Các Phương Thức Biểu Hiện Và Các Cấp Độ Của Tiếng Cười

1.1.2. Các phương thức biểu hiện và các cấp độ của tiếng cười

Tiếng cười có nhiều cung bậc và biểu hiện một nội dung tinh thần nhất định. Vì thế, tùy theo mục đích và yêu cầu của tiếng cười mà nó diễn ra theo phương thức này hay phương thức khác để đạt đến một ý nghĩa nào đấy. Căn cứ vào đó, chúng tôi tổng hợp thành năm phương thức biểu hiện tiếng cười như sau:

Thứ nhất, là phương thức khôi hài, biểu hiện tiếng cười mua vui giải trí, cười để mà vui nhộn. Đây là tiếng cười hiền lành vô thưởng vô phạt. Có thể bắt gặp phương thức này trong các truyện làng cười. Đây “là những câu chuyện mang dáng dấp của một câu nói ứng khẩu trong đời sống đời thường của người dân” [2,54]. Truyện Vần củ suốt đêm của làng cười Đồng Sài (Quế Võ, Bắc Ninh) kể theo phương thức khôi hài. Truyện kể về bốn tên ăn trộm đi đào trộm khoai, chỉ đào được một củ và tảng sáng đã bị lính tuần bắt vì củ khoai to quá, chúng... vần đi không được!

Thứ hai, là phương thức trào phúng - với ý nghĩa là khuyên đời, giáo dục. Theo Lỗ Tấn, thì trào phúng chẳng có gì khác là nói ra một sự thật mà không ai nói ra. Cái sự thật mà Lỗ Tấn nhắc đến tất nhiên phải chứa đựng mâu thuẫn, mâu thuẫn ấy phải được vạch trần sự quái gở, và nó được nhắc đi nhắc lại một số lần, nếu thường xuyên gặp quá thì nó trở thành bình thường và hết khả năng làm cho người ta cười. Tiếng cười có khi để chê bai, nhưng chê bai là để giáo dục. Tiếng cười có thể hướng đến đối tượng là chính bản thân mình, bạn mình, hoặc cười kẻ thù. Cho nên Nguyễn Khuyến Tự trào:

Ta cũng chẳng giàu, cũng chẳng sang Chẳng gầy chẳng béo, chỉ làng nhàng.

…Nghĩ mình cũng gớm cho mình nhỉ! Thế cũng bia xanh, cũng bảng vàng!

Trên đây, mục đích của việc cười mình là tự nhắc nhở những điều mình đã làm và chưa làm được. Còn Tú Xương lại cười chính những thói tật của mình:

Vị Xuyên có Tú Xương Dở dở lại ương ương Cao lâu thường ăn quỵt Thổ đĩ lại chơi lường.

Thứ ba, là phương thức mỉa mai, biểu hiện tiếng cười ở mức độ khinh bỉ, chê bai một cách sâu cay đối với những mâu thuẫn bị vạch trần bản chất của nó. Phương thức này biểu hiện tiếng cười ở cái thế hơn người mà giễu cợt người khác, có thể dùng để giễu cợt bạn hay kẻ thù. Cho nên Tú Mỡ mới mỉa mai Nguyễn Văn Vĩnh là người xướng lên thuyết Trực trị, ông Phạm Quỳnh xướng lên thuyết Lập hiến, gọi hai ông là Nam Hải nhị dị nhân:

Nước Nam có hai người tài: Thứ nhất sừ Vĩnh, thứ hai sừ Quỳnh.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

Một sừ béo múp rung rinh, Một sừ lểu đểu như hình cò hương.

Ông tuần phủ Trần Đích vốn là bạn học, người Bình Lục (Ha Nam), có tính keo kiệt bủn xỉn, nên thường bị Nguyễn Khuyến giễu cợt, đả kích. Khi hưu quan, ông Đích chỉ lo làm giàu, rồi bị cướp, rồi “bị” Nguyễn Khuyến Hỏi thăm quan tuần mất cướp:

Tiếng cười trong thơ Tú Mỡ - 3

Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông, Nó lại lôi ông đến giữa đồng.

Lấy của đánh người quân tệ nhỉ! Xương già da cóc có đau không?...

Thứ tư, là phương thức châm biếm, biểu hiện tiếng cười phê phán, lên án mạnh mẽ. Theo nguồn gốc xã hội, thì phương thức này là cách thức lên án kẻ thù của một người ở vào cái thế kém kẻ thù, nên tư thế là chửi ngầm rủa kín. Dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, hàng năm cứ đến ngày kỉ niệm Cách mạng Tư sản Pháp thằng lợi (14 - 7), thực dân tổ chức hội hè rất linh đình khắp các tỉnh lị, nhất là ở Hà Nội. Để châm biếm những trò mị dân, nhục quốc mà thực dân bày ra, Nguyễn Khuyến tả Hội Tây thế này:

Kìa hội thăng bình tiếng pháo reo! Bao nhiêu cờ kéo với đèn treo!...

...Khen ai khéo vẽ trò vui thế!

Vui thế bao nhiêu nhục bấy nhiêu!

Thứ năm, là phương thức đả kích, biểu hiện tiếng cười phê phán mạnh mẽ kịch liệt, dùng để đánh kẻ thù, mà đánh công khai và chính diện. Cho nên đây là phương thức “xung trận” của những nhà thơ trào phúng thấy sức mình tương đương hoặc hơn kẻ thù. Chúng tôi thấy thơ trào phúng hiện đại sử dụng phương thức này rất phổ biến, có lẽ do chúng ta ủng hộ việc đấu tranh một cách công khai cho lẽ phải thông thường. Ông Lê Khả Sĩ đả kích việc cắt điện đột ngột, vô tội vạ trong những năm gần đây trong bài Mồm quan – trôn trẻ:

Công trình điện mọc lên nhan nhản Mà ngày ngày cứ mất điện liên hồi Hội thảo, giải trình thì rất giỏi

Tất cả chung quy chỉ tại ông Trời...

…Mồm quan như là trôn trẻ

Còn độc quyền, điện vẫn còn như thế Chung quy “chỉ tại ông Trời”...

Về phương diện lí luận, chúng ta cần phân biệt rành mạch các phương thức để có thể vận dụng những phương tiện nghệ thuật nêu trên nhằm diễn tả nội dung trào phúng phù hợp nhất và hiệu quả nhất ở những mức độ giễu cợt, châm biếm khác nhau. Trong thực tế sáng tác, các nhà trào phúng vẫn sử dụng tích hợp các phương thức với nhau, chứ không nhất nhất tuân theo ý nghĩa và tác dụng của từng phương thức. Nói cách khác, việc phân chia ra các phương thức trào phúng khác nhau chỉ là cách chia tương đối. Bởi vì trong khôi hài, cười cợt có châm biếm, chế giễu; trong châm biếm, chế giễu có phê phán, đả kích; trong phê phán, đả kích có khôi hài, cười cợt. Bài Thượng hạ giai cẩu (Trên dưới đều chó) của Cao Bá Quát có đủ các yếu tố khôi hài, châm biếm và đả kích như thế. Đây là bài viết theo thể tứ tự. Ông viết lời trình của mình

cho vua Tự Đức nghe những điều mình biết về việc các quan chửi rủa và ẩu đả lẫn nhau trong bữa tiệc mà nhà vua thết đãi:

Trước Quát không biết Cuối Quát không hay Giữa chừng mới đến Quát thấy thế này

Bàn trên chửi chó Bàn dưới cũng chó Trên dưới đều chó Thần can cũng khó Thần bỏ thần chuồn.

Trước thái độ vừa thật thà vừa bông lơn hiểm hóc đó, vua Tự Đức không thể bắt bẻ vào đâu được, dù nhận ra thái độ chửi xỏ của Cao Bá Quát, vì bài tứ tự chỉ nói toàn sự thật!

Tiếng cười trong văn chương trào phúng được tạo ra bằng các phương thức khác nhau, thể hiện những sắc thái đa dạng. Còn về các cấp độ của tiếng cười, có nhiều quan điểm trong việc phân chia. Căn cứ vào mục đích tiếng cười và phương thức gây cười, chúng tôi thống nhất chia thành các cấp độ cơ bản như sau: Cấp độ khôi hài, giễu nhại là cười để mà cười, cười cho vui nhộn. Cấp độ trào phúng, mỉa mai là cười để vạch ra mâu thuẫn, nhằm khuyên đời, giáo dục hoặc chê bai một cách sâu cay. Cấp độ châm biếm, đả kích là cười để vạch mặt kẻ thù theo cách “chửi ngầm rủa kín” của người ở thế kém, hay đánh kẻ thù theo cách công khai chính diện của người ở tư thế ngang bằng hoặc hơn kẻ thù.

Như vậy, tiếng cười được biểu hiện dưới nhiều phương thức, nhưng tựu chung có thể phân thành các cấp độ như sau: khôi hài giễu nhại, trào phúng mỉa mai và châm biếm đả kích.

1.1.3. Tác dụng của tiếng cười

Chúng tôi nhắc lại một nhận định mà ở hầu hết các tài liệu nghiên cứu về văn chương trào phúng Việt Nam đều nói đến: Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hay cười, biết cười, biết nghệ thuật làm cho người ta phải buồn cười.

Một lần nữa, chúng tôi giới hạn phạm vi tiếng cười mà luận văn hướng đến nghiên cứu là tiếng cười mang tính xã hội, chứ không phải là tiếng cười sinh lí. Và vì thế, tác dụng của tiếng cười trong đời sống và trong văn học như thế nào có liên quan chặt chẽ đến nguồn gốc xã hội của tiếng cười.

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước ta trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm dưới chế độ Bắc thuộc hoặc chế độ phong kiến. Theo các tài liệu sử học Việt Nam, Thục Phán An Dương Vương sau khi lập nên nước Âu Lạc năm 258 TCN đã để mất nước vào tay Triệu Đà vào năm 179 TCN, kể từ đó nước Việt bắt đầu chìm trong hơn 1000 năm Bắc thuộc, mãi đến năm 938 – khi Ngô Quyền đánh thắng giặc Nam Hán và thiết lập nền tự chủ.

Trong những năm Bắc thuộc dài tăm tối hay những năm tự chủ dưới chế độ phong kiến, thì nhân dân vẫn cứ chịu nhiều áp bức và bất công. Dưới chế độ Bắc thuộc, nhân dân phải gánh những món cống phẩm khổng lồ hàng năm như sừng tê, ngà voi, đồi mồi,…, đi phu phen tạp dịch, và nhất là đứng trước nguy cơ bị đồng hóa. Cho nên đời sống chẳng những cực khổ mà còn tối tăm, mất tự do. Cho đến thời kì phong kiến, dù có tự chủ nhưng quyền lợi của nhân dân không gắn liền với tầng lớp thống trị được. Người nông dân tiếp tục bị bóc lột ở nhiều phương diện như thổ địa đất đai, thuế má, hoa màu, phu phen, cống phẩm,… Chính vì bị áp bức cả về kinh tế lẫn văn hóa tinh thần, mà nhiều mâu thuẫn xã hội phát sinh. Yếu tố gây cười có ở khắp nơi nhưng người dân thì không được nói công khai, nói thật. Vì thế họ phải châm biếm, mỉa mai, bật ra tiếng cười- tiếng cười giúp họ hả hê, tươi vui hơn và thấy được trả thù một phần nào đó.

Tiếng cười làm cho nhân dân hả bớt giận khi họ chưa đủ lực để đạp bằng bất công – đó chính là võ khí đấu tranh, tuy chưa được tích cực lắm. Nhưng

nó lại có tác dụng tích cực với người bị cười: làm cho kẻ xấu, quân thù nhơ nhuốc thêm. Đọc truyện Trạng Quỳnh, cứ lúc nào nhà Chúa mắc mưu Quỳnh, Chúa lại lộ ra một nét xấu xa, ngu dốt, độc ác, người ta lại hả hê mà cười. Ít nhất, trong cái cười u mua ở bài ca dao sau đã có sự chế giễu kín đáo và ẩn chứa sự bất bình của nhân dân với quy định mới về “mĩ tục” dưới thời Nguyễn:

Tháng tám có chiếu vua ra,

Cấm quần không đáy người ta hãi hùng.

Không đi thì chợ không đông,

Đi thì phải mượn quần chồng sao đang!

Có quần ra quán bán hàng,

Không quần ra đứng đầu làng trông quan.

Nhân dân được trả thù ở một chừng mực nhất định. Cười lúc này khiến nhân dân vui vẻ hơn, tin tưởng hơn vào tương lai, chờ thời cơ đạp bằng bất công. Cười theo nghĩa này cũng biểu thị một phần nào cái tinh thần bất khuất của dân tộc.

Có khi, cười chỉ là cho quên sự nặng nề của những cảnh áp bức, bóc lột do quân thù gây ra:

Chém cha lũ Nhật côn đồ!

Bắt người cướp của tha hồ thẳng tay.

Dân ta trăm đắng ngàn cay,

Thóc ăn chẳng có, trồng đay cho người!

Tóm lại, tiếng cười đã nói lên tinh thần bất khuất của dân tộc, và cũng là một biểu hiện đặc biệt của dân tộc tính Việt Nam. “Một dân tộc vui cười và tin tưởng, vui cười và tin tưởng cả trong thời kì lịch sử dài và đen là một dân tộc khỏe mạnh, giàu sức sống, vừa có tinh thần bền bỉ để chịu đựng gian khổ, vừa có chí quật cường để tiến lên” [41,30].

1.2. Nghệ thuật gây cười

Chúng tôi sẽ khảo sát nghệ thuật gây cười trong văn học dân gian và văn học viết. Vả chăng, chính Tú Mỡ mà chúng tôi nghiên cứu trong đề tài này cũng đã học tập rất nhiều ở nghệ thuật gây cười từ dân gian và nghệ thuật trào phúng của tiền nhân.

Khảo sát các tác phẩm ca dao hài hước và trào phúng, truyện tiếu lâm, truyện cười, các vai hề chèo trong văn học dân gian, và các tác phẩm trào phúng trước Tú Mỡ, chúng tôi rút ra bảy biện pháp nghệ thuật gây cười cơ bản như sau:

Thứ nhất, là sử dụng những yếu tố tục, thường là để mua vui. Những câu đố tục giảng thanh hoặc đố thanh giảng tục cũng toát lên tiếng cười mua vui thế này. Ở một phương diện khác, chính những câu đố với lối nói chệch – nói một đằng hiểu một nẻo – cũng là một quặng quý cho thơ ca trào phúng khai thác các phương thức bộc lộ chủ đề. Các câu ca dao có yếu tố tục cũng thường nhằm mục đích làm cho người ta cười cho vui và quên khổ. Bài ca dao sau trong một thời gian bị hiểu là mô tả sự đấu tranh giai cấp, nhưng theo Nguyễn Xuân Kính thì nó thuộc vào loại những bài thanh mà tục, tục mà thanh kiểu như thơ Hồ Xuân Hương (Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau/ Con cò mấp máy suốt đêm thâu):

Cái cò mày mổ cái trai

Cái trai quặp lại, lại nhai cái cò Cái cò mày mổ cái tôm

Cái tôm quặp lại, lại ôm cái cò.

Còn cái tục trong truyện cười, tiếu lâm có khi còn là cái tục ném thẳng vào mặt giai cấp thống trị. Tại sao người ta lại thêm yếu tố tục vào, hoặc gài yếu tố tục vào? Chính vì ở nước ta, lễ giáo phong kiến rất kị các yếu tố tục ấy. Lễ giáo phong kiến muốn tô vẽ cho các nhân vật phong kiến nét mặt đạo mạo. Nhân dân có ý thức về sự giả tạo ấy cho nên trong khi cười – bản thân tiếng cười đã phá vỡ cái nghiêm trang đạo mạo giả dối ấy – đã gài thêm yếu tố tục

với việc đáng cười. Yếu tố tục có tính chất phản phong, dầu nó được ghép vào sự việc gì và ghép cho ai. Nhân dân ta đã ném vào bộ mặt giả dối của giai cấp phong kiến cái gọi là bùn nhơ, bẩn thỉu bằng yếu tố tục ấy. Yếu tố tục làm cho tính chất trào phúng được nâng lên đến đỉnh điểm.

Thứ hai, là sử dụng biện pháp phóng đại điển hình (cường điệu sự thật, nói quá). Biện pháp này được sử dụng nhiều trong truyện cười, ca dao, sử thi…. Truyện Ba anh mê ngủ phóng đại nết ham ngủ của ba anh Giáp, Ất, Bính lên đến mức mất cảm giác hiện thực: Ba anh nằm ngủ trọ với nhau, Giáp bị ngứa ở chân, nhưng đang cơn ngủ nên cứ đùi Ất mà gãi đến chảy máu; Ất tỉnh tỉnh mơ mơ dậy thấy ướt đùi tưởng Bính tè vào mình nên gọi Bính dậy đi tiểu; Bính đang đi tiểu lại nghe thấy hàng xóm rót rượu tong tỏng nên tưởng mình chưa tiểu tiện xong cứ đứng mãi; lính tuần thấy thế tưởng kẻ trộm xông vào đánh; Bính sợ chạy cả vào nhà người ta, bị chủ nhà tóm, anh ta còn suỵt chủ nhà nói khẽ vì ở ngoài vừa có một người bị đòn… Các hình ảnh phóng đại trong thơ ca dân gian rất nhiều:

_ Ước gì sông rộng một gang

Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.

_ Lỗ mũi mười tám gánh lông Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho…

Thứ ba, là sử dụng biện pháp chơi chữ, nói lái. Biện pháp này được sử dụng trong câu đố dân gian, ca dao, các vai hề chèo, truyện cười… rất phổ biến. Câu đố Khi đi cưa ngọn, khi về cũng cưa ngọn (là con ngựa), Đục rồi cất, cất rồi đục (là cục đất), Trên trời rơi xuống, mau co (là mo cau)… khiến ta cười vì thấy bất ngờ thú vị. Hồ Xuân Hương vạch rõ mặt bọn sư hổ mang phá giới bằng một lối chơi chữ lắt léo ở từ in đậm sau:

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo Vị gì một chút tẻo tèo teo

Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc Trái gió cho nên phải lộn lèo.

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 20/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí