Những Phương Diện Biểu Hiện Của Ý Thức Nghệ Thuật


cách hiểu. Theo sự thống kê của nhà nghiên cứu Phạm Quang Trung trong bài viết Văn chương, đọc và viết, Phương Lựu hiểu chân trời đón đợi là “những nhu cầu và trình độ thưởng thức kết tinh từ kinh nghiệm sống, hứng thú, lý tưởng của mỗi người đọc”, Nguyễn Văn Dân hiểu là “trình độ kiến thức văn hóa – văn học của công chúng”, còn Phạm Hùng thì cho rằng khái niệm này “bao gồm cả những hiểu biết về các hình thức biểu hiện văn học khác nhau, những kinh nghiệm nghệ thuật được lưu truyền và những tri thức khác có liên quan đến văn học” [234]. Trong nỗ lực khám phá bản chất hành động đọc của các nhà nghiên cứu, khái niệm chân trời đón đợi dẫn đến khái niệm khoảng cách thẩm mỹ đồng nhất thẩm mỹ. Khái niệm cộng đồng diễn giải do Stanley Fish đề xuất trong cuốn Có một văn bản trong lớp này không? (Is There a Text in This Class?) cho thấy tương quan giữa người đọc cá nhân và năng lực tập thể của sự đọc. Cộng đồng diễn giải (interpretive community), theo quan niệm của Trương Đăng Dung, “không phải hoạt động diễn giải là cái chung mà là cái nền tảng của những quy phạm nằm sau sự diễn giải văn bản. Đó là thứ quyền lực của sự cho phép và nghiêm cấm, là hệ thống của những quy tắc chi phối người đọc” [42]. Nhìn chung, lý thuyết tiếp nhận thừa nhận chân trời đón đợi tồn tại trong văn bản và chân trời ấy chờ đợi sự hồi ứng từ phía người đọc để mở ra một cánh cửa đi vào thế giới tác phẩm.

Gần đây, khái niệm hệ hình (paradigm) của Thomas Kuhn đang được sử dụng rộng rãi trong việc mô tả sự vận động nội tại của văn học Việt Nam. Nhà nghiên cứu Đỗ Lai Thúy, Trần Ngọc Vương hình dung mỗi thời đại văn học tương ứng với một hệ hình. Tiến trình vận động của văn học là sự chuyển đổi giữa các hệ hình. Trần Ngọc Vương trong bài viết “Vị trí Trần Tế Xương trong lịch sử văn học”

[275] xác định những tiêu chí làm nên hệ hình văn học thường thấy là: 1- Hệ thống những tư tưởng thẩm mỹ, quan niệm văn học

2- Hệ thống chủ đề – đề tài đặc thù

3- Hệ thống hình tượng văn học cơ bản 4- Hệ thống thể loại

5- Ngôn ngữ văn học


Trong tất cả các nhân tố hình thành nên hoạt động văn học, hoặc trong các hệ thống tạo nên hệ hình văn học, luôn có sự hiện diện của ý thức nghệ thuật. Ý thức nghệ thuật được trình bày, được cụ thể hóa bằng nhiều cách. Công trình lý luận, phê bình xây dựng hệ thống các nhận định về văn học. Công trình văn học sử cho thấy sự tri giác văn bản nghệ thuật, logic sắp xếp, phân loại thể loại. Tác phẩm văn học cũng là nơi lưu giữ ý thức nghệ thuật. Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân đã viết:

“Sự thật, nền văn học nào cũng có lý luận của nó – cả thứ lý luận không thành văn lẫn thứ lý luận thành văn, thành câu chữ, bài bản, sách vở. Tôi muốn gọi thứ lý luận không (hoặc chưa) thành văn kia là ý thức văn học hình thành (ngầm chăng?) trong nền văn học đó, trong giới những người làm văn học, trước hết là giới sáng tác, và sau nữa, cả trong giới công chúng của văn học một thời đại.” (Tư duy lý luận trước ý thức văn học đang phát triển) [7].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

Các lý thuyết văn học mở ra những góc độ tiếp cận khác nhau đối với ý thức nghệ thuật. Sau khi tham khảo một số lý thuyết và công trình nghiên cứu của người đi trước, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra cách hiểu của mình về ý thức nghệ thuật (cố nhiên, trong lĩnh vực văn học, không phải mọi loại hình nghệ thuật). Ý thức nghệ thuật, theo chúng tôi, là ý thức tự giác về văn học được thể hiện trong mọi mặt của hoạt động văn học, từ hoạt động lý luận, phê bình đến hoạt động sáng tác, tiếp nhận. Cụ thể hơn, ý thức nghệ thuật đóng vai trò chi phối trong toàn bộ hoạt động sáng tác và tiếp nhận văn học, được thể hiện trong hệ thống quan niệm văn học qua những phát ngôn của nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu, phê bình khi bàn về các vấn đề văn học và trong thực tiễn sáng tác thông qua hệ thống hình tượng, ngôn ngữ, cấu trúc nghệ thuật... Ở đây, chúng tôi hoàn toàn không có ý phủ nhận khái niệm “quan niệm văn học”. Lựa chọn sử dụng khái niệm “ý thức nghệ thuật” chủ yếu vì luận án hướng đến khảo sát sự vận động của văn học Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX trên ba phương diện là chức năng nghệ thuật (là phương diện thể hiện rõ nét mối quan hệ giữa văn học và đời sống), cấu trúc nghệ thuật và chất liệu nghệ thuật trong tổ chức tác phẩm. Trên ba phương diện này, ý thức của nhà văn, nhà thơ về văn học, về những điều hiện tồn, hoặc về vũ trụ (universe) theo cách định nghĩa của


Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 5

M.H.Abrams, về vị thế của người viết và về người đọc có khi được trình bày thành lý luận thành văn, có khi chỉ tồn tại ngầm ẩn trong tác phẩm, nhưng tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến việc sử dụng các phương thức nghệ thuật để xây dựng tác phẩm. Như vậy, ý thức nghệ thuật được thể hiện đồng thời trên cả phương diện sáng tác và tiếp nhận ở bất kì một giai đoạn văn học nào. Nghiên cứu ý thức nghệ thuật thực chất là nghiên cứu những đặc trưng có tính hệ thống trong sáng tác và tiếp nhận để nhận thức “khuôn diện” ý thức của một thời đại chi phối sự xuất hiện của những đặc trưng ấy. Qua đó, nhìn nhận một cách khoa học hơn văn học của một giai đoạn, một thời kỳ.

Thiển nghĩ, khái niệm “ý thức nghệ thuật” là sản phẩm thuộc thế giới tinh thần của chủ thể/loại hình chủ thể sáng tạo và/ hoặc tiếp nhận văn chương. Nó không thuần lý mà bao hàm cả yếu tố cảm xúc, gắn với cảm xúc, hứng thú, đam mê,... một cái gì không hẳn có trước mà đang sinh thành. Trong khi đó “quan niệm văn học” lại gợi một cái gì có trước, thuần lý, chỉ đạo sáng tác/ tiếp nhận văn học, một hệ quy chiếu rạch ròi, hoàn chỉnh. Vả chăng, tác giả luận án cũng e ngại rằng, có thể, nếu sử dụng cụm từ “quan niệm...” (dù là “quan niệm văn chương”), thì dễ gợi liên tưởng đến “quan niệm nghệ thuật...” – một khái niệm mà các nhà nghiên cứu văn học dưới ánh sáng của thi pháp học thường sử dụng – không chuyển tải đúng cái nội hàm mà mình mong xác định. Lý do sử dụng khái niệm “ý thức nghệ thuật” chủ yếu là như vậy.

1.1.2. Những phương diện biểu hiện của ý thức nghệ thuật

Từ các lý thuyết văn học đã trình bày ở trên, chúng tôi nhận thấy ý thức nghệ thuật có thể được khám phá trên nhiều phương diện. Để làm rõ sự vận động của ý thức nghệ thuật từ văn học trung kỳ trung đại sang hậu kỳ trung đại, luận án lựa chọn khảo sát ba phương diện chính, bao gồm: chức năng nghệ thuật, chất liệu nghệ thuật và cấu trúc nghệ thuật của văn học.

1.1.2.1. Ý thức về chức năng nghệ thuật của văn học

Chức năng hiểu theo nghĩa rộng là ý thức về mối quan hệ tương tác giữa văn học và đời sống xã hội. Nó liên quan đến hiểu biết về thế giới và con người, về giá


trị xã hội của văn học, về mục đích sáng tạo nghệ thuật. Giá trị xã hội có thể hiểu dưới góc độ triết học, chính trị, đạo đức hoặc cũng có thể lý giải như một giá trị nhân sinh của chung nhân loại. Trong ý nghĩa này, khảo sát chức năng nghệ thuật thực chất là khảo sát ý thức về các vấn đề cơ bản của văn học như ý thức về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, mối quan hệ giữa tác giả, tác phẩm và người đọc. “Nguyên nhân rõ rệt nhất của một tác phẩm nghệ thuật là ở người sáng tạo ra nó” (R.Wellek và A.Warren) [278, tr.122]. Tìm hiểu ý thức trong cả hoạt động sáng tác lẫn tiếp nhận văn học sẽ cho thấy rõ hơn nguyên nhân phía sau chi phối sự biến đổi của các chức năng nghệ thuật.

Chức năng nghệ thuật vận động theo sự thay đổi của văn học và của đời sống xã hội. Mỗi thời kỳ, mỗi giai đoạn văn học có những yêu cầu khác nhau đối với văn học. Theo tiến trình vận động của văn học, các chức năng nghệ thuật được hình thành, biến đổi, bổ sung. Tùy những bối cảnh cụ thể, trong các giai đoạn khác nhau và trong các khuynh hướng nghệ thuật khác nhau, văn học sẽ nhấn mạnh ở một hoặc một nhóm chức năng nào đó. Điều đó cho thấy luận án hoàn toàn có thể khảo sát được sự vận động trong ý thức về chức năng nghệ thuật của văn học.

1.1.2.2. Ý thức về chất liệu nghệ thuật của văn học

Chất liệu nghệ thuật là yếu tố vật chất cốt yếu nhất để làm nên tác phẩm nghệ thuật. Nhờ chất liệu nghệ thuật, người nghệ sĩ mới khách thể hóa được những ấn tượng, nhận thức, cảm xúc của mình. Với văn học, ngôn ngữ là chất liệu cơ bản. Nó vừa là phương tiện vừa là cứu cánh. Nhà thơ, nhà văn sáng tạo ngôn ngữ, bằng ngôn ngữ, cho ngôn ngữ. Ngôn ngữ nghệ thuật sẽ biến đổi khi ý thức về chức năng nghệ thuật của văn học vận động. Các thao tác từ xác định đề tài, chủ đề, đến chọn lựa, tổ chức chi tiết, xây dựng tác phẩm đều gắn bó mật thiết với ý đồ sáng tạo của người viết. Ngoài ngôn ngữ, hình tượng cũng là chất liệu quan trọng của văn học. Khảo sát chất liệu nghệ thuật của văn học nghĩa không có nghĩa chỉ khảo sát các yếu tố vật chất riêng lẻ mà còn phải tìm hiểu cả những phương thức xây dựng hình tượng nghệ thuật để tạo thành chỉnh thể tác phẩm. Vì trong thời kỳ trung đại, những biến đổi về ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật hầu như không được thể


hiện trực tiếp qua lý luận thành văn nên chúng tôi sẽ tập trung khảo sát các đối tượng này qua thực tiễn sáng tác văn học.

1.1.2.3. Ý thức về cấu trúc nghệ thuật của văn học

Ý thức về cấu trúc nghệ thuật biểu hiện rõ nét ở ý thức về hệ thống thể loại và ý thức về cấu trúc nội tại của từng thể loại. Các thể loại tồn tại trong một giai đoạn, một thời kỳ sẽ hợp thành một hệ thống, một cấu trúc với những mối quan hệ tương tác tồn tại đan xen mà từ đó chúng ta nhìn thấy được những nguyên tắc thẩm mỹ - nghệ thuật lớn chi phối văn học. Bản thân mỗi thể loại cũng là một cấu trúc. Xuất phát từ quan niệm về bản chất lời nói của thể loại, M.Bakhtin đưa ra một “cấu trúc ba chiều” “nối kết thực tại thẩm mỹ của người phát ngôn, của tác giả – người sáng tác với thực tại ngoài thẩm mỹ của độc giả, người tiếp nhận” [151]. Ở mỗi thể loại đều có sự tồn tại của những đặc điểm mang tính quy phạm, và nếu muốn xem xét khung quy phạm này một cách đầy đủ nhất thì không những phải khảo sát nội dung hoặc hình thức nghệ thuật của tác phẩm mà còn cần lưu ý đến vai trò của người phát ngôn/chủ thể sáng tạo và người đọc/ chủ thể tiếp nhận.

Tiến trình thể loại gắn với sự sinh thành, phát triển và tương tác giữa các thể loại. Sự vận động của thể loại có thể được xác định dựa trên sự vận động của từng thể loại trong mối quan hệ hữu cơ với hệ thống mà nó thuộc về. Nghiên cứu sự vận động của thể loại nghĩa là phải xem xét: 1- hệ thống thể loại với sự xuất hiện của những thể loại mới, sự va chạm, tương tác giữa các thể loại và 2- sự phá vỡ những quy phạm thể loại. Và trong sự vận động đó, tác giả đóng vai trò chủ động một cách có ý thức.

1.1.3. Sự vận động của ý thức nghệ thuật và sự vận động của văn học

Tiến trình vận động của văn học bao hàm toàn bộ hoạt động văn học, từ sáng tác đến tiếp nhận, từ sản xuất đến tiêu dùng. Văn học vận động khi có sự chuyển biến, thay thế trạng thái văn học này bằng trạng thái văn học khác phân biệt về chất. Sự thay thế các trạng thái văn học không đồng nghĩa với sự tiến bộ mà có thể là sự giảm sút, suy thoái. Trong các hướng vận động, nói đến tiến trình là phải nói đến sự vận động đi về phía trước, mới mẻ, tiến bộ. Cố nhiên, tiến bộ không có nghĩa là


thành tựu của giai đoạn văn học sau phủ định mọi giá trị của giai đoạn trước. Sự tiến bộ của văn học phải được xem xét trên một số phương diện nhất định. Chức năng nghệ thuật, chất liệu nghệ thuật và cấu trúc nghệ thuật là ba phương diện cơ bản thể hiện tập trung những đặc trưng của một giai đoạn văn học. Và phía sau tất cả những đặc trưng ấy luôn có sự chi phối của ý thức nghệ thuật. Mặc dù bàn về sáng tạo văn học không thể chỉ đề cập đến ý thức con người nhưng chắn chắn rằng không hề có một tư duy nghệ thuật thuần túy phi ý thức, phi lý tính. Do đó, ý thức nghệ thuật chính là cốt lõi để nghiên cứu sự vận động của văn học.

Sự vận động của ý thức nghệ thuật diễn ra trên cả hai trục thời gian và không gian. Trên trục thời gian, sự vận động này gắn với các giai đoạn, các thời kỳ văn học. Mỗi thể loại cũng có những cột mốc riêng đánh dấu con đường sinh thành và phát triển của nó. Cột mốc văn học và cột mốc lịch sử không nhất định phải trùng khít với nhau. Xung quanh vấn đề phân kỳ văn học còn có rất nhiều ý kiến tranh luận như chúng tôi đã trình bày ở phần Lịch sử vấn đề. Đối với việc phân kỳ văn học trung đại Việt Nam, từ trước đến nay, xuất phát từ nhiều quan niệm và góc độ khác nhau, các nhà nghiên cứu đã đề xuất nhiều mô hình. Chúng tôi tiếp thu ý kiến của Đoàn Lê Giang trong Luận án tiến sĩ Ý thức văn học cổ trung đại Việt Nam (2001), theo đó văn học trung đại Việt Nam được chia thành ba giai đoạn như sau:

1. Tiền kỳ trung đại (thế kỷ X – đầu thế kỷ XV)

2. Trung kỳ trung đại (thế kỷ XV – cuối thế kỷ XVII)

3. Hậu kỳ trung đại (thế kỷ XVIII – cuối thế kỷ XIX)

Việc chúng tôi chọn một cách phân kỳ không có nghĩa là chúng tôi phủ nhận những cách phân kỳ khác vì mỗi cách phân kỳ đều có điểm hợp lý riêng. Xin mượn ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hạnh để nói hộ suy nghĩ của chúng tôi: "Với một tình hình nghiên cứu khác, một đối tượng nghiên cứu khác, ta có thể phân chia các thời kỳ lịch sử văn học theo một cách khác" [68, tr.135]. Chọn cách phân kỳ trên vì chúng tôi nhận thấy nó phù hợp với việc trình bày sự vận động của ý thức nghệ thuật. Trên phương diện lịch sử, thời gian từ đầu thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX có những mốc quan trọng như năm 1778, nhà Tây Sơn thành lập; năm 1802,


nhà Nguyễn thành lập; năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Văn học cố nhiên chịu tác động từ các biến cố lịch sử. Tuy nhiên, tiến trình văn học có tính độc lập tương đối với tiến trình lịch sử. Cái mới trong ý thức nghệ thuật đã hình thành từ thế kỷ XVIII vẫn tiếp tục đến cuối thế kỷ XIX. Các tác giả từng sống từ trước thời Tây Sơn như Nguyễn Du, Nguyễn Án, Phạm Đình Hổ... vẫn tiếp tục sáng tác dưới thời Nguyễn. Nguyễn Đình Chiểu là tác giả sáng tác trước và sau khi giặc Pháp xâm lược. Mặc dù vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã chú ý rằng, quan niệm sáng tác "trừ bạo, đâm gian" xuất hiện từ Lục Vân Tiên vẫn được tiếp nối, phát triển ở bộ phận tác phẩm chống Pháp. Nhìn chung, nội dung cụ thể trong tác phẩm của các tác giả tùy theo hoàn cảnh có thể thay đổi nhưng nhìn một cách tổng thể, quan niệm sáng tác của họ không thay đổi. Quan niệm “thị tài”, “đa tình” kéo dài mạch chảy từ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đến tận Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê, Dương Lâm... Quá trình di chuyển từ ngôn ngữ ước lệ, cao nhã sang ngôn ngữ đời thường được tiếp nối ở bộ phận văn học chữ Nôm. Như vậy, từ thế kỷ XVIII đến hết thế kỷ XIX đã có một sự dịch chuyển mang tính hệ thống trong ý thức của nhà văn, nhà thơ.

Văn học thế kỷ XVIII – XIX mở đầu với Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn. Từ Đặng Trần Côn đến Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Khuyến, Tú Xương, ý thức nghệ thuật mới được xác lập, tiếp nối, phát triển. Nghiên cứu tiến trình vận động của văn học thế kỷ XVIII – XIX, một mặt chúng tôi khảo sát sự biến đổi của ý thức nghệ thuật từ giai đoạn trung kỳ sang hậu kỳ, một mặt cố gắng phác thảo những nét cơ bản trong diễn tiến của văn học từ đầu thế kỷ XVIII đến cuối thế kỷ XIX qua một số tác giả và tác phẩm tiêu biểu. Để có thể xử lý khối tư liệu hết sức phong phú, phức tạp, từ đó trừu xuất được đặc trưng văn học giai đoạn trong quan hệ đối sánh với các giai đoạn văn học khác, chúng tôi sẽ nhìn hệ thống tác phẩm của các tác giả điển hình trên phương diện tổng thể. Chẳng hạn, Nguyễn Trãi tuy có viết những vần thơ phong tình nhưng về cơ bản, ông là người xây dựng điển phạm cho văn chương "tải đạo'' trong giai đoạn trung kỳ. Nguyễn Du, ngược lại, đại diện cho trào lưu "chủ tình" của giai đoạn hậu kỳ. Bên cạnh đó,


không thể phủ nhận rằng ngay cả cùng một giai đoạn, mỗi tác giả vẫn sở hữu cá tính sáng tạo độc đáo. Vì vậy, nhiệm vụ của chúng tôi là phải tìm ra điểm chung, yếu tố giúp khẳng định thế kỷ XVIII – XIX là một giai đoạn nhưng đồng thời cũng phải chỉ ra nét riêng ở từng tác giả, cái sẽ cho thấy tính tiến trình của văn học thế kỷ XVIII – XIX.

Trên trục không gian, sự vận động của ý thức nghệ thuật diễn ra ở các khu vực văn học khác nhau. Thứ nhất, giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn có sự phân biệt. Thành thị và nông thôn sẽ sở hữu những loại hình văn hóa riêng tương ứng. Trong tiến trình vận động của văn học, ý thức nghệ thuật mới được sản sinh sẽ gắn với một loại hình văn hóa nhất định. Thứ hai, vào thế kỷ XVIII, sự phân biệt Đàng Ngoài và Đàng Trong là một thực tế lịch sử đáng quan tâm. Đàng Trong là tên gọi của vùng lãnh thổ Đại Việt dưới quyền cai trị của các chúa Nguyễn được xác định từ phía Nam sông Gianh (tỉnh Quảng Bình) trở vào Nam. Văn học Đàng Trong chính thức hình thành năm 1600 khi Nguyễn Hoàng quyết tâm đặt Đàng Trong vào thế đối lập với Đàng Ngoài. Về mặt lịch sử, sự phân chia Đàng Trong – Đàng Ngoài chấm dứt vào năm 1786 sau khi Tây Sơn đánh bại chính quyền họ Nguyễn và họ Trịnh. Năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, nhà Nguyễn tiến hành thống nhất đất nước nhưng việc tạo ra quang cảnh văn học thống nhất từ Bắc chí Nam không đơn giản, càng không thể cưỡng ép bởi áp lực về mặt chính trị. Huế được chọn là kinh đô tạo điều kiện chuẩn bị cho sự xuất hiện của một lớp tác giả riêng thuộc vùng đất này, đáng chú ý là những nhà thơ – quý tộc họ Nguyễn. Riêng văn học Nam Kỳ Lục Tỉnh(1) trên nhiều phương diện như ý thức về văn học, ý thức thể loại, phong cách ngôn ngữ vẫn tiếp tục phát triển dưới ảnh hưởng của văn học Đàng Trong. Vì vậy, trong luận án, chúng tôi tạm dùng danh xưng văn học Đàng Trong để chỉ bộ phận văn học ra đời trên vùng lãnh thổ phía Nam sông Gianh vào thế kỷ XVIII (phân biệt với văn học Đàng Ngoài) và bộ phận văn học của vùng Nam Kỳ Lục Tỉnh vào thế kỷ XIX (phân biệt với văn học Trung – Bắc). Văn học mở rộng


1 Năm 1832, sau khi Lê Văn Duyệt mất, vua Minh Mạng bỏ chức Tổng trấn, chia miền Nam thành 6 tỉnh, gọi chung là Nam kỳ lục tỉnh.

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023