viết cho Hoa tiên, ông bày tỏ sự khẳng định đối với nền văn chương quốc âm “của ta”:
“Như vậy, nếu chỉ coi quốc ngữ là quốc ngữ, thì hai cuốn truyện này không có cũng được, nhưng nếu còn cần phải tiến lên tìm cách làm cho rõ thế nào là văn chương của ta, thì các bạn yêu văn với ta nghĩ sao đây?” (Bài tựa chép sau truyện “Hoa tiên”) [116, tr.1685]
Việc chứng minh thơ Nôm đủ khả năng tham gia vào các nghi thức quan trọng của quốc gia cũng là một biểu hiện cho thấy ranh giới phân biệt vị thế cao – thấp giữa chữ Hán và chữ Nôm đã có phần nhạt hơn. Cuối thế kỷ XVII, chúa Trịnh Căn (1633 - 1709) dùng thơ Nôm vịnh đàn tế lễ Nam Giao, vịnh Văn Miếu. Lời dẫn trước chùm thơ Vịnh Văn Miếu cho thấy cách ứng xử bình đẳng của chúa Trịnh với chữ Nôm vốn thường bị coi là “nôm na mách qué”: “Ngửa trông ánh sáng của mặt trời, mặt trăng, mênh mang như nguồn suối chảy khắp. Lòng đạo bừng dậy, tứ thơ nảy sinh. Dường thấy mưa ngọt tuôn ra ở ao vàng, mây trôi lênh láng trên tầng Thượng phẩm. Bèn làm ra hai bài thơ đường luật, hai bài thơ quốc âm, đại để là hình dung đạo đức công nghiệp của thánh nhân.” [218, tr.497]
Thế kỷ XVIII, chúa Trịnh Cương (1709 - 1729) tiếp tục thể hiện suy nghĩ thơ Nôm có thể truyền tải nội dung cao quý:
Thư truyền tiếng ngọc đà vang nức, Thi xuống câu mầu chắp vững bền.
(Đáp hoài vọng thi) [218, tr.544]
Giai đoạn này còn xuất hiện nhiều tác giả lớn thành công ở cả hai bộ phận sáng tác chữ Hán và chữ Nôm như Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến... Nguyễn Du tâm niệm “Thôn ca sơ học tang ma ngữ” (Qua câu ca nơi thôn dã, học được lời ăn tiếng nói của nghề dâu gai) (Thanh minh ngẫu hứng), và ông “khách thể hóa” điều đó bằng cách đưa vào văn học bác học những chất liệu học tập được từ văn học dân gian. Nhiều công trình đã nghiên cứu ngôn ngữ, hình ảnh dân gian trong tác phẩm Nguyễn Du. Do dung lượng của luận án, chúng tôi không khảo sát sâu hơn, chỉ xin
giới thiệu một đoạn trích trong Thác lời trai phường nón để cho thấy rằng chất liệu bất quy phạm mà nhà thơ sử dụng in đậm dấu ấn của ca dao:
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Vận Động Trong Ý Thức Về Các Chức Năng Nghệ Thuật
- Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 15
- Sự Biến Đổi Về Ngôn Ngữ Nghệ Thuật
- Sự Biến Đổi Về Hình Tượng Nghệ Thuật
- Hình Tượng Nghệ Thuật Với Tính “Duy Mỹ”
- Hình Tượng Nghệ Thuật Với Tính “Dị Biệt”
Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.
Tiếc thay duyên Tấn phận Tần, Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa.
Chưa chi đông đã rạng ra,
Đến giờ hãy giận con gà chết toi.
Tím gan cho cái sao mai,
Thảo nào vác búa đánh trời cũng nên.
(Thác lời trai phường nón) [ 185, tr.300-301]
Nguyễn Huy Quýnh gửi lại Nguyễn Du một bài thơ, cũng học lấy hình ảnh “cơi trầu”, motif “khi lên – khi về”, “trông theo” từ ca dao:
Trời làm chi cực bấy trời,
Cơi trầu này để còn mời mọc ai?
Tím gan đổ hắt ra ngoài,
Trông theo truông Hống đò Cài biết đâu.
Khi lên để rối cho nhau,
Khi về trút một gánh sầu về ngay. [185, tr.302]
Trong phạm vi sự nghiệp sáng tác của một số tác giả như Nguyễn Đình Chiểu, Tú Xương, chữ Hán trở nên mờ nhạt, chữ Nôm trở thành chất liệu chính, cấu trúc song tồn Hán – Nôm hoàn toàn bị phá vỡ. Ngoài ra, chữ Nôm còn được dùng để truyền tải nội dung uyên áo của các tác phẩm kinh điển. Thế kỷ XVIII, phong trào diễn ca bằng quốc âm phát triển mạnh mẽ. Nguyễn Kiều (đỗ tiến sĩ năm 1715) “rất thích quốc âm”, hết mực đề cao giá trị nhận thức của ngôn ngữ dân tộc. Đặc biệt, ông lấy quốc âm diễn Kinh Dịch, mục đích để người học “nhờ đó mà hội ý để biết rõ những thuyết rộng rãi, kín đáo, sâu xa, khó hiểu” của Kinh Dịch [224, tr.74]. Nhìn chung, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, chữ Nôm không thua kém chữ Hán. Không thua kém không phải do số lượng tác phẩm vượt trội hơn mà là do bộ phận văn học chữ Nôm xuất hiện những tác phẩm đỉnh cao làm biến đổi tính chất của văn học giai đoạn.
Nguyên nhân thứ hai nảy sinh từ nhu cầu tự thân của văn học. Chữ Nôm ghi âm lại tiếng Việt, ngôn ngữ sinh động không ngừng biến hóa, là chất liệu tối cần thiết để người viết phát huy cá tính sáng tạo. Trí thức trung đại thường tự hào nước ta là “nước thơ”. Văn xuôi như kẻ đứng bên lề. Non mười thế kỷ, chúng ta chưa có văn xuôi quốc ngữ. Tư duy trên ngôn ngữ văn xuôi có điểm phân biệt nhất định với cách tư duy trên ngôn ngữ thơ. Thơ dẫu thành công rực rỡ đến thế nào cũng không thể bù đắp khoảng trống về văn xuôi. Lại Nguyên Ân so sánh: “Văn xuôi khai thác mạnh mẽ khả năng mô tả (tạo hình) của ngôn từ, cái khả năng nhờ vào ngữ nghĩa của các từ để − qua liên tưởng − khiến cho người đọc hình dung cụ thể như sờ thấy các sự vật, như tận mắt nom thấy các sự vật, cảnh huống, một khả năng mà thơ khó có thể sánh kịp” [8]. Trước khi có văn xuôi quốc ngữ, truyện thơ là thể loại có nhiều khả năng tái hiện lại ngôn ngữ đời thường nhất. Truyện thơ ở phía Nam tái hiện các đoạn đối thoại gần như bằng một thứ văn “thẳng đuột”. Nhân vật trong Song Tinh, Lục Vân Tiên dùng hệ thống đại từ xưng hô đa dạng, ví dụ: mẹ – con, cháu, tôi, anh – chú, chú – mày, chú – cháu, phu nhân, tiểu thư, anh – em (giữa nam và nữ), anh em bay, ta – ngươi, mi – tao, mụ nó, lão tặc, hạ quan, công công, đó – đây, qua – bậu,... Trong số đó, có những từ như anh em bay, mi – tao, qua – bậu mang đậm sắc thái địa phương. Câu tỉnh lược, câu hỏi, câu cảm thán,v.v. được sử dụng linh hoạt:
Song Tinh:
- Giang bà rằng: “Lẽ ấy nên,
Anh em bay cũng một đoàn thưởng xuân.”[69, tr.64]
- Bèn vào chường quá Giang ông
Ông bà nghe đã đều cùng rằng: “Nên” [69, tr.71]
- Giây lâu nàng mới thở ra
Hỏi rằng: “Ai đó? ấy ma hay người?” [69, tr.161]
Lục Vân Tiên:
- Dân rằng: “Lũ nó còn đây,
Qua xem tướng bậu thơ ngây đã đành.” [17, tr.229]
- Kêu rằng: “Bớ lũ hung đồ, Chớ quen làm thói hồ đồ hại dân.”
Phong Lai mặt đỏ phừng phừng:
“Thằng nào dám tới lẫy lừng vào đây?” [17, tr.229]
- Than rằng: “Đó khéo trêu đây,
Ơn kia đã mấy, của này rất sang”. [17, tr.233]
- Vân Tiên ngó lại rằng: “Ừ,
Làm thơ cho kịp bấy chừ chẳng lâu.” [17, tr.234]
Truyện thơ với sức lan tỏa rộng lớn đã làm thay đổi thị hiếu thẩm mỹ, đồng thời góp thêm những giá trị độc đáo khẳng định vị trí ưu việt của văn học chữ Nôm.
Nguyên nhân thứ ba có liên quan đến biến động về chính trị – tư tưởng trong giai đoạn hậu kỳ. Chữ Hán, văn tự đại diện cho nền Nho học, biểu tượng của trung tâm văn hóa Trung Hoa, thật sự bị đẩy ngã hẳn khỏi chiếc ngai quyền uy khi Trung Hoa và Nho giáo bất lực trước sức mạnh phương Tây:
Nào có ra gì cái chữ nho,
Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co.
(Chữ Nho – Trần Tế Xương) [282, tr. 54]
Tinh thần phê phán đối với chữ Hán và Nho học là hiện tượng chung diễn ra ở các nước thuộc khu vực văn hóa Hán. Ở Triều Tiên, nhà nho bị chế giễu là những kẻ chỉ biết học thuộc lịch sử của nhà Thanh: “...họ biết rõ như lòng bàn tay tất cả núi non, sông ngòi, khí hậu, sản vật của nhà Thanh, nhưng ngược lại, họ chẳng biết gì về lịch sử, núi non, sông ngòi, khí hậu, sản vật của đất nước mình” [288, tr.4]. Suy nghĩ trên “không hẹn mà gặp” ý kiến của Nguyễn Trường Tộ, người trí thức đề xuất dùng chữ Nôm truyền bá tri thức mới nhằm canh tân đất nước:
“Ngày nay lúc nhỏ thì học văn, từ, thơ, phú, lớn lên ra làm thì đến Nam Kỳ, Bắc Kỳ. Lúc nhỏ học nào thiên văn, địa lý, chính trị, phong tục tận bên Tàu (mà nay họ đã sửa đổi khác hết rồi), lớn lên ra làm thì lại dùng đến địa lý thiên văn, chính trị, phong tục của nước Nam, hoàn toàn khác hẳn…” (Tế cấp bát điều, điều thứ 4) [20, tr.299]
Chữ Nôm được đề cao, tỏ rõ vị thế trên văn đàn, đưa đến sự sụp đổ không thể cứu vãn của cấu trúc song thể ngữ là hiện tượng quan trọng của văn học giai đoạn. Ý thức về cá tính dân tộc hòa cùng ý thức về cá tính sáng tạo của người viết giữa bối cảnh Nho học mất dần sức mạnh đã làm thay đổi tình trạng bất bình đẳng giữa bộ phận văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm. Cùng với sự đề cao văn chương tiếng Việt, văn học vận động trên con đường bản ngữ hóa. Quá trình bản ngữ hóa (vernacularization) văn học, mượn cách diễn đạt của M.Bakhtin, là quá trình gia tăng lực ly tâm giữa ngôn ngữ phi chính thống với ngôn ngữ chính thống. Suy tư trên tiếng Việt, tiếng nói đại diện cho cuộc sống muôn màu, cho nền văn hóa dân tộc, nhà thơ, nhà văn bắt đầu tìm ra những cách viết mới độc đáo.
3.1.2. Từ ngôn ngữ cao nhã đến ngôn ngữ có tính thế tục
Thế tục (secularity) là trạng thái chủ thể tách biệt khỏi tôn giáo, không liên kết hoặc chống đối lại một tôn giáo nào đó. Ở phương Tây, ngôn ngữ thế tục (secular language) được xem xét trong mối quan hệ với ngôn ngữ Kinh thánh. Thuật ngữ “thế tục” chưa thật chặt chẽ nếu áp dụng cho văn học Việt Nam nhưng chúng tôi vẫn sử dụng để nhấn mạnh khía cạnh mới mẻ trong ý thức sáng tạo ngôn ngữ gắn với trạng thái giải thoát thể xác và tinh thần khỏi sự kìm nén của những tín điều tôn giáo24.
Văn học trung đại xem trọng ngôn ngữ mang vẻ đẹp tao nhã, cao quý. Ngôn ngữ dùng để diễn đạt những vấn đề liên quan đến đạo buộc phải tuân theo chuẩn mực của sự cao nhã. Trong năm bài phú Nôm cổ nhất được sáng tác trong quãng thế kỷ XIII – XIV, có bốn bài mang màu sắc Phật giáo: Cư trần lạc đạo phú, Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca (đều của Trần Nhân Tông), Giáo tử phú (?), Vịnh Vân Yên tự phú (Thiền sư Huyền Quang). Ngôn ngữ của tác phẩm là ngôn ngữ Phật giáo. Ngôn ngữ đời thường tuy được đưa vào tác phẩm nhưng vẫn luôn gắn kết với ngôn ngữ tôn giáo, hướng về tôn giáo:
Đem mình náu tới,
24 Nho giáo ở phương Đông ban đầu là học thuyết chính trị, về sau qua quá trình phát triển, dần mang đặc điểm của một tôn giáo.
Cảnh vắng ngàn kia; Dốc chí tu hành, Giấy sồi vó vá.
(Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca) [264, tr.532 - 537] Giai đoạn trung kỳ trung đại, văn học kế thừa hệ thống từ ngữ từ kinh điển
Nho giáo. Nhiều từ ngữ trong văn Nôm lấy từ điển tích, điển cố gốc Hán, chuyển thành cách diễn đạt thuần Việt. Ví dụ như “chín chữ” nói về công lao khó nhọc của cha mẹ lấy từ Kinh Thi (“Thấy trong chín chữ trời cao ngất – Chạnh nỗi đòi phương ruột héo hon”25), “chín trùng” được dịch từ “cửu trùng” (“Chín trùng chăm chắm ngôi hoàng cực – Năm phúc hây hây dưới thứ dân”26)…Từ ngữ, hình ảnh đời thường trong Quốc âm thi tập, Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Hồng Đức quốc âm thi tập bình dị, thô ráp mà không mất đi nét đẹp của đạo. Ngôn ngữ Nho giáo luôn chi phối văn học đến tận cuối thế kỷ XIX.
Ngôn ngữ thế tục, ngược lại, khám phá những điều bị cho là xấu xa, đáng gạt bỏ khỏi thế giới văn chương. Miêu tả thân thể con người, khuấy động những cảm giác chân thực của thân xác là một phương diện của sự “thế tục hóa”. Cảm quan thế tục làm biến đổi ngôn ngữ ước lệ bởi những ý nghĩa mới. Hoa trong câu thơ của Ức Trai “Hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” (Tự thuật, bài 9) đại diện cho người quân tử nhưng hoa lồng nguyệt của Chinh phụ ngâm lại rạo rực khát vọng lứa đôi:
Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm Nguyệt lồng hoa, hoa thắm từng bông Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng,
Trước hoa, dưới nguyệt trong lòng xiết đau. [217, tr. 122]
Thủ pháp giễu nhại giải thoát ngôn từ khỏi sự trói buộc của các chuẩn mực. Thậm chí việc sử dụng các thi liệu Hán học cũng có khả năng làm bật lên tiếng cười nhờ vào “giễu nhại”. Ngã ba Hạc phú (Nguyễn Bá Lân) đã mở đầu một lối viết đặc sắc cho phú quốc âm:
25 Hồng Đức quốc âm thi tập
26 Hồng Đức quốc âm thi tập
Rủ dây dù ông Lã máy cần;
Trần trụi mặc Chử Đồng ngâm nước.
Bè khách thương bạ bến, tượng chân quỳ gối lắc cầy xuôi;
Thuyền ngư phủ trôi dòng, dang nách khom lưng chèo dếch ngược. […]
Trên lọ phải vén quần vua Tống, ra sức anh uy;
Dưới cũng vui vỗ bụng trời Nghiêu, xướng ca canh tạc. [227, tr.137 - 143]
Hình ảnh cuộc sống ấm no của nhân dân Ngã ba Hạc bề ngoài được miêu tả theo bút pháp ước lệ, tượng trưng quen thuộc trong văn học trung đại với một loạt điển tích: vua Bàn Cổ, họ Hữu Ngu, vua Tống, trời Nghiêu, ông Lã (Lã Vọng), Chử Đồng Tử. Nhưng Nguyễn Bá Lân lại đặt các điển tích này trong tình thế oái oăm. Oái oăm do câu thiếu hẳn chủ ngữ, ai muốn hiểu thế nào thì hiểu. Oái oăm còn do từ ngữ quá gợi hình, khi đi liền nhau thì nghĩa của chữ vế dưới níu gọi nghĩa của chữ vế trên, từng bộ phận cơ thể được gọi thẳng tên, hợp thành một trường liên tưởng gợi ra cảnh ái ân: “vén quần”, “vỗ bụng”, “cắm néo”, “quỳ gối”, “lắc cày xuôi”, “dang nách”, “khom lưng”, “chèo dếch ngược”. Sang thế kỷ XIX, kế thừa cách xây dựng hình tượng đa nghĩa từ Ngã ba Hạc phú, Xem cờ để mãnh phú (Nguyễn Hổ Trừu) đẩy sự táo bạo lên mức độ cao hơn. Tận dụng độ dài và bố cục của một bài phú Đường luật, tác giả sắp xếp các mảng, miếng gây cười dọc theo suốt tác phẩm để mỗi lần chuyển đoạn là người đọc lại đối diện với một bất ngờ mới đầy tính khôi hài. Việc đánh cờ lúc bắt đầu là trò chơi nho nhã của các nho sinh:
Nguyên phù hôm qua; Thầy đi vắng nhà.
Nhân thư nhàn chi vô sự;
Viện bàn cờ chi giở ra. [228, tr.77 - 79]
Cô gái hàng xóm đến chơi đã làm náo loạn tất cả. Nhờ đặc điểm phô diễn, miêu tả chi tiết của thể loại, Xem cờ để mãnh phú trở thành tác phẩm hiếm thấy trong văn học viết vẽ lại một cách tường tận cái “của nhà” mà cô gái đến xem cờ mải vui vô ý nên để lộ ra:
Đá sỏi gan gà, nhược phá giao chân chi mã; Mộc lừa mai bản, kinh hồi chọc rách chi xa. Nhi bành bạnh ra!;
Nhi chành chạnh ra! Ức ông Mãnh ra!; Ức ông Kệnh ra!
Ức hổ mang chi cổ bạnh ra!
Tiếng chửi là một yếu tố tạo nên giọng điệu khinh bạc, đốp chát cho văn học. Giai đoạn tiền kỳ và trung kỳ, thứ ngôn ngữ thô tục như thế chưa bao giờ xuất hiện trong hệ thống ngôn ngữ văn chương. Với nhiều nhà thơ giai đoạn hậu kỳ, kể cả nhà thơ có “quyền năng” biến tiếng Việt thành ngôn ngữ vô cùng tao nhã như Nguyễn Du, tiếng chửi cũng bật ra một cách tự nhiên:
Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi.
(Truyện Kiều – Nguyễn Du) [40, tr.139]
Chết về tiên bụt cho xong kiếp
Đù ỏa trần gian sống mãi chi?
(Tự thuật, bài 2 – Phạm Thái) [185, tr.429]
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung, Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng.
(Lấy chồng chung – Hồ Xuân Hương) [70, tr.451]
Đéo mẹ nhân tình đã biết rồi: Lạt như nước ốc, bạc như vôi.
(Thế tình bạc bẽo – Nguyễn Công Trứ) [33, tr.119]
Niềm tin tưởng về xã hội lấy nhân, nghĩa làm đầu, về ông trời công tâm, về chế độ nam quyền tồn tại như một sự hiển nhiên đều bị phá hủy. Giọng thơ chửi đời thô cộc là cách chân thật nhất phản ánh tâm trạng chán nản, phẫn uất đến cùng cực của người nghệ sĩ.