Lúc trước ngậm sầu ở nơi đường cái, tình duyên mà cũng bởi tiết oan; Về sau tiêu kiếp ở sông Tiền Đường nghiệp chướng phải chăng là nghĩa khí. [178, tr.30]
Khuôn mẫu của phê bình ở đây là “đạo”. Ngược lại, Mộng Liên Đường chủ nhân viết lời tựa cho Truyện Kiều không hề nhắc đến “đạo”. Dưới ngòi bút Mộng Liên Đường chủ nhân không có nàng Kiều liệt nữ, chỉ có nàng Kiều tài tình bị xô đẩy giữa bể dâu cuộc đời: “Trong một tập thủy chung lấy bốn chữ “Tạo vật đố tài” tóm cả một đời Thúy Kiều... Vui, buồn, tan, hợp, mười mấy năm trời, trong cuốn văn tả ra như hệt, không khác gì bức tranh vậy” [224, tr.224]. Truyện Kiều nào phải tác phẩm “răn đời” như Hoa tiên. Tiếng kêu mới đứt ruột của Nguyễn Du là tác phẩm “hiểu đời”, Cao Bá Quát đã đúc kết ngắn gọn mà đích đáng như thế trong bài tựa truyện Hoa tiên.
Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến độc giả nữ mặc dù hình ảnh độc giả nữ vốn rất mờ nhạt trong lịch sử văn học trung đại. Từ tư liệu ít ỏi hiện có, những gì chúng tôi tái hiện lại có lẽ chỉ mới là một phần rất nhỏ về vai trò của nữ giới với tư cách là độc giả đối với sự vận động của văn học. Lịch sử văn học thế kỷ XVIII – XIX ghi nhận tên tuổi của một số tác giả nữ như Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, ba công chúa nhà Nguyễn Nguyệt Đình, Mai Am, Huệ Phố… Tuy không có nhiều tài liệu mô tả họ với tư cách độc giả nhưng một số dấu vết về sự đọc vẫn còn được lưu giữ trong tác phẩm của các tác giả nữ. Với Truyền kỳ tân phả, Đoàn Thị Điểm cho chúng ta biết rằng bà là một độc giả yêu thích Truyền kỳ mạn lục (Nguyễn Dữ). Khi diễn Nôm Chinh phụ ngâm, nữ sĩ chứng tỏ bà đồng cảm với khúc ngâm của Đặng Trần Côn. Các điển tích, thi liệu nữ sĩ vận dụng trong Truyền kỳ tân phả cũng phần nào thể hiện sở thích của bà. Ngoài hệ thống sách kinh điển Nho giáo như Kinh thi, Kinh Xuân thu…, bà còn nhắc đến tiểu thuyết, thi từ. Chẳng hạn truyện Nữ thần ở Vân Cát sử dụng điển “tựa mình ngựa
làm thơ” rút ra từ Thế thuyết tân ngữ22, ca ngợi Lý Thanh Chiếu, Chu Thục Chân. Lý Thanh Chiếu (1082 - 1155) là nhà thơ nữ đời Tống nổi tiếng về tài viết từ, được xem là “Từ biệt thị nhất gia” (Một nhà làm từ riêng biệt) [154, tr.184]. Chu Thục Chân (1135 - 1180) cũng là một tác giả đời Tống, được đánh giá ngang hàng với Lý Thanh Chiếu. Trong Cuộc kỳ ngộ ở Bích câu, Tú Uyên viết hai câu thơ “Hồng nương mai mối đà không có – Giấc mộng Tây Hiên, họa có là?” (Một cá Hồng nương xuy tín luật – Tây Sương hà xứ tái phùng xuân) dùng điển Tây sương ký [70, tr.168 - 169]. Ngoài ra tác phẩm một lần nữa ca ngợi Lý Thanh Chiếu cùng các tài nữ khác là Ban Cơ, Thái Văn Cơ và Tạ Đạo Uẩn. Những dữ liệu này chứng tỏ rằng Đoàn Thị Điểm đã từng tiếp xúc với nguồn truyện truyền kỳ, tài tử thư và thi từ mang nội dung ai oán đoạn trường của những nhà thơ nữ nổi danh. Và còn rất nhiều cô gái lúc bấy giờ yêu thích những câu chuyện tình yêu, những giai điệu đẹp đẽ mà u buồn như Đoàn Thị Điểm. Lê Hữu Trác trong Thượng kinh ký sự có chép một đoạn ngắn về tình hình thưởng thức văn chương ở kinh thành: “Một hôm tôi đến chơi nhà Đặng tiểu thư, thấy trong tráp của cô có một quyển thơ bằng quốc âm, xem thì thấy ba mươi bài cung oán” [224, tr.127]. Mai Am công chúa (1862 - 1904) dặn dò con em, học trò: “Đọc sách gì cũng có ích song phải tự phòng nhất là những ngoại truyện kỳ thư, là những sách người ta thường thích đọc. Khi cầm quyển sách người đọc phải có óc phán đoán vững vàng. Bằng như mình mà chưa tự chủ nổi mình thì dễ tiêm nhiễm theo, mà lúc tiêm nhiễm rồi thì khó tẩy trừ cho sạch” [70, tr.534]. Dặn dò như thế nghĩa là lúc bấy giờ trong sinh hoạt văn học, loại sách ngoại truyện kỳ thư rất phổ biến và một vị công chúa như Mai Am có biết đến. Tuy nhiên, chính Mai Am công chúa cũng bị cuốn hút bởi những câu chuyện tình lãng mạn, bi thương. Sưu thần ký có ghi chép câu chuyện đời Chiến Quốc, Hàn thị sắc đẹp hơn người, bị Tống Khang Vương cướp về làm vợ. Hàn Bằng, chồng Hàn thị, uất ức tự
22 Truyện Nữ thần ở Vân Cát có một đoạn miêu tả người thư sinh, chồng trước của Tiên chúa, như sau: “Bấy giờ thư sinh mới chừng tuổi hai mươi, chí khí khác người, có tài “tựa mình ngựa làm thơ”, có dáng đẹp khiến con gái yêu vứt quả.” [70, tr.113]
Có thể bạn quan tâm!
- Sự Vận Động Trong Ý Thức Về Mối Quan Hệ Giữa Tác Giả, Tác Phẩm Và Người Đọc
- Đề Trần Thận Tư Học Quán Thứ Phương Đình Vận, Kỳ 1 (Đề Học Quán Của Trần Thận Tư Theo Vần Của Phương Đình,bài 1)
- Ý Thức Về Cách Đọc “Hướng Tình” Trong Quá Trình Tiếp Nhận
- Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 15
- Sự Biến Đổi Về Ngôn Ngữ Nghệ Thuật
- Từ Ngôn Ngữ Cao Nhã Đến Ngôn Ngữ Có Tính Thế Tục
Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.
sát. Hay tin, Hàn thị gieo mình từ lầu cao, chết theo chồng. Mai Am đã diễn giải câu chuyện này như là một câu chuyện chết vì tình:
Nhất dạng hồng nhan vị tình tử,
Yểu nương chung tuẫn lục châu thiên.
(Đọa lâu) (Một kiếp hồng nhan yêu đến chết, Ghi thiên tuẫn tiết đẹp muôn đời.)
(Lầu “Gieo mình”) [70, tr.567]
Trước mối tình của Tiểu Ngọc, nàng kỹ nữ nổi tiếng trong Hoắc Tiểu Ngọc truyện, Mai Am chắc hẳn cũng phải rất xúc động. Bởi lẽ chỉ có đồng cảm với Tiểu Ngọc sâu sắc, bà mới có thể hóa thân thành nàng thổ lộ tình yêu kiên định:
Duyệt tận hứa đa thiên hạ sĩ, Mục thành biên vị Lý Lang tài.
(Bôn phất) (Duyệt hết nhiều kẻ sĩ trong thiên hạ, Trong mắt ta chỉ có Lý Lang là tài.)
(Tháo chạy) [70, tr.569]
Huệ Phố công chúa, em gái của Mai Am, yêu thích thơ Đỗ Mục, nhà thơ đời Đường dậy tiếng đồn “phụ bạc lầu xanh” (thanh lâu bạc hạnh):
Thùy bả tân thi hệ biệt sầu, Tửu kỳ ca phiến nhạ nhân lưu.
(Độc Đỗ Phàn Xuyên thi tập đề hậu) (Ai đem những bài thơ mới buộc vào mối sầu cách xa.
Tấm biển quán rượu, chiếc quạt người đẹp, xướng ca cầm chân người.) (Thơ Đỗ Phàn Xuyên, đề sau khi đọc) [70, tr.638-639]
Sự tiếp nhận của của độc giả nữ góp phần khẳng định tính chất giáo huấn của văn học đang nhạt dần đi. Điều đáng tiếc là hiện nay chúng tôi rất khó tra cứu được số liệu cụ thể cho thấy ảnh hưởng của nữ độc giả đối với thị trường xuất bản lúc bấy giờ.
Như vậy, đối lập với cộng đồng diễn giải tư duy về “văn” như biểu hiện của “đạo” là một cộng đồng diễn giải mới dùng “tình” lý giải văn chương, say mê loại tác phẩm diễm tình bị cho là xa lìa đạo lý thánh hiền. Bên cạnh cách đọc mang tính giáo huấn, cách đọc duy nhất chiếm vị trí ưu thế trong văn học giai đoạn trước, cách đọc mang tính thẩm mỹ thuần túy trở nên phổ biến. Sức hấp dẫn của truyện thơ đối với công chúng đã làm cho thị trường xuất bản đương thời trở nên sôi nổi hơn, đến mức chúa Trịnh Doanh năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751) phải ra lệnh cấm truyện Nôm, năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760) lại nhắc đến lệnh cấm trong 47 điều giáo hóa bằng lục bát. Người đọc thật sự đã trở thành năng lượng lịch sử qua việc tác động đến thị trường xuất bản, đồng thời cụ thể hóa văn bản văn học theo nhiều cách đọc, xóa mờ ranh giới giữa nam giới và nữ giới, văn chương bác học và văn chương bình dân, văn chương giáo huấn và văn chương giải trí.
2.3. Sự vận động trong ý thức về các chức năng nghệ thuật
2.3.1. Chức năng “tải đạo”
Ý thức đồng nhất vũ trụ, con người, văn chương với đạo lý trao cho văn chương sứ mệnh to lớn gắn với vận mệnh quốc gia. Các tác giả chính thống vẫn ủng hộ mệnh đề “Văn dĩ tải đạo”, nhấn mạnh khả năng truyền “đạo” nhằm cải biến xã hội của văn chương. Nguyễn Tư Giản, nhà nho đã phục vụ bảy đời vua triều Nguyễn, cổ vũ cho văn chương “luận đạo”, mà đạo ở đây là đạo của Ngũ kinh:
“Văn của thánh nhân là để chở đạo, văn của văn nhân là để luận đạo. Cho nên bàn về văn của thánh nhân – như sự trong sáng, tinh tế của Chu Dịch, sự thông thoát chí lí của Thượng thư, sự uyển chuyển, đôn hậu của Kinh Thi, sự cung kính trang nghiêm của Kinh Lễ, sự khen chê có cân nhắc của Kinh Xuân thu – vấn đến năm kinh là tột đỉnh” (Bàn về “thần”, “khí”, “thể”, “cách” của thơ) [224, tr.275].
Trên nền tảng chung “Văn dĩ tải đạo”, các trí thức nho học đưa ra những cách lý giải không giống nhau. Ý kiến của Nguyễn Tư Giản chỉ cho thấy một mặt khá hẹp trong ý thức về chức năng giáo huấn của văn chương. Trước tình hình rối ren của quốc gia, Vũ Khâm Lân yêu cầu văn chương cần phải tránh xa lối bắt chước sáo rỗng, bộc lộ sự quan tâm đối với chính sự:
“Năm sáu mươi năm gần đây, kẻ trên dạy, người dưới học, đua nhau theo đòi cái ngọn của từ chương, tỉa tót chạm trổ, hết sức phù hoa, cỏ biếc trăng non, thực là tinh xảo. Nhưng tìm xem trong đó có điều gì quan hệ tới quốc kế dân sinh thì tuyệt nhiên vắng bóng.” [224, tr.78]
Các nhà nho theo khuynh hướng đề cao Thực học bày tỏ sự thất vọng với văn chương sáo rỗng dùng để lập thân:
Văn chương cận sự quân tri phủ, Hối bả vi danh trục hí trường.
(Ẩm trung giản Chí Đình – Cao Bá Quát) (Chuyện văn chương gần đây bác có biết chăng?
Hối tiếc là đem cái danh mọn đuổi theo trò cười).[116, tr.26]
(Trong tiệc rượu viết thư gửi Chí Đình) Văn đạo cửu nhân uất,
Tục học dĩ thiên bả. Cao giả chửng trì sính, Đê giả nhập ti tỏa.
(Bình sinh ngũ thập vận – Cao Bá Quát) (Đạo lý văn chương bị nhấn chìm trong bui rậm từ lâu, Cái học của đời thường đã lệch lạc khập khiễng.
Kẻ trên cao thì hăng hái rượt phóng,
Kẻ bên dưới thì sớm vào vòng buộc khóa.)
(Năm mươi vần bình sinh) [116, tr.62-65] Thật ra, Cao Bá Quát không chống lại mối liên hệ giữa “văn” với “đạo”.
Nhưng đời sống thay đổi, nội dung của “đạo” cần được hiểu xa hơn là sách vở kinh điển. Thơ vịnh sử được coi trọng vì góp phần thức tỉnh giới trí thức khỏi lối học từ chương, chăm chăm vào điển cố điển tích từ lịch sử Trung Hoa: “Người nước ta hễ động một tí gì cũng lấy chứng cứ trong Bắc sử, mà đối với sử nước nhà mình lại mơ hồ, bỏ sót. Có tập sách này của ông ra đời thì trong số kẻ đọc sử, quá nửa đã biết nghĩ lại.” (Bài tựa “Việt sử tam bách vịnh tập”) [224, tr.291]
Văn học có thể chấn hưng quốc gia và giáo dục con người. Đây cũng là một biểu hiện cụ thể của chức năng “chở đạo”. Khổng Tử nhận xét Kinh Thi: “Thi khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán. Nhĩ chi sự phụ, viễn chi sự quân, đa thức ư điểu thú thảo mộc chi danh” (Luận ngữ, thiên Dương hóa). Thơ nói chung được xem là một biểu hiện của bản chất và cảm xúc con người, nhưng chức năng của nó còn là chuyển hóa bản chất con người để cuối cùng, làm cho xã hội trở nên tốt đẹp.
Trong lời đề tựa cho Phong trúc tập của Ngô Thế Lân (phỏng chừng sinh năm 1720 - 1725 và mất trước khi nhà Tây Sơn sụp đổ), Nguyễn Dưỡng Hạo (? - ?) đề cao nhân cách nhà nho, đồng thời khẳng định sức mạnh chi phối của đạo Nho đối với văn chương:
“Tiếng của muôn vật thì nhiều lắm, có loại thuộc về nguyên chất, có loại thuộc về tiếng rườm rà là tiếng của con người, cho nên tiếng người phân biệt tà chính, mà tiếng trời không có chính tà.
[…]
Bạn tôi là Tấn Giang Ngô Quân Hoàn Phác, thuở nhỏ tập thời văn, rất giỏi về thơ. Rồi chán tiếng rườm rà của thói đời, hăng hái tìm tiếng nguyên chất của thiên hạ, do đó mà ra Phật vào Tiên, tìm điều tỉ mỉ, rút điều kín đáo, hầu hơn mười năm mà chẳng được gì. Rồi lại tìm ở sáu kinh, thì nhất đán tỉnh ngộ.” [224, tr.163-164]
Nhà nho sáng tác văn chương để tự tu dưỡng, tìm thấy niềm vui ở sáu chữ “bình tâm, lạc thiên, an mệnh”:
“Nói chung, khi thất chí người ta làm văn chưa từng không nói tới lời nghĩa lí, nhưng nó không có “cái thực”. Tuy có nghĩa lí trang điểm bề ngoài, nhưng thường thường ở nơi vận ý, lại lộ hết bản sắc, không rơi vào thanh hư thì dạt vào kiểu sức. Người như vậy đâu từng biết “cái vui”.” (Lời bình bài phú “Mơ Thiên thai”) [224, tr.151]
Còn bậc đế vương nếu cần đến sự tiêu khiển thì văn chương chính là một hình thức tiêu khiển có ý nghĩa, có giá trị hơn hết thảy:
“Việc học của bậc đế vương là nhằm làm sáng tỏ đạo lí và dựng nền trị bình, còn văn chương thì chẳng phải là việc đáng để tâm theo đuổi. Song những lúc muôn việc tạm rỗi, thư thái ngâm vịnh, biểu lộ tình cảm hài hòa, thì sự tiêu khiển đó hay hơn những thú vui khác.” (Thể lệ soạn sách Toàn Việt thi lục) [224, tr.85]
Cuối giai đoạn hậu kỳ, đến Nguyễn Đình Chiểu, chức năng “tải đạo” của văn học phát triển thành nhiệm vụ trừ gian, bảo vệ chính đạo :
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm; Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.
(Dương Từ – Hà Mậu) [17, tr.369]
Cùng thời với Nguyễn Đình Chiểu, nhiều người cũng từng nói về “văn” và “đạo”. Nhà vua, như Tự Đức, cố nhiên càng đề cao “đạo”. Trong Ngự chế thi sơ tập, Tự Đức viết:
“Nói đến đạo nghĩa tức là nói đến văn chương. […]. Đạo tức là văn, văn tức là đạo. Nếu không hiểu rõ về đạo thì lời văn sẽ bị che lấp, nguyên do là ở đó vậy. Từ khi Trang Tử, Li tao ra đời, rồi tất cả mọi dòng văn lệch lạc, dâm ô, quái gở cũng sản sinh. […]. Họ Hàn, họ Đỗ vùng dậy, đã tự cho mình là bậc hào kiệt thì không thể không vạch ra đường lối khác. Đổi cũ theo mới là phải, nhưng họ uốn nắn quá đáng.” [125, tr. 167]
Ý kiến trên của Tự Đức đứng trên lập trường Tống Nho một cách cực đoan, phê phán Khuất Nguyên, Đỗ Phủ và cả Hàn Dũ, người nêu ra khẩu hiệu “Văn dĩ minh đạo”. Sự cổ vũ cho mối quan hệ mật thiết không thể tách rời giữa “văn” và “đạo” của Nguyễn Đình Chiểu vừa do ảnh hưởng Nho giáo, nhưng còn xuất phát từ lòng người đáp lại tiếng gọi của đất nước giữa thời điểm lịch sử dân tộc đi qua khúc quanh đau thương. Vì vậy, một mặt khác của “chở đạo” phải là “đâm gian”. “Đạo” mà ông nói đến là đạo trời: “Đạo trời nào phải ở đâu xa”(Dương Từ – Hà Mậu, bài số XII); đạo nhà: “Thà đui mà giữ đạo nhà” (Ngư Tiều y thuật vấn đáp, câu 2791), đạo làm người: “Tiều rằng: Muốn học làm người – Đã đi cầu đạo sợ cười chê chi” (Ngư Tiều y thuật vấn đáp, câu 1185 - 1186). Cụ thể hơn, ấy là đạo yêu nước, đạo cứu nước, đối lập với hành động cướp nước và bán nước của “mấy thằng gian”. Với
cái nhìn về “văn” và “đạo” như thế, Nguyễn Đình Chiểu kế thừa và phát huy ý thức truyền thống, khẳng định đã là kẻ sĩ chân chính thì phải biết nắm lấy “đạo” và sử dụng “văn”, biến chúng thành vũ khí sắc bén chống lại các thế lực vô nhân, phi nghĩa.
So sánh với văn học Đàng Ngoài, chức năng “tải đạo” ở văn học Đàng Trong ít nhiều có sự khác biệt. Thứ nhất, đầu thế kỷ XVIII, khi truyền thống “Văn dĩ tải đạo” ở Đàng Ngoài đang mất dần sức sống thì ở Đàng Trong, đấy lại là chức năng quan trọng, hình thành nên tính chất độc đáo cho khu vực văn học mới. Giai đoạn đầu người Việt tiến vào vùng không gian văn hóa xa lạ, văn học tất yếu hướng đến việc nói chí như trường hợp Ngọa Long cương vãn, Tư dung vãn hoặc thực hiện chức năng phục vụ đời sống như Thư trả lời Trịnh Tráng, Trấn Ninh trận phú, Văn tế quân Nam chết trận Trấn Ninh… Thư Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1763) gửi Mạc Thiên Tích, như nhận xét của nhóm tác giả công trình 10 thế kỷ bàn luận về văn chương, vẫn bộc lộ một ý thức về thơ mang tính chính thống, quan phương: thơ nói chí. So với hình thức nghệ thuật, nội dung tư tưởng, tính giáo huấn đạo đức mới là nhân tố giữ vai trò quyết định:
“…Người làm thơ không ngoài lấy trung hậu làm gốc, ý nghĩa phải hàm súc, lời thơ phải giản dị. Còn việc tô điểm cho đẹp đẽ, trau dồi cho khéo léo lạ lùng thì chỉ nên đặt ngoài sáu nghĩa, coi là việc thừa của năm mối, làm thêm mà thôi. ” [224, tr.63]
Cái tương đồng với Đàng Ngoài rất dễ nhận thấy vì nhà nho vẫn là nhân vật chính trên văn đàn. Tuy nhiên, thời điểm thiết lập ý thức “Văn tải đạo” và “Thi ngôn chí” ở Đàng Trong lại cho thấy sự khác nhau về nhịp điệu phát triển của bộ phận văn học này với Đàng Ngoài. Trên vùng đất mới do các chúa Nguyễn làm chủ, Nho giáo đang đi những bước đi ban đầu, chưa rơi vào trạng thái khủng hoảng như ở Đàng Ngoài, nơi tầng lớp trí thức nho sĩ đã thất vọng về vai trò chính trị – xã hội của Nho giáo. Giới trí thức Đàng Trong vẫn còn hy vọng dùng Nho giáo để tổ chức xã hội, thiết lập quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người trên vùng đất mới.