Trước sự biến chuyển của đô thị, thái độ của nho sĩ Đàng Ngoài và Đàng Trong có khác biệt. Quan niệm cởi mở về tự do thương mại ở Đàng Trong đưa đến cách ứng xử với đô thị khác với Đàng Ngoài.
Các tài liệu lịch sử chỉ ra Đàng Trong ra đời đúng vào một “thời đại thương nghiệp”. Quan trọng hơn, các chúa Nguyễn trên đường Nam tiến phải đương đầu với nhiều khó khăn, từ thiếu nhân lực đến thiếu tiền của, không có sẵn các mối quan hệ với bên ngoài. Họ Trịnh ở Đàng Ngoài lại là mối đe dọa lớn. Chịu tác động bởi hoàn cảnh, các chúa Nguyễn bất chấp vi phạm một số nguyên tắc Nho giáo, áp dụng mọi cách thức, lợi dụng mọi thế mạnh họ có để phát triển nội lực, bảo vệ vùng đất mới. Lần đầu tiên, Đào Duy Từ, con nhà phường chèo được trọng dụng và trở thành đệ nhất khai quốc công thần. Lần đầu tiên, một nhà nước Việt Nam sử dụng người Hoa và người Nhật trong việc cai trị3 và dành chỗ cho người phương Tây tại triều đình, dù với vai trò thầy thuốc hay cố vấn khoa học4. Các chúa Nguyễn vào buổi đầu cũng phải tạm gác sang một bên điều tất cả các triều đại Việt Nam từng hạn chế, cho phép phát triển thương mại một cách tự do. Nền tảng kinh tế đã vạch một lằn
3 Có nhiều minh chứng lịch sử cho vấn đề này. Chẳng hạn, Mạc Cửu (1655 - 1735), người có công xây dựng, hình thành vùng đất Hà Tiên, là một thương gia người Hoa. Năm 1708, ông xin thần phục chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu chấp nhận, ban cho Mạc Cửu làm Tổng trấn Hà Tiên và phong tước là Cửu Ngọc Hầu (theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức).
Hoặc như theo ghi chép của Charles B. Maybon trong Những người châu Âu ở nước An Nam, ở Hội An “có hai thành phố riêng, một của người Trung Quốc, một của người Nhật Bản. Họ có quan Tổng trấn riêng và sinh sống theo kiểu của mình. Hoa kiều theo luật pháp và phong tục riêng của Trung Quốc, Nhật kiều theo luật pháp và phong tục Nhật Bản”. [131, tr.33]
4 Khi nghiên cứu tư liệu về các đoàn truyền giáo ở Đàng Trong thế kỷ XVIII, Charles B. Maybon nhắc đến việc các chúa Nguyễn lưu giữ các giáo sĩ phương Tây ở bên cạnh:
“Trong khi họ Trịnh có vẻ không bao giờ được nhận thức một cách nghiêm túc việc những giáo sĩ là những người đại diện cho khoa học phương Tây; thì ngay từ năm 1686, người ta đã thấy Hiền Vương hăm dọa đòi Viện nguyên lão Macao phải trả lại người thầy thuốc của ngài là cha Bartholomeu da Costa. Vào cuối thế kỷ XVII, Minh Vương đã giữ lại bên mình cha Antonio de Arnedo với tư cách là nhà toán học. Năm 1724, ông có chung quanh mình ba thầy dòng Tên: cha Sanna, cha Pires và cha De Lima. Võ Vương đã giữ cha Neugebauer làm nhà toán học kiêm nhà thiên văn, cha Siebert làm ngự y…” [131, tr.80]
ranh rõ rệt giữa chính quyền Đàng Trong và tất cả các triều đại khác có nền kinh tế gắn chặt với nông nghiệp ở Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm!
- Cơ Sở Lý Luận Và Thực Tiễn Của Việc Nghiên Cứu Đối Tượng
- Những Phương Diện Biểu Hiện Của Ý Thức Nghệ Thuật
- Các Tác Nhân Của Sự Vận Động Ý Thức Nghệ Thuật Trong Văn Học Thế Kỷ Xviii – Xix
- Sự Ảnh Hưởng Của Văn Học Trung Quốc
- Tính Khả Thủ Và Triển Vọng Của Việc Nghiên Cứu Đối Tượng
- Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 10
Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.
Song hành với sự phát triển của thương nghiệp là sự hình thành của những đô thị sầm uất. Vào thế kỷ XVIII, Đàng Trong chuyển từ một nơi trao đổi hàng hóa thành thị trường tiêu thụ [113]. Ở xứ sở này, con người hưởng thụ vật chất xa hoa như một điều hiển nhiên. Lê Quý Đôn đã hết sức kinh ngạc khi ông mô tả lại điều đó trong Phủ biên tạp lục:
“Thuận Hóa được bình yên đã lâu, công tư đều dồi dào, mặc dùng tươi đẹp, lại trải qua thời Nguyễn Phúc Khoát hào phóng bắt chước nhau, làm thành thói quen, quan viên lớn nhỏ không ai là không nhà cửa chạm gọt, tường vách gạch đá, the màn trướng đoạn, đồ đạc đồng thau, bàn ghế gỗ đàn, gỗ trắc, chén mâm sứ, đồ hoa, yên cương vàng bạc, y phục gấm vóc, chiếu đệm mây hoa, phú quý phong lưu, đua nhau khoe đẹp. Những sắc mục ở dân gian cũng mặc áo đoạn hoa bát ty và áo sa, lương, địa làm đồ mặc ra vào thường, lấy vải áo mộc làm hổ thẹn. Binh sĩ đều ngồi chiếu mây, dựa quả tựa hoa, ôm lò hương cổ, hãm chè hảo hạng, uống chén sứ bịt bạc và nhổ ống nhổ thau, đĩa bát ăn uống thì không cái gì là không phải hàng Bắc, một bữa cơm ba bát lớn. Đàn bà con gái đều mặc áo the và hàng hoa, thêu hoa ở cổ tròn. Coi vàng bạc như cát, thóc gạo như bùn, rất mực xa xỉ” [44, tr. 430].
Đàng Trong là một vùng đất mới. Vì thế, không gian nơi đây mang tính chất “mềm”, dễ dàng tiếp nhận những điều mới mẻ, thậm chí kỳ lạ, với ít sự phán xét hơn Đàng Ngoài. Theo lời kể của Cristophoro Borri, người Ý đến Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII, ông đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu chưa từng có:
“Tất cả các nước phương Đông đều cho người Châu Âu là những kẻ xa lạ và dĩ nhiên họ ghét mặt đến nỗi khi chúng ta vào lãnh thổ họ thì tất cả đều bỏ trốn. Thế nhưng trái lại ở xứ Đàng Trong, họ đua nhau đến gần chúng ta, trao đổi với chúng ta trăm nghìn thứ, họ mời chúng ta dùng cơm với họ. Tóm lại, họ rất xã giao, lịch sự và thân mật đối với chúng ta. Điều này đã xảy ra với tôi và các đồng sự của tôi, khi lần đầu tiên chúng tôi vào xứ này, người ta đã coi chúng tôi như những người bạn rất thân và như thể người ta đã quen biết chúng tôi từ lâu” [16, tr.112].
Ở Đàng Ngoài, qua tác phẩm của nho sĩ Bắc hà, kinh thành Thăng Long là biểu tượng của nếp sinh hoạt phong nhã hoặc của quá khứ vàng son. Kinh thành cũng là không gian gắn liền với chính trị và quyền lực đế vương, đối lập với không gian sơn thủy hàm ẩn ý nghĩa nhàn dật. Hoặc cũng có khi, thành thị hiện lên với những góc tối, là nơi lưu lạc của dân nghèo. Đấy là bức tranh các nhà nho ghi lại để cảnh tỉnh nhà vua:
Phầu nhạn ưu đạo lương Sinh dân vị y thực
Tân khổ thị tứ nhân, Ngật ngật bất hoàng tức.
(Độ Thiên Đức giang – Lê Quý Đôn) (Chim mòng chim nhạn mưu tính tìm hạt lúa hạt kê,
Mà nhân dân thì vì miếng cơm manh áo. Cay đắng thay người dân nghèo thành thị,
Long đong lật đật chẳng được rỗi rãi nghỉ ngơi.)
(Qua sông Thiên Đức) [184, tr.21] Không phủ nhận văn hóa đô thị có sức ảnh hưởng lớn đối với văn học Đàng
Ngoài song cái nhìn có phần khinh thị đối với thương nghiệp và thương gia – nhân tố làm nên sự phồn thịnh của đô thị – luôn ăn sâu bám rễ trong tư tưởng kẻ sĩ Bắc hà. Tác phẩm văn học khi tái hiện đô thị thường né tránh đi sâu vào các sinh hoạt mua bán. “Chợ” tồn tại như một ký hiệu mang tính biểu tượng hơn là đối tượng thẩm mỹ chính của sự miêu tả. Trong tứ dân, sĩ giữ vị trí đứng đầu bất biến: “Trong bốn hạng người chỉ có sĩ là quý nhất, nông là thứ hai, còn công với thương là mạt nghệ, quân tử không nói đến.” (Nhân ảnh vấn đáp ký – Ngô Thì Trí) [121, tr.628]
Tình hình cởi mở hơn hẳn ở Đàng Trong. Nét sầm uất nhờ tự do thương mại ở thành thị được miêu tả một cách hồn nhiên:
Ngói lợp vẩy lân, phố thương khách tòa ngang dãy dọc; Hiên che cánh én, nhà quan dân hàng vắn hàng dài.
…
Hoặc:
Trước phố phường bày hàng bày hóa; Sau nhà quê trồng bắp trồng khoai.
Đồn tiếng Nam Chân thì đã phải, ghe đen mũi, ghe vàng mũi vào ra coi lòa nước;
Người phương Đông qua lại, tàu xanh mang, tàu đỏ mang, hàng hóa chất ngất trời.
(Gia Định phong cảnh vịnh – Khuyết danh) [103, tr.26]
Phải chăng đã chính xác khi gọi những biểu hiện này là “bất quy phạm” vì ở đây vốn không có quy phạm nào của Nho giáo được quan tâm? Ngoài ra, có những vấn đề xoay quanh đồng tiền là mâu thuẫn lớn xuất hiện trong tác phẩm của nho sĩ Bắc hà lại không được đề cập đến trong tác phẩm của lớp nho sĩ Đàng Trong. Nhà nho như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát, Trần Tế Xương… bị ám ảnh với nỗi nhục vì nghèo, song ở các mức độ khác nhau họ đều từ chối làm việc và kiếm tiền như một người lao động bình dân. Hoài bão của họ lớn lao hơn. Chí khí của họ chống lại mọi thỏa hiệp với đồng tiền. Nỗi day dứt của họ phản ánh cuộc giằng co giữa Nho học đang lụi tàn và ý thức cá nhân đang trên đà bung phát mạnh mẽ. Ngược lại, Nguyễn Đình Chiểu tạo nên sự thống nhất cao độ khi kết hợp biện chứng giữa cả ba tư cách: “Bậc trí giả – Bậc ẩn giả – Người lao động” ở hình tượng nhân vật ông Quán, ông Ngư, ông Tiều trong truyện thơ đầu tay Lục Vân Tiên. Với tư cách của một Nho sĩ, họ có tài trị nước an dân, ôm tài kinh luân, chí hướng cứu đời. Nhưng khi thời thế đảo điên, để bảo vệ tư cách của người Nho sĩ, Quán, Ngư, Tiều lui về ở ẩn. Và, thế là, họ có tư cách thứ hai, tư cách của người ẩn sĩ. Nhưng là người ở ẩn, họ lại không trốn, không lẩn, không đắp tai cài trốc đoạn tuyệt với thanh âm sôi nổi của cuộc sống. Còn với tư cách người lao động, họ kiếm sống bằng chính sức lao động của mình. Đặc biệt, ông Quán trong Lục Vân Tiên còn chọn công việc bán cơm – một công việc chẳng gợi nên bất cứ liên tưởng nào với người nho sĩ – ẩn sĩ. Thế mà, ông vẫn tự hào vì đấy là để được ung dung, tự do cả về thể xác lẫn tinh thần. Loại nhân vật ẩn sĩ độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu có
nguồn gốc từ chính tình hình Đàng Trong, nơi mà người ta có nhiều tự do hơn để lựa chọn phương thức sống của mình. Tính năng động, linh hoạt cùng với chủ trương tự do thương mại của các chúa Nguyễn trong thời kỳ đầu đã tạo thành tính chất mềm dẻo cho văn hóa Đàng Trong. Điều đó sẽ chi phối văn học, khiến văn học Đàng Trong và về sau văn học Nam Bộ là một dòng riêng trong nguồn chung văn học dân tộc.
1.2.3. Bối cảnh tư tưởng
Nho giáo, Phật giáo, Đạo giáo là ba học thuyết chính tạo thành hệ thống tư tưởng nền tảng của văn học trung đại. Thế kỷ XVIII – XIX, Nho giáo ở Việt Nam mặc dù không chia thành các trường phái lớn như Nho giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên nhưng về cơ bản vẫn có hai khuynh hướng: khuynh hướng nghiên cứu kinh điển và khuynh hướng thực học.
Khuynh hướng nghiên cứu kinh điển bắt đầu từ sớm với Chu Văn An, Hồ Quý Ly... Sau thời Lê Trung hưng, Nho giáo ngày càng suy thoái trong bối cảnh chính trị rối ren. Kẻ sĩ nhà Lê biến đổi ba lần, như nhận xét của Lê Quý Đôn, đã mất đi khí tiết ban đầu:
“Từ năm Đoan Khánh trở về sau, lời bàn luận thanh cao ít hẳn, thói cầu cạnh ngày một mạnh, kẻ có chức vị ít ai còn giữ được phong thái thanh liêm nhún nhường. […]. Nết xấu của kẻ sĩ không thời nào thậm tệ bằng thời này. Thói tệ ấy biến hóa đến mức không còn lời nào có thể nói hết được” [224, tr.20].
Nhà nho xoáy sâu vào việc chú giải, bàn luận về kinh điển nhằm chấn hưng đạo học. Có thể kể đến một vài bậc danh nho thuộc khuynh hướng này như:
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) người huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, từng học với Nguyễn Nghiễm (cha của thi hào Nguyễn Du). Sau khi thi Hương, ông không dự thi Hội mà ở nhà, chuyên tâm nghiên cứu sách Chu Tử. Hoàng Xuân Hãn phân tích nhiều tài liệu để đi đến kết luận lựa chọn của Nguyễn Thiếp không chỉ liên quan đến thời cuộc mà chủ yếu có quan hệ với hứng thú riêng của La Sơn phu tử. Nguyễn Thiếp bình sinh không hứng thú với việc làm quan, chỉ “muốn theo đòi các bậc Trình, Chu ngẫm nghĩ cho đạt nghĩa cao sâu của Khổng
giáo” [67, tr.67]. Ông thể hiện sự tán dương với Chu Tử học qua các bài thơ Đọc sách Tính lý (Tính lý đại toàn của Hồ Quảng thời Minh, sang Việt Nam được Bùi Huy Bích tóm gọn lại thành Tính lý tiết yếu), Tứ thư đại toàn, Tán tượng Chu Tử.
Lê Quý Đôn (1726 - 1784) người làng Diên Hà, huyện Diên Hà (Thái Bình). Năm 29 tuổi, ông đỗ Nhất giáp tiến sĩ, tên đứng thứ hai khoa Nhâm Thân năm Cảnh Hưng thứ 13 (1752). Lê Quý Đôn là một nhà nghiên cứu kinh điển mẫu mực của lịch sử Nho học Việt Nam. Những hệ học vấn mà Lê Quý Đôn xem xét rất đa dạng, bao gồm: Kinh học (phương pháp giải thích kinh điển), Dịch học, Khoa cử học, Thuật số học, Từ chương học,v.v. Ông để lại một khối lượng trước tác đồ sộ thể hiện tầm nhìn bao quát và sâu sắc về hệ thống lý thuyết Nho giáo, bao gồm Dịch kinh phu thuyết (Lời bàn nông nổi về Kinh Dịch), Thư kinh diễn nghĩa (Giảng nghĩa Kinh Thư), Xuân thu lược luận (Bàn tóm lược về Kinh Xuân thu), Quần thư khảo biện (Xét bàn các sách), Thánh mô hiền phạm lục (Chép về mẫu mực của các bậc thánh hiền), Vân Đài loại ngữ (Lời nói, chia ra từng loại, ở gác Vân Đài),v.v.
Phạm Nguyễn Du (1739 - 1786) quê ở Nghệ An. Năm 1773, ông dự thi Hương, đỗ Giải nguyên. Năm 1779, ông đỗ Hội nguyên (Hoàng giáp). “Lúc còn trẻ, văn chương ông đã có tiếng là khí chất lỗi lạc cao vượt hơn đời. Năm Cảnh Hưng 36 (1775), do thế gia vọng tộc, được tiến triều làm Thiêm sai tri hình phiên. Sau khi đỗ, ông giảng minh Lý học, ra sức nghiên cứu, viết sách Luận ngữ ngu án. Xếp thứ tự trước sau trong sách Luận ngữ chia làm 4 mục: Thánh, Học, Sĩ, Chính, mục nào cũng có điều lý phân minh. Ông lại có tập Thạch Ðộng thi văn sao truyền ở đời...” [114, tr.316].
Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) người Thanh Oai, Hà Đông, thi đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng 36 (1775) đời vua Lê Hiển Tông. Ông so sánh Kinh Xuân thu với Tả truyện, bàn về vấn đề “lý” của Tống Nho trong Xuân thu quản kiến. Ông còn bàn về Phật giáo, dùng Nho giải thích Phật, dung hợp triết lý Phật giáo vào Nho giáo qua Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
Kế thừa Tính lý học, các nhà nho Việt Nam chú ý đến khái niệm “lý” và “khí”. Lê Quý Đôn trong Vân Đài loại ngữ dành 54 đoạn của chương đầu tiên bàn
về “lý” và “khí”. “Khí là khởi sinh của vạn vật: “Thái cực là một, là một khí hỗn nguyên. Từ số một sinh ra hai, hai sinh ra bốn, thành ra vạn vật; thế là thái cực vốn có một” [46, tr.53]. “Lý” thể hiện quy luật vận hành của vạn vật, là biểu hiện của “khí”:
“Đầy dẫy trong khoảng trời đất đều là khí cả. Còn chữ “lý” thì chỉ để mà nói rằng đó là cái gì thực hữu, chứ không phải hư vô. Lý không có hình tích, nhân khí mà hiện ra. Vậy lý tức ở trong khí. Âm, dương, cơ, ngẫu (lẻ, chẵn), tri và hành, thể và dụng, có thể đối nhau mà nói; còn như lý và khí thì không thể đối nhau mà nói được”[46, tr.53].
“Lý” và “khí” vừa dùng để lý giải vũ trụ vừa là căn cứ để xây dựng mối quan hệ giữa cá nhân với tự nhiên và xã hội. “Khí” là nguồn gốc của vạn vật nên trời, đất và người hợp nhất với nhau nhờ sự tương thông của “khí”:
“Lòng người bao la rộng rãi, trên thông cảm được trời đất, giữa trắc lượng được quỷ thần, dưới xét được muôn vật. Sự huyền diệu của khí, tản ra hình khí từ chỗ không ra chỗ có, từ chỗ có vào chỗ không, trong khoảng mờ mịt hay sáng tỏ đều là đạo cả. Lòng có ngay thẳng mới biết được đạo, mới thấy biết được cơ vi, thấy biết được cơ vi mới làm được mọi việc, làm nên được mọi việc mới thông đạt quyền biến. Người ta tạo ra vận mệnh chứ không phải vận mệnh tạo ra người. Cái lẽ trời với người hợp nhất chẳng qua như thế” [46, tr.63 - 64].
Đối với con người, điều quan trọng hơn cả là sự tu dưỡng đạo đức bên trong. Chỉ cần mỗi cá nhân có tấm lòng ngay thẳng, rộng mở (chính tâm) thì có thể hiểu biết sâu sắc về cái quy luật của vạn vật để rồi hiện thực hóa hiểu biết ấy vào những mặt hiện thực của cuộc sống. Trên cơ sở kế thừa Chu Tử học về vấn đề thiên lý và chính tâm, Lê Quý Đôn nhấn mạnh vai trò của con người. Về sau, Nguyễn Du thể hiện tinh thần chiến thắng vận mệnh ấy trong Truyện Kiều: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”.
Các nhà nho nghiên cứu kinh điển tập trung vào sách vở song không vì thế mà bỏ qua tính thực tiễn của lý luận về “lý” và “khí”. Mục đích cuối cùng họ hướng đến là xây dựng hình mẫu kẻ sĩ lý tưởng “bác văn ước lễ”, noi gương tiền hiền:
Tột bậc anh tài, Kín đáo ý hạnh.
Theo dõi Chu, Trình, Tôn sùng Khổng, Mạnh. Bác văn, ước lễ,
Chỉ lối người theo. Trời thu sáng láng, Thái Sơn cheo leo.
(Tán tượng Chu Tử – La Sơn phu tử)
(Bản dịch của Hoàng Xuân Hãn) [67, tr.68 - 69]
La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp trong Thư gửi vua Quang Trung khuyên nhà vua ba điều, trong đó điều thứ ba là luận về học pháp: “Ngọc không chuốc, không thành đồ; người không học, không biết đạo. Đạo là những lẽ thường để làm người. Kẻ đi học học điều ấy vậy. Nước Việt ta, từ khi lập quốc đến bây giờ, chính học lâu ngày mất. Người ta chỉ tranh nhau đua việc học tập từ chương, cầu công lợi và quên bẵng có cái giáo tam cương, ngũ thường. Chúa tầm thường, tôi nịnh hót. Quốc phá, gia vong; những tệ kia đều ở đó mà ra.” [67, tr.189]
Các nhà nho quan tâm đặc biệt đến việc nghiên cứu lịch sử nhằm tìm con đường thích hợp chấn hưng đạo học. Các tác phẩm nghiên cứu văn sử địa lần lượt ra đời: Vân Đài loại ngữ, Đại Việt thông sử, Kiến văn tiểu lục (Lê Quý Đôn), Lịch triều hiến chương loại chí (Phan Huy Chú), Hoàng Việt nhất thống dư địa chí (Lê Quang Định), Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quán triều Nguyễn), Đại Nam thực lục (tập thể các sử quan thời Minh Mạng và Thiệu Trị), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (Phan Thanh Giản là tổng tài (tức chủ biên)), Đại Nam liệt truyện (Quốc sử quán triều Nguyễn)… Nhiều tác phẩm khó phân định tách bạch giữa văn và sử như Nam triều công nghiệp diễn chí (Nguyễn Khoa Chiêm, thế kỷ XVII), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), Tang thương ngẫu lục (Phạm Đình Hổ, Nguyễn Án)…