Sự Biến Đổi Về Hình Tượng Nghệ Thuật


Ngôn ngữ thế tục còn là ngôn ngữ kích thích các giác quan. Thơ Xuân Hương làm người đọc ngỡ ngàng vì thế giới ngôn từ sống động. Đưa cái nhìn táo bạo và cách thể hiện nghịch ngợm về quan hệ yêu đương rất trần thế, bản năng vào tòa kiến trúc thơ luật đường bệ không phải đến Xuân Hương mới có. Một vài bài thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập có lối viết “giễu nhại”, xây dựng hình tượng đa nghĩa liên quan đến chuyện yêu đương như: Lại vịnh nắng hè, Kênh Trầm, Vùng Bàn Than, Tượng Bà Đanh, Cung tần... Từ ngữ gợi hình, gợi thanh không thiếu, lại còn hài hước, ý vị:

Tròn tròn, méo méo in đòi thuở, Xuống xuống lên lên suốt mấy canh. Tháng tháng liếc qua lầu đỏ đỏ Đêm đêm liền tới trướng xanh xanh

(Họa tiền vận, kỳ thập – Họa vần bài trước

[Bài thơ Vịnh trăng], bài 10) [155, tr.333]

Tuy nhiên, nếu so sánh, ngôn từ thơ Xuân Hương vẫn độc đáo. Cảnh vật soi chiếu qua nhãn quan Xuân Hương luôn luôn trong trạng thái động: ngọn gió phải đang thổi, giọt nước phải đang rơi, cành thông phải đang va đập, khối tình phải “cọ mãi với non sông”. Sự cọ xát, va chạm làm vang lên âm thanh được tái hiện bằng lớp từ láy tượng thanh độc đáo: “thánh thót”, “lõm bõm”, “phập phòm”, “long bong”, “lắc rắc”... Tác giả Lê Thu Yến nhận xét: “Thơ Xuân Hương không chỉ sức sống cuồn cuộn đầy ắp, âm thanh vang khua, xung động... mà màu sắc cũng tràn trề trên mức tự nhiên” [284, tr.86]. Vũ trụ thơ Xuân Hương là vũ trụ của những sự vật chẳng bao giờ yên ổn. Những từ ngữ miêu tả tư thế, dáng vẻ kỳ lạ, thậm chí thô tục tràn ngập trong thơ Xuân Hương. Này là con ốc nhồi “lăn lốc” nơi đám cỏ, này là mảnh trăng đầu non “lấp ló”, này là chiếc thuyền gỗ bách “lênh đênh” giữa dòng... Và người quân tử với hành động đẹp đẽ tìm mai, đạp nguyệt, thưởng cúc, ngắm trăng, qua khắc họa của Xuân Hương, hóa thành “ngó ngoáy”, “mân mó”, “dùng dằng”... Hoặc đọc thơ Nguyễn Khuyến, chúng ta bỗng phát hiện ra “giang sơn”, “sương tuyết” không chỉ có một ý nghĩa mĩ lệ, tao nhã như Nguyễn Du từng


viết “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”, “Mai cốt cách, tuyết tinh thần”. Ý nghĩa trong thơ cụ Tam Nguyên Yên Đổ táo bạo chẳng kém Xuân Hương:

Thu vén giang sơn một cặp tròn, Nghìn thu sương tuyết vẫn không mòn. Biết chăng chỉ có ông Hà Bá,

Mỉm mép cười thầm với nước non.

Có thể bạn quan tâm!

Xem toàn bộ 226 trang tài liệu này.

(Gái rửa... bờ sông) [87, tr.72]

Có thể nói không quá lời rằng cấu trúc ngôn từ ở thơ Xuân Hương và một số hiện tượng đồng dạng là bằng chứng thuyết phục về sự chuyển đổi cách viết. Cách viết truyền thống quy cho từ ngữ ý nghĩa biểu tượng cụ thể. Giờ đây, cách viết mới, cách viết ký hiệu, tạo dựng một cấu trúc mà trong đó ý nghĩa của từ là kết quả từ sự tương tác giữa ký hiệu này với ký hiệu khác.

Tiến trình vận động của văn học trung đại Việt Nam thế kỷ XVIII-XIX - Từ ý thức nghệ thuật đến thực tiễn sáng tác - 18

3.2. Sự biến đổi về hình tượng nghệ thuật

Hình tượng nghệ thuật tồn tại trong quá trình sáng tạo, được hình thành từ quá trình tiếp xúc thế giới thực tại của nhà văn, nhà thơ. Là chất liệu “phái sinh” được xây dựng trên cơ sở ngôn ngữ nghệ thuật, hình tượng nghệ thuật có liên hệ chặt chẽ với ngôn ngữ nghệ thuật. Khi ngôn ngữ được thế tục hóa, hướng về cuộc sống đời thường thì hình tượng nghệ thuật theo đó phải thay đổi. Ngược lại, đặc điểm của hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm cũng chi phối đặc điểm ngôn ngữ. Thực tiễn sáng tác thế kỷ XVIII – XIX cho thấy phương thức xây dựng hình tượng nghệ thuật của văn học giai đoạn này đã xuất hiện đặc điểm mới. Đó là tính “duy tình”, tính “duy mỹ” và tính “dị biệt”.

3.2.1. Hình tượng nghệ thuật với tính duy tình

“Bậc thánh mới quên được tình”, văn học trung đại ban đầu đi tìm bản chất hiền triết, thánh nhân ở con người. Thiền sư quên hết thất tình lục dục trong cõi Niết bàn an tịnh. Nho gia nghiệm thấu lẽ tạo hóa, bỏ qua sự sống chết nhờ có tình cảm cao cả: “Bui có một lòng trung mấy hiếu – Mài chăng khuyết nhuộm chăng đen” (Thuật hứng 24 – Nguyễn Trãi). Đạo gia học phép tiên, rong chơi ngoài cõi thế vì cuộc đời còn lại gì ngoài giấc mộng Nam Kha. Vui, buồn, yêu, hận tan biến như


mộng huyễn, bào ảnh. Nhưng một ngày Phật, Nho, Đạo đều không cứu rỗi được linh hồn. Văn học lại trở về quay quắt giữa cõi nhân sinh đầy giông bão. Đó là lúc văn học hướng đến một chức năng mới: chức năng “ngôn tình”. Theo chức năng này, người viết chú trọng đến tính “duy tình” khi xây dựng hình tượng nghệ thuật. Đối tượng miêu tả của văn học dù là con người hay cảnh vật, sự vật thì đều chịu chi phối bởi một tính chất chung, trong đó con người “vị tình” là hình tượng trung tâm phản chiếu sự biến đổi sâu sắc của cả giai đoạn.

Như một sự phản ứng lại với những trói buộc của lễ giáo, từ khoảng cuối thế kỷ XV, con người tự do theo đuổi tình yêu dần xuất hiện nhiều hơn trong tác phẩm tự sự, như Hương miết hành (Khuyết danh), một số truyện của Thánh Tông di thảo Truyền kỳ mạn lục. Nho sĩ như Nhuận Chi, Hà Nhân Giả trong Truyền kỳ mạn lục từ bỏ con đường tiến thân lập nghiệp, chìm đắm vào bể ái tình. Nếu trước đó, các nhân vật có công trong lịch sử luôn bộc lộ phẩm chất cao cả trong mọi hoàn cảnh, hiện lên như một anh hùng của cộng đồng thì giờ đây họ được khám phá từ phía cuộc sống cá nhân. Chuyện Lệ Nương (Truyền kỳ mạn lục) kể về Phật Sinh, một nhân vật công thần của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn nhưng lại soi xét hành động xông pha đánh giặc của chàng từ mối tình đau khổ với Lệ Nương. Chuyện rằng Phật Sinh và Lệ Nương được đính ước từ khi còn trong bụng mẹ. Về sau, Lệ Nương bị bắt vào cung. Cuối đời Hồ, giặc Minh tràn vào, Lệ Nương bị giặc cướp đi. Phật Sinh vất vả tìm kiếm, tìm đến nơi thì nàng đã mất. Hai người chỉ gặp được nhau trong mộng. Cuối cùng, Phật Sinh “buồn rầu quay về, từ đấy không lấy ai nữa. Đến sau vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa Lam Sơn, Sinh vì mối hờn oán cũ, đem quân ứng mộ, phàm gặp tướng sĩ nhà Minh đều chém giết cho hả” [159, tr.259].

Lời bình cuối truyện dùng nhãn quan Nho giáo nghiêm khắc đánh giá Phật Sinh: “Như chàng Lý kia, vì mối ẩn tình, giữ bề ước cũ, lưu ly hoạn nạn, vẫn chẳng quên lời, thì thật đáng thương, mà lẽ phải thì chưa thật ổn. Bởi sao? Cảm tình mà đi tìm thì nên, liều chết mà đi tìm thì không nên, huống lại thôi không lấy vợ, để đứt dòng giống của tiền nhân phỏng có nên không?” [159, tr.259]


Tự thân câu chuyện và lời bình bộc lộ xung đột trong phương thức sáng tạo và tiếp nhận hình tượng con người “vị tình”. Phật Sinh là con người sống và chết vì tình. Hành động anh hùng hưởng ứng khởi nghĩa Lam Sơn khi cắt nghĩa sâu xa thì hóa ra xuất phát từ tiếng gọi của ái tình. Hình tượng ấy khó chấp nhận đối với độc giả sùng đạo Nho. Tiếp sang thế kỷ XVIII – XIX, con người “vị tình” sẽ lên tiếng mạnh mẽ ở tác phẩm trữ tình lẫn tự sự, khẳng định sức sống của ý thức mới. Một loạt tác phẩm tập trung xây dựng hình tượng nhân vật chủ động trong tình yêu. Người ca nữ họ Nguyễn trong Lan Trì kiến văn lục dành cho chàng thư sinh nghèo tình yêu thủy chung, không cần báo đáp: “Thiếp không có phúc để làm vợ chàng thì những thứ tiền bạc này đâu có phúc để tiêu mà nhận” [232, tr.70.] Tú Uyên trong Cuộc gặp gỡ kỳ lạ ở Bích Câu gặp mỹ nhân ở chùa Ngọc Hồ, vừa gặp đã yêu, “thần hồn lúc nào cũng để bên người đẹp” (Tục truyền kỳ) [133, tr.372]. Nguyệt Nga trong Lục Vân Tiên trên đường đến Hà Khê cho cha “định bề nghi gia” lại quyết ý chung tình với Vân Tiên:

Vân Tiên từ giã phản hồi, Nguyệt Nga than thở: “Tình ôi là tình!”

Nghĩ mình mà ngán cho mình, Nỗi ân chưa trả, nỗi tình lại vương.

(Lục Vân Tiên) [17, tr.235]

Lục Vân Tiên mở đầu bằng lời răn có vẻ rất đúng chất Nho giáo: “Trai thời trung hiếu làm đầu – Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình”. Trong diễn tiến câu chuyện, Nguyệt Nga hết mực bảo vệ tiết hạnh. Tưởng chừng Nguyệt Nga là hình mẫu liệt nữ quen thuộc của văn học trung đại. Vậy mà, nàng không phải. Đường vec - tơ chỉ hướng trong ba mối quan hệ vua – tôi, cha – con, chồng – vợ theo Nho giáo là đường một chiều, chỉ có phụng sự, hy sinh, không có quyền tự quyết. Nguyệt Nga của Đồ Chiểu tự do trao gửi lòng mình cho chàng trai mang tên Vân Tiên mà không cần ý kiến cha mẹ. Vào lúc quyết định mình sẽ là vợ Vân Tiên, Nguyệt Nga đã vi phạm lời răn “tại gia tòng phụ”. Giữ lấy một chữ tòng với Vân Tiên, thật ra nàng chỉ là tuân theo sự thôi thúc từ con tim:


Nguyện cùng Nguyệt lão hỡi ông, Trăm năm cho vẹn chữ tòng mới an.

Hữu tình chi bấy Ngưu lang,

Tấm lòng Chức nữ vì chàng mà nghiêng.[17, tr.235]

Nhân vật chính diện của tác phẩm tự sự thể hiện phẩm chất tốt đẹp qua ứng xử của họ khi đối diện với chữ “tình”. Bên cạnh tình yêu táo bạo, tình dục cũng được đề cập đến. Tình dục là một phần của con người tự nhiên, văn học giai đoạn hậu kỳ thừa nhận sự thật ấy. Cái khát vọng thân xác đậm thêm ý nghĩa nhân văn vì nó là một khía cạnh của khát vọng yêu thương. Tiên quận chúa, con gái chúa Trịnh Doanh, đính hôn với Thái tử Duy Vĩ nhưng mất sớm. Nàng tìm lại người yêu trong mộng cùng uống trà, trò chuyện, sau đó “buông màn cùng nhau âu yếm” (Tiên quận chúa – Tang thương ngẫu lục) [81, tr.204]. Song Tinh giữ mình trong đêm động phòng hoa chúc vì nguyện ước với người xưa, Kim Trọng quan niệm về chữ trinh khác hẳn người thường, chẳng phải đều là vì tình yêu hay sao?

Tác phẩm trữ tình khai thác tâm trạng ở nhiều cung bậc cảm xúc. Văn học yêu thích chủ đề tình yêu lãng mạn:

Chẳng biệt ly ai dễ biết chữ tình,

Hỏi Ô Thước doành Ngân khơi mấy dặm?

(Thất tịch – Cao Bá Quát) [115, tr.108]

Trường đình dạ dạ mộng bình vi Y cựu hàn huyên đăng hạ thuyết.

(Hạ trung tiếp đáo khuê vi hung tấn ai cảm kỳ thực

– Phan Huy Ích) [121, tr.34 - 35]

(Nơi trường đình đêm đêm mơ về chốn buồng the, Vẫn cùng ai hàn huyên dưới ánh đèn như trước.

(Giữa mùa hạ, nghe tin dữ chốn phòng khuê đau buồn ghi lại)

Nhà thơ không e ngại giãi bày tâm sự cùng vợ, người yêu, người thân, bạn tri âm. Số lượng tác phẩm khá nhiều, trong luận án chúng tôi chỉ liệt kê được một phần ít ỏi: Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn), Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều),


Thập tư, Thập bất tư (Ngô Thì Sĩ), Tặng nội (Nguyễn Hành), Hoài nội (Ngô Thì Nhậm), Đề minh tinh hậu diện, Đoạn trường lục (Phạm Nguyễn Du), Mộng vong nữ (Cao Bá Quát), Tiếp nội thư tính ký hàn y bút điều cổ sự (Cao Bá Quát), Từ giã vợ đi làm quan (Phan Thanh Giản), Tư gia (Bùi Dương Lịch), Tống nội tử Ngô Vũ Khanh nam quy (Nguyễn Thông), Văn tế khóc vợ, Đề nhà mồ vợ (Bùi Hữu Nghĩa), Điệu nội (Nguyễn Khuyến), Thương vợ (Trần Tế Xương)...

Trong số các nhà thơ trung đại, Ngô Thì Sĩ là tác giả viết thơ tình nhiều vào loại bậc nhất. Ở Ngô Thì Sĩ, thi phẩm và lời phê bình về thơ của ông thống nhất cao độ. Tự nhận mình là người “đa tình”, Ngô Thì Sĩ làm thơ chuyên chú ở chữ tình:

Tảo tri viễn hoạn ly tình khổ, Vạn hộ hầu, ô túc đạo tai.

(Chính thất một hậu, thứ thất lý khổn chính, diệc hiền thục, hựu phụ đức, phương thậm đắc ngẫu chi hỷ, tựu tăng táng ngẫu chi bi, cảm thành nhất luật)

(Nếu biết trước đi làm quan xa phải chịu cảnh khổ biệt ly

Thì tước vạn hộ hầu kia có đáng kể chi.) [184, tr. 245]

(Sau khi vợ cả mất, vợ thứ trông nom việc gia đình, cũng là người hiền thục, có đức làm vợ, vừa rất mừng được bạn lứa đôi, lại thêm ngay nỗi buồn lẻ loi, xúc cảm thành thơ)

Quan niệm của Ngô Thì Sĩ chẳng khác suy nghĩ của người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm: “Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu – Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong”. Có điều, Ngô Thì Sĩ là một ông quan, không phải thiếu phụ phòng khuê. Tâm trạng của Ngô Thì Sĩ trong thơ đại diện cho tâm trạng chung của một giai đoạn văn học mà con người tha thiết giành lấy quyền truy cầu hạnh phúc, theo đuổi tình yêu đôi lứa. Hôn nhân là đạo lớn song hôn nhân được miêu tả như tình yêu lãng mạn khác với hôn nhân sắp đặt. Xót thương người vợ đã mất, Ngô Thì Sĩ (1726 - 1780) viết Thập tư (Mười nhớ), Thập bất tư (Mười không nhớ) gồm hai


mươi bài thơ Đường luật và Khuê ai tiểu truyện. Gọi là truyện nhưng thực ra có thể xếp tác phẩm này vào mục hồi ký theo định nghĩa hiện đại. Sức hấp dẫn của tác phẩm nằm ở những ghi chép về đời thường vụn vặt, riêng tư, những câu nói đùa giỡn mà nhà nho buộc phải che giấu:

“Trong chốn buồng the, tuy được chồng yêu dấu đủ điều mà chưa từng có vẻ nũng nịu. Tôi thường nói bỡn rằng: “Nàng đoan chính trọng hậu thì có, chỉ có điều hình dung không được kiều mị và lời nói không được như ru mà thôi!”. Nàng cười đáp: “Chỗ kém của em chính là ở đó, muốn sửa cũng không thể được”.” [184, tr.236]

Văn học chuyển tiêu điểm vào thế giới nội tâm con người. Khi ấy, giấc mơ trở thành một yếu tố nghệ thuật, một phương thức để khám phá nội tâm. Giấc mơ, có lúc còn được gọi là cơn mê, chiêm bao, mộng mị, rất phổ biến trong văn học trung đại, thường mang chức năng điềm báo hoặc thấm đẫm màu sắc tôn giáo, tín ngưỡng. Giấc mộng có thể ẩn chứa triết lý về tính chất ảo ảnh của cuộc đời phù hoa, từ đó hướng con người đến lối sống xem thường công danh, phú quý:

Rượu đến cội cây ta sẽ uống, Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.

(Bạch Vân quốc ngữ thi tập, bài 79

– Nguyễn Bỉnh Khiêm) [155, tr.726]

Tác giả thế kỷ XVIII – XIX đưa thêm vào văn học một loại giấc mơ phản ánh trải nghiệm của con người về cái tôi phân đôi. Trong giấc mơ, những tình cảm bình thường lặn sâu, bị che khuất lại tràn ra, lấn át con người lý trí. Ở Chinh phụ ngâm, giấc mơ trở đi trở lại như một ám ảnh:

Thân thiếp chẳng gần kề dưới trướng, Lệ thiếp nào chút vướng bên khăn.

Duy còn hồn mộng được gần,

Đêm đêm thường đến Giang Tân tìm người. Tìm chàng thuở Dương Đài lối cũ,

Gặp chàng nơi Tương Phố bến xưa. Sum vầy mấy lúc tình cờ,


Chẳng qua trên gối một giờ mộng xuân. Giận thiếp thân lại không bằng mộng, Được gần chàng bến Lũng, thành Quan. Khi những tiếc khi tàn,

Tình trong giấc mộng, muôn vàn cũng không! [217, tr.114-115]

Thật khó để chỉ ra về mặt hình thức giấc mơ ở các tác phẩm trung đại khác nhau như thế nào vì chúng thường được thuật lại như cuộc phiêu lưu của linh hồn sau khi thoát khỏi thân xác. Tuy vậy, điểm đến của các giấc mơ lại khác nhau. Có giấc mơ nhằm đánh thức con người thoát khỏi trói buộc nhân gian, có giấc mơ càng khắc sâu thêm nỗi cô đơn, sợ hãi, làm sống dậy cảm giác trống vắng, lạnh lẽo trong tinh thần và trên cả thịt da:

Dẫu mà tay có nghìn vàng,

Đố ai mua được một tràng mộng xuân.

(Cung oán ngâm khúc) [217, tr.46]

Thệ thuỷ nhật dạ lưu Du tử hành vị quy

Kinh niên bất tương kiến. Hà dĩ uý tương ti (tư) Mộng trung phân minh kiến Tầm ngã giang chi mi.

(Kí mộng – Nguyễn Du) [39, tr.96] (Dòng nước ngày đêm chảy, không trở lại

Du tử đi xa mãi chưa về

Bao năm rồi không gặp nhau Biết lấy gì an ủi nỗi nhớ mong? Nay trong mộng thấy rõ ràng Đến tìm ta ở bến sông này.)

(Gửi mộng)

..... Xem trang tiếp theo?
⇦ Trang trước - Trang tiếp theo ⇨

Ngày đăng: 16/01/2023