Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Của Việc Nghiên Cứu Đối Tượng


“Điều cần lưu ý là sự vận động không đồng bộ của thi học ở Đàng Trong và Đàng Ngoài. Trên vùng đất mới phía Nam, tại vùng cai quản của chúa Nguyễn, nơi Nho giáo đang bước đi những bước đầu tiên, nơi giới trí thức vẫn hy vọng vào vai trò của Nho giáo trong sự nghiệp tổ chức, xây dựng xã hội, thiết lập quan hệ tốt đẹp giữa người và người – một niềm hy vọng sẽ kéo dài mãi đến Nguyễn Đình Chiểu thì thi luận kinh học vẫn có cơ sở vững chắc” [215, tr.249].

Sau khi phân tích, so sánh, đối chiếu tỉ mỉ quan niệm “văn” ở nhiều tác giả, nhiều giai đoạn, từ lý luận phê bình đến thực tế sáng tác, nhà nghiên cứu đi đến kết luận:

“Nhìn chung, văn luận Việt Nam thời trung đại một mặt hướng đến những tư tưởng kinh điển, thể hiện lý tưởng xã hội và lý tưởng nhân cách của thánh nhân, quân tử nên có những đặc trưng của kinh học, lấy chuẩn mực từ tư tưởng, đạo đức, chính trị, thẩm mỹ của Tứ thư, Ngũ kinh. Mặt khác, do văn luận còn là sự phản ánh và tổng kết thực tiễn văn học, còn văn học lại vận động, thay đổi theo sự vận động của lịch sử dân tộc nên xu hướng đi ra ngoài văn luận kinh học cũng là một xu hướng thực tế. Hai xu hướng đó – văn luận kinh học và văn luận phi kinh học – tạo nên bức tranh văn luận đặc sắc của văn học trung đại Việt Nam” [215, tr.257].

Tóm lại, công việc nghiên cứu ý thức văn học trung đại nói chung, ý thức văn học giai đoạn thế kỷ XVIII – XIX nói riêng đã được thực hiện trong thời gian dài và đạt được nhiều thành tựu. Các công trình dù viết riêng về từng tác giả hoặc nghiên cứu chung cả một thời kỳ trung đại thì đều khẳng định đến thế kỷ XVIII – XIX, văn học chứng kiến sự vận động có tính hệ thống trong ý thức nhà văn, nhà thơ. Sự vận động này diễn ra một cách mạnh mẽ với nhiều khía cạnh ngổn ngang, chính vì thế một công trình nghiên cứu chuyên sâu về ý thức nghệ thuật trong văn học giai đoạn hậu kỳ vẫn là hết sức cần thiết.

Tuy khó lòng bao quát hết toàn bộ tài liệu nhưng chúng ta vẫn quan sát được tình hình nghiên cứu trên đại thể. Các góc độ tiếp cận ngày càng mở rộng từ xã hội học đến mỹ học, từ đồng đại đến lịch đại, từ việc vận dụng các khái niệm của lý luận hiện đại trong nghiên cứu đến tìm hiểu, khôi phục lại ý nghĩa các phạm trù,


khái niệm theo tư tưởng người xưa. Đó là cơ sở gợi ý cho chúng tôi cố gắng suy nghĩ tiếp về những biến đổi trong ý thức sáng tác và tiếp nhận, về các nguyên tắc trong sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật của văn học giai đoạn. Việc xây dựng một cái nhìn tổng thể về sự di chuyển, cụ thể hóa của ý thức nghệ thuật vào tác phẩm có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Nó sẽ giúp lý giải một cách thấu đáo hơn nguyên nhân phía sau sự xuất hiện của những hiện tượng mới trong vận học, nhờ đó làm cho diện mạo và quy luật vận động của văn học giai đoạn được nhận thức rõ ràng hơn.

Kế thừa các nhà nghiên cứu đi trước, chúng tôi theo đuổi định hướng nghiên cứu tiến trình vận động của văn học thế kỷ XVIII – XIX từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác. Bằng cách kết hợp lý luận phương Tây và lý luận phương Đông, chúng tôi hy vọng có thể vận dụng một mô hình lý thuyết khác để nghiên cứu tiến trình vận động của văn học trung đại. Trên cơ sở tìm hiểu ý thức nghệ thuật và sự vận động của ý thức nghệ thuật từ giai đoạn trung kỳ sang hậu kỳ, chúng tôi sẽ cố gắng soi chiếu và khám phá sâu hơn những phương diện cơ bản làm nên đặc trưng của văn học giai đoạn.

3. Mục đích nghiên cứu

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

Đề tài nghiên cứu một cách toàn diện những phương diện biểu hiện của ý thức nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX trong tương quan với văn học giai đoạn trước. Cụ thể là chúng tôi sẽ tập trung vào các mục đích chủ yếu sau đây:

- Dẫn nhập khái niệm ý thức nghệ thuật, mối quan hệ giữa sự vận động của ý thức nghệ thuật và sự vận động của văn học, phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến sự vận động của ý thức nghệ thuật.

Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 4

- Sưu tầm, tổng hợp, phân loại tư liệu, lấy đó làm cơ sở khảo sát sự vận động của ý thức nghệ thuật trên một số phương diện cốt yếu.

- Làm rõ sự thể hiện của ý thức nghệ thuật trong thực tiễn sáng tác.

- Cuối cùng đi đến chỉ ra quy luật vận động của văn học giai đoạn.


4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Nghiên cứu về ý thức nghệ thuật thực chất là khảo sát biểu hiện của ý thức nghệ thuật trong lý luận phê bình và thực tiễn sáng tác, trên các phương diện chức năng nghệ thuật, chất liệu nghệ thuật và cấu trúc nghệ thuật.

4.2. Phạm vi tư liệu phục vụ cho công việc nghiên cứu chỉ thuộc lĩnh vực văn học, không bao gồm tư liệu thuộc các loại hình nghệ thuật khác như tuồng, chèo,v.v.

Phạm vi tư liệu đa dạng, gồm có:

Các tác phẩm lý luận, phê bình, nghiên cứu (theo kiểu trung đại) như bộ Vân đài loại ngữ (Lê Quý Đôn), Mân hành thi thoại (Lý Văn Phức), Thương Sơn thi thoại (Tùng Thiện Vương Miên Thẩm)...

Các bài tựa, bạt, lời bình, các cuộc nói chuyện thơ, thư từ trao đổi về các vấn đề văn học.

Các bài thơ, phú, lời dẫn trước tác phẩm, các bài ký, văn bia... Những bài thơ luận về thơ (luận thi thi).

Thực tiễn sáng tác thế kỷ XVIII – XIX.

5. Phương pháp nghiên cứu

Xuất phát từ yêu cầu của bản thân đối tượng nghiên cứu và theo mục đích của luận án, chúng tôi lựa chọn vận dụng phương pháp nghiên cứu liên ngành.

- Phương pháp lịch sử - cụ thể: hướng đến việc tìm hiểu hoàn cảnh lịch sử xã hội, môi trường văn hóa, tư tưởng chung của thời đại, mối liên hệ giữa chúng với những đặc điểm mới của ý thức nghệ thuật trong văn học giai đoạn hậu kỳ.

- Phương pháp cấu trúc – hệ thống: giúp nhìn văn học thế kỷ XVIII – XIX như một chỉnh thể thống nhất giữa ý thức nghệ thuật và thực tiễn sáng tác, từ đó phân tích, lý giải mối liên hệ giữa chúng.

- Phương pháp phân tích, tổng hợp: giúp đưa ra những căn cứ, nhận định xác thực để đi đến kết luận về sự vận động của ý thức nghệ thuật.

- Phương pháp so sánh: giúp làm rõ ý thức nghệ thuật trong văn học giai đoạn hậu kỳ đã thay đổi như thế nào so với văn học các giai đoạn trước. Khi cần tìm


hiểu sâu hơn về quy luật vận động của ý thức nghệ thuật, chúng tôi có thể đối chiếu văn học Việt Nam với văn học nước ngoài.

- Hướng nghiên cứu mĩ học, lý thuyết tiếp nhận, ngôn ngữ học xã hội, phương pháp phân tích diễn ngôn được sử dụng kết hợp giúp khám phá trọn vẹn các phương diện của ý thức nghệ thuật. Mĩ học giúp lý giải quan niệm về cái đẹp. Lý thuyết tiếp nhận giúp nghiên cứu cách đọc. Phân tích diễn ngôn chỉ ra sự biến đổi của cấu trúc thể loại. Các khái niệm của ngôn ngữ học xã hội như song thể ngữ, dạng thức ngôn ngữ cho thấy sự vận động của ngôn ngữ văn học trong mối liên hệ với văn hóa, các nhóm xã hội.

- Thao tác thống kê, phân loại.

6. Đóng góp của luận án

Luận án vận dụng kết hợp lý thuyết phương Tây và lý luận phương Đông để khảo sát một cách hệ thống các phương diện của ý thức nghệ thuật, từ đó góp phần khái quát đặc điểm của một giai đoạn văn học phức tạp như giai đoạn hậu kỳ. Luận án cũng góp phần lý giải sự vận động của văn học trung đại Việt Nam từ giai đoạn trung kỳ sang hậu kỳ. Cụ thể, luận án giải quyết được một số vấn đề sau đây:

Luận án phân tích bối cảnh lịch sử, xã hội, văn hóa, tư tưởng, những nhân tố tác động đến sự vận động ý thức nghệ thuật.

Luận án nghiên cứu các phương diện biểu hiện của ý thức nghệ thuật trong văn học thế kỷ XVIII – XIX từ lý luận phê bình đến thực tiễn sáng tác. Các phương diện này bao gồm: chức năng nghệ thuật, chất liệu nghệ thuật và cấu trúc nghệ thuật. Các vấn đề liên quan đến ba phương diện trên như sự vận động của ý thức về hiện thực trong văn học, ý thức mới về sáng tác và tiếp nhận văn học cũng được khảo sát, phân tích, lý giải.

Luận án bước đầu đã chú ý phân tích ý thức nghệ thuật của văn học trung đại Việt Nam giai đoạn hậu kỳ trong bối cảnh văn học Đông Á.

Kết quả của luận án có thể dùng làm tài liệu tham khảo cho công tác nghiên cứu và giảng dạy văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX.


7. Cấu trúc luận án

Ngoài những phần quy định chung, luận án được trình bày thành ba chương, trong đó chương 1 đặt cơ sở cho việc nghiên cứu đối tượng, chương 2 và chương 3 triển khai theo các phương diện biểu hiện của ý thức nghệ thuật:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc nghiên cứu đối tượng

Chương 1 trình bày khái niệm ý thức nghệ thuật, các phương diện biểu hiện của ý thức nghệ thuật, sự vận động của ý thức nghệ thuật và sự vận động của văn học, khẳng định tính khả thủ và triển vọng của việc nghiên cứu đối tượng. Ngoài ra, chương 1 còn phân tích, lý giải các nhân tố thúc đẩy sự vận động của ý thức nghệ thuật trong văn học trung đại Việt Nam giai đoạn hậu kỳ.

Chương 2: Sự vận động trong ý thức về chức năng nghệ thuật của văn học

Chương 2 giải quyết những vấn đề có liên quan đến sự vận động trong ý thức về chức năng nghệ thuật của văn học giai đoạn hậu kỳ. Sự vận động của ý thức về mối quan hệ giữa hiện thực và văn học, ý thức về mối quan hệ tác giả, tác phẩm và độc giả được trình bày như là cơ sở làm cho các chức năng nghệ thuật của văn học thế kỷ XVIII – XIX thay đổi. Sự xuất hiện của chức năng nghệ thuật mới gắn liền với khuynh hướng văn học “duy cảm”, “duy tình”.

Chương 3: Sự vận động về chất liệu và cấu trúc nghệ thuật trong thực tiễn sáng tác văn học

Chương 3 khảo sát hai phương diện là chất liệu nghệ thuật và cấu trúc nghệ thuật qua thực tiễn sáng tác văn học thế kỷ XVIII – XIX. Chất liệu nghệ thuật và cấu trúc nghệ thuật bao gồm rất nhiều vấn đề. Chương 3 tập trung vào ba vấn đề trọng tâm là ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật và thể loại.


CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU ĐỐI TƯỢNG‌

1.1. Ý thức nghệ thuật và sự vận động của ý thức nghệ thuật

1.1.1. Khái niệm ý thức nghệ thuật

Ý thức nghệ thuật là một khái niệm rộng. Mỗi lý thuyết văn học khác nhau sẽ đề cập đến một hoặc một vài phương diện liên quan đến ý thức nghệ thuật. Luận án chỉ giới hạn tìm hiểu khái niệm này trong phạm vi văn học, không mở rộng sang những loại hình nghệ thuật khác.

Lý thuyết phản ánh khi tập trung vào mối quan hệ giữa tác phẩm và thực tại đồng thời cũng nhấn mạnh đến quá trình sáng tạo của nhà văn. Nghệ thuật được quan niệm “là một trong những dạng của ý thức xã hội và văn hóa tinh thần” [175, tr.7]. Hoạt động của nhà văn là hoạt động mang tính ý thức. G.N.Pôxpêlôp trong Những vấn đề lịch sử văn học chỉ ra rằng trong cả ba chủng loại văn học tự sự, trữ tình và kịch đều chứa đựng “sự thống nhất nhận thức của tác giả về “khách thể” tức là sự phản ánh những bản chất đặc trưng vật chất hay tinh thần của hiện thực và về “chủ thể” tức là sự hiểu biết và đánh giá mang tính tư tưởng về phía tác giả” [164]. Bằng cách dẫn lại ý kiến của A.A.Sakhốp, G.N.Pôxpêlôp bày tỏ sự tán thành với cách lý giải của nhà nghiên cứu lịch sử văn học người Tây Âu về quá trình ra đời của một quy tắc văn học mới:

“Bất kỳ quy tắc văn học nào thì sự ra đời của nó cũng mang một quá trình tương tự thế này: thoạt đầu thì các quan niệm và tư tưởng mới được nêu lên trong xã hội đẩy lùi các quan niệm cũ, sau đó các quan niệm chung ấy, thế giới quan mới đó trở thành nội dung thơ ca; cuối cùng – trên cơ sở các sản phẩm thi ca, lý luận các thủ pháp văn học và kỹ thuật nghệ thuật được xây dựng, các nhà văn theo đó mà đưa đến sự xuất hiện những hình thức khác của đời sống xã hội.” [164]

Tâm lý học hoặc phân tâm học tuy tiếp cận văn học từ góc độ khác xã hội học nhưng chúng gặp gỡ nhau ở thái độ phủ nhận tính tự trị (autonomous) của tác


phẩm văn chương, xem văn chương như là sự biểu thị những quy tắc bên ngoài nó có liên quan đến tâm lý, xã hội hoặc thậm chí tư tưởng nhân loại.

Với tác giả trung đại, con đường sáng tác bắt đầu từ việc học tập về các quy tắc văn học được cho là mẫu mực. Cho nên, ý thức nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ là một phương diện có ý nghĩa đối với nghiên cứu.

Ngược lại, các lý thuyết như thi pháp học, tự sự học, kí hiệu học tập trung vào văn bản với mục đích đi tìm cấu trúc và chức năng của văn bản. Tiến trình vận động của văn học được lý giải từ chính bản thân văn học. Sự tiến triển của văn học nảy sinh từ cuộc chiến vô tận chống lại sự tự động hóa, chống lại cái được tạo ra từ kinh nghiệm lặp đi lặp lại và trở nên nhạt nhẽo. Như vậy, xét đến cùng, phía dưới bề mặt ngôn từ của văn bản vẫn có sự hiện diện của ý thức nghệ thuật. I.U.Lotman nhận định trong tác phẩm văn học có sự hiện diện của các . Các mã ấy được đặt vào hệ thống tri giác của độc giả, ảnh hưởng đến việc xác định ý nghĩa của một văn bản nghệ thuật:

“Khi đặt vào tác phẩm nghệ thuật cả một trật tự các mã bổ sung: mã thời đại, mã thể loại, mã phong cách, hoạt động trong tập thể toàn dân tộc hay nhóm người hẹp hơn (cho đến các cá nhân), chúng ta thu được trong văn bản những tập hợp có nghĩa khác nhau nhất, và tất nhiên một trật tự phức tạp nhất các lớp nghĩa bổ sung so với văn bản phi nghệ thuật.” (Kí hiệu học văn hóa) [119, tr.365]

Bàn về tiến trình văn học, M.Bakhtin nhấn mạnh vai trò chủ chốt của thể loại: “Đằng sau cái mặt ngoài sặc sỡ và đầy tạp âm ồn ào của tiến trình văn học, người ta không nhận thấy vận mệnh to lớn và cơ bản của văn học và ngôn ngữ, mà những nhân vật chính nơi đây trước hết là các thể loại, còn trào lưu, trường phái chỉ là những nhân vật hạng nhì và hạng ba” (Lý luận và thi pháp tiểu thuyết) [11, tr.28]. Trong các thể loại, tiểu thuyết trở thành chủ đạo bởi vì “đặc điểm phong cách học thứ nhất của tiểu thuyết gắn với tính đa ngữ tích cực của thế giới mới, văn hóa mới và ý thức sáng tạo văn học mới” [11, tr.33]. Các thể loại còn lại sẽ bị thu hút vào tiểu thuyết: “toàn bộ văn học nhiều phen bị cuốn vào quá trình biến đổi và như nhiễm một thứ tinh thần phê phán thể loại” [11, tr.25]. Từ lập luận của M.Bakhtin,


chúng ta hiểu rằng tác phẩm văn học không chỉ phản ánh những quy định, đặc điểm thể loại mà chúng còn làm biến đổi ý thức thể loại. Ý thức thể loại được biến đổi trở thành cơ sở cho sự ra đời của tác phẩm kế tiếp, và cứ theo một vòng tròn hình xoắn ốc như vậy, văn học đi mãi trên con đường tiến hóa của nó.

Cũng theo M.Bakhtin, ý thức thể loại không chỉ nằm trên bề mặt văn bản, biểu lộ qua nội dung mà bản thân cấu trúc tác phẩm là cấu trúc mang nghĩa. Trong phạm vi hiểu biết của mình, chúng tôi được biết đến công trình Một ngụ ngôn của hình thức: Sự tự ý thức văn học trong tác phẩm “Mười ngày” (An Allegory of Form: Literary Self-Consciousness in the “Decameron”) của Millicent Joy Marcus. Đây là công trình nghiên cứu lấy quan điểm của M.Bakhtin về thể loại làm cơ sở. M.J.Marcus tin rằng chiến lược kể của G.Boccaccio mang nghĩa. Tác giả của cuốn Mười ngày đã cho người đọc thấy tính không ổn định của tiểu thuyết, buộc họ phải tự kết dính những điều lộn xộn, khó nắm bắt để tìm ra ý nghĩa của tác phẩm. Chính cấu trúc tác phẩm chứ không phải nội dung hay những bài học đạo đức mới là yếu tố làm thay đổi ý thức của người đọc về tiểu thuyết.

Lý thuyết tiếp nhận nhấn mạnh vào mối quan hệ giữa tác phẩm và người đọc, quan niệm người đọc là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của văn học. Xuất phát từ luận điểm tác phẩm chỉ hình thành khi nó được tiếp nhận bởi người đọc, H.R.Jauss trong công trình Lịch sử văn học như là sự khiêu khích đối với khoa học văn học (1970) cho rằng lịch sử văn học phải bao gồm cả lịch sử tiếp nhận của người đọc. Lịch sử văn học không phải dựa trên một số đặc điểm quan trọng vốn được xem là bất biến của tác phẩm mà dựa trên cách người đọc tiếp nhận văn bản, là lịch sử của những cách đọc. Nhưng ngay cả khi tiếp cận văn học từ góc nhìn này, các nhà nghiên cứu vẫn phải đi tìm đáp án cho câu hỏi điều gì đã chi phối cách đọc của độc giả. Những khái niệm như chân trời đón đợi, khoảng cách thẩm mỹ, cộng đồng diễn giải... đều hướng đến việc tìm ra một cách giải thích hợp lý về sự đọc. Chân trời đón đợi, còn được dịch là tầm đón đợi, tầm đón nhận, là thuật ngữ được H.R.Jauss tiếp thu từ tác phẩm Con người và xã hội trong thời kỳ xây dựng lại của K.Mannheim. Ở Việt Nam, khái niệm trên được tiếp thu và vận dụng theo nhiều

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023