Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 2


hội, năm 1993) đã tập hợp nhiều ý kiến bàn luận về văn chương thời trung đại. Đây là hai tập tư liệu quý giá cho bất kỳ nhà khoa học nào muốn nghiên cứu về ý thức nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam. Năm 2007, nhóm tác giả Phan Trọng Thưởng, Nguyễn Cừ, Vũ Thanh, Trần Nho Thìn một lần nữa sưu tầm, tuyển chọn, sắp xếp và giới thiệu các bài tựa, bạt, thư từ trao đổi của các tác giả từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX trong cuốn 10 thế kỷ bàn luận về văn chương (tập 1, Nxb. Giáo dục). Khác với hai bộ sách trước, công trình ngoài giá trị về mặt tư liệu, còn có giá trị về mặt nghiên cứu. Sau phần giới thiệu các lời tựa, bạt là phần nhận xét, bình luận của người biên soạn nhằm chỉ ra những biểu hiện mới của ý thức nghệ thuật. Đó mới là cái xác định sự vận động của văn học qua các giai đoạn. Thành tựu của công tác sưu tầm, dịch thuật đã cung cấp những bằng chứng thuyết phục nhất về sự tồn tại của một nền lý luận cổ điển trong văn học trung đại Việt Nam, cung cấp cho giới nghiên cứu tư liệu để nhìn nhận, đánh giá chính xác hơn về ý thức nghệ thuật của người xưa.

Quan niệm văn học, quan niệm thẩm mỹ từng xuất hiện vào thế kỷ XVIII – XIX là những vấn đề được quan tâm trong nhiều công trình nghiên cứu, từ các bài báo đến các bộ văn học sử, giáo trình, chuyên luận, luận văn, luận án... Nội dung nghiên cứu có thể giới hạn trong phạm vi một tác gia, một giai đoạn, hoặc một thể loại. Trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 4, năm 1960, Trần Thanh Mại viết bài “Tìm hiểu quan điểm văn học của Lê Quý Đôn”. Thời gian sau, Trần Nghĩa viết bài “Góp phần tìm hiểu quan niệm “Văn dĩ tải đạo” trong văn học cổ Việt Nam” (Tạp chí Văn học (TCVH) số 2/1970), Vũ Đình Liên viết bài “Từ nhân sinh quan đến thẩm mỹ quan của Nguyễn Đình Chiểu” (TCVH số 1/1972), Trần Lê Sáng viết về “Thi ngôn chí” (TCVH số 1/1973), Đỗ Đức Dục viết bài “Tuyên ngôn sáng tác của Nguyễn Du” (TCVH số 2/1984), v.v. Về công trình nghiên cứu, năm 1964, giáo trình Văn học cổ Việt Nam của Đinh Gia Khánh có viết một phần về quan niệm “Văn dĩ tải đạo”. Năm 1970, công trình Truyện Kiều và chủ nghĩa hiện thực của Lê Đình Kỵ được xuất bản, trong đó đặt ra vấn đề về quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mỹ của Nguyễn Du. Nguyễn Lộc trong bộ sách Văn học Việt Nam nửa cuối


thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX gồm 2 tập do Nxb. Đại học Trung học chuyên nghiệp xuất bản lần đầu năm 1976, 1978 (khi Nxb. Giáo dục xuất bản lại, được in chung với bộ Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XIX và lấy nhan đề Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX)) đã xác định rõ đặc trưng cơ bản của văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX là “sự khám phá ra con người và khẳng định những giá trị chân chính của con người” [122, tr.46]. Ông nhấn mạnh:

“Đối với văn học giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX, nói đặc trưng cơ bản có tính lịch sử của nó là khám phá ra con người, khẳng định những giá trị chân chính của con người, có nghĩa là nói đến giai đoạn này con người với tất cả sự phong phú của nó mới trở thành đối tượng chủ yếu, hàng đầu trong nhận thức của văn học, và điều đó đem lại cho văn học sự đổi mới về nhiều mặt” [122, tr.47].

Đây là một ý kiến quan trọng xác lập sự khác biệt về chất giữa văn học thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX với văn học các giai đoạn khác. Cũng qua bộ sách này, nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc đã phân tích quan điểm sáng tác của nhiều tác giả thuộc văn học thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX như Ngô Thì Vị, Lê Quý Đôn, Cao Bá Quát, Bùi Dương Lịch. Ông viết:

“Nếu tìm hiểu kỹ quan điểm văn học của các tác giả đương thời cũng có thể thấy được chừng mực nào sự chuyển biến trong quan niệm của họ. Khá nhiều nhà thơ trong giai đoạn này hay nói đến quan niệm "người cùng thì thơ mới hay”” [122, tr.85].

Nhà nghiên cứu chỉ ra đề cao tình cảm là một biểu hiện độc đáo trong quan điểm sáng tác của nhiều nhà thơ:

“Một quan điểm nữa cũng được các nhà thơ giai đoạn này nói đến là thơ phải biểu hiện tình cảm, phải có cảm xúc” [122, tr.86].

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

“Lê Quý Đôn chủ trương làm thơ phải chú trọng đến ba phương diện là "tình, cảnh và sự". […]. Có thể nói quan niệm này về thực chất trái với quan niệm thi ngôn chí của Nho giáo” [122, tr.87].


Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 2

“Cao Bá Quát không phải chỉ làm nhiều thơ mà còn phát biểu nhiều suy nghĩ của mình về thơ nữa. […].

Ông quan niệm thơ có quy củ của nó, nhưng cơ sở của sáng tác thơ bao giờ cũng là tình cảm, là cảm xúc. Có tình cảm chân thực, có cảm xúc dồi dào, thơ mới hay, chứ bắt chước người khác, cảm xúc giả tạo thì dù có công phu đến mấy cũng không thể làm thơ hay được” [122, tr.543 - 544].

Năm 1980, trong công trình Cao Bá Quát – con người và tư tưởng (Nxb. Khoa học xã hội), Nguyễn Tài Thư cũng đã chú ý đến quan niệm nghệ thuật của nhà thơ. Điểm chung ở các công trình nghiên cứu được triển khai theo lí luận Marxist là đều nhìn nhận tiến trình văn học như sự thay thế của các phương pháp sáng tác nghệ thuật. Quan niệm văn học, quan niệm thẩm mỹ là cơ sở để lý giải sự xuất hiện của phương pháp sáng tác mới, tiến bộ, vì thế, chúng gắn với nhân dân lao động, với chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa nhân đạo. Chẳng hạn, Lê Đình Kỵ nhận xét về Nguyễn Du như sau:

“Mỹ học xưa lấy “văn dĩ tải đạo” làm mục đích và phương châm sáng tác. Truyện Kiều cũng làm cái việc tải đến cho người đọc cái đạo của nó, đó là cái đạo lý làm người, con người sống thực với những thăng trầm, vinh nhục trần thế. [...]. Trong giới hạn của thời đại mình, và với những ràng buộc không tránh khỏi của mỹ học đương thời, Nguyễn Du dám nhìn thẳng vào thực tế và từ cái dòng đời có trong có đục, đã dũng cảm, trung thực làm việc gạn đục khơi trong, làm toát lên cái đẹp sinh động về cuộc sống và con người” [106, tr.112].

Năm 1982, Viện Khoa học xã hội tại thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị khoa học nhân kỷ niệm 160 năm ngày sinh của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Thu hút gần 120 bài tham luận, hội thảo đánh dấu một bước tiến mới đối với việc nghiên cứu hệ thống, toàn diện cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Trong hội nghị, Mai Cao Chương qua bài viết “Tìm hiểu quan điểm văn học của Nguyễn Đình Chiểu và sự vận dụng quan điểm đó vào thực tiễn sáng tác của ông” khẳng định mối quan hệ biện chứng giữa nhận thức của nhà thơ và thực tiễn


sáng tác, đồng thời đánh giá cao tính chiến đấu và tính nhân dân trong quan niệm “Văn dĩ tải đạo” của Đồ Chiểu:

“Có thể kết luận rằng quan niệm “đạo” trong thơ văn yêu nước chống Pháp của Nguyễn Đình Chiểu thực chất là yêu nước thương dân” [254, tr.312].

“Quan điểm “chở đạo” của Nguyễn Đình Chiểu gắn rất chặt với thực tiễn sáng tác của ông, và được khái quát lên từ thực tiễn sáng tác ấy. Nhưng thực tiễn sáng tác lại không phải là cái gì đó tồn tại độc lập. Trái lại, nó có quan hệ chặt chẽ với nhà thơ, nó là sản phẩm tinh thần của người cầm bút” [254, tr.312].

Lê Trí Viễn trong chuyên luận Nguyễn Đình Chiểu: Ngôi sao càng nhìn càng sáng (Nxb. TP Hồ Chí Minh, 1982) cũng đưa ra nhận định tương tự. Phương pháp xã hội học đã giúp chỉ ra những khía cạnh tiến bộ về lịch sử và nhân sinh trong quan niệm văn học, quan niệm thẩm mỹ thuộc giai đoạn văn học hậu kỳ. Các nhà nghiên cứu theo phương pháp này thống nhất với nhau ở chỗ là đều sử dụng mô hình đồng nhất diễn tiến văn học với diễn tiến của các hình thái xã hội, các cuộc đấu tranh giai cấp. Trên tạp chí Nghiên cứu Văn Sử Địa số 11/1955, Nguyễn Đổng Chi, tác giả cuốn Việt Nam cổ văn học sử (1942), đã viết:

“Văn học sử là những thiên lịch sử ghi lại những phong trào văn học phản ánh quá trình đấu tranh của con người. Văn học sử là lịch sử của cả nhân loại hay của riêng một dân tộc về phương diện văn học. Nó đòi hỏi người viết phải có một quan điểm duy vật lịch sử và đứng trên lập trường giai cấp vô sản” [265, tr.403].

Quan điểm này chi phối cách đánh giá, phân loại mọi hiện tượng văn học và có lúc trở nên rất cực đoan. Những thay đổi ở lực lượng sáng tác chỉ được hình dung là sự thay đổi vị trí giữa các tầng lớp, giai cấp trong xã hội. Tuy nhiên, ngoài phương pháp và mô hình trên, còn có những phương pháp và mô hình nghiên cứu khả thủ khác. Ở miền Nam, Phạm Thế Ngũ soạn bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (3 tập, Quốc học tùng thư xuất bản, 1961 - 1965), trong đó phần “Văn học lịch triều” được chia thành hai bộ phận Hán văn và Việt văn. Với cách chia như vậy, Phạm Thế Ngũ đã chứng tỏ với người đọc rằng văn học chữ Hán và chữ Nôm có sự phát triển riêng. Để lý giải sự phát triển ấy, nhà nghiên cứu cần dựa trên nhiều yếu


tố từ văn chương đến văn hóa, tư tưởng, học thuật…Trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam (Nxb. Trình bày, 1967), Thanh Lãng áp dụng mô hình thế hệ nhà văn. Tiêu chí phân biệt các thế hệ, tiêu chí chọn thế hệ nào làm đại diện cho một giai đoạn văn học có thể chưa thật ổn [30, tr.958 - 993] nhưng đây là một mô hình mới, góp phần khẳng định văn học cũng trải qua quá trình “động đạt”, “thăng trầm”, không phải chỉ phát triển theo đường thẳng. Sự nỗ lực của các nhà nghiên cứu như Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ... cho thấy sự vận động của văn học rất phức tạp và cần được soi chiếu từ nhiều góc nhìn.

Năm 1985, cuộc thảo luận về phân kì văn học đưa ra nhận thức mới về tiến trình vận động của văn học, “hạn chế tình trạng xã hội học dung tục, giản đơn, nhằm quán triệt sâu sắc hơn đặc trưng bản chất của văn học” (Đỗ Đức Hiểu) [76, tr.52]. Trần Đình Hượu trong bài viết Vấn đề chọn năm mốc trong việc phân kỳ lịch sử văn học Việt Nam đầu thế kỷ XX đã chứng minh rằng chưa thể xem nửa cuối thế kỷ XIX là thời kỳ mới chỉ vì sự đổi mới của nội dung tư tưởng mà cần phải xét đến tính độc lập của văn học. Cái mới thật sự phải gắn với quan niệm văn học và hệ thống thể loại. Mối quan hệ giữa hệ tư tưởng và văn học được Trần Đình Hượu giải quyết một cách thấu đáo và thỏa đáng hơn trước. Hệ tư tưởng như Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo tác động đến văn học khi nó hình thành nên ở tác giả quan niệm văn học, quan niệm cái đẹp. Trong bài viết “Nho giáo và văn học nghệ thuật” (1981), Trần Đình Hượu nhiều lần nhấn mạnh nghiên cứu quan niệm văn học, quan niệm cái đẹp để chỉ ra sự vận động của văn học là một nhiệm vụ cấp thiết: “Văn nghệ hiện đại gián đoạn với văn chương vì được viết theo quan niệm văn học khác, hệ thống thể loại khác, tiêu chuẩn cái đẹp khác” [88, tr.40]. “...Chứng tích ảnh hưởng của Nho giáo trong văn học không chỉ ở mô típ nội dung, hình ảnh, từ ngữ mà sâu xa hơn là ở quan niệm văn học, quan niệm cái đẹp” [88, tr.40].

Qua các công trình của mình, Trần Đình Hượu đã đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa định hướng, làm thay đổi cách tiếp cận đối với văn học trung đại Việt Nam. Từ sự phát triển của Trần Đình Hượu, “nhà nho tài tử” trở thành một khái niệm có tính công cụ giúp giải thích sự vận động của văn học. Trước Trần Đình Hượu, nhà


nghiên cứu Nguyễn Bách Khoa – Trương Tửu trong công trình Tâm lí và tư tưởng Nguyễn Công Trứ (Tạp chí Văn mới, Hà Nội, 1944) đã sớm dùng khái niệm “người tài tử”, “nhà nho tài tử”. Ông viết:

“Quan niệm “cầm kỳ thi tửu” là một quan niệm tài tử. Bằng danh từ này người ta thường chỉ thị hạng nho sĩ lơ đãng với công việc kinh bang tế thế (hành đạo) mà thiên trọng về văn học, về sự vui sống cầu kỳ (hành lạc). Đỗ Phủ, Lý Bạch, Lưu Linh… là những nhà nho tài tử vậy. Họ không sống cho Tổ quốc, không sống vì đạo lý. Họ sống cho họ, sống vì nghệ thuật, sống vì đẹp. Suốt đời họ chỉ tìm cái đẹp. Cái ý vị của cuộc sống, theo quan niệm tài tử, không phải ở chỗ phụng sự mà là ở chỗ hưởng thụ, ở uống rượu, ở làm thơ, ở gẩy đàn, ở đánh cờ, ở giăng gió, ở sông núi. Nếu không biết thưởng thức những trò chơi ấy một cách mỹ thuật thì dù có sống đến nghìn tuổi cũng như là chết non mà thôi (thiên tuế diệc vi thương)” [189, tr.621 - 622].

Đến lượt mình, nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu phát triển và đưa ra những nhận định sâu sắc, có tính “chiến lược” (chữ dùng của Trần Nho Thìn) về nhà nho tài tử. Trong công trình Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại (Nxb Văn hóa Thông tin, 1995), ông xác định nhà nho tài tử là một trong ba mẫu nhà nho: nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật, nhà nho tài tử. Ông nhận định:

“Xét về mặt tác giả văn học hình như có một sự khác biệt rõ rệt giữa ba mẫu nhà nho: người hành đạo, người ẩn dật và người tài tử. Người hành đạo và người ẩn dật là con sinh đôi, thay thế nhau xuất hiện trong những tình thế khác nhau của xã hội nông thôn – cung đình cố hữu. Còn người tài tử ra đời chậm, gắn chặt với sự phát triển eo hẹp của đô thị. Nhà nho tài tử đối lập Tài và Đức, Tình và Tính, coi trọng thích thú cá nhân, đòi tự do, phóng khoáng và hưởng thụ lạc thú trần tục. Chính họ là chủ nhân của nền văn học có mầm mống chống Nho giáo, có xu hướng nhân đạo chủ nghĩa như ngâm khúc, truyện Nôm (chỉ tính các truyện tình yêu tài tử

- giai nhân) và hát nói” [88, tr.39].

Như vậy, Trần Đình Hượu đã dùng các phạm trù Tài và Đức, Tình và Tính để phân loại nhà nho. Và từ những khái niệm này, người đi sau có cơ sở để nhìn


nhận lại sự phát triển của văn học thế kỷ XVIII – XIX trên các phạm trù mỹ học. Trần Nho Thìn trong “Một số quan điểm nghiên cứu văn học của Trần Đình Hượu” khẳng định: “Đây rõ ràng là một cách nhìn mới, soi rọi một ánh sáng mới vào thực tế văn học vốn như đã được nhiều người cùng thời ông phân tích cạn kiệt” [88, tr.758].

Khái niệm “nhà nho tài tử” tiếp tục được Trần Ngọc Vương, Nguyễn Đức Mậu…, những nhà nghiên cứu thuộc thế hệ học trò của Trần Đình Hượu vận dụng, phát triển, đào sâu. Trần Ngọc Vương đã kế thừa và làm rõ hơn quan niệm của thầy Trần Đình Hượu trong luận án Tiến sĩ, sau đó xuất bản thành sách chuyên luận Loại hình học tác giả văn học nhà nho tài tử và văn học Việt Nam (Nxb. Giáo dục, 1995). Ông nghiên cứu sự hình thành và phát triển của loại hình nhà nho tài tử trong “xã hội phi cổ truyền” [273, tr.68], dưới “sự hậu thuẫn của nền kinh tế đô thị tuy còn yếu ớt nhưng đã được hình thành và dần lớn mạnh” [273, tr.103]. Ông phân tích cặn kẽ vấn đề này như sau:

“Chính sự khác biệt từ cơ sở kinh tế này đã tạo nên tính đặc thù của loại hình nhà nho tài tử. Và theo Phan Ngọc, những con người tài tử lại là những người học đạo thánh hiền nhưng suy nghĩ theo lối thị dân. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đều tự xưng là tài tử. Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát đều tự xưng là tài tử. Con người tài tử là điển hình của thời đại mới. Con người quân tử bị chế giễu, đạo đức sống khắc kỉ phục lễ bị mạt sát. Một trào lưu tư tưởng mới manh nha trong những chàng trai tài giỏi nhất thời đại” [273, tr.103].

Bên cạnh khái niệm “nhà nho tài tử”, Trần Đình Hượu trong Nho giáo và văn học Việt Nam trung cận đại cũng đã phân tích một cách khoa học, thấu đáo về quan niệm văn học và quan niệm cái đẹp của Nho giáo:

“Nho giáo ảnh hưởng tới văn học (kể cả văn học Việt Nam) với tư cách là một học thuyết tức là một hệ thống các quan điểm về thế giới, về xã hội, về con người, về lý tưởng,… cho nên cũng có một cách quan niệm văn học riêng. Với quan niệm đó, người ta hiểu thực chất văn học là gì? Những cái gì được xếp vào văn học? Thế nào là văn chương? Theo quan niệm văn học của Nho giáo, văn học có một


nguồn gốc linh thiêng, một chức năng xã hội cao cả, tổ chức, hoàn thiện con người, hoàn thiện xã hội” [88, tr.36].

“Quan niệm cái đẹp, cái hay của Nho giáo cũng chi phối ngòi bút. Văn chương phải để giáo hóa, có quan hệ đến thế đạo, nhân tâm, có tác dụng di dưỡng tính tình nên phải có nội dung đạo lý. Không những về nội dung không được nói cái vô đạo, cái thiếu trang nhã mà về hình thức biểu đạt cũng phải thấm nhuần tinh thần khoan thứ, nhân nghĩa” [88, tr.38].

Tiếp thu những nhận định trên của Trần Đình Hượu và các thế hệ nhà nghiên cứu học trò của Trần Đình Hượu, chúng tôi nhận thức được rằng sự biến đổi của văn học trung đại gắn chặt với sự xuất hiện của con người tài tử, đồng thời muốn cắt nghĩa được văn học trung đại Việt Nam thì không thể không tìm hiểu quan niệm văn học, quan niệm cái đẹp của Nho giáo.

Từ cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI, trong không khí học thuật cởi mở hơn, việc nghiên cứu quan niệm nghệ thuật trung đạt được thành tựu mới. Giới nghiên cứu khảo sát quan niệm văn học trung đại từ nhiều góc độ, nỗ lực thay đổi cái nhìn xã hội học đang dần trở nên cực đoan. Cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 thi pháp học và những thành tựu của M.Bakhtin được giới thiệu ở Việt Nam, sau đó công trình cơ bản của các nhà Hình thức luận (Formalism) như R.Jakobson, B.Eikhenbaum, V.Shklovski, J.Tynianov… được chuyển ngữ. Khi ứng dụng thi pháp học vào nghiên cứu văn học trung đại Việt Nam, Trần Đình Sử trong Mấy vấn đề về thi pháp văn học trung đại Việt Nam (Nxb. Giáo dục, 1999) quan niệm tiến trình văn học là “tiến trình tự ý thức của con người trong văn học” [193, tr.49]. Thi pháp học trên cấp độ vĩ mô sẽ nghiên cứu “những nguyên tắc nghệ thuật – thẩm mỹ lớn chi phối sáng tạo văn học và hiện diện trong văn học” [193, tr.24]. Trên cấp độ này, “quan niệm nghệ thuật là phạm trù có tầm quan trọng trung tâm, có tác dụng chi phối các bình diện hình thức nghệ thuật khác” [193, tr.25]. Không chỉ vậy, “ý thức về hình thức văn học cũng là một vấn đề hết sức quan trọng, bao gồm ý thức thể loại, ý thức ngôn ngữ và nói chung, ý thức về bản thân văn học” [193, tr.29].

Xem tất cả 226 trang.

Ngày đăng: 16/01/2023
Trang chủ Tài liệu miễn phí