Tiếng cười trong thơ Tú Mỡ - 2

là trong cách suy nghĩ và qua lời ăn tiếng nói. Tú Mỡ sử dụng khá thành công một vốn từ phong phú, các thành ngữ, khẩu ngữ dân gian. Tú Mỡ sử dụng thành thục, chọn đúng chỗ, nắm chắc ý tứ, hạ đúng từ ngữ làm cho câu chữ trong nhiều bài thơ vừa chặt chẽ, mực thước, vừa phóng túng tài hoa, vừa thời sự hiện đại, lại vừa có màu sắc dân gian quen thuộc”[11,102].

PGS.TS Hà Văn Đức nghiên cứu bộ phận sáng tác trước Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Tú Mỡ, nhận thấy “Tú Mỡ luôn để mắt quan sát, tìm ra bằng được những cảnh phi lý, kệch cỡm, những nghịch cảnh trong xã hội để lên án và tố cáo” [13,184]. Ông đánh giá cao việc sử dụng thể thơ lục bát, nhất là lối kết thúc bất ngờ và cách sử dụng dấu chấm lửng ở giữa câu, cuối câu thơ để nhấn mạnh hoặc bông đùa. Tuy nhiên, ông cũng nhận ra rằng Tú Mỡ “có tiêm nhiễm lối chế giễu hoặc bông phèng thả cửa kiểu khách quan tư sản trong báo Ngày nay và có cả ảnh hưởng tư tưởng của các nhà nho đang lâm vào con đường bế tắc, đã hết sứ mệnh lịch sử. Cái hạn chế cơ bản trong thơ ông là còn thiếu chất trữ tình sâu lắng, thiếu cái rung động sâu xa từ nội tâm” [13, 198].

GS. Hoàng Như Mai nghiên cứu về thơ Tú Mỡ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Ông kết luận thơ trào phúng Tú Mỡ có cảm hứng vô tận là thời sự và “giữa sự thực và sáng tác nghệ thuật của nhà thơ có một sự nhất trí hoàn toàn.” Thêm vào đó, “bản thân sự việc tự nó vốn đã có tính chất hài hước rồi và mang thẳng tính chất ấy vào trong sáng tác” [29, 234]. Và như thế, phần sáng tạo của Tú Mỡ là “phần đóng góp quan trọng để nâng cao, tô đậm chất khôi hài của câu chuyện” [29, 238]. Hoàng Như Mai đánh giá cao tính dân tộc trong thơ Tú Mỡ qua các thể thơ, các điệu hát dân gian và ngôn ngữ bình dân.

PGS Nguyễn Văn Long nghiên cứu thơ ca kháng chiến của Tú Mỡ. Ông nhận diện cách đánh địch của Tú Mỡ từ sau khi cách mạng thành công là “đường hoàng, chính diện, trên tư thế của người chiến thắng” [28, 264]. Ông cũng chỉ ra “nghệ thuật trào phúng của Tú Mỡ giàu bản sắc dân tộc” [28,

265], trong đó lối chơi chữ để “điểm huyệt”, cách kể chuyện có duyên và linh hoạt, tạo được những bất ngờ lý thú như một lớp kịch nhỏ.

Đặng Quốc Nhật xác định phạm vi nghiên cứu là bộ phận thơ trào phúng đánh giặc của Tú Mỡ sau cách mạng tháng Tám năm 1945. Ông không những chỉ ra những yếu tố trào phúng truyền thống trong thơ Tú Mỡ mà còn chỉ rõ hai yếu tố Tự sự Trữ tình đã góp phần xây dựng nhân vật trào phúng thành công. Ở đây, quan điểm của Đặng Quốc Nhật gặp gỡ quan điểm của Lê Thanh, cho rằng thơ Tú Mỡ có yếu tố trữ tình khá đậm, chứ không chỉ nghiêng về kể việc và những thủ pháp để gây cười. “Chất tự sự - trữ tình ở đây, chính là từ cái cụ thể, từ việc cụ thể, người cụ thể, Tú Mỡ kể lại một cách dí dỏm, sinh sắc, làm cho người đọc vừa cười, vừa hình dung ra một cách cụ thể hoàn cảnh, nhân dạng và bản tính từng đối tượng một. Sự nhấn mạnh một khía cạnh tâm lí, phóng đại một nét chân dung làm nổi bật lên yếu tố mâu thuẫn mà thơ đả kích cần khoét sâu vào. Ở thơ trào phúng Tú Mỡ, nhất là những bài thơ tả bù nhìn, có sự kết hợp hài hoà giữa đặc điểm thơ và biện pháp hội hoạ châm biếm... Sở dĩ những bài thơ này hay, những bức tranh thơ này sinh động, thu hút và để lại dấu ấn cho người đọc, ngoài khả năng châm biếm, Tú Mỡ đã dành cả tình cảm của mình vào đó, nên thơ trào phúng mà có được bản sắc trữ tình. Chất trữ tình ở đây, ẩn sau tiếng cười, được bộc lộ một cách hồn nhiên, thoải mái, mang lại những cảm xúc thành thật. Chất tự sự - trữ tình được kết hợp một cách nhuần nhuỵ tạo nên phong cách thơ trào phúng của Tú Mỡ” [34, 279].

Trong những năm gần đây, nhiều đề tài thuộc khoa văn học đã được bảo vệ, nhưng đề tài về nhà thơ Tú Mỡ thì rất ít. Nhìn chung, các tác giả đều có những phát hiện riêng, đánh giá sâu sắc, nhưng hầu hết chưa được hệ thống, thể hiện ở những bài viết có khuôn khổ nhỏ, tuy có ý đi sâu vào lĩnh vực thi pháp tác giả, nhưng chưa bao quát được toàn bộ hai giai đoạn sáng tác trước và sau Cách mạng của Tú Mỡ, hoặc nếu khắc phục được phương diện này thì

lại chỉ nhìn nhận về giá trị tư tưởng và nghệ thuật của thơ Tú Mỡ một cách sơ lược và tổng quan mà thôi.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu:

Nhà thơ Tú Mỡ sáng tác cả thơ, văn, sân khấu... Chúng tôi chỉ nghiên cứu bộ phận sáng tác thơ trào phúng của ông (cả hai giai đoạn trước và sau Cách mạng tháng Tám).

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 137 trang tài liệu này.

Đề tài Tiếng cười trong thơ Tú Mỡ có nhiệm vụ làm rõ thế giới tư tưởng nghệ thuật và nghệ thuật ngôn ngữ của nhà thơ. Đồng thời, qua đối tượng tiếng cười và nghệ thuật gây cười, chúng tôi mạnh dạn đánh giá vị trí thơ Tú Mỡ trong nền văn học dân tộc.

Chúng tôi sử dụng bộ sách Tú Mỡ toàn tập (3 tập) để khảo sát bộ phận thơ trào phúng của tác giả.

Tiếng cười trong thơ Tú Mỡ - 2

4. Đóng góp mới của luận văn:

Mục đích của luận văn này là nghiên cứu về tiếng cười, vai trò của tiếng cười trong đời sống và trong văn học, nghiên cứu đối tượng của tiếng cười, ý nghĩa của tiếng cười trong thơ Tú Mỡ và nghệ thuật tạo ra tiếng cười trong thơ ông. Trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những nghiên cứu trước đây, luận văn đưa ra một cái nhìn toàn diện về tư tưởng nghệ thuật và nghệ thuật trong thơ trào phúng Tú Mỡ trước và sau Cách mạng tháng Tám, đồng thời nhấn mạnh một số đặc điểm thi pháp chủ yếu của Tú Mỡ. Chúng tôi sẽ liên hệ tiếng cười trong thơ Tú Mỡ vớí tiếng cười trong thơ trào phúng đương đại để chỉ ra sức sống của tiếng cười Tú Mỡ nói riêng, sức sống của dòng văn học trào phúng truyền thống nói chung.

5. Phương pháp nghiên cứu:

Chúng tôi sử dụng những phương pháp chủ yếu sau:

_ Phương pháp lịch sử

_ Phương pháp thống kê

_ Phương pháp phân tích

_ Phương pháp so sánh

_ Phương pháp hệ thống‌‌

6. Cấu trúc của luận văn:

Ngoài phần mở đầu, kết luận và tài liệu tham khảo, mục lục, nội dung chính của luận văn được triển khai trong ba chương:

Chương 1: Giới thuyết chung về tiếng cười. Tiếng trong đời sống văn học.

Chương 2: Hành trình sáng tạo và tiếng cười trong thơ Tú Mỡ. Chương 3: Nghệ thuật gây tiếng cười trong thơ Tú Mỡ.

PHẦN NỘI DUNG

Chương 1

GIỚI THUYẾT CHUNG VỀ TIẾNG CƯỜI. TIẾNG CƯỜI TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HỌC.


1.1. Tiếng cười

1.1.1. Khái niệm về tiếng cười

Một cách dí dỏm và dễ hiểu, ông Văn Tân mở đầu cuốn Tiếng cười Việt Nam bằng lối nói hình ảnh: “Tiếng cười của con người khác với tiếng hót của chim hay tiếng hí của ngựa. Nó không chỉ là một hiện tượng sinh lý mà nhiều khi còn là một hiện tượng tâm lí xã hội. Cười là hiện tượng khi thấy trong mình khoan khoái hoặc về thể chất, hoặc về tinh thần, và cũng cười khi thấy sự vật đáng cười nữa” [41, 10].

Có lẽ dân tộc nào cũng thế, cười không chỉ là biểu hiện vẻ đẹp trên nét mặt (Miệng cười như thể hoa ngâu – ca dao) mà còn là biểu hiện của một nội dung tinh thần nhất định. Do đó mới có các kiểu cười nụ, cười tươi, cười tủm, cười nhạt, cười gượng, cười thầm, cười hềnh hệch, cười ngặt nghẽo, cười gằn, cười khẩy, cười nửa miệng, cười ra nước mắt... Chúng tôi bám sát yêu cầu của luận văn, chỉ nghiên cứu tiếng cười với tư cách là một hiện tượng tâm lý xã hội phát sinh ra từ những mâu thuẫn của sự vật, cụ thể là mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung, giữa hiện tượng và bản chất của sự vật. Tất nhiên, không phải mâu thuẫn trái tự nhiên nào, mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức nào hay mâu thuẫn giữa hiện tượng và bản chất nào của sự vật cũng đáng cười và khiến người ta buồn cười. Cái mâu thuẫn không đáng cười là cái mâu thuẫn tất nhiên của sự vật, chiều hướng tiến triển của mâu thuẫn này sẽ thúc đẩy sự vật biến đổi để tiến thành cái khác. Cái mâu thuẫn làm cho người ta phải cười là cái mâu thuẫn trái tự nhiên, cái mâu thuẫn giữa nội dung và hình thức, giữa cái thực và cái giả, giữa cái không che giấu và cái che giấu, giữa cái bản chất

và hiện tượng. Đó là cái mâu thuẫn ngược đời, quái gở, đáng lẽ không nên có mà lại cứ có. Cái mâu thuẫn trái với quy luật tự nhiên và xã hội ấy nó phải có ý nghĩa xấu xa, thì việc khám phá ra mâu thuẫn ấy mới làm cho người ta buồn cười và cười được. Chúng tôi cho rằng việc trích dẫn câu ca dao sau sẽ làm sáng rõ lý luận trên:

Chuột trù chê cú rằng hôi Cú lại trả lời: Cả họ mày thơm.

Chuột trù hay cú thì đều là hai loài hôi cả. Trời sinh ra thế, chẳng ai cười làm gì, người ta cũng thấy bình thường như việc hoa bưởi, hoa nhài thơm thì ướp chè, thế thôi. Chuột trù chê cú hôi đã bộc lộ một mâu thuẫn: kẻ hay chê người lại đang chê bai kẻ khác ở cái điểm mà bản thân còn yếu hơn, xấu hơn họ. Câu trả lời của cú hay hơn nữa: “Cả họ mày thơm”. Nghĩa là, cái chuyện cú hôi là chuyện tất nhiên, trời sinh, chẳng có gì xấu xa cả; chỉ có kẻ nào không tự biết thân biết phận, tự cao tự đại, đã xấu hay làm ra vẻ tốt mới đáng lên án, đáng cười. Mâu thuẫn giữa cái “thơm thật” và “thơm giả” ở đây đã vạch rõ bộ mặt thật của cả họ chuột trù. Và như thế thì không cần nhiều lời hay một tài liệu khoa học nào đưa ra để phản bác chuột trù nữa. Tiếng cười bật ra đã bịt mõm cả họ chuột trù rồi! Tất nhiên, hiện tượng mâu thuẫn giữa chuột trù với cú ở đây chỉ hiện tượng trong xã hội con người, và bài ca dao đã lột mặt nạ rởm đời của kẻ hay chê bai người khác, mà lại chê ở cái điểm mà bản thân mình lại không bằng người ta. Ở đời nhiều việc như thế, bởi nó xuất phát từ thói xấu là hay tự cao và thói không muốn người khác hơn bản thân mình!

Nói tóm lại, tiếng cười gắn bó mật thiết với phạm trù cái Hài. Tiếng cười là hình thức thể hiện của cái Hài.

Tiếng cười trong thơ ca trào phúng là một yếu tố chủ quan của cái Hài. Với ý nghĩa là một phạm trù thẩm mỹ, cái Hài cho chúng ta hiểu đúng bản chất của nó về phương diện nghệ thuật khi nhận định về cái Xấu căn cứ vào quy luật của cái Đẹp. Cái Xấu trở thành đối tượng của tiếng cười khi tự nó

không biết mình là xấu, không chịu chấp nhận mình là xấu, mà cố tình khoác lên mình một cái vỏ đẹp đẽ để che đậy. Khi cái Đẹp giả mạo bên ngoài bị bóc tuột, cái Xấu bên trong bị phơi bày, thì mâu thuẫn ấy bộc lộ cái Hài, và khi đó tiếng cười bật ra. Cái Hài là một bộ phận của cái- Xấu- nhưng- lại- không- đành- phận- xấu. Nó núp bóng cái Đẹp, cố làm ra đẹp, nhưng bị cái Đẹp chân chính đào thải. Cái thấp kém, ươn hèn, xấu xa tự nó chưa có tính chất hài, mà nó chỉ mang tính hài khi nó làm ra vẻ cao cả. Hê-ghen chỉ rõ yếu tố tạo nên cái Hài là mâu thuẫn giữa cái quan trọng giả và cái quan trọng thật. Tiếng cười biểu hiện đánh giá chủ quan của mỗi người về cái Hài đó.

Bởi thế, nghiên cứu về tiếng cười trong thơ Tú Mỡ có một nội dung quan trọng là nghiên cứu nghệ thuật trào phúng trong thơ Tú Mỡ, trong đó chúng tôi nhấn mạnh nghệ thuật tạo nên tiếng cười trong thơ ông.

Nghệ thuật trào phúng là một phương pháp bộc lộ những sai lầm của đối tượng, qua đó cải tạo đối tượng. Trong quá trình đó, tiếng cười bật ra bày tỏ thái độ phê phán hay khinh ghét, chứ không đơn thuần là tiếng cười dễ dãi. Tiếng cười trong thơ trào phúng thường chứa đựng những triết lý và những bài học sâu sắc. Có nhiều người cho rằng những câu ca dao sau có nội dung giễu cợt đơn thuần để người nông dân mua vui dưới gốc đa, mái đình mà thôi:

Lỗ mũi mười tám gánh lông, Chồng yêu, chồng bảo: râu rồng trời cho.

Đêm nằm thì ngáy o o,

Chồng yêu, chồng bảo: ngáy cho vui nhà.

Đi chợ thì hay ăn quà,

Chồng yêu, chồng bảo: về nhà đỡ cơm.

Trên đầu những rác cùng rơm, Chồng yêu, chồng bảo: hoa thơm rắc đầu...

Chắc rằng chẳng có người chồng nào muốn bày tỏ tình yêu với vợ bằng cách liệt kê các tật xấu của người vợ ra để kể như thế, mặc dầu kể bằng một lối thật “yêu”. Chúng tôi cho rằng bài ca dao đó dựa vào tình cảm vợ chồng

chân thành để gửi đến người vợ lời nhắc nhở thẳng thắn. Người vợ nào bị nhắc nhở như thế chẳng phật lòng, và lại vui lòng xem xét lại những tật xấu ấy để sửa hoặc... thanh minh! Vấn đề là, bài ca dao đã mượn tiếng cười nhẹ nhàng để ý tứ chê những thói quen không tốt của người phụ nữ trong gia đình. Và đây là bài ca dao trào phúng.

Tiếng cười không thể thiếu và chưa bao giờ vắng bóng trong văn học Việt Nam. Ở nước ta, tiếng cười trong văn chương trào phúng bắt nguồn từ văn học dân gian. Thật dễ dàng tìm thấy tiếng cười trong các tác phẩm ca dao, hò, vè, truyện tiếu lâm, truyện cười, truyện Trạng, các vai hề chèo,... Đến cuối thế kỉ XIX - đầu thế kỉ XX, với các sáng tác của Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương, văn học trào phúng mới chính thức khơi dòng. Vấn đề này sẽ được chúng tôi diễn giải sâu hơn ở phần 1.3.

Theo Arixtotle: Cái đáng cười là cái xấu. Mâu thuẫn ngược đời và quái gở giữa nội dung và hình thức làm cho người ta phải buồn cười, nhưng nếu mâu thuẫn này lại quái gở đến mức quá kịch liệt thì cái hài sẽ biến thành cái bi, tiếng cười sẽ nhường chỗ cho tiếng than khóc, hay sẽ thay bằng một sự ngạc nhiên. Vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính có nhiều lớp chèo mà mâu thuẫn lên đến mức quá kịch liệt. Đó là khi Thị Kính định cắt sợi râu mọc ngược của Thiện Sĩ thì bị nghi ngờ là giết chồng (!), sau đó bị vu oan trắng trợn; đó là khi Thị Mầu vu vạ cho tiểu Kính Tâm (vốn là Thị Kính giả trai đi nương nhờ cửa phật) làm cho thị có thai. Các mâu thuẫn trái tự nhiên đó không bật ra tiếng cười mà phát triển liên tiếp biến cái Hài thành cái Bi. Người xem chèo không khỏi thương xót thân phận Thị Kính hiền đức đáng thương và rồi ngợi ca đức độ của Phật bà Quan Âm.

Tóm lại, cười là một hiện tượng sinh lý hoàn toàn của cá nhân do sự vui sướng, sự thỏa mãn về thể xác hay về tinh thần gây ra, nhưng nhiều khi cũng là một hiện tượng của tâm lý xã hội phát sinh ra từ những mâu thuẫn của sự vật, cụ thể là mâu thuẫn giữa hình thức và nội dung, giữa hiện tượng và bản chất của sự vật.

Xem tất cả 137 trang.

Ngày đăng: 20/02/2024
Trang chủ Tài liệu miễn phí