cấu khi: “chợt nhớ đến quê hương, nhớ những người bạn chiến đấu… cảm thấy lòng mình trống trải”[ 37, tr.333]. Ở đây, Hoàng Quảng Uyên cho người đọc thấy được nỗi trống trải, cô đơn của Bác khi nhớ về quê hương, bạn bè, đồng chí, đồng đội.
Không dừng lại ở đó, nhà văn Hoàng Quảng Uyên còn hư cấu bức tranh thiên nhiên để nói về hoàn cảnh Bác sáng tác bài thơ Nguyên tiêu: “Ánh trăng bàng bạc, trải ánh vàng lên lau lách, cây cối hai bên bờ. Nước chảy êm đềm, hắt ánh trăng lên thuyền. Xa xa hơi nước bảng lảng... Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi ở đầu thuyền thư thái, mê mải ngắm trăng trên trời rồi lại nhìn trăng sóng sánh dưới sông, cảnh sắc làm thức dậy hồn thơ, Người khe khẽ ngâm:
Kim dạ nguyên tiêu, nguyệt chính viên Xuân Giang, Xuân thuỷ, tiếp xuân thiên Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền. [38, tr.508]
Dưới ngòi bút của Hoàng Quảng Uyên, vẻ đẹp của thiên nhiên càng trở nên lung linh hơn, huyền ảo hơn. Không còn là ánh trăng khi mờ, khi tỏ mà là ánh trăng bàng bạc, trải ánh vàng xuống lòng sông. Trong hoàn cảnh đó, tâm trạng của người nghệ sĩ cũng được hư cấu khi mê mải ngắm trăng trên trời rồi lại nhìn trăng sóng sánh dưới sông để sáng tác thơ.
Chân dung người nghệ sĩ hiện ra dưới ngòi bút của nhà văn Hoàng Quảng Uyên khá chi tiết và ấn tượng. Hồ Chí Minh hiện lên trong hai tiểu thuyết không chỉ một nhà văn, nhà thơ mà còn trở thành một nghệ sĩ cách mạng tài ba. Kháng chiến tuy gian khổ, hi sinh lớn lao nhưng không hề làm suy giảm nguồn thi hứng của một con người đầy phẩm chất nghệ sĩ. Bác Hồ làm thơ ngay cả trong những ngày tháng gian lao vất vả nhất của cuộc đời cách mạng. Trong mọi hoàn cảnh, thời gian, vượt bao trông gai, thử thách, tâm hồn nghệ sĩ vẫn trong sáng, tự tin và tràn đầy sức sống, vì rung cảm nghệ sĩ còn được soi sáng bởi lý tưởng cách mạng son sắt. Cho đến hôm nay, âm vang của những vần thơ, lời thơ do Người sáng tác vẫn tạo được dấu ấn riêng và có sức lay động lòng người. Đó chính là sự mới mẻ, góp phần tạo nên những trang viết đặc sắc của riêng Hoàng Quảng Uyên trong quá trình sáng tạo nghệ thuật.
Thứ ba: phẩm chất vĩ nhân qua cái nhìn, cảm nhận của đồng bào, đồng chí và của các nhân vật ở bên kia chiến tuyến
Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Bác đã sống và làm việc với rất nhiều đồng chí, đồng đội khác, thậm chí còn thu phục, thuyết phục cả với kẻ thù, chính những điều ấy đã khiến cho nhiều người nhìn Bác với cái nhìn cảm phục, ngợi ca và coi Bác như người thân cùng chung huyết thống. Trong suy nghĩ của đồng chí, đồng bào, Bác không chỉ có tài năng, nghị lực mà Bác còn trở thành tấm gương sáng để mọi người học tập và làm theo. Con người vĩ nhân ấy hiện lên qua cảm nhận của đồng bào, đồng chí và qua cảm nhận của những người đứng bên kia chiến tuyến.
Trong tác phẩm Giải phóng, Bác thực sự trở thành vĩ nhân khi Bác “là một bậc tài nhân thu phục hết thảy mọi người” [38, tr.14]
Qua suy nghĩ của ông Giáo, Bác hiện lên là một người tài năng và có khả năng thuyết phục mọi tầng lớp nhân dân đi theo cách mạng, làm cách mạng để giành lấy chính quyền, giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Cũng là một con người bình thường được sinh ra giữa trời đất như biết bao nhiêu người khác, thế nhưng ở Bác luôn bộc lộ được trí tuệ thông minh, uyên bác hơn người. Ngoài trí lược tài cao, Bác còn có khả năng tập hợp quần chúng thông qua ngôn ngữ giao tiếp đời thường, vừa gần gũi, vừa thân thiết. Với người dân, Bác được coi như một “Ông Tổ”: “Ông cụ đúng là Pỏ Cốc (ông tổ) rồi, dân mình có ông Cụ, chắc chắn giành lại được nước”
[38, tr.14]. Trong quan niệm của người xưa, “Ông Tổ” chính là đứng đầu, là người khai sinh ra một dòng họ, một dòng tộc ... Với ý nghĩa này, Bác được coi như người đứng đầu một dân tộc, có khả năng đưa đất nước ta thoát khỏi ách thống trị của thực dân, đế quốc, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.
Cũng trong tác phẩm Giải phóng, Bác còn khiến người đọc không chỉ cảm phục trước sự hiểu biết uyên thâm về lịch sử dân tộc Việt Nam mà còn kính phục trước sự hiểu biết về lịch sử nước Mỹ hơn cả những người con của đất nước này. Trước sự ngạc nhiên của Tam và MacShin, Bác lý giải về lịch sử nước Mỹ, về Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ: “Tôi hiểu, các bạn nhiều hoài nghi! Tại sao trong lúc này tôi không yêu cầu trợ giúp vũ khí, thuốc men, và tiền và nhiều thứ nữa. Những thứ đó hiện nay chúng tôi đang rất thiếu, rất cần nhưng những nội dung của bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ chính là đường hướng, là mục tiêu cần đạt tới của cuộc đấu tranh của dân tộc tôi với sự đồng lòng ủng hộ của lực lượng Đồng Minh. Xin nói kỹ thêm, bản tuyên ngôn đó được ngài GiépPhécXơn sau này là Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thảo vào năm 1775 và được đại biểu của 13 bang Bắc Mỹ thông qua ngày 4/7/1776 sau này trở thành Tuyên ngôn Độc Lập của nước Mỹ. Đó cũng chính là nguyện vọng của các dân tộc thuộc địa như chúng tôi đứng lên giành độc lập, tự do... ” [38, tr.19].
Những minh chứng mà Bác nói rõ trước mặt Tam và MacShin càng thể hiện rõ niềm tin vào con đường giải phóng dân tộc. Theo Bác phân tích, Việt Nam muốn giành độc lập tự do cần dựa vào bản Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ để vạch ra đường lối đấu tranh. Bác đã chỉ đích danh người sáng lập ra bản Tuyên ngôn độc lập nước Mỹ chính là ngài GiépPhécXơn sau này là Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ thảo vào năm 1775 và được đại biểu của 13 bang Bắc Mỹ thông qua ngày 4/7/1776. Lời nói của Bác khiến cả Tam và MacShin đều cảm thấy ngạc nhiên vô cùng, bởi chính họ cũng không hiểu hết được lịch sử phát triển của nước Mỹ, nơi họ được sinh ra và lớn lên.
Có thể nói: Hồ Chí Minh là một lãnh tụ có tầm nhìn xa trông rộng với tài năng và trí tuệ uyên bác. Tầm nhìn chiến lược trong cách nhìn nhận, đánh giá về mặt chính trị của Bác đối với sự nghiệp cách mạng, với vận mệnh của dân tộc cao cả hơn ai hết. Trong mọi suy nghĩ, qua mọi hành động, ở Bác đều toát lên vẻ thanh tao, minh triết. Con người vĩ nhân ấy trở thành một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, của thời đại chúng ta và của cả mai sau.