Các Tác Nhân Của Sự Vận Động Ý Thức Nghệ Thuật Trong Văn Học Thế Kỷ Xviii – Xix


vào phía Đàng Trong theo quá trình Nam tiến và cùng với sự xuất hiện của văn học Đàng Trong là quá trình bản địa hóa của ý thức nghệ thuật.

1.2. Các tác nhân của sự vận động ý thức nghệ thuật trong văn học thế kỷ XVIII – XIX

1.2.1. Bối cảnh lịch sử xã hội

Thế kỷ XVIII – XIX là hai thế kỷ đầy những biến động của lịch sử Việt Nam. Sự phân chia Đàng Ngoài – Đàng Trong, tranh chấp dai dẳng giữa hai họ Trịnh – Nguyễn là biến cố quan trọng mà căn nguyên của nó bắt đầu từ thế kỷ trước. Sau phân tranh Lê – Mạc, nhà Lê quay về kinh đô Thăng Long năm 1592, nhưng vua Lê chỉ là bù nhìn, thực quyền chuyển sang tay họ Trịnh. Từ đó trở về sau, họ Trịnh tìm mọi cách củng cố thế lực, nắm toàn bộ quan lại, điều khiển triều đình. Dưới sức ép của họ Trịnh, họ Nguyễn tìm cách tránh vào phía nam dãy Hoành Sơn. Từ năm 1600, Nguyễn Hoàng đưa quân của ông theo thủy lộ về Thuận Hóa sau tám năm bị lưu giữ ở Thăng Long, nỗ lực xây dựng Đàng Trong thành một vương quốc riêng đối đầu với Đàng Ngoài. Năm 1627, đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên, chúa Trịnh đem quân vào đánh Thuận Hóa. Cuộc chiến Trịnh – Nguyễn khốc liệt bắt đầu. Sau trận chiến năm 1672, hai bên đình chiến. Tuy nhiên, cả họ Trịnh và họ Nguyễn đều phải đối mặt với nhiều vấn đề nội bộ. Ở Đàng Ngoài, sau cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật (? - 1770) vào giữa thế kỷ XVIII, nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân bùng phát. Nguyễn Tuyển (? - 1741) lãnh đạo nông dân khởi nghĩa ở mạn Đông Bắc. Hoàng Công Chất (1706 - 1769) và Nguyễn Hữu Cầu (1712? - 1751) ban đầu theo anh em Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ hoạt động ở vùng Sơn Nam. Sau khi quân Nguyễn Cừ thất bại, hai ông tập hợp lực lượng riêng, tiếp tục chống lại triều đình Lê – Trịnh. Năm 1748, Hoàng Công Chất và Nguyễn Hữu Cầu từng liên kết đánh vào tận Thăng Long nhưng cuối cùng thất bại. Nguyễn Danh Phương (? - 1751) vốn xuất thân từ nhà nho, vì bất bình trước tình cảnh dân chúng bị bóc lột, triều đình xa hoa nên bỏ dở nghiệp văn theo nghiệp võ. Cùng thời gian, nếu vùng Sơn Nam có các cuộc khởi nghĩa của Hoàng Công Chất, Nguyễn Hữu Cầu thì vùng Sơn Tây có cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Danh Phương. Nhìn chung, thời Lê mạt, bắt đầu từ khoảng


năm 1739 và kết thúc năm 1769, trong hai đời vua là Lê Ý Tông và Lê Hiển Tông, ba đời chúa Trịnh là Trịnh Giang, Trịnh Doanh và Trịnh Sâm, phong trào khởi nghĩa nông dân ở Đàng Ngoài diễn ra rầm rộ, chế độ phong kiến ở Đàng Ngoài rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng.

Ở Đàng Trong, đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, vùng đất phía Nam nới rộng thêm ra, theo chính sách “tàm thực” (lối xâm lấn dần dần như tằm ăn lá dâu) của Nguyễn Cư Trinh. Sau khi con đường Nam tiến thành công, toàn lãnh thổ miền Nam được phân ra thành ba dinh lớn là: Trấn Biên dinh (trấn lỵ ở Biên Hòa), Phiên Trấn dinh (trấn lỵ ở Gia Định) và Long Hồ dinh (trấn lỵ ở Vĩnh Long). Rời dải đất miền Trung khắc nghiệt, lưu dân Việt vào khai khẩn vùng Bà Rịa, Đồng Nai, Sài Gòn. Vì đất đai tương đối nhiều và phì nhiêu, việc di chuyển trở nên bình thường đối với các gia đình hay dòng họ người Việt. Đôi khi cả một làng dời từ nơi này đến nơi khác. Mùa nước lụt là mùa mang đến niềm vui chứ không phải nỗi sợ hãi, người dân Đàng Trong có thể dùng ghe thuyền di chuyển dễ dàng. Tính cách di động này trái ngược với tính cách ổn định của người Việt ở Đàng Ngoài. Những người không có quyền sống tại vùng đất cũ ở Đàng Ngoài đã phải tiến vào khai khẩn vùng đất ở phía nam, và trong điều kiện mới, họ có khuynh hướng cởi mở, tự nhiên và tự do hơn. Làng, một nhóm xã hội xem trọng vai trò cộng đồng hơn cá nhân, không còn ảnh hưởng lớn đến họ như trước.

Tuy nhiên, sau một thời gian yên ổn, nhân dân bắt đầu oằn lưng gánh chịu áp bức từ bộ máy quan lại. Thuế khóa, quân dịch ngày càng nặng nề. Từ thời Võ Vương (1714 - 1765), triều đình tha hồ vơ vét của dân để thỏa mãn thú ăn chơi xa xỉ. Từ năm 1768, đồng tiền mất giá, giá gạo liên tục tăng, nạn đói xuất hiện, dân chúng hết sức bất mãn. Người nông dân nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa lớn được nhân dân truyền tụng lại là cuộc khởi nghĩa của chàng Lía ở Quy Nhơn. Năm 1771, cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ bùng nổ. Ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa Tây Sơn đã vượt qua mọi cuộc khởi nghĩa nông dân khác khi xóa bỏ sự chia cắt Đàng Ngoài – Đàng Trong kéo dài gần hai trăm năm, thống nhất đất nước về một mối, đánh bại quân Xiêm và đập tan cuộc xâm


Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

lược của nhà Thanh. Thế nhưng, triều đại Tây Sơn tồn tại ngắn ngủi. Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lập nên nhà Nguyễn.

Năm 1858, Pháp chiếm Việt Nam. Đây là biến cố nghiêm trọng nhất vì chủ quyền đất nước rơi vào tay ngoại bang. Lịch sử dân tộc đi vào khúc quanh đau thương. Vấn đề bị xâm lược từ chỗ là nguy cơ với sự xâm nhập của Thiên chúa giáo và nha phiến nhanh chóng biến thành sự thật. Từ khi thực dân Pháp gây hấn, trong đời sống dân tộc Việt Nam nổi lên nhiều vấn đề căng thẳng, trong đó đặc biệt là ba vấn đề: vấn đề xâm lược và chống xâm lược, vấn đề canh tân đất nước và vấn đề thực dân Pháp lợi dụng đạo Chúa phục vụ cho âm mưu chính trị. Bản thân vua Tự Đức nói riêng và triều đình nhà Nguyễn nói chung do không tìm được đường lối giải quyết đúng đắn cho những vấn đề trên nên dù muốn dù không đã biến đất nước thành miếng mồi ngon cho thực dân Pháp. Triều đình lần lượt ký với Pháp hòa ước Nhâm Tuất (1862), hòa ước Quý Mùi (1883), hòa ước Giáp Thân (1884). Kết quả là sáu tỉnh Nam kỳ bị nhượng cho Pháp. Những cuộc khởi nghĩa chống Pháp nổ ra đều bị tắm máu. Những người anh hùng yêu nước bị kết tội phản quốc và bị đưa lên đoạn đầu đài. Một lần nữa, nạn ngoại xâm trở thành vấn đề trung tâm của toàn bộ đời sống xã hội. Tuy những nỗ lực kháng Pháp của Trương Định, Nguyễn Tri Phương, vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết, Phan Đình Phùng và nhiều nghĩa sĩ yêu nước không thành công nhưng tinh thần chống xâm lược vẫn không ngừng âm ỉ, chỉ chờ đợi thời cơ để bùng cháy thành ngọn lửa dữ dội.

Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 6

Tóm lại, biến động lịch sử đã làm thay đổi ý thức của nhà nho. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi của ý thức nghệ thuật nhưng trong số đó, nguyên nhân chủ yếu là thay đổi trong ý thức của người sáng tác. Việc vua Lê trở thành bù nhìn, quyền lực rơi vào tay chúa Trịnh ở Đàng Ngoài và chúa Nguyễn ở Đàng Trong làm sụp đổ thế giới tinh thần của nhà nho. Niềm tin vào tam cương, ngũ thường tan vỡ. Nhiều tác giả, tiêu biểu là Nguyễn Du, dùng thơ ca để phát tiết nỗi phẫn uất. Nhà Nguyễn thành lập, Nho giáo trở lại vị trí độc tôn. Đến thời Minh Mạng, những yếu tố bảo thủ của Nho giáo ngày càng thắt chặt. Sau cuộc binh biến của Lê Văn Khôi, tác giả Yoshiharu Tsuboi nhận xét, vua Minh Mạng dựa vào văn


thân thực chất là vì muốn củng cố chế độ quân quyền, ''tranh đua về mặt văn hóa với triều Mãn Thanh, tái tạo lại những định chế không còn thích hợp và liên hệ gì với thực tế xã hội của đất nước'' [238, tr.60]. Sau khi thực dân Pháp xâm lược, nhà Nguyễn bất lực trước nhiệm vụ chống ngoại xâm cứu nước, nhiều nhà nho như Nguyễn Khuyến mang mặc cảm của kẻ ''cờ đương dở cuộc không còn nước – bạc chửa thâu canh đã chạy làng'' (Tự trào – Nguyễn Khuyến). Những nhà nho rơi vào hoàn cảnh như thế không còn xem bản thân là hình mẫu lý tưởng để người khác noi theo. Ý thức mới về con người ảnh hưởng đến ''nhiệm vụ thể hiện con người'' [215, tr.32], tức là ảnh hưởng đến ý thức nghệ thuật và sự vận động của văn học.

1.2.2. Bối cảnh văn hoá

Sự phát triển của hệ thống thành thị và văn hóa thị dân là một nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến sự vận động của ý thức nghệ thuật. Theo các công trình sử học như Bức tranh kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII và XVIII (Nguyễn Thanh Nhã), Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến giữa thế kỷ XX (Lê Thành Khôi), Xứ Đàng Trong – Lịch sử kinh tế xã hội Việt Nam thế kỷ 17 – 18 (Li Tana), Sự phục hưng của đô thị ở Việt Nam bắt đầu từ thế kỷ XVII. Trong tình thế Đàng Ngoài – Đàng Trong đối đầu, để giành chiến thắng chúa Trịnh và chúa Nguyễn cần đến phương tiện cùng kỹ thuật chiến tranh ấn tượng của người phương Tây và lợi ích về mặt thuế khóa. Ngoại thương vì thế được đẩy mạnh, tạo điều kiện cho sự phục hưng của đô thị. Ở Đàng Ngoài, Thăng Long và Phố Hiến là hai thành phố sầm uất bậc nhất, dân gian truyền tụng “Thứ nhất Kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Đàng Trong cũng hình thành một mạng lưới với những thành phố lớn như Phú Xuân, Hội An, thương cảng Cù Lao Phố...

Hệ thống thành thị phát triển kéo theo nhiều biến chuyển về mặt xã hội. Là nơi tập trung các luồng giao dịch thương mại trong và ngoài nước, thành thị thu hút dân tứ xứ, tạo thành đám đông cực kỳ đa dạng và năng động. Thăng Long còn được gọi là Kẻ Chợ. Và như tên gọi ấy, với ý nghĩa là “chợ”, hoạt động buôn bán ở nơi này tập trung một lượng người đông đúc. Đây là một đoạn Samuel Baron, đại diện cho công ty Đông - Ấn Anh, mô tả kinh đô, được gọi là Cacho (Kẻ Chợ) vào năm 1865: “Kẻ Chợ, cách biển bốn mươi dặm, có thể được so sánh, về diện tích, với


nhiều thành phố nổi tiếng của châu Á, hơn hẳn phần lớn các thành phố này về số dân. Ngày mồng một và ngày rằm âm lịch mỗi tháng, diễn ra tại đây một phiên chợ khổng lồ lôi cuốn một lượng người đông không tưởng tượng nổi.” [97, tr.321]

Thời Tây Sơn, nghề công thương tiếp tục phát triển. Văn học tái hiện bức tranh kinh kỳ tấp nập, phồn hoa:

Vãng lai yếu kính phồn hoa địa, Công cổ sinh nhai phú quý hương. Dục vấn chu đầu ngâm diểu giả, Dã phi công cán dã phi thương.

(Bát Tràng ngọ bạc – Cao Huy Diệu) (Đây là chốn phồn hoa trên con đường qua lại,

Đây là nơi giàu có sống bằng nghề công thương.

Muốn hỏi về người ngâm thơ ngắm cảnh trên đầu thuyền,

Chắc chẳng phải người đi công cán mà cũng chẳng phải khách đi buôn.) (Buổi trưa đậu thuyền ở Bát Tràng) [121, tr.266 - 267]

Tác giả Trần Nho Thìn qua bài viết “Văn học cung đình và văn học thành thị Thăng Long” (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 10, 2010, tr.55-77) đã đề xuất khái niệm “văn học cung đình” và “văn học thành thị”. Ông nhấn mạnh: “từ hai khái niệm “văn học cung đình” và “văn học thành thị” là dịp để đọc lại toàn bộ văn học trung đại Việt Nam vì một phần hết sức quan trọng của văn học Việt Nam đã ra đời tại Thăng Long, được không gian văn hóa Thăng Long gợi ý” [214, tr.69]. “Văn học thành thị”, theo định nghĩa của nhà nghiên cứu là “mảng sáng tác ra đời trong không gian “Kẻ Chợ”, phản ánh những vấn đề của đời sống thị dân, văn hóa thị dân, nhìn cuộc sống và con người theo quan điểm thị dân. Tác giả của văn học thành thị có thể là nhà nho, là thương gia, là phụ nữ chứ không nhất thiết đây phải là sáng tác của những thương nhân hay thợ thủ công, hay là ả đào” [214, tr.62].

Sự xuất hiện của mẫu hình nhân vật tài tử giai nhân có thể dựa trên khái niệm “văn học thành thị” để lý giải:


“Chính văn học thành thị đã đem lại sự say mê, ham thích mới lạ có thể khiến cho con người xao nhãng học tập kinh điển hay chán ghét thơ phú chính thống cung đình. Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều tác phẩm tự sự, gồm các văn xuôi và truyện thơ, của thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX ở Thăng Long lại lấy hai nhân vật chính là chàng thư sinh - sĩ tử và người con gái đất kinh kỳ, kiểu nhân vật tài tử giai nhân. Tác nhân kích thích trước tiên cho sự ra đời của kiểu nhân vật này không phải từ sự tiếp nhận văn học thành thị Trung Quốc, cụ thể là từ việc vay mượn cốt truyện của kiểu truyện tài tử giai nhân. Chúng ta có thể quan sát thấy, chính đời sống thành thị Thăng Long đã gợi ý cho sự xuất hiện của kiểu nhân vật tài tử giai nhân” [214, tr.64].

Trên con đường di chuyển vào phía Nam gây dựng vương triều mới, năm 1687, các chúa Nguyễn dứt khoát chọn Phú Xuân là nơi dừng chân. Năm 1774, chúa Nguyễn Phúc Khoát xưng Vương, xây dựng Phú Xuân thành một kinh đô lộng lẫy. Thành trấn Phú Xuân, như Lê Quý Đôn miêu tả, đầy rẫy cung điện “có mái lớn nguy nga, đài cao rực rỡ”. “Phía trước Chính dinh thì phố chợ liền nhau, đường cái đi ở giữa, nhà cửa chia khoảng tiếp nhau, đều là mái ngói. Thuyền buôn bán, đò dọc ngang đi lại như mắc cửi.” [44, tr.114 - 115]

Sài Gòn tuy phát triển muộn nhưng vào thế kỷ XVIII, dân cư đã tập trung đông đúc, hình thành các khu dành cho nhiều ngành nghề khác nhau: khu ngư dân, khu thợ tiện, khu thợ gốm, các khu hàng sợi, hàng muối, hàng đinh, hàng chiếu mành, hàng tơ sống, khu cá sấu, khu người làm dầu lạc, khu những người bán bánh ngô, khu tàu vãng lai.

Đám đông ở các đô thị lớn tạo ra sự đa dạng thách thức hệ thống trật tự cũ. Tầng lớp thị dân giàu có sử dụng đồng tiền đưa bản thân tham gia vào bầu khí quyển văn hóa độc quyền của giới nho sĩ – văn nhân. Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ) ghi chép lại thú chơi nghệ thuật như uống trà (chương Cách uống chè), thưởng hoa (chương Hoa thảo), nghe nhạc (chương Bàn về âm nhạc) phổ biến khắp Thăng Long. Cố nhiên, theo Phạm Đình Hổ, cách thưởng thức của những nhà quyền môn


phú hộ lộn xộn và thiếu tinh tế so với cách thưởng thức của nho sĩ. Nếu họ uống trà thì tính tiện lợi được coi trọng hơn cả mùi vị:

“Gần đây lại có chế ra thứ siêu đồng cũng khéo, nhưng kim khí bị hỏa khí hấp hơi, thường có mùi tanh đồng, không bằng dùng siêu đất nung, pha chè tốt hơn. Song các nhà quyền môn phú hộ khi uống chè lại lười không muốn pha lấy. Thường thường họ giao cho tiểu đồng pha phách tất cả, dùng siêu đồng cho tiện và lâu vỡ, như thế không phải bàn làm chi nữa.” (Cách uống chè Vũ trung tùy bút) [80, tr.59]

Kinh thành Thăng Long thay đổi không những trên bình diện kinh tế mà còn trên bình diện văn hóa. Từ khi được vua Lý Thái Tổ chọn làm kinh đô, Đại La – Thăng Long trở thành trung tâm chính trị, học thuật của nhiều vương triều. Có thể dùng khái niệm “trực sinh” (orthogenetic) của hai nhà nhân chủng học Robert Redfield và Milton Singer trong bài viết Vai trò văn hóa của đô thị (The Cultural Role of Cities) để hình dung chức năng trên của Thăng Long (và cả Phú Xuân, kinh đô của vương triều nhà Nguyễn sau này). Đô thị đảm nhiệm chức năng trực sinh khi nó chủ yếu tạo dựng và hệ thống hóa các truyền thống xã hội. Tại đây, giới trí thức tinh hoa xây dựng hệ thống tư tưởng, phát đi những thông điệp nhằm bảo vệ truyền thống văn hóa cho toàn xã hội. Kinh đô của các đế chế cổ xưa lẫn thủ đô của các quốc gia hiện đại đều giữ vai trò này. Thăng Long trong nhiều thế kỷ trước đã là nơi các nhà nho xuất sắc nhất như Mạc Đĩnh Chi (1272 - 1346), Nguyễn Trãi (1380 - 1442), Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585)... sống và tỏa sáng. Những bề tôi giỏi nhất từng được vua Lê Thánh Tông (1442 - 1497) tập hợp trong Hội Tao đàn, một hội thơ mà tiếng nói ca ngợi vương triều của nó có tính chất chính thống, quan phương rõ nét. Tuy nhiên, từ thế kỷ XVI tính thống nhất về văn hóa của Thăng Long bị rạn nứt. Vết nứt lan rộng hơn vào các thế kỷ sau, dẫn đến nguy cơ sụp đổ của Nho giáo. Nhà nho chính thống nhìn tình trạng ấy là kết quả của đời suy thói tệ, chính sự bừa bãi. Bàn về các loại hình âm nhạc, Phạm Đình Hổ đã viết như sau:

“Từ đấy, lối tục nhạc ở chốn giáo phường mới thịnh hành, tế giao miếu và lễ triều hạ hay chốn dân gian tế thần, cũng dùng nhạc ấy. Kẻ nhạc công quen tập những tiếng dâm thanh, so với xoang điệu chép ở bộ Lễ năm Hồng Đức đều không


hợp. Quan Thái thường thì thuyên chuyển đi làm chức khác, bọn giáo phường thì cho kẻ cai đội trông coi, không còn ai sửa chữa những chỗ sai lầm được nữa.

Cũng có người thích chơi âm nhạc thì lại phải theo học bọn ca công, bọn ấy đắc chí, chỉ bịa đặt ra để làm cho người nghe hoảng sợ. Ta thường thấy các con cháu nhà thế gia phải dịu lời tươi mặt nịnh nọt bọn ca công, cầu học giọng hát, bắt chước bộ đi đứng của họ để khoe với chúng bạn. Nếu không có người chỉnh đốn lại, không biết sau này lưu tệ đến thế nào.” (Vũ trung tùy bút) [80, tr.72]

Ngoài ra, hát bội mới pha thêm lối tuồng làm say mê không chỉ người bình dân mà cả lớp trí thức xuất thân danh môn: “Đến năm Canh Tuất (1790) lại thấy dân gian bày trò hát bội ấy. Các con nhà lương gia tử đệ có người bỏ cả chức nghiệp đi theo học hát, khăn áo dáng bộ như đàn bà, thường khi ở nhà cũng nghêu ngao tập hát chèo, trước mặt khách không thẹn thò gì cả” (Vũ trung tùy bút) [81, tr.75 - 76]. Hát ả đào là sinh hoạt được ưa chuộng. Các bậc hào hoa văn nhã lấy hát ả đào làm cách chơi thanh lịch. Dần dần xung quanh những sinh hoạt văn hóa đậm chất đô thị xuất hiện một nhóm người có cùng lối sống, lối hưởng thụ. Quá trình thâm nhập, ảnh hưởng lẫn nhau giữa loại hình nghệ thuật cao nhã và thông tục diễn ra hết sức sôi động, và theo đó, ý thức nghệ thuật truyền thống xói mòn dần trước sự thâm nhập mạnh mẽ của những khuynh hướng mới. Khi chức năng của thành thị mở rộng, công việc và dân số trở nên đa dạng thì sự đa dạng đó chắc chắn dẫn đến sự ra đời của nhu cầu thưởng thức mới. Chẳng hạn thơ cung oán, theo lời kể của Lê Hữu Trác (1720,1724? - 1791) trong tác phẩm Thượng kinh ký sự, được yêu thích rộng rãi. Ngoại truyện kỳ thư hấp dẫn được một số lượng lớn độc giả2. Từ những hiện tượng như vậy, chúng ta bắt đầu quan sát được đặc điểm của văn hóa thị dân biểu hiện qua sự chi phối của tâm lý đám đông, của tiêu dùng theo thị hiếu (trend-sensitive).



2 Công chúa Mai Am (1862 – 1904) dặn dò con em, học trò không được mê đắm vào loại sách này: “Đọc sách gì cũng có ích song phải tự phòng nhất là những ngoại truyện kỳ thư, là những sách người ta thường thích đọc. Khi cầm quyển sách người đọc phải có óc phán đoán vững vàng. Bằng như mình mà chưa tự chủ nổi mình thì dễ tiêm nhiễm theo, mà lúc tiêm nhiễm rồi thì khó tẩy trừ cho sạch.” [70, tr.534]

Xem tất cả 226 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí